sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lời Tác Giả

Năm 1932, viết thiên phóng sự Tôi kéo xe cho đăng trên Hà Thành Ngọ Báo và năm 1935 tự bỏ tiền ra in thành sách thiên phóng sự đó, tôi chân thành có hai ước vọng: chế độ "cai xe" sẽ không còn nữa; chiếc xe hai bánh "người kéo người" sẽ được chiếc xe 3 bánh "người đạp người" thay thế, để người phu xe không còn bị "cai xe" bóc lột, đồng thời lấy lại được phẩm cách con người khi họ không còn tự ti mặc cảm thấy xã hội coi khinh coi rẻ họ như thân trâu ngựa.

Hơn 10 năm sau khi tập phóng sự Tôi kéo xe xuất bản, trên toàn quốc không còn bóng dáng chiếc xe kéo nào nữa; và hơn 30 mươi năm sau, với chính sách phu xe có chiếc xe mua trả góp thành của tư hữu để làm phương tiện sinh kế, chế độ "cai xe" tuy chưa mất hẳn nhưng cũng bớt phần hà khắc đối với một sô phu xe không có tiền mua xe trả góp để hành nghề.

Từ ngày ấy đến ngày nay, tính đã được ngót nửa thế kỷ, tôi thấy đạt được một phần ước vọng đó, nhưng lại là một phần nhỏ nhoi, chẳng thấm tháp gì.

Tôi có những cảm nghĩ ấy vào một buổi tối cách đây không lâu, khi không còn phương tiện xê dịch nào khác bằng cách thuê xe xích lô đạp từ quãng nhà thương Cơ Đốc Phú Nhuận về khu nhà thờ Cầu Kho, trong câu chuyện tán mảnh suốt dọc đường xe qua, người phu xe đã hỏi tôi - khách ngồi xe -: "Bác có Khoái... chơi gái không? Tôi dẫn bác đi. Chỉ hai ghim thôi! Có mắc mỏ gì. Đẹp, lại trẻ..."

Để quảng cáo cho "món hàng" này, người ấy còn nói nhiều, giọng khó nghe, vì là tiếng của người xứ Nghệ.

Thấy tôi không bắt chuyện nữa, người ấy cũng không nói nữa, ngoài câu nói sau chót: "Bác trả thêm chục đồng nữa chứ!" khi đã hết cuốc xe.

Tôi kể câu chuyện trên để trả lời chung những bạn đã bảo tôi khi biết tập Tôi kéo xe sắp được tái bản: "... Bây giờ làm gì còn có xe kéo nữa! Mụ Cai Đen đã chết từ tám hoảnh, nên để cho mụ yên mồ yên mả, còn khai quật lên làm gì!"

Dù những nhân vật được mô tả trong thiên phóng sự Tôi kéo xe đã là những xác chết thối tha, người ta cũng còn thấy vẫn phải khai quật cả lên nếu người ta cùng chung quan niệm với Vũ Ngọc Phan, nhà phê bình văn học đã ghi lại trong bộ sách Nhà văn hiện đại câu này: "... không có lối văn nào giúp ích cho việc cải cách, cho nhà đương chức, nhà pháp luật và nhà xã hội học bằng các thiên phóng sự".

Lần này, cho tái bản tập Tôi kéo xe, tôi còn hoài bão một ngày nào đó ước vọng của tôi được thành đạt cả.

Từ 2 bánh không bàn đạp biến thành 3 bánh có bàn đạp, chiếc xe đã thay đổi nhưng tâm hồn người phu xe vẫn chưa được gột rửa, khi nghề "làm xe" còn nuôi sống được người đeo đẳng nó, thì tập phóng sự này chưa đến nỗi là loại sách thuộc "đồ bỏ" đáng liệng vào sọt giấy để Sở Vệ sinh thành phố cho xe rác hốt đi.

Sài Gòn, ngày 20-7-1969

Tam Lang


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx