sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thuyền trưởng tuổi 15 - Phần 2 - Chương 12 - 13 - 14 - 15

Chương 12

TIN TỨC VỀ BÁC SĨ LIVINHXTƠN

Bà Uynxton ngồi một mình, nghĩ ngợi, lo âu.

“Tám ngày nữa, Nego sẽ đến lấy bức thư. Viết hay không nên viết? Còn tám ngày nữa, mình còn thì giờ để suy nghĩ và quyết định xem có thực Nego định bắt Giắc không?...”

Ngay lúc đó Giắc chạy vào trong lều. Bà hốt hoảng ôm chặt lấy Giắc tưởng chừng như Nego đang rình cướp con bà.

Giắc hỏi mẹ:

- Mẹ buồn lắm à?

Bà xoa đầu con đáp:

- Không con ạ. Mẹ đang nghĩ đến cha con. Con có thích được gặp cha con không?

- Ồ, mẹ ơi, có chứ! Cha con sắp đến đây à?

- Không… không. Cha con chả nên đến đây.

- Thế mẹ và con tìm cha vậy.

- Ừ!

- Cả Đíchsơn, Ecquyn và cả già Tôm cũng đi nữa chứ mẹ?

Bà Uynxton cúi đầu xuống để giấu những giọt nước mắt muốn trào ra. Bà nói nhỏ:

- Phải đấy, con ạ.

- Thế cha có viết thư cho mẹ không?

- Không, con ạ.

- Thế bây giờ mẹ viết cho cha đi!

- Có… có lẽ…

Vô tình Giắc nói trúng vào tâm trạng bà nên bà trả lời lúng túng và ôm lấy cậu bé hôn để nó đừng hỏi nữa.

Ngoài những lý do nói tên khiến bà cự tuyệt đề nghị của Nego, còn một lý do nữa không kém phần quan trọng. Biết đâu một vận may bất ngờ sẽ đến giải phóng cho mẹ con bà mà không cần tới sự can thiệp của chồng và bất chấp tất cả những sự đe dọa của Nego. Đó chỉ là một tia hy vọng tuy còn mơ hồ, nhưng dù sao cũng là một tia hy vọng. Thực vậy, trước đó mấy hôm, thình lình bà nghe được câu chuyện người ta nói với nhau:

- Bác sĩ Livingxtơn sắp đến Cadôngđê.

Bác sĩ với một đoàn tùy tùng khá đông, hoàn thành cuộc thám hiểm miền Trung bộ châu Phi. Theo hành trình thì Cadôngđê là địa điểm cuối cùng trong cuộc thám hiểm đó. Nếu đoàn Livingxton đến khảo sát vùng này thì việc bắt cóc bà Uynxton không thể che giấu được và thế nào bà cũng được giải thoát. Bà hy vọng, bà mong mỏi từng ngày, từng giờ. Bỗng ngày mười ba tháng sáu, trước hạn Nego đến lấy thư của bà một ngày thì một tin buồn lan đến. Tin này làm cho bà thất vọng bao nhiêu thì lại làm cho bọn Angve vui sướng bấy nhiêu. Ngày mồng một tháng năm năm 1873, vào lúc rạng đông, bác sĩ Linvinxton đã từ trần.

Chín tháng sau, thi hài nhà thám hiểm bác học mới được các đồ đệ đưa về thị trấn Dăngdiba với bao vất vả khó khăn. Rồi đến ngày 12 tháng tư năm 1874, thi hài bác sĩ được an táng tại Westminter giữa đám mộ phần của các vị danh nhân Anh quốc, ngang hàng với các bậc đế vương.

Chương 13

RƯỢT THEO MỘT CON SÂU

Mười bốn tháng sáu là ngày hẹn cuối cùng, Nego đến lều bà Uynxton, hắn hỏi:

- Bà đã quyết định rồi chứ?

- Quyết định hay không là do ông. Ông muốn được việc mà ông đặt những điều kiện không thực hiện được.

- Nghĩa là?…

- Nghĩa là bất cứ giá nào tôi cũng không chịu để cho chồng tôi đến một nơi mà người ta có thể làm “không từ một điều gì” đối với người da trắng.

- Bà không muốn chồng bà nộp số tiền đó à?

- Không phải thế. Tôi muốn chồng tôi không phải đến tận nơi này để trao số tiền đó cho ông.

Nego suy nghĩ một lúc rồi đành chịu theo ý bà. Hắn đề nghị như sau:

Địa điểm gặp gỡ sẽ không phải là Codôngđê mà là bến Môsa, một bến nhỏ thuộc bờ biển cực nam xứ Angola. Nơi đây hẻo lánh, xa con mắt các nhà cầm quyền, thường là nơi giao dịch của bọn buôn người mà Nego là một tay rất quen thuộc ở đó. Nego sẽ đưa ông Uynxton đến bến Môsa. Đúng kỳ hẹn, mấy tên thủ hạ sẽ dẫn bà Uynxton, Giắc và Banđác đến đó trao cho ông Uynxton để lãnh số tiền đã ấn định. Trong khi đó Nego vẫn đóng vai một người lương thiện. Khi tàu cập bến, hắn sẽ cáo biệt ngay và không can dự gì vào chuyện tiền bạc cả.

Bà Uynxton ưng thuận đề nghị đó, viết thư cho chồng rồi trao thư cho Nego. Y cầm thư, chào bà Uynxton rồi đi ra.

Sáng sớm hôm sau, Nego cùng đi với hai mươi người da đen. Hắn đi ngược lên phía Bắc, đến cửa sông Conggo rồi xuống tàu đi chứ không đi về phía nam để tránh những đồn kiểm soát và cũng để tránh những nhà giam mà trước đây hắn đã từng là khách trọ.

Sau khi Nego đi rồi, bà Uynxton chuẩn bị để đợi ngày hồi hương. Thời gian chờ đợi ít nhất cũng phải vài ba tháng nếu mọi việc được trôi chảy. Bây giờ bà không phải thấp thỏm lo âu như trước, nhưng những ngày sống ở trong trại thực là buồn tẻ. Ngồi trong lều chán, bà lại dắt con đi quanh vườn. Cây cối mùa này nảy nở xanh tươi, nhưng nào bà có để ý, óc bà lúc nào cũng hướng về chồng, về mái nhà thân yêu. Còn ông Binđác lúc nào cũng tươi tắn vui vẻ, miễn là có đủ sâu bọ để ông nghiên cứu. Ở trong trại, mặc dù không có kính đeo mắt, không kính lúp, ông đã khám phá ra một loài ong nhỏ xây tổ trong những lỗ mọt ở các thân cây. Rồi lại có những con sâu “sét” chuyên tìm những ổ đắp sẵn của những con sâu khác để đẻ, giống như những con tu hú chuyên đẻ vào các tổ giống chim khác để các giống chim này ấp giùm và nuôi giùm luôn.

Sau cùng là ngày mười bảy tháng sáu, một dịp may hiếm có đã đến với Binđác nhưng ông nắm hụt, thành ra có những kết quả rất bất ngờ. Lúc đó vào khoảng 11 giờ sáng, trời nóng kinh khủng, mọi người buộc phải ở trong nhà. Binđác cũng nằm nhà, rất tiếc là không được ra ngoài săn sâu bọ. Ông nằm mãi rồi thiu thiu ngủ lúc nào không biết. Chợt có tiếng vù vù bên tai. Ông ngồi nhổm dậy và kêu:

- Đúng là một con “tiết chi”.

Ông ngồi im như tượng gỗ, lắng tai nghe, một con sâu ở xa bay đến lượn quanh Binđác nhiều vòng rồi bỗng dưng đậu vào đỉnh đầu ông. Trong đời, Binđác chưa từng có những giây phút hồi hộp như thế bao giờ. Một giống “tiết chi” mới lạ của châu Phi đang ở trên đầu ông! Nhưng ông không sao quan sát nó được, ước gì nó đứng cạnh mắt ông độ một đốt tay để ông ngắm thì thú biết chừng nào. Điều ước muốn đó được thực hiện ngay. Con sâu bò trên đầu đến hai mươi vòng rồi tụt xuống trán, đến giữa hai hàng lông mi, trên đỉnh mũi của ông và ngập ngừng không tiến nữa. Lúc đó trái tim ông đập dồn dập. Không biết con sâu quý này sẽ tiếp tục bò xuống cho ông nhìn thấy hay lại bò trở lên. May sao nó lại bò xuống! Ông cảm thấy những bàn chân lông lá của nó từ từ di chuyển xuống đầu mũi ông, trên đường sống mũi hơi gồ của của nhà thông thái, nơi trời sinh ra cốt để đeo kính. Sau cùng, nó tiến thẳng ra đầu mũi ông. Con sâu đã khéo chọn một điểm đắc địa nhất cho nó hay nói đúng là cho nhà côn trùng học. Binđác sung sướng quá kêu thầm:

- A! Con “sâu măng”!...

Không may lúc đó, do nín thở mãi nên ông muốn hắt hơi. Con sâu thấy chỗ đâu “lung lay” liền đạp chân mở cánh và bay vù. Binđác vừa phát ra một tiếng hắt hơi lớn vừa đưa tay lên mũi vồ. Nhưng ông không tóm được con sâu mà chỉ tóm được đúng mũi mình. Binđác kêu lên:

- Con quái này hóm thật!

Tuy nhiên, ông vẫn bình tĩnh, vì ông biết giống sâu này nếu không ai đuổi bắt nó thì nói bò hoặc bay la cà từng quãng ngắn một. Ông liền quỳ xuống đất và cúi đầu tìm. Quả nhiên, ông nhìn thấy một điểm đen cách mắt ông chừng hai gang tay đang di chuyển trong một vệt nắng từ khe cửa rọi vào. “Cứ để thế này mà quan sát thì hay hơn, miễn là đừng để nó biến mất. Ta có dư thì giờ, lúc nào ta bắt nó mà chẳng được”.

Binđác tự nhủ một mình và cứ bò theo con sâu. Một lát sau, ông đã bò ra khỏi lều, dưới ánh nắng chang chang, nửa giờ sau ông đã tới chân hàng rào bao quanh trại. Con sâu bò đến một lỗ hổng liền chui tọt qua. Đó là một hang thòng ra ngoài hàng rào. Binđác thất vọng, nhưng thấy cái hang khá rộng liền lách mình chui theo, không biết rằng mình đang bò dưới hàng rào để ra ngoài.

Rủi cho nhà thông thái, hàng rào đó lại tiếp giáp với một khu rừng rậm phía bắc địa thị trấn Cadôngđê, trên một diện tích rộng mấy dặm vuông. Con sâu bắt đầu bò nhanh và nhảy từng quãng ngắn. Binđác cũng bò theo và nhảy theo, nhưng cứ vồ hụt hoài. Đá, đất lởm chởm, hai đầu gối và hai bàn tay ông đều sây sát và rướm máu. Con sâu cứ như “trêu” nhà thông thái. Nó nhảy thẳng, nó nhảy ngang rồi nó lại nhảy ngược trở lại. Binđác hoa cả mắt vồ lung tung, chẳng ăn thua gì. Cuối cùng đến gần một đám cây xanh, nó vỗ cánh bay qua tai Binđác, phát ra những tiếng vo vo như để chào tạm biệt nhà thông thái rồi đáp vào đám cây gần đó.

- À à, mày định trốn hả? Có đi đằng trời! Tao đuổi đến cùng! Mày không thoát khỏi tay tao đâu.

Binđác tưởng thế lại quên hẳn rằng mắt ông cận thị không có kính thì làm sao nhìn được một con sâu nhỏ xíu nhảy trong đám lá xanh rậm rạp! Tức quá, ông mất bình tĩnh và phát điên lên. Ông không biết rằng đứng ở chỗ này ông đã vượt khỏi trại Angve, ông đã thoát khỏi vòng nô lệ. Tất cả tâm trí ông chỉ để vào con sâu, một con sâu sẽ làm vinh dự cho cái hộp sắt của ông.

Thế rồi ông rượt theo con sâu, lúc vồ, lúc đập, hai cánh tay giơ lên hạ xuống như mây, trông xa chẳng khác gì người đang vội vã bổ củi hoặc cuốc nương. Trong khi ông hăng say rượt sâu đến đám cây um tùm, chợt có một bóng đen to lớn nhảy xổ ra vồ lấy ông và mang vào rừng sâu mất tích…

Chương 14

MỘT THẦY PHÁP CAO TAY

Hôm đó là mười bảy tháng sáu. Khi bà Uynxton không thấy Binđác về ăn cơm chiều như thường lệ, bà hoảng hốt chờ đợi. Rồi bà đi quanh vườn nhưng chẳng thấy tăm hơi. Bà đoán có lẽ Angve đã bắt Binđác rồi. Nhưng bà thấy Angve rất tức giận khi được tin Binđác mất tích nên bà biết ngay là bà đã nghĩ sai. Thế thì ông đã tự thoát thân. Nhưng sao ông lại không nói riêng cho bà biết.

Angve lập tức sai giai nhân tìm Binđác, chúng khám phá ra chỗ thông với khu rừng. Angve biết anh chàng bắt sâu bọ đã vượt qua lối đó. Y buồn quá, vì mất Binđác thì số tiền chuộc sẽ giảm đi. Ngay hôm đó, Angve ra lệnh cho gia nhân canh phòng cẩn mật cả trong lẫn ngoài trại. Thế là bà Uynxton cùng con không còn tự do dạo vườn như trước.

Sau đó, một tai biến bất thường xảy ra trong hạt. Từ ngày mười chín, những trận mưa như thác bắt đầu trút xuống và làm ngập lụt cả miền Cadôngđê. Trong trại, bà Uynxton chỉ thấy khó chịu chứ ở bên ngoài dân rất cực khổ. Những cánh đồng lúa chín, những mảng rau xanh tốt đều bị nước mưa bao phủ hoặc cuốn hết. Nhân dân mất mùa, sự đói kém bày ra trước mắt. Nữ hoàng Môna và các triều thần ngơ ngác không biết làm cách gì để chống thủy tai.

Người ta liều cầu cứu thầy bùa. Không phải là các thầy bùa tầm thường chuyên lên đồng chữa bệnh hay chuyên nghề bói toán kiếm ăn, mà là những thầy phù thủy cao tay có phép hô phong hoán vũ.

Vì thế, các danh sư xa gần đều được mời đến. Có thầy đọc kinh đọc kệ, trống phách inh ỏi; có thầy luyện bùa và các thứ vỏ cây “bí truyền” cho vào một cái sừng trâu có ba lỗ nhỏ ở đầu, rồi phùng má trợn mắt thổi vọt ra những viên đạn nhão để bắn tà ma; có thầy lại niệm thần chút khạc nhổ vào mặt các quan to nhất trong triều, cho rằng sự hiện diện của các vị này đã là “xui” cho xứ sở. Nhưng tất cả công sức, tất cả phù phép đó đều vô hiệu. Mưa vẫn hoàn mưa.

May sao có người mách nữ hoàng: ở miền núi phía Bắc Angola có một pháp sư danh tiếng có phép thần thông biến hóa và đã từng dùng âm binh đẩy lui các giống hùm, beo, sư tử tác hại. Nữ hoàng cả mừng, liền sai người thỉnh cầu pháp sư.

Sáng ngày hai mươi lăm tháng sáu, dân chúng xôn xao được tin pháp sư đã đến Cadôngđê. Pháp sư tiến thẳng vào kinh thành, dân chúng lũ lượt đổ ra xem. Lúc đó, trời bỗng ngớt mưa, gió như sắp đổi chiều. Sự thay đổi bất thần đó phù hợp với việc giáng lâm của pháp sư như báo một điềm lành làm cho muôn người xúc động.

Mỗi khi thầy phù thủy về các làng trừ tà chữa bệnh thì thường đi từng bọn từ ba đến năm người, nhưng lần này pháp sư có một mình. Pháp sư người da đen, thân hình cao lớn vạm vỡ, mình trần, trên ngực vạch những vạch trắng bằng đất cao lanh, ngang lưng mặc một tấm xiêm kết bằng cỏ, cổ đeo một chuỗi sọ chim khô. Đầu ông đội một thứ mụ dạ nạm hạt trai, chung quanh cắm những chiếc lông dài màu xanh biếc đốm trắng. Lưng gông thắt một dải băng đồng sáng loáng, chung quanh đeo hàng trăm cái chuông nhỏ kêu leng keng, vang hơn tiếng nhạc của những con lừa Tây Ban Nha. Đó là kiểu ăn mặc trang trọng nhất của các thầy pháp Trung Phi.

Pháp sư chỉ ra hiệu và không nói năng gì. Người ta khám phá ra là pháp sư câm. Nhưng quý tướng đó càng làm tăng phần trọng vọng của đám người mê tín. Trước hết, pháp sư đi vòng quanh khu đất rộng, khoa tay giậm chân hình như ra hiệu với trời. Dân chúng nối đuôi theo sau, bắt chước hệt cử chỉ của pháp sư khiến người ta có cảm tưởng là một đoàn khỉ con đang theo sau một con khỉ lớn diễn trò. Thình lình, pháp sư rẽ vào phố chính, đến thẳng dinh nữ hoàng.

Được báo trước, nữ hoàng Môna cùng các quan tùy tùng đã ra trước dinh đón tiếp. Pháp sư uốn lưng cúi rạp xuống tận đất và ngẩng đầu lên một cách nghiêm trang cung kính. Thi lệ xong, pháp sư giơ tay trỏ những đám mây đen kéo ngang trời, đưa tay từ đông sang tây, xong từ tây sang đông và quay tít mấy vòng. Đoạn ông úp hai bàn tay như ấn xuống đất và ra chiều thất vọng. Lớp kịch câm đó ngụ ý rằng những đám mây đen kia sẽ từ đông sang tây ùn ùn kéo đến vô tận, khó trấn áp nổi. Nữ hoàng thấy thế mất cả hồn vía, bất giác giơ tay lặp đi lặp lại những cử chỉ của pháp sư. Đình thần thấy vậy cũng bắt chước khoắng tay lên trời múa may bắt quyết. Dân chúng hồi hộp chờ đợi phép mầu. Bỗng mưa lại đổ xuống dữ dội hơn trước. Dân chúng la ó ầm ĩ, cho rằng thầy bùa này cũng chẳng hay ho gì hơn các thầy bùa trước. Họ chạy ra vây chặt lấy thầy phù thủy câm, miệng rủa, tay giơ nấm đấm tua tủa.

Pháp sư bình tĩnh nhìn quanh bãi rộng một lượt. Thốt nhiên, pháp sư giơ tay từ từ trỏ về một góc làm cho mọi người im bặt. Họ quay cả nhìn về phía đó: có hai mẹ con người da trắng đứng xem. Đó là bà Uynxton và Giắc, nghe có pháp sư làm lễ liền theo người gác trại đến xem. Pháp sư trỏ vào chỗ người da trắng rồi trỏ lên trời. Thôi đúng rồi! Chính vì họ mà sinh ra nạn mưa lụt này!

Nữ hoàng tức giận trợn mắt giơ tay dọa dân bản xứ vừa nguyền rủa, vừa xông vào chỗ bà Uynxton. Bà hết hồn, ôm chặt lấy con, luống cuống không biết chạy đi đâu. Pháp sư cũng sấn lại chỗ đó. Mọi người dạt ra hai bên đường, nhường lối cho pháp sư có cách trừng trị. Angve cũng có mặt ở đó, hắn xám mặt lo sợ cho số phận nhưng “con tin” rất quý giá đối với hắn, nhưng không biết là thế nào. Pháp sư hùng hổ giật lấy đứa bé trong cánh tay người mẹ ra rồi cầm giơ cao lên trời như sắp quật xuống đất để làm hả lòng hả dạ những hung thần ác quỷ. Bà Uynxton rú lên một tiếng và lăn ra đất, bất tỉnh nhân sự. Trong khi đó, pháp sư quay lại ra hiệu cho nữ hoàng yên trí để mình ra tay giải độc, rồi một tay siết chặt đứa bé, một tay xốc người mẹ lên vai, chạy quanh bãi rộng khác nào như con cọp đang cõng hai con nai tha đi. Pháp sư chạy đều đều, lúc ngửa mặt lên trời, lúc đá chân về phía trước, có vẻ giận dữ muốn quật hai nạn nhân xuống đất. Công chúng rầm rập chạy theo sau, tiếng hò hét chấn động cả kinh thành.

Pháp sư chạy mỗi lúc một nhanh. Công chúng theo sau đã thấy mệt, chợt pháp sư ra thẳng đường cái, vào một cánh rừng rậm, đường dài hơn ba dặm mà không tỏ ra mỏi mệt. Dân chúng chạy sau cứ ít dần đi và không theo kịp. Cuối cùng, nghoảnh lại chẳng còn ai cả. Pháp sư vác hai nạn nhân đến bờ một con sông, dòng nước chảy cuồn cuộn về phía bắc. Ở đây, sau một bụi cây um tùm, một chiếc thuyền gỗ phủ đầy cỏ tranh đã neo tại đó. Pháp sư vác vật nặng bước xuống thuyền, lấy chân đẩy thuyền theo dòng nước trôi đi vùn vụt.

Sau đó, pháp sư câm lên tiếng:

- Thưa thuyền trưởng, xin trình thuyền trưởng, tôi đã đưa bà Uynxton và em Giắc về đây! Chúng ta khởi hành! Bây giờ tha hồ cho mưa dội xuống đầu bọn khờ dại thành Cadôngđê.

Chương 15

TRÔI THEO DÒNG NƯỚC

Vị pháp sư câm đó chính là Ecquyn và người mà anh gọi là thuyền trưởng chính là Đíchsơn.

Bà Uynxton hồi tỉnh. Bà mở mắt kinh ngạc, không biết thực hay mơ?

- Ô kìa, Đíchsơn, con?!

- Dạ, chính con đây!

Đíchsơn vừa nói vừa chạy lại. Bà ôm lấy chú, mừng mừng tủi tủi, nước mắt trào ra.

Em Giắc cũng reo lên:

- A! Anh Đích! Anh Đích!

Rồi em quay nhìn người đội mũ pháp sư lông ngựa vằn và nói:

- Ai! Em không biết!

Ecquyn liền bỏ mũ lông chim ra, xoa hết phấn trắng ở ngực và cười.

Bà Uynxton kêu lên:

- Ủa, Ecquyn!

Rồi bà nắm tay Ecquyn và nói:

- Anh làm tôi hết hồn!... Bây giờ đã thoát trại giam rồi!... Cám ơn anh!

Em Giắc ôm chầm lấy Ecquyn kêu lên:

- Ecquyn! Ecquyn!

Đíchsơn nói với Giắc:

- Chính Ecquyn đã cứu mẹ và em, cũng như đã cải tử hoàn sinh cho Đíchsơn đấy!

Binđác đang hỏi chuyện bà Uynxton cũng quay ra nói:

- Cứu cả tôi nữa chứ!

Ecquyn đáp lời Binđác:

- Không phải! Chính ông đã cứu bà Uynxton và em Giắc!

Binđác nói:

- Sao lạ vậy?

Ecquyn đáp:

- Vì nếu không có ông cho biết bà Uynxton và em Giắc ở đâu thì tôi cũng đến chịu.

Thực vậy, năm hôm trước, Ecquyn đã ở trong bụi nhảy ra bắt Binđác khi đang mải đuổi sâu trong rừng. Ông cho biết nơi đó cách trại Angve chừng hai dặm.

Trong khi thuyền xuôi dòng. Ecquyn kể lại cho mọi người nghe những chuyện xảy ra sau khi Ecquyn trốn thoát khỏi đồn Quanđa, chuyện Ecquyn lén lút theo dõi đòn phu cáng bà Uynxton và em Giắc, chuyện Ecquyn tìm thấy con Đinhgô bị thương rồi cả hai đều đến ẩn nấp ở ngoại thành Cadôngđê; chuyện con Đinhgô đem thư báo cho Đíchsơn biết bà Uynxton và em Giắc đang bị giam lỏng ở trại Angve. Cuối cùng là tấn bi kịch hạ màn vào chính hôm nay… Nguyên là được tin một pháp sư danh tiếng xuống cứu nạn lụt, Ecquyn đón đường bắt pháp sư đó lấy dây bìm trói chặt vào một gốc cây, lột hết y phục, mũ mão và đồ nghề. Anh mặc các thứ đó lại theo kiểu mẫu và vẽ thêm những đường vằn trên ngực bằng đất sét trắng giả làm pháp sư. Rồi Ecquyn về thẳng kinh thành Cadôngđê giả câm và lập mưu cướp bà Uynxton và em Giắc.

Trong các chuyện thuật lại, không thấy ai nói đến Đíchsơn, bà Uynxton liền hỏi.

- Thế còn Đíchsơn, làm sao mà thoát nạn?

Đíchsơn đáp:

- Lúc đầu con cũng không biết làm sao mà thoát nạn được. Trước giờ bị hành hình, con phẫn uất, vùng vẫy muốn đứt tung dây trói. Nước ầm ầm chảy đến, rồi dâng lên, con lịm dần… Khi con hồi tỉnh, con thấy mình nằm trên ổ cỏ, dưới lùm cây ven bờ sông này. Ecquyn đang qùy bên cạnh chăm sóc con…

Bà Uynxton hỏi Ecquyn:

- Anh cứu Đích thế nào? Kể lại cho tôi nghe.

Ecquyn cười đáp:

- Thưa bà, đâu cần phải tôi cứu! Chính dòng nước mạnh đã nhổ cây cột trói thuyền trưởng của ta rồi cuốn qua đây. Tôi tình cờ vớt được Đíchsơn còn thoi thóp.

Uynxton thấy chuyện đơn giản quá, hỏi:

- Làm gì có chuyện lạ thế?

Ecquyn đáp:

- Thưa bà, đêm hôm đó trời tối đen như mực, tôi liền xuống dòng sông, ngồi lẫn với đám nạn nhân dùng làm vật hy sinh đang gào khóc lăn lộn đợi chết. Chờ lúc họ phá đập cho nước dâng lên, tôi lội ra. Chỉ cần khỏa cánh tay một cái là nhổ phăng được cây cột lẫn Đíchsơn. Tôi ôm lấy và theo dòng nước bơi về đây. Thưa bà, việc đó không có gì là khó cả.

Bà Uynxton nói:

- Không, anh đã làm một việc phi thường.

Xong bà kể lại từ chuyện hôm bị giam trong trại Angve đến hôm Nego bắt bà viết thư nhắn chồng phải đem tiến đến chuộc. Bà đã đưa thư cho Nego, hắn đang khởi hành đi tìm chồng bà rồi.

Nghe đến đây, Ecquyn bỗng kêu lên:

- Thôi chết rồi! Tôi đã làm hỏng việc của bà!

Bà Uynxton nói:

- Không phải thế. Tôi sợ chúng đánh lừa nên đắn đo mãi, sau cùng phải đánh liều viết và chỉ thuận cho chồng tôi đến bến Môsamêdét ở phía nam bờ biển Angola mà thôi.

Đíchsơn nói:

- Bọn chúng xảo trá lắm. Biết đâu khi ông đến bến Môsa, chúng lại không tìm cớ lừa ông về Cadôngđê, sào huyệt của bọn chúng.

Bà Uynxton nói:

- Xem giọng lưỡi thằng Nego, rất có thể nó sẽ gài bẫy. Vả lại nếu sự việc đó trôi chảy chăng nữa thì biết bao giờ mới lại được gặp mặt những người thân yêu này?

Đíchsơn nói:

- Bây giờ chúng ta phải đến bờ biển trước khi Nego trở về bến Môsa. Ở đó, những nhà chức trách Bồ Đào Nha sẽ giúp đỡ và che chở cho chúng ta. Khi nào Angve thò ra lấy một trăm ngàn đồng, tức thì chúng ta…

- Chúng ta quất một trăm ngàn gậy vào sọ tên cáo già!

Ecquyn nghe chuyện nổi giận xen vào.

Từ trước, Đíchsơn vẫn có ý định tìm ra bờ biển bằng cách theo sông. Giờ đã ở sông này. Còn phương tiện đi thì một hôm Ecquyn tình cờ kiếm được một chiếc thuyền gỗ cũ bị giạt vào một bãi cỏ rậm đã lâu ngày, anh liền kéo về sửa chữa. Để ngụy trang, Ecquyn lấy cỏ phủ lên mui thuyền giống hệt như những lùm cỏ xanh thường trôi trên các sông châu Phi mà người ta thường gọi là “những cù lao nổi”. Con thuyền của Ecquyn bây giờ cũng là một cù lao cỏ trôi trên sông. Nó không những đánh lừa được những con mắt tò mò của thổ dân mà còn quyến rũ được các giống chim thường đến đậu trên nóc rỉa lông rỉa cánh và ca hát véo von.

Dưới mái cỏ xanh ngắt, mọi người được nghỉ ngơi thoải mái, và tránh được cái nắng gay gắt của mặt trời. Tuy nhiên, hành trình còn dài và chưa hết khó khăn, nguy hiểm. Theo con sông này thì đoàn Đíchsơn sẽ ra phía bắc bờ biển Angola mà bến Môsa, nơi Nego hẹn gặp lại ở về phía Nam. Nhưng hãy ra tới bờ biển đã. Con sông này sẽ đưa tới đất có người Bồ Đào Nha đóng, nên sẽ yên ổn.

Thuyền êm ả xuôi dòng, hai bên cây rừng rậm rạp. Đíchsơn ước lượng con thuyền có thể đi hơn hai dặm một giờ. Mấy ngày đầu đã có lương thực do Ecquyn dự trữ. Những hôm sau, Ecquyn và Binđác phải đánh cá để ăn. Thỉnh thoảng Đíchsơn lại lên bờ săn bắn với cây súng độc nhất do Ecquyn đem theo. Thuyền đi suốt ngày, ban đêm chỉ dừng lại một vài giờ để mọi người nghỉ ngơi lấy sức. Bước đầu của chuyến đi trên sông lạ này trôi chảy, không gặp khó khăn gì. Hai bên bờ vắng tanh không một túp lều, không một bóng người. Dân xứ Cadôngđê ít khi đặt chân tới nơi hoang địa này. Một hôm đêm đã khuya, thuyền đang đi bỗng nhiên dừng lại, Ecquyn ở đằng lái hỏi:

- Sao thế?

- Một bờ đập tự nhiên.

Ecquyn nói:

- Thế thì phá đi!

Đích sơn đáp;

-Anh đem búa lại đây.

Ecquyn xách búa nhảy sang bờ đáp:

- Để tôi phá cho.

Vật ngáng đường này là một đám cỏ nước, rễ, lá giao nhau, kết thành một bè cỏ dầy từ bờ bên này sang bờ bên kia, rất chắc và dai, lá cao và xanh bóng. Dân bản xứ gọi dải cỏ này là “cầu cỏ” hay “tikatika”. Người ta có thể dùng cầu đó qua sông được nếu không sợ thụt chân xuống gần đầu gối.

Khỏe và nhanh như Ecquyn, cũng phải gần một tiếng đồng hồ, dòng nước mới thông. Thuyền lại bắt đầu đi.

Chợt vẳng nghe xa xa về bờ bên phải có tiếng ồn ào, tiếp theo những tiếng xì xụp đều đều như tiếng bễ thợ rèn. Khi thuyền đền gần thì ra một đàn voi hàng mấy trăm con đang đứng xếp hàng trên bờ uống nước. Ban ngày chúng kiếm ăn trong rừng, ban đêm vắng vẻ, chúng kéo nhau ra sông giải khát. Hàng trăm cái vòi đưa xuống đưa lên một loạt như máy. Nếu khúc sông này là một cái hồ thì không mấy lúc sẽ cạn hết nước.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx