sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tập 2

Mười Lực làm Phẳng Thế giới Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Chúa đã tạo ra thế giới trong sáu ngày và ngày thứ bảy ngài đã nghỉ. Việc làm phẳng thế giới kéo dài hơn một chút. Thế giới được làm phẳng bởi sự hội tụ của mười sự kiện chính trị, sự đổi mới, và công ti chính. Chẳng ai trong chúng ta đã nghỉ từ khi đó, hay có lẽ có bao giờ lại sẽ nghỉ. Chương này là về các lực đã làm phẳng thế giới và nhiều dạng và công cụ mới cho cộng tác mà sự làm phẳng này đã tạo ra.

LỰC LÀM PHẲNG # 1

9/11/89

Khi các Bức Tưởng đổ xuống và Windows [Cửa sổ] Đi lên

Lần đầu tiên tôi thấy Tường Berlin, nó đã có một lỗ rồi.

Đó là tháng 12 năm 1990, và tôi đi Berlin với các phóng viên đưa tin về Bộ trưởng Ngoại giao James A. Baker III. Tường Berlin đã bị chọc thủng một năm trước, ngày 9 tháng Mười một năm 1989. Vâng, trong một sự tình cờ thần bí tuyệt vời về ngày tháng, bức Tường Berlin đổ ngày 9/11. Bức tường, ngay cả ở trạng thái bị đâm thủng và bị vỡ, vẫn là một vết sẹo xấu xí ngang Berlin. Bộ trưởng Baker tiến hành cuộc viếng thăm đầu tiên của ông để xem chứng tích đổ nát này của chủ nghĩa cộng sản Soviet. Tôi đứng cạnh ông với một nhóm nhỏ các phóng viên. “Đó là một ngày sương mù, u ám,” Baker nhớ lại trong hồi kí của ông, The Politics of Diplomacy, “và trong áo mưa của mình, tôi cảm thấy giống mộthân vật trong một tiểu thuyết của John le Carré. Nhưng khi tôi nhòm qua một vết nứt trên Tường [gần Reichstag] tôi thấy sự ảm đạm [có] độ phân giải cao đặc trưng cho Đông Berlin, tôi nhận ra rằng những người dân thường của Đông Đức đã tự mình tuỳ nghi hành động một cách hoà bình và kiên định. Đấy là cuộc cách mạng của họ.” Sau khi Baker đã nhòm xong qua bức tường và tiến lên, các phóng viên chúng tôi lần lượt nhòm qua cùng lỗ bê-tông lởm chởm ấy. Tôi đã mang một đôi miếng tường về nhà cho các con gái tôi. Tôi nhớ nghĩ nó có vẻ quái đản làm sao - quả thực, một chuyện thật kì quái, bức tường xi măng này uốn khúc ngang một thành phố hiện đại chỉ vì mục đích duy nhất để ngăn người dân ở bên kia hưởng thụ, thậm chí thoáng thấy, tự do.

Sự sụp đổ bức Tường Berlin ngày 9/11/89 đã thả các lực lượng cuối cùng giải phóng tất cả những người bị giam cầm của Đế chế Soviet. Nhưng nó, thực ra, đã làm nhiều hơn rất nhiều. Nó làm nghiêng cán cân quyền lực trên thế giới về phía các nước tán thành cai trị dân chủ, đồng thuận, theo hướng thị trường tự do, và rời xa các nước ủng hộ sự cai trị độc đoán với các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Chiến tranh Lạnh đã là một cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống kinh tế- chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản – và với sự sụp đổ của bức tường, chỉ còn lại một hệ thống và mỗi người phải định hướng mình theo nó bằng cách này hay cách khác. Từ nay trở đi, ngày càng nhiều nền kinh tế sẽ được cai quản từ dưới lên bởi lợi ích, yêu cầu, và nguyện vọng của nhân dân, hơn là từ trên xuống. Trong vòng hai năm, đã không còn Đế chế Soviet nữa để núp sau hay để yểm trợ cho các chế độ độc đoán ở Châu Á, Trung Đông, Châu Phi, hay Mĩ Latin. Nếu bạn không là một nền dân chủ hay một xã hội dân chủ hoá, nếu tiếp tục bám chặt vào hoạt động kinh tế điều tiết mạnh hay kế hoạch hoá tập trung, bạn bị coi là ở phía sai của lịch sử.

Đối với một số người, đặc biệt giữa các thế hệ già, đấy là sự biến đổi không được hoan nghênh. Chủ nghĩa cộng sản là một hệ thống vĩ đại làm cho người ta nghèo ngang nhau. Thực ra cho việc đó trên thế giới không có hệ thống nào tốt hơn chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản làm cho người ta giàu không đồng đều, và đối với một số người đã quen với cung cách sống cặm cụi, hạn chế, nhưng an toàn Xã hội chủ nghĩa- nơi một việc làm, nhà ở, giáo dục, và lương hưu, cho dù xoàng, tất cả đã được đảm bảo- sự sụp đổ của Tường Berlin là vô cùng đáng lo. Song đối với nhiều người khác, nó đã là một tấm thẻ tự do ngoài nhà tù. Đó là vì sao sự sụp đổ của Tường Berlin được cảm nhận ở nhiều nơi đến vậy hơn chỉ ở Berlin, và vì sao sự sụp đổ của nó là một sự kiện làm phẳng thế giới như vậy.

Quả thực, để đánh giá đúng các tác động làm phẳng sâu rộng của sự sụp đổ Tường Berlin, tốt nhất đi trò chuyện với những người không phải Đức hay Nga. Tarun Das đã đứng đầu Liên minh Công nghiệp Ấn Độ khi bức tưởng Berlin đổ, và ông đã thấy ảnh hưởng lăn tăn suốt lộ trình của nó đến Ấn Độ. “Chúng tôi đã có đống khổng lồ này về quy định, kiểm soát và quan liêu,” ông nhớ lại. “Nehru lên nắm quyền [sau sự kết thúc cai trị thuộc địa của Anh] và đã có một nước khổng lồ để cai quản, và không có kinh nghiệm nào về điều hành đất nước. Hoa Kì đã bận với Châu Âu và Nhật Bản và kế hoạch Marshall. Cho nên Nehru ngó lên phương bắc, qua dãy Himalaya, và đã cử nhóm kinh tế gia của ông đi Moscow. Họ trở về và nói nước này [Liên Xô] gây kinh ngạc. Họ phân bổ các nguồn lực, cấp các giấy phép, có một uỷ ban kế hoạch quyết định tất cả mọi thứ, và đất nước chuyển động. Cho nên chúng tôi đã theo mô hình đó và quên rằng chúng tôi có một khu vực tư nhân… Khu vực tư nhân đó bị đặt dưới bức tường quy định này. Vào 1991, khu vực tư nhân vẫn đó, nhưng bị che giấu, và đã có sự ngờ vực về việc kinh doanh. Chúng kiếm lời! Toàn bộ cơ sở hạ tầng từ 1947 đến 1991 do nhà nước sở hữu … [Gánh nặng của sở hữu nhà nước] đã hầu như làm phá sản đất nước. Chúng tôi đã không có khả năng trả các khoản nợ của mình. Như một dân tộc, chúng tôi không có sự tự tin. Chắc chắn, chúng tôi đã có thể thắng vài cuộc chiến tranh với Pakistan, nhưng điều đó không cho quốc gia sự tự tin”.

Năm 1991, với Ấn Độ cạn hết ngoại tệ mạnh, Manmohan Singh, bộ trưởng bộ tài chính lúc đó (và là thủ tướng bây giờ), đã quyết định rằng Ấn Độ phải mở nền kinh tế của mình. “Bức Tường Berlin của chúng tôi sụp đổ,” Das nói, “và nó giống như thả một con hổ bị nhốt trong cũi. Kiểm soát thương mại bị bãi bỏ. Chúng tôi luôn tăng trưởng 3 phần trăm, được gọi là tỉ lệ tăng trưởng Hindu - chậm, thận trọng, và bảo thủ. Để kiếm [lợi tức tốt hơn], bạn phải đi Mĩ. Đấy, ba năm sau [cải cách 1991] chúng tôi tăng trưởng 7 phần trăm. Kệ cha sự nghèo nàn! Bây giờ để kiếm [ăn] bạn có thể ở lại Ấn Độ và trở thành một trong những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes…Tất cả các năm xã hội chủ nghĩa và kiểm soát đã đẩy chúng tôi xuống dốc đến điểm chúng tôi đã chỉ có 1 tỉ $ ngoại tệ. Ngày nay chúng tôi có 118 tỉ $… Chúng tôi đã đi từ sự tự tin trầm lặng đến hoài bão mãnh liệt trong một thập kỉ”.

Sự sụp đổ Tường Berlin đã không chỉ giúp làm phẳng các lựa chọn khả dĩ cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và cởi trói cho những năng lực to lớn bị dồn nén đối với hàng triệu người ở các nơi như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, và Đế chế Soviet trước đây. Nó cũng cho phép chúng ta nghĩ về thế giới khác đi – nhìn nó như một toàn thể không có vết khâu nối. Bởi vì Tường Berlin đã không chỉ chặn đường chúng ta; nó đã chặn tầm nhìn của chúng ta- khả năng của chúng ta để nghĩ về thế giới như một thị trường đơn nhất, một hệ sinh thái đơn nhất, một cộng đồng đơn nhất. Trước 1989, đã có thể có một chính sách phương Đông hay chính sách phương Tây, song khó để nghĩ về có một chính sách ‘toàn cầu’. Amartya Sen, nhà kinh tế Ấn Độ đoạt giải Nobel bây giờ dạy ở Harvard, một lần đã lưu ý tôi rằng “Tường Berlin đã không chỉ là một biểu tượng về giữ người dân ở bên trong Đông Đức – nó đã là cách ngăn cản một loại tầm nhìn toàn cầu về tương lai của chúng ta. Chúng ta không thể tư duy về thế giới một cách toàn cầu khi Tường Berlin còn đó. Chúng ta không thể nghĩ về thế giới như một tổng thể”. Có một câu chuyện thú vị tiếng Sanskrit, Sen nói thêm, về một con ếch sinh ra trong một cái giếng, ở đó và sống suốt đời trong giếng ấy. “Nó có một thế giới quan bao gồm cái giếng”, ông nói. “Đối với nhiều người trên hành tinh đó là cái thế giới đã giống như trước khi bức tường sụp đổ. Khi tường sụp đổ, nó giống như con ếch trong giếng đột nhiên có khả năng liên lạc với những con ếch ở các giếng khác … Nếu tôi ca tụng sự sụp đổ bức tường, chính là vì tôi tin chắc rằng chúng ta có thể học từ nhau nhiều đến thế nào. Hầu hết tri thức là học được từ người khác qua biên giới”.

Vâng, thế giới trở thành chỗ tốt hơn để sống sau 9/11, vì mỗi sự bùng phát tự do kích thích một sự bùng phát khác, và bản thân quá trình đó có một tác động làm phẳng qua các xã hội, củng cố những người ở dưới và làm yếu những kẻ ở trên. “Quyền tự do của phụ nữ”, Sen lưu ý, nêu chỉ một thí dụ, “thúc đẩy phụ nữ biết đọc biết viết, có xu hướng giảm sinh đẻ và tỉ lệ chết trẻ em và tăng các cơ hội việc làm cho phụ nữ, rồi ảnh hưởng đến đối thoại chính trị và cho phụ nữ cơ hội có vai trò lớn hơn trong tự quản địa phương”.

Cuối cùng, sự đổ tường đã không chỉ mở đường cho nhiều người hơn để khai thác quỹ tri thức của nhau. Nó cũng mở đường cho chấp nhận các tiêu chuẩn chung- các tiêu chuẩn về nền kinh tế nên được điều hành ra sao, kế toán nên được làm thế nào, hoạt động ngân hàng nên được quản lí ra sao, các máy PC được sản xuất thế nào, và các bài báo kinh tế nên được viết ra sao. Tôi sẽ thảo luận điều này muộn hơn, song ở đây là đủ để nói rằng các tiêu chuẩn chung tạo ra một sân chơi phẳng hơn, bằng hơn. Diễn đạt theo cách khác, sự đổ tường làm tăng sự di chuyển tự do của các tập quán tốt nhất. Khi một tiêu chuẩn kinh tế hay kĩ thuật nổi lên và tự chứng tỏ mình trên vũ đài thế giới, nó được chấp nhận nhanh hơn nhiều sau khi bức tường không còn ngăn cản. Chỉ riêng ở châu Âu, tường đổ đã mở đường cho sự hình thành Liên Minh Châu Âu và sự mở rộng nó từ mười lăm thành hai mươi lăm nước. Điều đó, kết hợp với sự xuất hiện của euro như một đồng tiền chung, đã tạo ra một khu vực kinh tế đơn nhất từ một vùng một thời bị bức Màn Sắt chia cắt.

Trong khi các ảnh hưởng tích cực của sự đổ tường đã rõ ngay, nguyên nhân gây ra nó vẫn chưa rõ lắm. Đã không có một nguyên nhân đơn nhất. Ở mức độ nào đấy chính các con mối đã ăn ruỗng nền móng của Liên Xô, hệ thống đã bị các mâu thuẫn nội tại riêng và tính phi hiệu quả của nó làm suy yếu rồi; mức độ nào đó sự tích tụ quân sự của chính quyền Reagan ở Châu Âu đã buộc Kremlin tự phá sản do chi cho các đầu đạn; và ở mức độ nào đó các cố gắng bất lực của Mikhail Gorbachev để cải cách cái không thể cải cách nổi đã kết liễu chủ nghĩa cộng sản. Song nếu tôi phải chỉ ra một yếu tố như cái đầu tiên giữa những cái ngang nhau, đó là cách mạng thông tin bắt đầu vào đầu đến giữa các năm 1980. Các hệ thống toàn trị phụ thuộc vào sự độc quyền thông tin và vũ lực, và có quá nhiều thông tin bắt đầu tuột qua bức Màn Sắt, nhờ sự phổ biến của các máy fax, điện thoại, và các công cụ truyền thông hiện đại khác.

Một khối lượng tới hạn của các máy PC IBM, và hệ điều hành Windows đã đưa chúng vào cuộc sống, đến cùng nhau khoảng cùng thời kì mà bức tường đổ, và sự phổ biến của chúng đã đóng đinh vào quan tài của chủ nghĩa cộng sản, bởi vì chúng cực kì cải thiện truyền thông theo chiều ngang – có hại cho chính hình thức từ trên xuống mà chủ nghĩa cộng sản dựa vào. Chúng cũng tăng cường mạnh mẽ việc cá nhân thu thập thông tin và sự trao quyền cho cá nhân. (Mỗi thành tố của cách mạng thông tin này do những tiến hoá tách rời gây ra: mạng điện thoại tiến hoá từ mong muốn của người dân nói chuyện với nhau từ xa. Máy fax tiến hoá như cách để truyền thông văn bản trên mạng điện thoại. Máy tính cá nhân được các (trình) ứng dụng sát thủ [killer apps]* - bảng tính và xử lí văn bản. Và Windows tiến hoá từ nhu cầu biến tất cả các thứ này thành có thể dùng được và lập trình được bởi đại chúng).

Máy IBM PC đầu tiên vớ được thị trường năm 1981. Cùng lúc đó, nhiều nhà khoa học máy tính khắp thế giới bắt đầu sử dụng các thứ gọi là Internet và e-mail. Phiên bản Windows đầu tiên được bán năm 1985, và phiên bản đột phá thực tế làm cho PC thật sự thân thiện với người dùng –Windows 3.0 - được xuất bán ngày 22-5-1990, chỉ sáu tháng sau khi bức tường sụp đổ. Trong cùng thời kì này, một số người khác các nhà khoa học bắt đầu phát hiện ra rằng nếu họ mua một PC và một dial-up modem, họ có thể kết nối PC của họ với điện thoại và chuyển e-mail qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet tư nhân – như Compuserve và America Online.

“Sự phổ biến của máy tính cá nhân, máy fax, Windows, và dial-up modem nối với mạng điện thoại toàn cầu tất cả đến cùng nhau vào cuối các năm 1980 và đầu các năm 1990 để tạo ra nền cơ bản khởi động cách mạng thông tin toàn cầu,” Craig J. Mundie, tổng giám đốc kĩ thuật của Microsoft, lập luận. Mấu chốt là sự hợp nhất của tất cả chúng lại thành một hệ thống tương hoạt [có thể hoạt động với nhau] duy nhất. Điều đó xảy ra, Mundie nói, một khi chúng ta có một nền tính toán được chuẩn hoá ở dạng thô – máy IBM PC – cùng với một giao diện người dùng đồ hoạ chuẩn hoá cho xử lí văn bản và bảng tính - Windows – cùng với một công cụ truyền thông chuẩn hoá – dial-up modem và mạng lưới điện thoại toàn cầu. Một khi ta có nền tương hoạt cơ bản đó, thì các trình ứng dụng sát thủ đẩy sự phổ biến của nó rộng khắp mọi nơi.

“Người dân thấy rằng họ thực sự thích làm tất cả những thứ này trên một máy tính, và họ thật sự cải thiện năng suất,” Mundie nói. “Tất cả chúng có sự hấp dẫn cá nhân rộng rãi và khiến cá nhân người dân đứng dậy và mua một PC có thể chạy Windows và đặt trên bàn của họ, và điều đó buộc sự truyền bá nền tính toán mới này vào thế giới tính toán công ti còn nhiều hơn nữa. Người ta nói, ‘Chà, có một vật quý ở đây, và chúng ta phải tận dụng nó’.”

Windows được củng cố càng trở thành hệ điều hành hàng đầu, Mundie nói thêm, “càng có nhiều người lập trình đi viết các ứng dụng cho thế giới kinh doanh giàu có để đưa vào máy tính của họ, cho nên họ có thể làm nhiều việc kinh doanh mới và khác, điều đó bắt đầu làm tăng năng suất còn hơn nữa. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới trở thành các lập trình viên để khiến PC làm mọi thứ họ muốn bằng ngôn ngữ riêng của họ. Windows cuối cùng đã được dịch ra ba mươi tám ngôn ngữ. Người dân có khả năng làm quen với PC bằng ngôn ngữ của chính mình”.

Đấy là hoàn toàn mới và lí thú, nhưng chúng ta không được quên nền PC-Windows ban đầu này đã nông cạn đến thế nào. “Nền này bị ràng buộc bởi quá nhiều giới hạn kiến trúc,” Mundie nói. “Đã thiếu hạ tầng cơ sở”. Internet như chúng ta biết ngày nay - với các giao thức truyền dường như có phép màu, có thể kết nối mọi người và mọi thứ - vẫn chưa nổi lên. Quay lại hồi đó, các mạng đã chỉ có các giao thức rất hạn chế để trao đổi file và các thông điệp e-mail. Cho nên những người dùng các máy tính với cùng loại hệ điều hành và phần mềm có thể trao đổi tài liệu qua e-mail hay chuyển file, nhưng ngay cả làm việc này cũng khá rắc rối nên chỉ có giới ưu tú tin học mới chịu khó. Bạn đã không thể đơn giản ngồi xuống và vèo một e-mail hay một file cho bất cứ ai ở bất cứ đâu- đặc biệt ở bên ngoài công ti của chính bạn hay ngoài dịch vụ Internet riêng của bạn- cách mà bạn có thể làm hiện nay. Đúng, những người dùng AOL có thể liên lạc với những người dùng CompuServe, nhưng việc đó đã chẳng đơn giản cũng không tin cậy. Kết quả là, Mundie nói, một lượng dữ liệu và sáng tạo khổng lồ đã tích tụ trong tất cả các máy tính đó, song đã không có cách dễ dàng, tương hoạt nào để chia sẻ nó và nhào nặn nó. Người ta đã có thể viết các ứng dụng mới cho phép các hệ thống được chọn để hoạt động cùng nhau, nhưng nói chung điều này chỉ giới hạn cho những trao đổi dự kiến giữa các PC bên trong mạng của một công ti đơn nhất.

Giai đoạn này từ 9/11 đến giữa 1990 vẫn dẫn đến sự tiến bộ to lớn về trao quyền cá nhân, cho dù mạng còn hạn chế. Đó là thời kì của “Tôi và máy của tôi bây giờ có thể nói chuyện với nhau tốt hơn và nhanh hơn, nên cá nhân tôi có thể làm nhiều việc hơn” và thời kì của “Tôi và máy của tôi bây giờ có thể nói chuyện với vài bạn bè và vài người trong công ti của tôi tốt hơn và nhanh hơn, nên chúng tôi có kết quả hơn”. Các bức tường đã sụp đổ và các cửa sổ- Windows- đã mở, làm cho thế giới phẳng nhiều hơn bao giờ hết – nhưng thời đại của truyền thông toàn cầu suôn sẻ vẫn chưa rạng.

Tuy ta không để ý đến nó, đã có một nốt chối tai trong thời đại mới lí thú này. Đã không chỉ có người Mĩ người Âu cùng với người dân của Đế chế Soviet tán dương sự sụp đổ tường – và đòi công cho việc đó. Ai đó khác đã nâng li – không phải sâm banh mà là cà phê Thổ đặc. Tên hắn là Osama bin Laden và hắn có một chuyện kể khác. Quan điểm của hắn là các tay súng jihad ở Afghanistan, mà hắn là một, là người đã hạ bệ Đế chế Soviet bằng buộc Hồng Quân rút khỏi Afghanistan (với sự giúp đỡ của Mĩ và Pakistan). Và một khi sứ mạng đó đã hoàn tất – những người Soviet hoàn tất việc rút quân vào 15-2-1989, chỉ chín tháng trước khi Tường Berlin sụp đổ - bin Laden ngó quanh và thấy rằng siêu cường kia, Hoa Kì, có sự hiện diện to lớn ở quê hắn, Saudi Arabia, quê hương của hai thành phố Islam thiêng liêng nhất. Và hắn không thích điều đó.

Như thế, trong khi nhảy múa trên bức tường [đổ] và mở Windows của chúng ta và tuyên bố rằng không còn lựa chọn hệ tư tưởng khả dĩ nào cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do nữa, Bin Laden quay súng của hắn ngắm vào Mĩ. Cả Bin Laden và Ronald Reagan đã coi Liên Xô như “đế chế ác quỷ”, nhưng Bin Laden đi đến nhìn Mĩ cũng là ác quỷ. Hắn đã có một lựa chọn hệ tư tưởng khả dĩ cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do – Islam chính trị. Hắn đã không cảm thấy bị sự chấm dứt của Liên Xô đánh bại; hắn cảm thấy nó làm hắn bạo dạn. Hắn không cảm thấy hấp dẫn với sân chơi được mở rộng; hắn cảm thấy bị nó cự tuyệt. Và hắn đã không phải có một mình. Một số người nghĩ rằng Ronald Reagan đã kéo đổ tường, bằng làm phá sản Liên Xô qua chạy đua vũ trang; những người khác nghĩ IBM, Steve Jobs, và Bill Gates đã kéo đổ tường bằng trao quyền cho các cá nhân tải tương lai xuống. Nhưng ở thế giới khác, ở xứ Muslim, nhiều người nghĩ bin Laden và các đồng chí của hắn đã kéo đổ Đế chế Soviet và bức tường với nhiệt huyết tôn giáo, và hàng triệu người trong số họ được truyền cảm hứng để tải quá khứ lên.

Tóm lại, trong khi chúng ta ca tụng 9/11, các hạt giống của một ngày đáng nhớ khác- 11/9 – đã được gieo. Nhưng sẽ nói nhiều hơn về điều đó muộn hơn trong cuốn sách này. Bây giờ, hãy để cho sự làm phẳng tiếp tục.

LỰC LÀM PHẲNG # 2

9/8/95

Khi Netscape lên sàn [bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng]

Vào giữa các năm 1990, cách mạng mạng PC-Windows đã đạt các giới hạn của nó. Nếu thế giới trở nên thực sự được kết nối, và thực sự bắt đầu trải phẳng ra, cách mạng cần đi vào pha tiếp theo. Và pha tiếp, Mundie của Microsoft lưu ý, “là đi từ một nền tính toán dựa trên PC sang một nền tảng tính toán dựa vào Internet”. Các ứng dụng sát thủ phát động pha mới này đã là e-mail và trình duyệt Internet. E-mail được thúc đẩy bởi các portal [cổng] tiêu dùng mở rộng nhanh chóng như AOL, CompuServe, và cuối cùng MSN. Nhưng đã có killer app mới, trình duyệt Web – có thể lấy các tài liệu hay các trang Web được chứa ở các Web site trên Internet và hiển thị chúng trên bất cứ màn hình máy tính nào – cái đó thực sự thu hút được trí tưởng tượng. Và khái niệm thực tế về World Wide Web - một hệ thống để tạo ra, tổ chức, và liên kết các tài liệu sao cho chúng có thể được duyệt một cách dễ dàng – đã được nhà khoa học máy tính Anh Tim Berners-Lee tạo ra. Ông lập Web site đầu tiên năm 1991, trong một nỗ lực để nuôi một mạng máy tính cho phép các nhà khoa học chia sẻ dễ dàng nghiên cứu của họ. Các nhà khoa học và nhà hàn lâm khác đã tạo ra một số trình duyệt [browser] để lướt Web ban đầu này, nhưng browser chủ đạo đầu tiên – và toàn bộ văn hoá duyệt Web cho quảng đại quần chúng - được tạo ra bởi một công ti khởi nghiệp bé xíu ở Mountain View, California, đợc gọi là Netscape. Netscape ra công chúng ngày 9 tháng 8, 1995, và thế giới không còn giống như trước nữa.

Như John Doerr, nhà tư bản mạo hiểm huyền thoại mà hãng của ông, Kleiner Perkins Caulfield & Byers, đã ủng hộ Netscape, diễn đạt, “Netscape chào bán lần đầu cho công chúng [IPO] đã là một tiếng gọi vang lảnh đối với thế giới để tỉnh dậy hướng tới Internet. Cho đến khi ấy, nó chỉ là lãnh địa của những người cải biến ban đầu và các tay cự phách”.

Pha do Netscape gây ra đã dẫn quá trình làm phẳng theo nhiều hướng then chốt: Nó cho chúng ta browser thương mại phổ biến rộng rãi đầu tiên để lướt Internet. Netscape browser đã không chỉ làm cho Internet sống động mà còn khiến cho Internet có thể truy cập được đối với mọi người từ đứa trẻ năm tuổi đến cụ già tám mươi lăm tuổi. Internet càng sống động, càng nhiều người tiêu dùng muốn làm các việc khác nhau trên Web, nên họ càng đòi hỏi nhiều máy tính, phần mềm, các mạng viễn thông có thể dễ dàng số hoá văn bản, âm nhạc, dự liệu, và ảnh và truyền chúng qua Internet đến máy tính của bất kể ai khác. Nhu cầu này được thoả mãn bởi một sự kiện xúc tác khác: Windows 95 trình làng, được giao tuần lễ sau Netscape đưa cổ phiếu của nó ra công chúng. Windows 95 mau chóng trở thành hệ điều hành được nhiều người dùng nhất khắp thế giới, và không giống các phiên bản Windows trước, nó có sự hỗ trợ Internet cài sẵn, cho nên không chỉ các browser mà tất cả các ứng dụng PC có thể “biết về Internet” và tương tác với nó.

Nhìn lại, cái cho phép Netscape cất cánh đã là sự tồn tại, từ pha sớm hơn, của hàng triệu PC, nhiều máy đã có sẵn modem rồi. Đó là những cái vai mà Netscape đứng lên trên. Cái mà Netscape đã làm là đưa ra một ứng dụng sát thủ mới – browser- cho số PC đã được lắp đặt này, làm cho máy tính và tính kết nối của nó hữu ích hơn một cách vốn có cho hàng triệu người. Đến lượt nó điều này làm nổi bật một sự bùng nổ về cầu đối với mọi thứ digital [số] và châm ngòi cơn sốt Internet, vì mọi nhà đầu tư nhìn vào Internet và kết luận là nếu mọi thứ sẽ được số hoá - dữ liệu, kho hàng, thương mại, sách, âm nhạc, ảnh, và giải trí – và được chuyển và bán trên Internet, thì cầu với các sản phẩm và dịch vụ dựa vào Internet sẽ vô tận. Điều này đã dẫn tới bong bóng cổ phiếu dot-com và một sự đầu tư quá mức vào cáp quang cần để chuyển tải tất cả thông tin số mới. Sự phát triển này, đến lượt nó, đã nối dây toàn bộ thế giới lại với nhau, và, không có ai thực sự dự kiến, đã biến Bangalore thành ngoại ô của Boston.

Hãy nhìn vào mỗi trong những tiến triển này.

Khi tôi ngồi với Jim Barksdale, nguyên CEO của Netscape, để phỏng vấn ông cho cuốn sách này, tôi đã giải thích cho ông rằng một trong các chương trước là về mười đổi mới, sự kiện, và xu hướng đã làm phẳng thế giới. Sự kiện đầu tiên, tôi bảo ông, là 9/11, và tôi giải thích tầm quan trọng của ngày đó. Rồi tôi nói, “Để tôi xem nếu ông có thể phỏng đoán tầm quan của ngày thứ hai, 9/8. Tất cả cái tôi nói cho ông là: 9/8. Chỉ cần một giây để Barksdale suy nghĩ trước khi phóng lại với câu trả lời đúng: “Ngày Netscape lên sàn, ra công chúng!”

Ít ai tranh cãi rằng Barksdale là một trong những nhà khởi nghiệp Mĩ vĩ đại. Ông đã giúp Federal Express phát triển hệ thống theo dõi và tìm vết bưu kiện của nó, sau đó chuyển sang McCaw Cellular, một công ti điện thoại di động, dựng nó lên, và trông coi sự hợp nhất của nó với AT&T năm 1994. Đúng trước khi việc bán kết thúc, một head-hunter [người kiếm người tài] tiếp cận ông mời làm CEO của một công ti mới gọi là Mosaic Communications, được lập bởi hai nhà đổi mới huyền thoại – Jim Clark và Marc Andreessen. Giữa 1994, Clark, đồng sáng lập của Silicon Graphics, đã chung sức với Andreessen để thành lập Mosaic, công ti mau chóng được đổi tên là Netscape Communications. Andreessen, một nhà khoa học máy tính trẻ tài ba, đã vừa dẫn đầu một dự án phần mềm nhỏ ở NCSA [Trung tâm Quốc gia về các Ứng dụng Siêu tính- National Center for Supercomputing Applications], đặt tại Đại học Illinois, đã phát triển Web browser có kết quả thực sự đầu tiên, cũng được gọi là Mosaic. Clark và Andreessen nhanh chóng hiểu được tiềm năng khổng lồ của phần mềm duyệt Web và quyết định hợp tác để thương mại hoá nó. Khi Netscape bắt đầu lớn, họ với tới Barksdale vì sự dẫn dắt và sự thấu hiểu cách hay nhất ra công chúng thế nào.

Ngày nay chúng ta coi công nghệ browser này là dĩ nhiên, nhưng thực sự nó là một trong những sáng chế quan trọng nhất trong lịch sử cận đại. Khi Andreessen trước đây ở phòng thí nghiệm NCSA Đại học Illinois, anh thấy mình có các PC, các máy trạm, và sự kết nối mạng cơ bản để di chuyển file quanh Internet, nhưng nó vẫn chưa thật hứng thú - bởi vì chẳng có gì để duyệt, không có giao diện người dùng để kéo và hiển thị nội dung các Web site của những người người khác. Cho nên Andreessen và đội của anh đã phát triển Mosaic browser, làm cho bất cứ kẻ ngốc, nhà khoa học, sinh viên, hay bà già nào có thể xem được các Web site. Marc Andreessen đã không sáng chế ra Internet, nhưng anh đã làm nhiều như bất cứ cá nhân nào để làm cho nó sống động và truyền bá nó.

“Mosaic browser bắt đầu năm 1993 với mười hai người dùng, và tôi biết tất cả mười hai người,” Andreessen nói. Chỉ có khoảng năm mươi Web site khi đó và chúng hầu hết chỉ là các trang Web đơn lẻ. “Mosaic”, anh giải thích, “được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia - National Science Foundation [NSF]. Tiền thực sự không phân bổ cho xây dựng Mosaic. Nhóm chúng tôi phải làm một phần mềm cho phép các nhà khoa học dùng các siêu máy tính đặt ở các vị trí ở xa, và để nối với chúng bằng mạng NSF. Cho nên chúng tôi xây dựng [browser đầu tiên như] các công cụ phần mềm cho phép các nhà nghiên cứu ‘duyệt’ nghiên cứu của nhau. Tôi nhìn nó như một vòng phản hồi dương: Càng nhiều người có browser, càng nhiều người muốn được kết nối, và sẽ càng có nhiều khuyến khích hơn để tạo nội dung và các ứng dụng và công cụ. Một khi loại việc đó khởi động, nó cứ thế cất cánh và hầu như chẳng gì có thể chặn nó. Khi phát triển nó, bạn không chắc bất cứ ai sẽ dùng nó, nhưng ngay khi nó khởi động chúng tôi đã hiểu rằng nếu có bất cứ ai dùng nó thì mọi người sẽ dùng nó, và khi đó chỉ còn vấn đề là nó sẽ lan ra nhanh thế nào và cái gì có thể là những cản trở trên đường”.

Quả thực, ai đã thử browser, kể cả Barksdale, có cùng phản ứng ban đầu: Chà! “Mỗi hè, tạp chí Fortune có một bài về hai mươi lăm công ti ngon nhất [coolest] khắp nơi,” Barksdale nhớ lại. “Năm đó [1994] Mosaic là một trong số đó. Tôi đã không chỉ đọc về Clark và Andreessen mà đã quay sang bảo vợ tôi, ‘Em yêu, đây là một ý tưởng lớn’. Và rồi chỉ vài tuần muộn hơn tôi nhận cú điện thoại từ headhunter. Cho nên tôi xuống và nói chuyện với Doerr và Jim Clark, tôi bắt đầu dùng phiên bản beta của Mosaic browser. Càng dùng nó tôi càng bị hấp dẫn hơn”. Từ cuối các năm 1980, người ta đã dựng lên các cơ sở dữ liệu với truy cập Internet. Barksdale nói rằng sau khi nói chuyện với Doerr và Clark, ông về nhà, gom ba đứa con ông quanh máy tính của ông, và hỏi mỗi đứa gợi ý một chủ đề có thể duyệt Internet để tìm – và làm chúng thán phục bằng đạt cái gì đó cho mỗi đứa. “Việc đó thuyết phục tôi,” Barksdale nói. “Cho nên tôi gọi lại cho headhunter và nói, ‘tôi là người của ông.’”

Browser thương mại đầu tiên của Netscape – có thể chạy trên một IBM PC, một Apple Macintosh, hay một máy tính Unix - được phát hành tháng 12-1994, và trong vòng một năm nó hoàn toàn chế ngự thị trường. Bạn có thể tải Netscape xuống miễn phí nếu bạn trong ngành giáo dục hay phi lợi nhuận. Nếu bạn là một cá nhân, bạn có thể đánh giá phần mềm miễn phí theo sự hài lòng của mình và mua nó trên đĩa nếu bạn muốn. Nếu bạn là một công ti, bạn có thể đánh giá phần mềm cho chín mươi ngày. Andreessen nói, “Lí do căn bản là: Nếu bạn có sức để thanh toán mua nó, xin hãy làm thế. Nếu không, hãy dùng nó dẫu sao đi nữa”. Vì sao? Vì tất cả việc dùng miễn phí kích thích một sự tăng trưởng ồ ạt về mạng, điều quý giá đối với tất cả các khách hàng trả tiền. Đã có kết quả.

“Chúng tôi đưa Netscape browser lên,” Barksdale nói, “và người ta tải nó xuống miễn phí cho thử ba tháng. Tôi chưa bao giờ thấy khối lượng như thế. Đối với các doanh nghiệp lớn và chính phủ, nó đã cho phép họ kết nối và giải phóng tất cả thông tin của họ, và hệ thống point-and-click [trỏ-và-nhắp chuột] mà Marc Andreessen sáng chế ra đã cho phép người thường dùng nó, không chỉ các nhà khoa học. Và điều đó làm cho nó là một cuộc cách mạng thật sự. Và chúng tôi nói, ‘Cái này sẽ chỉ tăng và tăng và tăng’”.

Chẳng gì đã chặn nó, và đó là vì sao Netscape đã đóng một vai trò làm phẳng hết sức quan trọng khác: Nó đã giúp khiến Internet thực sự có thể tương hoạt. Bạn sẽ nhớ lại rằng trong pha Tường Berlin-PC-Windows, các cá nhân có e-mail và các công ti có e-mail nội bộ đã chưa thể kết nối rất xa. Bộ định tuyến [router] Internet đầu tiên của Cisco, thực ra, được một đôi vợ chồng xây dựng ở Stanford những người muốn trao đổi e-mail; một người làm việc xa một máy tính lớn [mainframe] và người kia trên một PC, và họ đã không thể kết nối. “Các mạng công ti thời đó là [sở hữu] riêng và rời nhau,” Andreessen nói. “Mỗi [mạng] có các định dạng, các giao thức riêng, và các cách khác nhau để làm nội dung. Vì thế tất cả các ốc đảo thông tin này đã tách rời nhau. Và khi Internet nổi lên như một cuộc kinh doanh mạo hiểm có tính thương mại, công cộng, đã có một mối nguy hiểm thực sự rằng nó sẽ nổi lên theo cùng cách rời nhau”.

Joe ở phòng kế toán muốn lên PC của mình ở văn phòng và thử lấy các số liệu doanh thu mới nhất cho 1995, nhưng anh không thể làm việc đó vì phòng bán hàng có hệ thống khác với hệ thống mà phòng kế toán dùng. Đã cứ như một người nói tiếng Đức và người khác nói tiếng Pháp. Và rồi Joe nói, “Cho tôi thông tin giao hàng mới nhất từ hãng Goodyear về loại vỏ [lốp] xe nào họ đã gửi cho chúng ta,” và anh ta thấy rằng Goodyear dùng một hệ thống hoàn toàn khác, và đại lí ở Topeka lại dùng một hệ thống khác nữa. Rồi Joe về nhà và thấy đứa con học lớp bảy của mình tìm trên WWW cho bài luận học kì, dùng các giao thức mở, và ngó vào các tài sản của bảo tàng nghệ thuật nào đó ở Pháp. Và Joe nói, “Thật là điên. Phải có một thế giới hoàn toàn kết nối”.

Trong các năm trước khi Internet trở thành có tính thương mại, Andreessen giải thích, các nhà khoa học đã phát triển một loạt các “giao thức mở” có ý định làm cho hệ thống e-mail của mọi người hay mạng máy tính đại học kết nối suôn sẻ với hệ thống của mọi người khác - để đảm bảo rằng không ai có ưu thế đặc biệt nào đó. Các giao thức dựa vào toán học này, cho phép các dụng cụ số nói chuyện với nhau, giống như các ống thần diệu mà, một khi đã chấp nhận chúng cho mạng của bạn, sẽ khiến cho bạn tương thích với mọi người khác, bất kể họ chạy loại máy tính gì. Các giao thức này đã (và vẫn còn) được biết đến bằng các tên chữ cái hổ lốn của chúng: chủ yếu là FTP, HTTP, SSL, SMTP, POP, và TCP/IP. Cùng nhau, chúng tạo thành một hệ thống để vận chuyển dữ liệu quanh Internet một cách tương đối an toàn, bất kể công ti bạn hay các hộ gia đình có mạng gì hay bạn dùng máy tính hay điện thoại di động hay thiết bị cầm tay gì. Mỗi giao thức có một chức năng khác biệt: TCP/IP là hệ thống ống [nước] cơ bản của Internet, hay các toa xe lửa cơ bản, trên đó tất cả các thứ khác trên nó được xây dựng và di chuyển khắp nơi. FTP di chuyển các file; SMTP và POP di chuyển các thông điệp e-mail, chúng được tiêu chuẩn hoá, sao cho chúng có thể được viết và đọc trên các hệ thống e-mail khác nhau. HTML là một ngôn ngữ cho phép người dân thường tạo ra các trang Web mà bất cứ ai có thể hiển thị với một Web browser. Nhưng việc đưa HTTP vào để di chuyển các tài liệu HTML đi khắp nơi là cái sinh ra World Wide Web như chúng ta biết. Cuối cùng, khi người ta bắt đầu dùng các trang Web cho thương mại điện tử, SSL được tạo ra để cung cấp sự an toàn cho các giao dịch dựa trên Web.

Khi sự duyệt và Internet nói chung tăng lên, Netscape đã muốn làm cho chắc chắn rằng Microsoft, với sự chế ngự thị trường to lớn của nó, sẽ không có khả năng chuyển các giao thức Web này từ các chuẩn mở sang chuẩn riêng mà chỉ có các máy chủ Microsoft mới có khả năng xử lí. “Netscape đã giúp đảm bảo rằng các giao thức mở này sẽ không là sở hữu riêng bằng cách thương mại hoá chúng cho công chúng,” Andreessen nói. “Netscape xuất hiện không chỉ với browser mà với một họ các sản phẩm phần mềm thực hiện tất cả các chuẩn mở này để cho các nhà khoa học có thể liên lạc với nhau bất kể họ ở trên hệ thống nào - một siêu máy tính Cray, một Macintosh, hay một PC. Netscape đã có khả năng cho mọi người một lí do thật sự để nói, ‘tôi muốn theo chuẩn mở đối với mọi thứ tôi làm và đối với mọi hệ thống tôi làm việc với’. Một khi chúng tôi đã tạo ra một cách để duyệt Internet, người ta muốn một cách phổ quát để truy cập đến cái đã có ở đó. Cho nên bất cứ ai muốn chuẩn mở đã đến Netscape, nơi chúng tôi hỗ trợ họ, hay họ đi sang giới nguồn mở và có được cùng các chuẩn miễn phí nhưng không được hỗ trợ, hay họ đến các nhà cung cấp tư nhân của họ và nói, ‘tôi sẽ không mua đồ riêng của anh nữa …tôi sẽ không đăng kí vào vườn có tường bao của anh nữa. Tôi chỉ ở lại với anh nếu anh kết nối với Internet theo các giao thức mở này’.”

Netscape bắt đầu đẩy các chuẩn mở này qua việc bán browser của nó, và công chúng đáp ứng nhiệt tình. Sun bắt đầu làm vậy với các máy chủ của nó, và Microsoft làm vậy với Windows 95, coi việc duyệt hệ trọng đến mức nó xây dựng browser riêng của mình trực tiếp vào Windows với Internet Explorer thêm vào. Mỗi [công ti] nhận ra rằng công chúng, đột nhiên không thể có đủ từ e-mail và duyệt, đã muốn các công ti Internet làm việc cùng nhau và tạo ra một mạng có thể tương hoạt. Họ muốn các công ti cạnh tranh với nhau về các ứng dụng khác nhau, tức là, về cái mà người tiêu dùng có thể làm một khi họ lên Internet - chứ không phải về làm thế nào họ lên Internet lần đầu. Kết quả là, sau khá khá “các cuộc chiến định dạng” giữa các công ti lớn, vào cuối các năm 1990 nền tảng tính toán Internet đã được tích hợp một cách suôn sẻ. Chẳng mấy chốc bất cứ ai đã có khả năng kết nối với bất cứ ai khác ở bất cứ đâu trên bất cứ máy nào. Hoá ra là giá trị của tính tương thích đối với mỗi người là cao hơn nhiều giá trị của việc cố duy trì mạng có tường bao cỏn con của riêng bạn. Sự tích hợp này đã là một lực làm phẳng khổng lồ, bởi vì nó cho phép nhiều đến vậy người được kết nối với rất rất nhiều người khác.

Đã không thiếu người nghi ngờ ở thời đó, họ nói rằng chẳng cái nào trong số này sẽ hoạt động vì nó quá phức tạp, Andreessen nhớ lại. “Anh phải đi ra và kiếm một PC và một dial-up modem. Tất cả những người nghi ngờ đều nói, ‘Cần thời gian lâu để người ta thay đổi các thói quen và học một công nghệ mới.’ [Nhưng] người ta làm việc đó rất nhanh, và mười năm sau đã có tám trăm triệu người trên Internet”. Lí do ư? “Người dân sẽ thay thói quen nhanh khi họ có một lí do mạnh mẽ để làm vậy, và người ta có một sự thôi thúc bẩm sinh để kết nối với người khác,” Andreessen nói. “Và khi bạn cho người ta một cách mới để kết nối với người khác, họ sẽ chọc thủng bất cứ rào cản kĩ thuật nào, họ sẽ học các ngôn ngữ mới - người dân được nối mạng muốn kết nối với người khác và họ thấy khó chịu không có khả năng để làm vậy. Đó là cái Netscape giải phóng”. Như Joel Cawley, phó tổng giám đốc về chiến lược công ti của IBM, diễn đạt, “Netscape đã tạo ra một chuẩn về làm thế nào dữ liệu có thể được chuyển và sắp xếp trên màn hình đơn giản và hấp dẫn đến mức bất cứ người nào và mọi người có thể đổi mới sáng tạo trên nó. Nó nhanh chóng tăng quy mô ra khắp toàn cầu và cho mọi người từ trẻ con đến các công ti”.

Mùa hè 1995, Barksdale và các đồng nghiệp Netscape của ông đi một chuyến biểu diễn lưu động kiểu cổ với các nhà ngân hàng đầu tư từ Morgan Stanley để thử cám dỗ các nhà đầu tư khắp đất nước mua cổ phiếu của Netscape một khi nó ra công chúng. “Khi chúng tôi ở trên đường,” Barksdale nói, “Morgan Stanley nói cổ phiếu có thể bán cao ở giá 14 $. Nhưng sau khi chuyến trình diễn đang tiến triển, họ đã nhận được cầu đối với cổ phiếu, họ đã quyết định tăng gấp đôi giá mở cửa lên 28 $. Chiều cuối cùng trước khi khởi bán, tất cả chúng tôi đều ở Maryland. Đó là trạm cuối của chúng tôi. Chúng tôi có một đoàn xe limousine đen. Chúng tôi nhìn giống một nhóm Mafia nào đó. Chúng tôi cần tiếp xúc với [tổng hành dinh của] Morgan Stanley, nhưng chúng tôi đã ở đâu đó nơi điện thoại di động của chúng tôi không có sóng. Cho nên chúng tôi kéo vào hai trạm xăng chéo nhau này, tất cả các xe limo đen này, để gọi điện thoại. Chúng tôi gọi Morgan Stanley, và họ nói, “chúng tôi nghĩ đưa nó ra với giá 31 $. Tôi bảo, ‘Không, hãy giữ 28 $’, bởi vì tôi muốn người dân nhớ nó là một loại cổ phiếu 20 $, chứ không phải 30 $, nhỡ trong trường hợp không rất thành công. Rồi như vậy sáng hôm sau tôi có cuộc gọi hội nghị và nó được khởi bán với giá 71 $. Đóng cửa với 56 $ đúng bằng hai giá tôi đưa ra”.

Netscape cuối cùng đã là nạn nhân của áp lực cạnh tranh lấn át (và, được toà quyết định, độc quyền) từ Microsoft. Quyết định của Microsoft cho không browser của nó, Internet Explorer, như một phần của hệ điều hàng Windows có địa vị thống trị, kết hợp với khả năng của nó để ném nhiều lập trình viên vào duyệt Web hơn là Netscape, đã dẫn thị phần của Netscape ngày càng giảm. Cuối cùng, Netscape đã được bán với giá 10 tỉ $ cho AOL, mà AOL chẳng bao giờ làm gì mấy với nó. Nhưng tuy Netscape có thể đã chỉ là một ngôi sao băng về phương diện thương mại, nó đã là ngôi sao thế nào, và đã để lại vết ra sao.

“Chúng tôi đã có lời hầu như từ đầu,” Barksdale nói. “Netscape đã không phải là một dot-com. Chúng tôi đã không tham gia vào bong bóng dot-com. Chúng tôi khởi động bong bóng dot-com.”

