sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 19: Tôi Không Thọc Gậy

Đây, tôi lại nhắc lại:

Chắc đã có lần ông can bạn:

- Thôi! Dây làm gì với quân cu li xe ấy!

Tôi cũng xin thú thật đã có lần tôi bảo với bạn:

- Quân cu li cu leo ấy, cãi nhau với chúng làm gì cho rồi hơi!

Tôi với ông, chúng ta cùng chung một óc: khinh bỉ cái hạng người kéo người.

Thật ra, họ có đáng khinh không? Tôi với ông, tôi muốn hôm nay chúng ta cùng nghĩ lại.

Bây giờ, phỏng thử có một người hỏi:

- Ở xã hội An Nam mà có hạng người kéo người là lỗi tại ai?

Đấy, mời ông trả lời.

Nếu ông đã cạn suy, tôi dám chắc mười mươi ông phải nói thật rằng:

- Lỗi tại xã hội.

Xã hội, theo nghĩa hẹp của nó, là hết thảy những người cùng chung một cỗi rễ, cùng sống chung dưới một chế độ, mà trong đó, gồm có cả ông với tôi.

Phải, các ông với tôi, nghĩa là hết thảy chúng ta đều có lỗi.

Hạ một người anh em hèn yếu từ cái chỗ thằng người xuống đến chỗ con ngựa, đưa hai cái tay gỗ cho anh em rồi bảo: "Tao ngồi lên cho mày kéo" tức là mình bảo anh em: "Mày không phải là người".

Bị người một giống khinh thị một cách bất công rồi, người phu xe có cần gì phải tự trọng?

Chúng ta cướp nhân phẩm của anh em mà chúng ta không biết. Anh em làm những việc không có nhân cách, chúng ta còn khinh trách gì anh em?

Tôi nhiều lần đọc báo thấy đăng những việc: người phu xe nọ bắt được ngoài đường cái ví bạc đã đem ngay đến bóp trình; người phu xe kia gặp người đàn bà đẻ đường đã cởi áo ra đùm bọc lấy đứa bé lọt lòng, rồi đỡ người sản phụ lên xe, kéo về đến nơi đến chốn.

Nhà báo khen: Những tấm lòng vàng trong manh áo rách.

Phu xe, nào phải đâu cái hạng không có tấm lòng vàng?

Người cu li xe này kéo mình, vừa chạy vừa đánh bậy trước mặt mình; người cu li kia đứng giữa đường thay quần hay vạch quần tiểu tiện trước mặt mình là tại mình bảo họ: cứ tiểu tiện, cứ trung tiện.

Xã hội thử đem cái nhân phẩm trao trả lại họ, nghĩa là lôi họ từ chỗ con ngựa lên đến chỗ thằng người, rồi xã hội xem!

Tôi dám nói bạo một câu rằng: từ xưa đến nay bao nhiêu những chuyện tầm bậy mà những cu li xe kéo đã làm, một phần lớn là lỗi ở bọn trung lưu thượng lưu trí thức mình. Ngồi lên lưng người ta mà: "Ếp, nhong nhong!" bảo người ta không đi bằng bốn chân sao được?

Người để người kéo người là loài người ôm chung một cái nhục.

Con ngựa kéo xe vì Trời sinh ra nó bốn cẳng.

Thằng người không làm cái việc của con ngựa vì Trời cho thằng người có hai chân.

Bởi thế, tôi nói: người để người kéo người là người tự ôm lấy một cái nhục chung.

Nếu chẳng coi là một cái nhục thì hội Nhân quyền đã chẳng can thiệp vào câu chuyện xe kéo ở cuộc đấu xảo thuộc địa Vincennes, mà ngót bốn chục cái đồ "thổ sản của Đông Dương" đã chẳng đến nỗi phải bỏ chỏng gọng trước con mắt người vạn quốc.

Ngay lúc mới được tin này, lòng cảm động đã bảo tôi biết kính phục người Pháp, nhất là hội Nhân quyền Pháp.

Chẳng phân biệt màu da với nòi giống, người Pháp đã che cái nhục cho dân An Nam.

Người thượng quốc còn biết lấy việc người kéo người làm ngượng mắt, cố bưng cái nhục cho mình.

Còn mình?

Cổ cứ cao, mặt cứ vênh, ngồi xe còn lấy dáng lấy điệu, coi việc nhục nhằn ấy là thường, không ai chịu để tâm suy xét.

Ông Phi Bằng, viết một bài nói về vấn đề xe kéo, có câu sau này đăng trong báo Trung Lập:

"Ở đời, người ta hay thận trọng những việc bao la to tát, cần nhắc từng li từng tí mà hay khinh suất những việc nhỏ nhen, không thèm để ý đến có biết đâu rằng những việc vụn vặt ấy có ảnh hưởng lớn cho ta, cho xứ sở và cả đến nòi giống của chúng ta".

Lại còn câu sau này cũng nói về chuyện xe kéo

đăng trong Pháp Việt tạp chí của ông E. Babut:

"Có nên mong cho nghề ấy mất hẳn?"

Rồi ông Phi Bằng lại viết:

"Nếu muốn bỏ xe kéo đi thì ít nào cũng phải kiếm chỗ làm trước cho mấy ngàn dần ngựa người kia mới đặng".

Mà trong Pháp Việt tạp chí, ông Babut cũng viết:

"Khi nước ta được giàu có hơn, chắc người ta không còn thấy người nào chịu làm cái nghề ấy nữa. Nhưng tiếc rằng chúng ta chưa đến thời kỳ đó; nghề xe kéo là một nghề kiếm gạo rất cần

ngày nay". Kiếm gạo!

Hiện nay ở Hà Nội có tới ngàn rưởi người chỉ vì bát gạo mà làm cái nghề kéo người.

Bất cứ trời rét hay trời nóng, đang mưa như trút nước hay đang nắng như hun trời, đút đầu qua hai cái càng gỗ, anh em phu xe phải thúc tay co vó, chạy bở hơi tai, mình mẩy nhễ nhại mồ hôi, áo quần ướt như dúng nước.

Họ khó nhọc như thế để kiếm cái gì? - Năm ba xu, một hào, một cuốc. Vừa đúng số tiền để mua ít cơm đút miệng, cái thứ cơm thổi bằng gạo hẩm trộn với ít nước hàng.

Ăn để mà sống, ta không cần nói đến cái ăn!

Nhưng sống nào đã được yên? Họ còn phải nghe những lời thô bỉ của người ngồi xe chửi rõ vào lỗ tai, chịu những cái dùi khui của các ông cảnh sát, những cái càng xe bắt ốc của cai xe đánh đập vào mình là khác.

Thế nghĩa là ăn để mà sống, sống để co chân mà chạy, chạy cho tiêu để lại ăn.

Muốn giảm bớt những nỗi khổ trong cái sống kéo co của nghề xe kéo, gần đây, đã có ông bàn:

"Lệ đi xe đôi, nên cấm".

Một ông khác, trông nghề xe kéo ở một mặt khác, muốn cho anh em cu li lúc nào cũng đắt khách lên tiếng:

"Không nên cấm đi xe đôi".

Nói chuyện xe kéo, hôm nay còn có tôi.

Tôi thì tôi khác cả hai ông ở chỗ này:

"Nên bỏ đứt nghề xe kéo!"

Nói thế tôi chắc có ông đã sắp lên giọng kẻ cả bảo: cầm gậy thọc vào bánh xe, anh chàng này khéo chỉ được cái đâm pha, tán hão.

Không, tôi không thọc gậy mà tôi cũng không tán hão!

Đây, tôi xin nói tại sao:


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx