sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tôi đã tập hôn như thế nào - Phần 3a

TÌNH CẢM GIA ĐÌNH

Gia đình – đó là một con bạch tuộc yêu dấu mà ta không bao giờ có thể thoát khỏi những chiếc xúc tu của nó, hoặc giả, trong tận đáy lòng mình, ta cũng không bao giờ có ý nghĩ phải xa rời nó.

Dodie Smith

Mẹ đã không bỏ cuộc

Mẹ không một lần bỏ cuộc. Mẹ chính là người hùng của lòng tôi.

Kimberly Anne Brand

Tôi nằm dài trên nền nhà, giận dỗi đá hai chân và hét lên cho đến khi khan cả giọng – nguyên nhân chỉ vì người mẹ nuôi bảo tôi phải dẹp đồ chơi đi.

Tôi hét thật to: “Con ghét mẹ lắm”. Lúc đó tôi chỉ mới sáu tuổi và không hiểu tại sao lúc nào mình cũng dễ cáu giận.

Tôi bắt đầu sống trong tình yêu thương của mẹ nuôi từ năm lên hai. Mẹ ruột tôi không thể nào chăm sóc nổi sáu chị em tôi, vì không có cha cũng như không còn người thân thuộc nào cưu mang, nên mấy chị em tôi đã được gửi nuôi trong những gia đình khác nhau. Tôi cảm thấy thật cô đơn, bối rối và lạc lõng bên cạnh những người xa lạ, nhưng không biết phải thổ lộ thế nào cho người ta hiểu rằng mình đang rất đau khổ. Vì thế, phản ứng duy nhất của tôi l

Do tôi lúc nào cũng sẵn sàng gây sự, nên cuối cùng người mẹ nuôi lúc đó đã trả tôi lại cho trung tâm giao nhận con nuôi, như người mẹ nuôi thứ nhất đã làm. Điều đó gieo cho tôi mặc cảm mình là một đứa con gái đáng ghét nhất trên thế gian này.

Năm lên bảy, khi tôi đang sống chung với cha mẹ nuôi thứ ba thì gặp bác Kate.

Nghe mẹ nuôi bảo bác Kate đang sống một mình và muốn có một đứa con nuôi, tôi không hề nghĩ rằng bác ấy lại có ý chọn tôi. Thật tôi không thể tưởng tượng được có ai đó muốn sống suốt đời với tôi.

Một hôm, bác Kate đưa tôi đến một trang trại trồng bí đỏ. Trong lúc hai bác cháu vui đùa bên nhau, tôi không hề nghĩ rằng tôi sẽ có cơ hội được gặp lại bác.

Vài ngày sau, một nhân viên hoạt động xã hội đến nhà tôi bảo rằng bác Kate có ý định nhận tôi làm con nuôi. Rồi cô hỏi tôi muốn sống với một người mẹ nuôi độc thân hay phải có đầy đủ cha mẹ như hiện nay.

Tôi nói: “Con chỉ muốn sống với người nào đó thật sự yêu thương con mà thôi.”

Ngày hôm sau mẹ Kate đến. Mẹ nói là cần phải mất một năm để hoàn thành thủ tục xin con nuôi, nhưng ngay bây giờ tôi có thể đến ở với mẹ. Tôi sung sướng quá nhưng cũng có phần e ngại. Mẹ Kate và tôi hoàn toàn chưa biết hết về nhau, nên một mai kia, khi đã hiểu rõ tôi rồi, mẹ có đổi ý chăng.

Thế mà mẹ Kate cũng đọc được suy nghĩ của tôi. Mẹ âu yếm ôm tôi và nói: “Mẹ biết rằng con đã chịu nhiều đau khổ, mẹ cũng biết con đang sợ hãi. Nhưng mẹ hứa sẽ không bao giờ gửi con đi đâu nữa. Bây giờ chúng ta đã là người một nhà rồi.”

Nói đến đây, đôi mắt mẹ đẫm lệ khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Bất giác, tôi nhận ra rằng chính mẹ cũng đang cô đơn như tô. Tôi xúc động đáp: “Vâng… thưa mẹ.”

Tuần sau đó, tôi đã được gặp ông bà ngoại, các cậu, dì và anh em họ. Tôi cảm thấy thật kì lạ, đồng thời lại rất sung sướng, khi lần đầu gặp gỡ những người hoàn toàn lạ lẫm nhưng dường như đã yêu thương nhau tự thuở nào vậy.

Đêm đó, tôi đã thầm cầu mong sẽ mãi mãi gắn bó với gia đình này và an tâm ngủ một giấc ngon lành.

Mẹ đã dành cho tôi một cuộc sống đầy đủ nhất. Mẹ đưa tôi đi nhà thờ, cho phép tôi nuôi những con thú cưng, tập cho tôi cưỡi ngựa và chơi dương cầm nữa. Ngày nào mẹ cũng nói với tôi những lời yêu thương ngọt ngào. Tuy nhiên thế vẫn chưa đủ để xoa dịu những vết thương lòng của tôi. Tôi vẫn thấp thỏm chờ ngày mẹ thay đổi quyết định của mình. Tôi nghĩ rằng: “Nếu như mình quá quắt, thì thế nào mẹ cũng sẽ gửi trả mình như những người khác thôi.”

Vì thế tôi cố gắng làm cho mẹ bực mình trước khi mẹ làm tôi đau khổ. Tôi luôn cố làm ra vẻ giận dỗi và nổi cơn thịnh nộ khi có ai đó làm trái ý tôi. Tôi thường đóng cửa rất mạnh. Nếu mẹ cố ngăn cản, tôi sẵn sàng húc vào bà. Nhưng chưa bao giờ mẹ mất kiên nhẫn. Mẹ thường ôm tôi vào lòng và âu yếm vỗ về tôi. Mỗi khi tôi nổi khùng, mẹ bảo tôi hãy nhảy trên tấm nệm lò xo cho hả giận.

Do phải chuyển trường khi về ở với mẹ, việc học tập của tôi có phần giảm sút, vì thế mẹ rất nghiêm khắc kèm tôi làm bài tập về nhà. Một ngày kia khi tôi đang xem tivi, mẹ bước vào tắt ngay với lí do: “Con không được xem tivi khi chưa làm xong bài tập”. Thế là tôi nổi dóa lên, ôm tất cả tập vở của mình, vừa ném khắp phòng vừa gào lên: “Con ghét mẹ và con không muốn sống ở đây thêm ngày nào nữa cả!”

Sau đó, tôi chờ để nghe mẹ bảo tôi thu dọn đồ đạc. Chờ mãi chẳng thấy, tôi mới hỏi: “Mẹ không muốn gửi con về lại chỗ cũ sao?”

Mẹ nói: “Mẹ không thích cách cư xử của con, nhưng mẹ sẽ không bao giờ gửi con về chỗ cũ đâu. Chúng ta là người một nhà, và đã là người một nhà thì không bao giờ ghét bỏ nhau

Tôi suy nghĩ mãi về câu nói của mẹ. Mẹ Kate của tôi không giống như những bà mẹ nuôi khác, nghĩa là mẹ sẽ không bao giờ gửi trả tôi, vì mẹ thật sự yêu thương tôi. Còn tôi nhận ra rằng mình cũng yêu mẹ không kém. Thế là tôi đã ôm chầm lấy mẹ mà khóc.

Năm 1985, khi mọi thủ tục xin con nuôi đã hoàn tất, cả gia đình tôi tổ chức ăn mừng tại một nhà hàng. Thật là vui khi có được một chỗ nương tựa êm ấm, nhưng tôi vẫn cứ lo âu. Liệu có người mẹ nào thương tôi mãi mãi không? Có thể lúc này tôi không nổi cơn, nhưng rất có thể vài tháng sau đó, tôi lại trở chứng thì sao?

Giờ đây tôi cảm thấy thật hạnh phúc hơn lúc nào hết khi mẹ đã không từ bỏ tôi. Hiện nay tôi đã 16 tuổi. Điểm trung bình học tập của tôi là 3.4, tôi có một con ngựa tên là Dagger’s Point, bốn con mèo, một con chó, sáu con bồ câu và một con ễnh ương sống ở cái ao sau nhà. Chả là vì tôi luôn mong ước sẽ trở thành một bác sĩ thú y.

Mẹ và tôi rất thích cùng nhau làm việc, đi mua sắm và tập cưỡi ngựa. Chúng tôi đã cùng mỉm cười thú vị khi có ai đó nói trông hai mẹ con sao mà giống nhau quá. Chắc chắn họ không thể tin rằng mẹ không phải là mẹ ruột của tôi.

Khi lớn lên, tôi cũng sẽ có một gia đình với những đứa con, nhưng nếu mọi việc không như ý muốn, tôi cũng xin con nuôi như mẹ tôi vậy. Tôi sẽ chọn một đứa bé cô đơn, hay sợ hãi và cũng sẽ không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc.

SHARON WHITLEY

Trích từ tạp chí WOMANS WORLD

Ngà

Khi ngồi cạnh cửa sổ tận hưởng ánh nắng ấm áp chan hòa của tháng sáu, tôi thường hồi tưởng những gì đã trải qua. Trong khi ngắm nghía những tờ giấy dán tường mới thay và những đồ nội thất được chọn lựa kĩ lưỡng, tôi nhớ lại những ngày cách đây không lâu lắm, khi câu chuyện này bắt đầu.

Đó là một ngày tháng mười lạnh lẽo và khô ráo. Đội khúc côn cầu trên sân cỏ của chúng tôi vừa thắng đội Saratoga với tỉ số 2-1. Mệt lử nhưng rất phấn chấn, tôi buông mình xuống băng ghế sau. Khi lái xe ra khỏi trường, mẹ tôi cho biết sáng nay mẹ đã đến bác sĩ.

“Để làm gì cơ?”, tôi lo âu hỏi vì sợ rất có thể mẹ đã bị lây những căn bệnh của tôi.

“À…”, mẹ ngập ngừng khiến tôi càng thêm lo lắng, “… Mẹ có bầu.”

Tôi không hiểu:

“Mẹ sao cơ?”

Mẹ lặp lại:

“Có bầu.”

Tôi lặng câm không nói được một lời nào. Tôi ngồi yên trong ý nghĩ duy nhất là tại sao điều này lại xảy ra với một học sinh lớp mười một như tôi. Sau đó tôi rất bực bội khi nhận ra mình sẽ phải chia sẻ mẹ với một người khác, bởi vì mẹ là mẹ của riêng tôi trong suốt 16 năm qua. Tôi thật bối rối và căm ghét cái sinh vật bé nhỏ đang dần thành trong bụng mẹ. Tôi không bao giờ muốn mẹ có em bé từ khi mẹ tái giá. Biết rằng nghĩ như thế là ích kỷ, nhưng thật tình tôi không muốn mẹ thương ai khác ngoài tôi.

Thế nhưng khi nhận ra ánh mắt vừa ngạc nhiên vừa thích thú của cha dượng khi biết tin vui, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Tôi vội vàng kể lại cuộc trò chuyện với mẹ lúc sáng nay bằng tất cả niềm vui thích. Mặc dù vậy, trong thâm tâm, tôi vẫn phải đấu tranh với nhiều nỗi lo âu và tức tối.

Cha mẹ đã kéo tôi vào mọi công việc chuẩn bị, từ trang trí phòng em bé, đặt tên cho em đến việc tham dự các buổi học cho các bà mẹ thai nghén, và còn quyết định rằng tôi phải có mặt lúc em bé chào đời nữa. Nhưng mặc kệ tất cả những rộn ràng bận bịu hạnh phúc ấy, tôi còn đang bận tâm về những lời bàn ra nói vào của tụi bạn và họ hàng. Biết đâu tôi sẽ bị đẩy làm nghề may trở lại khi em tôi chào đời. Thỉnh thoảng, khi ngồi một mình, cảm giác ganh ghét với em khiến tôi chẳng còn thấy vui vẻ gì nữa.

Ngồi trong phòng chờ sinh vào ngày 17 tháng 6, tôi cảm nhận rõ hơn về những điều không vui sắp tới. Rồi cuộc sống của tôi sẽ ra sao? Tôi có phải trông em suốt đời không? Tôi sẽ phải hy sinh điều gì? Và điều quan trọng nhất là, tôi có phải nhường mẹ cho em không? Nhưng tôi không có nhiều thời gian để lo lắng trầm tư vì em tôi đã chào đời.

Có mặt trong phòng chờ sinh vào ngày hôm đó là một trải nghiệm khó tin nhất trong đời tôi - một con người chào đời quả thật là điều kỳ diệu. Khi bác sĩ thông báo đó là một bé gái, tôi đã khóc. Sung sướng quá! Tôi đã có một đứa em gái.

Giờ đây mọi cảm giác ganh ghét lo âu đã tan biến, nhờ tình cảm nồng ấm của một gia đình biết thấu hiểu. Tôi thật không thể nào lý giải được cái cảm giác đặc biệt: cứ mỗi sáng sớm có một bé con cùng ngồi chờ xe đến đón tôi đi học, và sau đó, từ ô cửa sổ, bé vẫy tay chào tạm biệt tôi. Thật là tuyệt vời làm sao khi tôi vừa về đến nhà, chưa kịp cởi áo khoác ra là đã có người níu áo rủ chơi.

Tôi nhận ra rằng cả nhà đã dồn hết tình yêu thương cho bé Emma. Giờ đây, những ganh ghét với em đã hoàn toàn tan biến và thay vào đó, tôi cảm nhận em không lấy của tôi bất cứ điều gì, mà thậm chí còn mang lại cho đời tôi vô vàn hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại yêu thương đứa em bé bỏng này đến như thế. Và tôi sẽ không bao giờ đổi niềm vui trở thành một người chị lớn của em để lấy bất cứ điều gì.

MELISSA ESPOSITO

Anh tôi – thầy của tôi

Trước hết hãy tự hỏi bạn sẽ làm nghề gì; và sau đó hãy làm những điều mà bạn cần phải làm.

Epictetus

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trái tim tôi sẽ buồn khổ vì thiếu vắng đôi vớ bốc mùi và tiếng nhạc ồn ào của ông anh. Hiện giờ anh ấy đã xa tôi để vào đại học, và ở cái tuổi mười bốn, tôi nhớ anh vô cùng. Anh em chúng tôi thân thiết nhau hiếm có, còn anh tôi là một mẫu người hiếm thấy. Đối với tôi, dĩ nhiên, anh thông minh tốt bụng, hơn nữa lại rất đẹp trai (theo lời bạn bè tôi) và có nhiều đức tính khác. Nhưng điều anh khiến tôi hãnh diện hơn cả là cách xử thế, và thái độ quan tâm đến mọi người xung quanh. Đó là những đức tính mà tôi luôn phải học tập.

Anh nộp đơn vào 14 trường đại học. Nhiều trường đã nhận anh ngoại trừ trường mà anh thích nhất, Đại học Brown. Thế là anh lại phải chọn trường lần nữa, và trải qua năm thứ nhất đại học thật suôn sẻ. Mùa hè khi trở về nhà, anh bảo với cả nhà rằng anh vừa có một kế hoạch, rằng anh sẽ làm bất cứ điều gì để có thể vào Đại học Brown. Liệu gia đình có ủng hộ anh

Theo kế hoạch, anh sẽ chuyển đến Rhode Island gần Đại học Brown, tìm một việc gì đó làm qua ngày, cố gắng tạo uy tín trong khu vực anh ở bằng cách làm việc thật chăm chỉ, và hoàn thành thật tốt những gì được giao. Nếu được như thế, anh tin chắc ai cũng phải công nhận khả năng của anh. Nhưng dự tính ấy khiến ba mẹ tôi lo lắng không ít, vì như thế có nghĩa là anh sẽ uổng phí một năm học. Tuy nhiên, cuối cùng ba mẹ cũng tin vào khả năng của anh và bảo anh hãy làm tất cả những gì có thể để đạt được mơ ước của mình.

Thế rồi chẳng bao lâu sau, anh đã được phép dựng những vở kịch – thật không thể tưởng tượng được – tại Đại học Brown. Đây là cơ hội cho anh tỏa sáng, và anh đã thực sự tỏa sáng. Không có nhiệm vụ nào quá khó hoặc quá dễ đối với anh, bởi vì anh đặt hết quyết tâm vào đó. Anh đã gặp những giảng viên và những người quản lí để trình bày ước mơ của mình và không hề ngần ngại nói cho họ biết anh đang theo đuổi điều gì.

Và chẳng còn gì nghi ngờ, vào cuối năm đó, một lần nữa anh lại nộp đơn vào Brown và đã được chấp nhận.

Tất nhiên cả nhà tôi rất vui, nhưng đối với tôi, có niềm vui khác đã trở thành một bài học quý báu đáng ghi khắc trong tim. Chính anh đã làm cho tôi tin tưởng rằng nếu tôi làm việc cật lực để đạt được những gì mình yêu thích, nếu tôi cứ tiếp tục cố gắng sau nhiều lần thất bại, thì ước mơ của tôi thế nào cũng sẽ trở thành hiện thực.

Mới đây, một mình tôi đã bay sang Rhode Island thăm anh, thế là tôi đã có một tuần rong chơi mà không có ba mẹ bên cạnh. Đêm trước khi từ biệt, anh em tôi đã nói với nhau đủ thứ chuyện như, chuyện bạn trai, bạn gái, áp lực của bạn đồng trang lứa và trường học. Cảm động nhất là lúc anh đã nhìn thẳng vào mắt tôi và nói rằng anh rất yêu thương tôi. Anh dặn tôi hãy nhớ đừng bao giờ làm bất cứ điều gì nếu cảm thấy không đúng, cũng như đừng bao giờ quên rằng phải tin vào chính con tim của mình.

Suốt quãng đường trở về nhà, tôi đã khóc khi cảm nhận rằng anh vẫn luôn ở bên tôi, và thật là may mắn nhường nào khi có một anh trai như thế. Dường như tôi đã thay đổi: tôi không nghĩ mình còn bé con nữa. Sau chuyến đi này, tôi đã phần nào trưởng thành. Tôi bắt đầu nghĩ về tầm quan trọng của công việc đang chờ đợi mình ở nhà:tôi còn một đứa em gái 10 tuổi. Có vẻ như tôi đã phác họa được một kế hoạch để noi gương người anh - người thầy mẫu mực của tôi.

LISA GUMENICK


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx