Bình tĩnh không được nóng nảy, chờ đợi biến chuyển sự việc sẽ xảy ra.
Đó là lời dặn dò của thầy Dương. Phải chăng đó chỉ là những lời trấn an vô nghĩa? Bởi vì sau đó bọn tôi thấy thầy cứ khép cửa trốn trong phòng. Chẳng hề bước ra ngoài. Có nghĩa là bỏ mặc những người yêu nước đang ở cảnh chỉ màng treo chuông.
Khí thế cách mạng đang bừng bừng dâng cao, đột nhiên vì thái độ của thầy mà rơi tọt xuống vực thẳm thất vọng, trong lòng mọi người đều mang nặng nỗi u uất khó tả.
Giờ học cũng như giờ ra chơi. Chúng tôi đều chẳng thấy hứng khởi. Ai cũng có một khuôn mặt nặng nề, Lưu Đại Khôi cứ thở dài, Dương Sơn, Vương Mộ Đạo, Hầu Đại Nghĩa thì tập tành uống rượu. Liễu Ngạn Phong ngồi đâu cũng rên rỉ những vài tình ca ai oán. Cao Triết Huê thì lầm lì động tí là gây gổ đánh nhau. Ngay cả Ngô Hán Thanh, người thường ngày bình tĩnh nhất cũng thay đổi. Hắn như con chó điên. Suốt ngày lăng xăng chạy ra chạy vào phòng thầy Dương mà mặt mày hốc hác.
Cuộc sống căng thẳng cứ thế. Ba ngày đã trôi qua, những tin đồn vô căn cứ lại đến dồn dập. Nào là Khuyển Dưỡng Quang Hùng đã âm thầm thủ tiêu hết những chiến sĩ bị bắt kia. Người nói chưa, chờ vài ngày tới chợ phiên sẽ bêu đầu họ giữa chợ. Người nói đội du kích địa phương đã sẵn sàng hành động cướp tù. Bọn tôi nghe tin đành tìm thầy Dương báo cáo, nhưng đến phòng thầy chỉ thấy cửa cứ đóng kín mít.
Qua ngày thứ tư, đang ngủ đột nhiên chúng tôi nghe tiếng còi báo động vang lên ầm ĩ. Ai cũng tưởng đội binh du kích đã tràn vào thị trấn, nhưng sau đó hỏi rõ ra thì biết được một tin chẳng kém động trời - Đấy là Anh Tử đã bị bắt cóc ở rừng phong.
Sáng hôm sau, báo chí tường thuật rõ ràng. Đó là vào lúc sáu giờ chiều hôm qua. Anh Tử vừa đi học về nhà là vội vã dùng cơm, rồi sau đó thay quần áo mới, xách máy ảnh theo có vẻ như đi dạ hội ở đâu đó mà người nhà không biết. Bọn lính gác ngoài cổng nói còn nhìn thấy Anh Tử đi về hướng rừng phong.
Khoảng bảy giờ tối, người gần đó nghe tiếng la trong rừng. Nhưng chẳng ai ngờ đó là tiếng la của Anh Tử. Sau đó có một chiếc xe kéo do một thanh niên trẻ kéo một ông già đạo mạo có chiếc va li to trên xe từ ngõ tắt trong rừng chạy về phía trường học rồi biến mất.
Đến chín giờ tối, Khuyển Dưỡng Quang Hùng từ bộ tư lệnh trở về doanh thự, nghe người nhà báo lại là Anh Tử đi chơi chưa về, nhưng vì tưởng là Anh Tử đi với Uông Đông Nguyên nên vững tâm không lo gì cả.
Mãi đến mười giờ khuya khi Uông Đông Nguyên gọi điện đến hỏi thì Khuyển Dưỡng Quang Hùng giật mình cho bộ hạ đi khắp nơi tìm. Khi họ vào đến rừng phong, phát hiện chiếc khăn choàng màu đỏ của Anh Tử rơi xuống đất, cạnh khăn có một lá thư thì mới hay là Anh Tử bị bắt cóc.
Nội dung bức thư là của đội du kích. Họ bảo họ bắt cóc Anh Tử để Quang Hùng trao đổi tù binh. Và yêu cầu Khuyển Dưỡng Quang Hùng phải chỉ thị cho trưởng ban an ninh ngụy là Đinh Tân Trai, trong vòng ba ngày phải đến điểm hẹn ở vùng giải phóng thương thảo. Còn nếu không thì coi như cuộc trao đổi thất bại và Anh Tử sẽ được "giải quyết".
"Giải quyết" là tiếng lóng của dân giang hồ có nghĩa là "thủ tiêu" con tin.
Sự kiện trên làm chấn động cả bọn tôi, lũ học trò còn chưa phân biệt được rõ ràng thiện ác, hành động bắt cóc Anh Tử nó giống như một cuộc tống tiền, nên có nhiều đứa trong bọn nọ cảm thấy bất bình. Hào khí của đội du kích bị mờ nhạt.
Trong quán cà phê họ đồn đại kẻ bắt cóc Anh Tử là dư đảng của Hồ Tam. Mà nếu vậy thì thật đáng lo. Dư đảng của Hồ Tam có học hành gì. Anh Tử trong tay bọn côn đồ này liệu có còn nguyên vẹn không? Không chừng khi giải thoát ra nàng đã là áp trại phu nhân của tên đầu đảng rồi.
Cao Triết Huê đi dò tin tức ở đâu, về nói.
- Chuyện bắt cóc này không phải do bọn thổ phỉ tầm thường thực hiện. Vì khu vực bắt cóc nằm ở khu cấm địa được canh phòng cẩn mật. Như vậy là phải có nội tuyến mới thực hiện được. Xem ra bọn người hành động phải có nội tuyến. Họ phải biết rõ nhất cử nhất động của Anh Tử. Đây đúng là một đòn đau điếng giáng vào Khuyển Dưỡng Quang Hùng.
Vương Mộ Đào và Hầu Triều Nghĩa thì có một tin sốt dẻo khác.
- Đây là hành động trả thù của thân nhân những người đã từng bị quân Nhật hại. Họ biết Khuyển Dưỡng Quang Hùng chỉ có độc một cô con gái, nên bắt cóc Anh Tử để ăn miếng trả miếng.
Anh Ngọc Như có cha là trưởng ban an ninh ngụy nên có vẻ rành rõi tin tức nhờ hiến binh Nhật cung cấp. Hắn nói chính cha hắn cũng nhận được một lá thư cảnh cáo. Bọn bắt cóc đòi thả những người bị bắt ra đồng thời đòi thêm một số tiền chuộc lớn. Chính vì vậy mà bọn Nhật đã chỉ thị cho thương hội phải quyên tiền các tiệm quán, xưởng máy để góp vào cho đủ.
Bọn học trò chúng tôi rất thích thú khi thấy Khuyển Dưỡng Quang Hùng gặp "bão lớn". Thật đáng đời vì hắn đã gieo quá nhiều gió. Hành động trả thù của bọn thổ phỉ nào có thấm vào đâu so với tội ác mà bọn chúng đã gieo. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Lấy độc trị độc, một bài học nhớ đời của bọn quân phiệt Nhật.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một số học sinh không quá khích lại quan tâm đến sự nguy hiểm mà Anh Tử gặp. Bởi vì một cô gái yếu đuối lại đẹp như Anh Tử, trong tay bọn cướp dữ dằn khác nào chuột trước miệng mèo. Có được thả ra đi nữa chưa chắc Anh Tử còn trinh nguyên.
Và cả trường ai cũng biết người quan tâm đến sự an nguy của Anh Tử nhất chẳng ai khác hơn là Uông Đông Nguyên và Ngô Hán Thanh.
Uông Đông Nguyên bề ngoài có vẻ bình tĩnh nhưng nội tâm lại dao động dữ dội. Ông lên bục giảng mà cứ quên đầu quên đuôi. Chuông trường vừa đổ là đã hối hả bỏ về.
Còn Ngô Hán Thanh? Bên ngoài thì tỏ ra không quan tâm lắm đến chuyện đó, nội tâm thì không đoán được ra sao. Hắn cứ cắm cúi lo học. Đến độ có nhiều người cũng thấy bất bình cho rằng hắn có trái tim gỗ đá.
Trong khi đó bọn Nhật đã mở cuộc truy lùng ráo riết, nơi nào cũng đặt chốt kiểm soát. Mọi người ai nấy phập phồng e sợ vạ vào thân, thầy hiệu trưởng cũng sợ học trờ ham bép xép liên lụy nên cho nghỉ Tết sớm hơn mọi năm. Các học sinh có gia đìnhở thị xã hay các vùng gọi là an ninh thì được về nhà. Chỉ còn lại những học sinh không về được mới ở lại ký túc xá, nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ của trường.
@by txiuqw4