Và nó đã là một bong bóng thế nào.

“Việc Netscape ra công chúng đã kích động nhiều thứ,” Barksdale nói. “Các nhà công nghệ thích các thứ công nghệ mới nó có thể làm, và người kinh doanh và dân thường bị kích thích về họ có thể kiếm được bao nhiêu tiền. Người ta nhìn thấy tất cả lũ trẻ này tất cả đều kiếm tiền từ đấy và nói, ‘nếu bọn trẻ đó có thể làm việc này và kiếm toàn bộ số tiền đó, tôi cũng có thể’. Tính tham lam có thể là một điều xấu - người ta nghĩ họ có thể kiếm được rất nhiều tiền mà không làm việc nhiều. Nó chắc chắn dẫn đến một mức độ đầu tư qua đáng, ấy là nói nhẹ đi. Mọi ý tưởng ngớ ngẩn và ngớ ngẩn hơn đều được tài trợ”.

Cái gì đã khiến các nhà đầu tư đi tin rằng cầu về sử dụng Internet và các sản phẩm liên quan đến Internet sẽ là vô tận? Câu trả lời ngắn gọn là số hoá. Một khi cách mạng PC-Windows đã chứng tỏ cho mọi người giá trị của khả năng số hoá thông tin và xử lí nó trên máy tính và các bộ xử lí văn bản, và một khi browser làm sống động Internet và khiến các trang Web hát và múa và hiển thị, ai cũng muốn mọi thứ được số hoá càng nhiều càng tốt sao cho họ có thể gửi nó đến ai đó khác các qua đường ống Internet. Như thế cách mạng số hoá đã bắt đầu. Số hoá là một quá trình thần diệu theo đó từ ngữ, âm nhạc, dự liệu, film, file, ảnh được chuyển thành các bit và byte – những kết hợp của các số 1 và số 0 – có thể được thao tác trên màn hình máy tính, chứa [và xử lí] trên một vi xử lí, hay được truyền qua vệ tinh và qua cáp quang. Bưu điện là nơi tôi thường đến để gửi thư, nhưng một khi Internet trở nên sống động, tôi muốn thư của tôi được số hoá để tôi có thể e-mail nó. Chụp ảnh đã thường là một quá trình phức tạp dính đến film tráng bạc được khai từ các mỏ cách xa nửa vòng trái đât. Tôi thường quen chụp ảnh với máy của mình, rồi mang film đến hiệu để giửi đến một xưởng lớn ở đâu đó để xử lí. Nhưng một khi Internet làm cho có thể gửi ảnh vòng quanh thế giới, gắn vào hay ở trong e-mail, tôi không còn muốn dùng film bạc nữa. Tôi muốn chụp các bức ảnh với định dạng số, có thể tải lên, chứ không phải tráng. (Và nhân tiện, tôi không muốn bị giới hạn ở dùng máy ảnh để chụp. Tôi muốn có khả năng dùng điện thoại di động của mình để làm việc đó). Tôi thường quen đến hiệu sách Barnes & Noble để mua và xem lướt các sách, nhưng một khi Internet trở nên sống động, tôi cũng muốn ngó lướt các sách ở dạng số trên Amazon.com nữa. Tôi thường quen đến thư viện để tìm kiếm, nhưng bây giờ tôi muốn làm việc đó ở dạng số qua Google hay Yahoo!, không chỉ bằng lang thang giữa các giá sách. Tôi đã quen mua CD và nghe các ca sĩ Simon và Garfunkel – các đĩa CD đã thay thế các album rồi như một dạng nhạc được số hoá – nhưng khi Internet trở nên sống động, tôi muốn các bit âm nhạc đó trở nên thậm chí dễ bảo hơn và di động. Tôi muốn có khả năng tải chúng xuống một iPod. Trong các năm vừa qua công nghệ số hoá đã tiến hoá và tôi có thể làm đúng điều đó.

Thế đấy, khi các nhà đầu tư quan sát sự đổ xô đi số hoá mọi thứ, họ nói với chính mình, “Con bò linh thiêng. Nếu ai cũng muốn số hoá tất cả các thứ này biến thành các bit và truyền qua Internet, thì cầu cho các công ti dịch vụ Web và cầu đối với cáp quang để xử lí tất cả các thứ được số hoá này quanh thế giới sẽ là vô tận! Bạn không thể thua nếu đầu tư vào đây!”.

Và như thế bong bóng hình thành.

Đầu tư quá đáng không nhất thiết là một việc xấu - với điều kiện cuối cùng nó được hiệu chỉnh. Tôi sẽ luôn nhớ buổi họp báo mà chủ tịch Microsoft Bill Gates tổ chức ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới 1999 tại Davos, ở đỉnh của bong bóng kĩ thuật. Các phóng viên đã dồn dập bỏ bom Gates với các phiên bản của câu hỏi, “Ông Gates các cổ phiếu Internet này là bong bóng, đúng không? Chắc chắn chúng là bong bóng. Chúng phải là một bong bóng?” Cuối cùng Gates điên tiết đã nói cho các phóng viên cái gì đó về ảnh hưởng, “Này, bọn mày, tất nhiên chúng là bong bóng, nhưng tất cả các cậu đều không nắm được điểm chính. Bong bóng này thu hút rất nhiều vốn cho công nghiệp Internet này, nó sẽ thúc đẩy sự đổi mới nhanh hơn và nhanh hơn”. Gates đã so Internet với việc đổ xô đi tìm vàng, ý tưởng là kiếm được nhiều tiền hơn bằng bán quần bò Levi, cuốc chim, xẻng, và phòng khách sạn cho những kẻ đào vàng hơn là từ đào vàng lên từ lòng đất. Gates đã đúng: Các cơn sốt và bong bóng về mặt kinh tế có thể là nguy hiểm; chúng có thể kết thúc với nhiều người mất tiền và rất nhiều công ti phá sản. Song cũng thường khiến đổi mới nhanh hơn và nhanh hơn, và năng lực thừa hoàn toàn do chúng khích lệ - bất luận là về đường sắt hay ôtô – có thể tạo ra các hệ quả tích cực không chủ ý của riêng nó.

Đó là cái đã xảy ra với cơn sốt cổ phiếu Internet. Nó châm ngòi sự đầu tư quá đáng khổng lồ vào các công ti cáp quang, rồi chúng đã đặt rất nhiều cáp quang trên đất liền và dưới đáy các đại dương, điều đó đẩy giá thành của một cuộc gọi điện thoại hay truyền dữ liệu ở bất cứ đâu trên thế giới xuống một cách đầy kịch tính.

Lắp đặt hệ thống cáp quang thương mại đầu tiên vào năm 1977, sau đó cáp quang đã dần dần thay thế các đường dây điện thoại bằng đồng, vì nó có thể mang dữ liệu và thoại được số hoá xa hơn nhanh hơn rất nhiều với lượng lớn hơn. Theo Howstuffworks.com, sợi quang được làm bởi các sợi thuỷ tinh tinh khiết về quang học mỗi sợi “mảnh như sợi tóc”, được xếp thành các bó, đợc gọi là “cáp quang”, để mang các gói thông tin số qua những khoảng cách xa. Vì các sợi quang này mảnh hơn sợi đồng nhiều, nhiều sợi hơn được bó vào một cáp có đường kính cho trước, có nghĩa là nhiều số liệu hay âm thanh hơn nhiều có thể được gửi trên cùng một cáp với chi phí thấp hơn. Lợi ích quan trọng nhất của sợi quang, tuy vậy, xuất xứ từ dải thông cao hơn rất nhiều của tín hiệu có thể truyền qua các khoảng cách xa. Dây đồng cũng có thể mang các tần số rất cao, nhưng chỉ được vài bước tín hiệu bắt đầu suy giảm cường độ do các hiệu ứng kí sinh. Sợi quang, ngược lại, có thể mang các xung quang học có tần số cực cao trên cùng một sợi mà không có suy giảm tín hiệu đáng kể ở khoảng cách nhiều dặm.

Các cáp quang hoạt động, ARC Electronics, một trong các nhà chế tạo giải thích trên Web site của mình, bằng cách biến dữ liệu hay âm thanh thành các xung quang học và truyền chúng trên các sợi quang, thay cho các xung điện để truyền thông tin trên dây đồng. Ở một đầu của hệ thống cáp quang là một máy phát. Máy phát nhận thông tin xung điện được mã hoá – các từ hay dữ liệu - đến từ dây đồng từ điện thoại ở nhà hay máy tính văn phòng của chúng ta. Sau đó máy phát xử lí và dịch các từ hay dữ liệu được mã hoá, được số hoá đó ở dạng điện từ sang các xung ánh sáng được mã hoá tương đương. Một diode phát quang (LED-Light Emitting diode) hay một diode phun laser (ILD-Injection Laser Diode) có thể được dùng để tạo các xung ánh sáng này, sau đó chúng được lùa chảy xuống cáp quang. Cáp hoạt động như một loại ống dẫn ánh sáng, dẫn các xung ánh sáng được tạo ra ở một đầu cáp qua đầu kia, nơi một máy thu nhạy cảm ánh sáng biến các xung trở lại thành các số 1 và 0 điện tử của tín hiệu ban đầu, như thế chúng có thể hiển thị trên màn hình máy tính của bạn hay như e-mail hay trong điện thoại di động của bạn như một âm thanh. Cáp quang cũng lí tưởng cho liên lạc an toàn, bởi vì rất khó nghe trộm nó.

Trên thực tế chính sự trùng hợp của cơn sốt dot-com và Luật Viễn thông 1996 là cái đã khởi động bong bóng cáp quang. Luật đã cho phép các công ti [viễn thông] nội hạt và đường dài có thể lấn vào việc kinh doanh của nhau, và cho phép đủ mọi loại hãng chuyển mạch địa phương mới đi cạnh tranh đầu đối đầu với các Baby Bells và AT&T về cung cấp cả các dịch vụ thoại và hạ tầng. Khi các hãng điện thoại này lên trực tuyến, chào các dịch vụ nội hạt, đường dài, quốc tế, dữ liệu, và dịch vụ Internet của riêng họ, mỗi hãng tìm cách có hạ tầng riêng của mình. Và vì sao không? Cơn sốt Internet đã dẫn mọi người đi cho rằng cầu về băng thông để mang tất cả lưu lượng Internet đó sẽ tăng gấp đôi cứ ba tháng một – cho đến vô tận. Cho khoảng hai năm đầu điều đó là đúng. Nhưng sau đó qui luật số lớn bắt đầu góp phần, và nhịp độ tăng gấp đôi chậm đi. Đáng tiếc, các công ti viễn thông đã không chú ý sát đến sự không xứng đôi nảy sinh giữa cầu và thực tế. Thị trường đã ở trong vòng kìm kẹp của một cơn sốt Internet, và các công ti cứ tiếp tục xây dựng năng lực nhiều và nhiều hơn nữa. Và cơn sốt thị trường cổ phiếu có nghĩa là, tiền là cho không! Nó là một bữa tiệc! Cho nên mọi trong các kịch bản lạc quan không thể tin nổi này từ mọi trong các công ti viễn thông mới này đều được tài trợ. Trong một thời kì khoảng năm hay sáu năm, các công ti viễn thông này đã đầu tư khoảng 1 ngàn tỉ $ để chăng dây khắp thế giới. Và hầu như chẳng ai nghi ngờ các dự đoán về cầu.

Ít công ti trở nên điên rồ hơn Global Crossing, một trong những công ti được tất cả các công ti viễn thông mới này thuê lắp đặt cáp quang cho họ khắp thế giới. Global Crossing được Gary Winnick thành lập vào năm 1997 và ra công chúng năm tiếp theo. Robert Annunziata, người chỉ đứng được một năm với tư cách CEO, đã có một hợp đồng mà Nell Minow của Corporate Library [Thư viện Công ti] đã từng chọn ra như tồi tệ nhất (từ quan điểm của các cổ đông) ở Hoa Kì. Giữa những thứ khác, nó bao gồm vé máy bay hạng nhất cho mẹ Annunziata đi thăm anh ta một lần một tháng. Nó cũng gồm phần thưởng 2 triệu cổ phiếu với giá 10 $ một cổ phần dưới giá thị trường.

Henry Schacht, một nhà công nghiệp kì cựu bây giờ ở E. M. Warburg, Pincus & Co., đã được đưa vào bởi Lucent, công ti kế tục của Western Electric, để giúp trông coi nó qua thời kì điên dại này. Ông nhớ lại bầu không khí: “Phi điều tiết viễn thông 1996 là cực kì quan trọng. Nó cho phép các hãng chuyển mạch địa phương xây dựng năng lực riêng của mình và bán cạnh tranh với nhau và với các công ti Baby Bells. Các công ti viễn thông mới này đến các công ti như Global Crossing và nhờ họ lắp đặt mạng cáp quang cho mình để họ có thể cạnh tranh ở mức truyền tải với AT&T và MCI, đặc biệt vì lưu lượng hải ngoại … Mỗi người đã nghĩ đây là một thế giới mới, và nó sẽ chẳng bao giờ ngừng. [Bạn có] các hãng cạnh tranh sử dụng vốn cho không, và mỗi hãng đều nghĩ cái bánh sẽ to ra vô tận. Cho nên [mỗi công ti nói,] ‘tôi sẽ đặt cáp quang của tôi trước khi anh đặt, và tôi sẽ có phần lớn hơn anh’. Nó được giả sử đúng là một đường tăng trưởng nằm dọc, thẳng đứng, và mỗi chúng ta đều nghĩ mình sẽ có phần của mình, vì thế mỗi người xây dựng theo các dự đoán tối đa và cho rằng họ sẽ có phần của mình.”

Hoá ra là trong khi doanh nghiệp-đến-doanh nghiệp và thương mại điện tử đã phát triển như dự kiến, và nhiều Web site mà chẳng ai dự kiến đã bùng nổ - như eBay, Amazon, và Google- chúng vẫn chỉ ngoạm một phần nhỏ của năng lực sẵn có. Cho nên khi sự vỡ nợ dot-com xuất hiện, đã có quá nhiều cáp quang ở đó. Cước điện thoại đường dài sụt từ 2 $ một phút xuống 10 cent. Và truyền dữ liệu hầu như là miễn phí. “Ngành viễn thông đã tự đầu tư đúng ra ngoài việc kinh doanh,” Mike McCue, tổng điều hành của Tellme Networks, một dịch vụ Internet kích hoạt bằng âm thanh, nói với CNET News.com tháng Bảy 2001. “Họ đã đặt nhiều cáp quang dưới đất đến mức về cơ bản họ tự hàng hoá hoá [commoditized] bản thân mình. Họ sẽ dấn vào các cuộc chiến giá cả ồ ạt với mọi người và đó sẽ là một thảm hoạ.”

Nó là một thảm hoạ đối với nhiều công ti và các nhà đầu tư của chúng (Global Crossing đã nộp đơn phá sản tháng Hai 2002, với 12,4 tỉ $ nợ nần), nhưng nó hoá ra là một mối lợi lớn cho những người tiêu dùng. Hệt như hệ thống đường cao tốc quốc gia được xây dựng trong các năm 1950 đã làm phẳng Hoa Kì, phá vỡ những khác biệt khu vực, và làm cho dễ hơn nhiều đối với các công ti để di chuyển tới các vùng lương thấp hơn, như Miền Nam, bởi vì trở nên dễ hơn nhiều để di chuyển người và hàng hoá đi các khoảng cách xa, như thế đặt các đường siêu tốc cáp quang toàn cầu đã làm phẳng thế giới phát triển. Nó giúp phá vỡ chủ nghĩa địa phương toàn cầu, tạo ra một mạng lưới thương mại toàn cầu suôn sẻ hơn, và làm cho việc di chuyển công việc được số hoá – các việc làm dịch vụ và việc làm tri thức- sang các nước có chi phí thấp hơn thật đơn giản và hầu như miễn phí.

(Tuy vậy, phải lưu ý rằng các đường siêu tốc cáp quang này ở Mĩ thường ngừng ở dặm cuối cùng - trước khi nối tới các hộ gia đình. Trong khi một lượng khổng lồ cáp quang đường dài được đặt để nối Ấn Độ và Mĩ, hầu như không công ti nào trong số các công ti viễn thông mới ở Hoa Kì đã lắp đặt đáng kể hạ tầng mạch nội hạt (local loop) mới, do thất bại của luật phi điều tiết viễn thông 1996 để cho phép cạnh tranh thực sự về mạch nội hạt giữa các công ti cáp và các công ti điện thoại. Nơi mạch dải rộng cục bộ đã được lắp đặt là ở các cao ốc văn phòng, đã được các công ti cũ phục vụ khá tốt. Cho nên điều này đẩy giá xuống đối với các doanh nghiệp – và đối với những người Ấn Độ những người muốn được trực tuyến ở Bangalore để kinh doanh với các doanh nghiệp đó – nhưng nó đã không tạo ra loại cạnh tranh có thể dẫn đến năng lực dải rộng cho quần chúng Mĩ ở nhà của họ. Điều đó bắt đầu mới gần đây.)

Đầu tư thừa quá rộng về cáp quang là một món quà biếu vẫn cứ tiếp tục cho, nhờ bản chất độc nhất của cáp quang. Không giống các dạng khác của đầu tư quá đáng vào Internet, nó là vĩnh cửu: Một khi cáp đã được đặt, chẳng ai đi đào chúng lên và bằng cách đó loại bỏ năng lực dư thừa. Cho nên khi các công ti viễn thông bị phá sản, các ngân hàng nắm lấy chúng và sau đó bán các cáp quang của họ với giá mười cent trên một dollar cho các công ti mới, các công ti ấy tiếp tục vận hành chúng, mà họ có thể kinh doanh có lãi, do đã mua chúng trong một cuộc bán tống bán tháo. Nhưng cách mà cáp quang hoạt động là mỗi cáp có nhiều sợi với khả năng truyền nhiều terabit [tera = 1.024 giga] dữ liệu trên một giây trên mỗi sợi. Khi các cáp quang này ban đầu được đặt, các chuyển mạch quang học – các máy phát và máy thu - ở mỗi đầu của chúng đã không thể lợi dụng hết năng lực đầy đủ của sợi quang. Nhưng mỗi năm kể từ khi đó, các chuyển mạch quang học ở mỗi đầu của cáp đó đã trở nên ngày càng tốt hơn, có nghĩa là ngày càng nhiều âm thanh và dữ liệu hơn có thể được truyền dọc mỗi sợi. Cho nên khi các chuyển mạch tiếp tục được cải thiện, dung lượng của tất cả cáp đã được lắp đặt rồi vẫn tiếp tục tăng lên, khiến cho càng dễ hơn và rẻ hơn để truyền tiếng nói và dữ liệu mỗi năm đến bất cứ phần nào của thế giới. Cứ như là chúng ta xây một hệ thống đường cao tốc quyết định nơi người dân đầu tiên được phép chạy 50 dặm một giờ, rồi 60 dặm một giờ, rồi 70 dặm một giờ, rồi 80 dặm một giờ, rồi cuối cùng 150 dặm một giờ trên cùng đường cao tốc ấy mà không có chút sợ nào về tai nạn. Chỉ có cái là đường cao tốc này không chỉ là đường quốc gia. Nó là đường quốc tế.

“Mỗi lớp đổi mới được xây dựng trên lớp sát kề,” Andreessen nói, người rời Netscape để khởi động một hãng công nghệ cao mới, Opsware Inc. “Và ngày nay, thứ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với tôi đó là sự thực rằng một đứa trẻ 14 tuổi ở Rumania hay Bangalore hay Liên Xô hay Việt Nam có tất cả thông tin, tất cả các công cụ, và tất cả những phần mềm dễ kiếm để ứng dụng tri thức bằng bất cứ cách nào chúng muốn. Đó chính là lí do vì sao tôi chắc chắn rằng Napster tiếp theo sẽ ra mắt từ khu tả [trái]. Khi khoa học sinh học ngày càng trở nên có tính tính toán nhiều hơn và ít về các phòng thí nghiệm ẩm ướt hơn và khi tất cả các dữ liệu về gen trở nên dễ kiếm hơn trên Internet, tại điểm nào đó bạn sẽ có thể thiết kế các vaccin trên laptop [máy tính xách tay] của mình.”

Tôi nghĩ Andreessen chạm đến cái độc nhất về thế giới phẳng và thời đại Toàn cầu hoá 3.0. Nó sẽ được dẫn dắt bởi các nhóm và các cá nhân, nhưng có một nền tảng đa dạng hơn nhiều nền tảng của mười hai nhà khoa học tạo thành thế giới của Andreessen khi anh tạo ra Mosaic. Bây giờ chúng ta sẽ thấy mosaic [miếng ghép] con người nổi lên - từ khắp thế giới, từ khu trái [tả] và khu phải [hữu], từ Tây và Đông và Bắc và Nam - để dẫn dắt thế hệ tiếp về đổi mới. Quả thực, vài ngày sau khi Andreessen và tôi nói chuyện, đầu đề sau xuất hiện trên trang bìa của The New York Times ( 15-6-2004): “Hoa Kì cho phép 3 Thuốc Ung Thư từ Cuba.” Câu chuyện tiếp tục, “Chính phủ liên bang đã cho phép một công ti công nghệ sinh học ở California được cấp phép ba loại thuốc ung thư thí nghiệm từ Cuba – đưa ra một ngoại lệ đối với chính sách hạn chế nghiêm ngặt thương mại với nước đó.” Các nhà điều hành của công ti, CancerVex, nói rằng “đó là lần đầu một công ti công nghệ sinh học Mĩ được phép để license một loại thuốc từ Cuba, một nước mà một số nhà điều hành công nghiệp và khoa học nói là mạnh một cách đáng ngạc nhiên về công nghệ sinh học đối với một quốc gia đang phát triển… Hơn 1 tỉ $ đã được chi qua nhiều năm để xây dựng và vận hành các viện nghiên cứu ở phía tây Havana có nhân viên là các nhà khoa học Cuba, nhiều người được đào tạo ở Châu Âu”.

Chỉ để tóm tắt lại: Pha làm phẳng PC-Windows là về tôi tương tác với máy tính của tôi và tôi tương tác với mạng giới hạn riêng của tôi ở công ti của tôi. Sau đó đến pha Internet- e-mail– browser, và nó làm phẳng thế giới thêm một chút. Nó là về tôi và máy tính của tôi tương tác với bất cứ ai khác trên bất cứ máy nào, mà e-mail là như vậy, và tôi và máy tính của tôi tương tác với Web site của bất cứ ai trên Internet, mà việc duyệt là như vậy. Tóm lại, pha PC-Windows đã là cha của pha Netscape browsing - e-mail và cả hai cùng nhau cho phép nhiều người liên lạc và tương tác với nhiều người khác hơn đã từng có bao giờ ở bất cứ đâu trên hành tinh.

Nhưng trò vui mới chỉ bắt đầu. Pha này chính là nền tảng cho bước tiếp theo trong làm phẳng thế giới phẳng.

LỰC LÀM PHẲNG # 3

PHẦN MỀM WORK FLOW

Hãy đi ăn: Để Ứng dụng của Bạn Nói chuyện với Ứng dụng của Tôi

Tôi gặp Scott Hyten, CEO của Wild Brain, một studio hoạt hoạ tiên tiến ở San Francisco làm film và hoạt hình cho Disney và các studio lớn khác, tại một cuộc hội nghị ở Silicon Valley mùa đông năm 2004. Tôi được John Doerr, nhà tư bản mạo hiểm, mời để kiểm chứng các ý tưởng trong cuốn sách này đối với vài công ti mà ông đứng đằng sau. Hyten và tôi thực sự lặp lại giống như in, có lẽ bởi vì sau khi nghe các lí lẽ của tôi ông viết cho tôi một e-mail nói rằng, “tôi chắc chắn trong thời Magellan đã có nhiều nhà thần học, địa lí, và học giả những người đã muốn làm cho thế giới phẳng lại. Tôi biết thế giới là phẳng, và cảm ơn vì sự ủng hộ của ông”.

Một người hợp với ý tôi.

Khi tôi yêu cầu anh nói rõ, Hyten phác hoạ cho tôi hiện nay các film hoạt hình được sản xuất ra sao qua chuỗi cung toàn cầu. Tôi hiểu ngay vì sao ông cũng kết luận rằng thế giới là phẳng. “Ở Wild Brain,” ông nói, “chúng tôi làm cái gì đó từ con số không. Chúng tôi học làm thế nào để tận dụng thế giới phẳng. Chúng tôi không đấu tranh với nó. Chúng tôi tận dụng nó.”

Hyten mời tôi đến xem họ làm một đoạn hoạt hình để đánh giá thật đúng thế giới phẳng đến thế nào, tôi đã đến. Serie mà họ đang làm khi tôi có mặt là cho kênh Disney Channel và được gọi là Higglytown Heroes. Nó được tất cả những người dân bình thường những người đã vượt lên thách thức 11/9 truyền cảm hứng. Higglytown “là một thị trấn nhỏ điển hình của các năm 1950,” Hyten nói. “Nó là Pleasantville [Thành phố vui vẻ]. Và chúng ta xuất khẩu sản phẩm của thị trấn Mĩ nhỏ này đi khắp thế giới- theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Nền tảng của câu chuyện là mọi người, tất cả đều là người dân thường sống cuộc đời mình, là các anh hùng của thị trấn nhỏ này- từ thầy giáo đến người đưa bánh pizza.”

Cuộc biểu diễn hoàn toàn Mĩ này được một chuỗi cung toàn thế giới làm. “Phiên nghi hình,” Hyten giải thích, “được đặt gần nghệ sĩ, thường ở New York hay L.A., thiết kế và chỉ huy được tiến hành ở San Francisco, mạng lưới các nhà văn là từ nhà của họ (Florida, London, New York, Chicago, L.A., và San Francisco), và việc làm cho các vai sống động [animation] được làm tại Bangalore với biên tập từ San Francisco. Cho cuộc biểu diễn này chúng tôi có tám nhóm ở Bangalore làm việc song song với tám người viết khác nhau. Hiệu suất này cho phép chúng tôi hợp đồng với năm mươi ‘ngôi sao’ cho hai mươi sáu hồi. Các phiên tương tác ghi/viết/làm hoạt hình cho phép chúng tôi ghi một nghệ sĩ cho toàn bộ cuộc biểu diễn trong thời gian ít hơn nửa ngày, bao gồm các chầu quay và viết lại không hạn chế. Chúng tôi ghi hai diễn viên một tuần. Thí dụ tuần qua chúng tôi đã nghi Anne Heche và Smokey Robinson. Về mặt kĩ thuật, chúng tôi làm việc này trên Internet. Chúng tôi có một VPN [mạng riêng ảo] được định cấu hình trên các máy tính ở văn phòng của chúng tôi và trên các máy mà chúng tôi gọi là ‘các quả bóng đá’ của các nhà văn, hay các máy xách tay đặc biệt có thể kết nối với bất kể điểm kết nối Ethernet cat-5 nào hay với kết nối không dây dải rộng nào ở ‘hiện trường’. VPN này cho phép chúng tôi chia sẻ mọi âm thanh từ microphone, các hình từ các phiên, kịch bản thời gian thực, và tất cả các thiết kế hoạt hình giữa tất cả các địa điểm với một đăng nhập [log-in] đơn giản. Cho nên, một cách để anh quan sát là chúng tôi gửi cho anh một quả bóng. Anh kết nối ở nhà, ở văn phòng, ở hầu hết phòng khách sạn, hay xuống quán cà phê Starbucks ở địa phương [có truy cập Internet không dây băng rộng], log-on, gắn một cặp tai nghe Bose giảm tạp âm, và nghe, theo dõi, đọc, và bình luận. ‘Sharon, anh có thể để dòng đó lại một chút không?’ Sau đó, trên lịch sản xuất mười một tuần cho cuộc diễn, anh có thể log-in hai mươi bốn giờ một ngày và kiểm tra sự tiến triển sản xuất như nó theo mặt trời quanh trái đất. Về mặt kĩ thuật, anh cần ‘quả bóng’ chỉ cho phiên làm việc. Anh có thể dùng máy xách tay bình thường của mình để theo dõi ‘công việc hàng ngày’ và ‘biên tập’ qua chu kì sản xuất.”

Tôi cần xem Wild Brain trực tiếp, vì nó là tấm gương sinh động về lớp tiếp của đổi mới sáng tạo, và cái làm phẳng tiếp, đại thể theo sau các pha Tường Berlin-Windows và Netscape. Tôi gọi nó là ‘pha work flow’. Khi các bức tường sụp đổ, và PC, Windows, và Netscape browser cho phép người ta kết nối với người khác như chưa từng bao giờ có, không bao lâu trước khi tất cả những người đã được kết nối này muốn làm nhiều hơn là chỉ duyệt và gửi e-mail, các tin nhắn gấp, các bức ảnh và âm nhạc trên nền tảng Internet này. Họ muốn chia sẻ các thứ, thiết kế các thứ, tạo ra các thứ, bán các thứ, mua các thứ, theo dõi các kho hàng, chuẩn bị khai thuế cho ai khác, đọc X-quang của ai đó từ xa nửa vòng trái đất. Và họ muốn có khả năng làm bất cứ việc nào trong những việc này từ bất cứ đâu đến bất cứ đâu và từ bất cứ máy tính nào đến bất cứ máy tính nào- một cách suôn sẻ. Các pha tường-Windows-Netscape đã dọn đường cho việc đó bằng chuẩn hoá cách văn bản, âm nhạc, hình ảnh, và dữ liệu có thể được số hoá và được truyền qua trên Internet- vì thế e-mail và duyệt [Web] trở thành một kinh nghiệm rất phong phú.

Nhưng đối với tất cả chúng ta để đi sang giai đoạn tiếp, để lấy nhiều hơn từ Internet, quá trình làm phẳng phải đi tới một nấc khác. Ta cần hai thứ. Cần các lập trình viên đến và viết các ứng dụng mới – các phần mềm mới- cho phép chúng ta lấy cực đại từ các máy tính của mình khi làm việc với dữ liệu, văn bản, âm nhạc, hình ảnh được số hoá này và tạo hình chúng thành các sản phẩm. Chúng ta cũng cần các đường ống thần diệu hơn, nhiều giao thức truyền dẫn hơn, chúng đảm bảo rằng các ứng dụng phần mềm của mỗi người có thể kết nối với các ứng dụng phần mềm của bất cứ ai khác. Tóm lại, ta phải đi từ một Internet chỉ kết nối người với người, và người với các ứng dụng của riêng họ, đến một Internet có thể kết nối bất cứ chương trình phần mềm nào của tôi đến bất cứ phần mềm nào của bạn. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể làm việc thực sự với nhau.

Nghĩ thế này: Lúc đầu, luồng công việc [work flow] gồm phòng bán hàng nhận một đơn hàng bằng giấy, mang sang phòng giao hàng, phòng này giao sản phẩm, và rồi ai đó từ phòng giao hàng đi sang phòng tài vụ với một miếng giấy và yêu cầu họ xuất một hoá đơn cho khách hàng. Như kết quả của các pha Tường Berlin-Windows-Netscape, work flow đã có một bước nhảy khổng lồ. Bây giờ phòng bán hàng có thể nhận đơn hàng điện tử, e-mail cho phòng giao hàng trong nội bộ công ti, và sau đó sai phòng giao hàng giao sản phẩm cho khách hàng và đồng thời tự động lập một hoá đơn. Sự thực rằng tất cả các phòng bên trong công ti của bạn có thể tương tác suôn sẻ và công việc có thể chảy giữa chúng, là một sự gia tăng lớn về năng suất- nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu tất cả các phòng của công ti bạn dùng cùng hệ thống phần mềm và phần cứng. Vào các năm 1980 và đầu các năm 1990 rất thường xảy ra là phòng bán hàng của một công ti chạy Microsoft và phòng kho hàng chạy Novell, và chúng không thể liên lạc với nhau. Cho nên công việc [work] không chảy [flow] dễ dàng như nó phải.

Chúng ta thường hay quên là công nghiệp phần mềm khởi hành giống như một phòng cứu hoả tồi. Hãy tưởng tượng một thành phố nơi mỗi khu lân cận có các đầu nối khác nhau để nối vòi phun với ống nước máy. Tất cả mọi thứ đều tốt chừng nào phòng cứu hoả lân cận có thể xử lí vụ cháy của bạn. Nhưng khi vụ cháy trở nên quá to, và khi phải gọi các xe cứu hoả từ khu bên cạnh, chúng vô ích bởi vì chúng không thể mắc vòi phun của mình và đường nước của bạn.

Để cho thế giới trở nên phẳng, tất cả các phòng nội bộ của bạn –bán hàng, tiếp thị, sản xuất, tài vụ, và kho- phải trở nên tương hoạt, bất luận mỗi phòng dùng máy hay phần mềm nào. Và để cho thế giới trở nên thực sự phẳng, tất cả các hệ thống của bạn phải có thể hoạt động được với tất cả các hệ thống của bất cứ công ti khác nào [tương hoạt]. Tức là, phòng bán hàng của bạn phải được kết nối tới phòng kho hàng của nhà cung cấp của bạn và phòng kho hàng của nhà cung cấp phải được kết nối thông suốt với nhà cung cấp của nhà cung cấp, một nhà máy ở Trung Quốc. Theo cách đó, khi bạn bán một món hàng, một món được tự động giao từ kho của nhà cung cấp của bạn, thì một món khác được sản xuất bởi nhà cung cấp của nhà cung cấp của bạn, và hoá đơn được lập từ phòng tài vụ của bạn. Các hệ thống máy tính khác nhau và các ứng dụng phần mềm của ba công ti khác biệt rõ rệt phải có thể tương hoạt sao cho công việc có thể chảy thông suốt giữa chúng.

Các năm cuối 1990, công nghiệp phần mềm bắt đầu đáp ứng cái người tiêu dùng muốn. Các công ti công nghệ, qua nhiều tranh cãi ở phòng kín và thử và sai, đã bắt đầu rèn nhiều tiêu chuẩn chung trên cơ sở Web, nhiều hệ thống [ống] số tích hợp và các giao thức, như thế tất cả mọi người có thể khớp vòi phun của mình –các ứng dụng phần mềm của mình- vào đường ống nước của bất cứ ai khác.

Đấy là cuộc cách mạng thầm lặng. Về kĩ thuật, cái làm cho nó có thể là sự phát triển của một loại ngôn ngữ mô tả mới, gọi là XML, và giao thức truyền tương ứng của nó, là SOAP. IBM, Microsoft, và một loạt các công ti khác đã đóng góp cho sự phát triển của cả XML và SOAP, và cả hai tiếp theo được thông qua và phổ biến như các tiêu chuẩn Internet. XML và SOAP tạo ra nền tảng kĩ thuật cho sự tương tác chương trình phần mềm-đến-chương trình phần mềm, cái là nền tảng của work flow do Web tạo khả năng. Chúng cho phép dữ liệu, văn bản, âm nhạc, và ảnh số hoá có thể được trao đổi giữa các chương trình phần mềm khác nhau sao cho chúng có thể được nhào nặn, thiết kế, thao tác, biên tập, biên tập lại, lưu, xuất bản, và chuyển đi – mà không quan tâm gì đến người ta ngồi thực sự ở đâu hay họ kết nối qua các công cụ tính toán nào.

Một khi đã có nền tảng kĩ thuật này, ngày càng nhiều người bắt đầu viết các chương trình phần mềm work flow cho ngày càng nhiều công việc. Wild Brain đã muốn các chương trình làm film hoạt hình với nhóm sản xuất trải khắp thế giới. Boeing muốn chúng để các nhà máy máy bay của nó ở Mĩ có thể liên tục tái cung cấp linh kiện cho các khách hàng là các hãng hàng không khác nhau, qua các hệ thống nhận đơn hàng bằng máy tính của nó, bất luận các đơn hàng đó đến từ nước nào. Các bác sĩ muốn chúng để cho một film X-quang chụp ở Bangor có thể được đọc ở một bệnh viện ở Bangalore, mà bác sĩ ở Maine chẳng bao giờ phải nghĩ về bệnh viện Ấn Độ dùng máy tính nào. Và Mẹ và Bố muốn chúng bởi vì họ muốn phần mềm ngân hàng điện tử, phần mềm môi giới điện tử, e-mail văn phòng, và phần mềm bảng tính của họ tất cả đều hoạt động từ máy xách tay ở nhà của họ và có khả năng giao tiếp với máy để bàn ở văn phòng của họ. Và một khi các ứng dụng của mỗi người bắt đầu kết nối với các ứng dụng của mọi người khác - điều cần nhiều năm và nhiều công nghệ và năng lực trí óc để xảy ra- công việc không chỉ có thể chảy như chưa từng bao giờ, mà nó có thể được chặt nhỏ và tách ra như chưa từng bao giờ và được gửi đi bốn phương trời. Điều này có nghĩa là công việc có thể chảy đến bất cứ đâu. Quả thực, chính khả năng cho phép các ứng dụng nói chuyện với các ứng dụng, không chỉ người nói chuyện với người, là cái mau chóng làm cho outsourcing có thể. Nhờ các loại dịch vụ Web –work flow khác nhau, Craig Mundie, Tổng Giám đốc Kĩ thuật của Microsoft, nói, “ngành đã tạo ra một nền toàn cầu cho lực lượng lao động toàn cầu của con người và các máy tính.”

Mạng ống mênh mông dưới mặt đất làm cho tất cả công việc có thể chảy đã trở nên rất rộng. Nó gồm tất cả các giao thức Internet của thời kì trước, như TCP/IP và các giao thức khác, làm cho duyệt Web, e-mail, và các Web site là có thể. Nó gồm cả các công cụ mới hơn, như XML và SOAP, cho phép các ứng dụng Web liên lạc với nhau suôn sẻ hơn, và nó bao gồm các tác nhân phần mềm được biết đến như middleware, được dùng như một trung gian giữa các ứng dụng cực kì đa dạng. Trung tâm của các công nghệ này đã là mối lợi to lớn của đổi mới sáng tạo và giảm rất nhiều ma sát giữa các công ti và các ứng dụng. Thay cho mỗi người đi quản lí vòi nước cứu hoả, họ làm cho tất cả các vòi nước và vòi phun hệt nhau, tạo ra một thị trường lớn hơn nhiều trải ra mọi nơi trên thế giới. Sau đó các công ti bắt đầu cạnh tranh thay vào đó về chất lượng vòi phun, máy bơm, và xe cứu hoả. Tức là, họ cạnh tranh về ai có thể đưa ra các ứng dụng hữu ích và tiện lợi nhất. Joel Cawley, đứng đầu đơn vị kế hoạch chiến lược của IBM, nói, “Các tiêu chuẩn không loại bỏ đổi mới, chúng chỉ cho phép bạn chú tâm vào nó. Chúng cho phép bạn tập trung vào nơi giá trị thật sự ở đó, mà thường là mọi thứ bạn có thể cho thêm vào, trên và quanh tiêu chuẩn”.

Tôi thấy điều này khi viết cuốn sách mới nhất của tôi. Một khi Microsoft Word được xác lập như tiêu chuẩn toàn cầu, công việc có thể chảy giữa những người ở các lục địa khác nhau dễ hơn nhiều, bởi vì tất cả chúng ta đều viết từ cùng màn hình với cùng thanh công cụ cơ bản. Khi tôi viết cuốn sách đầu tiên của mình Từ Beirut đến Jerusalem, năm 1988, tôi đã sống một phần của năm ở Trung Đông và phải ghi chép bằng bút và giấy, cứ như là thời kì trước máy xách tay và trước Microsoft Word. Khi tôi viết cuốn sách thứ hai, Xe Lexus và Cây Ôliu, năm 1998, tôi đã phải biên tập một chút ở phút chót từ một máy tính ở đằng sau quầy của một khách sạn Thuỵ Sĩ ở Davos trên một phiên bản Đức của Microsoft Word. Tôi đã không thể hiểu một từ nào, một chức năng đơn nhất nào, trên thanh công cụ của phiên bản Đức của Word. Nhưng vào 1998, tôi đã quen với chương trình Word cho Windows, và với chỗ của các biểu tượng trên màn hình, cho nên tôi đã có thể trỏ và nhấp chuột theo cách của tôi suốt việc biên tập trên phiên bản Đức và gõ những sửa chữa của tôi bằng chữ cái tiếng Anh trên bàn phím Đức. Các tiêu chuẩn dùng chung là một lực làm phẳng khổng lồ, bởi vì nó cả buộc lẫn trao quyền cho nhiều người hơn để liên lạc và đổi mới trên các nền [platform] rộng hơn nhiều.

Một trong các thí dụ ưa thích của tôi là PayPal, cái cho phép chợ thương mại điện tử của eBay trở thành như ngày nay. PayPal là hệ thống chuyển tiền được thành lập năm 1998 để tạo thuận lợi cho các giao dịch C2C (khách hàng-khách hàng), giống như một người mua và một người bán do eBay đưa lại với nhau. Theo Web site ecomerce-guide.com, sử dụng PayPal, bất cứ ai với một địa chỉ e-mail có thể chuyển tiền cho bất cứ ai khác với một địa chỉ e-mail, bất luận người nhận có một tài khoản PayPal hay không. PayPal thậm chí không quan tâm liệu một giao dịch thương mại có xảy ra hay không. Nếu ai đó ở văn phòng tổ chức một tiệc cho ai đó và mỗi người cần góp tiền vào, tất cả họ có thể dùng PayPal. Thực ra, người tổ chức có thể gửi cho mỗi người lời nhắc PayPal bằng e-mail với các chỉ dẫn rõ ràng góp tiền thế nào. PayPal có thể chấp nhận tiền theo một trong ba cách, ecomerce-guide.com lưu ý: tính vào thẻ tín dụng của người mua cho bất cứ giao dịch (khoản trả tiền) nào, ghi nợ một tài khoản séc đối với bất cứ khoản trả tiền nào hay khấu trừ các khoản chi trả từ một tài khoản PayPal đã được xác lập với một séc cá nhân. Người nhận thanh toán có thể dùng tiền ở tài khoản của mình cho việc mua trực tuyến hay cho các khoản chi trả, có thể nhận thanh toán từ PayPal bằng séc, hay có thể bảo PayPal gửi thẳng tiền vào một tài khoản séc. Lập một tài khoản PayPal là đơn giản. Với tư cách người trả tiền, tất cả cái bạn phải làm là cung cấp tên của bạn, địa chỉ e-mail của bạn, thông tin thẻ tín dụng của bạn, và địa chỉ gửi hoá đơn cho thẻ tín dụng của bạn.

Tất cả các chức năng ngân hàng và thương mại điện tử tương hoạt này đã làm phẳng thương trường Internet triệt để đến mức thậm chí eBay bị ngạc nhiên. Trước PayPal, Meg Whitman CEO của eBay giải thích, “Nếu tôi kinh doanh trên eBay năm 1999, cách duy nhất tôi có thể trả anh với tư cách người mua là với một tấm séc hay phiếu chuyển tiền, một hệ thống dựa vào giấy. Đã không có cách điện tử nào để chuyển tiền, và anh là một nhà buôn quá nhỏ để đủ tiêu chuẩn có một tài khoản thẻ tín dụng. Cái PayPal làm là cho phép người ta, các cá nhân, chấp nhận thẻ tín dụng. Với thẻ tín dụng tôi có thể trả cho bạn với tư cách một người bán cá nhân trên eBay. Điều này thực sự san bằng sân chơi và làm cho thương mại phi ma sát hơn”. Thực ra, rất tốt là eBay đã mua PayPal, nhưng không phải dựa vào kiến nghị của các nhà ngân hàng đầu tư Phố Wall của nó – mà dựa vào kiến nghị của những người dùng nó.

- “Một hôm chúng tôi thức dậy,” Whitman nói, “và thấy 20 phần trăm số người trên eBay nói, ‘tôi chấp nhận PayPal, làm ơn trả tôi theo cách đó.’ Và chúng tôi bảo, ‘Họ là ai vậy và họ làm gì?’ Đầu tiên chúng tôi thử đánh họ và đưa dịch vụ riêng của chúng tôi ra, gọi là Billpoint. Cuối cùng, tháng Bảy 2002, chúng tôi trong một [hội nghị] eBay Trực tiếp [Live] và tiếng trống điếc tai xuyên qua hội trường. Cộng đồng của chúng tôi bảo chúng tôi, ‘Các cậu có ngừng đánh nhau không? Chúng tôi muốn một chuẩn – và tiện thể, chúng tôi đã chọn một chuẩn nó được gọi là PayPal, và chúng tôi biết bọn cậu ở eBay muốn nó là [chuẩn] của mình, nhưng nó là của họ’. Và đó là lúc chúng tôi biết chúng tôi phải mua công ti đó, bởi vì nó là tiêu chuẩn và nó không phải là của chúng tôi…Đó là việc mua lại tốt nhất chúng tôi đã từng tiến hành”.

Đây là cách tôi vừa viết đoạn trên thế nào: Tôi chuyển các lời ghi phỏng vấn điện thoại Meg Whitman từ máy xách tay Dell sang máy Dell để bàn của tôi, rồi bật kết nối DSL và nháy đúp vào AOL, nơi tôi dùng Google để tìm Web site có thể giải thích PayPal, nó hướng tôi đến ecomerce-guide.com. Tôi tải định nghĩa từ Web site ecomerce-guide.com, nó được viết theo font chữ Internet nào đó như một file text, rồi sau đó gọi vào Microsoft Word, Word tự động chuyển nó thành một tài liệu Word, mà sau đó tôi có thể dùng để viết đoạn này trên máy để bàn của tôi. Đó cũng là work flow! Và cái quan trọng nhất về nó không phải là tôi có các công cụ work flow này; biết bao nhiêu người ở Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Brazil, và Timbuktu bây giờ cũng có chúng – cùng với tất cả các ống truyền và các giao thức cho nên họ có thể plug & play từ bất cứ đâu.

Tất cả điều này đi đến đâu? Ngày càng nhiều work flow sẽ được tự động hoá. Trong pha các dịch vụ Web-work flow đang đến, đây là cách bạn sẽ hẹn nha sĩ: Bạn chỉ thị cho máy tính bằng lời để hẹn. Máy tính của bạn sẽ tự động dịch lời nói thành một lệnh số. Nó sẽ tự động kiểm tra lịch của bạn với ngày có sẵn trên lịch của nha sĩ và cho bạn ba lựa chọn. Bạn sẽ nhắp ngày và giờ ưa thích. Một tuần trước ngày hẹn, lịch của nha sĩ sẽ tự động gửi bạn một e-mail nhắc bạn về cuộc hẹn. Tối trước, bạn sẽ nhận một thông điệp bằng lời do máy tính đưa ra qua điện thoại, cũng nhắc bạn về cuộc hẹn.

Để work flow đạt đến giai đoạn tiếp này, và sự gia tăng năng suất mà nó sẽ mang lại, “chúng ta cần ngày càng nhiều tiêu chuẩn chung hơn,” Cawley nhà lập kế hoạch chiến lược của IBM nói. “Vòng đầu của các tiêu chuẩn nổi lên với Internet đã là quanh dữ liệu cơ bản – chúng ta biểu diễn một con số ra rao, chúng ta tổ chức các file thế nào, chúng ta hiển thị và lưu nội dung ra sao, chúng ta chia sẻ và trao đổi thông tin thế nào. Đó là pha Netscape. Bây giờ một tập hoàn toàn mới của các tiêu chuẩn đang nổi lên để cho phép công việc chảy. Các tiêu chuẩn này là về chúng ta kinh doanh cùng nhau thế nào. Thí dụ, khi bạn xin vay thế chấp, đi đến kết thúc, hay mua một căn nhà, đúng là có hàng chục quy trình và luồng dữ liệu giữa nhiều công ti khác nhau. Một ngân hàng có thể tìm cách kiếm sự chấp thuận của bạn, kiểm tra tín dụng của bạn, xác định các lãi suất của bạn, và tiến hành kết thúc – sau đó món vay hầu như ngay lập tức được bán cho ngân hàng khác.”

Mức tiếp theo của các tiêu chuẩn, Cawley nói thêm, sẽ là về tự động hoá tất cả các quy trình này, cho nên chúng chảy thậm chí thông suốt hơn với nhau và có thể kích thích thậm chí nhiều tiêu chuẩn hơn. Chúng ta đang thấy rồi các tiêu chuẩn nổi lên quanh trả lương, thanh toán thương mại điện tử, nhận diện đặc trưng rủi ro, quanh âm nhạc và ảnh được biên tập thế nào ở dạng số, và quan trọng nhất, quanh các chuỗi cung được kết nối ra sao. Tất cả các tiêu chuẩn này, ở trên phần mềm work flow, giúp cho phép công việc được bẻ ra từng phần, ráp lại, và khiến nó chảy, không có ma sát, tới lui giữa những người sản xuất hiệu quả nhất. Sự đa dạng của các ứng dụng sẽ tự động có khả năng tương tác với nhau sẽ bị giới hạn chỉ bởi sức tưởng tượng của chúng ta. Sự tăng thêm năng suất từ việc này có thể lớn hơn bất cứ thứ gì chúng ta đã từng thấy trước đây.

- “Các nền work flow cho phép chúng ta làm đối với công nghiệp dịch vụ cái mà Henry Ford đã làm với chế tác,” Jerry Rao, nhà khởi nghiệp làm công việc kế toán cho những người Mĩ từ Ấn Độ, nói. “Chúng ta tháo rời mỗi công việc ra từng mảnh và gửi nó khắp nơi cho người nào có thể làm tốt nhất, và bởi vì chúng ta làm việc đó trong một môi trường ảo, về thể xác người ta không cần ở cạnh nhau, và sau đó chúng ta ráp tất cả các phần đó lại với nhau ở hội sở [hay ở nơi xa xôi nào đó]. Đây không phải là cách mạng tầm thường. Đây là một cuộc cách mạng lớn. Nó cho phép một ông chủ ở đâu đó và các nhân viên của ông ở nơi nào đó khác.” Các nền phần mềm work flow này, Jerry nói thêm, “cho phép bạn tạo ra các văn phòng ảo toàn cầu- không bị giới hạn bởi ranh giới của văn phòng bạn hay biên giới của nước bạn- và để tiếp cận nhân tài ngồi ở các phần khác nhau của thế giới và khiến họ hoàn thành các nhiệm vụ mà bạn cần hoàn tất trong thời gian thực. Và như thế 24/7/365 tất cả chúng ta đều làm việc. Và tất cả điều này đã xảy ra trong nháy mắt- trong khoảng hai hay ba năm vừa qua.”

Sáng Thế: Nền Thế giới Phẳng Nổi lên

Chúng ta cần dừng ở đây và kiểm kê lại, bởi vì tại điểm này- giữa các năm 1990- nền [platform] cho sự làm phẳng thế giới đã bắt đầu hiện ra. Thứ nhất, các bức tường sụp đổ, Windows mở ra, sự số hoá nội dung, và sự lan rộng của Internet browser đã kết nối suôn sẻ người với người như chưa từng có trước đây. Sau đó phần mềm work flow đã kết nối suôn sẻ các ứng dụng với các ứng dụng, như thế người ta có thể thao tác tất cả nội dung đã số hoá của họ, dùng các máy tính và Internet, như chưa từng có trước đây.

Khi bạn thêm mức mới chưa từng có này về liên lạc người-với-người vào tất cả các chương trình work flow ứng dụng-với-ứng dụng trên cơ sở Web này, bạn kết thúc với một nền toàn cầu mới hoàn toàn cho nhiều hình thức cộng tác. Đây là thời điểm Sáng Thế cho sự làm phẳng thế giới. Đấy là lúc nó bắt đầu có hình hài. Nó cần nhiều thời gian hơn để hội tụ và thực sự trở thành phẳng, nhưng đây là thời khắc khi người ta bắt đầu cảm thấy cái gì đang thay đổi. Đột nhiên nhiều người từ nhiều nơi hơn thấy rằng họ có thể cộng tác với nhiều người hơn trên các loại công việc khác nhau hơn và chia sẻ nhiều loại tri thức hơn bao giờ hết. “Chính sự tạo ra platform [nền] này, với các thuộc tính độc nhất, là sự đột phá bền vững quan trọng thật sự làm cho cái bạn gọi là sự làm phẳng thế giới là có thể,” Craig Mundie của Microsoft nói.

Quả thực, nhờ platform này nổi lên từ ba lực làm phẳng đầu tiên, chúng ta đã không chỉ có khả năng nói với nhau nhiều hơn, chúng ta đã có khả năng cùng nhau làm nhiều thứ hơn. Đấy là điểm mấu chốt, Joel Cawley, nhà chiến lược IBM lí lẽ. “Chúng ta không chỉ liên lạc với nhau nhiều hơn bao giờ hết, bây giờ chúng ta có khả năng cộng tác - để cùng nhau xây dựng các liên minh, các dự án, và các sản phẩm – hơn bao giờ hết.”

Sáu lực làm phẳng tiếp đại diện cho các hình thức cộng tác mới mà platform mới này cho phép. Như tôi cho thấy, một số người sẽ dùng platform này cho open-sourcing [tìm nguồn mở], một số cho outsourcing [thuê làm ngoài], một số cho offshoring [làm ở hải ngoại], một số cho supply-chaining [xâu chuỗi cung], một số cho insourcing [thuê làm trong], và một số cho in-forming [cấp-tin]. Mỗi trong các hình thức cộng tác này hoặc do platform mới làm cho có thể hay được nó tăng cường rất nhiều. Và khi ngày càng nhiều người chúng ta học làm thế nào để cộng tác theo các cách khác nhau này, chúng ta làm phẳng thế giới còn nhiều hơn nữa.

LỰC LÀM PHẲNG # 4

OPEN-SOURCING [TÌM NGUỒN MỞ]

Các Cộng đồng Cộng tác Tự-Tổ chức

Alan Cohen vẫn nhớ lần đầu tiên ông nghe từ “Apache” với tư cách một người lớn, và đó không phải là trong lúc xem một phim cao bồi-và- Indian. Đó là vào các năm 1990, thị trường dot-com đang lên cơn sốt, và ông là một người quản lí cấp cao của IBM, giúp cai quản lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử đang nổi lên của nó. “Tôi đã có toàn bộ một đội với một ngân quỹ khoảng 8 triệu $,” Cohen nhớ lại. “Chúng tôi cạnh tranh đầu đối đầu với Microsoft, Netscape, Oracle, Sun - đều là các tay lớn. Và chúng tôi đã chơi trò chơi đánh cược rất lớn này về thương mại điện tử. IBM có một lực lượng bán hàng khổng lồ bán tất cả phần mềm thương mại điện tử này. Một hôm tôi hỏi giám đốc phát triển người làm việc cho tôi, “Jeff này, dẫn tôi qua quy trình phát triển cho các hệ thống thương mại điện tử này. Máy chủ Web cơ sở là gì?’ Và anh ta bảo tôi, ‘Nó được dựng lên trên Apache.’ Điều đầu tiên tôi nghĩ về là John Wayne. ‘Apache là cái gì?’ tôi hỏi. Và anh ta bảo nó là một chương trình shareware cho công nghệ Web server [máy chủ Web]. Anh ta nói nó được một bọn cự phách chỉ làm việc trực tuyến ở loại chat room nguồn mở nào đó tạo ra miễn phí. Tôi bị rối trí. Tôi hỏi, ‘Anh mua nó thế nào?’ và anh ta bảo, ‘Anh tải nó xuống từ một Web site miễn phí’. Và tôi bảo, ‘Ừ, ai hỗ trợ nếu có gì đó trục trặc?’ Và anh ta nói, ‘Tôi không biết – đúng là nó cứ hoạt động!’ Và đó là sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với Apache …

- “Bây giờ bạn phải nhớ lại, khi đó Microsoft, IBM, Oracle, Netscape tất cả đều thử xây dựng các Web server thương mại. Đấy là các công ti khổng lồ. Và đột nhiên gã phát triển của tôi bảo tôi rằng anh ta lấy được [Web server] của chúng tôi từ Internet miễn phí! Nó giống cứ như là bạn có tất cả các quan chức điều hành của các công ti lớn này mưu tính các chiến lược, và rồi đột nhiên mấy gã ở phòng thư là những người phụ trách. Tôi tiếp tục hỏi, “Ai cai quản Apache? Ý tôi nói, bọn này là những ai?”

Vâng, bọn geek [các tay cự phách] ở phòng thư đang quyết định họ và cả bạn sẽ dùng phần mềm nào. Nó được gọi là phong trào nguồn mở, và nó kéo hàng ngàn người khắp thế giới cùng đến cộng tác trực tuyến để viết mọi thứ từ phần mềm riêng của họ đến các hệ điều hành riêng của họ đến từ điển riêng của họ đến công thức riêng của họ cho cola – luôn luôn xây dựng từ dưới lên hơn là chấp nhận các định dạng hay nội dung do các hệ thống thứ bậc công ti áp đặt từ trên xuống. Từ “nguồn-mở” hình thành từ quan niệm rằng các công ti hay các nhóm ad hoc sẽ để mã nguồn [source code]– các lệnh lập trình làm cho một phần mềm hoạt động – trực tuyến sẵn để dùng và sau đó để cho bất cứ ai, người có cái gì đó để cải thiện, tham gia cải thiện nó và để hàng triệu người khác tải nó xuống dùng miễn phí. Trong khi phần mềm thương mại giữ bản quyền và được bán, các công ti bảo vệ mã nguồn cứ như chúng là các bảo bối của họ như thế họ có thể đòi tiền bất cứ ai muốn sử dụng nó và bằng cách ấy tạo ra thu nhập để phát triển các phiên bản mới, phần mềm nguồn mở được dùng chung, được người dùng cải thiện liên tục, và để cho bất cứ ai dùng miễn phí. Đổi lại, mỗi người dùng có đóng góp một sự cải thiện - một miếng vá làm cho phần mềm này hát hay múa hay hơn- được khuyến khích để miếng vá đó sẵn cho tất cả những người khác dùng miễn phí.

Do không là một geek máy tính, tôi đã chẳng bao giờ chú tâm nhiều đến phong trào nguồn mở, nhưng khi tôi để ý, tôi phát hiện ra nó là một vũ trụ gây kinh ngạc của chính nó, với các cộng đồng trực tuyến, những người tình nguyện tự nhiên chia sẻ sự hiểu biết của họ với nhau và sau đó hiến cho công chúng không lấy gì cả. Họ làm việc đó vì họ muốn làm cái gì đó mà thị trường không cho họ; họ làm việc đó vì cảm giác tinh thần phấn chấn có được từ việc tạo ra một sản phẩm tập thể có thể đánh bại cái gì đó do các gã khổng lồ như Microsoft, IBM tạo ra, và - thậm chí quan trọng hơn- để giành được sự tôn trọng của các trí thức ngang hàng. Quả thực, các gã và các ả này là một trong các dạng cộng tác mới, lí thú và gây tranh cãi nhất do thế giới phẳng tạo điều kiện dễ dàng và làm phẳng nó thậm chí nhiều hơn.

Nhằm giải thích dạng cộng tác này hoạt động thế nào, vì sao nó là một lực làm phẳng và vì sao, nhân đây, nó đã khuấy lên nhiều tranh cãi đến vậy và sẽ khuấy thậm chí nhiều hơn trong tương lai, tôi sẽ tập trung chỉ vào hai loại cơ bản của open-sourcing: phong trào [nguồn lực] trí tuệ chung và phong trào phần mềm miễn phí.

Dạng nguồn lực trí tuệ chung [intellectual commons*] của open-sourcing có nguồn gốc trong các cộng đồng hàn lâm và khoa học, nơi trong thời gian dài các cộng đồng tập thể tự-tổ chức của các nhà khoa học đã đến với nhau qua các mạng riêng và muộn hơn qua Internet để góp chung năng lực trí óc của họ hay để chia sẻ sự hiểu biết quanh một vấn đề khoa học hay toán học đặc biệt. Apache Web server có nguồn gốc trong hình thức này của open-sourcing. Khi tôi hỏi một người bạn, Mike Arguello, một nhà kiến trúc hệ thống IT, giải thích cho tôi vì sao người ta chia sẻ tri thức hay làm việc theo cách này, ông nói, “những người làm IT thường là những người rất thông minh và họ muốn mọi người biết họ đúng thông minh đến thế nào”. Marc Andreessen, người sáng chế ra Web browser đầu tiên, đồng ý: “Nguồn mở không gì hơn là khoa học được đồng nghiệp phê bình. Đôi khi người ta đóng góp cho các việc này vì họ làm khoa học, và họ khám phá ra các thứ, và phần thưởng là danh tiếng. Đôi khi bạn có thể lập một hãng từ đó, đôi khi họ chỉ muốn làm tăng kho tri thức trên thế giới. Và phần xét lại của người ngang hàng là quyết định- và open-source là sự xét lại ngang hàng. Mỗi lỗi hay lỗ hổng an ninh hay sự trệch khỏi tiêu chuẩn được xem xét lại”.

Tôi thấy dạng nguồn lực trí tuệ chung này của open-sourcing hấp dẫn, nên đi thăm dò để tìm các gã và các ả này là ai ở phòng mail. Cuối cùng, tôi tìm được một trong những người tiên phong của họ, Brian Behlendorf. Nếu Apache- cộng đồng Web server nguồn mở- là một bộ lạc da đỏ, Behlendorf sẽ là tộc trưởng. Một hôm tôi gặp anh ở văn phòng kính-và-thép của anh gần sân bay San Francisco, nơi bây giờ anh là người sáng lập và tổng giám đốc công nghệ của CollabNet, một hãng khởi nghiệp chú tâm tạo ra phần mềm cho các công ti muốn dùng cách tiếp cận nguồn mở cho đổi mới. Tôi bắt đầu với hai câu hỏi đơn giản: Anh xuất thân từ đâu? và: Làm thế nào anh tìm được cách để một cộng đồng nguồn mở của các geek trực tuyến hoà hợp với nhau có thể đánh giáp lá cà với IBM?

“Bố mẹ tôi gặp nhau ở IBM Nam California, và tôi lớn lên ở thị trấn La Canada ngay bắc Pasadena” Behlendorf nhớ lại. “Trường công rất cạnh tranh về mặt hàn lâm, vì bố mẹ của nhiều đứa trẻ đã làm việc tại Jet Propulsion Laboratory do Caltech vận hành ở đó. Nên từ rất trẻ tôi đã quanh quẩn với nhiều khoa học nơi là tốt để là loại cự phách. Chúng tôi đã luôn có máy tính quanh nhà. Chúng tôi thường dùng phiếu đục lỗ từ các máy IBM lớn để tạo các danh mục mua hàng. Ở trường phổ thông, tôi bắt đầu học một chút lập trình cơ bản, và ở trung học tôi đã cừ về máy tính… Tôi tốt nghiệp đại học 1991, nhưng 1989, những ngày ban đầu của Internet, một đứa bạn cho tôi bản sao một chương trình, gọi là ‘Fractint’, mà nó đã tải xuống đĩa mềm, nhưng là phần mềm miễn phí, do một nhóm các lập trình viên tạo ra, đó là chương trình để vẽ các fractal. [Các fractal là các hình rất đẹp được tạo ra ở giao điểm của nghệ thuật và toán học]. Khi chương trình khởi động, màn hình cho thấy danh sách cuộn này của các địa chỉ e-mail của tất cả các nhà khoa học và toán học đã góp phần tạo ra nó. Tôi để ý thấy chương trình gồm cả mã nguồn. Đó là lần tiếp xúc đầu tiên của tôi với khái niệm nguồn mở. Đây là chương trình mà bạn cứ tải xuống miễn phí, và họ thậm chí còn cho bạn mã nguồn, và nó được một cộng đồng tạo ra. Nó bắt đầu vẽ ra một bức tranh khác về lập trình trong đầu tôi. Tôi bắt đầu nghĩ rằng có động học xã hội lí thú nào đó đối với cách các loại phần mềm nào đó được viết hay có thể được viết- trái với loại hình ảnh mà tôi đã có về nhà phát triển phần mềm chuyên nghiệp ở văn phòng đằng sau [hậu trường, back office] máy tính lớn, nạp thông tin vào và lấy nó ra cho việc kinh doanh. Điều đó đối với tôi chỉ là một bước trên việc làm kế toán và không thật sự hứng thú”.

Sau khi tốt nghiệp 1991, Behlendorf đến Berkeley nghiên cứu vật lí, song anh nhanh chóng thất vọng vì sự tách rời giữa các thứ trừu tượng anh học trên lớp và sự náo động bắt đầu nổi lên trên Internet.

- “Khi bạn quay lại đại học khi đó, mỗi sinh viên được cấp một địa chỉ e-mail, và tôi bắt đầu dùng nó để nói chuyện với các sinh viên và thăm dò các bảng thảo luận [discussion board] vừa xuất hiện về âm nhạc,” Behlendorf nói. “Năm 1992, tôi bắt đầu danh mục thư Internet riêng của mình tập trung vào tình hình nhạc điện tử địa phương ở Miền Vịnh. Người ta có thể đơn giản dán lên bảng thảo luận, và nó bắt đầu tăng, và chúng tôi bắt đầu thảo luận các sự kiện âm nhạc khác nhau và các DJ [Disc Jockey - người dẫn chương trình âm nhạc]. Rồi chúng tôi bảo, “Này, vì sao không mời các DJ của riêng chúng ta và tung ra các sự kiện riêng của mình?’ Nó trở thành một việc tập thể. Ai đó có thể nói, ‘tôi có một số đĩa hát’, và ai đó khác có thể bảo, ‘tôi có hệ thống âm thanh’, và ai đó khác nói, ‘tôi biết bãi biển và nếu có mặt lúc nửa đêm chúng ta có thể có một buổi liên hoan.’ Năm 1993, Internet vẫn chỉ là các danh mục gửi thư và e-mail và các site FTP [Giao thức Truyền File] [các kho FTP nơi bạn có thể lưu trữ các thứ]. Thế là tôi bắt đầu sưu tầm một kho lưu trữ âm nhạc điện tử và quan tâm đến việc làm sao có thể đưa nó lên trực tuyến và sẵn có cho nhiều thính giả hơn. Đó là khi tôi nghe về Mosaic [Web browser do Marc Andreessen phát triển]. Thế là tôi có việc làm ở phòng thí nghiệm máy tính ở trường kinh doanh Berkeley, và tôi dùng thời gian rỗi của mình nghiên cứu Mosaic và các công nghệ Web khác. Việc đó dẫn tôi đến một bảng thảo luận với nhiều người đang viết thế hệ đầu tiên của các Web browser và Web server”.

(Một Web server là một chương trình phần mềm cho phép bất cứ ai dùng máy tính ở nhà hay văn phòng của mình để host [làm chủ] một Web site trên WWW. Amazon.com, thí dụ, từ lâu đã chạy Web site của mình trên phần mềm Apache. Khi Web browser của bạn đến www.amazon.com, phần mềm đầu tiên mà nó nói chuyện với là Apache. Browser hỏi Apache về trang Web Amazon và Apache giử lại cho browser nội dung trang Web Amazon. Lướt Web thực sự là browser của bạn tương tác với các Web server khác nhau.)

“Tôi thấy mình ngồi trên diễn đàn này theo dõi Tim Berners-Lee và Marc Andreessen tranh cãi các thứ này nên hoạt động ra sao,” Behlendorf nhớ lại. “Khá hứng thú, và nó có vẻ mang tính bao gồm triệt để. Tôi đã chẳng cần một [bằng] Tiến sĩ hay bất cứ chứng chỉ đặc biệt nào, và tôi bắt đầu thấy những sự tương tự giữa nhóm âm nhạc của tôi và các nhà khoa học này, những người có mối quan tâm chung để xây dựng phần mềm Web đầu tiên. Tôi theo dõi [thảo luận] đó một thời gian và rồi nói cho một bạn tôi về việc đó. Anh ta là một trong những nhân viên đầu tiên của tạp chí Wired, và anh ta bảo Wired có thể quan tâm đến thuê tôi dựng Web site cho họ. Như thế tôi tham gia ở đó với tiền công 10 $ một giờ, dựng e-mail của họ và Web site đầu tiên của họ -HotWired- lên …Nó là một trong các tạp chí trực tuyến đầu tiên sống bằng quảng cáo”.

HotWired quyết định nó muốn khởi động với một hệ thống đăng kí đòi hỏi mật khẩu - một khái niệm gây tranh cãi lúc đó. “Vào những ngày đó,” Andrew Leonard, người viết lịch sử Apache cho Salon.com năm 1997, nhận thấy, “hầu hết các Webmaster [chủ Web] phụ thuộc vào một chương trình Web server được phát triển tại Trung tâm Quốc gia về các Ứng dụng Siêu Tính, NCSA, của Đại học Illinois (cũng là nơi sinh của Web browser Mosaic gây chấn động). Nhưng Web server của NCSA không thể xử lí việc xác nhận mật khẩu ở quy mô mà HotWired cần. May mắn, NCSA server thuộc lĩnh vực công, có nghĩa mã nguồn là miễn phí đối với bất cứ ai. Như thế Behlendorf dùng đặc quyền tin tặc [hacker]: Anh viết một số mã mới, một ‘miếng vá [patch]’ vào NCSA Web server, miếng vá lo cho vấn đề.” Leonard bình luận, “Anh đã không chỉ là một lập trình viên tài tình lục soát từ đầu đến cuối mã NCSA mùa đông đó. Qua suốt sự bùng nổ Web, các Webmaster khác đều thấy cần thiết nắm quyền hành động vào bàn phím riêng của họ. Mã ban đầu đã bị để cho bụi ảo bao phủ khi lập trình viên chủ yếu của nó, sinh viên Đại học Illinois Rob McCool, đã bị một công ti ít được biết đến ở Silicon Valley có tên là Netscape múc về (cùng với Marc Andreessen và Eric Bina tác giả của Lynx). Trong lúc ấy, Web từ chối ngừng tăng- và tiếp tục gây ra các vấn đề mới cho các Web server để đối phó với.” Thế là các miếng vá loại này hay loại khác tăng nhanh như Band-Aids [toán nhiễm Aids] trên băng thông [bandwidth], bịt một lỗ ở đây và làm thủng một lỗ khác ở kia.

Trong lúc đó, tất cả các miếng vá này đã dần dần, theo cách ad hoc nguồn mở, xây dựng một Web server mới hiện đại. Nhưng mỗi người có phiên bản riêng của mình, trao đổi các miếng vá đó đây, bởi vì NCSA lab đã không thể theo kịp với tất cả.

“Tôi sắp phải bỏ học”, Behlendorf giải thích. “Tôi đã có nhiều vui thú xây dựng Web site này cho Wired và học được nhiều hơn tôi học ở Berkeley. Vì thế một thảo luận bắt đầu ở nhóm làm việc nhỏ của chúng tôi rằng những người ở NCSA đã không trả lời e-mail của chúng tôi. Chúng tôi đã gửi các miếng vá lên cho hệ thống và họ đã không trả lời. Và chúng tôi bảo, ‘Nếu NCSA không trả lời đối với các patch của chúng ta, cái gì sẽ xảy ra trong tương lai?’ Chúng tôi vui vẻ tiếp tục cải thiện việc này, nhưng chúng tôi lo khi không nhận được phản hồi nào và không thấy các patch của mình được tích hợp. Vì thế tôi bắt đầu tiếp xúc với những người khác tôi biết là họ trao đổi các patch… Hầu hết họ ở trong các nhóm công tác về tiêu chuẩn [Nhóm Đặc nhiệm Kĩ thuật Internet Engineering Task Force] đặt ra các tiêu chuẩn đầu tiên cho sự liên kết giữa các máy và các ứng dụng trên Internet… Và chúng tôi bảo, ‘Vì sao chúng ta lại không nắm lấy tương lai của mình và phát hành phiên bản [Web server] riêng của chúng ta bao hàm tất cả các patch?’

“Chúng tôi tìm kiếm bản quyền cho mã NCSA, và về cơ bản nó chỉ nói hãy công nhận công của chúng tôi ở Illinois vì cái chúng tôi đã sáng chế ra và nếu bạn cải thiện nó – và đừng đổ lỗi cho chúng tôi nếu nó hỏng,” Behlendorf nhớ lại. “Thế là chúng tôi bắt đầu làm phiên bản riêng của mình từ tất cả các patch của chúng tôi. Chẳng ai trong chúng tôi có thời gian để làm nhà phát triển Web server toàn thời gian, song chúng tôi nghĩ nếu có thể kết hợp thời gian của mình và làm việc đó theo cách công cộng, chúng tôi có thể tạo ra cái gì đó tốt hơn cái có thể mua từ trên kệ- và dù sao đi nữa khi đó đã chẳng có sẵn gì cả. Đấy là trước khi Netscape bán Web server thương mại đầu tiên của nó. Đó là khởi đầu của dự án Apache”.

Vào tháng Hai, 1999, họ đã viết lại hoàn toàn chương trình NCSA gốc và chính thức hoá sự hợp tác của họ dưới tên “Apache”. “Tôi chọn tên này vì tôi muốn nó có ý nghĩa tích cực là quả quyết,” Behlendorf nói. “Bộ lạc Apache đã là bộ lạc cuối cùng đầu hàng chính phủ Hoa Kì đang đến, và ở thời kì chúng ta lo rằng các công ti lớn sẽ đến và ‘khai hoá’ phong cảnh mà các kĩ sư Internet ban đầu đã dựng lên. Vì thế ‘Apache’ với tôi có nghĩa như một tên mã hay, và người khác nói nó cũng là một sự chơi chữ khéo” – như APAtCHy server [một server chắp vá], bởi vì [các miếng vá - patch] được dùng để vá tất cả các sửa chữa này với nhau.

Như thế bằng nhiều cách, Behlendorf và các đồng nghiệp nguồn mở của anh- hầu hết họ anh chưa từng biết mà chỉ biết bằng e-mail qua chat room nguồn mở- đã tạo ra một nhà máy phần mềm trực tuyến, ảo, từ dưới lên, không ai sở hữu và không ai quản lí. “Chúng tôi có một dự án phần mềm, song điều phối và chỉ huy là ứng xử nổi lên dựa vào bất cứ ai có mặt và muốn viết mã,” anh ta nó.

Nhưng thực sự nó hoạt động thế nào? Tôi hỏi Behlendorf. Anh không thể chỉ có một lũ người, không được giám sát, quy tụ mã lại?

“Hầu hết sự phát triển phần mềm dính đến một kho chứa mã nguồn và được các công cụ như Concurrent Versions System [Hệ thống các Phiên bản Đồng thời] - CVS, quản lí” anh ta giải thích. Như thế có một máy chủ CVS, và tôi có một chương trình CVS trên máy của tôi. Nó cho phép tôi nối vào server và lôi một bản sao mã xuống, như thế tôi có thể bắt đầu làm việc với nó và đưa ra các sửa đổi. Nếu tôi nghĩ patch của tôi là cái gì đó tôi muốn chia sẻ với người khác, tôi chạy một chương trình gọi là Patch, cho phép tôi tạo ra một file mới, một sưu tập cô đọng của tất cả những thay đổi. Nó được gọi là một patch file, và tôi có thể đưa file ấy cho ai đó khác, và họ có thể dùng nó cho bản sao mã của họ để xem patch có tác động gì. Nếu tôi có các đặc quyền thích hợp đối với server [được hạn chế cho một ban giám sát được kiểm soát chặt chẽ], thì tôi có thể đưa patch của mình và cam kết nó cho kho chứa và nó sẽ trở thành một phần của mã nguồn. CVS server theo dõi mọi thứ và ai gửi vào cái gì … Như thế bạn có thể có ‘truy cập đọc- read access’ đối với kho chứa song không có ‘truy cập cam kết- commit access’ để thay đổi các thứ. Khi ai đó tiến hành một cam kết đối với kho chứa, patch file đó được gửi qua e-mail cho những người phát triển khác, và như thế anh nhận được hệ thống xem xét ngang hàng này sau sự kiện, và nếu có cái gì đó sai, bạn sửa lỗi.”

Thế cộng đồng này quyết định ra sao ai là các thành viên tin cậy? “Đối với Apache,” Behlendorf nói, “chúng tôi bắt đầu với tám người thực sự tin nhau, và khi những người mới xuất hiện trên diễn đàn thảo luận và đề xuất các patch file được post lên mẫu thảo luận, chúng tôi có được sự tin cậy vào những người khác, và tám người đó tăng lên hơn một ngàn. Chúng tôi là dự án nguồn mở đầu tiên nhận được sự chú ý từ cộng đồng kinh doanh và có hỗ trợ từ IBM.”

Vì sự thành thạo của Apache cho phép một server duy nhất host hàng ngàn Web site ảo khác nhau – âm nhạc, dữ liệu, văn tự, khiêu dâm – nó bắt đầu chiếm “một thị phần đầy uy lực của thị trường ISP,” Leonard của Salon lưu ý. IBM đã thử bán Web server riêng của mình, gọi là GO, nhưng chỉ được một mẩu thị trường tí xíu. Apache tỏ ra cả là công nghệ tốt hơn và không mất tiền. Nên cuối cùng IBM quyết định rằng nếu nó không thể đánh bại, nó phải tham gia Apache. Ta phải dừng ở đây và tưởng tượng điều này. Công ti máy tính lớn nhất thế giới quyết định rằng các kĩ sư của nó không thể thắng công trình của một nhóm ad hoc các geek nguồn mở!

IBM “khởi xướng tiếp xúc với tôi, vì tôi có một chút vai trò người phát ngôn công khai cho Apache,” Behlendorf nói. “IBM bảo, ‘Chúng tôi muốn tính làm sao chúng tôi có thể dùng [Apache] và không bị cộng đồng Internet phê phán cay nghiệt, [làm sao chúng tôi có thể] làm cho nó bền vững và không phải là những kẻ đi lừa mà đóng góp cho quá trình …’ IBM đã nói rằng mô hình mới này cho phát triển phần mềm là đáng tin cậy và có giá trị, vì thế hãy đầu tư vào nó và thoát khỏi cách nghĩ là chúng tôi cố biến nó thành của riêng mình, điều đó không tốt.”

John Swainson là quan chức điều hành cao cấp đã lãnh đạo đội IBM tiếp cận Apache (ông hiện là chủ tịch Computer Associates). Ông tiếp tục câu chuyện: “Đã có nhiều tranh cãi khi đó về nguồn mở, nhưng lộn xộn. Chúng tôi quyết định là có thể dàn xếp với các gã Apache bởi vì họ trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Chúng tôi đã có cuộc đàm luận có ý nghĩa với các gã này, và chúng tôi đã có thể tạo ra Quỹ Phần mềm Apache [phi lợi nhuận] và tính mọi vấn đề”.

Với chi phí của IBM, các luật sư của nó đã làm việc với nhóm Apache để tạo ra một khung khổ pháp lí quanh nó sao cho sẽ không có vấn đề bản quyền hay nghĩa vụ nào đối với các công ti, như IBM, muốn xây dựng các ứng dụng lên trên Apache và tính tiền đối với chúng. IBM nhìn thấy giá trị khi có một cấu trúc Web server chuẩn loại cơ bản nhất [vanilla, cơ bản nhất như vanilla trong các loại kem]- cho phép các hệ thống máy tính và các thiết bị hỗn tạp có thể nói chuyện với nhau, hiển thị e-mail và các trang Web theo định dạng chuẩn- liên tục được một cộng đồng nguồn mở cải thiện miễn phí. Các cộng tác viên Apache đã không bắt tay làm phần mềm miễn phí. Họ đã xắn tay giải quyết một vấn đề chung- Web serving – và thấy cộng tác miễn phí theo cách nguồn mở là cách tốt nhất để tập hợp các bộ óc giỏi nhất cho công việc họ cần làm.

“Khi chúng tôi bắt đầu làm việc với Apache, đã có một Web site apache.org nhưng không có kết cấu pháp lí chính thức nào, và các doanh nghiệp và các kết cấu phi chính thức không cùng tồn tại tốt với nhau,” Swainson nói. “Bạn phải có khả năng xem xét kĩ mã, kí thoả thuận, và giải quyết các vấn đề nghĩa vụ. [Hiện nay] ai cũng có thể tải mã Apache xuống. Nghĩa vụ duy nhất là họ công nhận rằng nó xuất xứ từ địa điểm này, và nếu họ có bất cứ sửa đổi nào họ chia sẻ lại”. Có một quy trình phát triển Apache quản lí lưu thông, và bạn kiếm được cách của mình trong quy trình đó, Swainson nói thêm. Nó là cái gì đó giống một chế độ nhân tài thuần tuý. Khi IBM dùng Apache, nó trở thành một phần của cộng đồng và bắt đầu có những đóng góp.

Quả thực, một thứ mà những tay Apache đòi đền đáp lại sự cộng tác của họ với IBM là IBM cử các kĩ sư giỏi nhất tham gia nhóm nguồn mở Apache và đóng góp, như tất cả những người khác, một cách miễn phí. “Những người Apache đã không quan tâm đến sự thanh toán bằng tiền mặt,” Swainson nói. “Họ muốn sự đóng góp cho nền tảng. Các kĩ sư của chúng tôi đến và nói với chúng tôi, ‘Các gã làm Apache là các tay giỏi và họ khăng khăng rằng chúng ta đóng góp người tài.’ Đầu tiên họ từ chối vài người mà chúng tôi đóng góp. Họ bảo không xứng với tiêu chuẩn của họ! Sự đền bù mà cộng đồng kì vọng là chúng ta đóng góp tốt nhất”.

22 tháng Bảy, 1998, IBM công bố các kế hoạch kết hợp Apache vào sản phẩm Web server mới của riêng nó, gọi là WebSphere. Cách cộng đồng cộng tác Apache tự tổ chức mình, bất cứ gì bạn lấy từ mã Apache và cải thiện nó, bạn phải tặng lại cho cả cộng đồng. Nhưng bạn cũng tự do đi ra và xây dựng một sản phẩm thương mại có bằng sáng chế [patent] lên trên mã Apache, như IBM đã làm, với điều kiện là bạn bao hàm sự trích dẫn bản quyền đến Apache trong patent riêng của bạn. Nói cách khác, cách tiếp cận nguồn lực trí tuệ chung đến open-sourcing khuyến khích người ta xây dựng các sản phẩm thương mại lên trên nó. Trong khi nó muốn nền tảng là tự do [miễn phí] và mở cho tất cả mọi người, nó nhận ra rằng nó sẽ vẫn mạnh và tươi nếu cả các kĩ sư thương mại và phi thương mại đều có khuyến khích để tham gia.

Ngày nay Apache là một trong các công cụ nguồn mở thành công nhất, tạo sức mạnh cho khoảng hai phần ba các Web site trên thế giới. Và bởi vì có thể tải Apache xuống miễn phí ở bất cứ đâu trên thế giới, người dân từ Nga, Nam Phi đến Việt Nam dùng nó để tạo các Web site. Các cá nhân cần hay muốn các tính năng thêm cho Web server của mình có thể mua các sản phẩm như WebSphere, được gắn chính bên trên Apache.

Lúc đó, bán một sản phẩm được xây dựng bên trên một chương trình nguồn mở là một nước đi mạo hiểm về phía IBM. Tuyên dương công của nó, IBM đã tự tin vào khả năng của mình để tiếp tục tạo ra các ứng dụng phần mềm có sự khác biệt lên trên Apache vanilla [cơ sở cơ bản Apache]. Mô hình này đã được chấp nhận rộng rãi từ đó, sau khi mọi người đều thấy nó đã thúc đẩy việc kinh doanh Web server của IBM đến thế nào để trở thành đứng đầu thương mại trong loại phần mềm đó, tạo ra doanh thu khổng lồ.

Như tôi sẽ thường lặp lại ở cuốn sách này: Không có tương lai cho vanilla [phần cơ sở cơ bản như vanilla với các loại kem] đối với hầu hết các công ti trong một thế giới phẳng. Phần lớn việc làm ra vanilla trong phần mềm và các lĩnh vực khác sẽ được chuyển cho các cộng đồng nguồn mở. Đối với hầu hết các công ti, tương lai thương mại thuộc về những người biết làm thế nào tạo ra sauce [nước xốt] sôcôla ngon nhất, kem ngọt nhất, tơi nhẹ nhất, và các quả anh đào tươi nhất để đặt lên trên [vanilla], hoặc làm thế nào để đặt tất cả chúng vào một li kem nước quả. Jack Messman, chủ tịch công ti phần mềm Novell, công ti đã trở thành một nhà phân phối lớn về Linux, hệ điều hành nguồn mở, mà ở trên đỉnh Novell gắn các đồ lặt vặt để khiến nó hát và múa chỉ cho công ti anh, diễn đạt khéo nhất: “Các công ti phần mềm thương mại phải bắt đầu vận hành chồng [stack phần mềm] cao hơn để tạo sự khác biệt cho họ. Cộng đồng nguồn mở về cơ bản tập trung vào hạ tầng cơ sở” (Financial Times, June 14, 2004).

Dàn xếp IBM là một bước ngoặt thực sự. Big Blue [IBM] nói nó tin vào mô hình nguồn mở và với Apache Web server, cộng đồng các kĩ sư nguồn mở này đã tạo ra cái gì đó không chỉ hữu ích và có giá trị mà còn “tốt nhất trong loại của nó”. Đó là vì sao phong trào nguồn mở đã thành một lực làm phẳng mạnh mẽ, các tác động của nó ta chỉ vừa mới thấy. “Nó trao quyền cho các cá nhân một cách không thể tin nổi”, Brian Behlendorf nói. “Không thành vấn đề anh xuất xứ từ đâu và anh ở đâu- ai đó ở Ấn Độ và Nam Phi có thể dùng phần mềm này hay đóng góp cho nó hệt hiệu quả như ai đó ở Silicon Valley.” Mô hình cũ là kẻ thắng lấy tất cả: Tôi viết nó, tôi sử hữu nó – mô hình cấp phép phần mềm chuẩn. “Cách duy nhất để cạnh tranh với nó,” Behlendorf kết luận, “là tất cả đều trở thành người thắng”.

Về phần mình, Behlendorf đánh cược sự nghiệp của mình rằng ngày càng nhiều người và công ti sẽ muốn tận dụng nền thế giới phẳng mới để tiến hành đổi mới nguồn mở. Năm 2004, anh khởi động một công ti mới gọi là CollabNet để khuyến khích dùng open-sourcing như một công cụ để phát động đổi mới phần mềm bên trong các công ti. “Tiền đề của chúng tôi là phần mềm không phải là vàng, nó là rau diếp - một mặt hàng dễ ôi,” Behlendorf giải thích. “Nếu phần mềm không ở nơi nó được cải thiện suốt thời gian, nó sẽ thối rữa.” Cái cộng đồng nguồn mở đã làm, Behlendorf nói, là sự phát triển phần mềm phân tán được điều phối toàn cầu, nơi nó liên tục làm cho rau diếp tươi để không bao giờ bị thối rữa. Tiền đề của Behlendorf là cộng đồng nguồn mở đã phát triển một phương pháp tốt hơn để tạo ra và liên tục cập nhật phần mềm. CollabNet là một công ti được lập ra để đưa các kĩ thuật nguồn mở tốt nhất đến một cộng đồng đóng kín, tức là, một công ti phần mềm thương mại.

- “CollabNet là một lái buôn vũ khí cho các lực lượng làm phẳng thế giới,” Behlendorf nói. “Vai trò của chúng tôi trên thế giới này là đi xây dựng các công cụ và cơ sở hạ tầng để cho một cá nhân - ở Ấn Độ, Trung Quốc, hay bất cứ đâu - với tư cách một kế toán viên, một nhân viên, hay chỉ là ai đó ngồi ở nhà có thể cộng tác. Chúng tôi cho họ bộ đồ nghề để phát triển cộng tác phân tán. Chúng tôi làm cho sự phát triển từ dưới lên là có thể, và không chỉ trên không gian điều khiển… Chúng tôi có các công ti lớn quan tâm đến tạo ra một môi trường từ dưới lên cho viết phần mềm. Mô hình phần mềm silo cũ từ trên xuống đã bị gãy. Hệ thống đó nói, ‘tôi phát triển cái gì đó và rồi tôi liệng qua tường cho anh. Anh tìm thấy các lỗi và liệng lại. Tôi vá nó và sau đó bán một version mới.’ Có sự thất vọng liêm miên với việc nhận được phần mềm có lỗi- nó có thể được sửa hay có thể không. Vì thế chúng tôi nói, ‘Chẳng phải lí thú nếu chúng ta có thể được các lợi ích nguồn mở về tốc độ đổi mới và phần mềm chất lượng cao, và cảm giác về sự cộng tác của tất cả những người trong cuộc này, và biến nó thành một mô hình kinh doanh cho các công ti trở nên cộng tác hơn cả trong lẫn ngoài?’”

Tôi thích cách Irving Wladawsky-Berger, gốc Cuba, phó chủ tịch IBM về chiến lược kĩ thuật và đổi mới, đã tổng kết: “Thời đại đang nổi lên này được đặc trưng bởi sự đổi mới cộng tác của nhiều người làm việc trong các cộng đồng tài giỏi, hệt như sự đổi mới trong thời đại công nghiệp được đặc trưng bởi các cá nhân thiên tài.”

Cái nổi bật về hình thức [tài nguyên] trí tuệ chung của open-sourcing là nó biến dạng nhanh thế nào sang các lĩnh vực khác và sinh ra nhiều cộng đồng cộng tác tự-tổ chức khác, làm phẳng các hệ thống thứ bậc trong lĩnh vực của chúng. Tôi thấy điều này sống động nhất ở nghề báo, nơi các blogger, các nhà bình luận trực tuyến một người, những người thường kết nối với nhau tuỳ thuộc vào ý thức hệ của họ, đã tạo ra một loại phòng tin tức nguồn mở. Bây giờ tôi đọc các blogger (có xuất xứ từ “Weblog”) như một phần công việc thu thập tin tức thường này của tôi. Trong một bài báo về một nhóm bé tí các blogger tương đối vô danh đã có thể thổi còi phơi bày các tài liệu giả do Dan Rather của CBS News đã sử dụng trong bản tường thuật bỉ ổi của ông ta về thời gian phục vụ của Tổng thống George W. Bush tại cục Vệ binh Quốc gia Không quân, Howard Kurtz của tờ The Washington Post đã viết (20-9-2004), “Nó giống quăng một que diêm lên gỗ tẩm dầu hoả. Ngọn lửa kế tiếp lan qua tổ chức truyền thông đại chúng cứ như các blogger vô danh trước kia đã tìm được cách đặt mạng của Murrow và Cronkite [các bình luận viên huyền thoại của CBS] dứt khoát vào thế thủ. Bí mật, Charles Johnson nói, là ‘thu thập thông tin nguồn mở.’ Nghĩa là: ‘Chúng tôi có một quỹ khổng lồ những người có động cơ rõ rệt những người đi ra đó và dùng các công cụ để tìm các thứ. Chúng tôi có một đội quân các nhà báo công dân ở đó.”

Đội quân đó thường được trang bị không gì hơn một máy ghi âm, một máy điện thoại có thể chụp ảnh, một Web site, nhưng trong thế giới phẳng nó có thể cùng nhau khiến tiếng nói của nó được nghe xa và rộng như của CBS hay The New York Times. Các blogger này đã tạo ra bãi [nguồn lực] trực tuyến chung của họ, mà không có rào cản để tham gia. Bãi mở đó thường có nhiều lời đồn đại và các luận điệu hỗn độn xoáy trong đó. Vì không có ai phụ trách, các tiêu chuẩn hành nghề thay đổi quá thể, và một số là hết sức vô trách nhiệm. Nhưng vì không ai cai quản, thông tin chảy hoàn toàn tự do. Và khi cộng đồng này để ý đến cái gì đó thật, như tình tiết Rather, nó có thể tạo nhiều năng lực, sự ồn ào, và tin tức khó hịu như bất cứ mạng hay tờ báo lớn nào.

Một nguồn lực trí tuệ chung cộng tác mà tôi thường xuyên dùng trong viết cuốn sách này là Wikipedia, một bách khoa toàn thư trực tuyến do người dùng đóng góp, cũng được biết đến như “bách khoa toàn thư của nhân dân”. Từ “wikis” lấy từ “nhanh” tiếng Hawai. Wikis là các Web site cho phép người dùng tự mình trực tiếp biên tập bất cứ trang Web nào từ máy tính ở nhà của họ. Trong một tiểu luận ngày 5-5-2004 trên YaleGlobal online, Andrew Lih, một phó giáo sư ở Trung tâm Nghiên cứu Media và Nghề báo tại Đại học Hồng Kông, đã giải thích Wikipedia hoạt động thế nào và vì sao nó là một đột phá như vậy.

Dự án Wikipedia do Jimmy Wales, lãnh đạo của công ti khởi nghiệp Bomis.com, khởi động sau khi dự án ban đầu của ông cho một bách khoa toàn thư tự nguyện, miễn phí, nhưng được kiểm soát nghiêm ngặt cạn sạch tiền và nguồn lực sau hai năm,” Lih viết. “Các biên tập viên với bằng Tiến sĩ đã cầm lái dự án khi đó, nhưng chỉ tạo ra vài trăm đề mục. Không muốn nội dung héo tàn, Wales đưa các trang lên một wiki Website tháng Giêng 2001 và mời bất cứ khách Internet nào biên tập hay đưa thêm vào sưu tập. Site trở nên thành công rất nhanh trong năm đầu và được người ủng hộ trung thành, tạo ra hơn 20.000 đề mục và đẻ ra hàng chục bản dịch. Sau hai năm, nó có 100.000 đề mục, và tháng Tư 2004, hơn 250.000 đề mục bằng tiếng Anh và 600.000 đề mục bằng 50 thứ tiếng. Theo xếp hạng Website tại Alexa.com, nó trở nên nổi tiếng hơn các bách khoa toàn thư trực tuyến như Britanica.com.”

Làm sao, bạn có thể hỏi, người ta lại có thể tạo ra một bách khoa thư tin cậy, cân đối bằng con đường của một phong trào nguồn mở, biên tập mở ad hoc? Rốt cuộc, mỗi đề mục trong Wikipedia có một nút “Edit this page –Biên tập trang này”, cho phép bất cứ ai lướt theo có thể thêm vào hay xoá nội dung của trang đó. Nó bắt đầu với sự thực, Lih giải thích, rằng “bởi vì các wiki cung cấp một khả năng theo dõi trạng thái của đề mục, xem xét các thay đổi riêng biệt, và thảo luận các vấn đề, chúng hoạt động như phần mềm xã hội. Các Wiki Website cũng theo dõi và lưu mọi thay đổi đưa ra với mỗi đề mục, thế nên không thao tác nào mang tính phá huỷ lâu dài cả. Wikipedia hoạt đồng bằng đồng thuận, với những người dùng cho thêm hay sửa nội dung trong khi cố đạt điểm chung dọc đường.

“Tuy vậy, công nghệ bản thân nó là không đủ,” Lih viết. Wales đã tạo ra một chính sách biên tập để duy trì quan điểm trung lập (QĐTL) như một nguyên lí chỉ đạo … Theo các nguyên tắc chỉ đạo của Wikipedia, “QĐTL cố gắng trình bày các ý tưởng và các sự thực theo cách sao cho cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối có thể tán thành …’ Kết quả là, các đề mục về các vấn đề hay gây tranh cãi như toàn cầu hoá đã được lợi từ tính chất hợp tác và toàn cầu của Wikipedia. Trong hai năm vừa qua mục từ này đã có hơn 90 biên tập lại bởi những người đóng góp từ Hà Lan, Bỉ, Thuỵ Điển, Vương quốc Anh, Úc, Brazil, Hoa Kì, Malaysia, Nhật Bản và Trung Quốc. Nó cung cấp cái nhìn nhiều mặt về các vấn đề từ Tổ chức Thương mại Thế giới và các công ti đa quốc gia đến phong trào chống toàn cầu hoá và những đe doạ đối với đa dạng văn hoá. Đồng thời những người cộng tác ác ý được kiểm soát bởi vì dễ vô hiệu hoá hành động phá hoại. Những người dùng chuyên tâm đi vô hiệu hoá sự phá hoại, theo dõi danh mục các thay đổi mới đây, giải quyết các vấn đề trong vòng phút, nếu không phải trong giây. Một đề mục bị xoá có thể được phục hồi nhanh chóng quay lại một phiên bản có thể chấp nhận được với chỉ một cú nháy nút. Sự bất đối xứng căn bản này lật bàn cân theo hướng có lợi cho các thành viên hữu ích và hợp tác của cộng đồng wiki, cho phép chất lượng nội dung thắng thế.” Một bài trên Newsweek về Wikipedia (1-11-2004) trích Angela Beesley, một cộng tác viên tình nguyện từ Essex, Anh, và một người tự nhận nghiện Wikipedia theo dõi sự chính xác của hơn một ngàn mục từ: “Một bách khoa thư cộng tác nghe như một ý tưởng điên rồ, song nó tự chủ một cách tự nhiên.”

Trong khi đó, Jimmy Wales vừa mới bắt đầu. Anh bảo Newsweek rằng anh sẽ mở rộng thành Wiktionary, một từ điển và từ điển nhóm nghĩa; Wikibooks, các sách giáo khoa và cẩm nang; và Wikiquote, một sách chứa các lời trích dẫn. Anh nói anh có một mục đích đơn giản: cho “mỗi cá thể đơn nhất tiếp cận miễn phí đến tổng tất cả tri thức con người.”

Đạo lí của Wales là mọi người phải có quyền truy cập tự do đến tất cả tri thức loài người chắc chắn là chân thành, nhưng nó cũng đưa chúng ta đến mặt gây tranh cãi của nguồn mở: Nếu mỗi người đóng góp vốn trí tuệ của mình mà không lấy tiền, sẽ lấy đâu ra nguồn lực cho sự đổi mới sáng tạo mới? Chẳng phải chúng ta sẽ kết thúc trong những tranh cãi pháp lí bất tận về phần nào của bất cứ đổi mới nào là do cộng đồng làm ra để cho không, và có nghĩa là giữ theo cách đó, và phần nào do công ti vì lợi nhuận nào đó đưa thêm vào và phải thanh toán để cho công ti ấy có thể kiếm tiền nhằm thúc đẩy đổi mới nữa? Tất cả các câu hỏi này được một dạng cộng tác tự tổ chức khác, ngày càng được dân chúng ưa thích – phong trào phần mềm miễn phí – nêu ra. Theo Web site openknowledge.org, “Phong trào phần mềm miễn phí/nguồn mở bắt đầu với văn hoá ‘hacker’ của các phòng thí nghiệm khoa học máy tính Hoa Kì (Stanford, Berkeley, Carnegie Mellon, và MIT) trong các năm 1960 và 1970. Cộng đồng các lập trình viên còn nhỏ, và gắn bó với nhau. Mã được chuyển tới chuyển lui giữa các thành viên của cộng đồng- nếu bạn có một cải tiến bạn được mong đợi để đưa mã của bạn cho cộng đồng các nhà phát triển. Giữ mã đã được coi là vụng về - rốt cuộc, bạn hưởng lợi từ công việc của bạn bè mình, bạn phải đáp trả lại thiện ý.”

Phong trào phần mềm miễn phí, tuy vậy, đã và vẫn được gây cảm hứng bởi lí tưởng đạo đức rằng phần mềm phải là miễn phí và sẵn có cho tất cả mọi người, và nó dựa vào sự cộng tác nguồn mở để giúp tạo ra phần mềm tốt nhất có thể để phát không. Cách tiếp cận này là hơi khác cách tiếp cận của những người chủ trương nguồn lực tri tuệ chung, như Apache. Họ nhìn open-sourcing như một công cụ ưu việt về kĩ thuật để làm phần mềm và các đổi mới khác, và trong khi Apache là sẵn có miễn phí cho mọi người, không hề có vấn đề gì với phần mềm thương mại được xây dựng trên đỉnh nó. Nhóm Apache cho phép bất cứ ai tạo ra một công trình phái sinh và sở hữu nó, miễn là anh ta thừa nhận đóng góp của Apache.

Mục tiêu hàng đầu của phong trào phần mềm miễn phí, tuy vậy, là để kiếm càng nhiều người càng tốt để viết, cải tiến, và phân phối phần mềm miễn phí, vì niềm tin chắc rằng điều này sẽ trao quyền cho mọi người và giải phóng các cá nhân khỏi sự kìm kẹp của các công ti toàn cầu. Nói chung, phong trào phần mềm miễn phí cấu trúc các licence của nó sao cho nếu phần mềm thương mại của bạn lấy trực tiếp từ bản quyền phần mềm miễn phí của họ, thì họ cũng muốn phần mềm của bạn là miễn phí.

Năm 1984, theo Wikipedia, một nhà nghiên cứu của MIT và một trong những cựu hacker này, Richard Stallman, đã khởi đầu “phong trào phần mềm miễn phí” cùng với nỗ lực để xây dựng một hệ điều hành miễn phí được gọi là GNU. Để khuyến khích phần mềm miễn phí, và để đảm bảo rằng mã của nó luôn có thể được sửa đổi và sẵn có miễn phí cho tất cả mọi người, Stallman đã thành lập Quỹ Phần mềm Miễn phí và cái gọi là Licenese Công cộng Chung GNU [General Public Licencse] (GPL). GPL quy định rằng những người dùng mã nguồn có thể sao, thay đổi, cập nhật mã, miễn là họ làm cho những thay đổi có thể kiếm được dưới cùng license như mã gốc. Năm 1991, một sinh viên ở Đại học Helsinki có tên là Linus Torvalds, xuất phát dựa vào sáng kiến của Stallman, đã yết công khai hệ điều hành Linux của mình để cạnh tranh với hệ điều hành Windows của Microsoft và mời các kĩ sư khác và các geek trực tuyến thử cải thiện nó-miễn phí. Kể từ lần niêm yết đầu tiên của Tovalds, các nhà lập trình trên khắp thế giới đã thao tác, thêm, mở rộng, vá, và cải thiện hệ điều hành GNU/Linux, mà license của nó nói bất cứ ai có thể tải mã nguồn xuống và cải thiện nó song phải để cho phiên bản cập nhật cho mọi người khác dùng miễn phí. Tovalds khăng khăng là Linux phải luôn luôn miễn phí. Các công ti bán những cải tiến phần mềm nâng cao Linux hay thích nghi nó đối với một số chức năng nhất định phải rất cẩn thận đừng chạm đến bản quyền của nó trong các sản phẩm thương mại của mình.

Khá giống Windows, Linux đưa ra một họ các hệ điều hành có thể được thích nghi để chạy trên các máy tính để bàn nhỏ nhất, các máy xách tay, cầm tay, và thậm chí đồng hồ đeo tay, lên đến cả các siêu máy tính lớn nhất và các máy tính lớn. Như thế một đứa trẻ ở Ấn Độ với một PC rẻ có thể học những cách hoạt động bên trong của cùng hệ điều hành chạy trong một số trung tâm dữ liệu lớn nhất của [Tổng Công ti] Hoa Kì. Linux có một đội quân các nhà phát triển khắp toàn cầu làm việc để làm cho nó tốt hơn. Khi tôi viết đoạn này của cuốn sách, một buổi chiều tôi đi picnic đến nhà ở miền quê Virginia của Pamela và Malcolm Baldwin, những người mà vợ tôi quen qua việc là thành viên của hội đồng quản trị của World Learning, một NGO về giáo dục. Trong bữa ăn tôi nói là tôi nghĩ sẽ đi Mali để xem thế giới phẳng đến thế nào nhìn từ rìa ngoài nhất của nó - thị trấn Timbuktu. Peter con trai nhà Baldwin tình cờ làm việc ở Mali với tư cách một bộ phận của cái gọi là GreekCorps, giúp đưa công nghệ vào các nước đang phát triển. Vài ngày sau bữa ăn, tôi nhận được một e-mail từ Pamela bảo tôi rằng bà đã bàn với Peter về đi cùng tôi đến Timbuku, sau đó bà viết thêm đoạn sau, đoạn nói cho tôi mọi thứ tôi muốn biết và bớt cho tôi cả một chuyến đi: “Peter nói dự án của nó là tạo ra các mạng không dây qua vệ tinh, làm các anten từ các chai soda nhựa và các tấm lưới che cửa sổ [bằng kim loại]! Dường như mọi người ở Mali đều dùng Linux …”

“Mọi người ở Mali dùng Linux.” Chắc chắn có một chút phóng đại, nhưng nó là một lối nói ta nghe thấy chỉ trong thế giới phẳng.

Phong trào phần mềm miễn phí đã trở thành thách thức đáng gờm đối với Microsoft và một số công ti phần mềm toàn cầu lớn khác. Như tạp chí Fortune tường thuật ngày 23-2-2004, “Sự sẵn có của phần mềm cơ bản và hùng mạnh này, hoạt động trên các vi xử lí phổ biến khắp mọi nơi của Intel, trùng với sự tăng trưởng bùng nổ của Internet. Linux mau chóng nhận được sự noi theo toàn cầu giữa các nhà lập trình và những người sử dụng trong kinh doanh … Cuộc cách mạng đi xa hơn Linux một chút… Hầu như bất cứ loại phần mềm nào [hiện nay] có thể tìm được ở dạng nguồn mở. Web site SourceForge.net, nơi gặp gỡ của các nhà lập trình, liệt kê con số gây sửng sốt 86.000 chương trình đang tiến triển. Hầu hết là các dự án nhỏ bởi và cho các geek, nhưng hàng trăm [chương trình] có giá trị thực sự … Nếu bạn ghét móc 350 $ để mua Microsoft Office hay 600 $ cho Adobe Photoshop, thì OpenOffice.org và Gimp là các lựa chọn miễn phí chất lượng cao đáng ngạc nhiên.” Các công ti lớn như Google, E☼Trade, và Amazon, bằng kết hợp các thành phần server hàng hoá trên cơ sở Intel với hệ điều hành Linux, đã có khả năng cắt chi tiêu công nghệ của họ một cách đầy kịch tính – và có nhiều kiểm soát hơn với phần mềm của mình. Vì sao có nhiều người đến vậy sẵn sàng viết phần mềm để cho không? Một phần là do thách thức khoa học thuần tuý, điều không bao giờ nên đánh giá thấp. Một phần bởi vì tất cả họ đều căm ghét Microsoft vì cách nó chế ngự thị trường đến vậy và, theo cách nhìn của nhiều người hay bực mình, ức hiếp tất cả mọi người khác. Một phần là vì họ tin rằng phần mềm nguồn mở có thể được giữ tươi hơn và ít lỗi hơn bất cứ phần mềm thương mại nào, bởi vì nó liên tục được cập nhật bởi một đội quân của các nhà lập trình không được trả tiền. Và một phần vì một số công ti công nghệ lớn nào đó trả tiền cho các kĩ sư làm việc trên Linux và các phần mềm khác, hi vọng nó sẽ cắt thị phần của Microsoft và làm cho nó thành một đối thủ cạnh tranh yếu hơn ở khắp nơi. Có nhiều động cơ hoạt động ở đây, và không phải tất cả chúng là vị tha. Tuy vậy, khi đặt tất cả chúng lại với nhau, chúng tạo ra một phong trào rất hùng mạnh sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho toàn bộ mô hình phần mềm thương mại về mua một chương trình và sau đó tải các sửa lỗi và mua bản cập nhật của nó.

Cho đến nay, hệ điều hành Linux là thành công nổi tiếng nhất giữa các dự án phần mềm nguồn mở miễn phí thách thức Microsoft. Nhưng Linux chủ yếu được các trung tâm dữ liệu công ti lớn sử dụng, chứ không phải các cá nhân. Tuy nhiên, tháng 11-2004, [Quỹ] Mozilla Foundation, một nhóm phi lợi nhuận ủng hộ phần mềm nguồn mở, phát hành Firefox, một Web browser miễn phí mà người viết về công nghệ ở New York Times Randall Stross (19-12-2004) đã mô tả như rất nhanh và đầy các tính năng mà Internet Explorer của Microsoft không có. Firefox 1.0, dễ cài đặt, được phát hành 9-11. “Chỉ một tháng sau,” Stross tường thuật, “quỹ kỉ niệm một cột mốc đáng để ý: 10 triệu lần tải xuống.” Các khoản quyên góp từ các fan am hiểu của Firefox đã trả quảng cáo hai trang trên The New York Times. “Với Firfox,” Stross nói thêm, “phần mềm nguồn mở chuyển từ back-office khó hiểu sang nhà của bạn, và sang nhà của cha mẹ bạn’ nữa. (Con cái bạn ở đại học đã dùng nó rồi). Nó tao nhã, dễ dùng như Internet Explorer và, hấp dẫn nhất, được bảo vệ tốt hơn nhiều để chống các loại virus, worm [sâu] và snoop [phần mềm nghe lén]. Microsoft đã luôn coi sự tích hợp chặt của Internet Explorer là một tính năng hấp dẫn. Firfox cưỡi nhẹ nhành trên đỉnh Windows, tách biệt khỏi hệ điều hành làm cơ sở mà chủ tịch Mozilla Foundation, Michell Baker, gọi là một ‘sự phòng thủ tự nhiên’. Lần đầu tiên Internet Explorer mất thị phần. Theo một khảo sát toàn cầu được tiến hành tháng Mười Một vừa qua bởi OneStat.com, một công ti ở Amsterdam phân tích Web, thị phần của Internet Explorer sụt xuống dưới 85 phần trăm, năm điểm phần trăm thấp hơn tháng Năm. Firfox bây giờ có gần 5 phần trăm thị phần, và phần đó đang tăng.”

Sẽ không ngạc nhiên là các quan chức Microsoft không phải là những người tin vào khả năng tồn tại hay vào các ưu điểm của dạng phần mềm miễn phí nguồn mở. Trong tất cả các vấn đề mà tôi đề cập đến trong cuốn sách này, không vấn đề nào kích thích nhiều say mê từ những người ủng hộ và những người phản đối hơn là open-source. Sau khi dùng một số thời gian với cộng đồng nguồn mở, tôi muốn nghe cái Microsoft cần phải nói, vì đây sẽ là một cuộc tranh cãi quan trọng, quyết định nguồn mở trở thành một lực làm phẳng đích đáng đến mức nào.

Điểm đầu tiên của Microsoft là, làm thế nào để thúc đẩy đổi mới tiến lên nếu mọi người làm việc không lấy tiền và cho không công trình của họ? Vâng, Microsoft nói, tất cả nghe đẹp đẽ và thân thiện rằng tất cả chúng ta vừa cùng nhau lên trực tuyến và viết phần mềm miễn phí bởi nhân dân và cho nhân dân. Nhưng nếu những người đổi mới sáng tạo sẽ không được thưởng cho các đổi mới của mình, khuyến khích cho đổi mới mở đường sẽ cạn kiệt và cũng vậy tiền cho R&D sâu thực sự cần đến để tạo ra sự tiến bộ trong lĩnh vực ngày càng phức tạp này. Sự thực rằng Microsoft đã tạo ra hệ điều hành PC chuẩn thắng cuộc trên thương trường, nó lập luận, đã tạo ra nguồn tiền tài trợ cho phép Microsoft tiêu hàng tỉ dollar cho R&D để phát triển Microsoft Office, một trọn bộ các ứng dụng mà bây giờ nó có thể bán hơn 100 $ một chút.

“Microsoft thừa nhận rằng có nhiều khía cạnh của phong trào nguồn mở là hấp dẫn, đặc biệt xung quanh quy mô, sự cộng tác cộng đồng, và các khía cạnh truyền thông,” Craig Mundie, tổng giám đốc công nghệ của Microsoft, nói. “Nhưng về cơ bản chúng tôi tin vào ngành phần mềm thương mại, và một số biến thể của mô hình nguồn mở công kích mô hình kinh tế cho phép các công ti để tạo dựng việc kinh doanh về phần mềm. Vòng thiện về đổi mới, phần thưởng, tái đầu tư, và đổi mới nhiều hơn là cái đã dẫn đến tất cả các đột phá lớn trong nghành của chúng ta. Việc kinh doanh phần mềm như chúng ta biết là một việc kinh doanh kinh tế quy mô. Bạn tiêu trước hàng tấn tiền để phát triển một sản phẩm phần mềm, rồi chi phí biên để sản xuất mỗi sản phẩm là rất nhỏ, nhưng nếu anh bán rất nhiều, anh thu lại được khoản đầu tư của mình và sau đó tái đầu tư lợi nhuận vào phát triển thế hệ [sản phẩm] mới. Nhưng khi bạn khăng khăng rằng không được tính tiền phần mềm, bạn chỉ có thể cho không, bạn lấy việc kinh doanh phần mềm khỏi sự kinh doanh theo quy mô kinh tế”.

Bill Gates nói thêm, “Bạn cần chủ nghĩa tư bản [để dẫn dắt đổi mới]. Để có [một phong trào] nói đổi mới không xứng đáng phần thưởng kinh tế là trái với phía mà thế giới đi tới. Khi tôi nói với những người Trung Quốc, họ ước mơ lập một công ti. Họ không nghĩ, ‘tôi sẽ làm thợ cắt tóc ban ngày và làm phần mềm miễn phí ban đêm’ … Khi bạn có khủng hoảng an ninh trong hệ thống [phần mềm] của mình, bạn không muốn nói, ‘Gã thợ cắt tóc ở đâu’?”

Khi chúng ta chuyển vào thế giới phẳng này, và có lực lượng lao động to lớn này do Web cho phép, với tất cả các công cụ cộng tác này, sẽ không có dự án nào là quá nhỏ cho các thành viên nào đó của lực lượng lao động này để đảm nhiệm, hay sao chép, hay sửa đổi – miễn phí. Ai đó ở đó sẽ thử tạo ra các phiên bản miễn phí của mọi loại phần mềm hay thuốc hay âm nhạc. “Thế thì làm sao các sản phẩm giữ được giá trị của chúng?” Mundie hỏi. “Và nếu các công ti không thể lấy được giá trị hợp lí từ các sản phẩm của họ, sự đổi mới sẽ có tiến lên trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, với tốc độ mà nó có thể hay phải là?” Chúng ta có thể luôn tính đến một phong trào nguồn mở tự tổ chức đến cùng nhau để đưa các thứ tiến lên không mất tiền?

Có vẻ đối với tôi, chúng ta ở giai đoạn còn quá sớm trong lịch sử của sự làm phẳng thế giới để trả lời các câu hỏi này. Nhưng chúng sẽ cần các câu trả lời, và không chỉ cho Microsoft. Cho đến nay – và có thể đây là một phần của câu trả lời tầm dài – Microsoft đã có khả năng hi vọng ở sự thực rằng chỉ thứ đắt hơn phần mềm thương mại là phần mềm miễn phí. Ít công ti lớn có thể đơn giản tải Linux xuống từ Web và hi vọng nó hoạt động cho tất cả các nhiệm vụ của họ. Nhiều thiết kế và kĩ thuật hệ thống cần phải đi cùng nó và ở trên nó để biến nó phù hợp với các nhu cầu cụ thể của một công ti, đặc biệt cho các hoạt động tinh vi, quy mô lớn, và quyết định đến sứ mệnh. Cho nên khi bạn tính tổng tất cả chi phí thích nghi hệ điều hành Linux đối với các nhu cầu của công ti bạn và nền phần cứng cụ thể của nó và các ứng dụng, Microsoft lập luận, nó có thể có tổng chi phí nhiều như hoặc hơn Windows.

Vấn đề thứ hai Microsoft nêu lên về toàn bộ phong trào nguồn mở này phải giải quyết là làm sao chúng ta theo dõi được ai sở hữu mẩu nào của bất cứ đổi mới nào trong một thế giới phẳng, nơi một số được tạo ra miễn phí và phần khác được xây dựng trên nó vì lợi nhuận. Các nhà lập trình Trung Quốc sẽ thật sự tôn trọng các quy định của Quỹ Phần mềm Miễn phí? Ai sẽ cai quản tất cả việc này?

“Một khi bạn bắt đầu xã hội hoá dân cư toàn cầu về ý tưởng rằng phần mềm hay bất cứ đổi mới khác nào được cho là miễn phí, nhiều người sẽ không phân biệt giữa phần mềm miễn phí, các dược phẩm miễn phí, âm nhạc miễn phí, hay các patent miễn phí về thiết kế ôtô,” Mundie lí lẽ. Có sự thật nào đó trong điều này. Tôi làm việc cho một tờ báo, đó là nơi trả lương cho tôi. Nhưng tôi tin rằng tất cả các báo trực tuyến phải là miễn phí, và về nguyên lí tôi từ chối trả tiền cho đặt báo trực tuyến đối với The Wall Street Journal. Tôi đã không đọc bản trên giấy của The New York Times thường xuyên hai năm nay. Tôi đọc nó trực tuyến. Song nếu thế hệ con gái tôi, do được nuôi để nghĩ rằng báo chí là cái gì đó phải được truy cập miễn phí, lớn lên và từ chối trả tiền cho báo giấy? Hừ..ừ. Tôi thích Amazon.com cho đến khi nó bắt đầu cung cấp một nền toàn cầu không chỉ bán các sách mới của tôi mà cả các phiên bản cũ. Và tôi vẫn không chắc sẽ cảm thấy ra sao về việc Amazon chào các đoạn của cuốn sách này có thể được lướt trực tuyến miễn phí.

Mundie lưu ý một công ti ôtô lớn của Mĩ mới phát hiện ra là một số hãng Trung Quốc đã dùng công nghệ quét số mới để quét toàn bộ chiếc ôtô và sản ra hàng loạt các mô hình thiết kế với sự trợ giúp của máy tính tất cả các bộ phận trong vòng một thời gian rất ngắn. Sau đó họ có thể nạp các thiết kế đó vào các robot công nghiệp và nhanh mà không ồn ào tạo ra một bản sao hoàn hảo của một chiếc xe GM- mà không phải chi bất cứ khoản tiền nào cho R&D. Các nhà sản xuất ôtô Mĩ chẳng bao giờ nghĩ họ có bất cứ gì để lo về sự sinh sản vô tính toàn bộ các xe của họ, song ở thế giới phẳng, căn cứ vào các công nghệ sẵn có ở đấy, điều đó không còn đúng nữa.

Điểm mấu chốt của tôi là thế này: Open-source là một lực làm phẳng quan trọng bởi vì nó làm cho nhiều công cụ, từ phần mềm đến bách khoa toàn thư, sẵn có miễn phí, mà hàng triệu người quanh thế giới đã phải mua để được dùng, và bởi vì mạng nguồn mở kết hợp -với các ranh giới mở của chúng và cách tiếp cận đến- một-là-đến-tất-cả - có thể thách thức cấu trúc thứ bậc với một mô hình chiều ngang về đổi mới rõ ràng hoạt động trong các lĩnh vực có số lượng ngày càng tăng. Apache và Linux mỗi cái đã giúp đẩy chi phí của việc sử dụng tính toán và Internet theo những cách làm phẳng một cách sâu sắc. Phong trào này sẽ không mất đi. Quả thực, có thể nó mới chỉ vừa bắt đầu - với một sự khát khao to lớn, và ngày càng tăng có thể áp dụng cho nhiều ngành. Như The Economist (10-7-2004) bối rối, “một số người cuồng tín thậm chí còn lí lẽ rằng cách tiếp cận nguồn mở đại diện cho một mô hình mới, mô hình hậu tư bản chủ nghĩa về sản xuất.”

Điều đó có thể tỏ ra là đúng. Nếu vậy, thì chúng ta có các vấn đề to lớn về cai quản toàn cầu để sắp xếp ai sở hữu cái gì và các cá nhân và các công ti sẽ kiếm lời thế nào từ việc tạo ra chúng.

LỰC LÀM PHẲNG # 5

OUTSOURCING [THUÊ NGUỒN NGOÀI]

Y2K

India (Ấn Độ) đã trải qua những thăng trầm từ khi nó giành được độc lập ngày 15-8-1947, nhưng trong chừng mực nào đấy nó có thể được nhớ lại như nước may mắn nhất trong lịch sử cuối thế kỉ hai mươi.

Cho đến gần đây, Ấn Độ đã là nước được biết đến trong giới ngân hàng như “người mua thứ cấp”. Bạn luôn muốn là người mua thứ cấp trong kinh doanh- [là] người mua khách sạn hay sân golf hay siêu thị sau khi người chủ sở hữu đầu tiên đã phá sản và các tài sản của nó được ngân hàng bán với giá mười cent cho một dollar. Thế đấy, những người người mua đầu tiên của tất cả cáp được đặt bởi tất cả các công ti cáp quang đó – các công ti nghĩ họ sẽ trở nên giàu có không ngừng trong một vũ trụ số mở rộng không ngừng – đã là các cổ đông Mĩ của chúng. Khi bong bóng vỡ, họ bị bỏ lại nắm giữ cổ phiếu hoặc vô giá trị hoặc bị giảm [giá trị] rất nhiều. Những người Ấn Độ, thực tế, đã trở thành những người mua thứ cấp của các công ti cáp quang.

Họ thực tế đã không mua các cổ phần, họ chỉ được lợi từ quá thừa dung lượng cáp quang, điều có nghĩa là họ và các khách hàng Mĩ của họ có dịp sử dụng tất cả cáp đó hầu như miễn phí. Đây là một dịp may bất ngờ khổng lồ cho Ấn Độ (và ở mức độ ít hơn cho Trung Quốc, Liên Xô trước đây, và Đông Âu), bởi vì lịch sử cận đại của Ấn Độ là gì? Ngắn gọn, Ấn Độ là một nước hầu như không có tài nguyên tự nhiên đã làm một việc rất tốt – khai thác đầu óc của người dân của mình bằng giáo dục một phần tương đối lớn giới ưu tú của nó về khoa học, kĩ thuật và y học. Năm 1951, thuộc về công trạng lâu dài của ông, Jawaharlal Nehru, thủ tướng Ấn Độ đầu tiên, đã xây dựng viện đầu tiên trong bảy Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở thành phố miền đông Kharagpur. Trong năm mươi năm kể từ khi đó, hàng trăm ngàn người Ấn Độ đã tranh đua để được vào học và tốt nghiệp từ các Học Viện IIT này và các đại học tư tương đương của chúng (cũng như sáu Học Viện Quản lí Ấn Độ -IIM, dạy quản trị kinh doanh). Căn cứ vào dân số hơn một tỉ của Ấn Độ, sự cạnh tranh này tạo ra một chế độ nhân tài tri thức phi thường. Nó giống một nhà máy, cho ra lò và xuất khẩu một số tài năng kĩ thuật, khoa học máy tính, và phần mềm có năng khiếu nhất trên thế giới.

Chao ôi, đây là một trong vài việc mà Ấn Độ đã làm đúng. Vì hệ thống chính trị của nó thường loạn chức năng, gắn với sở thích ủng hộ Soviet, ủng hộ kinh tế học xã hội chủ nghĩa của Nehru, đã bảo đảm rằng cho đến tận giữa các năm 1990 Ấn Độ đã không thể cung cấp việc làm tử tế cho hầu hết các kĩ sư tài năng đó. Như thế Mĩ đã là người mua thứ cấp của năng lực trí tuệ Ấn Độ! Nếu là một người Ấn Độ thông minh và có giáo dục, cách duy nhất bạn có thể phát huy khả năng của mình đã là bỏ nước và, lí tưởng nhất, đi Mĩ, nơi khoảng hai mươi lăm ngàn người tốt nghiệp các trường kĩ thuật Ấn Độ đã định cư từ 1953, làm giàu nhiều cho quỹ trí tuệ Mĩ nhờ sự giáo dục của họ, được bao cấp bởi những người đóng thuế Ấn Độ.

“IIT trở thành các hòn đảo ưu tú bằng cách không cho phép sự giảm chất lượng hệ thống Ấn Độ làm giảm các tiêu chuẩn chính xác của chúng,” The Wall Street Journal (16-4-2003) lưu ý. “Anh không thể đút lót để được vào một IIT … Các ứng viên chỉ được chấp nhận nếu họ qua được một cuộc thi tuyển gay go. Chính phủ không can thiệp vào chương trình giảng dạy, và công việc học đòi hỏi khắt khe … Có thể lí lẽ, vào một IIT khó hơn vào Harvard hay MIT … Cựu sinh viên IIT Vinod Khosla, đồng sáng lập ra Sun Microsystem, nói: ‘Khi tôi tốt nghiệp IIT Delhi và sang Carnegie Mellon để học Thạc sĩ, tôi nghĩ mình dạo chơi vì nó rất dễ so với vốn học mà tôi nhận được ở IIT’.”

Trong hầu hết năm mươi năm đầu, các viện IIT này là một trong những món hời lớn nhất mà Mĩ đã từng được. Cứ như là ai đó đã đặt một ống hút trí óc nạp đầy ở New Delhi và đổ vào Palo Alto.

Và rồi Netscape, phi điều tiết hoá viễn thông 1996, và Global Crossing và các bạn cáp quang của nó đến. Thế giới trở nên phẳng và toàn bộ câu chuyện lộn đầu đuôi. “Ấn Độ không có tài nguyên hay hạ tầng cơ sở gì” Dinakar Singh, một trong những giám đốc quỹ tự bảo hiểm [hedge-fund] được tôn trọng nhất ở phố Wall nói, bố mẹ của ông đã tốt nghiệp ở một IIT và sau đó di cư sang Mĩ, nơi ông được sinh ra. “Nó đã tạo ra những người với chất lượng và bằng số lượng. Song rất nhiều trong số họ đã mục rữa như rau cỏ ở các bến cảng Ấn Độ. Chỉ một số rất ít có thể lên tàu và thoát khỏi. Chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, vì chúng ta đã xây con tàu vượt đại dương này, được gọi là cáp quang… Trong hàng thập kỉ bạn phải rời khỏi Ấn Độ để trở thành chuyên gia… Bây giờ bạn có thể plug [cắm] vào thế giới từ Ấn Độ. Bạn không cần phải đến Yale và không cần phải làm việc cho Goldman Sachs [như tôi đã phải].”

Ấn Độ đã chẳng bao giờ có thể đủ khả năng chi trả cho dải băng thông để kết nối Ấn Độ có đầu óc với Mĩ có công nghệ cao, vì thế các cổ đông Mĩ chi trả cho việc đó. Chắc chắn, đầu tư quá mức có thể là tốt. Sự đầu tư quá mức vào đường sắt đã hoá ra là một lợi ích to lớn cho nền kinh tế Mĩ. “Song đầu tư quá mức vào đường sắt chỉ giới hạn trong quốc gia riêng của bạn và các lợi ích cũng thế,” Singh nói. Trong trường hợp đường sắt kĩ thuật số, “những người ngoại quốc là những người được lợi.” Ấn Độ được đi miễn phí.

Vui đi nói chuyện với người Ấn Độ những người nổi bật chính xác vào lúc các công ti Mĩ bắt đầu phát hiện ra họ có thể thu hút năng lực trí óc của Ấn Độ ở Ấn Độ. Một trong số họ là Vivek Paul, hiện là chủ tịch của Wipro, công ti phần mềm Ấn Độ khổng lồ. “Về nhiều mặt cách mạng [outsourcing] công nghệ thông tin Ấn Độ bắt đầu với việc General Electric sang đây. Ta đang nói về cuối các năm 1980 đầu các năm 1990. Khi đó, Texas Instrument đã tiến hành thiết kế chip nào đó ở Ấn Độ. Một số nhà thiết kế chủ chốt của họ [ở Mĩ] là những người Ấn Độ, và cơ bản họ đã để cho họ về quê và làm việc từ đó [dùng các mạng truyền thông khá thô thiển lúc đó để liên lạc]. Khi đó, tôi chỉ huy hoạt động cho GE Medical Systems ở Bangalore. [Chủ tịch GE] Jack Welch đến Ấn Độ năm 1989 và hoàn toàn bị Ấn Độ hấp dẫn như một nguồn lợi thế trí tuệ cho GE. Jack nói, ‘Ấn Độ là một nước đang phát triển với năng lực trí tuệ phát triển.’ Ông thấy một quỹ nhân tài có thể dùng làm đòn bẩy. Nên ông nói, ‘Chúng ta tiêu nhiều tiền để làm phần mềm. Không thể làm việc gì đó cho phòng IT của chúng ta ở đây? Vì Ấn Độ đã đóng thị trường của mình đối với các công ti công nghệ nước ngoài, như IBM, các công ti Ấn Độ phải khởi động các nhà máy riêng của mình để làm PC và máy chủ, và Jack cảm thấy nếu họ có thể làm việc đó cho họ, họ có thể làm việc đó cho GE.

Để làm dự án, Welch đã cử một tổ do CIO [giám đốc thông tin] của GE dẫn đầu sang Ấn Độ kiểm tra khả năng. Lúc đó Paul cũng đăng kí như giám đốc phát triển kinh doanh của GE ở Ấn Độ. “Cho nên công việc của tôi là hộ tống CIO, đầu 1990, trong chuyến đi đầu tiên của ông ta,” ông nhớ lại. “Họ đến với một số dự án thử để khởi động. Tôi nhớ nửa đêm đi đón họ ở sân bay Delhi với một đoàn xe Ấn Độ, xe Ambassador, dựa vào thiết kế Morris Minor rất lỗi thời của các năm 1950. Mỗi người trong chính phủ có một chiếc. Cho nên chúng tôi có đoàn năm xe và từ sân bay về thành phố. Tôi ở xe sau, ở một điểm tôi nghe tiếng nổ lớn, và tôi nghĩ, cái gì thế? Tôi vọt lên đầu, và mui xe đi đầu bay ra và đập vỡ kính chắn gió - với những người GE ở trong! Thế là toàn bộ đoàn xe của các nhà điều hành GE lái vào vệ đường, và tôi chỉ có thể nghe thấy họ nói cho chính họ, ‘Đây là nơi mà chúng ta mua phần mềm à?’”

May cho Ấn Độ, đội GE đã không bị chất lượng tồi của xe Ấn Độ làm nản chí. GE đã quyết định cắm rễ, bắt đầu một dự án phát triển chung với Wipro. Các công ti khác đã thử các mô hình khác nhau. Nhưng đấy vẫn là những ngày trước cáp quang. Simon & Schuster, nhà xuất bản sách, thí dụ, chuyển sách của nó đến Ấn Độ và trả những người Ấn Độ 50 $ một tháng (so với 1.000 $ tháng ở Hoa Kì) để đánh máy chúng bằng tay vào máy tính, biến các cuốn sách thành các file điện tử có thể được biên tập hay sửa đổi dễ dàng trong tương lai – đặc biệt các từ điển, liên tục cần cập nhật. Năm 1991, Manmohan Singh, bộ trưởng bộ tài chính Ấn Độ lúc đó, bắt đầu mở nền kinh tế Ấn Độ cho đầu tư nước ngoài và đưa cạnh tranh vào ngành viễn thông Ấn Độ để kéo giá xuống. Để thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, Singh đã làm cho các công ti đặt các trạm vệ tinh dễ hơn nhiều ở Bangalore, cho nên họ có thể nhảy qua hệ thống điện thoại Ấn Độ và kết nối với các cơ sở trong nước của họ ở Mĩ, Châu Âu, hay Châu Á. Trước đó, chỉ Texas Instruments đã sẵn sàng đương đầu với bộ máy quan liêu Ấn Độ, để trở thành công ti đa quốc gia đầu tiên thiết lập một trung tâm thiết kế mạch và phát triển ở Ấn Độ năm 1985. Trung tâm TI ở Bangalore đã có trạm vệ tinh riêng của mình nhưng đã chịu đau khổ vì có một quan chức chính phủ Ấn Độ giám sát nó - với quyền khám xét bất cứ mẩu dữ liệu vào ra nào. Singh đã nới lỏng tất cả những bó buộc đó sau 1991. Không lâu sau đó, năm 1994, HealthScribe India, một công ti ban đầu một phần được các bác sĩ Ấn Độ-Mĩ tài trợ, được thành lập ỏ Bangalore để làm thuê ghi chép y tế cho các bác sĩ và các bệnh viện Mĩ. Các bác sĩ khi đó lấy các nghi chép bằng tay rồi đọc chúng vào một máy Dictaphone cho một thư kí hay ai đó khác chép lại, việc thường tính bằng ngày hay tuần. HealthScribe dựng lên một hệ thống biến máy điện thoại ấn phím của bác sĩ thành một máy đọc chính tả. Bác sĩ bấm số và đơn giản đọc ghi chép của mình vào một PC có card âm thanh, nó số hoá âm thanh của ông. Ông ta có thể ngồi ở bất cứ đâu khi làm việc đó. Nhờ vệ tinh, một bà nội trợ hay sinh viên ở Bangalore có thể vào một máy tính và tải âm thanh đã số hoá của bác sĩ và ghi chép nó- không phải trong hai tuần mà trong hai giờ. Sau đó người này có thể chuyển vèo lại bằng vệ tinh ở dạng file văn bản có thể để vào hệ thống máy tính của bệnh viện và trở thành một phần của file hoá đơn. Vì có sự khác biệt mười hai giờ về thời gian với Ấn Độ, những người Ấn Độ có thể ghi chép trong khi các bác sĩ Mĩ ngủ, và file sẽ sẵn sàng và đợi đó sáng hôm sau. Đây là một đột phá quan trọng cho các công ti, bởi vì nếu từ Bangalore bạn có thể ghi chép một cách an toàn, hợp pháp, và đảm bảo các hồ sơ sức khoẻ, các báo cáo phòng thí nghiệm, và các chuẩn đoán của bác sĩ – ở một trong những ngành thích kiện tụng nhất trên thế giới- thì nhiều ngành khác cũng có thể nghĩ đến chuyện gửi một số công việc hậu trường [backroom] của họ để làm ở Ấn Độ nữa. Và họ đã làm thế. Nhưng nó vẫn còn bị hạn chế bởi khả năng vệ tinh có thể xử lí được, nơi có một độ trễ về âm thanh. (Mỉa mai thay, Gurujot Singh Khalsa, một trong những sáng lập viên của HealthScribe nói, ban đầu họ đã khai thác những người Ấn Độ ở Maine - tức là những người Mĩ gốc Ấn - để làm việc này, dùng một chút tiền liên bang được dành riêng cho các bộ lạc [nhóm dân cư thiểu số] để khởi động, nhưng họ chẳng bao giờ khiến họ quan tâm đủ để ráp thương vụ lại với nhau.) Chi phí của việc ghi chép ở Ấn Độ là khoảng một phần năm chi phí cho mỗi dòng để làm việc đó ở Hoa Kì, một sự chênh lệch thu hút sự chú ý của nhiều người.

Tuy vậy, vào cuối các năm 1990, Thần May Mắn đã bắt đầu toả sáng lên Ấn Độ từ hai hướng: Bong bóng cáp quang bắt đầu phồng lên, kết nối Ấn Độ với Hoa Kì, và khủng hoảng máy tính Y2K – cái gọi là sự cố lỗi thiên niên kỉ - bắt đầu kéo đến ở chân trời. Như bạn nhớ lại, lỗi Y2K là kết quả của sự thực rằng khi các máy tính được xây dựng, chúng có các đồng hồ nội bộ. Để tiết kiệm bộ nhớ, các đồng hồ này biểu diễn ngày tháng chỉ bằng sáu chữ số - hai cho tháng, hai cho ngày, và bạn đoán ra, hai chữ số cho năm. Điều đó có nghĩa là họ có thể đi lên chỉ đến 12/31/99. Vì thế khi lịch điểm ngày 1 tháng Giêng, năm 2000, nhiều máy tính cũ bị treo để ghi không phải 01/01/2000 mà là 01/01/00, và chúng có thể nghĩ đó một lần nữa lại là 1900 từ đầu. Nó có nghĩa là rất nhiều máy tính hiện có (các máy mới hơn được sản xuất với các đồng hồ tốt hơn) cần phải hiệu chỉnh lại đồng hồ nội bộ và các hệ thống liên quan của chúng; khác đi, thì e rằng, chúng có thể bị tắt máy, gây ra một khủng hoảng toàn cầu, căn cứ vào biết bao nhiêu hệ thống quản lí khác nhau -từ kiểm soát nước đến không lưu- đã được tin học hoá.

Công việc cứu chữa máy tính này là việc buồn tẻ khổng lồ. Ai trên thế giới có đủ kĩ sư phần mềm để làm tất cả việc đó? Câu trả lời: Ấn Độ, với tất cả các kĩ thuật viên từ tất cả các IIT đó và các đại học kĩ thuật tư nhân và các trường dạy máy tính.

Và như thế với Y2K sà xuống chúng ta, Mĩ và Ấn Độ bắt đầu hẹn hò với nhau, và quan hệ đó trở thành một lực làm phẳng to lớn, vì nó chứng tỏ cho rất nhiều việc kinh doanh khác nhau rằng sự kết hợp của PC, Internet, và cáp quang đã tạo ra khả năng của một hình thức hoàn toàn mới về cộng tác và tạo giá trị ngang: outsourcing. Bất cứ dịch vụ nào, call center, hoạt động hỗ trợ kinh doanh, hay công việc trí tuệ, những việc có thể được số hoá có thể được source [thuê làm] một cách toàn cầu cho nhà cung cấp rẻ nhất, khéo léo nhất, hay hiệu quả nhất. Dùng các trạm làm việc được kết nối bằng cáp quang, các nhà kĩ thuật Ấn Độ có thể chui vào các máy tính của công ti bạn và tiến hành tất cả việc hiệu chỉnh, cho dù họ ở xa nửa vòng thế giới.

“Công việc [nâng cấp Y2K] là công việc buồn tẻ không tạo cho họ một ưu thế cạnh tranh to lớn,” Vivek Paul, nhà điều hành Wipro mà công ti của ông đã làm thuê một số công việc lao dịch Y2K, nói. “Vì thế tất cả các công ti Phương Tây bị thách thức đến nỗi không tin nổi để tìm ai đó khác có thể làm việc đó với càng ít tiền càng tốt. Họ nói, ‘Chúng tôi chỉ muốn vượt qua năm 2000 chết tiệt này!’ Vì thế họ bắt đầu làm việc với các công ti [công nghệ] Ấn Độ các công ti mà khác đi có thể họ chẳng thèm làm với.”

Dùng lối nói của tôi, họ đã sẵn sàng đi đến một hẹn hò mù quáng với Ấn Độ. Họ đã sẵn sàng “bố trí”. Jerry Rao nói thêm, “đối với những người khác nhau Y2K có nghĩa khác nhau. Đối với công nghiệp Ấn Độ, nó thể hiện cơ hội lớn nhất. Ấn Độ đã được coi là một nơi của những người lạc hậu. Y2K đột nhiên đòi hỏi mỗi máy tính đơn lẻ trên thế giới cần phải được xem xét lại. Và ở Ấn Độ có vô số người cần để rà soát từng dòng mã. Công nghiệp IT Ấn Độ có dấu chân của nó khắp thế giới bởi vì Y2K. Y2K đã trở thành động cơ tăng trưởng của chúng tôi, động cơ của chúng tôi để được biết đến khắp thế giới. Chúng tôi tiếp tục phát đạt sau Y2K.”

Vào đầu năm 2000, công việc Y2K bắt đầu hết, nhưng khi đó một động lực hoàn toàn mới về kinh doanh nổi lên – thương mại điện tử. Bong bóng dot-com vẫn chưa nổ, tài năng kĩ thuật thì hiếm, và cầu từ các công ti dot-com là khổng lồ. Paul nói, “Người ta muốn cái họ cảm thấy là các ứng dụng quyết định-sứ mệnh, then chốt đối với chính sự tồn tại của họ, phải được làm và họ chẳng thể đi đâu khác. Vì thế họ quay sang các công ti Ấn Độ, và khi họ quay sang các công ti Ấn Độ họ thấy rằng họ nhận được sự giao hàng của các hệ thống phức tạp, với chất lượng tốt, đôi khi tốt hơn cái họ nhận được từ những người khác. Điều đó tạo ra một sự tôn trọng to lớn cho các nhà cung cấp IT Ấn Độ[.] Và nếu [công việc Y2K] là quá trình quen biết, thì đây là quá trình phải lòng mê nhau.”

Outsourcing từ Mĩ sang Ấn Độ, như một hình thức cộng tác mới, bùng nổ. Bằng chính nối một dây cáp quang từ một trạm làm việc ở Bangalore đến máy tính lớn của công ti tôi, tôi có thể khiến các hãng IT Ấn Độ như Wipro, Infosys, và Tata Consulting Service quản lí các ứng dụng thương mại điện tử và máy tính lớn của tôi.

“Một khi chúng ta [cùng] kinh doanh máy tính lớn và một khi chúng ta làm thương mại điện tử- bây giờ chúng ta đã lấy nhau,” Paul nói. Nhưng lần nữa, Ấn Độ lại gặp may vì nó có thể khai thác tất cả cáp quang dưới biển đó. “Tôi có một văn phòng rất gần khách sạn Leela Palace ở Bangalore,” Paul nói thêm. “Tôi làm việc với một nhà máy tại công viên công nghệ thông tin ở Whitefield, một vùng ngoại ô Bangalore, và tôi đã không thể có được một đường điện thoại nội hạt giữa văn phòng của chúng tôi và nhà máy. Trừ phi bạn đút lót, bạn không thể có một đường điện thoại, và chúng tôi không chi. Cho nên cuộc gọi của tôi đến Whitefield đi từ văn phòng của tôi ở Bangalore sang Kentucky, nơi có một máy tính lớn của GE mà chúng tôi làm việc với, và rồi từ Kentucky quay về Whitefield. Chúng tôi dùng đường cáp quang thuê riêng của chúng tôi chạy ngang đại dương- nhưng đường ngang thành phố đòi một khoản đút lót.”

India đã không chỉ được lợi từ cơn sốt dot-com; nó được lợi thậm chí nhiều hơn từ sự phá sản dot-com! Đó là sự trớ trêu thực sự. Cơn sốt lắp đặt cáp nối Ấn Độ với thế giới, và sự vỡ nợ làm cho chi phí dùng nó hầu như bằng không và cũng hết sức làm tăng số các công ti Mĩ muốn dùng cáp quang để outsource công việc tri thức sang Ấn Độ.

Y2K đã dẫn đến sự đổ xô này vì năng lực trí tuệ Ấn Độ để khiến việc lập trình được làm. Các công ti Ấn Độ giỏi và rẻ, song giá không phải là quan trọng nhất trong tâm trí khách hàng – mà là khiến công việc được làm xong, và Ấn Độ là nơi duy nhất có khối lượng người để làm việc đó. Rồi cơn sốt dot-com đến đúng lúc sau Y2K, và Ấn Độ là một trong ít chỗ bạn có thể kiếm được các kĩ sư nói tiếng Anh dư thừa, với bất cứ giá nào, bởi vì các công ti dot-com đã hốt hết tất cả những người đó ở Mĩ. Sau đó bong bóng dot-com tan vỡ, thị trường chứng khoán say xỉn, và quỹ đầu tư vốn cạn kiệt. Các công ti IT Mĩ sống sót khỏi cơn sốt và các hãng đầu tư vốn mạo hiểm vẫn muốn tài trợ cho các công ti khởi nghiệp đã có ít tiền mặt hơn nhiều để tiêu. Bây giờ họ cần những kĩ sư Ấn Độ đó không chỉ bởi vì số lượng nhiều của họ, mà chính xác bởi vì họ có chi phí thấp. Như thế mối quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ và Mĩ được tăng cường thêm một mức nữa.

Một trong những sai lầm lớn của nhiều nhà phân tích đưa ra vào đầu các năm 2000 là họ đã đúc kết cơn sốt dot-com với toàn cầu hoá, gợi ý rằng cả hai đều là mốt nhất thời và khoác lác. Khi sự phá sản dot-com xảy ra, cũng các nhà phân tích ương ngạnh đó cho rằng toàn cầu hoá cũng qua rồi. Chính xác điều ngược lại là đúng. Bong bóng dot-com chỉ là một khía cạnh của toàn cầu hoá, và khi nó nổ, thay cho làm nổ toàn cầu hoá, thực tế lại tăng cường nó.

Promod Haque, một người Mĩ gốc Ấn và một trong các nhà đầu tư vốn mạo hiểm tài giỏi ở Thung lũng Silicon với hãng Norwest Venture của ông, ở giữa sự chuyển đổi này. “Khi sự phá sản xảy ra, nhiều trong số các kĩ sư Ấn Độ này ở Mĩ [có visa lao động tạm thời] bị sa thải, cho nên họ quay về Ấn Độ,” Haque giải thích. Nhưng như một kết quả của sự phá sản, ngân sách IT của hầu như mọi hãng lớn của Hoa Kì bị cắt bớt. “Tất cả các nhà quản lí IT đều được bảo phải làm cùng lượng công việc hay nhiều hơn với ít tiền hơn. Như thế hãy đoán anh ta làm gì. Anh ta bảo, ‘Anh có nhớ Vijay từ Ấn Độ người từng làm việc ở đây trong cơn sốt và sau đó đã quay về quê không? Hãy để tôi gọi anh ta ở Bangalore và xem nếu anh ta có thể làm công việc cho chúng ta với ít tiền hơn mức chúng ta trả một kĩ sư ở đây tại Hoa Kì’.” Và nhờ tất cả cáp quang đã được lắp đặt trong cơn sốt, thật dễ tìm Vijay và khiến anh ta làm việc.

Công việc Y2K hiệu chỉnh máy tính phần lớn do các nhà lập trình Ấn Độ có kĩ năng thấp vừa mới ra khỏi các trường kĩ thuật tiến hành, Haque nói, “nhưng các gã đã sang Mĩ với visa không phải là các gã học trường dạy nghề. Họ là những tay có bằng kĩ thuật cấp cao. Như thế nhiều công ti của chúng ta thấy các gã này thành thạo Java và C++ và công việc thiết kế cấu trúc cho máy tính, và sau đó họ bị sa thải và về quê, các các nhà quản lí IT ở đây nói ‘Tôi không quan tâm bạn khiến việc được làm thế nào, mà chỉ đến nó được làm với ít tiền hơn,’ Vijay gợi lại”. Một khi Mĩ và Ấn Độ hẹn hò với nhau, các công ti IT Ấn Độ ở Bangalore bắt đầu đưa ra các lời chào mời riêng của họ. Công việc Y2K đã cho phép họ tương tác với một số công ti khá lớn ở Hoa Kì, và kết quả là họ bắt đầu hiểu các điểm đau khổ và làm sao để thực hiện và cải thiện quy trình kinh doanh. Vì thế những người Ấn Độ, những người đã làm nhiều việc bảo trì mã riêng cụ thể cho các công ti có giá trị gia tăng cao, bắt đầu phát triển các sản phẩm riêng của mình và biến đổi mình từ các công ti bảo trì thành các công ti sản phẩm, chào một dải các dịch vụ phần mềm và tư vấn. Điều này làm cho các công ti Ấn Độ dấn sâu hơn nhiều vào các công ti Mĩ, và việc outsourcing quá trình kinh doanh- để những người Ấn Độ vận hành công việc hậu trường của bạn- chuyển sang một mức hoàn toàn mới. “Tôi có một phòng lo các khoản phải trả và tôi có thể di toàn bộ việc này sang Ấn Độ cho Wipro hay Infosys [làm] và cắt chi phí của tôi đi một nửa,” Haque nói. Khắp nước Mĩ, các CEO đã đều nói, “‘Hãy làm việc đó với ít tiền hơn’,” Haque nói. “Và các công ti Ấn Độ thì nói, ‘Tôi đã ngó dưới mui [xe] của bạn và tôi sẽ cung cấp cho bạn một giải pháp toàn bộ với giá thấp nhất’.” Nói cách khác, các công ti outsourcing Ấn Độ nói, “Anh có nhớ tôi đã chữa lốp [vỏ] xe và piston cho anh trong Y2K? Thế đấy, thực sự tôi có thể làm toàn bộ việc tra dầu nhớt cho anh nếu anh muốn. Và bây giờ anh biết tôi và tin tôi, anh biết tôi có thể làm việc đó.” Phải công nhận, những người Ấn Độ không chỉ rẻ, họ cũng khát khao và sẵn sàng học mọi thứ.

Sự khan hiếm vốn sau sự phá sản dot-com đã làm cho các hãng đầu tư vốn mạo hiểm lo liệu để cho các công ti mà họ đầu tư vào tìm cách hiệu quả, chất lượng cao, giá hạ nhất để đổi mới. Trong thời gian cơn sốt, Haque nói, không hiếm đối với một khoản đầu tư 50 triệu $ vào một công ti khởi nghiệp để mang lại 500 triệu $ một khi công ti ra [bán cổ phiếu cho] công chúng. Sau đợt phá sản, cũng sự chào bán cho công chúng đó có thể chỉ mang lại 100 triệu $. Vì thế, các hãng [đầu tư vốn] mạo hiểm chỉ muốn liều 20 triệu $ để khiến công ti đó từ khởi nghiệp cho đến niêm yết lần đầu, IPO.

“Đối với các hãng mạo hiểm,” Haque nói, “câu hỏi lớn là, Làm sao đưa các nhà khởi nghiệp của tôi và các công ti của họ đến điểm hoà vốn hay sinh lời nhanh hơn, để họ ngừng là người cần đến vốn của tôi và được bán sao cho hãng của chúng tôi có thể tạo thanh khoản và các khoản lời tốt? Câu trả lời mà nhiều hãng tìm thấy đã là: Tốt hơn tôi bắt đầu outsourcing càng nhiều chức năng càng tốt ngay từ đầu. Tôi phải kiếm tiền cho các nhà đầu tư của tôi nhanh hơn, cho nên cái gì có thể outsource phải được outsource.”

Henry Schacht, như được biết là người đã đứng đầu Lucent trong một phần của thời kì này, nhìn toàn bộ quá trình từ phía quản trị công ti. Kinh tế học kinh doanh, ông ta bảo tôi, trở nên “rất xấu” đối với mọi người. Mỗi người thấy giá đồng loạt giảm và các thị trường đình trệ, thế mà họ vẫn tiêu lượng tiền khổng lồ để vận hành hoạt động hậu trường [backroom] mà họ không còn sức chịu nổi. “Áp lực chi phí là kinh khủng,” ông nhớ lại, “và thế giới phẳng đã sẵn đó, [cho nên] kinh tế học buộc người ta làm các việc họ chẳng bao giờ nghĩ họ sẽ hay có thể làm … Toàn cầu hoá được tăng nạp”- cho cả công việc trí tuệ và chế tác. Các công ti thấy rằng họ có thể đến trường MIT và tìm thấy bốn kĩ sư Trung Quốc thông minh không ngờ những người sẵn sàng quay về Trung Quốc và làm việc cho họ ở đó với cùng số tiền chi phí mà họ tốn để thuê một kĩ sư ở Mĩ. Bell Labs đã có một cơ sở nghiên cứu ở [Tsingdao] Thanh Đảo có thể kết nối với các máy tính của Lucent ở Mĩ. “Họ dùng máy tính của chúng tôi ban đêm,” Schacht nói. “Không chỉ chi phí tính toán thêm gần bằng không, mà cả chi phí truyền dẫn nữa, và máy tính thì bỏ không [vào ban đêm].”

Vì tất cả các lí do này tôi tin Y2K phải là ngày nghỉ quốc lễ ở Ấn Độ, Ngày Độc Lập thứ hai của Ấn Độ, ngoài ngày 15-8. Như Michael Mandelbaum chuyên gia chính sách đối ngoại của Johns Hopkins, người đã sống một phần thời trẻ của mình ở Ấn Độ, diễn đạt, “Y2K phải được gọi là Ngày Phụ thuộc Lẫn nhau của Ấn Độ,” bởi vì nó là khả năng của Ấn Độ để cộng tác với các công ti Phương Tây, nhờ có sự phụ thuộc lẫn nhau do các mạng cáp quang tạo ra, đã thực sự khiến nó nhảy lên phía trước và trao cho nhiều người Ấn Độ hơn bao giờ hết quyền tự do lựa chọn về họ làm việc thế nào, cho ai và ở đâu.

Trình bày theo cách khác, ngày 15 tháng Tám kỉ niệm tự do vào nửa đêm. Y2K làm cho công ăn việc làm vào nửa đêm là có thể - nhưng không có bất cứ việc làm nào, việc làm cho những người lao động tri thức giỏi nhất của Ấn Độ. 15 tháng Tám mang lại sự độc lập cho Ấn Độ. Nhưng Y2K mang lại độc lập cho những người Ấn Độ- không phải cho tất cả, dẫu có tưởng tượng đến mấy, nhưng cho nhiều người hơn nhiều so với năm mươi năm trước, và nhiều trong số họ là từ phần sinh lợi nhất của dân cư. Theo nghĩa đó, đúng, Ấn Độ đã may mắn, nhưng nó cũng gặt hái thành quả nó đã gieo thông qua công việc nặng nhọc và sự giáo dục và sự thông thái của các bậc chưởng lão những người đã xây dựng các trường IIT đó.

Louis Pasteur nói từ lâu: “Vận may biệt đãi đầu óc có chuẩn bị”.

LỰC LÀM PHẲNG # 6

OFFSHORING [LÀM Ở HẢI NGOẠI]

Chạy với Linh dương Gazelle, Ăn với Sư tử

Ngày 11-12-2001, Trung Quốc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO, điều có nghĩa rằng Bắc Kinh đồng ý theo cùng các quy tắc chi phối nhập khẩu, xuất khẩu, và đầu tư nước ngoài mà hầu hết các nước trên thế giới theo. Nó có nghĩa Trung Quốc đồng ý, về nguyên tắc, làm cho sân chơi của riêng mình cũng bằng phẳng như phần còn lại của thế giới. Vài ngày sau, một nhà quản lí Trung Quốc được đào tạo ở Mĩ của một nhà máy bơm nhiên liệu ở Bắc Kinh, nhà máy của Jack Perkowski bạn tôi, chủ tịch và CEO của ASIMCO Technologies, một nhà sản xuất các phụ kiện ôtô Mĩ tại Trung Quốc, ông dán câu tục ngữ Phi Châu sau, được dịch ra tiếng Trung, trên sàn nhà máy của ông:

Mỗi buổi sáng ở Châu Phi, con gazelle thức dậy.

Nó biết phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất hoặc nó bị giết.

Mỗi buổi sáng con sư tử thức dậy.

Nó biết phải chạy vượt con gazelle chậm nhất hoặc nó chết đói.

Không thành vấn đề bạn là sư tử hay linh dương gazelle.

Khi mặt trời lên, tốt hơn bạn bắt đầu chạy.

Tôi không biết ai là linh dương gazelle ai là sư tử, nhưng tôi biết điều này: Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, cả họ và phần còn lại của thế giới phải chạy nhanh hơn và nhanh hơn. Điều này là vì việc Trung Quốc gia nhập WTO tạo một cú hích khổng lồ cho một hình thức khác của cộng tác – offshoring (sản xuất ở hải ngoại). Offshoring, việc đã có đó đây hàng thập kỉ, là khác outsourcing. Outsourcing có nghĩa là lấy chức năng cụ thể nào đó, nhưng hạn chế, mà công ti của bạn đã tự làm – như nghiên cứu, call center, tính toán các khoản phải trả - và khiến công ti khác thực hiện chính xác cùng chức năng đó cho bạn và sau đó tích hợp công việc của họ lại vào hoạt động toàn bộ của bạn. Offshoring, ngược lại, là khi một công ti lấy một trong các nhà máy của họ ở Canton, Ohio, và chuyển toàn bộ nhà máy ra hải ngoại sang Canton [Quảng Đông], Trung Quốc. Ở đó, nó tạo ra cùng sản phẩm theo cùng cách, chỉ với lao động rẻ hơn, và thuế thấp hơn, năng lượng được bao cấp, và các chi phí chăm sóc sức khoẻ thấp hơn. Hệt như Y2K đã đưa Ấn Độ và thế giới lên một mức hoàn toàn mới về outsourcing, việc Trung Quốc gia nhập WTO đưa Bắc Kinh và thế giới đến một mức hoàn toàn mới về offshoring- với nhiều công ti hơn chuyển sản xuất ra hải ngoại và rồi tích hợp nó vào các chuỗi cung toàn cầu của họ.

Năm 1977, lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đưa Trung Quốc lên con đường tư bản chủ nghĩa, tuyên bố muộn hơn “làm giàu là vinh quang.” Khi đầu tiên Trung Quốc mở cửa nền kinh tế khá đóng của mình, các công ti ở các nước công nghiệp coi nó như một thị trường mới, lạ thường cho xuất khẩu. Mọi nhà sản xuất Phương Tây hay Á châu đều mơ bán hàng tương tự như 1 tỉ đôi quần áo lót cho một thị trường duy nhất. Một số công ti nước ngoài đã lập cửa hàng ở Trung Quốc để làm đúng việc đó. Song vì Trung Quốc không chịu các quy tắc thương mại thế giới, nó đã có khả năng hạn chế các công ti Phương Tây thâm nhập thị trường của nó thông qua các rào cản thương mại và đầu tư khác nhau. Và khi nó không làm việc đó một cách chủ ý, các khó khăn kinh khủng về quan liêu và văn hoá kinh doanh ở Trung Quốc đã có cùng kết quả. Nhiều nhà đầu tư tiên phong ở Trung Quốc đã mất cả chì lẫn chài – và đã chẳng thể trông cậy mấy vào hệ thống pháp lí Miền Tây Hoang Dã của Trung Quốc.

Vào đầu các năm 1980, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt các Hoa kiều, biết cách hoạt động ở Trung Quốc, bắt đầu nói, “Ừ, nếu chúng ta không thể bán nhiều thứ thế cho người Trung Quốc bây giờ, vì sao lại không sử dụng quỹ lao động có kỉ luật của Trung Quốc để làm các thứ ở đó và bán chúng ở nước ngoài?” Việc này khớp với mối quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trung Quốc muốn thu hút các nhà chế tác nước ngoài và công nghệ của họ- không đơn giản để sản xuất 1 tỉ đôi quần áo lót để bán ở Trung Quốc mà để dùng lao động Trung Quốc rẻ để bán cả 6 tỉ đôi quần áo lót cho mọi người khác trên thế giới, với giá là phần nhỏ của giá mà các công ti quần áo lót ở Châu Âu hay Mĩ hay thậm chí Mexico vẫn đòi.

Một khi quá trình offshoring bắt đầu trong một loạt ngành - từ dệt may đến điện tử tiêu dùng đến đồ gỗ đến gọng kính đến các linh kiện ôtô – cách duy nhất mà các công ti khác có thể cạnh tranh là cũng offshoring sang Trung Quốc (lợi dụng cơ sở chi phí thấp, chất lượng cao) hay tìm các trung tâm chế tác khả dĩ khác ở Đông Âu, Caribbe, hay ở nơi khác nào đó trong thế giới đang phát triển. Bằng gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đảm bảo các công ti nước ngoài rằng nếu họ chuyển nhà máy đến Trung Quốc, họ sẽ được luật quốc tế và các tập quán kinh doanh chuẩn bảo vệ. Điều này làm tăng đáng kể tính hấp dẫn của Trung Quốc như cơ sở sản xuất. Dưới các quy tắc WTO, Bắc Kinh đồng ý - với một thời gian để thực hiện- để coi các công dân hay hãng phi-Trung Quốc cứ như chúng là Trung Quốc về mặt quyền và nghĩa vụ kinh tế dưới luật Trung Quốc. Điều này có nghĩa là các công ti nước ngoài có thể bán hầu như mọi thứ ở bất cứ đâu tại Trung Quốc. Tư cách thành viên WTO cũng có nghĩa là Bắc Kinh đồng ý coi tất các các quốc gia WTO một cách bình đẳng, có nghĩa là cùng thuế quan và cùng các quy chế được áp dụng ngang nhau cho mọi người. Và nó đồng ý phục tùng trọng tài quốc tế nếu có bất đồng thương mại với nước khác hay với một công ti nước ngoài. Đồng thời, các quan chức chính phủ trở nên thân thiện hơn với khách hàng, các thủ tục đầu tư được hợp lí hoá, và các Web site tăng nhanh ở các bộ khác nhau giúp người nước ngoài hiểu các quy chế kinh doanh của Trung Quốc. Tôi không biết bao nhiêu người Trung Quốc đã mua Mao Tuyển nhỏ màu đỏ, còn các quan chức sứ quán Mĩ ở Trung Quốc bảo tôi là 2 triệu bản cuốn quy tắc WTO bằng tiếng Trung đã được bán trong các tuần ngay sau khi Trung Quốc kí gia nhập WTO. Nói cách khác, Trung Quốc dưới Mao đã đóng và cô lập khỏi các lực lượng làm phẳng khác của thời ông, và kết quả là Mao thực sự chỉ là thách thức cho nhân dân của chính ông. Đặng Tiểu Bình khiến Trung Quốc mở cửa và hấp thu nhiều trong mười cái làm phẳng, và làm vậy, biến Trung Quốc thành một thách thức cho cả thế giới.

Trước khi Trung Quốc kí gia nhập WTO, đã có cảm giác rằng, trong khi Trung Quốc đã mở cửa để có các lợi thế thương mại với Phương Tây, chính phủ và các ngân hàng sẽ bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi bất cứ sự cạnh tranh nước ngoài triệt hạ nào, Jack Perkowski của ASIMCO nói. “Sự gia nhập WTO của Trung Quốc là một tín hiệu cho cộng đồng ngoài Trung Quốc rằng bây giờ nó đã vĩnh viễn ở trên đường tư bản chủ nghĩa,” ông nói thêm. “Trước kia, bạn có suy nghĩ ở đằng sau tâm trí của bạn rằng có thể có sự quay trở lại với chủ nghĩa cộng sản nhà nước. Với WTO, Trung Quốc nói, ‘Chúng ta ở trên một con đường’.”

Vì Trung Quốc có thể chất đống nhiều đến vậy công nhân lương thấp ở mức không có kĩ năng, có nửa kĩ năng, và có kĩ năng, vì nó có sự thèm khát vô cùng về nhà máy, thiết bị, và việc làm trí tuệ để cho người dân có việc làm, và vì nó là một thị trường tiêu thụ to lớn và tăng nhanh, nó đã trở thành khu vực vô song cho offshoring. Trung Quốc có hơn 160 thành phố có 1 triệu dân hay hơn. Bạn có thể đến các thành phố ven biển miền đông Trung Quốc ngày nay mà bạn chưa bao giờ nghe thấy và khám phá ra là thành phố này sản xuất hầu hết gọng kính trên thế giới, còn thành phố bên cạnh sản xuất nhiều bật lửa nhất trên thế giới, và thành phố kế tiếp sản xuất nhiều màn hình máy tính nhất cho Dell, và thành phố khác chuyên về điện thoại di động. Kenichi Ohmae, nhà tư vấn kinh doanh Nhật, đánh giá trong cuốn sách Hợp Chủng Quốc Trung Hoa của ông rằng ở riêng Đồng bằng Zhu Jiang, phía bắc Hong Kong, có năm mươi ngàn nhà cung cấp linh kiện điện tử Trung Quốc.

“Trung Quốc là một đe doạ, Trung Quốc là một khách hàng, và Trung Quốc là một cơ hội,” Ohmae nói cho tôi một hôm ở Tokyo. “Bạn phải tiếp thu Trung Quốc để thành công. Bạn không thể bỏ qua nó.” Thay cho việc cạnh tranh với Trung Quốc như một kẻ thù, Ohmae lí lẽ, bạn phải chia nhỏ việc kinh doanh của mình và nghĩ xem phần kinh doanh nào bạn muốn làm ở Trung Quốc, phần nào muốn bán cho Trung Quốc, và phần nào muốn mua từ Trung Quốc.

Ở đây chúng ta đến khía cạnh làm phẳng thật sự của sự mở cửa của Trung Quốc vào thị trường thế giới. Trung Quốc càng làm cho mình hấp dẫn như một cơ sở offshoring, thì các nước khác cạnh tranh với nó, như Malaysia, Thái Lan, Ireland, Mexico, Brazil, và Việt Nam, càng phải làm cho mình hấp dẫn hơn. Tất cả họ đều nhìn vào cái gì đang xảy ra ở Trung Quốc và vào việc làm di chuyển đến đó và nói với chính mình, “Trời ơi, chúng ta nên bắt đầu đưa ra cùng những khuyến khích này.” Điều này tạo ra một quá trình tranh đua làm phẳng, trong đó các nước tranh giành để xem ai có thể cho các công ti ưu đãi thuế tốt nhất, những khuyến khích giáo dục, và bao cấp, bên trên lao động rẻ, để cổ vũ offshoring vào nước họ.

Oded Shenkar giáo sư thương mại Đại học Bang Ohio, tác giả cuốn Thế kỉ Trung Quốc, nói với tạp chí BusinessWeek ( 6-12-2004) rằng ông công kích trực tiếp các công ti Mĩ: “Nếu bạn vẫn làm bất cứ thứ gì tốn nhân công, thoát khỏi bây giờ hơn là đổ máu đến chết. Cắt xén 5% ở đó ở đây sẽ không hoạt động.” Các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tiến hành các hiệu chỉnh hệt vậy. “Bạn cần một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới để cạnh tranh,” ông nói. Sức mạnh làm phẳng của Trung Quốc cũng được tiếp nhiên liệu bởi sự thực là nó đang phát triển một thị trường nội địa khổng lồ riêng. Cùng bài báo của BusinessWeek lưu ý là điều này đem lại tiết kiệm theo quy mô, sự tranh đua cục bộ gay gắt giữ giá thấp, một đội quân kĩ sư tăng 350.000 người hàng năm, các nhà quản lí và công nhân trẻ sẵn sàng làm 12 giờ một ngày, một cơ sở sản xuất linh kiện vô song về điện tử và công nghiệp nhẹ, “và một nhiệt huyết nghiệp chủ để làm bất cứ gì cần để làm hài lòng các nhà bán lẻ lớn như Wal-Mart Stores, Target, BestBuy và J. C. Penney.”

Các nhà phê bình các tập quán kinh doanh Trung Quốc nói rằng quy mô và sức mạnh kinh tế của nó có nghĩa là nó sẽ mau chóng thiết lập sàn toàn cầu không chỉ cho lương thấp mà cho cả luật lao động lỏng lẻo và các tiêu chuẩn nơi làm việc. Trong giới kinh doanh điều này được biết đến như “cái giá Trung Quốc”.

Nhưng cái thực sự kinh hoàng là Trung Quốc không thu hút nhiều đầu tư toàn cầu đến vậy bằng đơn giản chạy đua với mọi người đến đáy. Đó chỉ là chiến lược ngắn hạn. Sai lầm lớn nhất mà bất cứ doanh nghiệp nào có thể mắc phải khi đến Trung Quốc là đi nghĩ rằng nó chỉ thắng về lương và không cải thiện chất lượng và năng suất. Ở khu vực tư nhân, ngoài quốc doanh, của công nghiệp Trung Quốc, năng suất tăng 17 phần trăm một năm – tôi nhắc lại, 17 phần trăm một năm- giữa 1995 và 2002, theo một nghiên cứu của U.S. Conference Board. Điều này là do Trung Quốc hấp thu cả các công nghệ mới lẫn các tập quán kinh doanh hiện đại, khởi đầu từ cơ sở rất thấp. Tình cờ, nghiên cứu của Conference Board lưu ý, Trung Quốc đã mất 15 triệu việc làm ở nghành chế tác trong thời kì này, so với 2 triệu ở Hoa Kì. “Khi năng suất chế tác gia tăng, Trung Quốc mất các việc làm trong ngành chế tác- nhiều hơn Hoa Kì nhiều- và lấy lại chúng trong các ngành dịch vụ, một hình mẫu đã xảy ra ở thế giới phát triển suốt nhiều năm,” nghiên cứu viết.

Chiến lược dài hạn thực sự của Trung Quốc là để vượt Mĩ và các nước E.U. để lên đỉnh, và người Trung Quốc xuất phát với một khởi hành tốt. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chú tâm hơn các đồng sự Phương Tây của họ nhiều để làm sao đào tạo thanh niên của họ về toán học, khoa học, và kĩ năng máy tính cần cho thành công trong thế giới phẳng, làm sao để xây dựng hạ tầng vật lí và viễn thông cho phép người dân Trung Quốc cắm và chơi [plug and play] nhanh hơn và dễ hơn những người khác, và làm thế nào để tạo ra những khuyến khích thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. Cái các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự muốn là thế hệ tiếp theo của quần áo lót hay cánh máy bay cũng được thiết kế tại Trung Quốc nữa. Và đó là nơi sự việc đang hướng tới trong một thập niên nữa. Như thế trong 30 năm chúng ta sẽ đi từ “bán tại Trung Quốc” đến “sản xuất tại Trung Quốc” tới “ thiết kế tại Trung Quốc” và cho tới “Tưởng tượng ra tại Trung Quốc” - hay từ một Trung Quốc như một người cộng tác với các nhà sản xuất toàn cầu không dựa trên cái gì cả đến một Trung Quốc như một người cộng tác có chi phí thấp, chất lượng cao, và siêu hiệu quả với các nhà sản xuất toàn cầu về mọi thứ. Điều này cho phép Trung Quốc duy trì vai trò của nó như một lực làm phẳng chủ yếu, với điều kiện sự bất ổn chính trị không phá vỡ quá trình. Quả thực, trong khi nghiên cứu để viết chương này, tôi gặp một bản tin trực tuyến ở Thung lũng Silicon gọi là Inquirer, theo dõi công nghiệp bán dẫn. Cái bắt mắt tôi là một bài báo ngày 5-11-2001 có đầu đề “Trung Quốc sẽ Trở thành Trung tâm của Mọi thứ - China to Become Center of Everything.” Nó trích một bài của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cho rằng bốn trăm trong 500 công ti được Forbes bình chọn đã đầu tư vào hơn hai ngàn dự án ở Trung Hoa lục địa. Và đó là con số của bốn năm trước.

Nhật Bản, ngay sát cạnh Trung Quốc, đã có một cách tiếp cận rất năng nổ để tiếp thu thách thức Trung Quốc. Osamu Watanabe, chủ tịch Tổ chức Ngoại Thương Nhật Bản (JETRO), cơ quan xúc tiến xuất khẩu chính thức của Nhật Bản, nói với tôi ở Tokyo, “Trung Quốc đang phát triển rất nhanh và chuyển từ các sản phẩm thấp cấp sang sản phẩm cao cấp, công nghệ cao.” Kết quả là, Watanabe nói thêm, các công ti Nhật, để vẫn có tính cạnh tranh toàn cầu, phải chuyển phần sản xuất nào đó và nhiều việc lắp ráp các sản phẩm cấp trung sang Trung Quốc, trong khi ở trong nước chuyển sang làm “các sản phẩm có giá trị gia tăng còn cao hơn nữa”. Như thế Nhật Bản và Trung Quốc “đang trở thành một phần của cùng chuỗi cung.” Sau một suy thoái kéo dài, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu trở lại bình thường năm 2003, nhờ bán hàng ngàn tấn máy móc, các robot lắp ráp, và các linh kiện cơ bản khác ở Trung Quốc. Năm 2003, Trung Quốc đã thay thế Hoa Kì với tư cách nhà nhập khẩu lớn nhất về các sản phẩm Nhật. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản vẫn cố thuyết phục các công ti Nhật cẩn thận đừng đầu tư quá vào Trung Quốc. Nó khuyến khích chúng thi hành cái Watanabe gọi là chiến lược “Trung Quốc cộng một”: giữ một chân sản xuất ở Trung Quốc nhưng chân khác ở một nước Á châu khác - để phòng nhỡ một ngày nào đó rối loạn chính trị không làm phẳng Trung Quốc.

Nhân tố Trung Quốc làm phẳng này đã gây tổn thương các công nhân chế tác nào đó khắp thế giới, song là của trời cho với tất cả những người tiêu dùng. Tạp chí Fortune (4-10-2004) trích một nghiên cứu của Morgan Stanley ước lượng rằng riêng từ giữa các năm 1990, hàng nhập khẩu rẻ từ Trung Quốc đã tiết kiệm cho người tiêu dùng Hoa Kì khoảng 600 tỉ $ và đã tiết kiệm cho các nhà chế tác Hoa Kì không biết bao nhiêu tỉ $ về linh kiện rẻ trong các sản phẩm của họ. Fortune lưu ý, các khoản tiết kiệm này, đến lượt, đã giúp cho Cục Dự trữ Liên bang giữ lãi suất thấp dài hơn, cho người Mĩ cơ hội để mua nhà hay tái tài trợ nhà mà họ đã có, và cho các doanh nghiệp nhiều vốn hơn để đầu tư vào những đổi mới mới.

Nhằm hiểu kĩ hơn offshoring vào Trung Quốc hoạt động ra sao, tôi đã ngồi với Jack Perkowski của ASIMCO, đi tiên phong về hình thức cộng tác này, ở Bắc Kinh. Giả như nếu có môn “chủ nghĩa tư bản cực đoan” ở Olympic, hãy đánh cược Perkowski được huy chương vàng. Năm 1988 ông từ chức với tư cách nhà ngân hàng đầu tư chóp bu ở Paine Webber và đi sang một hãng mua thôn tính bằng vốn vay, nhưng hai năm sau ở tuổi bốn hai, ông quyết định đã đến lúc cho thách thức mới. Với vài đối tác, ông huy động 150 triệu $ để mua các công ti ở Trung Quốc và lao vào cuộc phiêu lưu của đời ông. Từ đó ông đã mất và lấy lại hàng triệu dollar, đã học được mọi bài học một cách gian nan, nhưng đã sống sót để trở thành tấm gương có tác động mạnh về cái offshoring sang Trung Quốc có nghĩa là gì và nó có thể là một công cụ cộng tác hùng mạnh ra sao.

“Khi tôi mới bắt đầu năm 1992-1993, mọi người đều nghĩ phần khó là thực sự tìm thấy và thâm nhập được vào các cơ hội ở Trung Quốc,” Perkowski nhớ lại. Hoá ra là đã có dư dả cơ hội nhưng có sự thiếu hụt nghiêm trọng về các nhà quản lí Trung Quốc người hiểu phải vận hành một nhà máy linh kiện ôtô ra sao theo lối tư bản chủ nghĩa, nhấn mạnh đến xuất khẩu và tạo ra các sản phẩm hàng đầu thế giới cho thị trường Trung Quốc. Như Perkowski diễn đạt, phần dễ là dựng một cửa hàng ở Trung Quốc. Phần khó là kiếm được đúng người quản lí địa phương có thể vận hành cửa hàng. Cho nên khi ông bắt đầu mua phần sở hữu đa số trong các công ti linh kiện ôtô Trung Quốc, ban đầu Perkowski nhập khẩu các nhà quản lí từ nước ngoài. Ý tưởng tồi. Quá đắt, và hoạt động ở Trung Quốc đúng là quá xa lạ đối với người nước ngoài. Xoá kế hoạch A.

“Vì thế chúng tôi cho tất cả người nước ngoài về nước, gây ra các vấn đề với cơ sở đầu tư của tôi, và sang kế hoạch B,” ông nói. “Khi đó chúng tôi thử cải biến các nhà quản lí ‘Trung Quốc Cũ’ những người thường đến cùng với các nhà máy chúng tôi mua, nhưng kế hoạch đó cũng chẳng chạy. Đơn giản họ quá quen làm việc trong nền kinh tế kế hoạch nơi họ chẳng bao giờ phải đương đầu với thương trường, chỉ hoàn thành chỉ tiêu. Các nhà quản lí những người có nhạy cảm kinh doanh đã say ngay từ ngụm tư bản chủ nghĩa đầu tiên và sẵn sàng thử mọi thứ.

“Người Trung Quốc rất máu kinh doanh,” Perkowski nói, “nhưng khi đó, trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, không có pháp trị và không có thị trường trái phiếu hay cổ phiếu để kiềm chế sự ham kinh doanh này. Sự lựa chọn duy nhất của bạn là các nhà quản lí từ khu vực quốc doanh, rất quan liêu, hay các nhà quản lí từ làn sóng đầu tiên của các công ti tư nhân, những người thực hành chủ nghĩa tư bản cao bồi. Bạn không muốn cả hai. Nếu nhà quản lí của bạn quá quan liêu, bạn chẳng thể khiến việc gì được làm - họ chỉ biện minh về Trung Quốc khác thế nào – và nếu họ quá máu kinh doanh, ban đêm bạn không thể ngủ được, vì bạn chẳng hề có ý tưởng nào về họ sẽ làm gì”. Perkowski đã có nhiều đêm không ngủ.

Một trong các món mua đầu tiên của ông ở Trung Quốc là lợi ích ở một công ti làm các phần cao su. Khi sau đó ông đạt một thoả thuận với đối tác Trung Quốc để mua phần của ông ta trong công ti, đối tác Trung Quốc kí một điều khoản không cạnh tranh như một phần của giao dịch. Tuy vậy, ngay sau khi thương vụ hoàn tất, đối tác Trung Quốc đi mở một nhà máy mới. “Không cạnh tranh” đã không hoàn toàn được dịch sang tiếng Quan thoại. Xoá kế hoạch B.

Khi ấy, hãng của Perkowski xuất huyết tiền - học phí của ông để học kinh doanh ở Trung Quốc thế nào- và ông thấy mình sở hữu một chuỗi các nhà máy linh kiện ôtô Trung Quốc. “Khoảng 1997 là điểm đáy,” ông nói. “Về tổng thể công ti của chúng tôi bị co lại và chúng tôi không thể có lời. Trong khi một vài trong các công ti của chúng tôi làm ăn được, nhìn chung chúng tôi bị khó khăn. Tuy chúng tôi có sở hữu đa số và về lí thuyết có thể đặt bất cứ ai chúng tôi muốn trên thực địa, tôi ngó đến chuẩn [quản lí] của tôi và không có ai để đưa vào cuộc chơi. Đến lúc cho kế hoạch C.

“Cơ bản chúng tôi kết luận rằng, trong khi chúng tôi thích Trung Quốc, chúng tôi không muốn phần nào cả của ‘Trung Quốc Cũ’, và thay vào đó muốn đánh cược vào các nhà quản lí ‘Trung Quốc Mới’,” Perkowski nói. “Chúng tôi bắt đầu tìm giống mới của các nhà quản lí Trung Quốc những người có đầu óc cởi mở và có dạng đào tạo nào đó về quản lí. Chúng tôi tìm các cá nhân có kinh nghiệm hoạt động ở Trung Quốc nhưng quen thuộc với phần còn lại của thế giới hoạt động ra sao và biết Trung Quốc phải đi đến đâu. Như thế giữa 1997 và 1999, chúng tôi tuyển cả một đội các nhà quản lí ‘Trung Quốc Mới’, điển hình là người Hoa lục địa đã làm cho các công ti đa quốc gia, và với tư cách các nhà quản lí tham gia vào, từng người một chúng tôi bắt đầu thay các nhà quản lí ‘Trung Quốc Cũ’ ở các công ti của chúng tôi.”

Một khi đã có thế hệ mới của các nhà quản lí, hiểu các thị trường và khách hàng toàn cầu và có thể đoàn kết xung quanh tầm nhìn về công ti chung- và biết Trung Quốc- ASIMCO bắt đầu có lời. Nay ASIMCO có doanh thu khoảng 350 triệu $ một năm về linh kiện ôtô từ mười ba nhà máy Trung Quốc ở chín tỉnh. Công ti bán cho các khách hàng ở Hoa Kì, và cũng có ba mươi sáu văn phòng bán hàng khắp Trung Quốc phục vụ cho các nhà sản xuất ôtô ở đó nữa.

Từ cơ sở này, Perkowski đi nước đi lớn tiếp theo - lấy lợi nhuận từ offshoring mang về Mĩ. “Tháng Tư 2003, chúng tôi mua cơ sở trục cam Bắc Mĩ của Federal-Mogul Corporation, một công ti linh kiện dòng-cũ hiện bị phá sản,” Perkowski nói. “Chúng tôi mua doanh nghiệp đầu tiên để tiếp cận đến các khách hàng của nó, mà chủ yếu là Big Three [Ba Nhà sản xuất ôtô Lớn], cộng Caterpillar và Cummins. Trong khi chúng tôi có quan hệ lâu dài với Cat và Cummins – và việc mua này tăng cường vị thế của chúng tôi với họ- bán trục cam cho Big Three là lần đầu tiên. Lí do thứ hai để mua là nhận được công nghệ mà chúng tôi có thể mang về Trung Quốc. Giống hầu hết công nghệ đi vào các xe chở khách và xe tải, người ta coi công nghệ trục cam là nghiễm nhiên. Tuy vậy, các trục cam [phần động cơ điều khiển piston lên xuống] là các sản phẩm kĩ thuật cao cốt yếu cho hiệu suất động cơ. Việc mua doanh nghiệp này về cơ bản cho chúng tôi know-how và công nghệ mà chúng tôi có thể dùng để trở thành nhà sản xuất trục cam hàng đầu ở Trung Quốc. Kết quả là, bây giờ chúng tôi có công nghệ trục cam tốt nhất và một cơ sở khách hàng cả ở Trung Quốc lẫn ở Hoa Kì.” Đây là một điểm rất quan trọng, vì cảm tưởng chung rằng offshoring là một định đề thua-thua cho các công nhân Mĩ- cái gì đó đã ở đây và đã chuyển sang đó, và đấy là kết thúc của câu chuyện. Thực tế phức tạp hơn nhiều.

Hầu hết các công ti xây dựng các nhà máy hải ngoại không đơn giản có lao động rẻ cho các sản phẩm họ muốn bán ở Mĩ hay Châu Âu. Động cơ khác là để phục vụ thị trường nước ngoài mà không phải lo về các rào cản thương mại và để có chỗ đứng chi phối ở đó- đặc biệt ở thị trường khổng lồ như Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Mĩ, gần 90 phần trăm đầu ra của các mhà máy hải ngoại do Mĩ sở hữu được bán cho người tiêu dùng nước ngoài. Nhưng điều này cũng kích thích xuất khẩu của Mĩ. Có đủ loại nghiên cứu cho thấy mỗi dollar mà một công ti đầu tư vào nhà máy hải ngoại tạo thêm xuất khẩu cho đất nước họ, bởi vì khoảng một phần ba thương mại thế giới ngày nay là ở bên trong các công ti đa quốc gia. Nó hoạt động theo cách khác nữa. Ngay cả khi sản xuất được di ra hải ngoại để tiết kiệm lương, nó thường không di chuyển tất cả ra hải ngoại. Theo nghiên cứu Tạo Việc làm và đánh Thuế Thu nhập Nguồn Nước ngoài, ngày 26-1-2004 của Heritage Foundation, các công ti Mĩ sản xuất ở trong nước và nước ngoài, cho cả thị trường Mĩ và Trung Quốc, tạo ra hơn 21 phần trăm đầu ra kinh tế của Mĩ, 56 phần trăm xuất khẩu của Mĩ, và sử dụng ba phần năm tổng số người làm trong ngành chế tác, khoảng 9 triệu công nhân. Như thế nếu General Motors xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải, nó cũng tạo ra việc làm ở Mĩ bằng xuất khẩu nhiều hàng hoá và dịch vụ cho nhà máy riêng của nó ở Trung Quốc và được lợi từ chi phí linh kiện thấp ở Trung Quốc cho các nhà máy của nó ở Mĩ. Cuối cùng, nước Mĩ được lợi từ cùng hiện tượng. Trong khi người ta chú ý nhiều đến các công ti Mĩ sản xuất ở Trung Quốc, người ta ít chú ý đến khoản đầu tư hải ngoại khổng lồ đổ vào Mĩ mỗi năm, bởi vì những người nước ngoài muốn thâm nhập thị trường và lao động Mĩ hệt như chúng ta muốn thâm nhập thị trường của họ. Ngày 25-9-2003, DaimlerChrysler kỉ niệm mười năm quyết định xây dựng nhà máy xe hơi Mercedes-Benz đầu tiên bên ngoài nước Đức, ở Tuscaloosa, Alabama, bằng tuyên bố một khoản mở rộng nhà máy 600 triệu $. “Ở Tuscaloosa chúng ta đã chứng tỏ một cách ấn tượng rằng chúng ta có thể tạo ra một loạt sản phẩm mới với một lực lượng lao động mới trong một nhà máy mới, và chúng ta cũng chứng tỏ là có thể có các xe ‘do Mercedes Sản xuất’ thành công ngoài nước Đức,” Giáo sư Jürgen Hubert, thành viên của Ban Quản lí DaimlerChrysler phụ trách Mercedes Car Group, tuyên bố trong lễ kỉ niệm.

Không ngạc nhiên, ASIMCO sẽ dùng hoạt động sản xuất trục cam mới của nó ở Trung Quốc để xử lí nguyên liệu thô và các hoạt động gia công thô trên máy, xuất khẩu bán thành phẩm về nhà máy trục cam của nó ở Mĩ, nơi các công nhân Mĩ có kĩ năng hơn có thể hoàn tất các hoạt động gia công trên máy quyết định nhất đến chất lượng. Bằng cách này, các khách hàng Mĩ của ASIMCO được lợi từ chuỗi cung Trung Quốc và đồng thời được thoải mái làm ăn với một nhà cung cấp Mĩ đã quen biết.

Lương trung bình của một thợ máy có tay nghề cao ở Mĩ là 3.000 đến 4.000 $ một tháng. Lương trung bình của một công nhân nhà máy ở Trung Quốc là khoảng 150 $ một tháng. Ngoài ra, ASIMCO được yêu cầu tham gia vào sơ đồ trợ cấp do chính phủ Trung Quốc tài trợ bao gồm chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, và các phúc lợi hưu trí. Khoảng 35 đến 45 phần trăm lương tháng của một công nhân Trung Quốc chuyển thẳng cho sở lao động địa phương để trả cho các phúc lợi này. Sự thực rằng bảo hiểm y tế ở Trung Quốc là rẻ đến mức – vì lương thấp, phúc lợi dịch vụ y tế hạn chế hơn nhiều, và không có kiện tụng do sơ suất điều trị – “chắc chắn làm cho Trung Quốc là một nơi hấp dẫn để mở rộng và đưa thêm người làm vào,” Perkowski giải thích. “Bất cứ thứ gì có thể làm để giảm trách nhiệm của một công ti Mĩ đối với phạm vi đảm bảo y tế đều là một ưu thế để giữ việc làm ở Hoa Kì.”

Bằng tận dụng thế giới phẳng để cộng tác theo cách này- giữa các nhà máy trong nước và hải ngoại, và giữa các công nhân Mĩ lương cao, kĩ năng cao, ở gần thị trường của họ và các công nhân Trung Quốc lương thấp, gần thị trường của họ - Perkowski nói, “chúng tôi làm cho các công ti Mĩ có tính cạnh tranh hơn, như thế nó nhận được nhiều đơn hàng hơn và thực tế chúng tôi làm tăng việc kinh doanh. Và đó là cái nhiều người ở Mĩ không thấy khi họ nói về offshoring. Thí dụ, kể từ khi mua thâu tóm chúng tôi đã tăng gấp đôi kinh doanh của mình với Cummins, và kinh doanh của chúng tôi với Caterpillar đã tăng đáng kể. Tất cả các khách hàng của chúng tôi đều phơi ra cho cạnh tranh toàn cầu và thực sự cần cơ sở cung ứng của họ làm đúng việc trong chừng mực về cạnh tranh chi phí. Họ muốn làm việc với các nhà cung cấp những người hiểu thế giới phẳng. Khi tôi đi thăm các khách hàng Mĩ của tôi để giải thích chiến lược của chúng tôi về kinh doanh trục cam, họ rất lạc quan về việc chúng tôi làm, vì họ có thể thấy chúng tôi sắp xếp việc kinh doanh của mình theo cách cho phép họ có tính cạnh tranh hơn.”

Mức độ cộng tác này đã là có thể chỉ vài năm gần đây thôi. “Chúng tôi đã không thể làm việc đó ở Trung Quốc năm 1983 hay 1993,” Perkowski nói. “Từ 1993, nhiều thứ đã cùng đến. Thí dụ, người ta luôn nói về Internet đã làm lợi bao nhiêu cho Hoa Kì. Điểm mà tôi luôn nói là Trung Quốc đã được lợi còn hơn. Cái đã giữ Trung Quốc lạc hậu trong quá khứ chính là người dân ở ngoài Trung Quốc không có khả năng có thông tin về đất nước này, và người dân bên trong Trung Quốc đã không có khả năng nhận thông tin về phần còn lại của thế giới. Trước Internet, cách duy nhất để thu hẹp lỗ hổng thông tin đó là đi du hành. Bây giờ bạn có thể ở nhà và làm việc đó với Internet. Bạn không thể điều hành chuỗi cung toàn cầu của chúng tôi mà không có nó. Bây giờ chúng tôi chỉ e-mail các bản thiết kế và kế hoạch qua Internet- chúng tôi thậm chí không cần đến FedEx [một hãng phát chuyển nhanh lớn].”

Các ưu thế cho chế tác ở Trung Quốc, đối với các ngành nhất định, trở nên lấn át, quá mạnh, Perkowski nói thêm, và không thể bị bỏ qua. Hoặc bạn trở nên phẳng hoặc Trung Quốc làm bạn phẳng. “Nếu bạn ngồi ở Hoa Kì và không tính làm sao để vào Trung Quốc,” ông nói, “trong mười hay mười lăm năm nữa bạn sẽ không còn là một người dẫn đầu toàn cầu.”

Bây giờ Trung Quốc đã vào WTO, nhiều khu vực truyền thống, chậm chạp, phi hiệu quả, và được bảo hộ của nền kinh tế Trung Quốc bị phơi ra cho cạnh tranh toàn cầu gây tàn lụi - điều này được đón nhận cũng nhiệt tình ở Canton [Quảng Đông], Trung Quốc, cũng như ở Canton, Ohio. Giả như chính phủ Trung Quốc đã đưa vấn đề tư cách thành viên WTO cho nhân dân bỏ phiếu, “nó có thể chẳng bao giờ được thông qua,” Pat Powers, người đứng đầu văn phòng Hội đồng Doanh nghiệp Mĩ-Trung ở Bắc Kinh trong thời gian gia nhập WTO, nói. Lí do cốt yếu vì sao ban lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm tư cách thành viên WTO là dùng nó như một câu lạc bộ để buộc bộ máy quan liêu của Trung Quốc phải hiện đại hoá và tháo dỡ các bức tường điều tiết bên trong và các ổ ra quyết định tuỳ tiện. Ban lãnh đạo Trung Quốc “biết là Trung Quốc phải hội nhập toàn cầu và nhiều định chế hiện tồn của họ sẽ đơn giản không thay đổi hay cải cách, cho nên họ dùng WTO như đòn bẩy chống lại bộ máy quan liêu của chính họ. Và trong hai năm rưỡi vừa qua họ đã đấu tranh cho ngã ngũ.”

Với thời gian, sự tôn trọng các tiêu chuẩn WTO sẽ làm cho nền kinh tế Trung Quốc còn phẳng hơn và là một lực làm phẳng hơn một cách toàn cầu. Nhưng quá độ này sẽ không dễ, và các khả năng của một sự kiệt sức chính trị hay kinh tế gây đổ vỡ hay làm chậm quá trình là không phải không đáng kể. Nhưng cho dù Trung Quốc có thực hiện tất cả các cải cách WTO, nó sẽ không có khả năng nghỉ. Nó mau chóng đạt một điểm khi tham vọng của nó về tăng trưởng kinh tế sẽ đòi hỏi nhiều cải cách chính trị hơn. Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ dứt khỏi tham nhũng mà không có tự do ngôn luận và các định chế xã hội dân sự tích cực. Nó chẳng bao giờ có thể thực sự trở nên có hiệu quả mà không có nền pháp trị được luật hoá hơn. Nó sẽ chẳng bao giờ có khả năng giải quyết những suy sụp kinh tế không thể tránh khỏi trong nền kinh tế của nó mà không có một hệ thống chính trị cởi mở hơn cho phép người dân bộc lộ những nỗi bất bình của họ. Diễn đạt theo cách khác, Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ là phẳng thật sự cho đến khi nó vượt qua cái ụ giảm tốc khổng lồ gọi là “cải cách chính trị”.

Có vẻ như nó tiến theo hướng đó, nhưng con đường phải đi vẫn còn dài. Tôi thích cách một nhà ngoại giao Mĩ ở Trung Quốc diễn đạt cho tôi vào mùa xuân 2004: “Hiện giờ Trung Quốc đang mơn trớn, không phải tư nhân hoá. Cải cách ở đây là trong mờ - và đôi khi khá mơn trớn, bởi vì bạn có thể nhìn thấy các hình thù chuyển động đằng sau màn – nhưng nó không trong suốt [minh bạch]. [Chính phủ vẫn chỉ cấp] thông tin [về nền kinh tế] cho vài công ti và các nhóm lợi ích được chỉ định.” Vì sao chỉ trong mờ? Tôi hỏi. Ông ta trả lời, “Bởi vì nếu bạn minh bạch hoàn toàn, thì bạn làm gì với phản hồi? Họ không biết giải quyết ra sao với vấn đề đó. Họ [vẫn] chưa thể giải quyết với những kết quả của tính minh bạch.”

Nếu và khi Trung Quốc vượt qua được ụ chính trị đó trên đường, tôi nghĩ nó không chỉ trở thành một nền tảng [platform] lớn hơn cho offshoring mà thành một phiên bản thị trường tự do khác của Hợp Chủng Quốc. Trong khi điều đó có vẻ đe doạ đối với một số người, tôi nghĩ nó sẽ là một sự phát triển tích cực khó tin nổi đối với thế giới. Hãy nghĩ về biết bao nhiêu sản phẩm, ý tưởng, việc làm, và những người tiêu dùng mới đã nảy sinh từ các nỗ lực của Tây Âu và Nhật Bản để trở thành các nền dân chủ sau Thế Chiến II. Quá trình đã mở ra một thời kì thịnh vượng toàn cầu chưa từng có tiền lệ- và thế giới khi đó vẫn còn chưa phẳng. Nó đã có bức tường ở giữa. Nếu Ấn Độ và Trung Quốc đi theo hướng đó, thế giới sẽ không chỉ trở nên phẳng hơn bao giờ hết mà, tôi tin, cũng thịnh vượng hơn bao giờ hết. Ba Hợp Chủng Quốc là tốt hơn một [Hợp Chủng Quốc Hoa Kì], và năm sẽ tốt hơn ba.

Nhưng ngay cả với tư cách một nhà thương mại-tự do, tôi lo về thách thức mà điều này sẽ đặt ra đối lới lương và phúc lợi của các công nhân nào đó ở Hoa Kì, ít nhất ở tầm ngắn hạn. Quá muộn cho chủ nghĩa bảo hộ khi đến với Trung Quốc. Nền kinh tế của nó hoàn toàn liên kết với các nền kinh tế của thế giới đã phát triển, và thử phá bỏ mối liên kết đó sẽ gây ra sự hỗn loạn kinh tế và địa chính trị có thể tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Những người Mĩ và Châu Âu sẽ phải phát triển các mô hình kinh doanh mới để cho phép họ kiếm được tốt nhất từ Trung Quốc và làm nhẹ bớt cho họ chống lại cái xấu nhất. Như tờ BusinessWeek, trong bài báo trên trang nhất đầy kịch tính của nó ngày 6-12-2004 về “Cái Giá Trung Quốc”, diễn đạt, “Trung Quốc có thể chi phối mọi thứ? Tất nhiên không. Mĩ vẫn là nhà chế tác lớn nhất thế giới, tạo ra 75% sản phẩm nó tiêu thụ, tuy thế là giảm từ 90% vào giữa các năm 1990. Các ngành công nghiệp đòi hỏi ngân sách R&D và đầu tư vốn khổng lồ, như hàng không vũ trụ, dược, và ôtô, vẫn có các cơ sở vững mạnh ở Hoa Kì … Mĩ chắc chắn sẽ tiếp tục được lợi từ sự bành trướng của Trung Quốc.” Trừ phi Mĩ có thể đối phó với thách thức công nghiệp dài hạn do cái giá Trung Quốc đề ra trong rất nhiều lĩnh vực, “nó sẽ bị mất quyền lực kinh tế và ảnh hưởng.”

Hay, diễn đạt theo cách khác, nếu những người Mĩ và Châu Âu muốn được lợi từ sự làm phẳng thế giới và từ sự kết nối tất cả các thị trường và các trung tâm tri thức, tất cả họ sẽ phải chạy ít nhất nhanh như con sư tử nhanh nhất – và tôi nghi con sư tử đó sẽ là Trung Quốc, và tôi nghi là sẽ rất nhanh.

LỰC LÀM PHẲNG # 7

XÂU CHUỖI CUNG [SUPPLY-CHAINING]

Ăn Sushi ở Arkansas

Tôi chưa bao giờ hiểu rõ một chuỗi cung nhìn ra sao trong hoạt động cho đến khi tôi thăm tổng hành dinh Wal-Mart ở Bentonville, Arkansas. Các chủ nhà Wal-Mart đã dẫn tôi đến một trung tâm phân phối rộng 1,2 triệu foot vuông [111.480 m2], chúng tôi leo lên một chòi quan sát và theo dõi cuộc biểu diễn. Ở một bên toà nhà, rất nhiều xe moóc trắng của Wal-Mart đang hạ các thùng hàng từ cả ngàn nhà cung cấp khác nhau. Các thùng to và nhỏ được dẫn lên một băng tải ở mỗi cầu tải. Các băng tải nhỏ này dẫn vào một băng tải lớn hơn, giống như các con suối đổ vào một con sông hùng vĩ. Hai mươi bốn giờ một ngày, bảy ngày một tuần, các xe moóc của các nhà cung cấp đổ vào mười hai dặm suối băng tải, và các suối băng tải đổ vào con sông Wal-Mart khổng lồ của các sản phẩm được đóng thùng. Song đó chỉ là một nửa cuộc biểu diễn. Khi dòng sông Wal-Mart chảy, một con mắt điện tử đọc mã vạch trên mỗi thùng trên đường của nó đến bên kia toà nhà. Ở đó, dòng sông lại toả ra hàng trăm con kênh. Các cánh tay điện tử từ mỗi con kênh thò ra và hướng dẫn các thùng- được các cửa hàng Wal-Mart cá biệt đặt hàng- ra khỏi dòng sông chính và chuyển sang con kênh của mình, nơi một băng tải khác di chúng vào một xe tải Wal-Mart đang chờ sẵn, rồi cấp tập chuyển các sản phẩm này lên các kệ hàng của một cửa hàng Wal-Mart cá biệt nào đó trong nước. Tại đó, một người tiêu dùng sẽ lấy một trong các sản phẩm này khỏi kệ hàng, và nhân viên thu tiền sẽ [dùng máy đọc] quét qua nó, vào thời điểm điều đó xảy ra, một tín hiệu sẽ được tạo ra. Tín hiệu đó sẽ truyền qua mạng lưới Wal-Mart đến nhà cung cấp sản phẩm đó - dù nhà máy của nhà cung cấp ở ven biển Trung Quốc hay miền biển Maine. Tín hiệu đó sẽ hiện lên màn hình máy tính của nhà cung cấp và nhắc ông ta sản xuất ra một món hàng khác và chuyển nó qua chuỗi cung Wal-Mart, và toàn bộ chu kì sẽ lặp lại lần nữa. Như thế ngay sau khi tay bạn lấy một sản phẩm từ kệ hàng của cửa hàng Wal-Mart địa phương xuống và đi ra quầy trả tiền thì một cánh tay cơ khí bắt đầu làm ra một món hàng khác ở đâu đó trên thế giới. Hãy gọi nó là “Giao hưởng Wal-Mart gồm nhiều phần - không có kết thúc. Nó chỉ chơi đi chơi lại 24/7/365: giao, phân loại, đóng gói, phân phối, mua, sản xuất, đặt hàng, giao, phân loại, …

Chỉ một công ti, Hewlett-Packard, bán bốn trăm ngàn máy tính qua bốn ngàn cửa hàng Wal-Mart khắp thế giới một ngày trong mùa Giáng sinh, đòi hỏi HP điều chỉnh chuỗi cung của mình, để đảm bảo rằng tất cả các chuẩn của nó giao tiếp với các chuẩn của Wal-Mart, sao cho các máy tính này chảy êm ả vào con sông Wal-Mart, vào các kênh Wal-Mart, vào các cửa hàng Wal-Mart.

Khả năng Wal-Mart chơi hay bản giao hưởng này ở quy mô toàn cầu- chuyển 2,3 tỉ thùng carton hàng hoá một năm xuôi theo chuỗi cung đến các cửa hàng của nó – đã biến nó thành thí dụ quan trọng nhất của cái làm phẳng tiếp theo mà tôi muốn thảo luận, tôi gọi nó là xâu chuỗi cung. Xâu chuỗi cung là phương pháp cộng tác theo chiều ngang- giữa các nhà cung cấp, nhà bán lẻ, và khách hàng - để tạo giá trị. Xâu chuỗi cung là do thế giới phẳng làm cho có thể và bản thân nó là một cái làm phẳng to lớn, vì các chuỗi cung này càng tăng và sinh sôi, chúng càng thúc đẩy sự thích nghi các tiêu chuẩn chung giữa các công ti (sao cho mỗi liên kết của mọi chuỗi cung có thể giao tiếp với chuỗi tiếp theo), chúng loại bỏ càng nhiều điểm ma sát ở biên giới, hiệu quả của một công ti càng được nhiều công ti khác làm theo, và chúng càng thúc đẩy cộng tác toàn cầu.

Với tư cách người tiêu dùng, ta thích các chuỗi cung, vì chúng cho chúng ta mọi loại hàng hoá- từ giày tennis đến laptop- với giá thấp và thấp hơn. Đó là cách Wal-Mart trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới. Nhưng với tư cách công nhân, đôi khi chúng ta có thái độ nước đôi hoặc thù địch với các chuỗi cung, bởi vì chúng đặt ta vào áp lực cao và cao hơn để cạnh tranh, cắt chi phí, và v.v., đôi khi, cắt lương và phúc lợi. Đó là vì sao Wal-Mart trở thành một trong các công ti gây tranh cãi nhất thế giới. Không công ti nào hữu hiệu hơn về cải thiện chuỗi cung của mình (và vì thế làm phẳng thế giới) bằng Wal-Mart; và không công ti nào biểu hiện hoàn hảo sự căng thẳng mà chuỗi cung gây ra giữa người tiêu dùng trong chúng ta và người lao động trong chúng ta hơn Wal-Mart. Một bài báo ngày 30-9-2002 trong Computerwold đã tổng kết vai trò then chốt của Wal-Mart: “Joseph R. Eckroth Jr., CIO của Mattel Inc. nói ‘Là một nhà cung cấp cho Wal-Mart là con giao hai lưỡi. Họ là một kênh phi thường nhưng là một khách hàng khó nhai. Họ đòi hỏi sự xuất sắc.’ Nó là một bài học mà El Segundo, nhà sản xuất đồ chơi ở California và hàng ngàn nhà cung cấp khác đã học như nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, Wal-Mart Stores Inc., đã xây dựng một hệ thống quản lí kho hàng và chuỗi cung thách thức bộ mặt kinh doanh. Bằng đầu tư sớm và nhiều và công nghệ mũi nhọn để nhận diện và theo dõi việc bán ở mức từng món hàng, nhà bán lẻ khổng lồ ở Betonville, Arkansas đã biến hạ tầng IT của nó thành ưu thế cạnh tranh chủ yếu, việc đã được nghiên cứu và sao chép bởi các công ti khắp thế giới. ‘Chúng tôi coi Wal-Mart như nhà điều hành chuỗi cung giỏi nhất mọi thời,’ Pete Abel, giám đốc bán lẻ ở công ti tư vấn công nghệ cao AMR Inc. ở Boston, nói.”

Để theo đuổi chuỗi cung hữu hiệu nhất thế giới, Wal-Mart đã chất đống một danh mục xúc phạm kinh doanh qua nhiều năm đã làm cho công ti bị mang tiếng xấu và chậm bắt đầu đề cập đến một cách có ý nghĩa. Nhưng vai trò của nó như một trong mười lực làm phẳng thế giới là không thể chối cãi, và để nắm được việc này mà tôi đã quyết định làm cuộc hành hương riêng đến Bentonville. Tôi không biết vì sao, nhưng trên chuyến bay từ La Guardia, tôi nghĩ, tôi thực sự muốn ăn một chút sushi tối nay. Nhưng ở đâu tôi tìm thấy sushi ở tây bắc Arkansas? Và cho dù tôi tìm thấy, tôi có muốn ăn nó không? Anh có thể thực sự tin vào lươn ở Arkansas?

Khi tôi đến Hilton gần đại bản doanh Wal-Mart, tôi sững sờ để thấy, như một ảo ảnh, một hiệu ăn Nhật Bản khổng lồ bán sushi ngay sát cạnh. Khi tôi nói với nhân viên tiếp tân lo phòng rằng tôi chẳng bao giờ cho là mình có món sushi ở Betonville, anh ta bảo tôi, “Chúng tôi có ba hiệu ăn Nhật nữa sắp khai trương.”

Nhiều hiệu ăn Nhật ở Bentonville?

Cầu về sushi ở Arkansas không phải là ngẫu nhiên. Nó liên quan đến sự thực là xung quanh các văn phòng Wal-Mart, những người bán hàng đã dựng các hoạt động [sản xuất] của họ để gần tàu mẹ. Thực vậy, khu vực này được biết đến như “Vendorville” [thành phố người bán hàng]. Điều kinh ngạc về tổng hành dinh của Wal-Mart là, nó là như vậy, phải, Wal-Mart mà. Các văn phòng công ti được nhồi nhét vào một nhà kho được cấu trúc lại. Khi chúng tôi qua một toà nhà lớn làm bằng tôn múi, tôi hình dung nó là xưởng bảo trì. “Đó là các văn phòng quốc tế của chúng tôi,” chủ nhà của tôi, phát ngôn viên Willian Wertz, nói. Các dãy phòng công ti trong các văn phòng ở mức dưới các văn phòng của hiệu trưởng, hiệu phó, và cố vấn trưởng của trường trung học công của con gái tôi - trước khi nó được tu sửa lại. Khi bạn đi qua tiền sảnh, bạn thấy các ô hình khối nhỏ nơi các nhà cung cấp tiềm năng chào hàng của họ cho những người mua Wal-Mart. Một có các máy khâu khắp trên bàn, người khác có những búp bê, người khác nữa có áo sơ mi nữ. Có cảm giác như một sự lai tạp giữa Sam’s Club và chợ có mái che ở Damascus. Các cổ đông Wal-Mart chú ý: Công ti hoàn toàn không lãng phí tiền của cổ đông cho sự rườm rà, hoa mĩ.

Nhưng làm sao mà nhiều tư duy đổi mới đến vậy –tư duy đã tạo lại hình dáng phong cảnh kinh doanh của thế giới theo nhiều cách- lại nảy sinh từ một chỗ ao tù nước đọng Li’l Abner* như vậy? Nó thực sự là thí dụ cổ điển của một hiện tượng mà tôi thường chỉ ra ở cuốn sách này: hệ số phẳng. Công ti bạn hay nước bạn càng có ít nguồn lực tự nhiên, thì bạn sẽ càng đào sâu vào trong mình để đổi mới sáng tạo nhằm sống sót. Wal-Mart trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới bởi vì nó mặc cả chi li với bất cứ ai nó tiếp xúc với. Nhưng đừng lầm lẫn một điều: Wal-Mart cũng trở thành số một bởi vì công ti nhỏ, dân quê, tỉnh lẻ này ở tây bắc Arkansas đã chấp nhận công nghệ mới khéo léo hơn và nhanh hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào của nó. Và nó vẫn thế.

David Glass, CEO của công ti từ 1988 đến 2000, đã giám sát nhiều đổi mới làm cho Wal-Mart là nhà bán lẻ lớn nhất và sinh lời nhất hành tinh. Tạp chí Fortune một lần đã gán cho ông cái tên “CEO bị đánh giá thấp nhất từ trước đến giờ” vì cách thầm lặng mà ông xây dựng trên tầm nhìn của Sam Walton. Đối với chuỗi cung David Glass là cái Bill Gates là đối với xử lí văn bản. Khi Wal-Mart mới chỉ bắt đầu ở bắc Arkansas vào các năm 1960, Glass giải thích, nó muốn trở thành một hãng bán lẻ giá rẻ. Nhưng vào những ngày đó, mọi hãng bán lẻ đều lấy hàng từ cùng các nhà bán buôn, thế nên không có cách nào để có lợi thế với các đối thủ cạnh tranh. Cách duy nhất Wal-Mart có thể có lợi thế, ông nói, là đi mua hàng của mình với số lượng lớn trực tiếp từ các nhà sản xuất. Nhưng đã không hiệu quả đối với các nhà sản xuất đi giao hàng cho vô số cửa hàng Wal-Mart rải rác khắp nơi, thế nên Wal-Mart thành lập một trung tâm phân phối mà tất cả các nhà sản xuất có thể giao hàng của họ tại đó, và sau đó Wal-Mart dùng các xe tải riêng của mình phân phối các hàng hoá đó đến các cửa hàng của nó. Toán học hoạt động như thế này: Trung bình tốn hơn khoảng 3 phần trăm để Wal-Mart duy trì trung tâm phân phối riêng của nó. Nhưng hoá ra, Glas nói, việc cắt các nhà bán buôn và mua trực tiếp từ các nhà sản xuất trung bình tiết kiệm được 5 phần trăm, như thế cho phép Wal-Mart cắt chi phí trung bình 2 phần trăm và rồi bù vào bằng khối lượng.

Một khi đã thiết lập phương pháp cơ bản mua trực tiếp từ các nhà sản xuất để được bớt giá nhiều nhất có thể, Wal-Mart tập trung không mệt mỏi vào ba thứ. Thứ nhất, làm việc với các nhà sản xuất để khiến họ cắt càng nhiều chi phí càng tốt. Thứ hai, lo cho chuỗi cung của nó từ các nhà sản xuất đó, bất cứ họ ở đâu trên thế giới, đến các trung tâm phân phối Wal-Mart, để làm cho nó càng có chi phí thấp và trơn tru càng tốt. Thứ ba, liên tục cải thiện các hệ thống thông tin của Wal-Mart, để biết chính xác các khách hàng của nó đã mua gì và có thể đưa thông tin đó đến tất cả các nhà sản xuất, như thế các kệ hàng luôn có sẵn đúng các mặt hàng vào đúng lúc.

Wal-Mart nhanh chóng nhận ra rằng nếu nó có thể tiết kiệm tiền bằng mua trực tiếp từ các nhà sản xuất, liên tục đổi mới để cắt chi phí vận hành chuỗi cung của nó, và giữ cho các kho hàng của nó thấp bằng học nhiều hơn về các khách hàng của nó, mọi lúc nó có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh về giá. Đã chẳng có mấy lựa chọn khi ngồi ở Betonville, Arkansas.

“Lí do chúng tôi xây dựng toàn bộ logistics [cung ứng hậu cần] và các hệ thống riêng của mình là bởi vì chúng tôi ở nơi rất hẻo lánh,” Jay Allen, phó chủ tịch cấp cao về sự vụ công ti, nói. “Nó thực ra là một thị trấn nhỏ. Nếu bạn muốn nhờ bên thứ ba lo về logistics, đó là việc không thể. Thuần tuý là chuyện sống còn. Bây giờ tất cả sự chú ý mà chúng tôi nhận được là một giả thiết rằng giá thấp của chúng tôi là do quy mô của chúng tôi hay chúng tôi mua hàng từ Trung Quốc hay chúng tôi có khả năng ra điều kiện cho các nhà cung cấp. Sự thực là, giá thấp là do tính hiệu quả mà Wal-Mart đã đầu tư vào- hệ thống và văn hoá. Đó là một văn hoá chi phí rất thấp, [nhưng] tất cả do hoàn cảnh bắt buộc, tất yếu sinh ra.”

Chuỗi cung càng tăng lên, Walton và Glass càng hiểu rằng quy mô và hiệu quả là chìa khoá cho toàn bộ việc kinh doanh của họ. Diễn đạt một cách đơn giản, chuỗi cung của họ càng có quy mô và phạm vi, họ càng bán nhiều thứ với giá ít hơn cho càng nhiều khách hàng, họ càng có tác động đòn bẩy với các nhà cung cấp để đẩy giá còn xuống nữa, họ càng bán nhiều hơn cho nhiều khách hàng hơn, chuỗi cung của họ càng có quy mô và phạm vi lớn hơn, họ càng thu được nhiều lợi nhuận hơn cho các cổ đông của họ …

Sam Walton là cha đẻ của văn hoá đó, nhưng khó khăn, tất yếu là mẹ của nó, và con cái nó hoá ra là một bộ máy chuỗi cung thon thả, lành nghề. Năm 2004, Wal-Mart mua khoảng 260 tỉ $ hàng hoá và vận hành nó qua một chuỗi cung gồm 108 trung tâm phân phối khắp Hoa Kì, phục vụ 3.000 siêu thị Wal-Mart ở Mĩ.

Những năm đầu, “chúng tôi còn nhỏ - 4 hay 5 phần trăm của Sears và Kmart,” Glass nói. “Nếu bạn nhỏ thế, bạn dễ bị tổn thương, thế nên cái chúng tôi muốn làm nhiều hơn bất cứ thứ gì khác là tăng thị phần. Chúng tôi phải bán rẻ hơn những người khác. Nếu tôi có thể giảm từ 3 xuống 2 phần trăm chi phí vận hành các trung tâm phân phối của chúng tôi, tôi có thể giảm giá bán lẻ và tăng thị phần của tôi lên và sau đó không dễ bị tổn thương đối với bất kì ai. Như thế bất cứ hiệu quả nào chúng tôi tạo ra, chúng tôi đều chuyển cho khách hàng.”

Thí dụ, sau khi các nhà sản xuất đã dỡ hàng của họ ở trung tâm phân phối Wal-Mart, Wal-Mart cần giao các mặt hàng đó theo các cụm nhỏ cho mỗi siêu thị của nó. Như thế Wal-Mart có các xe tải đi khắp nước Mĩ. Walton nhanh chóng nhận ra rằng nếu ông kết nối các lái xe của mình bằng radio và vệ tinh, sau khi họ dỡ hàng ở một siêu thị Wal-Mart nào đó, xe có thể đi vài dặm nữa để lấy hàng từ một nhà sản xuất, thế nên họ không quay về với xe không và như thế Wal-Mart có thể tiết kiệm chi phí từ nhà sản xuất đó. Vài xu ở đây, mấy xu ở đó, và kết quả là khối lượng, phạm vi, quy mô nhiều hơn.

Trong cải thiện chuỗi cung của mình, Wal-Mart không để mối liên kết nào không bị đụng tới. Trong khi tôi đi xem trung tâm phân phối Wal-Mart tại Bentonville, tôi để ý thấy một số thùng quá to để đi lên băng tải và được các nhân viên Wal-Mart lái các xe tải mini, đeo tai nghe, di chuyển trên các pallet. Một máy tính theo dõi mỗi nhân viên kéo được bao nhiêu pallet một giờ để xếp lên các xe tải cho các siêu thị khác nhau, và một giọng nói máy tính bảo mỗi người trong số họ liệu họ đạt hay chưa đạt kế hoạch. “Bạn có thể chọn giọng nói máy tính là giọng đàn ông hay giọng phụ nữ, và bạn có thể chọn tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha,” Rollin Ford, phó chủ tịch điều hành của Wal-Mart, người giám sát chuỗi cung và hướng dẫn tôi đi thăm, giải thích.

Vài năm trước, những người di chuyển pallet này nhận những chỉ thị viết trên giấy về việc lôi pallet nào đó ở đâu và xếp nó lên xe tải nào, nhưng Wal-Mart khám phá ra rằng cấp cho họ một tai nghe để đeo với giọng nói máy tính thật để chỉ dẫn họ, các lái xe có thể dùng cả hai tay và không phải mang các mẩu giấy. Và bằng khiến giọng nói liên tục nhắc nhở họ liệu họ vượt hay chưa đạt sự mong đợi, “chúng tôi tăng năng suất”, Ford nói. Chính hàng triệu đổi mới nho nhỏ như thế này là cái làm cho chuỗi cung của Wal-Mart khác biệt.

Nhưng, Glass nói, đột phá thực sự là khi Wal-Mart nhận ra rằng trong khi nó phải là một người mặc cả cứng rắn với các nhà sản xuất về giá, đồng thời cả hai phải cộng tác để tạo ra giá trị cho nhau theo chiều ngang nếu Wal-Mart sẽ tiếp tục giữ chi phí giảm. Wal-Mart là một trong những công ti đầu tiên đưa máy tính vào để theo dõi bán hàng và hàng tồn của siêu thị và là công ti đầu tiên phát triển một mạng tin học hoá nhằm chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp. Lí thuyết của Wal-Mart là, mỗi người có càng nhiều thông tin về khách hàng nhấc mặt hàng nào khỏi kệ hàng, việc mua hàng của Wal-Mart càng hiệu quả, các nhà cung cấp của nó có thể thích ứng càng nhanh hơn đối với sự thay đổi cầu của thị trường.

1983, Wal-Mart đầu tư các máy thanh toán điểm bán hàng [Point-of-Sale:POS], đồng thời kéo doanh số lên và theo dõi giảm hàng tồn để tái cấp hàng nhanh chóng. Bốn năm sau, nó lắp đặt một hệ thống vệ tinh quy mô lớn nối tất cả các siêu thị về tổng hành dinh công ti, cấp dữ liệu tồn kho thời gian thực cho hệ thống máy tính tập trung của Wal-Mart và dọn đường cho một chuỗi cung được bôi trơn bởi thông tin và thúc mạnh đến nguyên tử cuối cùng của tính hiệu quả. Một nhà cung cấp lớn bây giờ có thể nối vào hệ thống extranet riêng, Retail Link, của Wal-Mart để xem chính xác các sản phẩm của nó được bán ra sao và khi có thể cần để tăng sản xuất.

“Mở cơ sở dữ liệu bán và kho hàng cho các nhà cung cấp là cái biến Wal-Mart thành tổ chức mạnh hiện nay, Rena Granofsky hội viên cấp cao ở J. C. Williams Group Ltd., một hãng tư vấn bán lẻ ở Toronto, nói trong bài báo 2002 Computerworld về Wal-Mart. “Trong khi đối thủ cạnh tranh bảo vệ thông tin bán hàng, Wal-Mart tiếp cận các nhà cung cấp của mình cứ như họ là các hội viên, không như các đối thủ, Granofsky nói. Bằng thực hiện chương trình lập kế hoạch, lập dự báo cộng tác (CPRF), Wal-Mart bắt đầu một chương trình kho hàng vừa khớp thời gian (just-in-time) làm giảm chi phí vận chuyển cho cả nhà bán lẻ lẫn các nhà cung cấp của nó. ‘Có rất ít hàng tồn trong chuỗi cung bởi vì hệ thống đó,’ Granofsky nói.” Nhờ tính hiệu quả của riêng chuỗi cung của nó, chi phí hàng hoá của Wal-Mart ước lượng 5 đến 10 phần trăm ít hơn chi phí của hầu hết các đối thủ cạnh tranh của nó.

Hiện nay, trong đổi mới gần nhất về chuỗi cung, Wal-Mart đã đưa ra chip RFID (Radio Frequency IDentification: Nhận diện Tần số Vô tuyến), gắn vào mỗi pallet và thùng hàng đến Wal-Mart, thay cho mã vạch cần phải được quét từng cái một và có thể bị rách hay vấy bẩn. Tháng Sáu 2003, Wal-Mart đã thông báo cho một trăm nhà cung cấp hàng đầu của nó là vào 1-1-2005, tất cả các pallet và thùng mà họ giao cho các trung tâm phân phối Wal-Mart phải được gắn các thẻ RFID. (Theo RFID Journal, “RFID là một từ khái quát cho các công nghệ dùng sóng vô tuyến để tự động nhận diện người hay đồ vật. Có nhiều phương pháp nhận diện, nhưng phương pháp phổ biến nhất là lưu một dãy số nhận diện người hay đồ vật, và có lẽ các thông tin khác, trên một vi mạch gắn với một anten- chip và anten cùng nhau được gọi là một transponder [máy phát lại] hay một thẻ RFID. Anten cho phép chip phát thông tin nhận diện cho một máy đọc. Máy đọc biến sóng vô tuyến được phản xạ lại từ thẻ RFID thành thông tin số sau đó có thể chuyển qua máy tính có thể tận dụng nó.”) RFID sẽ cho phép Wal-Mart theo dõi bất cứ pallet hay thùng nào ở mọi giai đoạn của chuỗi cung của nó và biết chính xác bên trong có sản phẩm nào từ nhà sản xuất nào, với thời gian hết hạn nào. Nếu một món hàng tạp phẩm phải được cất ở một nhiệt độ nhất định, thẻ RFID sẽ nói cho Wal-Mart khi nhiệt độ quá cao hay quá thấp. Bởi vì mỗi thẻ này tốn cỡ 20¢, Wal-Mart bây giờ dành chúng cho các thùng to và pallet, chứ không phải từng món hàng. Nhưng đây rõ ràng là làn sóng của tương lai.

“Khi có RFID,” Rollin Ford phó chủ tịch cung ứng của Wal-Mart nói, “bạn thấu hiểu hơn.” Bạn có thể cho biết thậm chí nhanh hơn, thứ Sáu các siêu thị nào bán nhiều dầu gội đầu hơn và chủ Nhật siêu thị nào, và liệu người gốc Tây Ban Nha thích mua nhiều vào tối thứ Bảy hơn là thứ Hai ở các siêu thị lân cận. “Khi tất cả thông tin này được nạp vào các mô hình cầu của chúng tôi, chúng tôi có thể trở nên hiệu quả hơn về khi nào sản xuất [ra một sản phẩm] và khi nào giao nó rồi đặt nó vào chính xác đúng chỗ trong xe tải sao cho nó có thể chảy hiệu quả hơn,” Ford nói thêm. “Chúng tôi thường đã phải đếm từng món, và việc quét đọc nó [ở đầu nhận] là chỗ tắc nghẽn. Bây giờ [với RFID], chúng tôi chỉ đọc toàn bộ pallet, và nó bảo có tất cả ba chục món bạn đã đặt và mỗi thùng cho bạn biết, ‘Tôi là thế này và tôi cảm thấy thế này, màu của tôi là thế này, tôi ở trong tình trạng tốt’ – cho nên nó làm cho việc tiếp nhận dễ hơn rất nhiều.” Jeannie Tharrington phát ngôn viên của Procter & Gamble nói cho tờ trực tuyến Salon.com (20-9-2004) về nước đi của Wal-Mart đến RFID: “Chúng tôi thấy việc này có lợi cho toàn bộ chuỗi cung. Ngay bây giờ các mức hết tồn kho của chúng tôi là cao hơn chúng tôi muốn và chắc chắn cao hơn mức người tiêu dùng muốn, và tôi nghĩ công nghệ này có thể giúp chúng tôi giữ các sản phẩm trên kệ thường xuyên hơn.” RFID sẽ cũng cho phép sắp xếp chuỗi cung lại nhanh hơn khi đối phó với các sự kiện.

Trong các cơn bão, các quan chức Wal-Mart bảo tôi, Wal-Mart biết là người ta ăn các thứ như Pop-Tarts – các món ăn dễ trữ, để lâu được –nhiều hơn và các siêu thị của họ cũng bán trò chơi trẻ em không cần điện và có thể thay thế TV nhiều hơn. Nó cũng biết là khi bão đến, người ta có xu hướng uống nhiều bia hơn. Như thế một phút sau khi nhà dự báo thời tiết của Wal-Mart nói cho tổng hành dinh rằng một cơn bão đang đến Florida, chuỗi cung của nó tự động điều chỉnh một cơ cấu hàng hợp với bão cho các siêu thị ở Florida – ban đầu nhiều bia hơn, sau đó nhiều Pop-Tart hơn.

Wal-Mart liên tục tìm cách mới để cộng tác với các khách hàng của mình. Mới gần đây, nó làm cả ngân hàng. Nó thấy ở các vùng có nhiều dân gốc Tây Ban Nha, nhiều người không có quan hệ với ngân hàng và bị các quầy kí séc lấy tiền mặt [check-cashing] với giá cắt cổ. Cho nên Wal-Mart chào cho họ check cashing lương, phiếu chuyển tiền, chuyển tiền, và thậm chí các dịch vụ chi trả hoá đơn cho các khoản thông thường như điện - tất cả với phí rất thấp. Wal-Mart có năng lực nội tại để làm việc đó cho nhân viên của nó và đơn giản chuyển nó thành một việc kinh doanh bên ngoài.

QUÁ NHIỀU VỀ MỘT CÁI TỐT

Đáng tiếc cho Wal-Mart, cũng các nhân tố thúc đẩy bản năng liên tục đổi mới của nó- sự cô lập khỏi thế giới, nhu cầu của nó đào sâu vào bên trong mình, nhu cầu của nó để kết nối các vị trí hẻo lánh vào một chuỗi cung- cũng là rắc rối của nó. Hầu như không nói quá Bentonville, Arkansas cô lập thế nào khỏi dòng chảy các cuộc tranh cãi về lao động và nhân quyền, và dễ hiểu làm sao công ti cách li, bị ám ảnh về giá rẻ này có thể đã đi quá ở một số tập quán của nó.

Sam Walton đã nuôi dưỡng không chỉ một loại truy tìm liên tục tính hiệu quả để cải thiện chuỗi cung của Wal-Mart mà cả một mức độ của một thời kì không thương xót. Tôi nói về mọi thứ từ tập quán mới bày ra của Wal-Mart về giữ các công nhân làm đêm trong các siêu thị của nó, đến cho phép các công ti bảo dưỡng cho nó dùng những người nhập cư bất hợp pháp làm người trông nom, đến vai trò của nó với tư cách bị đơn trong vụ kiện nhân quyền lớn nhất trong lịch sử, đến sự từ chối của nó để đặt các tạp chí nào đó- như Playboy- trên các kệ hàng của nó, ngay cả ở các thị trấn nhỏ nơi Wal-Mart là cửa hàng lớn duy nhất. Đấy là tất cả ngoài sự thực rằng một số đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Wal-Mart than phiền rằng họ phải cắt các phúc lợi y tế và tạo ra một tầng lớp lương thấp hơn để cạnh tranh với Wal-Mart, trả lương thấp hơn và bảo đảm [phúc lợi] ít hơn hầu hết các công ti lớn (sẽ bàn về việc này muộn hơn). Ta chỉ có thể hi vọng rằng tất cả tiếng xấu mà Wal-Mart nhận được vài năm vừa qua sẽ buộc nó hiểu rằng có ranh giới tế nhị giữa một chuỗi cung toàn cầu siêu hiệu quả giúp người ta tiết kiệm tiền và cải thiện cuộc sống của họ và một chuỗi cung theo đuổi cắt chi phí và lãi gộp đến mức bất cứ lợi ích xã hội nào được một tay mang biếu, bị tay khác lấy mất.

Wal-Mart là Trung Quốc của các công ti. Nó có rất nhiều tác dụng đòn bẩy để có thể nghiền nát bất cứ nhà cung cấp nào đến nửa xu cuối cùng. Và nó không hề do dự dùng năng lực của nó để kích các nhà cung cấp nước ngoài và trong nước của nó chống lẫn nhau.

Một số nhà cung cấp tìm được cách thịnh vượng dưới áp lực và trở nên tốt hơn ở cái họ làm. Nếu tất cả các nhà cung cấp của Wal-Mart bị Wal-Mart vắt kiệt, thì Wal-Mart sẽ không còn nhà cung cấp nào. Cho nên hiển nhiên nhiều trong số họ phát đạt như các đối tác của Wal-Mart. Nhưng rõ ràng một số đã phải biến áp lực giá không ngớt của Wal-Mart thành lương và phúc lợi thấp cho nhân viên của họ hay nhìn việc kinh doanh của họ di sang Trung Quốc, nơi chuỗi cung của Wal-Mart hút 18 tỉ dollar hàng hoá từ 5000 nhà cung cấp Trung Quốc. “Nếu Wal-Mart là một nền kinh tế riêng, nó được xếp hạng là đối tác thương mại thứ tám của Trung Quốc, trên Nga, Úc, và Canada,” Xu Jun, phát ngôn viên của Wal-Mart Trung Quốc, nói cho China Business Weekly (29-11-2004).

Thế hệ kế tiếp đối với sự lãnh đạo của Sam Walton có vẻ nhận ra rằng nó cần cả một hình ảnh và một thực tại để sửa. Wal-Mart sẽ điều chỉnh đến đâu còn phải xem. Nhưng khi tôi hỏi CEO của Wal-Mart, H. Lee Scott Jr., trực tiếp về các vấn đề này, ông đã không lẩn tránh, thực ra ông muốn nói về nó. “Cái tôi nghĩ mình phải làm là thể chế hoá cảm nhận nghĩa vụ này với xã hội theo cùng phạm vi như chúng tôi đã thể chế hoá cam kết với khách hàng,” Scott nói. “Thế giới đã thay đổi và chúng tôi đã bỏ lỡ điều đó. Chúng tôi đã tin rằng ý định tốt và các cửa hàng tốt và giá tốt sẽ khiến người dân thứ lỗi cho cái chúng tôi chưa tốt, và chúng tôi đã sai.” Trong các lĩnh vực nhất định, ông nói thêm, “chúng tôi không tốt như chúng tôi phải là. Chúng tôi phải làm tốt hơn.”

Một xu hướng mà Wal-Mart cứ khăng khăng nó không chịu trách nhiệm là offshoring chế tác. “Chúng ta sẽ khá hơn nhiều nếu có thể mua được hàng hoá sản xuất ở Hoa Kì,” Glass nói. “Tôi mất hai năm đi quanh đất nước này thử khuyên người ta sản xuất ở đây. Chúng tôi sẽ trả nhiều hơn để mua ở đây bởi vì các cơ sở chế tác ở các thành phố đó [sẽ tạo việc làm cho] những người mua hàng ở các siêu thị của chúng tôi. Sanyo đã có một nhà máy tại đây [ở Arkansas] sản xuất TV cho Sears, và Sears cắt họ đi, cho nên họ quyết định đóng cửa nhà máy và di phần sang Mexico và phần sang Châu Á. Thống đốc bang chúng tôi hỏi nếu chúng tôi có thể giúp. Chúng tôi quyết định sẽ mua máy TV của Sanyo [nếu họ giữ nhà máy ở Arkansas], và họ không muốn làm điều đó. Họ muốn di chuyển nó, và [thống đốc] thậm chí nói chuyện với gia đình [chủ người Nhật] để thử thuyết phục họ ở lại. Giữa các nỗ lực của ông và của chúng tôi, chúng tôi thuyết phục họ ở lại. Bây giờ họ là nhà sản xuất TV lớn nhất thế giới. Chúng tôi vừa mua máy thứ năm mươi triệu từ họ. Nhưng phần lớn người dân ở nước này đơn thuần bỏ quá trình sản xuất. Họ nói, ‘tôi muốn bán cho anh, nhưng tôi không muốn trách nhiệm về các toà nhà và các nhân viên [và chăm sóc ý tế]. Tôi muốn tìm nguồn từ nơi nào đó khác’. Cho nên chúng tôi buộc phải tìm nguồn hàng từ các nơi khác trên thế giới.” Ông nói thêm, “ Một trong các mối lo của tôi là, với việc sản xuất đi ra khỏi đất nước này, rồi một ngày tất cả chúng ta sẽ bán hamburger cho nhau.”

Cách tốt nhất để nếm vị về quyền lực của Wal-Mart với tư cách một lực làm phẳng toàn cầu là đi thăm Nhật Bản.

Thuyền trưởng Matthew Calbraith Perry đã mở cửa xã hội Nhật phần lớn còn đóng đối với thế giới Phương Tây vào ngày 8-7-1853, khi ông đến Vịnh Edo (Tokyo) với bốn tàu hơi nước màu đen tua tủa súng đại bác. Theo Web site của Trung tâm Lịch sử Hải quân, những người Nhật, không biết rằng tàu hơi nước đã từng tồn tại, đã bị sốc bởi cảnh tượng của chúng và nghĩ chúng là “các con rồng phụt khói.” Thuyền trưởng Perry quay lại một năm sau, và kí kết Hiệp ước Kanagawa với chính quyền Nhật, cho các tàu Mĩ tiếp cận đến các cảng Shimoda và Hakodate và mở lãnh sự quán Mĩ ở Shimda. Hiệp ước này dẫn đến sự bùng nổ thương mại giữa Nhật Bản và Hoa Kì, giúp mở cửa Nhật Bản với thế giới Phương Tây nói chung, và được ghi công rộng rãi với việc khởi động sự hiện đại hoá nhà nước Nhật Bản, vì người Nhật đã nhận ra họ lạc hậu đến thế nào và gấp gáp đuổi kịp. Và họ đã đuổi kịp. Trong rất nhiều lĩnh vực, từ ô tô đến điện tử tiêu dùng đến máy công cụ, từ Walkman của Sony đến xe Lexus, người Nhật đã học mọi bài học từ các quốc gia Phương Tây và đi đến đánh bại chúng ta trong chính trò chơi của chúng ta- trừ một lĩnh vực: bán lẻ, đặc biệt bán lẻ giá hạ. Nhật Bản có thể làm cho các công ti Sony không giống ai khác, nhưng khi đến việc bán hạ giá chúng, phải, đó là chuyện khác.

Cho nên hầu như chính xác 150 năm sau khi Thuyền trưởng Perry kí hiệp ước đó, một hiệp ước khác ít người biết hơn đã được kí, thực ra là một việc chung vốn kinh doanh. Gọi nó là Hiệp ước Seiyu-Wal-Mart năm 2003. Không giống Thuyền trưởng Perry, Wal-Mart đã không đột nhập vào Nhật Bản với tàu chiến. Uy tín của nó đã đi trước, đó là vì sao nó được mời bởi Seiyu, một chuỗi bán lẻ Nhật vật lộn một cách vô vọng để thuần hoá công thức Wal-Mart ở Nhật Bản, một nước khét tiếng vì chống lại các siêu thị thùng lớn bán giá hạ. Khi tôi đi tàu siêu tốc từ Tokyo đến Numazu, Nhật Bản, địa điểm mà siêu thị Seiyu đầu tiên sử dụng các phương pháp Wal-Mart nằm cách Shimoda và lãnh sự quán Mĩ đầu tiên khoảng một trăm dặm, người phiên dịch của New York Times chỉ ra cho tôi. Có lẽ Thuyền trưởng Perry sẽ thích mua ở siêu thị Seiyu mới, nơi tất cả nhạc được dẫn vào là các giai điệu Phương Tây được nghĩ ra để ru những người mua hàng chất hàng vào các xe đẩy của họ, và là nơi anh có thể mua một bộ com lê nam - sản xuất tại Trung Quốc- với giá 65 $ và một áo sơ mi trắng đi cùng với giá 5 $. Đó là cái người ta gọi khắp nơi là Wal-Mart EDLP- Every Day Low Prices [Các Giá Hạ Mỗi Ngày]- và đó là cụm từ đầu tiên mà những người của Wal-Mart học để nói bằng tiếng Nhật.

Những ảnh hưởng làm phẳng của Wal-Mart được bày tỏ đầy đủ ở siêu thị Seiyu tại Numazu- không chỉ các giá hạ mỗi ngày, mà là các lối đi rộng, các pallet lớn chứa các hàng nội trợ, các kí hiệu khổng lồ chỉ các giá thấp nhất trong mỗi loại hàng, và hệ thống máy tính chuỗi cung Wal-Mart sao cho các nhà quản lí siêu thị có thể nhanh chóng điều chỉnh hàng tồn.

Tôi hỏi CEO của Seiyu, vì sao ông quay sang Wal-Mart. “Lần đầu tiên tôi biết Wal-Mart là khoảng mười lăm năm trước,” Kiuchi giải thích. “Tôi đến Dallas để xem các siêu thị Wal-Mart, và tôi nghĩ đây là một phương pháp rất hợp lí. Nó gồm hai thứ: Một là hệ thống kí hiệu chỉ giá cả. Rất dễ để chúng tôi hiểu nó.” Thứ hai, ông nói, là người Nhật đã nghĩ một cửa hàng hạ giá có nghĩa là anh bán các sản phẩm rẻ với giá rẻ. Cái anh ta nhận ra ở việc mua tại Wal-Mart, và thấy mọi thứ từ các TV plasma đến các sản phẩm ưa thích, là, Wal-Mart bán các sản phẩm chất lượng với giá hạ.

“Tại cửa hàng ở Dallas, tôi đã chụp ảnh, và mang các bức ảnh đó cho các đồng nghiệp ở Seiyu và bảo họ, ‘Này, chúng ta phải xem Wal-Mart làm gì ở nửa kia của hành tinh’. Nhưng giới thiệu các bức ảnh đã là không đủ tốt, vì làm sao bạn có thể hiểu chỉ nhìn vào các bức ảnh?” Kiuchi nhớ lại. Cuối cùng, Kiuchi đã tiếp cận Wal-Mart, và họ đã kí một thoả thuận điều kiện chung vốn ngày 31-12-2003. Wal-Mart mua một phần Seiyu; đổi lại, Wal-Mart đồng ý dạy Seiyu hình thức cộng tác vô song của nó: xâu chuỗi cung toàn cầu để đưa cho những người tiêu dùng các hàng hoá tốt nhất với giá hạ nhất.

Tuy vậy, có một việc lớn mà Seiyu phải dạy Wal-Mart, Kiuchi bảo tôi: bán cá tươi thế nào. Các cửa hàng giá hạ và các siêu thị Nhật đều có các bộ phận tạp phẩm, và tất cả chúng đều có bán cá cho những người tiêu dùng Nhật rất có đầu óc phán xét. Seiyu sẽ hạ giá cá nhiều lần mỗi ngày, theo mức giảm độ tươi.

- “Wal-Mart không hiểu cá tươi,” Kiuchi nói. “Chúng tôi kì vọng sự giúp đỡ của họ với việc buôn bán câu khách nói chung.”

Hãy cho Wal-Mart thời gian. Tôi kì vọng rằng trong tương lai không xa chúng ta sẽ thấy sushi Wal-Mart.

Ai đó thích cá thu nóng hơn.

LỰC LÀM PHẲNG # 8

INSOURCING [LÀM THUÊ Ở TRONG]

Các Gã mặc Áo Nâu Ngồ ngộ đó Thực sự đang Làm gì

Một trong những thứ thú vị về tìm kiếm [tư liệu] cho cuốn sách này là sự khám phá ra đủ mọi thứ xảy ra trên thế giới quanh tôi mà tôi chẳng có manh mối nào. Chẳng gì lí thú đến sửng sốt hơn là vén bức màn đằng sau [công ti phát chuyển nhanh] UPS, United Parcel Service. Phải, những người đó, những người mặc áo sơ mi màu nâu giản dị đó và lái các xe tải nâu xấu xí đó. Hoá ra là trong khi tôi đang ngủ, UPS ù lì cổ lỗ đã trở thành một lực khổng lồ làm phẳng thế giới.

Lại lần nữa, chính một trong các gia sư Ấn Độ của tôi, Nandan Nilekani, CEO của Infosys, đã mách nước cho tôi đến đấy. “FedEx và UPS phải là một trong các lực làm phẳng của anh. Họ không chỉ phát chuyển bưu kiện, họ làm logistics [cung ứng hậu cần],” một hôm ông bảo tôi trên điện thoại từ Bangalore. Tất nhiên, tôi xếp ý tưởng này vào hồ sơ, ghi chú để kiểm tra cho rõ, mà chẳng có manh mối về ông ta đã ám chỉ đến cái gì. Vài tháng sau tôi đi Trung Quốc, và khi ở đó tôi bị khổ sở vì sự mệt mỏi sau chuyến bay dài một đêm và đang xem CNN International để cho một chút thời gian buổi sáng trôi đi. Tại một điểm, đến một quảng cáo thương mại cho UPS, và dòng nhãn là khẩu hiệu mới của UPS: “Thế giới của Bạn được Đồng bộ - Your World Synchronized.”

Ý nghĩ xuất hiện trong tôi: Đó phải là cái Nandan nói về! UPS, tôi được biết, không chỉ còn chuyển bưu kiện nữa; nó đồng bộ các chuỗi cung toàn cầu cho các công ti lớn và nhỏ. Ngày hôm sau tôi hẹn đi thăm tổng hành dinh UPS ở Atlanta. Muộn hơn tôi đã đi dạo thăm trung tâm phân phối UPS Worldport [Cảng Thế giới] sát ngay Sân bay Quốc tế Louisville, mà vào ban đêm về cơ bản được tiếp quản bởi đội máy bay vận tải phản lực của UPS, vì các bưu kiện được chuyển từ mọi nơi trên thế giới, được phân loại, và chuyển quay lại vài giờ muộn hơn. (Đội 270 máy bay của UPS là hãng hàng không lớn thứ mười một trên thế giới). Cái tôi khám phá ra trong các cuộc viếng thăm này không phải là UPS của thời cha bạn. Phải, UPS vẫn kéo vào hầu hết của 36 tỉ $ doanh thu của nó bằng cách chuyển hơn 1,3 triệu bưu kiện mỗi ngày từ điểm A đến điểm B. Nhưng đằng sau bề mặt vô hại đó, công ti được thành lập ở Seattle năm 1907 như một công ti dịch vụ đưa tin đã tái phát minh mình như một nhà quản lí chuỗi cung năng động.

Hãy suy xét điều này: Nếu bạn có một laptop Toshiba vẫn còn trong thời hạn bảo hành và bị hỏng và bạn gọi Toshiba để họ sửa nó, Toshiba sẽ bảo bạn đưa nó đến một hiệu UPS và để họ chuyển nó cho Toshiba, và máy sẽ được sửa và chuyển lại cho bạn. Nhưng đây là cái họ không nói cho bạn: UPS không chỉ nhận và giao máy xách tay Toshiba của bạn. UPS thực sự chữa máy của bạn trong xưởng riêng dành cho sửa chữa máy tính và máy in do UPS vận hành ở trung tâm Louisville. Tôi đã dạo thăm trung tâm đó chờ đợi sẽ thấy chỉ các bưu kiện di chuyển quanh, và thay vào đó tôi thấy mình mặc một áo khoác xanh, trong một phòng đặc biệt sạch, theo dõi các nhân viên UPS thay các bo mạch chính trong các máy xách tay Toshiba bị hỏng. Toshiba đã gây ra vấn đề về hình ảnh nhiều năm trước, với một số khách hàng kết luận rằng quá trình sửa các máy hỏng của nó quá kéo dài. Thế nên Toshiba đến UPS và yêu cầu nó thiết kế một hệ thống tốt hơn. UPS bảo, “Này, thay cho việc nhận máy từ khách hàng của anh, đưa đến trung tâm của chúng tôi, rồi đưa nó từ trung tâm của chúng tôi đến cơ sở sửa chữa của các anh và sau đó chuyển trở lại trung tâm của chúng tôi và sau đó từ trung tâm của chúng tôi đến khách hàng của các anh, hãy cắt tất cả các bước trung gian. Chúng tôi, UPS, sẽ nhận nó, tự chúng tôi chữa nó, và chuyển thẳng lại cho khách hàng của các anh.” Bây giờ có thể gửi máy xách tay Toshiba của bạn vào một ngày, khiến nó được sửa ngày tiếp theo, và nhận lại nó vào ngày thứ ba. Các thợ sửa chữa của UPS đều được Toshiba cấp giấy chứng nhận, và than phiền của khách hàng giảm xuống đột ngột. Nhưng đấy chỉ là mảnh nhỏ của cái UPS làm ngày nay. Ăn pizza Papa John muộn à? Nếu bạn thấy xe cung ứng hiệu Papa John đi qua, hỏi ai phái lái xe và lên lịch trình lấy hàng cung cấp, như cà chua, nước xốt pizza, và hành. Câu trả lời: UPS. Hiện nay UPS vào bên trong nhiều công ti và tiếp quản các xe có nhãn hiệu của họ để đảm bảo giao đúng giờ, trong trường hợp của Papa John bao gồm cả lấy bột pizza từ các lò bánh đến đại lí vào thời điểm chính xác mỗi ngày. Chán mua giày tennis ở siêu thị ư? Lên mạng và đặt một đôi Nike từ Web site của nó, Nike.com. Đơn hàng, tuy vậy, thực sự gửi đến UPS, và một nhân viên UPS lấy, kiểm tra, đóng gói, và giao giày của bạn được đặt trực tuyến từ một kho hàng ở Kentucky do UPS quản lí. Như trên nếu bạn đặt đồ lót nào đó từ Jockey.com. Các nhân viên UPS quản lí các sản phẩm Jockey ở một nhà kho UPS, sẽ thực sự điền đơn hàng, bỏ nó vào túi, gắn nhãn nó, và giao nó cho bạn. Máy in HP của bạn hỏng ở Châu Âu hay Mĩ Latin? Thợ sửa ở thực địa, người đến nhà bạn sửa nó, là người làm việc cho UPS, UPS quản lí các bộ phận thay linh kiện và sửa chữa cho HP ở các thị trường đó. Đặt cá nhiệt đới nào đó từ các Trang trại Segrest ở Florida được UPS giao tại cửa cho bạn ở Canada? UPS làm việc với một công ti để phát triển cách đóng gói đặc biệt cho cá sao cho chúng không bị thương khi đi qua hệ thống phân loại của UPS. Cá thậm chí còn được gây mê nhẹ cho du hành an toàn (như trẻ con uống thuốc chống say Dramamine). “Chúng tôi muốn chúng có một chuyến đi thoải mái,” Steve Holmes người phát ngôn của UPS nói.

Cái gì xảy ra ở đây? Nó là một quá trình được gọi là insourcing - một hình thức hoàn toàn mới về cộng tác và tạo giá trị theo phương nằm ngang, do thế giới phẳng làm cho có thể và làm phẳng nó còn nhiều hơn nữa. Trong các mục trước tôi đã thảo luận vì sao xâu chuỗi cung là quan trọng đến vậy trong thế giới phẳng. Nhưng không phải mọi công ti, quả thực rất ít công ti, có đủ sức để phát triển và hỗ trợ một chuỗi cung toàn cầu phức tạp cỡ quy mô và phạm vi mà Wal-Mart đã phát triển. Đó là cái đã sinh ra insourcing. Insourcing xảy ra bởi vì một khi thế giới trở nên phẳng, người nhỏ có thể hành động lớn – các công ti nhỏ đột ngột có thể thấy khắp thế giới. Một khi họ đã thấy, họ thấy nhiều chỗ nơi họ có thể bán hàng của mình, sản xuất hàng của mình, hay mua nguyên liệu của họ theo cách hữu hiệu hơn. Nhưng nhiều trong số họ hoặc không biết thực hiện tất cả các thứ này hay không thể có đủ sức để tự mình cai quản một chuỗi cung toàn cầu phức tạp. Nhiều công ti lớn đã không muốn quản lí độ phức tạp này, mà họ cảm thấy không phải là một phần của khả năng cốt lõi của họ. Nike thích tiêu tiền và năng lực của mình để thiết kế giày tennis tốt hơn, chứ không cho các chuỗi cung.

Điều này tạo ra cơ hội kinh doanh toàn cầu hoàn toàn mới cho các hãng giao nhận bưu kiện như UPS. Năm 1996, UPS đi vào kinh doanh về “các giải pháp thương mại được đồng bộ”. Nó đã tiêu 1 tỉ $ kể từ đó để mua hai mươi lăm hãng logistics và giao nhận toàn cầu khác nhau để có thể phục vụ hầu như bất cứ chuỗi cung nào từ một góc đến góc kia của trái đất phẳng. Việc kinh doanh cất cánh đúng khoảng năm 2000. Tôi thích thuật ngữ “insourcing” bởi vì các kĩ sư UPS đến thẳng bên trong công ti của bạn; phân tích các quá trình sản xuất, đóng gói, và giao hàng của nó; và sau đó thiết kế, tái thiết kế, và quản lí toàn bộ chuỗi cung của bạn. Và, nếu cần, ngay cả tài trợ các phần việc đó, như các khoản phải thu và các khoản thanh toán COD (Cash On Delivery- Thu tiền khi giao hàng). Ngày nay có các công ti (nhiều trong số đó không muốn tên của họ được nhắc đến) không hề còn chạm đến các sản phẩm riêng của họ nữa. UPS giám sát toàn bộ hành trình từ nhà máy đến kho hàng đến khách hàng đến sửa chữa. Nó thậm chí còn thu tiền từ khách hàng nếu cần. Hình thức cộng tác sâu này, cần phải có một lượng tin cậy và mật thiết lớn giữa UPS, các khách hàng của nó, và khách hàng của các khách hàng của nó, là một lực làm phẳng mới vô song.

- “Anh có biết đa số các khách hàng và đối tác của chúng tôi là ai? Các doanh nghiệp nhỏ,” chủ tịch và CEO của UPS Mike Eskew nói. “Đúng thế … Họ yêu cầu chúng tôi biến họ thành toàn cầu. Chúng tôi giúp các công ti này đạt sự bình đẳng với các gã lớn.”

Thực vậy, khi bạn là một doanh nghiệp nhỏ hay một cá nhân làm việc ở nhà, và bạn có thể plug [cắm] vào UPS và khiến họ thành nhà quản lí chuỗi cung toàn cầu của bạn, bạn có thể ra vẻ là bạn lớn hơn nhiều so với bạn là. Khi kẻ nhỏ có thể hành động lớn, nó làm phẳng sân chơi còn hơn nữa. UPS đã mua Mail Boxes, Etc. (bây giờ là “The UPS Store” ở Hoa Kì) để có thể cung cấp cho các cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ sức mạnh của các dịch vụ chuỗi cung toàn cầu của nó. Nhưng UPS cũng giúp [công ti] lớn hành động nhỏ. Khi bạn là một tập đoàn khổng lồ, như HP, và bạn có thể khiến các bưu kiện được giao hay hàng hoá được sửa chữa nhanh chóng ở bất cứ đâu trên thế giới, bạn có thể hành động thực sự nhỏ.

Ngoài ra, bằng làm cho giao hàng và dịch vụ khắp thế giới siêu hiệu quả và siêu nhanh –và với khối lượng khổng lồ- UPS giúp làm phẳng các rào cản hải quan và hài hoà hoá thương mại bằng khiến ngày càng nhiều người chấp nhận cùng các quy tắc và các nhãn và các hệ thống theo dõi để chuyên chở hàng hoá. UPS có một nhãn thông minh trên tất cả các bưu kiện của nó để bưu kiện có thể được theo dõi và lần vết ở bất cứ đâu trong mạng lưới của nó.

Làm việc với Cục Hải Quan Mĩ, UPS đã thiết kế một phần mềm cho phép hải quan nói với UPS, “tôi muốn xem bất kể bưu kiện nào chuyển qua trung tâm WorldPort của các anh được gửi đi từ Cali, Colombia, đến Miami bởi ai đó có tên là Carlos.” Hay, “tôi muốn xem bất cứ bưu kiện nào được gửi từ Đức sang Mĩ bởi ai đó có tên Osama.” Khi bưu kiện đến để phân loại, các máy tính UPS sẽ tự động định tuyến bưu kiện đó đến một nhân viên hải quan ở trung tâm UPS. Một cách tay được điều khiển bằng máy tính theo nghĩa đen sẽ đẩy nhẹ nó khỏi băng tải và vứt nó vào một thùng để xem xét kĩ hơn. Nó làm cho quá trình kiểm tra hiệu quả hơn và không gây gián đoạn dòng chảy chung của các bưu kiện. Hiệu quả này về thời gian và quy mô tiết kiệm tiền của các khách hàng của UPS, cho phép họ quay vòng vốn và tài trợ nhiều đổi mới hơn. Song mức cộng tác cần đến giữa UPS và khách hàng của nó là khác thường.

Plow & Hearth là một nhà bán lẻ lớn theo catalog ở trong nước và trên Internet ở quy mô quốc tế chuyên về “Các Sản phẩm cho Sinh hoạt Thôn dã –Products for Country Living.” Một hôm P&H đến UPS và nói rằng quá nhiều đồ đạc được giao của họ đến với các khách hàng với một mẩu bị vỡ. UPS có ý tưởng nào không? UPS cử “các kĩ sư đóng gói” của nó đến và tiến hành một seminar về đóng gói cho nhóm thu mua hàng của P&H. UPS cũng cung cấp các hướng dẫn cho họ để dùng trong chọn lọc các nhà cung cấp của họ. Mục tiêu là giúp P&H hiểu rằng các quyết định thu mua của nó từ các nhà cung cấp phải bị ảnh hưởng không chỉ bởi chất lượng của các sản phẩm được chào, mà bởi cả các sản phẩm này được đóng gói và giao thế nào. UPS không thể giúp khách hàng của nó, P&H, mà không nhìn sâu vào bên trong việc kinh doanh của nó và sau đó vào việc kinh doanh của các nhà cung cấp của nó - họ dùng các thùng và vật liệu đóng gói nào. Đó là insourcing. Hãy xét sự cộng tác hiện nay giữa những người bán eBay, UPS, PayPal, và những người mua eBay. Thí dụ tôi chào bán một gậy đánh golf trên eBay và bạn quyết định mua nó. Tôi e-mail cho bạn một hoá đơn PayPal có tên và địa chỉ của bạn. Đồng thời, eBay cho tôi một icon trên Web site của nó để in ra một nhãn thư cho bạn. Khi tôi in nhãn thư đó ra trên máy in của tôi, nó hiện ra với một mã vạch theo dõi của UPS trên đó. Đồng thời, UPS, qua hệ thống máy tính của nó, tạo ra một số theo dõi tương ứng với nhãn đó, số này được tự động e-mail cho bạn - người đã mua gậy đánh golf của tôi – cho nên tự mình bạn có thể theo dõi, trực tuyến, bưu kiện ấy trên cơ sở đều đặn và biết chính xác khi nào nó sẽ tới bạn.

Nếu UPS đã không làm việc kinh doanh này, ai đó hẳn đã phải phát minh ra nó. Với rất nhiều người làm việc xa nhà thông qua các chuỗi cung toàn cầu theo chiều ngang, ai đó phải lấp các lỗ hổng không thể tránh khỏi và siết chặt các mối yếu. Kurt Kuehn, phó chủ tịch cấp cao của UPS về bán hàng và marketing, nói, “Gã bán linh kiện máy ở Texas lo rằng khách hàng ở Malaysia là một rủi ro tín dụng. Chúng tôi bước vào như một nhà môi giới được tin cậy. Nếu chúng tôi kiểm soát gói hàng đó, chúng tôi có thể thu tiền tuỳ thuộc vào sự chấp thuận và loại bỏ thư tín dụng. Sự tin cậy có thể được tạo ra qua các quan hệ cá nhân hay qua các hệ thống và kiểm soát. Nếu không có sự tin cậy, bạn có thể dựa vào một nhà gửi hàng, không giao [bưu kiện của bạn] cho đến khi anh ta trả tiền. Chúng tôi có nhiều khả năng hơn một ngân hàng để quản lí việc này, vì chúng tôi nắm bưu kiện và mối quan hệ liên tục với khách hàng như [tài sản] đảm bảo, nên chúng tôi có hai điểm mạnh.”

Hơn sáu mươi công ti đã chuyển hoạt động của họ đến gần trung tâm UPS hơn ở Louisville kể từ 1997, như thế họ có thể làm các thứ và gửi chúng đi thẳng từ trung tâm, mà không phải lưu kho. Nhưng không chỉ có các gã nhỏ được lợi từ logistics tốt hơn và các chuỗi cung hiệu quả hơn mà insourcing có thể cung cấp. Năm 2001, Ford Motor Co. giao hệ thống phân phối rối ren và chậm chạp của mình cho UPS, cho phép UPS đi sâu vào bên trong Ford để hình dung ra các vấn đề là gì và làm nhẵn chuỗi cung của nó.

“Trong nhiều năm, nguyên nhân suy sụp của các đại lí Ford đã là hệ thống giống Rube Goldberg của nhà sản xuất ôtô cho việc đưa xe từ nhà máy đến showroom,” BusinessWeek tường thuật trong số ngày 19-7-2004. “Xe có thể mất cả tháng mới đến - tức là, khi chúng không bị mất dọc đường. Và Ford Motor Co. đã không luôn có khả năng nói cho các đại lí của mình chính xác cái gì đến, hay thậm chí có gì trong kho hàng ở ga xe lửa gần nhất. ‘Chúng tôi đã mất theo dõi cả một đoàn tàu lửa chở xe’, Jery Reynolds, chủ của Prestige Ford ở Garland, Texas, nhớ lại. ‘Thật là điên rồ’.” Nhưng sau khi UPS đã đội mũ Ford, “các kĩ sư UPS … đã thiết kế lại hoàn toàn mạng lưới giao hàng Bắc Mĩ của Ford, hợp lí hoá lại mọi thứ từ lộ trình xe lấy từ nhà máy đến chúng được xử lí ra sao ở các trung tâm phân loại khu vực”- kể cả dán mã vạch lên kính chắn gió của 4 triệu xe ra khỏi các nhà máy của Ford để chúng có thể được theo dõi hệt như các bưu kiện. Kết quả là, UPS đã cắt ngắn 40 phần trăm thời gian xe đến các đại lí, xuống còn trung bình mười ngày. BusinessWeek tường thuật: “Việc đó tiết kiệm cho Ford hàng triệu vốn lưu động mỗi năm và làm cho 6.500 đại lí của nó dễ theo dõi các model có nhu cầu nhất… ‘Đó là sự biến đổi kinh ngạc nhất mà tôi từng thấy,’ Reynolds ngạc nhiên. ‘Bình luận cuối cùng của tôi cho UPS là: Các anh có gửi các bộ phận cho tôi như thế không’?”

UPS duy trì một think-tank, Bộ phận Vận trù học, ở Timonium, Maryland, nghiên cứu các thuật toán chuỗi cung. “Trường phái” toán học này được gọi là “công nghệ luồng bưu kiện,” và được thiết kế để liên tục khớp việc điều động xe tải, tàu thuỷ, máy bay và năng lực phân loại của UPS với luồng các bưu kiện ngày đó khắp thế giới. “Hiện nay chúng tôi có thể thay đổi về mạng lưới trong mấy giờ để điều chỉnh theo khối lượng,” UPS CEO Eskew nói. “Tôi tối ưu hoá toàn bộ chuỗi cung thế nào là bí quyết toán [học].” Nhóm sáu mươi người của UPS ở Timonium chủ yếu gồm những người có bằng kĩ thuật và toán, kể cả nhiều tiến sĩ.

UPS cũng dùng các nhà khí tượng và các nhà phân tích đe doạ chiến lược riêng của mình để theo dõi các cơn bão khí tượng và địa chính trị mà nó sẽ phải giải quyết trong bất cứ ngày cho trước nào. Để bôi trơn hơn nữa cho các chuỗi cung của nó, UPS là người sử dụng riêng lớn nhất của công nghệ không dây trên thế giới, vì riêng các lái xe của nó gọi hơn 1 triệu cuộc điện thoại một ngày trong quá trình nhận và giao các bưu kiện thông qua tám mươi tám ngàn xe, xe tải, máy kéo, và xe máy của nó. Trong bất cứ ngày cho trước nào, theo UPS, có thể thấy 2 phần trăm GDP của thế giới trong các xe tải giao hàng hay xe chở bưu kiện của UPS. Chà, tôi đã nhắc đến là UPS cũng có một nhánh tài chính của nó – UPS Capital - sẽ cấp tiền cho việc biến đổi chuỗi cung của bạn, đặc biệt nếu bạn là một doanh nghiệp nhỏ và không có vốn.

Thí dụ, Eskew lưu ý, UPS làm ăn với một công ti công nghệ sinh học nhỏ ở Canada bán chất dán máu, một lựa chọn khả dĩ dễ hư cho các mũi khâu. Công ti có một thị trường gia tăng giữa các chuỗi bệnh viện lớn, nhưng nó có vấn đề theo kịp với cầu và đã không thể kiếm được tài trợ. Nó có các trung tâm phân phối ở bờ Đông và bờ Tây. UPS đã thiết kế lại hệ thống của công ti dựa vào một trung tâm tủ lạnh ở Dallas và cấp tài trợ cho nó qua UPS Capital. Kết quả, Eskew nói, là ít hàng tồn hơn, dòng tiền mặt tốt hơn, dịch vụ khách hàng tốt hơn – và là một khách hàng được cấy sẵn của UPS. Một nhà sản xuất mũ và mạng trang điểm cho cô dâu ở Montreal muốn cải thiện luồng kinh doanh của nó với UPS. Eskew nhớ lại, “Chúng tôi thiết kế một hệ thống cho thông quan hợp nhất, như thế mạng che mặt và mũ của họ không phải qua [biên giới] từng cái một. Và sau đó chúng tôi đặt [hàng hoá] ở một kho hàng ở [phía bắc bang] New York. Chúng tôi lấy các đơn hàng từ Internet, gắn nhãn lên, chúng tôi giao bưu kiện và thu tiền, và chúng tôi đưa tiền đó qua UPS Capital vào ngân hàng của họ bằng điện tử như thế họ nhận được tiền. Điều đó cho phép họ tham gia các thị trường mới và tối thiểu hoá kho hàng của họ.”

Eskew giải thích, “Khi ông của chúng ta có cửa hàng, tồn kho là cái ở trong phòng sau. Bây giờ nó là một thùng cách xa hai giờ trên một xe chở bưu kiện, hay có thể là hơn hàng trăm [thùng] đi qua đất nước bằng đường sắt hay máy bay, và bạn có hơn hàng ngàn [thùng] đi qua biển. Và bởi vì tất cả chúng ta đều có khả năng nhìn vào chuỗi cung đó, chúng ta có thể điều phối tất cả các phương thức giao thông đó.”

Thực vậy, vì những người tiêu dùng được trao quyền hơn để kéo các sản phẩm riêng của họ qua Internet và tuỳ biến chúng [làm chúng theo yêu cầu của khách hàng] cho chính họ, UPS thấy mình trong vị thế lí thú để không chỉ là công ti thực sự lấy đơn hàng mà, như dịch vụ giao hàng, cũng là công ti giao hàng cho người mua ở cửa trước. Kết quả là, các công ti nói, “Hãy thử đẩy càng nhiều thứ tạo sự khác biệt vào cuối chuỗi cung, hơn là vào đầu.” Và bởi vì UPS là khâu cuối trong chuỗi cung trước khi các hàng hoá này được xếp vào các máy bay, tàu hoả, và xe tải, nó tiếp quản nhiều trong các chức năng này, tạo ra một loại kinh doanh mới hoàn toàn được gọi là Cuối của các Dịch vụ Cầu tàu (End of Runway Services). Ngày tôi thăm Louisville, hai nữ nhân viên trẻ của UPS đang lắp ráp các camera Nikon, với các thẻ bộ nhớ và bao da, mà cửa hàng nào đó đã chào như một món cuối tuần đặc biệt. Họ thậm chí đặt chúng vào các thùng đặc biệt chỉ cho cửa hàng đó. Bằng tiếp quản chức năng này, UPS cho các công ti nhiều quyền lựa chọn hơn để tuỳ biến các sản phẩm vào phút cuối cùng.

UPS cũng lợi dụng đầy đủ các lực làm phẳng Netscape và work flow. Trước 1995, tất cả việc theo dõi và lần vết các bưu kiện UPS cho các khách hàng được làm qua một call center. Bạn gọi một số UPS 800 và hỏi nhân viên trực bưu kiện của bạn ở đâu. Trong tuần trước Nô-en, các nhân viên tổng đài UPS trả lời sáu trăm ngàn cuộc gọi trong những ngày cao điểm. Mỗi cuộc gọi đó đã tốn của UPS 2,1 $ để xử lí. Rồi, suốt các năm 1990, khi ngày càng nhiều khách hàng của UPS được trao quyền và thoải mái với Internet, và vì hệ thống theo dõi và lần vết riêng của nó được cải thiện với những tiến bộ về công nghệ không dây, UPS đã mời bản thân khách hàng của mình theo dõi qua Internet, với một chi phí đối với UPS giữa 5¢ và 10 ¢ một truy vấn.

“Như thế chúng tôi đã giảm đột ngột các chi phí dịch vụ của chúng tôi và tăng dịch vụ,” Ken Sternad phó chủ tịch UPS nói, đặc biệt vì hiện nay UPS xử lí trung bình 7 triệu truy vấn theo dõi một ngày và 12 triệu truy vấn trong những ngày cao điểm, con số gây sửng sốt. Đồng thời, các lái xe của nó cũng ngày càng được trao quyền hơn với DIAD – Driver Delivery Information Acqusition Device – các dụng cụ thu nhận thông tin giao nhận của lái xe. Đấy là các bìa kẹp hồ sơ điện tử màu nâu mà bạn luôn nhìn thấy các lái xe UPS mang khắp nơi. Thế hệ mới nhất của chúng nói cho mỗi lái xe để mỗi bưu kiện ở chỗ nào trong xe- chính xác ở vị trí nào trên kệ. Nó cũng bảo anh ta điểm dừng tiếp theo của anh ta ở đâu, và nếu anh ta đi sang địa chỉ sai, hệ thống GPS [định vị vệ tinh] gắn sẵn trong DIAD không cho phép anh ta giao bưu kiện. Nó cũng cho phép Mẹ lên mạng và tìm ra khi nào lái xe sẽ ở lân cận bà ta và giao bưu kiện cho bà.

Insourcing là khác xâu chuỗi cung bởi vì nó đi xa hơn nhiều việc quản lí chuỗi cung. Bởi vì nó là logistics được bên thứ ba quản lí, nó đòi hỏi loại cộng tác thân thiết và sâu rộng hơn nhiều giữa UPS và các khách hàng của nó và các khách hàng của các khách hàng của nó. Trong nhiều trường hợp ngày nay, việc UPS và các nhân viên của nó ở sâu bên trong hạ tầng của các khách hàng của họ là cái làm cho hầu như không thể xác định ở đâu người này dừng và người kia bắt đầu. Những người UPS không chỉ là người đồng bộ các bưu kiện của bạn- họ đồng bộ toàn bộ công ti của bạn và sự tương tác của nó với cả các khách hàng lẫn các nhà cung cấp.

“Đấy không còn là quan hệ người bán-khách hàng nữa,” Eskew nói. “Chúng tôi trả lời điện thoại của bạn, chúng tôi nói với khách hàng của bạn, chúng tôi vận hành kho hàng của bạn, chúng tôi bảo bạn cái gì bán được và cái gì không bán được. Chúng tôi truy cập đến hệ thống thông tin của bạn và bạn phải tin chúng tôi. Chúng tôi quản lí các đối thủ cạnh tranh, và cách duy nhất để cho điều này hoạt động, như các nhà sáng lập của chúng tôi đã nói cho [các chuỗi siêu thị] Gimbel và Macy, là ‘hãy tin chúng tôi’. Tôi không vi phạm điều đó. Vì chúng tôi yêu cầu người ta bỏ một phần kinh doanh của họ [cho chúng tôi], và điều đó thực sự cần sự tin cậy.”

UPS đang tạo ra các platform [nền] cho phép bất cứ ai đưa việc kinh doanh của mình ra toàn cầu hoặc để cải thiện rất nhiều tính hiệu quả của chuỗi cung của mình. Đó là một việc kinh doanh hoàn toàn mới, nhưng UPS tin chắc nó có triển vọng hầu như vô hạn. Thời gian sẽ trả lời. Tuy lãi gộp vẫn còn mỏng trong công việc loại này, riêng năm 2003 insourcing mang về 2,4 tỉ $ doanh thu cho UPS. Bản năng mách bảo tôi những người mặc áo nâu ngồ ngộ này trong các xe tải nâu là lạ này đang làm cái gì đó to lớn- cái gì đó là có thể chỉ do sự làm phẳng thế giới và cái gì đó sẽ làm phẳng thế giới hơn nhiều.

LỰC LÀM PHẲNG # 9

IN-FORMING [CẤP TIN]

Google, Yahoo!, MSN Web Search

Bạn tôi và tôi gặp một gã ở một quán ăn. Bạn tôi rất bị anh ta lôi cuốn, nhưng tôi tò mò một cách ngờ vực về gã này. Sau vài phút Googling, tôi tìm ra hắn ta đã bị bắt vì trọng tội hành hung. Mặc dù tôi lại bị thất vọng với chất lượng của nhóm định ngày, chí ít tôi đã có khả năng cảnh báo cho bạn mình về quá khứ dữ dội của gã này. - Lời khen từ người dùng Goggle Tôi hoàn toàn hài lòng với dịch vụ phiên dịch. Đối tác của tôi dàn xếp hai người làm đến để giúp phá dỡ. Đã có một sự thông tin sai: cô ta yêu cầu những người làm đến vào 11 giờ sáng, và dịch vụ lao động gửi họ đến lúc 8:30. Họ chỉ nói tiếng Tây Ban Nha, còn tôi nói tiếng Anh và một chút tiếng Pháp. Các hàng xóm gốc Tây Ban Nha của chúng tôi không có nhà. Với sự giúp đỡ của dịch vụ dịch, tôi đã có khả năng truyền thông với những người lao động, để xin lỗi vì thông tin sai, xác lập kì vọng, và yêu cầu họ quay lại vào 11 giờ. Cảm ơn đã cung cấp mối liên lạc này … Cảm ơn Google.

- Lời khen từ người dùng Goggle

Tôi chỉ muốn cảm ơn Google vì đã dạy tôi tìm tình yêu ra sao. Trong khi tìm người anh xa lánh của tôi, tôi tình cờ gặp một Web site Mexico cho những người múa thoát y nam – và tôi bị sốc. Anh tôi làm việc như một đĩ đực! Cơ hội đầu tiên tôi có, tôi đã bay sang thành phố anh làm việc để giải phóng anh khỏi nghề mất phẩm giá này. Tôi đi đến câu lạc bộ nơi anh làm việc và tìm thấy anh tôi. Nhưng nhiều hơn thế, tôi gặp một trong các cộng sự của anh … Chúng tôi đã cưới nhau cuối tuần qua [ở Mexico], và tôi quả quyết là không có các dịch vụ Google thì tôi chẳng bao giờ tìm thấy anh tôi, chồng tôi, hay tính chất sinh lợi đáng ngạc nhiên của ngành múa thoát y nam ở Mexico!! Cảm ơn, Google!

- Lời khen từ người dùng Goggle

Tổng hành dinh của Google ở Moutain View, California, có một chút cảm giác Epcot Center đối với nó - rất nhiều đồ chơi thời vũ trụ vui nhộn để chơi, rất ít thời gian. Ở một góc là một quả cầu quay phát ra các tia sáng dựa vào số người tìm kiếm trên Google. Như bạn có thể mong đợi, hầu hết các tia sáng được phát ra từ Bắc Mĩ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, và duyên hải Trung Quốc. Trung Đông và Châu Phi vẫn khá tối. Ở một góc khác một màn hình cho thấy mẫu của thứ gì người ta đang tìm kiếm ở thời điểm đó, trên khắp thế giới. Khi tôi ở đó năm 2001, tôi hỏi các chủ nhà của tôi đề tài được tìm kiếm nhiều nhất mới đây là gì. Một, tất nhiên, là “sex,” một đề tài ưa thích vĩnh cửu của các Googler. Cái khác là “Chúa”. Nhiều người tìm Ngài. Thứ ba là “việc làm”- anh có thể thấy đủ các thứ đó. Và món được tìm nhiều thứ tư vào lúc tôi đến thăm? Tôi không biết liệu phải cười hay khóc: “đấu vật chuyên nghiệp”. Kì lạ nhất, tuy vậy, là sách công thức món ăn Google, nơi người ta chỉ mở tủ lạnh của mình, xem có gì trong đó, gõ chúng vào Google, và thấy nó cho ra công thức nào!

May thay, không từ khoá hay chủ đề [tìm kiếm] đơn nhất nào đạt 1 hay 2 phần trăm tất cả những người tìm kiếm trên Google ở bất cứ thời gian cho trước nào, như thế không ai phải lo về số phận của loài người ở bất cứ thời gian cho trước nào trên cơ sở các món tìm kiếm cao nhất xảy trong bất cứ ngày cá biệt nào. Quả thực, tính đa dạng đáng chú ý của việc tìm kiếm qua Google, trong rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, là cái làm cho công cụ tìm kiếm Google (và các công cụ tìm kiếm nói chung) là các lực làm phẳng khổng lồ đến vậy. Chưa bao giờ trước đây trong lịch sử hành tinh lại có nhiều người đến vậy -tự họ- có khả năng để tìm nhiều thông tin đến vậy về rất nhiều thứ và về nhiều người khác đến vậy.

Sergey Brin sinh ở Nga, đồng sáng lập của Google, nói, “Nếu ai đó có [kết nối] băng rộng, dial-up [quay số] hoặc truy cập vào một café Internet, bất luận một đứa trẻ ở Campuchia, giáo sư đại học, hay tôi người vận hành công cụ tìm kiếm này, tất cả đều có truy cập cơ bản đến tất cả thông tin nghiên cứu mà bất cứ ai có. Nó là cái làm phẳng hoàn toàn. Đấy là rất khác cách tôi đã lớn lên. Sự tiếp cận tốt nhất của tôi là tới thư viện nào đó, và nó đã không có ngần ấy thông tin, và bạn hoặc phải hi vọng một phép mầu hay tìm kiếm cái gì đó rất đơn giản hay cái gì đó rất mới đây.” Khi Google xuất hiện, ông nói thêm, đột ngột đứa trẻ đó có “truy cập phổ cập” đến thông tin trong các thư viện trên khắp thế giới.

Đó chắc chắn là mục tiêu của Google- làm cho tri thức của toàn thế giới trong mọi ngôn ngữ có thể kiếm được một cách dễ dàng. Và Google hi vọng theo thời gian, với một PalmPilot hay một điện thoại di động, mọi người ở bất cứ đâu sẽ có khả năng mang theo khắp nơi sự truy cập đến tri thức của thế giới trong túi của họ. “Mọi thứ” và “mọi người” là các từ then chốt mà bạn lúc nào cũng nghe quanh Google. Quả thực, lịch sử chính thống của Google được đưa lên trang nhà của nó lưu ý rằng tên “Google” là một trò chơi “chữ ‘googol’ có nghĩa là con số gồm số 1 tiếp theo 100 số không. Google dùng từ ấy để phản ánh sứ mệnh của công ti đi tổ chức lượng thông tin bao la, có vẻ vô tận có thể kiếm được trên Web,” đúng cho bạn. Cái mà thành công của Google phản ánh là biết bao nhiêu người quan tâm có đúng cái đó - tất cả tri thức của thế giới trên đầu ngón tay họ. Không có cái làm phẳng lớn hơn ý tưởng làm cho tất cả tri thức của thế giới, hay thậm chí chỉ một khúc lớn của nó, sẵn có cho bất cứ ai và mọi người, bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.

- “Chúng tôi có phân biệt đối xử ở chừng mực rằng nếu bạn không biết dùng máy tính hoặc không có truy cập đến máy tính, thì bạn không để dùng Google, nhưng ngoài điều đó ra, nếu bạn có thể gõ chữ, bạn có thể dùng Google,” Eric Schmidt CEO của Google nói. Và chắc chắn nếu sự làm phẳng thế giới có nghĩa là bất cứ gì, ông nói thêm, nó có nghĩa rằng “không có sự phân biệt đối xử nào về truy cập đến tri thức. Hiện nay Google có thể tìm kiếm bằng một trăm thứ tiếng, và mỗi khi chúng tôi thấy một ngôn ngữ khác chúng tôi làm tăng nó. Hãy tưởng tượng một nhóm với một Google iPod một ngày nào đó và bạn có thể bảo nó tìm kiếm bằng âm thanh- điều đó sẽ chăm lo cho những người không biết sử dụng máy tính – và khi đó [truy cập Google] sẽ chỉ là về giá mà chúng ta có thể kiếm các công cụ rẻ tiền để đưa vào tay người dân.”

Việc tìm kiếm khớp ra sao với khái niệm cộng tác? Tôi gọi nó là “in-forming”. In-forming là sự tương tự riêng của cá nhân đối với open-sourcing, outsourcing, insourcing, supply-chaining [xâu chuỗi cung], và offshoring. In-forming là năng lực để xây dựng và triển khai chuỗi cung cá nhân riêng của bạn - một chuỗi cung về thông tin, tri thức, và giải trí. In-forming là về sự tự-cộng tác - trở thành nhà nghiên cứu, biên tập viên, và người lựa chọn giải trí tự-hướng dẫn và tự-trao quyền riêng của chính bạn, mà không phải đi đến thư viện hay rạp chiếu phim hay thông qua mạng truyền hình. In-forming là tìm kiếm tri thức. Là về tìm kiếm những người và các cộng đồng có ý kiến giống nhau. Tính đại chúng toàn cầu phi thường của Google, điều đã thúc Yahoo! và Microsoft (thông qua MSN Search mới của nó) cũng biến năng lực tìm kiếm và in-forming thành các đặc tính nổi bật của các Web site của họ, cho thấy người dân khao khát ra sao đối với hình thức cộng tác này. Hiện nay Google xử lí khoảng một tỉ tìm kiếm mỗi ngày, tăng từ 150 triệu mới chỉ ba năm trước.

Larry Page một đồng sáng lập khác của Google nói thêm, việc tìm kiếm càng trở nên dễ dàng và chính xác, thì cơ sở người dùng Google càng trở nên toàn cầu, và nó trở thành một lực làm phẳng càng hùng mạnh. Mỗi ngày càng nhiều người hơn có khả năng in-form [cấp tin cho] chính mình bằng ngôn ngữ riêng của họ. Ngày nay, Page nói, “chỉ một phần ba số tìm kiếm là ở Mĩ, và ít hơn một nửa là bằng tiếng Anh.” Hơn nữa, ông nói thêm, “khi người ta tìm kiếm các thứ khó hiểu hơn, người ta công bố các thứ càng khó hiểu hơn,” điều đó làm cho tác động làm phẳng của in-forming còn nhiều hơn nữa. Tất cả các công cụ tìm kiếm chủ yếu mới đây cũng cho thêm khả năng cho người dùng tìm kiếm không chỉ Web để lấy thông tin mà cả ổ đĩa cứng của máy tính riêng của họ để tìm các từ hay dữ liệu hay e-mail mà họ biết là ở đâu đó nhưng lại quên mất ở đâu. Khi bạn có thể tìm kiếm bộ nhớ của bạn hữu hiệu hơn, đó thực sự là in-forming. Cuối 2004, Google công bố kế hoạch quét toàn bộ nội dung của các thư viện của cả Đại học Michigan và Đại học Stanford, làm cho hàng chục ngàn cuốn sách sẵn có và có thể tìm kiếm được trực tuyến.

Trong những ngày ban đầu của các công cụ tìm kiếm, người ta sửng sốt và thích thú bắt gặp thông tin mà họ kiếm; giây phút thấy rồi là sự ngạc nhiên bất ngờ, Jerry Yang đồng sáng lập của Yahoo! nói. “Ngày nay thái độ của họ có cơ sở hơn nhiều. Họ cho rằng thông tin mà họ tìm chắc chắn là sẵn có và chỉ là vấn đề nhà công nghệ làm cho dễ kiếm hơn, bằng ít gõ phím hơn,” ông nói. “Dân chủ hoá thông tin có tác động sâu sắc đến xã hội. Người tiêu dùng ngày nay hữu hiệu hơn nhiều - họ có thể tìm thông tin, sản phẩm, dịch vụ, [qua các công cụ tìm kiếm] nhanh hơn các phương tiện truyền thống. Họ được thông tin tốt hơn về các vấn đề liên quan đến công việc, sức khoẻ, vui chơi, v.v. Các thị trấn nhỏ không còn bất lợi so với các thành phố có truy cập thông tin tốt hơn. Và người dân có khả năng kết nối tốt hơn đến các thứ họ quan tâm, để nhanh chóng và dễ dàng trở thành chuyên gia về các chủ đề cho trước và để kết nối với những người khác chia sẻ các mối quan tâm của họ.”

Những người sáng lập Google hiểu rằng vào cuối các năm 1990 hàng trăm ngàn trang Web được đưa thêm vào Internet mỗi ngày, và rằng các công cụ tìm kiếm hiện có, có xu hướng tìm các từ khoá, không thể theo kịp bước. Brin và Page, họ gặp nhau với tư cách các sinh viên cao học về khoa học máy tính năm 1995, đã phát triển một công thức toán học xếp hạng một trang Web bằng số các trang Web khác kết nối với nó, trên giả thiết rằng càng nhiều người kết nối đến một trang nào đó, thì trang đó càng quan trọng. Đột phá then chốt cho phép Google trở thành số một giữa các công cụ tìm kiếm là khả năng của nó để kết hợp công nghệ Xếp hạng Trang của nó với một phân tích nội dung trang, xác định trang nào là thích đáng nhất cho sự tìm kiếm cụ thể đang được tiến hành. Cho dù Google tham gia thị trường sau các công ti tìm kiếm chủ yếu khác, các câu trả lời của nó được người dân cho là chính xác hơn và thích hợp hơn đối với cái họ tìm. Sự thực rằng một công cụ tìm kiếm chỉ tốt hơn chút ít so với cái khác đã dẫn đến một đợt triều dâng người ta chuyển sang nó. (Bây giờ Google sử dụng rất nhiều nhà toán học nghiên cứu các thuật toán tìm kiếm, trong một nỗ lực để luôn luôn giữ cho họ có một bước thích đáng hơn các đối thủ cạnh tranh.)

Vì lí do nào đó, Brin nói, “người ta đánh giá thấp tầm quan trọng của tìm thông tin, ngược lại với những thứ khác mà bạn có thể làm trực tuyến. Nếu bạn tìm cái gì đó giống vấn đề sức khoẻ, bạn thực sự muốn biết; trong một số trường hợp nó là vấn đề sống-chết. Chúng tôi có những người tìm Google về các triệu chứng cơn đau tim và sau đó gọi số chín-một-một.” Nhưng đôi khi bạn thực sự muốn thông tin cho mình về cái gì đó đơn giản hơn nhiều.

Khi tôi ở Bắc Kinh tháng Bảy 2004, một buổi sáng tôi đi thang máy xuống cùng vợ tôi, Ann, và con gái mười sáu tuổi, Natalie, nó cầm một nắm bưu thiếp viết cho bạn nó. Ann bảo nó, “Con có mang địa chỉ của chúng theo không?” Natalie nhìn bà cứ như bà chắc chắn là người thế kỉ mười chín. “Không,” nó nói, với giọng nói mẹ-quá-lạc-hậu-rồi. “Con chỉ Google số điện thoại của chúng, và địa chỉ nhà của chúng hiện ra.”

Sổ địa chỉ? mẹ ngốc, Mẹ ơi.

Tất cả cái Natalie đã làm đó, là in-forming, dùng Google theo cách tôi đã chẳng có ý tưởng gì là thậm chí có thể. Trong lúc ấy, tuy nhiên, nó cũng có iPod của nó, cái trao quyền cho nó để tự in-form nó theo cách khác - với giải trí thay cho tri thức. Nó đã trở thành biên tập viên âm nhạc của mình và tải xuống tất cả các bài hát nó ưa thích nạp vào iPod của nó và mang tất cả chúng theo sang Trung Quốc. Hãy nghĩ về việc đó: Hàng thập niên ngành phát thanh truyền hình đã được xây dựng quanh ý tưởng là bạn phi các quảng cáo ra trên mạng truyền hình và phát thanh và hi vọng ai đó xem hay nghe. Nhưng nhờ các công nghệ làm phẳng trong giải trí, thế giới đó biến mất đi nhanh chóng. Ngày nay với TiVo bạn có thể trở thành biên tập viên TV của riêng bạn. TiVo cho phép người xem ghi lại các chương trình ưa thích của mình và nhảy qua các quảng cáo, trừ quảng cáo bạn muốn xem. Bạn xem cái bạn muốn khi bạn muốn. Bạn không phải có hẹn với một kênh TV ở thời điểm và chỗ do ai đó khác đặt ra và xem các quảng cáo áp đặt cho bạn. Với TiVo bạn có thể xem chỉ các show của riêng bạn và các quảng cáo bạn muốn về các sản phẩm mà bạn có thể quan tâm.

Nhưng hệt như Google có thể theo dõi cái bạn tìm kiếm, Tivo cũng có thể, nó biết show nào và quảng cáo nào được bạn đóng băng lại, phân loại, và quay lại trên TV của riêng bạn. Cho nên đây là một cuộc thi đố tin tức: Hãy đoán giây phút nào được quay lại nhiều nhất trong lịch sử TV? Trả lời: Janet Jackson phô ngực, hay, có thể gọi một cách hoa mĩ, “bộ áo của cô bị trục trặc,” ở Super Bowl [Siêu Cup Bóng đá Mĩ] năm 2004. Hãy hỏi TiVo. Trong một thông cáo báo chí ngày 2-2-2004, TiVo nói, “Justin Timberlake và Janet Jackson đã đánh cắp cuộc diễn [show] ngày Thứ bảy Super Bowl, thu hút nhiều gấp gần hai lần những người xem so với các giây phút hồi hộp nhất trên sân diễn, theo một đo lường hàng năm về số người xem từng giây một trong các hộ gia đình có TiVo. Sự kiện Jackson-Timberlake tạo ra một đỉnh về phản ứng của khán giả mà TiVo đã từng đo. TiVo nói số người xem nhảy lên 180 phần trăm khi hàng trăm ngàn gia đình sử dụng các khả năng độc nhất vô nhị của TiVo để ngừng và chơi lại đoạn truyền hình trực tiếp để xem sự cố hết lần này đến lần khác.”

Như thế nếu mọi người ngày càng có thể xem cái anh ta muốn dù bao nhiêu lần anh ta muốn và khi nào anh ta muốn, tất cả khái niệm về TV quảng bá - tức là chúng ta quăng các show ra một lần, cùng với các quảng cáo thương mại, rồi sau đó thử điều tra ai xem - sẽ ngày càng có ít ý nghĩa. Các công ti bạn muốn đánh cược vào là các công ti, như Google hay Yahoo! hay TiVo, học để cộng tác với những người sử dụng của họ và chào cho họ các show và quảng cáo may đo sẵn đúng cho họ. Tôi có thể hình dung một ngày không xa khi các nhà quảng cáo sẽ không trả tiền cho bất cứ thứ gì khác.

Các công ti như Google, Yahoo!, Amazon.com, và TiVo đã học để phát đạt không phải bằng đẩy các sản phẩm và dịch vụ lên các khách hàng của họ mà bằng xây dựng các hệ thống cộng tác cho phép các khách hàng lôi [các sản phẩm và dịch vụ] của riêng họ về, và sau đó phản ứng nhanh như chớp đối với cái họ lôi xuống. Hiệu quả hơn rất nhiều. “Tìm kiếm mang tính cá nhân cao đến mức việc tìm kiếm là trao quyền cho con người không giống gì khác,” Eric Schmidt CEO của Google nói. “Nó là phản đề của được chỉ bảo và được dạy. Nó là về tự-trao quyền; nó trao quyền cho các cá nhân để làm cái họ nghĩ là tốt nhất với thông tin họ muốn. Nó rất khác bất cứ thứ gì trước nó. Radio là một-tới-nhiều. TV là một-tới-nhiều. Điện thoại là một-tới-một. Tìm kiếm là sự biểu lộ tối thượng về quyền lực của cá nhân, dùng một máy tính, nhìn ra thế giới, và tìm thấy chính xác cái họ muốn- và mỗi người là khác nhau khi điều đó xảy ra.”

Tất nhiên cái làm cho Google không chỉ là một công cụ tìm kiếm mà là một doanh nghiệp sinh lợi lớn là các nhà sáng lập ra nó nhận ra rằng họ có thể xây dựng một mô hình quảng cáo có mục tiêu giới thiệu cho bạn quảng cáo thích hợp với bạn khi bạn tìm một đề tài cụ thể và sau đó có thể đòi tiền nhà quảng cáo trên cơ sở số lần các người dùng Google nháy chuột vào quảng cáo của họ. Trong khi CBS phát một bộ phim và có ý tưởng ít chính xác hơn về ai xem phim hay quảng cáo, Google biết chính xác bạn quan tâm đến gì - rốt cuộc bạn tìm kiếm nó – và có thể kết nối bạn trực tiếp với nhà quảng cáo hay gián tiếp với sự tìm kiếm của bạn. Cuối 2004, Google bắt đầu một dịch vụ nhờ đó nếu bạn dạo quanh Bethesda, Maryland, và muốn ăn shusi, bạn chỉ gửi cho Google một tin nhắn SMS trên điện thoại di động của bạn, “Shusi 20817” – 20817 là mã vùng của Bethesda – và nó sẽ gửi lại cho bạn một tin nhắn về các lựa chọn. Chỉ có Trời mới biết việc này sẽ đi đến đâu.

In-forming, tuy vậy, cũng dính đến việc tìm kiếm bạn, các đồng minh, và các cộng tác viên. Nó cho phép lập ra các cộng đồng toàn cầu, qua tất cả các biên giới quốc tế và văn hoá, một chức năng làm phẳng quan trọng cơ bản khác. Bây giờ người ta có thể tìm các bạn cộng tác về bất cứ chủ đề, dự án, hay đề tài nào – đặc biệt thông qua các cổng [portal] như Yahoo! Groups [Nhóm]. Yahoo! có cỡ 300 triệu người dùng và 4 triệu nhóm hoạt động. Các nhóm đó có 13 triệu cá nhân truy cập vào hàng tháng trên khắp thế giới.

- “Internet tăng lên trong lĩnh vực tự-phục vụ, và Yahoo! Groups minh hoạ xu hướng này,” Jerry Yang nói. “Nó cung cấp một diễn đàn, một platform, một tập các công cụ cho người dân để có các cuộc tụ họp tư, nửa tư, hay công khai trên Internet bất chấp địa lí hay thời gian. Nó cho phép những người tiêu dùng tụ họp quanh các chủ đề có ý nghĩa đối với họ theo những cách hoặc phi thực tế hay không thể [nếu làm] ngoài mạng. Các nhóm có thể được dùng như các nhóm hỗ trợ cho những người hoàn toàn xa lạ những người được kích động bởi một vấn đề chung (đối phó với các bệnh hiếm, những người vừa mới thành cha mẹ, phu nhân [quân] của công chức đương nhiệm) hay những người tìm những người khác có các mối quan tâm giống nhau (các nhóm có sở thích huyền bí như xe trượt tuyết do chó kéo, dùi cui, làm nâu da trong nhà [không tắm nắng] có số thành viên đông). Các cộng đồng hiện hữu có thể di cư trực tuyến và hưng thịnh trong một môi trường tương tác (liên đoàn bóng đá trẻ em địa phương, nhóm thanh niên nhà thờ, các tổ chức cựu sinh viên), tạo ra một nhà ảo cho các nhóm quan tâm về chia sẻ, tổ chức, và truyền thông tin có giá trị cho các cộng đồng tu dưỡng đầy sức sống. Một số nhóm chỉ tồn tại trên mạng và chẳng bao giờ có thể thành công ngoài mạng, còn các nhóm khác phản ánh các cộng đồng mạnh trên thế giới thực. Các nhóm có thể được tạo ra ngay lập tức và giải tán; các đề tài có thể thay đổi hay không thay đổi. Xu hướng này sẽ chỉ tăng lên khi những người tiêu dùng ngày càng trở thành các nhà xuất bản, và họ có thể tìm sự đồng cảm và cộng đồng họ chọn- họ chọn nó khi nào, ở đâu, và thế nào.”

Có mặt khác nữa của in-forming mà người dân sẽ phải quen với, và đó là khả năng của người khác thông tin cho chính họ về bạn từ tuổi rất sớm. Các công cụ tìm kiếm làm phẳng thế giới bằng loại bỏ tất cả các thung lũng và đỉnh, tất cả tường và đá, mà người ta thường dùng để ẩn nấp ở bên trong, ở đỉnh, ở đằng sau, hay ở dưới nhằm che giấu [danh] tiếng của họ hay những phần của quá khứ của họ. Trong một thế giới phẳng, bạn không thể chạy, không thể ẩn nấp, và các tảng đá nhỏ hơn và nhỏ hơn đều bị lật [lên]. Hãy sống cuộc sống của bạn một cách chân thật, bởi vì bất kể bạn làm gì, bất cứ sai lầm nào bạn mắc phải, sẽ có thể tìm kiếm được một ngày nào đó. Thế giới càng trở nên phẳng hơn, người dân thường càng trở nên minh bạch –và rảnh hơn. Trước khi con gái tôi Orly ra đi đến trường nội trú vào mùa thu 2003, nó nói với tôi về vài bạn cùng phòng của nó. Khi tôi hỏi làm sao nó biết một số thứ nó biết- nó đã nói chuyện với chúng hay nhận e-mail từ chúng?- nó bảo tôi nó không làm cả hai việc. Nó chỉ Google chúng. Nó tìm ra các thứ đó từ các báo của trường, các báo địa phương, v.v, và may thay không có hồ sơ cảnh sát nào. Đấy là lũ trẻ học sinh trung học! “Trong thế giới này tốt hơn bạn hãy làm đúng- bạn không phải tăng tốc và chuyển sang thị trấn tiếp theo dễ đến vậy,” Dove Seidman, người vận hành một hãng tư vấn phục tùng pháp luật và đạo đức kinh doanh, LRN, nói. “Trong thế giới Google, danh tiếng của bạn sẽ theo bạn và đi trước bạn ở trạm tiếp theo. Nó đến đó trước khi bạn đến … Bây giờ danh tiếng bắt đầu từ sớm. Bạn không phải tốn bốn năm để nghiện rượu. Danh tiếng của bạn được định sớm hơn nhiều trong đời. ‘Luôn nói thật’, Mark Twain nói, ‘bằng cách đó bạn sẽ không phải nhớ bạn đã nói gì’.” Rất nhiều người có thể là nhà điều tra tư ngó vào đời bạn, và họ có thể chia sẻ những điều họ tìm thấy với rất nhiều người.

Trong thời đại của sự tìm kiếm siêu mạnh, mỗi người là một người nổi danh. Google san phẳng thông tin- nó không có các biên giới giai cấp hay giáo dục. “Nếu tôi có thể thao tác Google, tôi có thể tìm bất cứ thứ gì,” Alan Cohen, phó chủ tịch của Airespace hãng bán công nghệ không dây, nói. “Google giống Chúa. Chúa là không dây, Chúa ở mọi nơi, và Chúa thấy mọi thứ. Bất cứ câu hỏi nào trên thế giới, bạn hỏi Google.”

Vài tháng sau khi Cohen đưa ra nhận xét đó với tôi, tôi tình cờ bắt gặp câu chuyện kinh doanh ngắn sau trên CNET News.com: “Nhà tìm kiếm khổng lồ Google hôm Thứ tư nói rằng nó đã mua Keyhole, một công ti chuyên về phần mềm cơ sở Web cho phép người ta xem các ảnh vệ tinh từ khắp địa cầu… Phần mềm cho người dùng khả năng zoom vào từ mức vũ trụ; trong một số trường hợp, nó có thể zoom vào suốt đến cảnh mức đường phố. Công ti không có hình ảnh phân giải cao cho toàn địa cầu, nhưng Web site của nó chào một danh mục các thành phố sẵn có cho xem chi tiết hơn. Công ti tập trung chủ yếu vào phủ các khu vực đô thị lớn ở Hoa Kì và làm việc để mở rộng tầm bao phủ của nó.”

LỰC LÀM PHẲNG # 10

CÁC STEROID

Số, Di động, Cá nhân, và Ảo

[Digital, Mobile, Personal, and Virtual]

Nhưng sự khác biệt thật sự của iPaq này là tính không dây của nó. Nó là máy palmtop đầu tiên có thể kết nối không dây với Internet và các dụng cụ khác theo bốn cách. Đối với khoảng cách đến 30 inch [76 cm], iPaq có thể rọi thông tin, giống thẻ kinh doanh điện tử của bạn, vào một palmtop khác dùng một máy phát hồng ngoại. Cho khoảng cách đến 30 feet [9 m], nó có mạch Bluetooth cấy sẵn… Cho khoảng cách đến 150 feet [46 m], nó có một anten Wi-Fi. Và cho truyền quanh cả hành tinh, iPaq dự phòng một mẹo khác: nó cũng là một điện thoại di động. Nếu văn phòng của bạn không thể với tới bạn bằng cái này, thì bạn phải ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

-Từ một bài báo về PocketPC mới của HP, New York Times,

29-7-2004.

Tôi ở trên tàu lửa siêu tốc chạy nhanh xuống phía nam từ Tokyo đến Mishima. Phong cảnh ngoạn mục: bên trái là các làng chài và bên phải là Núi Phú Sĩ tuyết phủ. Đồng nghiệp của tôi Jim Brooke, trưởng đại diện The New York Times tại Tokyo, ngồi ở bên kia lối đi và không để ý đến phong cảnh. Anh mê mải với máy tính của mình. Thực sự tôi cũng thế, nhưng anh ta online qua kết nối không dây, còn tôi chỉ gõ liên tục lên một cột trên máy xách tay không được kết nối của tôi. Suốt từ đó chúng tôi cùng lấy một taxi vào một ngày khác ở trung tâm Tokyo và Jim rút nhanh máy xách tay có khả năng không dây ra và e-mail cho tôi cái gì đó qua Yahoo!, tôi đã thốt lên bởi mức độ thâm nhập không dây và sự kết nối đáng kinh ngạc ở Nhật Bản. Trừ vài hòn đảo xa và làng miền núi, nếu bạn có card không dây trong máy tính, hay bất cứ điện thoại di động Nhật nào, bạn có thể online ở bất cứ đâu - từ các ga tầu điện ngầm sâu hút đến tàu lửa siêu tốc chạy nhanh khắp miền quê. Jim biết tôi hơi bị ám ảnh với sự thực là Nhật Bản, không kể đến hầu hết phần còn lại của thế giới, có độ kết nối không dây tốt hơn Mĩ rất nhiều. Dù sao đi nữa, Jim thích nói đi nói lại.

- “Này, Tom, tôi đang online,” anh nói, khi miền quê Nhật vút qua. “Một anh bạn tôi, cộng tác viên của Times ở Alma Ata vừa có một đứa con và tôi đang chúc mừng anh ta. Tối qua anh đã có một đứa con gái.” Jim tiếp tục cập nhật tôi. “Bây giờ tôi đọc điểm báo đây!”- tóm tắt các tin chính trong ngày của New York Times. Cuối cùng, tôi hỏi Jim, anh thành thạo tiếng Nhật, để bảo người lái tàu ghé lại. Anh ta nhẹ nhàng đi qua. Tôi bảo Jim hỏi lái tàu chúng ta chạy nhanh thế nào. Họ liến thoắng qua lại bằng tiếng Nhật vài giây trước khi Jim dịch: “240 km một giờ.” Tôi lắc đầu. Chúng tôi trên một tàu siêu tốc chạy 240 km một giờ - tức là 150 dặm/giờ - và đồng nghiệp của tôi đang trả lời e-mail từ Kazakhstan, và tôi không thể lái xe từ nhà mình ở ngoại ô Washington vào trung tâm DC mà điện thoại di động của tôi không bị ngắt quãng ít nhất hai lần. Ngày hôm trước, ở Tokyo tôi đợi cuộc hẹn với Todd Zaun đồng nghiệp của Jim, và anh ta bận với điện thoại di động Nhật của anh ta, kết nối dễ dàng với Internet từ bất cứ đâu. “Tôi là một tay lướt sóng,” Todd giải thích, khi anh dùng ngón tay của mình để thao tác bàn phím. “Với 3$ một tháng tôi đăng kí vào site [Nhật] này, nó cho tôi biết mỗi sáng sóng cao bao nhiêu ở các bờ biển gần nhà tôi. Tôi kiểm tra trước, và quyết định đâu là chỗ tốt nhất để lướt hôm đó.”

(Tôi càng nghĩ về chuyện đó, tôi càng muốn ra ứng cử tổng thống với chương trình ứng cử một-vấn đề: “Tôi hứa, nếu được bầu, trong vòng bốn năm Mĩ sẽ có độ phủ sóng điện thoại di động tốt như Ghana, và trong vòng tám năm sẽ tốt như Nhật Bản- với điều kiện người Nhật kí một thoả ước đứng yên và sẽ không đổi mới suốt tám năm để chúng ta có thể đuổi kịp.” Khẩu hiệu vận động [có thể dán lên ôtô] của tôi rất đơn giản: “Giờ Có Nghe Được Tôi Không?”)

Tôi biết là sớm muộn Mĩ sẽ đuổi kịp phần còn lại của thế giới về công nghệ không dây. Nó đang xảy ra rồi. Song mục này là về yếu tố làm phẳng thứ mười không chỉ về không dây. Nó là về cái tôi gọi là “các steroid.” Tôi gọi công nghệ mới nào đó là steroid bởi vì chúng khuyếch đại và tăng nạp [turbocharge] tất cả các lực làm phẳng khác. Chúng đem theo tất cả các hình thức cộng tác được nêu bật ở mục này – outsourcing, offshoring, open-sourcing, supply-chaining [xâu chuỗi cung], insourcing, và in-forming – và làm cho có thể tiến hành mỗi thứ và mọi thứ trong số chúng theo một cách [mang tính] “số, di động, ảo, và cá nhân,” như cựu CEO của HP Carly Fiorina diễn đạt trong các bài nói của bà, bằng cách ấy nâng cao mỗi cái và làm cho thế giới phẳng hơn mỗi ngày.

Bằng “số-digital,” Fiorina muốn nói rằng nhờ các cuộc cách mạng PC-Windows-Netscape-work flow, tất cả nội dung và các quá trình tương tự [analog] -tất cả mọi thứ từ nghề nhiếp ảnh đến vui chơi đến truyền thông đến xử lí văn bản đến thiết kế kiến trúc đến quản lí hệ thống phun tưới cỏ của nhà tôi - đều được số hoá và vì thế có thể được tạo hình, thao tác, và truyền qua các máy tính, Internet, vệ tinh, hay cáp quang. Bằng “ảo-virtual,” bà muốn nói rằng quá trình tạo hình, thao tác, và truyền nội dung được số hoá này có thể được tiến hành với tốc độ rất cao, với sự dễ dàng hoàn toàn, như thế bạn chẳng bao giờ phải nghĩ về nó- nhờ tất cả các ống số, các giao thức, và các chuẩn cơ sở này đã được cài đặt hiện nay. Bằng “di động-mobile,” bà muốn nói rằng nhờ công nghệ không dây, tất cả điều này có thể được tiến hành từ bất cứ đâu, với bất cứ ai, qua bất cứ dụng cụ nào, và có thể mang theo ở bất cứ đâu. Và bằng “cá nhân-personal,” bà muốn nói rằng nó có thể được tiến hành bởi bạn, chỉ cho bạn, trên dụng cụ của riêng bạn.

Thế giới phẳng nhìn như thế nào khi bạn lấy tất cả các hình thức cộng tác mới ấy và tăng nạp chúng theo cách này? Hãy để tôi cho chỉ một thí dụ. Bill Brody, hiệu trưởng Johns Hopkins, nói cho tôi câu chuyện này mùa hè năm 2004: “Tôi ngồi trong một cuộc hội nghị y học ở Vail và [bác sĩ] trình bày báo cáo trích một nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins. Và gã đó đang đề xuất một cách tiếp cận mới để điều trị ung thư tuyến tiền liệt và đi ngược phương pháp phẫu thuật hiện hành. Nó là một cách tiếp cận xâm lấn tối thiểu đối với ung thư tuyến tiền liệt. Vì thế hắn trích một nghiên cứu của Dr. Patrick Walsh, người đã phát triển chuẩn tiên tiến về chăm sóc phẫu thuật tuyến tiền liệt. Gã này đề xuất một phương pháp thay thế - bị tranh cãi – nhưng hắn trích từ nghiên cứu của Walsh ở Hopkins theo một cách ủng hộ cách tiếp cận của hắn ta. Khi hắn nói điều đó, tôi bảo mình, ‘Điều đó nghe có vẻ không giống nghiên cứu của Dr. Walsh.’ Vì thế tôi lấy một PDA [personal digital assistant], và lập tức lên trực tuyến [không dây] và vào portal của Johns Hopkins rồi vào Medline và tiến hành tìm kiếm đúng khi tôi ngồi ở đó. Hiện lên tất cả các tóm tắt công trình của Walsh. Tôi bật một [tóm tắt] lên và đọc, và nó không hề là cái gã kia đã nói nó là. Vì thế tôi giơ tay trong phiên Hỏi và Đáp (Q&A) và đọc hai dòng từ tóm tắt, và mặt gã ta đỏ lửng vì thẹn.”

Việc số hoá và lưu trữ tất cả những nghiên cứu của các khoa của Johns Hopkins trong các năm vừa qua đã làm cho Brody có thể tìm kiếm nó tức thì và hầu như không phải suy tính. Những tiến bộ về công nghệ không dây khiến ông ta có thể tiến hành việc tìm kiếm đó từ bất cứ đâu với bất cứ dụng cụ nào. Và máy tính cá nhân cầm tay của ông đã cho phép ông tự tiến hành việc tìm kiếm đó, bởi chính ông, chỉ cho chính ông. Các steroid nào đã làm cho tất cả điều này có thể?

Một cách đơn giản để nghĩ về tính toán, ở bất kì qui mô nào, là nó bao gồm ba thứ: khả năng tính toán, khả năng lưu trữ, và khả năng vào/ra - tốc độ mà thông tin được đẩy vào và kéo ra từ phức hợp máy tính/lưu trữ. Và tất cả các thứ này đã tăng lên liên tục kể từ ngày của các máy tính lớn cồng kềnh đầu tiên. Sự tiến bộ tăng cường lẫn nhau này tạo thành một steroid quan trọng. Kết quả là, hết năm này sang năm khác chúng ta đã có khả năng số hoá, tạo hình, nhai, và truyền nhiều lời nói, từ, âm nhạc, dữ liệu, và giải trí hơn bao giờ hết.

Thí dụ, MIPS có nghĩa là “millions of instructions per second- triệu lệnh trên giây,” và nó là một số đo của khả năng tính toán của vi mạch của một máy tính. Năm 1971, bộ vi xử lí Intel 4004 tạo ra 0,06 MIPS, hay xử lí 60.000 lệnh một giây. Bản Extreme của Intel Pentium 4 ngày nay có cực đại lí thuyết 10,8 tỉ lệnh một giây. Năm 1971, vi xử lí Intel 4004 chứa 2.300 transistor. Itanium 2 ngày nay chứa 410 triệu transistor. Trong khi ấy, đưa dữ liệu vào và lấy dữ liệu ra đã nhảy lên phía trước với tốc độ chóng mặt. Với tốc độ của các ổ đĩa hoạt động ở thời của các chip 286 và 386, cần khoảng một phút để tải duy nhất một ảnh số từ máy ảnh số mới nhất của tôi. Ngày nay tôi có thể làm việc đó nhanh hơn một giây trên một ổ USB 2.0 và một bộ xử lí Pentium. Khối lượng dữ liệu mà bạn có thể lưu trữ bây giờ cho input [vào] và output [ra] “vượt ra ngoài đồ thị, nhờ sự tiến bộ không ngừng về các dụng cụ lưu trữ,” Craig Mundie, Tổng Giám đốc Công nghệ của Microsoft, nói. “Lưu trữ tăng theo hàm số mũ, và điều này thực sự là một nhân tố cách mạng như bất kể thứ gì khác,” Nó là cái cho phép tất cả các dạng nội dung trở thành digital [số] và ở mức độ nào đó có thể mang theo được [di động]. Nó cũng trở nên đủ rẻ để bạn có thể đưa dung lượng lớn vào thậm chí các dụng cụ cá nhân mà người ta mang theo mình. Năm năm trước, không ai có thể tin rằng bạn có thể bán các máy iPod với ổ nhớ 40 gigabyte, có khả năng lưu trữ hàng ngàn bài hát, với giá mà trẻ vị thành niên có đủ sức để mua. Bây giờ nó được cho là nhàm. Và khi đến việc di chuyển tất cả các bit này khắp nơi, thế giới tính toán đã được tăng nạp. Những tiến bộ về quang học sợi quang sẽ mau chóng cho phép một sợi dây duy nhất mang 1 terabit một giây. Với 48 sợi trong một cáp, đó là 48 terabit/giây. Henry Schacht, cựu CEO của Lucent, chuyên về công nghệ này, chỉ ra rằng với khả năng như thế, bạn có thể “truyền tất cả tài liệu đã in của thế giới bằng phút trên một cáp duy nhất. Điều này có nghĩa là năng lực truyền dẫn là không có giới hạn với chi phí tăng thêm là zero.” Cho dù tốc độ mà Schacht nói đến chỉ áp dụng cho xương sống của mạng cáp quang, và không phải [của dây] dặm cuối kéo đến nhà của bạn và vào máy tính của bạn, chúng ta vẫn nói về một bước nhảy vọt lên phía trước.

Trong Xe Lexus và Cây Ô liu, tôi đã viết về một quảng cáo của Qwest cho thấy một nhà doanh nghiệp, mệt mỏi và vô vị, đăng kí phòng tại một motel cạnh đường ở nơi rất hẻo lánh. Anh ta hỏi nhân viên trực liệu họ có dịch vụ phòng và các tiện nghi khác. Cô nói có. Sau đó anh ta hỏi cô liệu có giải trí trên TV ở phòng anh ta không, và cô nhân viên trả lời với một giọng lên mặt đều đều, “Mọi phòng có tất cả các phim từng được sản xuất bằng mọi ngôn ngữ, bất cứ khi nào, ngày hay đêm.” Tôi đã viết về điều đó khi ấy như một thí dụ về cái gì sẽ xảy ra khi bạn được kết nối vào Internet. Nay nó là một thí dụ về bây giờ chúng ta có thể cắt rời ra khỏi Internet bao nhiêu, bởi vì vài năm nữa, khi ổ nhớ lưu trữ tiếp tục tiến bộ và trở nên ngày càng nhỏ hơn, bạn sẽ có khả năng mua đủ bộ nhớ lưu trữ để mang theo các phim đó trong túi bạn.

Rồi đưa thêm một steroid khác vào danh sách: file-sharing [chia sẻ file]. Nó bắt đầu với Napster lót đường cho hai chúng ta chia sẻ các bài hát chứa trên các máy tính của nhau. “Ở đỉnh điểm của nó,” theo Howstuffworks.com, “Napster có lẽ đã là Web site nổi tiếng nhất từng được tạo ra. Trong ít hơn một năm, nó đi từ zero đến 60 triệu người thăm một tháng. Rồi nó bị đóng cửa bởi lệnh của toà án vì vi phạm bản quyền, và không được mở cửa lại cho đến 2003 với tư cách một site tải nhạc hợp pháp. Napster ban đầu trở nên rất nổi tiếng rất nhanh bởi vì nó chào một sản phẩm độc nhất- nhạc miễn phí mà bạn có thể nhận được gần như không cần nỗ lực nào từ một cơ sở dữ liệu khổng lồ.” Cơ sở dữ liệu đó thực tế là một cấu trúc file-sharing theo đó Napster tạo thuận lợi cho kết nối giữa máy tính của tôi và bạn để chúng ta có thể đánh đổi các file nhạc. Napster ban đầu đã chết, song công nghệ file-sharing vẫn còn và trở nên càng tinh vi hơn mỗi ngày, nâng cao sự cộng tác lên rất nhiều.

Cuối cùng, kể thêm một steroid phần cứng cuối cùng đưa các đột phá công nghệ này lại với nhau cho những người tiêu dùng: sự đột phá liên tục về các công cụ đa năng- các laptop ngày càng nhỏ và mạnh, các điện thoại di động, và các sổ tay điện tử [organizer] cá nhân cầm tay có thể giữ các cuộc hẹn, gọi điện thoại, gửi e-mail, chụp ảnh, và thậm chí dùng như máy quay video.

Cộng tác với tất cả dữ liệu được số hoá này sẽ được làm cho dễ dàng hơn và rẻ hơn nhờ một steroid khác đang sinh sôi nhanh – dịch vụ giao thức thoại qua Internet, được biết như VoIP. VoIP cho phép bạn gọi điện thoại trên Internet bằng biến âm thanh thành các gói dữ liệu được truyền đi qua mạng Internet và biến trở lại thành âm thanh ở đầu kia. VoIP cho phép bất cứ ai đăng kí dịch vụ qua công ti điện thoại của mình hay nhà cung cấp tư nhân để nhận không giới hạn các cuộc gọi nội hạt hay đường dài, qua Internet, trên máy tính, laptop, hay PDA cá nhân - với chỉ một microphone nhỏ gắn vào. Nó là cá nhân và sẽ được chuyển giao ảo – các đường ống cơ sở sẽ làm cho nó xảy ra mà bạn không hề phải nghĩ về nó. Nó sẽ làm cho mọi cuộc gọi kinh doanh hay cá nhân đến bất cứ đâu trên thế giới rẻ như cuộc gọi nội hạt - tức là gần như miễn phí. Nếu điều đó không khuyếch đại mọi hình thức cách tiếp cận, thì tôi không biết cái gì sẽ khuyếch đại.

Xét khoản này từ 1-11-2004, BusinessWeek, về công ti VoIP Skype đi tiên phong: “Eriksen Translation Inc. là một doanh nghiệp nhỏ với một vết chân lớn. Công ti ở Brooklyn (N.Y.) dựa vào 5.000 người làm nghề tự do rải rác khắp thế giới để giúp dịch các hồ sơ kinh doanh bằng 75 thứ tiếng cho các khách hàng Hoa Kì. Điều đó có nghĩa là các hoá đơn điện thoại khoảng 1.000 $ một tháng. Vì thế khi giám đốc phát triển kinh doanh Claudia Waitman nghe về một công ti mới Skype Technologies chào các cuộc gọi miễn phí qua Internet đến những người dùng Skype khác ở bất cứ đâu trên thế giới, bà nhảy vô. Sáu tháng sau khi đăng kí, các chi phí điện thoại của Eriksen đã hạ xuống 10 phần trăm rồi. Còn tốt hơn, các nhân viên của nó và những người làm việc tự do bàn bạc thường xuyên hơn, cho phép họ làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn. ‘Nó đã thay đổi toàn bộ cách chúng tôi làm việc,’ Waitman nói.”

VoIP sẽ cách mạng hoá ngành viễn thông, mà, từ khởi đầu, đã dựa vào một khái niệm đơn giản rằng các công ti tính tiền bạn theo thời gian bạn nói chuyện dài bao nhiêu và qua khoảng cách nào. Khi những người tiêu dùng có nhiều lựa chọn VoIP hơn, cạnh tranh sẽ đến nỗi các công ti viễn thông sẽ không còn có khả năng tính tiền theo thời gian và khoảng cách nữa. Thoại sẽ trở thành không mất tiền. Cái mà các công ti điện thoại sẽ cạnh tranh, và tính tiền, sẽ là những cái thêm vào. Nền tảng thoại cũ không thích ứng tốt với đổi mới. Nhưng khi bạn đặt thoại vào một Internet platform, mọi loại lựa chọn đổi mới cho cộng tác trở thành có thể. Bạn sẽ có một danh mục bạn thân và tất cả cái bạn cần làm là nháy đúp vào một tên và cuộc gọi sẽ hoàn thành. Bạn muốn nhận diện người gọi? Ảnh người gọi sẽ hiện lên màn hình của bạn. Các công ti sẽ cạnh tranh về SoIP (service over Internet protocol- dịch vụ trên giao thức Internet): ai có thể chào cho bạn hội nghị video tốt nhất trong khi bạn đang nói chuyện qua máy tính, PDA hay laptop của mình; ai có thể cho phép bạn nói chuyện với ai đó trong khi dễ dàng mời một người thứ ba hay thứ tư vào cuộc đối thoại; ai có thể cho phép bạn nói chuyện và đánh đổi các file tài liệu và gửi các thông điệp văn bản đồng thời, vì thế bạn có thể thực sự vừa nói vừa làm việc trên một tài liệu cùng nhau trong khi nói chuyện. Bạn sẽ có khả năng để cho ai đó một tin nhắn bằng lời có thể biến thành văn bản, song song với một tài liệu đính kèm mà hai người các anh có thể làm việc trên đó. Mike Volpi, phó chủ tịch cấp cao của Cisco về công nghệ định tuyến, nói, “Sẽ không là về khoảng cách và bạn nói dài thế nào, mà là bạn tạo giá trị thế nào quanh truyền thông thoại. Thoại sẽ là không mất tiền; cái bạn cho phép các khách hàng làm quanh nó là cái sẽ phân biệt các công ti.”

Những người sống ở Bangalore hay Bắc Kinh sẽ có khả năng để mình được ghi trong các Trang Vàng ở New York. Tìm một kế toán viên? Chỉ nháy đúp Hang Zhou ở Bắc Kinh hay Vladimir Tolstoy ở Moscow hay Ernst & Young ở New York. Hãy lấy lựa chọn của bạn cho kế toán viên: Quảng trường Thiên An Môn, Quảng trường Đỏ, hay Quảng trường Union. Họ sẽ vui lòng cộng tác với bạn để điền các bản khai thuế của bạn.

Có một steroid khác, liên quan đến VoIP, cái sẽ tăng nạp cái tăng nạp [turbocharger*] này: những cải thiện đột phá về hội nghị video. HP và công ti làm film DreamWorks SKG cộng tác về thiết kế một bộ videconferencing - với DreamWorks mang tài chuyên môn của nó về video và âm thanh và HP đóng góp công nghệ tính toán và nén của mình- nó thật ngoạn mục. Mỗi bên của cuộc hội nghị video ngồi ở một bàn dài đối diện với một bức tường các màn hình TV phẳng và các camera chĩa vào họ. Các màn hình phẳng hiển thị những người ngồi ở bên kia, có thể ở bất cứ đâu trên thế giới. Nó tạo ra một ấn tượng về mọi người ngồi quanh một chiếc bàn hội nghị duy nhất và rõ ràng là một kinh nghiệm khác về chất lượng với bất cứ thứ gì đã có trên thị trường trước đây. Tôi đã có dịp tham gia một cuộc trình diễn, và nó thực tế đến nỗi bạn hầu như cảm nhận được hơi thở của những người bên kia của hội nghị video, khi thực ra nửa của chúng tôi ở Santa Barbara và nửa kia cách xa năm trăm dặm. Bởi vì DreamWorks làm film và hoạt hình khắp thế giới, nó cảm thấy phải có một giải pháp hội nghị video nơi những người sáng tạo của nó thực sự có thể truyền đạt tất cả suy nghĩ của họ, những biểu lộ nét mặt, những cảm giác, các cơn giận, nhiệt tình, và những cái trợn mắt. Tổng giám đốc chiến lược và công nghệ của HP, Shane Robinson, bảo tôi là HP có kế hoạch đưa các bộ hội nghị video này ra bán vào 2005 với giá khoảng 250.000 $ một bộ. Đó chẳng là gì cả so với các vé máy bay và sự hao mòn của các nhà điều hành phải thường chu du đến London hay Tokyo cho các cuộc họp mặt-đối-mặt. Các công ti dễ dàng khiến một trong các bộ này hoàn vốn trong một năm. Mức này của hội nghị video, một khi tăng lên nhanh, sẽ làm cho phát triển từ xa, outsourcing, và offshoring dễ hơn nhiều và hiệu quả hơn.

Và bây giờ là việc phủ đường cô lên chiếc bánh, übersteroid cái làm cho tất cả là di động: không dây. Không dây là cái sẽ cho phép bạn lấy mọi thứ đã được số hoá, biến thành ảo và cá nhân, và làm việc đó từ bất cứ đâu.

“Trạng thái tự nhiên của truyền thông là không dây,” Alan Cohen phó chủ tịch cao cấp của Airespace lí lẽ. Nó bắt đầu với tiếng nói, bởi vì người ta muốn có khả năng gọi điện thoại bất cứ lúc nào, từ bất cứ nơi nào, đến bất cứ đâu. Đó là vì sao đối với nhiều người điện thoại di động là điện thoại quan trọng nhất mà họ sở hữu. Vào đầu thế kỉ hai mươi mốt, người ta bắt đầu phát triển cùng kì vọng đó và với nó là sự mong muốn cho truyền thông dữ liệu- khả năng truy cập Internet, e-mail, hay bất cứ hồ sơ [file] kinh doanh nào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, dùng một điện thoại di động, PalmPilot, hay dụng cụ cá nhân khác nào đó. (Và bây giờ yếu tố thứ ba bước vào bức tranh, tạo ra nhiều cầu hơn cho công nghệ không dây và đẩy mạnh sự làm phẳng thế giới: các máy móc nói chuyện với máy móc một cách không dây, như các chip RFID của Wal-Mart, các dụng cụ không dây bé xíu tự động truyền thông tin đến các máy tính của các nhà cung cấp, cho phép họ theo dõi hàng tồn.)

Trong những ngày đầu của [kĩ thuật] tính toán (Toàn cầu hoá 2.0), bạn làm việc trong văn phòng. Đã có một máy tính lớn, và theo nghĩa đen bạn phải đi qua và bảo người ta chạy máy tính lớn để chiết xuất ra hay đưa thông tin vào cho bạn. Nó giống như một phép mầu. Sau đó, nhờ PC và Internet, email, laptop, browser, và client server, tôi có thể truy cập từ màn hình của chính tôi mọi loại dữ liệu và thông tin được lưu trên mạng. Trong kỉ nguyên này bạn được cắt rời khỏi [không phải gắn với] văn phòng và có thể làm việc tại gia, ở nhà ven bãi biển, hay ở một khách sạn. Bây giờ chúng ta ở trong Toàn cầu hoá 3.0, nơi nhờ số hoá, vi tiểu hoá, ảo hoá [virtualization], cá nhân hoá, và không dây, tôi có thể xử lí, thu thập, hay truyền tiếng nói hay dữ liệu từ bất cứ đâu đến bất cứ đâu- với tư cách một cá nhân hay một cái máy.

“Bàn của bạn đi với bạn đến mọi nơi bạn ở lúc này,” Cohen nói. Và càng nhiều người có khả năng đẩy và kéo thông tin từ bất cứ đâu đến bất cứ đâu nhanh hơn, càng nhiều rào cản đối với cạnh tranh và truyền thông sẽ biến mất. Đột ngột, doanh nghiệp của tôi có phân phối phi thường. Tôi cóc lo bạn ở Bangalore hay Bangor, tôi có thể đến anh và anh có thể đến tôi. Bây giờ càng ngày càng nhiều người muốn và kì vọng có di động không dây, hệt như điện. Chúng ta đang chuyển nhanh sang thời đại của “mobile cho tôi,” Padmasree Warrior, tổng giám đốc công nghệ của Motorola, nói. Nếu người tiêu dùng trả tiền cho bất kì dạng nội dung nào, bất luận là thông tin, giải trí, dữ liệu, trò chơi, hay báo giá cổ phiếu, họ ngày càng muốn có khả năng truy cập nó bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.

Chính bây giờ người tiêu dùng bị mắc vào một mê lộ của các đề xuất và tiêu chuẩn công nghệ không dây vẫn chưa tương hoạt hoàn toàn. Như chúng ta đều biết, công nghệ không dây nào đó hoạt động ở một vùng, một bang, hay một nước và không ở nơi khác.

Cách mạng “mobile cho tôi” sẽ hoàn tất khi bạn có thể di chuyển suôn sẻ trơn tru quanh thành phố, nước, hay thế giới với bất cứ dụng cụ nào bạn muốn. Công nghệ có đó. Khi điều này được phổ biến đầy đủ, việc “mobile cho tôi” sẽ có ảnh hưởng làm phẳng đầy đủ của nó, bằng giải phóng con người để có thể làm việc và truyền thông từ bất cứ đâu đến bất cứ đâu với bất cứ thứ gì. Tôi đã nếm vị cái gì sẽ đến bằng có một buổi sáng ở tổng hành dinh Tokyo của NTT DoCoMo, nhà cung cấp dịch vụ di động Nhật khổng lồ đi đầu trong quá trình này và đi trước xa Mĩ về cung cấp tính tương hoạt hoàn toàn bên trong Nhật Bản. DoCoMo là viết tắt của Do Communications Over the Mobile Network [Truyền thông Qua Mạng Di động]; nó cũng có nghĩa là “ở bất cứ đâu” trong tiếng Nhật. Ngày tôi ở tổng hành dinh DoCoMo bắt đầu với một tua do một robot hướng dẫn, nó cúi chào theo kiểu Nhật một cách hoàn hảo và sau đó đưa tôi dạo quanh phòng trưng bày của DoCoMo, có các điện thoại video di dộng cầm tay để bạn có thể thấy người mà bạn nói chuyện với.

“Ngày nay thanh niên dùng điện thoại di động của chúng tôi như điện thoại video hai chiều,” Tamon Mitsuishi, VP cấp cao của Phòng Kinh doanh Phổ quát ở DoCoMo, giải thích. “Mọi người lấy điện thoại của họ ra, họ bắt đầu gọi cho nhau và có các cuộc đối thoại thị giác. Tất nhiên có một số người không thích nhìn mặt nhau.” Nhờ công nghệ của DoCoMo, nếu bạn không muốn cho thấy mặt mình, bạn có thể thay mình bằng một nhân vật hoạt hoạ và thao tác phím bấm để nó không chỉ nói thay bạn mà cả nổi giận cho bạn và sung sướng cho bạn. “Như thế đấy là một điện thoại di động, và camera video, nhưng nó cũng tiến hoá ở mức độ nó có các chức năng giống như một PC,” ông nói thêm. “Bạn cần di các núm nhanh [với ngón tay cái của bạn]. Chúng tôi gọi mình là ‘những người ngón tay cái.’ Các nữ sinh trung học hiện nay có thể di các ngón cái của họ nhanh hơn họ đánh máy trên một PC.”

Nhân tiện, tôi hỏi, “Phòng Phổ quát” làm gì?

“Hiện nay chúng ta đã thấy sự phổ biến của Internet khắp thế giới,” Mitsuishi trả lời, “cái chúng tôi tin chúng tôi phải chào là bước tiếp theo. Truyền thông Internet cho đến ngày nay hầu hết là giữa các cá nhân- e-mail và các thông tin khác. Nhưng cái mà chúng ta bắt đầu thấy rồi là truyền thông giữa các tác nhân và các máy, và giữa các máy. Chúng ta đang chuyển sang loại hiện tượng đó, bởi vì người dân muốn có một kiểu sống phong phú hơn, và các doanh nghiệp muốn các tập quán hiệu quả hơn… Như thế những người trẻ trong cuộc sống kinh doanh của mình dùng PC ở văn phòng, nhưng trong thời gian riêng tư họ đặt cơ sở cho cách sống của họ lên điện thoại di động. Bây giờ có một phong trào tăng lên để cho phép thanh toán bằng điện thoại di động. [Với] một thẻ thông minh bạn sẽ có khả năng chi trả trong các cửa hàng ảo và các cửa hàng thông minh. Như thế bên cạnh máy tính tiền sẽ có một máy đọc thẻ, và bạn chỉ quẹt điện thoại của mình và nó trở thành thẻ tín dụng của bạn nữa …

“Chúng tôi tin rằng điện thoại di động sẽ trở thành [controller] quản gia cốt yếu của đời sống một cá nhân,” Mitsuishi nói thêm, quên ý nghĩa kiểm tra của controller trong tiếng Anh đi. “Thí dụ, trong lĩnh vực y nó sẽ là hệ thống xác thực của bạn và bạn có thể xem xét các hồ sơ y học của bạn, và để tiến hành thanh toán bạn sẽ phải cầm một điện thoại di động. Bạn không thể trải nghiệm cuộc sống mà không có một điện thoại di động, và nó sẽ điều khiển mọi thứ ở nhà nữa. Chúng tôi tin rằng chúng ta cần mở rộng dải của các máy có thể được điều khiển bằng điện thoại di động.”

Có nhiều điều để lo về tương lai này, từ trẻ em bị các con thú tình dục online nhử qua điện thoại di động của chúng, đến nhân viên dùng camera điện thoại di động làm mọi loại hành động bị cấm. Một số người Nhật đã đến các hiệu sách, lấy các cuốn sách dạy nấu ăn xuống, và chụp ảnh các công thức và sau đó đi ra. May là, các điện thoại có camera hiện nay gây ra tiếng xoẹt khi họ chụp ảnh, như thế chủ cửa hiệu, hay người đứng cạnh trong phòng thay quần áo, sẽ biết nếu anh ta trên Candid Camera.* Bởi vì điện thoại có camera của bạn có thể kết nối Internet không chỉ là một máy ảnh; nó cũng là một máy sao chụp, với khả năng phân phối toàn cầu.

DoCoMo bây giờ đang làm việc với các công ti Nhật khác về một dàn xếp theo đó bạn có thể dạo trên phố và nhìn một poster về một buổi hoà nhạc của Madonna ở Tokyo. Poster sẽ có một mã vạch và bạn có thể mua vé bằng đơn giản quét mã vạch. Một poster khác có thể là về một CD mới của Madonna. Chỉ quét mã vạch bằng điện thoại di động của bạn và nó sẽ cho bạn một mẫu các bài hát. Nếu bạn muốn, quét nó lại lần nữa và bạn có thể mua toàn bộ album và được giao tại nhà. Không ngạc nhiên là đồng nghiệp New York Times của tôi ở Nhật Bản, Todd Zaun, ông lấy vợ Nhật, nói với tôi rằng có rất nhiều thông tin mà bây giờ người Nhật có thể truy cập từ các điện thoại di động có kết nối Internet của họ rằng “khi tôi cùng với họ hàng Nhật của tôi và ai đó có một câu hỏi, điều đầu tiên họ làm là vớ lấy điện thoại.”

Tôi kiệt sức chỉ viết về tất cả những thứ này. Nhưng khó để phóng đại lực làm phẳng thứ mười này – các steroid- sẽ khuyếch đại nhiều thế nào và trao quyền thêm nữa cho tất cả các dạng cộng tác khác. Các steroid này phải khiến đổi mới open-source mở nhiều hơn thế, bởi vì chúng sẽ cho phép nhiều cá nhân hơn cộng tác với nhau theo nhiều cách và từ nhiều nơi hơn bao giờ hết. Chúng sẽ nâng cao outsourcing, vì chúng sẽ làm cho dễ dàng hơn nhiều cho một phòng duy nhất của bất cứ công ti nào để cộng tác với công ti khác. Chúng sẽ nâng cao xâu chuỗi cung, bởi vì tổng hành dinh sẽ có khả năng kết nối thời gian thực với mỗi cá nhân nhân viên để hàng lên giá, mỗi gói hàng riêng, và mỗi nhà máy Trung Quốc sản xuất các thứ bên trong chúng. Chúng sẽ nâng cao insourcing – sai một công ti như UPS đi sâu vào bên trong một nhà bán lẻ và quản lí toàn bộ chuỗi cung của nó, sử dụng các lái xe có thể tương tác với các nhà kho của nó, và với mỗi khách hàng, mang PDA riêng của mình. Và hiển nhiên nhất, chúng sẽ nâng cao in-forming- khả năng để quản lí chuỗi cung tri thức riêng của bạn.

Sir John Rose, CEO của Rolls-Royce, cho tôi một thí dụ tuyệt vời về không dây và các steroid khác nâng cao thế nào khả năng của Rolls-Royce để làm work flow và các hình thức cộng tác khác với các khách hàng của nó. Giả sử bạn là British Airways và bạn cho một Boeing 777 bay qua Đại Tây Dương. Ở đâu đó trên Greenland, một trong bốn động cơ Rolls-Royce bị sét đánh. Hành khách và người lái có thể lo, nhưng không cần. Rolls-Royce làm chủ tình hình. Động cơ Rolls-Royce đó được nối với một máy phát lại lên một vệ tinh và nó phát dữ liệu về tình hình và đặc tính của nó, mọi lúc, xuống một máy tính trong phòng điều hành của Rolls-Royce. Điều đó đúng với nhiều động cơ máy bay Rolls-Royce đang hoạt động. Nhờ trí tuệ nhân tạo trong máy tính Rolls-Royce, dựa vào các thuật toán phức tạp, nó có thể theo dõi các bất thường trong các động cơ của nó khi hoạt động. Trí tuệ nhân tạo trong máy tính Rolls-Royce biết động cơ này có lẽ bị sét đánh, và đưa ra một báo cáo cho một kĩ sư của Rolls-Royce.

“Với dữ liệu thời gian thực chúng tôi nhận được qua vệ tinh, chúng tôi có thể nhận diện một ‘sự cố’ và các kĩ sư của chúng tôi có thể tiến hành chuẩn đoán từ xa,” Rose nói. “Trong hoàn cảnh bình thường, sau khi một động cơ bị sét đánh bạn phải cho máy bay hạ xuống, gọi một kĩ sư, kiểm tra bằng mắt, và quyết định về bao nhiêu thiệt hại đã xảy ra và liệu chuyến bay có phải trễ để sửa.

“Nhưng hãy nhớ, các hãng hàng không này không có nhiều thời gian thay đổi hoàn toàn. Nếu máy bay này bị trễ, bạn bỏ phi hành đoàn, bỏ dở vị trí để bay về nhà. Rất tốn. Chúng tôi có thể theo dõi và phân tích tính năng động cơ một cách tự động theo thời gian thực, với các kĩ sư của chúng tôi ra quyết định về chính xác cái gì cần phải làm vào thời gian máy bay đã hạ cánh. Và nếu chúng tôi có thể xác định bằng tất cả thông tin chúng tôi có về động cơ rằng không cần can thiệp nào hay thậm chí kiểm tra nào, thì máy bay có thể quay lại theo đúng lịch trình, và điều đó tiết kiệm thời gian và tiền cho các khách hàng của chúng tôi.”

Các động cơ nói chuyện với các máy tính, nói chuyện với con người, nói chuyện lại với các động cơ, tiếp sau người nói chuyện với người - tất cả được làm từ bất cứ đâu đến bất cứ đâu. Đó là cái xảy ra khi tất cả các lực làm phẳng bắt đầu được tăng nạp bởi tất cả các steroid.

Có nghe được tôi bây giờ không?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx