sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thiền và nghệ thuật đối diện với cuộc đời- Chương 08 part 1

CHƯƠNG 8

CÁC MỐI QUAN HỆ CỦA NGƯỜI ĐÃ TỎ NGỘ

Tiến vào cái bây giờ từ chỗ đứng của bạn

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng sự giác ngộ chân chính là bất khả ngoại trừ thông qua tình yêu

trong mối quan hệ giữa người nam và người nữ. Chẳng phải đây là sự kiện làm cho chúng ta toàn vẹn trở lại sao? Cho đến khi sự kiện ấy xảy ra, đời sống của một cá nhân làm sao có thể thỏa nguyện được?

Có đúng là trải nghiệm của bạn không? Phải chăng sự kiện này đã xảy đến cho bạn?

Chưa, nhưng làm sao có thể khác đi được? Tôi biết nó sẽ xảy ra thôi.

Nói khác đi, bạn đang chờ đợi một biến cố kịp lúc để cứu vớt mình. Chẳng phải đây là sai lầm cốt lõi mà chúng ta đã bàn đến sao? Sự cứu rỗi không ở nơi nào khác trong

không gian và thời gian. Nó ngay bây giờ và ở đây.

Cụm từ “sự cứu rỗi ngay bây giờ và ở đây” có nghĩa là gì? Tôi không hiểu. Thậm chí tôi cũng không biết cứu rỗi là cái gì nữa.

Hầu hết mọi người đều theo đuổi khoái lạc vật chất hay nhiều hình thức thỏa mãn tâm lý khác nhau, bởi vì họ tin rằng chúng sẽ đem lại hạnh phúc cho họ hoặc giải phóng cho họ khỏi cảm giác sợ hãi hay thiếu thốn. Hạnh phúc có thể được xem là cảm giác khoái hoạt cao độ đạt được nhờ lạc thú vật chất, hay là cảm nhận về cái tôi an toàn hơn và toàn diện hơn có được thông qua một dạng thỏa mãn tâm lý nào đó. Đây là sự tìm cầu cứu rỗi để thoát khỏi tâm trạng bất mãn hay cảm giác thiếu thốn. Bất kỳ thỏa mãn nào họ đạt được vẫn cứ luôn ngắn ngủi, cho nên điều kiện thỏa nguyện thường được phóng chiếu

một lần nữa vào một điểm tưởng tượng cách xa cái bây giờ và ở đây. “Khi tôi có được thứ này hay thoát khỏi cái kia – lúc đó tôi sẽ ổn thôi”. Đây chính là cái định kiến mê muội gây ra ảo tướng về sự cứu rỗi trong tương lai.

[ Bạn đang đọc truyện tại alobooks.vn ]

Cứu rỗi chân chính là sự thỏa nguyện, là sự an bình và thanh thản trong tâm hồn, là sự

sống trong trạng thái toàn diện của nó. Nó chính là trạng thái hiện hữu như bạn đang là, cảm nhận được bên trong bạn điều thiện không có đối cực, niềm vui của Bản thể hiện tiền không lệ thuộc vào bất cứ thứ gì bên ngoài chính nó. Sự cứu rỗi được cảm nhận không phải như là một kinh nghiệm thoáng qua mà là sự hiện trú vĩnh cửu. Theo ngôn ngữ thần học, nó là “mặc khải Thượng đế” – không phải là thứ gì đó bên ngoài bạn, mà là cái tinh hoa sâu thẳm nhất của riêng bạn. Sự cứu rỗi chân chính là hiểu rõ bản thân như là một thành phần không thể tách rời của sự sống duy nhất vô tướng và phi thời gian, từ đó xuất sinh tất cả mọi thứ đang hiện hữu.

Cứu rỗi chân chính là trạng thái tự do – thoát khỏi sợ hãi, thoát khỏi đau khổ, thoát khỏi trạng thái thiếu thốn và bất toàn, và do đó thoát khỏi tất cả mọi ước muốn, nhu cầu, sở

đắc, và đeo bám. Nó là sự giải thoát ra khỏi tình trạng cưỡng chế suy nghĩ, ra khỏi tâm trạng tiêu cực, và trên tất cả là ra khỏi cả quá khứ cùng tương lai như là một nhu cầu tâm lý. Tâm trí bảo rằng bạn không thể đến nơi đó từ vị trí hiện tại; rằng một điều gì đó cần phải xảy ra; hay bạn cần phải trở thành thứ này hay thứ nọ trước rồi bạn mới có thể tự do và thỏa nguyện. Thực ra, nó bảo rằng bạn cần phải có thời gian – rằng bạn cần phải tìm kiếm, chọn lựa, hành động, thành đạt, sở đắc, sở thành, hay hiểu biết điều gì đó rồi mới có thể tự do hay toàn vẹn. Bạn xem thời gian là phương tiện để cứu rỗi, trong khi thực ra nó là trở ngại lớn lao nhất cho sự cứu rỗi. Bạn nghĩ rằng bạn không thể đến được nơi đó từ hoàn cảnh và con người của bạn vào thời điểm này bởi vì bạn chưa toàn vẹn hay chưa đủ lương thiện, nhưng sự thật là ngay bây giờ và tại nơi đây mới là khởi điểm để bạn có thể tiến đến đó được. Bạn “đến đó” bằng cách nhận ra rằng bạn vốn đã ở đó rồi. Bạn tìm thấy Thượng đế ngay vào lúc bạn nhận ra rằng mình không cần phải đi đâu xa để tìm

kiếm Thượng đế. Cho nên không có biện pháp cứu rỗi nào là duy nhất: Bất kỳ điều kiện nào cũng dùng được, nhưng không điều kiện đặc biệt nào là cần thiết cả. Tuy nhiên, chỉ

có một điểm tiếp cận duy nhất: đó là cái Bây giờ. Ngoài thời điểm này không thể có sự

cứu rỗi nào nữa. Bạn cô đơn và không có người phối ngẫu ư? Hãy tiến vào cái Bây giờ

từ nơi đó. Phải chăng bạn đang có gia đình hay có quan hệ yêu đương trong trường hợp bạn còn độc thân? Hãy tiến vào cái Bây giờ từ hoàn cảnh ấy.

Không việc gì bạn làm được cũng như không thứ gì bạn đạt được trong tương lai có thể

đưa bạn đến gần sự cứu rỗi hơn việc bạn làm trong khoảnh khắc hiện tại. Tình hình này có lẽ khó hiểu đối với một tâm trí vốn đã quen suy nghĩ rằng mọi thứ đáng giá đều ở

tương lai. Và bất cứ việc gì bạn đã từng làm hay đã từng xảy ra cho bạn trong quá khứ

cũng không thể ngăn cản không cho bạn chấp nhận cái đang là và tập trung chú ý sâu hơn nữa vào cái Bây giờ. Bạn không thể làm việc này trong tương lai. Bạn thực hiện nó ngay bây giờ hoặc không bao giờ.

Các mối quan hệ yêu/ghét

Trừ phi và cho đến khi bạn tiếp cận tần số ý thức của sự hiện trú, tất cả các mối quan hệ

và nhất là các mối quan hệ thân tình, đều bị rạn nứt sâu sắc và sau cùng đi đến đổ vỡ.

Chúng có thể mang dáng vẻ hoàn hảo trong một thời gian như khi bạn “đang yêu” chẳng hạn, nhưng sự hoàn hảo biểu kiến này nhất định sẽ bị phá vỡ khi tình trạng cãi vã, xung đột, bất mãn, và bạo hạnh tình cảm hay thậm chí bạn hành thể xác xảy ra ngày càng gia tăng. Dường như hầu hết “các mối quan hệ yêu thương” không bao lâu sẽ trở thành quan hệ yêu/ghét. Tình yêu nồng nàn phút chốc có thể biến thành công kích hung bạo, cảm giác thù hận, hay hoàn toàn không còn chút yêu thương nào cả. Tình hình này được mọi người xem là bình thường. Sau đó, mối quan hệ sẽ dao động trong một thời gian, vài tháng hay vài năm, giữa hai thái cực “yêu” và “ghét”, và nó đem lại cho bạn nhiều khoái lạc cũng như nhiều khổ đau. Sẽ không phải là không bình thường đối với những đôi lứa trở nên say nghiện những chu kỳ ấy. Bi kịch của họ khiến cho họ cảm thấy mình sống.

Khi sự cân bằng giữa hai trạng thái đối nghịch tích cực/tiêu cực bị mất đi, thì các chu kỳ

hủy hoại có tính tiêu cực sớm muộn gì cũng xảy ra với tần số và cường độ ngày càng gia tăng, rồi chẳng bao lâu sau mối quan hệ ấy cuối cùng sẽ bị sụp đổ.

Xem ra bạn nghĩ rằng giá như mình loại trừ được các chu kỳ tiêu cực hay hủy hoại đó, thì mọi việc có lẽ sẽ tốt đẹp và mối quan hệ sẽ nảy nở êm xuôi – nhưng than ôi, điều này không thể có được. Cái đối cực luôn luôn phụ thuộc lẫn nhau. Bạn không thể có cái này mà không có cái kia. Cái tích cực vốn đã ngầm chứa đựng bên trong nó cái tiêu cực chưa hiển lộ ra. Thực ra, chúng là hai khía cạnh khác biệt nhau của cùng một sai lầm. Mối quan hệ tôi đang nói ở đây thường được xem là mối quan hệ lãng mạn – chứ không phải là tình yêu đích thực. Tình yêu đích thực không có đối cực, bởi vỉ nó nảy sinh bên ngoài tâm trí. Tình yêu xuất hiện dưới dạng một trạng thái thường hằng cho đến nay vốn rất hiếm hoi – cũng hiếm như số người tỉnh thức vậy. Tuy nhiên, có thể có những giây phút ngắn ngủi người ta thoáng thấy tình yêu đích thực khi có một khoảng hở trong dòng

chảy của tâm trí.

Dĩ nhiên, đối với mặt tiêu cực của một mối quan hệ người ta dễ dàng nhận thấy sự bất ổn hơn khi gặng phải mặt tích cực của nó. Và bạn cũng dễ nhận thấy nguồn gốc tiêu cực ở người bạn đời hơn là bản thân mình. Nó có thể thị hiện dưới nhiều hình thức như

chiếm hữu, ghen tuông, khống chế, thu người lại và hờn giận câm lặng, nhu cầu giành lẽ

phải về phần mình, vô cảm và chỉ nghĩ đến mình, đòi hỏi quá đáng và lôi kéo buộc

người kia phải quỵ lụy, thích gây gổ, chỉ trích, phán xét, đổ lỗi, hoặc công kích, mê muội báo thù cho nỗi đau khổ trong quá khứ do cha hay mẹ mình gây ra, phẫn nộ, và bạo

hành.

Về mặt tích cực, bạn “đang yêu” người bạn tình. Thoạt đầu, đây là trạng thái thỏa mãn sâu sắc. Bạn cảm thấy mình đang sống một cách mạnh mẽ. Cuộc hiện hữu của bạn bỗng

nhiên có ý nghĩa bởi vì có ai đó cần đến mình, muốn mình, và khiến mình cảm thấy đặc biệt. Và bạn làm y như thế đối với người bạn tình. Khi hai người quấn quít nhau, bạn cảm thấy mình toàn vẹn. cảm giác này có thể mạnh đến mức mọi thứ khác quanh mình

đều trở nên vô nghĩa hay không đáng kể.

Tuy nhiên, có lẽ bạn cũng để ý thấy ẩn bên dưới sự mãnh liệt ấy là sự cần thiết và tính chất bám víu. Bạn đâm ra nghiện người bạn tình. Người ấy tác động đến bạn giống như

ma túy vậy. Bạn ở trong trạng thái hưng phấn khi “thầu” no đủ liều ma túy; nhưng khi nghĩ rằng hay biết rằng người ấy không còn là của riêng mình nữa, bạn bèn nảy sinh hờn ghen, ý đồ chiếm hữu, cố gắng lôi kéo lại bằng thủ đoạn đe dọa tình cảm, đổ tội và phỉ

báng – mà nguyên nhân chính vẫn là nỗi lo sợ mất mát. Trường hợp người ấy bỏ rơi bạn càng khiến cho bạn tăng thêm lòng thù hận sục sôi hay nỗi đau buồn và tuyệt vọng sâu xa nhất. Phút chốc, cái dịu ngọt của tình yêu có thể trở thành sự công kích dã man hay nỗi sầu khổ khủng khiếp. lúc này thì tình yêu ở đâu? Có thể nào tình yêu lại biến đổi thành cái đối nghịch với nó trong tích tắc? Phải chăng ngay từ đầu đã có tình yêu, hay chỉ là sự ôm ghì và bám víu có tính say nghiệm?

Tình trạng nghiện ngập và sự tìm cầu cái toàn vẹn

Tại sao chúng ta lại phải nghiện một người khác chứ?

Quan hệ tình yêu lãng mạn là một kinh nghiệm mạnh mẽ và phổ biến nhất mà mọi người đều luôn tìm kiếm, bởi vì nó dường như giúp họ giải tỏa được nỗi sợ hãi, sự đòi hỏi, sự

thiếu thốn và bất toàn ẩn sâu trong người khi họ còn trong trạng thái u mê, tăm tối, và không được cứu chuộc. Có một chiều kích sinh lý cũng như chiều kích tâm lý đối với trạng thái này.

Về mặt sinh lý, rõ ràng bạn không toàn vẹn, và sẽ không bao giờ được như thế: Bạn là người nam hoặc người nữ, tức là một nửa của cái toàn vẹn. Về mặt này, sự mong chờ cái toàn vẹn nghĩa là quay về trạng thái nhất thể - biểu lộ ở sức thu hút giữa nam nữ, nam cầu nữ và nữ cầu nam. Hầu như mọi người đều không cưỡng nổi sự thôi thúc được hợp

nhất đối với đối cực của mình. Nhưng căn nguyên của sự thôi thúc này lại thuộc tinh thần: đó là lòng khao khát chấm dứt sự phân ly đối đãi, để quay về trạng thái toàn vẹn.

Giao hợp tính dục là cách gần gũi nhất để bạn đạt được trạng thái này về mặt sinh lý.

Đây là lý do giải thích tại sao trong lãnh vực sinh lý nó là kinh nghiệm thỏa mãn sâu sắc nhất. Nhưng giao hợp tính dục chẳng qua chỉ là sự thoáng hiện phù du của cái toàn vẹn, một khoảnh khắc hạnh phúc. Bao lâu còn u mê xem nó là một phương tiện cứu rỗi, bạn vẫn còn kẹt trong vòng luẩn quẩn tìm kiếm sự kết thúc cảm thức phân ly trên bình diện hình tướng, vốn không sao tìm thấy được. Bạn thấy cõi thiên đường thấp thoáng đằng kia, nhưng lại không được phép cư ngụ ở đó, và rồi chỉ thấy mình vẫn ở lại cái thân xác tách biệt này.

Về mặt tâm lý, cảm giác thiếu thốn và bất toàn lại càng lớn hơn. Bao lâu còn đồng hóa với tâm trí, lúc ấy bạn vẫn còn phải nhờ đến các thứ bên ngoài để biết về cái tôi của mình. Nghĩa là bạn hiểu được bản thân mình từ những thứ hoàn toàn chẳng liên quan gì đến con người thục của mình như địa vị xã hội, tài sản, dung mạo, thành công và thất bại, hệ thống tín niệm, và vân vân. Cái tự ngã hư ngụy hay cái tôi giả tạo do tâm trí bày đặt ra này cảm thấy dễ tổn thương, bất an, và luôn luôn tìm kiếm những thứ mới lạ khác để đồng hóa vào, để có cảm giác rằng nó vẫn luôn luôn hiện hữu. Nhưng chẳng có gì đủ

để cho nó thỏa mãn lâu dài. Nỗi sợ hãi của nó vẫn luôn còn đó; cảm giác thiếu thốn và túng quẫn vẫn luôn còn đó.

Nhưng rồi một mối quan hệ thật đặc biệt xuất hiện. Có vẻ như mối quan hệ đó là câu trả

lời cho mọi vấn đề của tự ngã ấy và đáp ứng tất cả mọi đòi hỏi của nó. Ít ra ban đầu là như thế. Mọi thứ đem lại cho bạn cảm thức về cái tôi trước kia giờ đây lại hóa ra khá vô nghĩa. Lúc này bạn có một tiêu điểm duy nhất thay thế cho mọi thứ khác, ban ý nghĩa cho cuộc sống của bạn, và qua đó bạn khẳng định nhân thân của mình: đó là người mà bạn “phải lòng”. Dường như bạn không còn là một mảnh rời rạc trong cái vũ trụ lạnh lùng nghiệt ngã này nữa. Thế giới của bạn giờ đây đã có một tâm điểm: đó là người bạn yêu. Sự thật là tâm điểm này ở bên ngoài bạn, do đó bạn vẫn nhận thức về cái tôi căn cứ

vào hình tướng bên ngoài bạn, nhưng dường như thoạt đầu hình tướng này cũng chẳng

thành vấn đề. Điều quan trọng là những cảm giác ngấm ngầm về sự bất toàn, về nỗi sợ

hãi, về sự thiếu thốn, và không thỏa mãn vốn là đặc điểm của trạng thái vị ngã dường như không còn ám ảnh bạn nữa – phải thế không? Chúng tan biến đi hay vẫn tiếp tục

hiện hữu bên dưới cái vẻ hạnh phúc bề ngoài ấy?

Trong mối quan hệ mà bạn trải nghiệm cả “tình yêu” lẫn cái đối nghịch của nó – như sự

công kích, sự bạo hành tình cảm, và vân vân – vậy thì có lẽ bạn đang lẫn lộn tình yêu với sự đeo bám vào tự ngã hư ngụy, và sự lệ thuộc có tính say nghiện. Bạn không thể

yêu người bạn tình vào lúc này và rồi lại công kích người ấy vào lúc khác. Tình yêu đích thực không có đối nghịch. Nếu “tình yêu” của bạn có đối nghịch, vậy thì nó không phải là tình yêu mà chỉ là một đòi hỏi mãnh liệt của tự ngã hư ngụy đang cần một cảm nhận về chính mình một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn, một nhu cầu mà người ấy tạm thời làm cho bạn thấy thỏa mãn. Cảm giác này thay thế cho sự cứu rỗi mà tự ngã hư ngụy đang tìm kiếm, và trong thời gian ngắn ngủi “đang yêu” đó, bạn hầu như cảm thấy nó giống như sự cứu rỗi vậy.

Nhưng sẽ đến lúc mà cách cư sử của người bạn tình không còn đáp ứng được các đòi hỏi của bạn, hay đúng hơn cho tự ngã hư ngụy của bạn. Cảm giác về nỗi sợ hãi, đau khổ, và thiếu thốn vốn thuộc về ý thức vị ngã, đang bị che khuất bởi “quan hệ tình yêu”, nay lại trỗi dậy. Cũng giống như với mọi chất gây nghiện khác, bạn thấy hưng phấn khi thầu đủ

liều ma túy, nhưng chắc chắn sẽ đến lúc liều lượng thuốc này chẳng còn tác dụng gì đối với bạn. Khi những cảm giác đau khổ xuất hiện trở lại, bạn sẽ cảm thấy chúng còn hung hãn hơn trước kia, và tệ hại hơn nữa là giờ đây bạn lại cho rằng người yêu của mình chính là nguyên nhân gây ra đau khổ! Nghĩa là bạn phóng chiếu chúng ra ngoài và công kích người ấy với tất cả sự thô bạo tàn ác tiềm phục sẵn trong nỗi đau khổ của bạn. Đòn công kích này có thể đánh thức nỗi đau khổ của chính người bạn yêu, và người ấy có thể

đối đầu vối sự tấn công của bạn. Vào lúc này, tự ngã hư ngụy vẫn còn hy vọng một cách mê muội rằng đòn công kích của nó hay các nỗ lực lôi kéo tình cảm của nó sẽ là sự

trừng phạt đích đáng để khiến cho người yêu của bạn thay đổi hành vi, để cho tự ngã có thể lợi dụng chúng lần nữa làm lá chắn che đậy nỗi đau khổ của bạn.

Mọi bám víu say nghiện đều nảy sinh từ sự lẩn tránh bất thức, không dám đối mặt để

vượt qua nỗi đau khổ của chính bạn. Mọi bám víu đều bắt đầu bằng đau khổ và sẽ chấm dứt bằng đau khổ. Dù cho bạn bám víu vào chất gây nghiện nào đi nữa – rượu, thức ăn, các loại thuốc kích thích hay ma túy bất hợp pháp, hay một người nào đó – đều có nghĩa là bạn đang lợi dụng thứ gì đó hay người nào đó để che đậy nỗi đau khổ của mình. Đó là lý do giả thích tại sao, sau khi trạng thái hưng phấn bạn đầu đã trôi qua, lại có quá nhiều bất hạnh, quá nhiều đau khổ trong các mối quan hệ yêu đương. Chúng không gây ra đau khổ và bất hạnh, chúng chỉ moi ra sự đau khổ và phiền muộn vốn đã tiềm phục sẵn trong con người bạn. Mọi sự bám víu say nghiện đều như thế cả. Mọi thứ gây nghiện

ngập đều đi đến một giới hạn mà nó không còn tác dụng đối với bạn nữa, và khi đó bạn càng cảm thấy nỗi thống khổ càng dữ dội hơn bao giờ hết.

Đây là một lý do giải thích tại sao hầu hết mọi người luôn luôn cố gắng thoát khỏi khoảnh khắc hiện tại và tìm kiếm sự cứu rỗi trong tương lai. Nếu họ tập trung chú ý vào cái Bây giờ thì thứ đầu tiên họ gặp phải là nỗi đau khổ của chính họ, và đó là cái mà họ

sợ hãi. Giá như họ biết được rằng tiến vào cái Bây giờ thật dễ dàng biết bao, rằng sức mạnh của sự hiện trú sẽ xóa nhòa quá khứ cùng nỗi đau khổ của nó, và rằng thực tại sẽ

đập tan ảo tưởng. Phải chi họ biết rằng họ thật gần gũi với thực tại của chính họ biết bao, thật gần gũi với Thượng đế biết bao.

Lẩn tránh các mối quan hệ nhằm cố gắng né tránh đau khổ cũng không phải là giải pháp tốt. dù sao thì đau khổ vẫn luôn còn đó. Ba lần thất bại trong mối quan hệ suốt nhiều năm cuối cùng cũng có thể giúp bạn thức tỉnh vẫn tốt hơn là ba năm trốn tránh nơi

hoang đảo hay trong gian phòng đóng kín để khỏi phải tiếp xúc với ai. Nhưng nếu bạn có thể mang được sự hiện trú toàn triệt vào nỗi cô đơn của mình, bạn cũng sẽ cảm thấy khá hơn.

Từ mối quan hệ say nghiện đến mối quan hệ của người đã tỏ ngộ

Chúng ta có thể biến đổi mối quan hệ suy mê bám víu thành mối quan hệ chân thật không?

Được. Hãy hiện trú và tăng cường sự hiện trú của bạn bằng cách tập trung chú ý sâu hơn bao giờ hết vào cái Bây giờ. Dù bạn sống một mình hay chung sống với người bạn yêu, thì giải pháp vẫn là sự hiện trú. Để cho tình yêu triển nở, ánh sáng hiện trú của bạn cần phải đủ mạnh để bạn không còn bị khống chế bởi chủ thể suy nghĩ (tức tâm trí) hay bởi cái quầng chứa nhóm đau khổ, và nhận lầm chúng là con người bạn. biết được bản thân mình là Bản thể hiện tiền nằm bên dưới chủ thể suy nghĩ, là cái tĩnh lặng nằm bên dưới sự huyên náo của tâm trí, là tình yêu và niềm vui vượt lên trên nỗi đau khổ, biết được như thế là tự do, là sự cứu rỗi, là tỏ ngộ. Giải trừ sự đồng hóa với cái quầng chứa nhóm đau khổ là đem sự hiện trú vào nỗi đau khổ, và do đó chuyển hóa nó. Giải trừ sự đồng hóa với tâm trí là trở thành chủ thể thầm lặng quan sát những suy nghĩ và hành vi của bạn, nhất là khuôn mẫu lặp đi lặp lại của tâm trí cùng vai trò của tự ngã hư ngụy, vai trò của cái tôi giả lập.

Nếu bạn ngưng đầu tư “tình hình cái tôi” vào nó, tâm trí sẽ mất đi khả năng cưỡng chết, mà căn bản là cưỡng chế phán xét, và do đó phản kháng chống lại cái đang là, gây ra xung đột, bi kịch, và nỗi đau khổ mới. Thực ra, ngay vào lúc sự phán xét ngưng dứt nhờ

chấp nhận cái đang là, bạn đã thoát khỏi sự ràng buộc của tâm trí. Bạn đã tạo ra khoảng không gian cho tình yêu, cho niềm vui, và cho sự thanh thản an bình. Trước hết, bạn ngưng phán xét chính mình; sau đó bạn ngưng phán xét người mình yêu. Chất xúc tác

tuyệt vời nhất cho sự thay đổi trong một mối quan hệ chính là hoàn toàn chấp nhận

người bạn yêu như người ấy đang là, mà không cần phán xét hay thay đổi họ theo cách thức nào đó. Việc làm ấy tức thời đem bạn vượt ra ngoài tự ngã hư ngụy của bạn. khi đó tất cả các trò chơi của tâm trí và toàn bộ sự bám víu có tính say nghiện sẽ chấm dứt. lúc ấy không còn có nạn nhân hay thủ phạm nửa, cũng không còn có nguyên cáo và bị cáo

nữa. Đây cũng là lúc kết thúc tất cả sự lệ thuộc lẫn nhau, kết thúc tình trạng bị lôi kéo vào cái khuôn mẫu vô minh của nhau, và bằng cách này cho phép mối quan hệ được tiếp diễn. Sau đó, bạn sẽ hoặc chia tay – trong tình yêu – hoặc cùng nhau tiến sâu hơn nữa vào cái Bây giờ - tức là vào Bản thể hiện tiền. Sự việc có thể đơn giản đến thế sao?

Vâng, nó đơn giản như vậy đó.

Tình yêu là một trạng thái của Bản thể hiện tiền. tình yêu của bạn không nằm bên ngoài; nó nằm sâu thẳm bên trong bạn. Bạn không bao giờ đánh mất nó được, và nó cũng

không thể rời bỏ bạn được. Tình yêu không tùy thuộc vào một ai đó, hay một hình tướng bên ngoài được. Trong cái tĩnh lặng hiện trú của mình, bạn có thể cảm nhận được cái thực tại vô tướng và phi thời gian của chính mình như là sự sống bất thị hiện ban phát sinh khí cho thân xác của bạn. Lúc ấy bạn cũng có thể cảm nhận được sự sống tương tự

như vậy sâu bên trong mỗi người khác và sâu bên trong mỗi tạo vật khác. Bạn nhìn thấu suốt qua bên kia bức màn của hình tướng và sự phân biệt. Đây là sự hiện thực cái nhất thể. Đây là tình yêu.

Thượng đế là gì? Là sự sống duy nhất vĩnh hằng bên dưới tất cả mọi hình thức của

sự sống. Còn tình yêu là gì? Là cảm nhận sự hiện diện của sự sống duy nhất đó sâu

bên trong con người bạn và sâu bên trong tất cả mọi tạo vật. Hãy là tình yêu. Do đó,

tất cả tình yêu đều là tình yêu Thượng đế.

-ooOoo-


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx