sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 59: Trưởng Tôn Lại Đến

Nhóm dịch Quan Trường

Nguồn: metruyen

Thời gian thấm thoát trôi đi, thoáng cái đã qua năm năm, đã đến năm Nhân Thọ thứ tư, Dương Nguyên Khánh đã thành một tướng quân trẻ mười lăm tuổi. Ở vương triều Tùy, độ tuổi này đã có thể thành gia lập nghiệp.

Bốn năm trước, Đạt Đầu Khả Hãn nhân cơ hội Đô Lam Khả Hãn lìa đời, thiên hạ đại loạn, thống nhất thảo nguyên, tự phong là Bộ Già Khả Hãn. Khi ấy vương triều Tùy lại phân binh thành hai lộ, Tấn vương Dương Quảng là chủ soái quân Tây lộ, Dương Tố là phó soái; Hán vương Dương Lượng là chủ soái quân Đông lộ, Sử Vạn Tuế làm phó soái, lại một lần nữa xuất binh hai trăm nghìn quân tiến công Tây Đột Quyết, đại bại quân Tây Đột Quyết. Trong chiến dịch lần đó, Dương Nguyên Khánh lần thứ hai đoạt được đại kỳ kim lang đầu (đầu sói vàng) của Bộ Già Khả Hãn, được Dương Quảng phong làm Nghi Đồng, trở thành tướng quân trẻ tuổi nhất trong đại vương triều Tùy.

Mấy năm tiếp theo, Dương Nguyên Khánh chỉ huy thủ hạ tiến hành vài chục trận chiến lớn nhỏ với Tây Đột Quyết. Hắn đã tích công đủ để thăng làm thiên tướng.

Năm trước Dương Nguyên Khánh cuối cùng đã đột phá được Trệ Cố Kỳ, bước vào một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, xương cốt và kinh mạch tăng lên nhanh chóng. Chiều cao khi đó của hắn đã là sáu thước ba, theo tiêu chuẩn đời sau, chính là một mét tám bảy, vai rộng, đặc biệt là đôi cánh tay vô cùng dài, tóc dài búi cao, toàn thân tràn trề sức mạnh. Khuôn mặt hắn cũng già dặn hơn trước rất nhiều, ánh mắt trở nên sâu thăm thẳm như nước, có một loại ánh sáng giống như được phát ra từ đồng tử mèo vào ban đêm, nhìn thấu lòng người. Mũi hắn cao và thẳng, nhỏ nhắn, đôi môi góc cạnh rõ ràng. Hầu hết thời gian hắn đều lặng im không nói, cho người ta một loại cảm giác trầm ổn điềm tĩnh.

Trong năm năm qua Dương Nguyên Khánh cùng Ngư Câu La học bắn cung, lúc này tài bắn cung của hắn đã không thua gì Trương Tu Đà. Không chỉ có tài bắn cung cao siêu, sóc pháp của hắn cũng đạt đến trình độ điêu luyện. Ngọn sóc Phá Thiên của hắn đánh khắp thảo nguyên, trong quân đội không có địch thủ, đến đao của Ngư Câu La năm trước cũng đã thua dưới ngọn sóc của hắn.

Gió mát hiu hiu, đúng là tiết tháng ba xuân về hoa nở, ánh nắng mặt trời ấm áp chiếu trên thảo nguyên mênh mông bát ngát. Bầu trời trong vắt, màu xanh thăm thẳm đến mức giống như một tảng đá cẩm thạch không hề có chút tạp chất nào. Cảnh tượng hiện ra là những ngọn cỏ mềm mại non tơ được gió xuân làm cho lay động, từng đóa hoa dại nhỏ màu vàng nhạt nhô ra từ những đám cỏ. Gió thổi qua, chúng gật đầu nhè nhẹ, ngọn gió nhỏ mang theo chút hơi mát đưa theo cả hương thơm của hoa cỏ, khiến người ta khoan khoải thảnh thơi.

Trên bầu trời xanh có một chú chim ưng miền thảo nguyên đang liệng bay, ánh mắt sắc bén nhìn chằm chằm vào đội kỵ binh hơn ba trăm người của quân Tùy đang hành quân không nhanh cũng chẳng chậm trên thảo nguyên mênh mông.

Bàn Ngư cầm một tờ giấy đọc lại hai lần, bỗng nhiên nhíu mày hỏi:

- Lão Khang, ta lại quên rồi, cái gì gọi là “Án bột tử ninh nhĩ”, còn có cái gì gọi là “Mạn hỏa lai khảo tô áp”?

Khang Ba Tư người Túc Đặc lo việc quản lý giấy tờ cho Dương Nguyên Khánh, đồng thời trong mấy năm qua cũng là người dạy Dương Nguyên Khánh tiếng Đột Quyết và tiếng Túc Đặc. Cho dù bọn Dương Tư Ân và Lưu Giản cũng biết tiếng Đột Quyết, nhưng bọn họ lại không biết chữ Đột Quyết, mà Khang Ba Tư không chỉ có thể nói, hơn nữa còn tinh thông chữ Đột Quyết.

Người đã nâng lên làm lữ soái như Bàn Ngư cũng cực kỳ cố gắng học tiếng Đột Quyết. Chỉ có điều phương pháp học của y không giống ai, y thích dùng hài âm để nhớ từng từ ngữ, về phần người Đột Quyết có thể nghe hiểu được “tiếng Đột Quyết kiểu Ngư thị” của y hay không thì chỉ có trời mới biết.

Khang Ba Tư cười ha hả nói:

- “Bột đăng ngưng lê” trong tiếng Đột Quyết nghĩa là thiên thần. “Man hộ lại tô nhã” có ý là nơi hướng về phía mặt trời, cũng có thể hiểu là thảo nguyên dưới ánh nắng. Ngư lữ soái, tiếng Đột Quyết của ông thế này không được đâu! Người Đột Quyết nghe không hiểu gì cả.

Bàn Ngư gãi đầu cười mắng:

- Bà nó, thứ tiếng Đột Quyết này trúc trắc khó đọc như thế, đến khi nào tôi mới có thể học được?

- Dào ôi!

Uất Trì Oản đang đứng bên cạnh cười lạnh một tiếng rất khinh thường:

- Đó là do ông lúc nghĩ các này, lúc nghĩ cái khác, lúc thì khoe khoang tài nghệ nướng cá của mình, lúc lại muốn đi tìm rau dại, ông có thể học được gì? Ông nhìn tướng quân xem, năm đó chỉ học có bảy, tám ngày cũng đã có thể sử dụng tiếng Đột Quyết đối thoại những câu đơn giản. Ông học đã mấy năm, vẫn chỉ hiểu “mạn hỏa khảo tô áp”.

Bàn Ngư chợt đỏ mặt thanh minh:

- Tôi có thể so với tướng quân được sao? Tướng quân là con cháu danh môn, tôi chỉ là con cái một thầy thuốc phiêu bạt, thật là một trời một vực.

Thân phận của Dương Nguyên Khánh tất cả mọi người đã biết từ lâu, tuy nhiên sống chung đã lâu, cũng không ai để ý đến thân phận của hắn. Chỉ có loại học tập không biết vươn lên như Bàn Ngư mới dùng nó để viện cớ.

Dương Nguyên Khánh nghe thấy Bàn Ngư thanh minh, quay đầu lại khẽ cười nói:

- Lão Ngư!

Bàn Ngư nghe thấy Dương Nguyên Khánh lại gọi mình là “lão Ngư”, trước kia lúc nào cũng đều gọi y là Bàn Ngư, y có phần được sủng ái mà lo sợ, tiến lên đáp:

- Tướng quân, ngài gọi tôi?

Dương Nguyên Khánh luôn rất thích Ngư lữ soái to béo mập mạp này, hắn cười nói:

- Ta dạy cho ông một cách tốt nhất, nhanh nhất để học tiếng Đột Quyết.

Bàn Ngư mừng rỡ:

- Cách tốt nào thế?

- Đàn bà Đột Quyết đều thích đàn ông biết nướng thịt, ông chẳng phải nướng cũng rất khá đó sao? Lần sau tôi cử ông đi buôn bán với người Đột Quyết ở thị trấn cũ núi Đô Cân, ông sẽ thể hiện khả năng nướng thịt của ông, đàn bà sẽ vây quanh ông, khi đó ông cứ học tiếng Đột Quyết với bọn họ nhé! Nói không chừng cuối cùng còn có thể ẵm thêm một tiểu Ngư trở về.

Bàn Ngư gãi phía sau ót hỏi một cách khó hiểu:

- Tướng quân, tiểu Ngư gì chứ!

Quân lính xung quanh lập tức cười ầm lên.

Lúc đó, một gã kỵ binh chỉ về phương xa hô to:

- Dương tướng quân, phía trước có người đến.

Dương Nguyên Khánh sớm đã nhìn thấy, là một đội trinh sát của quân Tùy. Hắn thúc ngựa tiến lên, trong phút chốc, mấy trinh sát quân Tùy đã tới nơi, khom người thi lễ với Dương Nguyên Khánh:

- Tướng quân, Ngư tổng quản đã đến thành Đại Lợi, lệnh cho tướng quân quay về ngay lập tức.

Dừng một lát, trinh sát lại nói:

- Trưởng Tôn tướng quân cũng đến!

Dương Nguyên Khánh mừng rỡ, Trưởng Tôn Thịnh cũng đến rồi. Hắn quay đầu lại cười nói:

- Trưởng Tôn tướng quân đã mang rượu ngon đến đây cho chúng ta rồi, nhanh chóng về nhà thôi!

Tinh thần mọi người đều phấn chấn, tăng tốc mà phi như bay về hướng nam.

Lúc này bọn họ cách Hoàng Hà đã không xa, hồi lâu sau, mọi người đã đến bên bờ Hoàng Hà, trực tiếp qua Hoàng Hà bằng cầu nổi dựng tạm thời, tiến vào địa giới Phong Châu của vương triều Tùy.

Phong Châu cũng chính là Địa khu Hà Sáo, sau lại đổi tên thành quận Ngũ Nguyên. Sau khi Hoàng Hà vào địa khu Hà Sáo, nó được phân thành hai, một nhánh bắc Hoàng Hà, một nhánh nam Hoàng Hà. Hai nhánh sông này sau khi tuôn trào mấy trăm dặm lại hợp vào làm một, tiếp tục đổ về hướng đông, ở giữa hai dòng bắc nam Hoàng Hà liền hình thành đồng bằng Hà Sáo màu mỡ.

Ở đồng bằng Hà Sáo có mạng lưới sông ngòi dày đặc, rừng rậm tươi tốt, đất đai cực kỳ phì nhiêu, từ xưa đã được mệnh danh là Giang Nam nơi biên cương. Nơi đây có gần mười nghìn hộ người Hán ở đồng bằng Hà Sáo khai khẩn đất đai, sinh con đẻ cái. Vương triều Tùy đã thành lập Phong Châu ở nơi này, đặt năm nghìn binh, tổng quản Phong Châu chính là đại tướng Ngư Câu La.

Châu trị Phong Châu là huyện Cửu Nguyên, ở phía nam đồng bằng Hà Sáo. Mấy năm gần đây vì phòng ngự Tây Đột Quyết, vương triều Tùy lại xây ba tòa thành kiên cố ở vùng bắc Hoàng Hà, mỗi tòa thành có một nghìn quân đóng ở đó. Dương Nguyên Khánh là chủ thành Đại Lợi – một trong số ba tòa thành.

Đi qua Hoàng Hà rồi lại đi thêm hơn một trăm dặm, Dương Nguyên Khánh bèn dẫn quân đến thành Đại Lợi. Thành Đại Lợi giáp với một tòa núi đá granit cao sừng sững. Ngọn núi này cao chừng một trăm mét, bề ngoài hơi giống Khung Trướng ở Đột Quyết, cho nên dân địa phương gọi nó là núi Khung Long. Ngọn núi đá này bốn phía dốc trơn tuột, khó có thể leo lên, giống như là sản phẩm do bàn tay của thần Quỷ Phủ tự nhiên tạo ra.

Thành Đại Lợi hoàn toàn dùng đá khối để xây dựng, vô cùng kiên cố. Tường thành cao ba trượng, theo hình bán nguyệt, vòng ngoài chừng mười dặm, có thể chứa hơn mười nghìn người. Hiện nay ngoài một ngàn binh sĩ đang đóng quân, còn có hơn trăm hộ người Hán di chuyển từ Linh Châu đến. Bọn họ và binh lính ở cùng nhau, mấy năm qua đã khai khẩn hàng trăm khoảnh (bằng 100 mẫu Trung Quốc, bằng 6.6667 hécta) đất.

Xây dựng thành lũy ở đây là ý kiến của Trưởng Tôn Thịnh. Xây ba tòa thành ở đồng bằng Hà Sáo, vừa có thể làm đồn điền, vừa có thể chiêu mộ nông dân Trung Nguyên tới đây trồng trọt. Làm vậy có thể giải quyết vấn đề quân lương, khi người Tây Đột Quyết đến tập kích thì có thể trốn vào trong thành tiến hành phòng ngự.

Mặt khác, quân Tùy lại xây dựng hai mươi đài phóng lửa hiệu ở trên vách núi bên bờ Hoàng Hà, như vậy, nếu đại quân Tây Đột Quyết đến thì từ nơi cách thành Đại Lợi một trăm dặm đã biết tin.

Đoàn của Dương Nguyên Khánh vừa vào cồng thành, Bách Nhân Trưởng của thành là Lưu Giản liền cao giọng cười nói với hắn:

- Dương Nguyên Khánh, Ngư tổng quản mời ngài tới Huyền Vũ đường.

Các thủ hạ của Dương Nguyên Khánh đều được cất nhắc cùng với hắn. Dương Tư Ân, Lưu Giản, Bàn Ngư, Mã Chước, bốn người này được cất nhắc làm lữ soái. Uất Trì Oản và Khang Ba Tư đảm nhiệm chức quan văn. Uất Trì Oản đảm nhiệm Thương Tào, chủ quản hậu cần đồ quân nhu, Khang Ba Tư thì là Ký Công Lang, phụ trách các giấy tờ trong quân đội.

Nói chung, trong thời kỳ không có chiến tranh, quân đội liền khôi phục chế độ quân binh theo từng phủ vốn có. Nhưng phủ binh ở vùng biên cương và nội địa lại không thật giống nhau. Họ là quân sĩ chuyên ngành, cho nên chế độ Phủ binh và biên chế tác chiến ở vùng biên cương gộp chung vào với nhau. Giống như Dương Nguyên Khánh, hắn đáng ra phải là Xa kỵ Tướng quân trong thể chế Phủ binh, nhưng trên thực tế, hắn được phong làm thiên tướng.

Dương Nguyên Khánh đi đến Huyền Vũ đường, nơi này chính là trung tâm chỉ huy của thành Đại Lợi. Nó được xây từ đá xanh, vì bề ngoài nhìn giống một cái mai rùa nên được gọi là Huyền Vũ đường.

Dương Nguyên Khánh đi vào đại sảnh, chỉ thấy trong đại sảnh có ba người, một người là Ngư Câu La, một người khác là Trưởng Tôn Thịnh. Đằng sau Trưởng Tôn Thịnh còn có một tiểu tướng trẻ, chắc khoảng mười bốn mười lăm tuổi. Y trông khôi ngô, mặt mày thanh tú, dáng người thấp hơn khoảng nửa cái đầu so với Dương Nguyên Khánh. Y mặc một bộ giáp bạc kỳ công, bên cạnh đặt một thanh đao kim lưng răng nanh. Y rõ ràng không phải quân nhân, giáp trụ và đại đao trên người cũng không phải là kiểu của quân đội. Thấy Dương Nguyên Khánh bước vào, tiểu tướng trẻ tuổi nhìn Dương Nguyên Khánh từ đầu đến chân một cách tò mò.

Dương Nguyên Khánh thấy đao của y là làm từ thép thượng hạng, nặng khoảng hai mươi đến hai mươi lăm cân, vả lại giống với binh khí của Ngư Câu La, cũng là một thanh kim bối hổ nha đao. Hắn không khỏi ngây ra một lúc, người này là ai?

codon.trai

Thiên Hạ Kiêu Hùng

Tác giả: Cao Nguyệt

Quyển 2: Bách Chiến Hoàng Sa Xuyên Kim Giáp


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx