sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thuyền trưởng tuổi 15 - Phần 1 - Chương 01 - 02 - 03 - 04

Chương 1

THUYỀN HẢI ÂU

Ngày hai tháng hai, thuyền Hải Âu đang ở vào nam vĩ tuyến 43037, và tây kinh tuyến 165019 trên Thái Bình Dương.

Thuyền này thuộc hãng Uynxton có trụ sở tại San Francisco chuyên dùng để đánh cá trên biển Nam cực, trọng tải bốn trăm tấn. Uynxton giao quyền chỉ huy tàu cho Huvơ từ mấy năm nay. Hải Âu là một trong những thuyền nhỏ nhất, nhưng cũng là một con thuyền ưu việt nhất của đoàn thuyền đánh cá Uynxton. Theo mùa cá, nó đã từng vượt eo biển Berinh đến tận các biển Bắc Cực và qua mũi biển Hon đến tận Nam Băng Dương. Nó chạy rất tuyệt vời.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Thuyền có năm thủy thủ và một chú bé học nghề làm việc dưới quyền thuyền trưởng Huvơ. Để đánh cá voi thì số thủy thủ này rõ ràng là không đủ, nhưng noi gương tiết kiệm của các chủ thuyền khác, ông Uynxton chỉ dùng đủ số người tối thiểu để theo thuyền thôi. Còn khi đến New Zealand, thuyền trưởng sẽ tùy ý thuê thêm người đánh cá vì ở đây có nhiều ngư phủ lành nghề.

Thuyền Hải Âu vừa kết thúc chuyến đánh cá voi ở vùng biển giao Nam Cực. Năm nay thuyền thu hoạch cá voi rất ít vì gần đây người ta đua nhau săn bắt chúng nên giống cá này hiếm dần đi. Mùa cá năm nay thật bất lợi cho thuyền Hải Âu. Đầu tháng giêng, nghĩa là vào giữa mùa hè miền Nam Cực, đang giữa mùa cá, mà thuyền trưởng đành phải cho thuyền quay về. Hải Âu quay mũi về hướng Tây bắc, đi New Zealand để trả người đánh cá thuê về hải cảng Úc.

Vì thuyền còn nhẹ, ít ra cũng còn cần thêm hai trăm thùng dầu cá voi nữa mới đủ trọng tải, nên thủy thủ yêu cầu Thuyền trưởng thuê thêm một số người đánh cá mới để quay trở lại đánh cá tiếp. Nhưng không tài nào tìm nổi nhân công vì họ đã đi làm thuê ở các hãng đánh cá khác rồi. Huvo quyết định trở về San Francisco. Đúng vào lúc đó, một nhóm khách xin đi nhờ mà ông không sao từ chối được. Đó là bà Uynxton, vợ ông chủ hãng của Hải Âu, cùng đứa con trai năm tuổi tên là Giắc và ông anh họ Binđác hiện đang tạm trú ở Úc. Mới đây, nhân việc doanh thương, ông Uynxton cho cả vợ con và ông anh họ cùng đi New Zealand chơi. Gần đến ngày về thì Giắc bị ốm, trong lúc ông Uynxton có việc khẩn cấp phải rời Úc nên đành để vợ con và người anh họ ở lại đợi ông. Ba tháng trôi qua, ông vẫn bận việc chưa quay lại mà Giắc đã khỏe. Thấy thuyền của hãng nhà cập bến, bà Uynxton muốn về nhà trước chồng.

Bà Uynxton khoảng ba mươi tuổi, là một phụ nữ can đảm, quen đi biển và không sợ sóng gió. Hơn nữa, chiếc Hải Âu này vốn có tiếng là con thuyền tốt nhất trong các thuyền cá Hoa Kỳ nên bà thấy không phải e ngại gì.

Còn Binđác là một người tử tế, thật thà, trạc năm mươi tuổi. Vì lớn tuổi nên ông không đi đâu một mình. Binđác cao lều khều, mặt xương xẩu, đầu to và hói. Cứ nhìn bề ngoài, người ta cũng đoán biết ngay ông là một nhà thông thái đeo kính gọng vàng, tốt bụng. Những người như ông suốt đời sẽ là những chàng trai ngốc nghếch để rồi chết già như những cụ trăm tuổi và dù cho đến mãn đời vẫn còn ngây thơ như trẻ nít. Mọi người đều thương ông vì ông rất đôn hậu. Bà Uynxton cũng chiều ông như chiều một đứa trẻ lớn để làm bạn với con bà. Tuy nhiên ông Binđác không phải là một kẻ vô công rồi nghề. Điều say mê nhất của ông là sinh học. Nói đến sinh học, người ta nghĩ ngay đến một môn học bao la, nhưng ông Binđác chỉ là một nhà côn trùng học bình thường mà thôi.

Vì say mê khảo cứu cây trồng nên ông đã theo ông bà Uynxton đi New Zealand. Ở đây, bộ sưu tập của ông đã được tăng thêm một số tiêu bản hiếm. Ai cũng biết ông đang nóng lòng muốn về ngay để xếp các vật báu đó vào tủ sưu tập ở San Francisco. Vì thế, ông rất mừng khi thấy bà Uynxton ngỏ ý và tất nhiên ông sẽ được về theo.

Hải Âu còn nghĩ thêm ở bến ba ngày. Bà Uynxton vội vã sửa soạn hành lý để kịp ngày nhổ neo. Ngày 22 tháng giêng, bà xuống thuyền Hải Âu cùng với con trai, ông Binđác và u già Năng – một phụ nữ da đen. Ông Binđác xách kè kè bên mình một chiếc hộp bằng sắt tây đựng tất cả các mẫu vật mà ông sưu tầm được.

Trong lúc thủy thủ sửa soạn cho thuyền rời bến, bà Uynxton cùng người nhà ngồi trên boong thuyền. thuyền trưởng Huvo đến chỗ bà ngồi và nói.

- Thưa bà, như bà đã rõ, bà muốn đi thuyền này, do đó trách nhiệm thuộc về bà.

Bà Uynxton hỏi lại:

- Sao ông lại nói thế, ông Huvo?

- Vì tôi không nhận được một mệnh lệnh nào của ông nhà về việc này. Ngoài ra thuyền này không bảo đảm một chuyến đi êm đẹp xứng đáng với bà, như một chiếc tàu dành riêng cho hành khách.

- Thưa ông, ông có tin rằng nếu nhà tôi ở đây, ông ấy sẽ do dự và không muốn đi thuyền này cùng với vợ con không?

- Thưa bà, không. Ông nhà sẽ không do dự gì. Nhưng vừa rồi tôi nói như thế để khỏi chịu trách nhiệm về việc bà đi và cũng để nhắc bà là thuyền này không đủ tiện nghi.

- Nếu chỉ là vấn đề tiện nghi thì ông khỏi lo. Tôi không như những hành khách khó tính hay kêu ca về phòng ở và đòi có những tiện nghi đầy đủ.

Nói xong bà nhìn Giắc một lúc, kéo lại gần rồi nói với ông Huvo:

- Thưa ông, ông cho khởi hành đi.

Thuyền trưởng liền ra lệnh nhổ neo. Cánh buồm xoay, con thuyền rời bến. Đi được ba ngày, Hải Âu bị ngược gió phải tránh về bên trái để tiến dần.

Vì thế, đến ngày hai tháng hai, thuyền trưởng nhận thấy Hải Âu hiện ở trên cao hơn một vĩ tuyến, và ở vào một vị trí như người ta muốn vòng qua mũi biển Hon.

Chương 2

ĐÍCHSƠN

Mặc dầu thuyền bị chậm nhưng trời im biển lặng, con thuyền vượt biển bình thường.

Bà Uynxton rất được trọng đãi. Ông Huvo nhường cho bà căn phòng thuyền trưởng ở cuối thuyền, tuy hẹp nhưng rất sạch sẽ. Bà ở đây với Giắc và u già Năng. Ông Huvo cũng sắp đặt cho ông Binđác ở một phòng nhỏ bên cạnh. Còn ông Huvo dọn đến căn phòng dành cho thuyền phó vẫn bỏ không. Đến bữa thì ông Huvo và ong Binđác dùng cơm cùng bà Uynxton tại phòng.

Thủy thủ trong thuyền đều là những người tốt và khỏe mạnh. Họ quen nhau từ lâu vì cùng ở vùng duyên hải, cùng là đồng nghiệp nên họ ăn ở với nhau rất là thuận hòa.

Trong thuyền còn có một người Bồ Đào Nha làm đầu bếp, tên là Nego, nói tiếng Anh rất thạo. Nego là một người lầm lì, ít nói, nhưng nấu ăn rất khá, ít khi người ta trông thấy hắn vì ban ngày hắn ở lì trong bếp. Đêm đến, khi lò lửa đã tàn, hắn mới rời bếp để về buồng ngủ đặt ở góc trong cùng khu thủy thủ.

Như trên đã nói, toàn thủy thủ của thuyền Hải Âu gồm có năm người và một chú bé học nghề. Chú mười lăm tuổi. Người ta không biết cha mẹ chú là ai vì chú bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng và được một nhà từ thiện đem về nuôi. Tên chú là Đíchsơn.

Đíchsơn rất mạnh khỏe, gương mặt thông minh và quả cảm, đó không chỉ là khuôn mặt của một người “có gan” mà còn là khuôn mặt của một kẻ “dám làm”.

Lên tám, Đíchsơn được theo thuyền đi Nam Cực. Em quen với nghề đi biển từ đó. Dần dần, em được các sĩ quan dạy chữ và nghề đi biển.

Về sau Đíchsơn làm thủy thủ cho một thương thuyền. Tình cờ em được thuyền trưởng Huvo chú ý đến. Ông giới thiệu em với ông Uynxton, chủ hãng. Thấy em khôi ngô lại mồ côi, ông Uynxton thương và đem em về nuôi.

Được tin bà Uynxton sắp về bằng thuyền Hải Âu, Đíchsơn sung sướng vô cùng. Đã mấy năm trời, bà là người mẹ hiền của em và Đíchsơn coi Giắc như một đứa em nhỏ.

Gió đông dai dẳng mãi, thuyền trưởng Huvo không lúc nào được rảnh tay. Ông không làm sao điều khiển cho thuyền chạy được theo một đường chính xác. Bà Uynxton về nhà bị chậm trễ khiến ông luôn luôn lo ngại, mặc dù ông không có trách nhiệm gì về việc này.

Cuộc hành trình vẫn tiếp diễn, đều đều, tẻ ngắt. Bỗng một chuyện xảy đến vào ngày hai tháng hai trên kinh tuyến và vĩ tuyến này. Khoảng chín giờ sáng hôm đó, trời quang mây tạnh, Đíchsơn và Giắc đứng chơi với nhau trên bao lơn cạnh cột buồm, ở đây các em có thể nhìn khắp con thuyền Hải Âu và trông thấy cả một vùng biển rộng, xa tít tắp.

Thuyền Hải Âu vẫn quay bên trái và chạy ngược gió rất nhịp nhàng, Đíchsơn cắt nghĩa cho Giắc biết thuyền đã được bỏ vật nặng vào đáy khoang cho khỏi tròng trành nên giữ được thăng bằng, dù sóng cồn có đánh mạnh vào mạn bên phải cũng không lật được. Chợt Giắc ngắt chuyện và nói to:

- Có cái gì ở đằng kia hay sao ấy?

- Em nhìn thấy vậy gì chăng? – Đíchsơn quay hỏi Giắc.

Giắc chỉ một điểm trên biển và nói:

- Vâng, chỗ kia!...

Đíchsơn chú ý nhìn điểm đó rồi kêu to:

- Một xác thuyền.

Chương 3

THÂN TÀU BỊ ĐẮM

Nghe tiếng Đíchsơn kêu, tất cả thủy thủ đểu đổ xô lên boong, duy có Nego vẫn ở yên trong bếp. Mọi người chăm chú nhìn một vật nổi ở xa, lờ mờ giữa lớp sóng bạc, cách thuyền Hải Âu chừng ba dặm.

- Không biết đó là vật gì? – một thủy thủ nói.

- Có lẽ là một cái bè nát – người thứ hai nói.

- Trên bè liệu còn có người nào sống sót không? – bà Uynxton hỏi.

- Ta phải đến gần mới biết được. Nhưng có lẽ đó không phải là một cái bè mà là một vỏ tàu bị nghiêng – ông Huvo đáp, rồi ra lệnh lái thuyền về phía đó.

Mười lăm phút sau, con thuyền chỉ còn cách thân tàu đắm chưa đầy nửa dặm, thân bên phải của chiếc tàu có một lỗ hỏng lớn. Đíchsơn nói:

- Chắc chiếc tàu này bị đâm rồi.

- Đúng thế - ông Huvo xác nhận.

- Cầu cho những người trong tàu bị nạn đều được cứu thoát – bà Uynxton nói.

- Thưa bà, tôi cũng mong họ kịp dùng những thuyền phao để thoát thân nếu tàu gây tai nạn bỏ chạy. Đôi khi cũng xảy ra những sự việc như thế, thật là đáng trách – ông Huvo đáp.

- Thật thế ư? Thế thì vô nhân đạo quá!

- Thưa bà đúng thế. Chúng tôi đã được biết nhiều trường hợp như vậy. Còn thủy thủ của tàu này có lẽ đã thoát được hết vì tôi không thấy còn chiếc thuyền phao nào cả.

- Có thể còn những người chạy không kịp chăng?

- Chắc là không còn, vì nếu còn thì khi trông thấy chúng ta đến gần, họ phải ra hiệu chứ?

Lúc đó Hải Âu chỉ còn cách chỗ tàu đắm độ vài trăm mét thôi.

Bỗng Đíchsơn ra hiệu cho mọi người im lặng và nói:

- Nghe này! Nghe này!

Mọi người đều lắng tay.

- Hình như có tiếng chó sủa.

Đúng vậy, có tiếng chó sủa trên tàu.

- Dù chỉ là một con chó, chúng ta cũng nên đến cứu – bà Uynxton nói.

Tiếng chó mỗi lúc một rõ dần. Khi Hải Âu còn cách chiếc tàu đắm khoảng một trăm thước, thì thấy một con chó cao lớn hiện ra ở bao lơn tàu và sủa thảm thiết. Ông Huvo ra lệnh cho thuyền đứng lại và thả một cano nhỏ xuống biển. Rồi ông và Đíchsơn cùng hai thủy thủ nữa xuống cano. Con chó vẫn kêu, có lúc nó bám vào bao lơn, có lúc bỏ ra và quay về phía sau. Nó không còn sủa để báo cho những người đến nữa. Có lẽ, nó sủa để báo cho những người sống sót bên trong tàu chăng? Chiếc cano đã đi đến cạnh vỏ tàu chìm. Con chó cứ lồng lên, nhìn vào thuyền Hải Âu và sủa dữ dội như tức giận cái gì. Mọi người quay lại thì thấy Nego vừa ở bếp đi ra phía mũi thuyền. Con chó biết Nego và nhận ra hắn chăng? Chẳng có lẽ thế? Sau khi nhìn con chó, Nego không tỏ vẻ gì ngạc nhiên, hắn hơi chau mày một chút rồi trở vào.

Trong khi đó cano đi vòng phía sau tàu và nhìn thấy cái biển nhỏ mang tên “Andát”.

Đằng trước tàu có một lỗ thủng lớn do tàu khác đâm vào, lỗ này cao hơn mặt nước chừng một thước rưỡi, nên chiếc tàu không bị chìm hẳn. Trên sàn tàu không có một người nào cả. Con chó cứ chui vào cửa cầu thang rồi chui ra, miệng không ngớt kêu rên.

Đíchsơn nhận xét:

- Không phải chỉ có một mình con chó ở trong tàu!

- Đúng thế!

Rồi thuyền trưởng cho cano lần theo sườn trái của tàu bị chìm và nói;

- Nếu còn ai sống sót sau khi tàu bị nạn thì chắc họ cũng chết rồi vì kho lương thực đã bị ngập nước. Có lẽ chúng ta chỉ còn nhìn thấy xác của họ mà thôi.

Đíchsơn đáp:

- Không. Có lẽ con chó còn muốn mách với ta điều gì. Chắc trong tàu còn vài mạng sống nữa.

Vừa lúc đó, con chó nhảy luôn xuống biển và bơi đến cano. Trông nó có vẻ kiệt sức lắm rồi. Người ta vớt nó lên. Cano lùi ra vài sải, tìm chỗ thuận tiện để áp vào tàu Andát. Con chó tưởng người ta rời hẳn tàu này, nó liền lấy răng cắn áo Đíchsơn như muốn kéo lại và sủa thê thảm hơn trước. Ai nấy đều hiểu nó muốn gì. Cano liền lái vào chỗ cọc neo của sườn bên trái. Đến nơi, hai thủy thủ cột cano vào tàu. Thuyền trưởng Huvo và Đíchsơn bước lên sàn tàu và đến chỗ cửa cầu thang, con chó theo sau. Hai người lần xuống hầm tàu.

Thuyền trưởng nói:

- Dưới này không có ai cả.

Con chó ở trên san tàu cửa sủa hoài như để gọi hai người lên. Cả hai lại quay lên trên sàn tàu. Còn chó chạy lại và đưa hai người đến cái lều cuối sàn. Nhờ ánh sáng lọt qua những bức phên thưa, ông Huvo và Đíchsơn trông thấy năm người, giống như năm xác chết trên sàn. Ông Huvo nhìn kỹ thì nhận ra những nạn nhân đó là người da đen. Đíchsơn đến sờ từng người rồi nói:

- Họ còn thở.

Ông Huvo ra lệnh:

- Mang họ sang thuyền của ta.

Hai thủy thủ liền khiêng họ ra khỏi lều và khó khăn lắm mới đưa được họ xuống cano, trong lúc họ vẫn mê man. Cano quay về thuyền. Năm nạn nhân đều được đưa lên thuyền để cấp cứu. Con chó không rời họ. Thấy những người đó lịm đi, bà Uynxton tưởng họ chết rồi nên rất thương cảm.

- Họ chưa chết đâu. Chúng tôi sẽ cứu họ - ông Huvo nói, xong ông gọi – Nego!

Nghe thấy hai tiếng Nego, con chó lại lồng lên, kêu dữ dội. Không thấy Nego đến, ông Huvo lại gọi lần nữa:

- Nego!

Con chó lại nhe răng gầm gừ. Khi Nego vừa thò mặt lên sàn thuyền, còn chó liền chạy bổ đến, chực nhảy lên cắn họng Nego. May nhờ có cái gắp than bằng sắt cầm ở tay, hắn mới đẩy lui được con chó. Thuyền trưởng thấy thế liền hỏi Nego:

- Anh có biết con chó này không?

- Tôi! Tôi chưa từng thấy nó bao giờ?

- Thực là một chuyện lạ - Đíchsơn lẩm bẩm.

Chương 4

NHỮNG NGƯỜI SỐNG SÓT

Người nhiều tuổi nhất trong số những người da đen bị nạn là một ông già trạc sáu mươi tuổi. Ông là người hồi tỉnh trước tiên. Ông nói và trả lời bằng tiếng Anh. Thuyền trưởng Huvo hỏi:

- Tàu của ông bị đâm phải không?

- Vâng. Tàu chúng tôi bị đâm đã mười hôm nay trong một đêm trời tối như mực. Lúc đó, chúng tôi đang ngủ… - ông già đáp.

- Mọi người trong tàu ra sao?

- Thưa thuyền trưởng, khi chúng tôi lên được sàn tàu thì chẳng còn một ai cả.

- Toán thủy thủ chắc đã kịp thời nhảy sang tàu gây tai nạn rồi chăng?

- Có lẽ thế. Và tôi cũng mong họ được như vậy.

- Sau khi đâm tàu Anđát rồi tàu đó không trở lại cứu bọn ông à?

- Không ạ.

- Hay là chính tàu đó cũng bị đắm luôn?

- Nó không bị đắm, vì chúng tôi nhìn thấy nó chạy trốn trong đêm tối – ông già lắc đầu đáp.

- Tàu Anđát từ đâu qua đây?

- Từ Melbourne.

- Các ông không phải là nô lệ chứ?

Ông già ngửng cao đầu lên, trả lời dõng dạc:

- Thưa thuyền trưởng, không!

Theo lời ông già thì những người da đen này đã được tuyển mộ làm công nhân cho một người Anh có cơ sở khai thác lớn ở Melbourne. Họ đã làm việc ở đó được ba năm. Hết hạn hợp đồng, họ trở về. Họ từ Melboure ra đi được mười bảy ngày thì đêm hôm đó tàu họ bị một tàu đâm phải. Đang ngủ, bỗng họ thấy tàu bị xô chuyển kinh khủng, họ choàng dậy và khi lần lên được sàn tàu, họ thấy các cột buồm đã gẫy cả và tàu nằm nghiêng về bên phải nhưng không chìm, nước biển tràn vào hầm tàu. Riêng thuyền trưởng và thủy thủ tàu này đều biến mất, chắc người thì bị lăn xuống biển, người thì bám được vào chiếc tàu gây nạn. Chiếc tàu vô nhân đạo này trốn biệt. Còn trơ lại năm người da đen trên chiếc tàu nửa nổi nửa chìm, lênh đênh trên mặt biển, cách đất liền chừng một ngàn hai trăm dặm.

Người da đen già nhất tên là Tôm. Với tuổi cao, tính cương nghị, và những già dặn trong cuộc sống lao động, ông già đương nhiên thành trưởng toán trong nhóm bốn người cùng đi làm thuê với ông. Những người này đều là những trai tráng từ hai lăm đến ba mươi tuổi, gồm Pat (con trai ông già), Ốttanh, Antôn và Ecquyn. Người nào trông cũng khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Mười ngày ở trong chiếc tàu bị thủng, họ ăn thức ăn còn lại trong nhà bếp và không sao lấy được lương thực dự trữ vì kho đã bị ngập nước. Nước uống cũng cạn. Khát quá, họ lả đi, nằm bất tỉnh nhân sự thì may sao thuyền Hải Âu đã đến cứu kịp thời.

Còn một mạng sống sót nữa của tàu Anđát, nếu biết nói có lẽ nó cũng thành thực kể lại như thế: đó là con chó. Mỗi khi thấy mặt Nego, nó tỏ thái độ tức giận, căm hờn, thật là một điều khó hiểu. Tên nó là Đinhgô.

Đinhgô thuộc giống chó lớn Hà Lan dùng để giữ nhà. Không phải thuyền trường tàu Anđát mua nó ở Úc. Hai năm trước, Đinhgô đói khát, đi lang thang trên bờ biển phía tây châu Phi, gần cửa sông Congo, thuyền trưởng Anđát trông thấy đem về nuôi. Nó không thích người lạ và lúc nào cũng buồn rầu nhớ chủ cũ. Có lẽ một biến cố gì đó đã chia rẽ chủ nó với nó, nên nó liều mình đi kiếm chủ khắp miền duyên hải hoang vu. S.V., hai chữ này ghi trên vòng cổ nó, đó là tất cả những gì gắn con vật với quá khứ của nó và cũng là một điều bí ẩn mà người ta không sao khám phá được.

Mặc dù Đinhgô không thích gần gũi với người, nhưng không dữ tợn, lúc nào đôi mắt nó cũng buồn. Theo lời già Tôm, thì hình như Đinhgô muốn lánh xa những người da đen, mặc dù những người này không hề động đến nó. Có lẽ khi ở trên bờ biển châu Phi, nó đã bị dân bản xứ hành hạ.

Đó là tất cả những nhân vật còn lại của tàu Anđát. Chỉ một trận sóng lớn nổi lên là chiếc tàu Anđát sẽ bị nhấn chìm, mang theo những xác chết xuống đáy biển, nếu thuyền Hải Âu không đến kịp thời. Nhờ thuyền ngược gió mà thuyền trưởng Huvo đã làm được một việc từ thiện có ý nghĩa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx