sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10

Phụng đang sửa soạn bữa cơm tối ở dưới bếp.

Giáo sư Trung vội vã cho học trò nghỉ và trở vào cụng liên tiếp ba ly với Đức Sanh rồi lại phạt rượu tôi. Hôm nay ông cao hứng lạ. Cái đầu sồi, mái tóc hoa râm, và khuôn mặt đỏ mập của ông đầy sinh khí làm tôi liên tưởng ngay đến thuở thiếu thời của ông.

Khi giáo sư Trung uống rượu đến đúng lượng thì cái ngông của ông cũng bắt đầu nổi dậy. Ông lên tiếng:

- Hai cậu có biết cái gì rẻ tiền nhất thế giới không?

Tôi và Đức Sanh im lặng chờ:

- Cạn ly này tôi mới bảo cho biết!

Chúng tôi nâng ly lên.

Giáo sư Trung đưa ra hai ngón tay. Khà một hơi dài:

- Tình yêu và trí thức. Bây giờ để tôi cho hai cậu biết một công thức – Giáo sư Trung đưa tay quẹt ngang qua mép, nghiêm nghị - Đi buôn, cái đáng kể nhất là vốn ít mà lời nhiều, phải thế không? Trước tiên ta hãy nói về trí thức, tính xem từ tiểu học bước lên đại học, qua việc khảo cứu rồi đi du học, tốn biết bao nhiêu tiền của, nhưng thu hoạch được cái quái gì? Chẳng hạn như tôi, ông dựng bốn ngón tay lên - Bốn trăm đồng một tháng không bằng tên vá giầy dưới cầu thang.

Tôi an ủi ông:

- Nhưng thợ giày không thể vá cái khuyết điểm của văn hoá nhân loại.

- Văn hoá của nhân loại! – Giáo sư Trung hít mũi cười gằn – Có một thương gia hỏi tôi văn hoá bao nhiêu tiền một cân?

Giáo sư Trung bi quan ra mặt. Tôi biết ít nhất ông phải nói cả tiếng đồng hồ mới hả nên tôi len lén đưa tay ra dấu với Đức Sanh. Đức Sanh khéo léo xoay chuyển đề tài:

- Chúng tôi chưa đủ kinh nghiệm, mà tại sao tình yêu cũng bị coi rẻ vậy?

- Giản dị lắm! – Giáo sư Trung khẽ thở dài – Các cậu có biết vũ nữ nhảy một giờ đáng giá bao nhiêu không? Họ là những người đã bán rẻ tình yêu.

Tôi phản đối:

- Đó là mua bán chuyên nghiệp rồi, không thể so sánh với tình yêu chân thật được.

- Đúng! – Giáo sư Trung hớp một miếng rượu – Tình yêu chân thật cũng chẳng có giá trị gì! Chẳng hạn như ở Pháp, người Pháp biết hưởng thụ tình yêu, nhưng đó cũng là sự hưởng thụ nguy hiểm nhất.

Giáo sư Trung xua kia là du học sinh tại Pháp. Tôi nhìn Đức Sanh cười. Đức Sanh trịnh trọng lắc đầu:

- Lại từ kinh tế học sang tâm lý học rồi! Theo tinh thần nhà Phật…

- Tôi ghét nhất những luânlý của nhà Phật. Ngoài sự biến thái của tâm lý không còn cách giải thích nào khác nữa à? Những hiện tượng phức tạp, và cũng rất đơn giản, văn minh vật chất của nhân loại càng phát đạt thì văn minh tinh thần càng suy đồi thì sự thông cảm giữa hai phái yếu mạnh càng xa cách. Khi tôi ở Ba Lê tôi đã có kinh nghiệm về điều này.

Đức Sanh đã đã được mục đích, thấy dịp may đã đến, hắn liền tiếp tục hỏi vặn:

- Bác đau lòng vì đàn bà Pháp à?

Giáo sư Trung cười:

- Sai rồi, bài học này tôi có thể cho cậu một điểm, nhưng cậu phải học hỏi thêm mới được.

- Tôi không tin đàn bà Pháp bán tình yêu cho bác với giá rẻ như vậy.

- Có cần tôi đưa bằng chứng cụ thể ra không?

Lối nói khích của Đức Sanh công hiệu thật. Giáo sư Trung đưa tay mân mê vành ly rượu, sửa lại giọng nói:

- Tôi công nhận tôi chẳng hiểu tí gì về đàn bà, như tôi phải tuyên bố trước, điều này chẳng có phản lại quan niệm đạo đức chút nào cả. Hai cậu có lẽ không hiểu rằng phong tục tập quán làm cho quan niệm đạo đức di động.

Đức Sanh nâng ly lên bảo:

- Chúng tôi không thể dùng quan niệm đạo đức để nhận xét những vấn đề này. Tôi luôn luôn dùng khía cạnh hỉ kịch để nhận xét khía cạnh bi kịch của tình yêu.

- Đúng! Khi hỉ kịch bắt đầu là bi kịch phải cuốn gói. Cậu biết thưởng thức cái văn minh của thế kỷ hai mươi lắm. Giờ đây tôi có thể bật mí với các cậu một chuyện này… Thôi bỏ qua đi, món nợ hai mươi năm về trước không tính xuể đâu.

- Không ai tìm bác để đòi nợ đâu! - Đức Sanh ân cần rót một ly rượu cho ông - Nếu chuyện tình này hấp dẫn thật, lần sau tôi sẽ mang chai rượu đã năm mươi năm ra để nhậu chơi.

- À, cậu đã ký hai “chi phiếu ma” cho tôi rồi. Lần này phải đàng hoàng đấy nhé! Cũng may là mấy thằng bạn già của tôi không có ở đây nên chẳng có ai đối chứng cái bí mật này!

Đức Sanh lấy khuỷa tay thúc thúc tôi, bảo tôi hãy nghe cho kỹ.

- Đó là lần thất bại về tình yêu thứ mười hai của tôi. Giáo sư Trung thoáng trầm ngâm, bấm đốt ngón tay – Con số mười ba xui xẻo lắm, đúng không, thanh niên trong thời đại này như các cậu có lẽ không tin.

Đức Sanh lại ra dấu ngăn tôi, đừng làm mất nguồn cảm hứng của giáo sư Trung.

- Tôi nhớ rất rõ, hôm ấy là đêm Giáng Sinh không nhớ năm nào. Trên khung cửa của một quán rượu nghèo nàn ở khu La Tinh, dán rất nhiều tranh Giáng sinh.

Đức Sanh thêm hào hứng:

- Bao nhiêu mối tình đẹp đều xảy ra vào đêm Giáng sinh.

Giáo sư Trung hơi buồn, ông nhìn thoáng qua song cửa, nói:

- Mưa tuyết ở Ba Lê đến rất sớm, vâng! Những khối tuyết đêm ấy đúng là lớn nhất mà mắt tôi đã trông thấy. Chúng tôi tất cả đều nghèo rớt mồng tơi, chỉ đủ tư cách ngồi bên cạnh lò sưởi của quán rượu để sưởi ấm, uống rượu, tán láo và nghe chương trình lễ Giáng sinh. À, đúng rồi! Các cậu đều từ phương Bắc đến đây, chắc lău lắm chưa được thấy cảnh tuyết rơi rồi nhỉ!

Chúng tôi cùng gật đầu:

- Cái hứng ngồi uống rượu trong đêm mưa tuyết thú vị lắm…- Giáo sư Trung như chìm đắm trong dĩ vãng.

Đức Sanh lái câu chuyện về ý mình:

- Tôi chắc chắn bác đã gặp một thiếu nữ Pháp ngay tại quán rượu đó, phải không?

- Ừm! Cậu thông miinh lắm! Cô ta là con gái của lão chủ quán… Một goá phụ trẻ.

Đức Sanh thêm:

- Ồ! Đúng là cô gái bán rượu như Trác Văn Quân(*). Cô ấy đẹp lắm mới đúng.

- Chẳng những chẳng đẹp tí nào cả, mà còn lạnh nhạt vô tình nữa. Chúng tôi đã tặng nàng một biệt hiệu là “cánh hoa hồng gai góc”. – Giáo sư Trung lắc đầu – Sinh viên ở khu La Tinh chẳng ai dám trêu tới cô ta, thật sự thì cô ta chẳng có chỗ nào đáng để ý tới cả.

- Có thể bà ta đã yêu bác cũng nên. - Đức Sanh cố ý nói khích. - Rất có thể, bà ta là vai chính trong câu chuyện này.

- Không! Nàng đã chủ động theo đuổi tôi… Dù ai trước ai sau, cách luyến ái ở Pháp không chú trọng tới, họ cho đó là một sự tự nhiên, một sự kiện kinh tế. Không biết nguyên lý của kinh tế học không dễ gì hiểu được triết lý của tình yêu cận đại. – Giáo sư Trung đắc ý bật cười.

- Nhưng tôi hiểu cái lý lẽ đơn giản của hai giống khác phái!

- Đúng rồi, đúng rồi! Chân lý luôn luôn ở sự tầm thường, nhưng khi đến miệng mồm của các học giả thì nó lại biến thành những gì không thể đo lường được! – Giáo sư Trung bỗng buồn bã thở dài – Nhưng lần đó tôi đã phản bội truyền thống, cũng như bài luận kinh tế tôi viết hôm trước, có rất nhiều điểm không giống với Adam Smith.

Đức Sanh nâng ly hướng về giáo sư Trung nói:

- Sao vậy? Bác nói tiếp đi, bác Trung, nhưng đừng quên trữ một hớp rượu trong cổ họng.

Giáo sư Trung thấp giọng nói:

- Lần đó vì đánh cuộc, điều kiện đánh cuộc là bữa cơm Giáng Sinh thịnh soạn. Mấy thằng bạn hư đốn chế nhạo tôi, bảo tôi hết khả năng để yêu đương, dĩ nhiên là tôi không đồng ý, nên tôi bảo chúng hãy chờ xem, nếu có một thiếu nữ nào bước vào quán. Nhưng mưa tuyết như thế, ai thèm ra ngoài để làm gì. Mãi đến khuya mà cũng chẳng có đến một tên ăn mày bước vào quán. Trong quán ngoài cô con gái của chủ quán ra chẳng còn đến một con ruồi cái nữa.

Đức Sanh nóng nảy hỏi dồn:

- Rồi sao nữa?

Giáo sư Trung chẳng thèm đếm xỉa đến Đức Sanh, vẫn chậm rãi kể tiếp:

- Có người xúi tôi quyến rũ nàng, nhưng tôi biết nàng và anh cả của chúng tôi có liên lạc rất thân mật, tôi không thể phá thối mối tình đó.

Đức Sanh lại xen vào:

- Anh cả phản đối à?

- Không! – Giáo sư Trung lắc đầu nói: - Anh ấy có nhiều tham vọng. Các cậu đã biết, chính khách không bao giờ buôn tha kẻ địch, nhưng đối với đàn bà ông ta chẳng chút bận tâm.

Đức Sanh cười:

- Bác bị gai hồng rồi!

- Không! Đúng là tôi gặp may. Bọn chúng nghĩ ra cho tôi một kế là ép lão chủ quán uống cho say mèm, để tạo cơ hội cho tôi tán tỉnh con gái lão. Và dĩ nhiên, lũ quỷ này tự động rút lui để cho tôi “mần ăn”.

- Hai cha con họ không biết mưu kế của các bác sao?

- Chúng tôi bàn cãi với nhau bằng tiếng mình còn hữu hiệu hơn là dùng gòn nhét vào tai họ nữa. Lão uống rượu và ca hát thoả thích cho đến khi say như cục đất. Người không uống say chỉ có tôi và hoa hống thôi.

- Nàng tên gì?

- Tên của nàng rất dài, khó nhớ lắm.

- Bác làm sao tán tỉnh nàng được vậy?

- Lũ ma say kia đề nghị ra ngoài phố chúc lành mọi người chỉ để một mình tôi ở lại.

Đức Sanh vui vẻ hỏi:

- Thế là bác bắt đầu gợi chuyện với nàng à?

- Không, chính nàng đã nâng ly với tôi trước! – Giáo sư Trung cũng nâng ly lên – Nàng nói rằng, “Anh Trung, tôi mời anh một ly, không phải ghi sổ, tôi biết các anh nghèo đến đỗi cả gà lôi cũng không có tiền mà ăn!”.

- “Tôi mới trả lời là trừ phi ông già Nôel biếu cho tôi, tôi mới nhận. Tôi không cần người khác thương hại, gia đình tôi rất giàu có, tài sản của tôi ở quê nhà có thể mở cả trăm cái quán như vầy. Hơn nữa, mỗi quán đều có chỗ để biểu diễn thoát y vũ!”.

- Nàng lạ lùng hỏi tôi, “Thế sao anh không đến các hộp đêm sang trọng?”.

- Tôi nói “Đất nước tôi hiện đang chiến tranh, như nước Pháp của cô vào thế kỷ mười sáu. Cô nhân từ lắm, thưa cô, tôi xin cảm ơn cô đã tặng rượu cho tôi”! – Giáo sư Trung cũng uống luôn một ngụm – “Trong tương lai tôi mong sẽ có dịp đưa cô thăm xứ sở tôi”.

- Nàng kêu lên sung sướng và vòng tay qua cổ tôi, khẽ tặng một nụ hôn rồi kề tai tôi thì thầm “Tôi rất sung sướng được đi thăm quê hương của các anh. Vợ anh cũng đang mong anh phải không?” Giọng nói nàng thật dịu dàng.

- “Tôi chưa kết hôn!”. Tôi giả vờ làm ra vẻ ngượng ngùng.

- “Ở xứ anh trai gái yêu nhau như thế nào? Chẳng lẽ đàn ông các anh phải đợi cho đàn bà theo đuổi à?”.

- “Chúng tôi không phải bận tâm đến vấn đề ấy, đã có cha mẹ chúng tôi sắp xếp mọi việc cho chúng tôi, và có người chuyên làm mai cho đôi lứa!”.

- “Không phải như ong bướm chuyên hút nhuỵ, hoặc sự gây giống nhân tạo trong đồng cỏ à? Cách thức này không thể chấp nhận ở đây đâu nhé! Anh Trung, anh sẽ phải ôm ấp hình bóng của mình mãi mãi rồi”.

- Tôi vờ tán đồng ý kiến của nàng và buông tiếng thở dài, nói lảng đi: “Bên ngoài tuyết rơi nhiều quá nhỉ!”.

- “À! Ngưng rồi!” Nàng bước tới mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài.

- “Thế thì, tôi phải về thôi!”. Tôi vừa tìm mũ và áo khoác vừa nói, sau cùng nhét khăn choàng vào cổ áo.

- Nàng nhìn tôi đăm chiêu: “Anh quên chúc tôi rồi”.

- “Chúc cô một đêm Giáng Sinh vui vẻ!”.

- “Anh không chúc tôi ngủ ngon, không hôn tay tôi à!”.

- Giữa lúc tôi cúi đầu hôn nàng, nàng bỗng choàng tay qua cổ tôi, kề tai tôi nói: “Anh thật ngốc, tuyết rơi nhiều quá, phòng tôi ấm lắm!”. Qua hôm sau, tôi cắm đoá hoa cài tóc của nàng đi dự buổi tiệc Giáng Sinh thắng cuộc.

Đức Sanh lên tiếng:

- Câu chuyện này chưa thể kết luận! Vả lại, bác chưa nói rõ tại sao cô gái Pháp kia lại chung tình với bác?

- Dĩ nhiên là có nguyên nhân, gác lại đó sau hãy nói tiếp! – Giáo sư Trung nhìn tôi cười – Đương nhiên, câu chuyện này không giống như tiểu thuyết, tôi chỉ muốn chứng minh tình yêu rẻ mạt chứ không đắt đỏ gì đâu. Cậu có quyển nào đề tài như vậy chưa?

Tôi lắc đầu:

- Tôi không thích loại này, nhưng tôi biết nó sẽ gây hứng thú cho Sagan.

- Nếu cậu muốn phát tán, cậu có thể viết thành chuyện phím bán cho Hoa Kỳ hay Nhật Bản.

Chúng tôi nhìn nhau bật cười. Trong tiếng cười, tôi nghe cô Phụng từ nhà bếp lớn tiếng gọi vọng ra:

- Bây giờ có thể dọn cơm ra chưa?

Chú thích:

(*) Trác Văn Quân: Con gái Trác Vương Tôn, người huyện Lâm Cùng nhà Hán. Tư Mã Tương Như si mê, dùng tiếng đàn quyến rũ nàng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx