Gió hiu hiu thổi, sóng nhè nhẹ đưa, cát biển thật êm, biển cả mơ mộng, dịu dàng.
Xe ngừng tại con đường tiếp cận với bãi biển, Bạch Lộ thẹn thùng nói:
- Anh xuống xe, tôi thay đồ nhé!
Tôi bước đến dưới một cây dừa, đứng ngắm bãi biển nên thơ. Trên biển có một chiếc tàu để trượt nước, cạnh tàu có vài người đang tắm. Có lẽ bọn này có hẹn trước với Bạch Lộ. Trong lúc tôi đang ngẫm nghĩ, Bạch Lộ liến thoắng bảo tôi.
- Xong rồi, anh có thể quay lại được rồi đấy!
Tôi quay lại, Bạch Lộ đã thay xong áo tắm đứng bên cạnh xe. Bộ áo tắm màu đen, có thêu một đóa hồng đỏ thắm to tướng.
- Cô có cần tôi đưa cô xuống bãi không?
- Cám ơn anh, đã có bạn tôi rồi! Anh có thích đi dạo không? Nếu không, trên xe có sách, có tập nhạc, chocolate và giấy vẽ đó.
- Tôi phải đợi cô bao lâu?
- Không lâu lắm đâu, tôi có lỗi với anh quá! – Nàng ái ngại – Nếu anh thấy buồn thì mở radio nghe, nếu có nghe tin bão thì anh bấm kèn cho chúng tôi nghe. Nơi đây không phải là bãi tắm chính thức nên không treo cờ đỏ đâu.
- Còn việc gì nữa không?
- Không! – Nàng vẫy tay bước đi, đợi vài bước nàng lại quay lại – Trên xe có ống nhòm đó, anh có thể nhìn tôi trượt nước.
Bạch Lộ nhún nhẩy bước đi, như cố tình làm dáng với tôi. Bốn thanh niên chạy ùa về phía nàng, người thì huýt sáo, người thì vỗ tay. Một trận cười hoan hỷ theo gió biển đưa sang.
- Hoàng hậu muôn năm!
Bạch Lộ đứng trên vai một người, vẫy tay với tôi. Tôi cũng đưa tay vẫy lại thì nàng nhún người phóng xuống nước, bơi về chiếc tàu như bầy vịt. Bạch Lộ dẫn đầu, bốn người kia cũng bơi theo sát nàng.
Tôi cầm ống nhòm lên
Tiếng máy nổ, bọn thanh niên đều trèo cả lên thuyền. Bạch Lộ đã vững vàng lên ván trượt nước. Nàng vẫy tay với tôi, bông hoa hồng trên ngực nàng lần hồi xa dần, nhỏ dần.
Bọn thanh niên ngày nay biết hưởng tuổi xuân của họ! Tôi nhìn những ngọn sóng tủa ra và nhớ lại thuở còn là học sinh của mình… Chiến loạn, đói rét và học hành lén lút trong hầm trú ẩn. Ngày nghỉ, chúng tôi chỉ biết mò tôm tại những con rạch tanh hôi, hoặc là lội bộ vài chục cây số để đi xém hát bội là hết.
Tôi cầm lấy một quyển sách, một quyển tiểu thuyết dịch thuật của Sagan và chán nản buông xuống. Quyển thứ hai là một tập truyện được cắt trong báo và đóng tập lại, “Thế giới của Suzie Wong”
Tôi không thích đọc loại sách này, hơn nữa, nó cũng không thích hợp với cảnh thơ mộng tại đây. Cái thú đọc sách của Bạch Lộ phức tạp thật. Và tôi thấy một quyển sách của Heminway, “Ngư ông và biển cả”.
Tôi ngơ ngẩn nhìn bìa sách và liên tưởng đến cảnh tượng ngay trước mắt. Tại đây, bọn thanh niên đang vui thú với biển cả như một quyển sách sống. Tôi cũng không hứng thú đọc sách nữa và lấy một miếng chocolate cho vào miện và tiện tay lấy tập nhạc lên.
Tôi say sưa hát mãi cho đến khi ráng chiều đỏ rực đâm vào mắt tôi, tôi mới ngẩng lên. Ánh tà dương đã quấn đỏ mặt biển, vùng chân núi gần đó xanh tươi hơn. Xa xa, hai chiếc tàu lướt nhẹ trên mặt biển, một trước, một sau rẽ nước lao nhanh. Nhờ ống khói, tôi thấy chiếc trước là của bọn Bạch Lộ, phía sau là chiếc ca nô đuổi theo.
Hai chiếc dần dần đi vào bờ. Chiếc ca nô theo sau có hai tên lính thủy Hoa Kỳ, một đen một trắng.
Tình hình này thì dường như không hay rồi! Bạch Lộ cũng khua tay múa chân gì đó rồi cả bọn bơi vào bờ.
- Rose! – tên thủy thủ da trắng cố bơi theo.
Tôi bước xuống bậc thang, trên bãi biển có mấy cặp tình nhân cũng tiếp đến xem, tôi đến một tảng đá ở gần đó, ngồi xuống. Bạch Lộ đang nói gì đó với mấy cậu thanh niên kia, nàng xua tay liên hồi. Một thanh niên nói tiếng Anh sang sảng:
- Cút, nếu bước thêm bước nữa tao đập bể mặt mày.
Hai tên thủy thủ vẫn chạy tới, tên da đen vừa chạy vừa chửi loạn:
- Bọn khỉ da vàng kia! Nàng là bạn của tụi tao.
- Rose! – tên thủy thủ da trắng hổn hển – Cô không nhớ tôi sao?
Bạch Lộ gắt:
- Tránh ra, tránh ra mau!
- Đồ hôi hám! – tên da trắng giận giữ chụp đến.
- Sao láo quá vậy! – Bạch Lộ núp sau một thanh niên vạm vỡ. Thanh niên đó lập tức tấn công, chụp ngay chân của tên thủy thủ da trắng quật ngã hắn bằng một thế nhu đạo rất đẹp mắt.
- Giỏi thật! – Tên thủy thủ da trắng nằm dưới đất, quay sang tên da đen ở phía sau lớn tiếng hét – Móc trái nó.
- Vâng, thưa sếp! – nói xong, hắn xông vào một thanh niên yếu đuối. Tên này nhanh tay vốc một nắm cát ném thẳng vào mặt tên thủy thủ da đen. Nhân lúc tên da đen đang dụi mắt, hắn lộn sang chụp bàn chân đen đúa.
- Đánh chết bọn này đi! – Bạch Lộ đứng một bên giận dữ - Cho nó câm hết mồm dám chửi người khác nữa.
Tên da trắng vừa đứng dậy lại bị người thanh niên vạm vỡ chộp ngay quật cho một cú lộn mèo và tặng thêm một cái tát tai nảy lửa.
- Đập vào miện nó cho tôi! – Bạch Lộ khoái chí – Cho gãy mấy cái răng chó đi!
Một quả đấm tống thẳng cánh tay vào miệng tên thủy thủ da trắng. Tên da trắng đưa tay chùi máu ở mép môi, miệng gọi:
- Chircy, đến giúp tao mau!
- Đôi mắt tôi bị thằng quỷ làm mù mất rồi! – Tên da đen giận dữ gầm thét, vung một cánh tay để tự vệ, cánh tay còn lại bụm chặt đôi mắt đau. Tên thanh niên ốm yếu chạy không ngừng xung quanh tên da đen, và ném cát vào mặt hắn.
- Đến đây mau! Tao ra lệnh cho mày! – Tên da trắng bị quật ngã đến lần thứ bảy ra lệnh cầu cứu tên da đen, ngay khi đó, tên da đen quờ quạn đấm một quyền trúng ngay miệng sưng húp của tên da trắng. Tên da trắng nằm thẳng cẳng trên bãi cát, có lẽ cát trong mắt đã đỡ làm đau, tên da đen khom xuống vác bạn mình lên vai, miệng lẩm bẩm bước thẳng đến chiếc ca nô của chúng. Bên Bạch Lộ vang lên tiếng reo chiến thắng, một tên thanh niên reo lên:
- Lên thuyền mau! Chắc chắn chúng sẽ báo với lính tuần duyên. Bạch Lộ! Cô có đi cùng chúng tôi không?
- Tôi có xe rồi! – Bạch Lộ lạnh lùng lắc đầu, ngồi lom khom trên bãi cát. Xem xong một trận đấu như trong phim, tôi nhìn theo hai chiếc thuyền một đông một tây đến khuất hẳn mà Bạch Lộ vẫn còn ngồi trên bãi cát bất động.
Tôi bấm còi, Bạch Lộ mới giật mình ngẩng đầu lên, đưa tay chào tôi và từ từ bước tới bờ biển rửa tay. Một hồi sau, nàng mới chậm rãi bước lên:
- Anh trông thấy cả rồi chứ? – Bạch Lộ đã thay áo xong, đến ngồi vào tay lái, nhìn vào kính chiếu hậu để trang điểm.
- Lúc đầu tôi sợ phe cô bị thua, nhưng khi đụng nhau thì tôi đã yên tâm đứng xem.
Bạch Lộ biết tôi không bằng lòng về việc vừa xảy ra nên ngắt lời:
- Không sao anh, anh kia mới học nhu đạo ở bên Nhật về. Một mình anh ta cũng đủ thắng hai tên ma men khốn khổ đó rồi.
- Sao lại xảy ra chuyện xung đột vậy?
- Nói ra thật buồn cười – Bạch Lộ vừa chải đầu vừa nói – Tôi có quen với tên thủy thủ da trắng kia, hôm nào nó cũng đứng trước cửa nhà tôi huýt sáo và nói năng ấm ớ chẳng ra gì.
Tôi nhớ hôm qua đến thăm mẹ nàng, tôi có thấy một sĩ quan hải quân trẻ tuổi.
- Tôi gặp hắn trò chuyện với bác gái ở nhà cô!
- Nó định gạt gẫm, mượn tiền mẹ tôi nữa, anh xem có đáng tội không chứ?
- Cảnh cáo hắn là được rồi!
- Cảnh cáo chẳng có ích gì đâu – Bạch Lộ đắc ý – Chắc chắn không bao giờ thấy mặt hắn bén mảng ở nhà tôi nữa.
- Tại sao chúng lại gọi cô là Rose vậy?
Bạch Lộ thoáng ngẩn người, cắn lấy bút kẻ lông mày, như chợt nhớ ra điều gì, nàng nói:
- Có lẽ nó thấy đóa hoa hồng trên áo tắm của tôi, nên nó gọi như vậy chứ có biết tên tôi đâu!
- À thế! Mấy tên thủy thủ này cũng lỗ mãng quá.
- Vì vậy tôi mới phải cho chúng một bài học, cho chúng biết là con gái Hương Cảng không dễ gì bắt nạt đâu.
- Cô cố tâm rủ bọn kia đến đây để trả thù bọn chúng à?
- Không! Chúng nó đã theo tôi đến đây. Anh không nhìn thấy chiếc ca nô sao?
- Vâng! Bất luận như thế nào, ẩu đả cũng là một hành vi không văn minh cho lắm.
Bạch Lộ hỏi ngược lại tôi:
- Anh tưởng thế giới này văn minh lắm à?
- Ý tôi nói là hành vi này không thích hợp với cô.
- Đó là sản vật của xã hội văn minh này! Thực tế thì từ loài khỉ đến loài người, loài người chúng ta cũng chẳng có tiến bộ gì cho lắm, còn dã man hơn cả con người nguyên thủy.
- Nhận xét của cô có lẽ hơi thiên lệch đấy! Nó thuộc về phương diện giáo dục, cô không nên vơ đũa cả nắm chứ!
- Không! Gần như là một nửa loài người – Bạch Lộ đã kẻ xong lông mày và lấy ra một bàn chải nhỏ để chải lông mi – Một nửa còn lại là những người bị áp bức hay bị hạ nhục. Một cách công khai hay lén lút, chẳng hạn như có người dùng tiền để áp bức kẻ khác và cũng có người vì tiền mà bị hãm hại.
- Tôi hiểu ý cô rồi.
- Anh không thể hiểu được đâu! – Bạch Lộ bỏ chiếc bàn chải xuống bật cười ha hả - Thật ra anh cũng là một kẻ bị áp bức, thật buồn cười, mình bị áp bức mà cũng không biết.
Tôi ngơ ngác đăm đăm nhìn nàng:
- Này nhé, anh tốn tâm huyết để viết văn nhưng anh thu hoạch được bao nhiêu? Người khác chỉ cần một cú điện thoại là đã có hàng vạn bạc rồi.
- Nhưng cô đã quên mất đó là nghề chính mà tôi chọn. Ví dụ của cô không thích đáng cho lắm.
- Sao lại không? – Bạch Lộ đang tô môi nhưng cũng cố cãi lý.
- Sao?
- Họ dùng những thủ đoạn dã man để làm giàu, khi có tiền thì họ có thể mua danh nghĩa. Còn các anh, bọn họ sẽ chế nhạo các anh một cách cay độc là những động vật bò trên ô vuông (*)
(*) Chữ Trung Hoa viết trong ô vuông.
- Tôi không tin, mọi người đều hiểu ai là kẻ cống hiến nhiều cho xã hội.
- Để rồi xem! – Bạch Lộ ngắm vào gương cười nói – Rất giản dị. Tâm lý quần chúng thay đổi quan niệm ngay với kẻ giàu có. Họ tung tiền để mua sự tôn sùng. Vì nguyên nhân tôn sùng kẻ làm ra tiền, báo chí và tạp chí đều trở thành công cụ tuyên truyền của kẻ giàu có. Còn về những văn gia và khoa học gia đều do họ bồi dưỡng mà nên, đương nhiên thuộc về công lao của họ. Rất giản dị, một tên phú thương du lịch, mở tiệc hay cưới vợ đều được báo chí đăng tải rầm rộ, nào là tin tức, hình ảnh lung tung. Nhưng còn nhà văn thì sao? Khi một đại văn hào Anh quốc đến Hương Cảng, hơn một nửa báo chí ở đây cả đến một dòng cũng không có.
Mặt tôi nóng bừng, tôi châm một điếu thuốc.
- Cô khéo ví dụ lắm, tuy nhiên những điều này không thể nào thay đổi giá trị của bản thân, thương gia vẫn là thương gia và văn gia vẫn giữ giá trị của văn gia. Sao cô không dùng Hemingway mà ví dụ?
- À! – nàng chúm chím cười, chỉ quyển sách đặt trên đầu gối tôi – Anh đã xem quyển này rồi, phải không?
- Những ai đã xem qua sách của Hemingway đều phải khâm phục ông ta. Tôi, cô hay những người sau, vinh dự của Hemingway mãi mãi được tồn tại. Cô có biết người đàn bà giàu nhất trong thế kỷ mười tám không? Cho dù cô còn nhớ, cô có đặt một bó hoa lên mộ bà ta không? Trừ phi tổ tiên cô đã mắc nợ bà ta.
Bạch Lộ dường như không nghe tôi nói, nàng chỉ chăm chú thoa môi nhưng nàng quay sang tôi, lắc đầu:
- Tôi tranh luận không lại anh, sự mơ tưởng của anh đã duy trì quan điểm của anh. Nhưng hạng người không có lí tưởng như tôi chỉ biết có thực tế, và thực tế đã duy trì quan điểm của tôi. Anh không hiểu nỗi khổ tâm của những kẻ bị hạ nhục và bị chèn ép, cả đến nhân cách và linh hồn của họ cũng bị chà đạp, bi thảm nhất là ngay cả họ cũng nhận ra mình là một tội nhân, mà nói cho cùng họ cũng là tội nhân thật.
- Nhưng cũng có cái mà tiền bạc không thể mua được!
- Anh nói dễ nghe thật! – Nàng chỉ một cuốn sách khác – Anh đã xem quyển “Thế giới của Suzie Wong” rồi chứ?
- Tôi chỉ xem phim thôi.
- Suzie Wong chính là một thí dụ cụ thể. Với hạng người này, anh có nhận xét thế nào?
- Rất đáng thương.
- Anh cho rằng hạng đàn bà này đều vì tiền sao?
- Dĩ nhiên! Nếu nàng kiếm đủ tiền nuôi con thì tôi tin rằng nàng sẽ không bị sa ngã.
- Anh tưởng rằng ngôi nhà của nàng cũng rất đáng tội sao?
Tôi gật gật đầu
- Anh có biết ở đây còn có một hạng Suzie Wong, nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, nhưng chúng vẫn làm những việc đê tiện như vậy không?
- Nếu chỉ vì hưởng thụ thì nhân cách của hạng người đó không đáng cho ta nói tới.
- Thế nào, anh không thương hại cho họ chứ? – Bạch Lộ cười - Anh có thấy những tên ăn mày ở trước cửa tửu lầu ăn mặc rất sạch sẽ không?
- Đó là một thủ đoạn ăn xin.
- Đúng! Đối với cái xã hội này anh cũng chưa đến nỗi hoàn toàn xa lạ - Nàng đưa tay vuốt mớ tóc bị gió thổi tung – Anh có biết có một hạng Suzie Wong, có đầy đủ tiền bạc mà vẫn làm những việc nhục nhã không?
- Tôi nghĩ không có chuyện đó đâu.
- Có chứ! Có lẽ họ còn đáng thương hại hơn cả những hạng gái vì cuộc sống mà phải bán trôn nuôi miệng.
- Tại sao vậy?
- Anh không hiểu đâu. Sau này tôi sẽ cho anh một đề tài để anh sáng tác.
- Sao bây giờ lại không?
- Tôi muốn anh suy nghĩ trước, bằng không anh sẽ không tôn trọng nhân cách của hạng người đó đâu.
- Được rồi. Tôi xin cảm ơn cô trước. Mẩu chuyện của cô hẳn là sâu sắc hơn ảo tưởng.
- Mong rằng anh sẽ viết được một tác phẩm có giá trị thực sự.
Nàng chìa tay bắt tay tôi. Tôi chợt nhìn thấy trên cườm tay của nàng có dấu màu đỏ tươi, tôi liền nói:
- Cườm tay cô bẩn rồi kìa.
Nàng đưa mắt nhìn xuống, thản nhiên nói:
- Đó là máu, tôi rửa chưa được sạch.
- Cô có bị thương không?
- Máu của tên lính thủy đấy!
- Sao?
- Nó bị đấm gãy răng, tôi nhặt một miếng làm kỷ niệm.
- Cô tinh nghịch quá! – Tôi dở khóc dở cười – Sao không lấy chiếc mũ trắng của hắn có hơn không?
- Anh không hiểu. Mũ trắng của chúng là cờ xí, nhưng răng là vũ khí.
Nàng phá lên cười và lấy khăn lau nhẹ vết máu trên cườm tay, và lại dùng ngay khăn đó cột tóc.
- Thôi, bỏ chuyện này đi. Tôi sửa soạn như vậy có được không?
- Đẹp lắm! – Tôi ngắm nghía nàng trong giây lát.
@by txiuqw4