sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13: Thầy Tôi Mổ Bụng!

Hôm ấy, chúng tôi say sưa lắm.

Người ta bảo thuốc phiện nấu bẳng xương khướu - mà có lẽ bằng xương khướu đốt cháy thật - nên ông chủ trọ của tôi kể hết cho tôi nghe cả những câu chuyện ruột gan.

Cái nghề cắm cổ mà chạy để kiếm lấy dăm ba xu một ngày ở góc phố đầu đường, từ hôm ấy, tôi mới biết nó cũng có những mặt trái, mặt phải, những góc ngạnh mà con mắt người ta không thể trông - nói rõ là những khóe và những nỗi của nghề, cũng như trong trăm nghìn nghề khác.

Thầy ký rượu pha nước lã vào với nước men; anh chủ thầu bớt xi măng dùng cát; chị hàng cơm ngâm gạo vào nước vôi để thổi cho lợi bát; thằng sét-ty cho vay ba mươi phân, bắt khách nợ chỉ được viết vào giấy nhận vay có mười phân theo như lệ nước... tất cả những cái ấy, các ông gọi là gì?

Bí mật của nhà nghề!

Nghề ký rượu, nghề chủ thầu, nghề hàng cơm, nghề sét-ty... nghề nào cũng có cái bí mật của nhà nghề thì nghề xe kéo cũng chẳng kém gì, vì nó cũng có những cái bí mật của nó.

Những cái bí mật ấy, hôm nay tôi đã thò tay lấy được, nó có đủ hay không thì không rõ, chỉ biết tôi đã lấy được trong túi áo một người đã hơn mười năm làm cái nghề cầm tay gỗ... - túi áo anh Tư.

Anh Tư thật quả là một anh chàng không biết giữ ngón bí truyền như mấy ông làm báo, làm quỷ thuật, làm thuốc, vì anh ta chẳng giấu những cái miếng, cái khóe của nghề.

Thì hôm nay, có bao nhiêu miếng hay, miếng khéo, anh ta đã thả cả nó ra, thả trong một chiếc hến đựng cao xương khướu.

- Làm nghề xe kéo - Anh ta cất cái giọng nghiêm trang, lại ra vẻ đạo mạo như một cụ giáo già giảng bài cho học trò - cần phải biết cả bụng của người ngồi xe...

Đến đây, tôi hãy xin phép các ngài cho tôi ngắt lời anh Tư để dẫn ý anh ra bẳng một câu văn vẻ:

"Làm nghề xe kéo phải biết cả tâm lý khách ngồi xe".

- "... Biết được bụng người ta thì lúc người ta xuống xe, mình có nằn nì xin thêm một hai xu, người ta cũng không nỡ thay những đồng xu bằng những cái móng giò, cái bạt nhĩ.

‘‘Vào ăn cao lâu, có khi người ta gọi món hàng đồng mà không dùng đũa, nhưng đi xe thì người ta mặc cả, cò kè, bớt từng đồng xu. Một đồng bạc có được những trăm đồng xu. Một trăm xu ném vào ngăn kéo anh Khách phệ bụng không mùi gì, nhưng một xu ném vào cái nón rách người phu xe, nó to không biết đầu mà kể. Trăm khách đi xe, đến chín mươi chín người như thế. Đồng xu trả thêm hay trả đắt cho người kéo, thật họ coi nó to hơn cái bánh xe.

‘‘Nghĩ cho kỹ, thì cũng chẳng lạ quái gì.

‘‘Có ai cần lấy sĩ diện với cu li xe. Chỗ cần sĩ diện là các cửa hàng to, các cao lâu, rạp hát.

‘‘Khách ngồi xe đã coi đồng xu là to thì người kéo xe cũng phải làm cho nó nhỏ bớt. Làm đồng xu nhỏ bớt, không phải là khinh nó dùng được ít việc, chính là khép nhỏ con mắt người coi nó là to!

‘‘Muốn bịt mắt người ta thì trước hết phải biết bụng người ta.

‘‘Bác xem, cái chân tuy chạy, mà cái đầu lúc nào cũng phải nghĩ.

‘‘Đây, tôi kể bác nghe một thí dụ:

‘‘ Một hôm, chừng độ năm giờ chiều, tôi vừa lấy xe đi thì được kéo ngay một anh công tử. Anh ta diện cật, mình chỉ biết người ta sộp chứ có biết người ta diện những gì.»

‘‘Từ Hàng Đậu xuống Chợ Hôm, anh ta mà cả có tám xu. Xin một hào, nhất định không nghe, nhưng chuyến ấy mở hàng, tôi cũng kéo.

‘‘Xe chạy đến đầu Hàng Đào. Trước tôi chừng sáu, bảy bước chân, một cái xe khác cũng chạy xuôi, trên có một tiểu thư chẳng biết diện những gì, nhưng trông nửa trên đằng lưng cũng mốt.

‘‘Phố chật mà đông người xe trước chạy cũng không nhanh lắm. Được dịp ấy, tôi cũng răm rắp bước để nghỉ xác, nghĩ bụng: chẳng vạ gì mà len lõi, vượt lên.

‘‘Từ lúc ấy, tôi thấy hai díp xe của tôi rung luôn. Tôi đoán bạo ngay là công tử nóng ruột muốn vượt xe trên nhưng vì phổ hẹp mà đông, không có lẽ nào thúc được mình, mà giá có thúc để xe vượt lên thì chắc anh ta cũng ngượng.

‘‘Biết thóp, tôi ếp rầm lên, cố tìm một lối để vượt. Vượt được xe trước, tôi lại chạy ghìm.

Xe ra khỏi phố Hàng Đào, vào đường Bờ Hồ Hàng Gươm. Đường rộng, tôi rắp bước cho hai xe chạy đều hàng, nhưng lúc nào tôi cũng giữ cho xe tôi nhôi lên hơn một đầu ngựa.

‘‘Díp xe bấy giờ êm, không rung như trước nữa. Biết khách mình đã hả, tôi cứ giữ nước ấy mà chạy đi.

‘‘Qua nhà Dây thép, xe kia đỗ xuống cửa Bô Đa. Tôi chạy chậm bước hơn đến đầu qua-dê-măng cũ Đờ-Bô, rồi lại bốn cẳng ba chân vượt chuyến tàu điện cũng chạy xuôi mạn đó.

‘‘Đến phố Chợ Hôm, anh công tử trỏ chỗ xe đỗ rồi đưa cho cả đồng hào".

Tôi ngắt lời:... Cái đó là người ta hảo tâm, biết đâu?

- Khốn nạn, một thằng trước lúc bước lên xe đã cò kè từng đồng xu thì hảo chết giẫm gì mà hảo!... Nhưng chuyến ấy, ông chạy nhanh hay chậm cũng thế, vì người kia có tán mảnh hay bắt chim gì người con gái đâu?

- "Cứ gì phải tán với chim, diện bảnh đi xe, được nhìn gái, nhất lại được gái nhìn để khoe cái đầu mượt, bộ áo đẹp, đôi giày sang, người lại bôi nước hoa thơm thì làm gì mà không hả.

‘‘Nhưng cũng tùy người, chứ không phải ai cũng thế. Kéo ông già thì phải ếp cho nhiều, chạy cho chậm; kéo ông Tây, phải chạy cho khỏe, tối, có chậm thắp đèn cũng đừng sợ; kéo tiểu thư công tử thì phải chạy cho nghênh ngang...; nghĩa là cứ tùy mặt khách mà làm: gặp người nhiều chuyện thì phải vừa chạy vừa tán; gặp kẻ nó khinh mình phu xe phu pháo thì phải câm mồm; thằng ngồi cho mình kéo không đáng mặt quan, mình cũng cứ tôn nó lên quan; con đàn bà mình biết mười mươi là gái thập thành, nó đã diện quần áo bảnh lên xe mình thì mình cũng cứ tôn nó là bà lớn! Chào Tây đen, chẳng biết nó là ai, mình cũng cứ nói: Mời ông chủ hiệu vải về Hàng Đào; thấy anh Chiệc, chẳng kể là ai, mình cũng cứ mời: Ông đi xe về Hàng Buồm, Hàng Bồ? Ông chủ hiệu...

‘‘Có mất gì một nhời nói bẻo lẻo. Họ làm gì thây xác họ, miễn là họ cứ ngồi lên cho mình kéo, lúc hạ tay xe, mình có xin thêm, họ cũng không tiếc mà mình cũng không phải kèo nhèo..."

Ông thầy tôi còn định dắt tôi đi đến những đâu? Nằm học miên man, tự tôi, tôi cũng không biết nữa.

Cầm con dao nạo xái, thầy tôi đã mổ bụng từng thằng mà chính tôi cũng là một thằng trong những thằng bị mổ.

Còn cái gì tức cười hơn thế?

Tôi, các ngài cũng biết, tôi từ xưa vẫn là một kẻ ngồi xe!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx