7. Những người nhiều chuyện
Khi còn bé, tôi sống trong khu nhà nhỏ ở đường Dạ Nam của quận 8. Cái xóm bé nhỏ mà ba mẹ tôi rất sợ khi nhắc về nó, vì nó chứa đựng cả một quá khứ cơ cực và chật chội. Nhưng tôi thích về thăm lại vì bên cạnh những khốn khó vẫn có nhiều điều để nhớ về nó.
Tôi nhớ một buổi trưa ngày tôi còn sống ở khu nhà nghèo nàn đó. Một thằng bé bán vé số trạc tuổi tôi lên cơn động kinh ngã vật ra giữa đường, miệng sùi bọt mép và giãy lên đành đạch. Tôi chỉ biết đứng chôn chân trước khung cảnh hãi hùng đó. Còn bà Bảy nhà xéo nhà tôi mấy căn đã nhanh chóng đưa ngay cái khăn bà đang cầm vào miệng nó để nó không cắn phải lưỡi rồi bà la lên, bà con trong xóm kéo ra. Bà Út nhanh chóng lấy miếng chanh vắt vào miệng thằng bé để nó mau dứt cơn. Cả xóm tôi đã cứu mạng một người như thế!
Một buổi chiều năm tôi học lớp 12. Khi tôi vừa bước ra khỏi lớp để chuẩn bị về nhà thì bị xô đẩy lọt luôn xuống mười ba bậc cầu thang! Lúc đó tôi thấy nghẹt thở. Tôi va mạnh xuống từng bậc thang và đứng ở bậc thang cuối cùng.
Đám học sinh vây quanh tôi, đứa la đứa hét. Một đứa gọi thầy giáo, đến giờ tôi vẫn không biết tên thầy giáo đó. Thầy bảo tôi đừng đứng dậy ngay, cứ ngồi đó, thở chầm chậm cho đến khi thở được bình thường. Cứ thế sau vài giây tôi tỉnh táo lại, hai bạn khác dìu tôi xuống nhà xe ngồi nghỉ…
Khi tôi qua nước ngoài, chị gái tôi chỉ dặn dò về sự nguy hiểm của những kẻ giết người ở Malaysia. Tình trạng này nguy hiểm tới mức ngay khi bạn vừa có một cái sim, gọi cuộc gọi đầu tiên là ngay hôm sau đã có kẻ sẵn sàng gọi vào số đó để lừa bạn. Và vì không một ai quan tâm đến ai trong cái sự phát triển của hệ thống xã hội tự động đó nên bạn có thể bị giết mà không ai biết. Khi cướp vào chợ, bạn phải đưa hết tiền không thì biết mùi ngay tức khắc! Một đồng nghiệp cũ của tôi khi về Việt Nam làm việc đã từng phải thay đổi cách sống, vì những ngày ở Nga anh phải đối mặt với một tình trạng khủng khiếp: bị đánh ngoài đường. Bọn côn đồ chẳng cần lý do gì, thấy anh đáng ghét là chúng cho anh vào bệnh viện ngay. Và cảnh anh nhớ nhất là sự ung dung của những người trên xe điện hôm đó, với những tờ báo trên tay và ánh mắt lạnh lùng.
Trở lại câu chuyện trên, đôi khi bạn đi qua một đám đông xúm xít trên đường ở Việt Nam và sẽ buột miệng: “Hiếu kỳ, nhiều chuyện!”. Nhưng bạn hãy tưởng tượng nếu một ngày bạn gặp nạn giữa đường, sẽ thật may mắn khi xung quanh bạn có rất nhiều người để ý đến bạn. Bởi trong đám đông “nhiều chuyện” vây quanh bạn, sẽ có một người gọi cấp cứu, hoặc lên tiếng đòi lại công bằng khi thấy bạn bị ức hiếp. Sự “nhiều chuyện” đó, so với sự lạnh lùng bỏ mặc người khác sống chết ra sao, cái nào rẻ tiền hơn?
@by txiuqw4