sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Chương 49-50-51-52

49. tâm trạng xấu

Tâm trạng của tôi ngày càng tệ.

Hình ảnh thân thiết giữa con Mận và thằng Tường lúc nào cũng ám ảnh tôi, ngay cả trong giấc ngủ. Thực tình nhiều lúc tôi cũng ước ao nếu có một chuyện gì đó để tôi nghĩ ngợi trong những ngày này thì tôi chẳng thèm nghĩ mãi về con Mận và thằng Tường. Nhưng tôi hoàn toàn bất lực và đau khổ nhận ra có những thứ đã đóng đinh vào tâm trí rồi thì nó sẽ cắm xâu ở đó không có cách gì nhổ lên được.

Mỗi sáng ra, tôi khổ tâm hết sức khi thấy cứ sau một đêm ngủ dậy con Mận lại có vẻ duyên dáng hơn một chút. Càng khổ tâm hơn nữa khi tôi bắt đầu chú ý đến vẻ bề ngoài của thằng Tường.

Trước đây, tôi chỉ biết em tôi đẹp trai, nhưng chỉ nghĩ hời hợt thế thôi rồi quên ngay. Giống như tôi biết trong nhà tôi có một cái tủ đẹp hay một bộ bàn ghế đẹp, hào hứng lúc mới mua về rồi dần dần quen mắt thấy cũng bình thường, không buồn quan tâm nữa. Nhưng bây giờ tôi bắt gặp mình kín đáo quan sát thằng Tường nhiều lần trong một ngày, và cứ mỗi lần ngắm nó tôi lại phát hiện thêm một nét đẹp của nó và những phát hiện đó làm tôi sầu đời ghê gớm.

Tâm trạng đó thật là quái quỷ khi mà tôi biết rõ Tường vẫn là một đứa trẻ ngây thơ và con Mận chắc chắn chỉ xem Tường như một đứa em bé dại.

Những ngày này có vẻ như tôi đang đi lạc giữa những cảm xúc rối ren, ngày càng dấn sâu vào những ngóc ngách tối tăm của chúng. Tôi mơ hồ nhận ra tôi đang mắc kẹt giữa sự ghen tuông hờn giận vô cớ mà không biết cách nào thoát ra.

Từ ngày tôi biết căm ghét thằng Sơn khi nghe nó bộc lộ ý đồ đen tối với con Mận, tôi nhận ra mình đã không còn là trẻ con nữa. Có một điều gì đó len lỏi vào trái tim tôi khi tôi nghĩ tới con Mận. Dần dần, từng chút một, tôi cảm thấy thờ ơ với những trò chơi tôi từng một thời say mê – những trò chơi hiện nay con Mận và thằng Tường đang chơi và tôi đang từ bỏ.

Lúc bình thường, có ba người để tôi trút tâm sự: thằng Tường, con Mận và chú Đàn. Bây giờ tôi không thể tâm sự với ai trong cả ba người đó và điều đó khiến đầu óc tôi thật sự nặng nề.

Trong thời gian này, một mình tôi phải đóng cả hai vai trong cuộc đời: vừa làm công tố viên kịch liệt lên án thằng Tường và con Mận vừa làm luật sư hùng hồn bào chữa cho tụi nó. Tâm trí tôi vì thế luôn dao động, còn trái tim tôi đã rất giống một quả lắc đồng hồ, luôn nhảy qua nhảy lại giữa bồn nước nóng và bồn nước lạnh. Vì như bạn cũng biết đó (vì có khi bạn cũng trải qua rồi), trái tim bị cảm sốt thì không có loại thuốc nào chữa được.

Tôi vừa khổ tâm về sự quấn quít giữa thằng Tường và con Mận, vừa khổ tâm về sự khổ tâm của mình, cả hai sự dày vò đó chồng lên nhau khiến tôi cảm thấy mình giống như người bị ngộp nước.

Trong lúc bị đủ thứ cảm xúc tệ hại nhấn chìm, tôi đã làm một chuyện mà mãi mãi về sau tôi vẫn còn ân hận.

50. câu chuyện của ma quỷ

Hôm đó có hàng loạt sự kiện ngẫu nhiên xảy ra cùng lúc. Nếu chỉ thiếu một sự kiện thôi thì ma quỷ đã không viết nên câu chuyện này.

Sự kiện quan trọng nhất là hôm đó con Mận và thằng Tường vắng nhà: hai đứa nó bưng gạo qua nhà cô Thoan xay bột từ sáng sớm.

Sự kiện thứ hai là ông Năm Ve, ba thằng Ghế, qua nhà tôi kiếm ba tôi. Ba tôi ở thành phố chưa về, mẹ tôi lúc đó cũng không có nhà.

Sự kiện thứ ba là con ông Năm Ve, thằng Dưa tức là em thằng Ghế, bị bịnh còi. Thằng Dưa mười hai tuổi, bằng tuổi thằng Tường, nhưng trông nó đẹt như đứa bé tám, chín tuổi, ra đường luôn bị bạn bè cốc đầu đá đít.

Không biết nghe ai nói thịt cóc trị được bịnh còi, ông Năm Ve suốt ngày lang thang các bờ bãi để bắt cóc đem về tẩm bổ co thằng con quặt quẹo.

Lúc ông qua nhà tôi, chỉ có mình tôi ở nhà. Tôi đang ngồi đằng bàn lấy hộp chì màu vừa được thưởng cuối năm ra tô tô vẽ vẽ thì ông bước vào.

- Ba con tháng này có về không, con?

- Dạ không ạ.

- Thế mẹ con đâu?

- Mẹ con đi vắng, thưa bác.

Tôi không biết ông Năm Ve kiếm ba tôi có chuyện gì. Hỏi xong mấy câu, ông đi lòng vòng trong nhà, rồi rảo bước ra phía sau. Ông vừa đi vừa hỏi:

- Nhà con có cái siêu sắc thuốc không con?

- Dạ, con không biết ạ.

Tôi đáp, đoán ông vừa cắt thuốc bắc cho thằng Dưa chỗ ông Xung, và lò dò theo chân ông xuống nhà sau.

Ông Năm Ve mắt láo liên, chắc là muốn xem cái siêu sắc thuốc để ở đâu. Quét tới quét lui, tia nhìn của ông chạm ngay con Cu Cậu đang ngồi chồm chỗm dưới gầm giường. Cu Cậu ngủ trong hang, nghe tiếng chân người, có lẽ tưởng thằng Tường sắp cho ăn nên lạch bạch nhảy ra sát mép giường, háo hức giương mắt chờ đợi.

- Ôi, con cóc kìa! - Ông Năm Ve reo lên.

- Dạ.

Tôi buột miệng, đã định nói đó là con Cu Cậu của thằng Tường nhưng đến phút chót tôi nín thinh.

Nhớ đến cảnh thằng Tường và con Mận ngày nào cũng xúm xít bên nhau trước gầm giường chơi với con Cu Cậu hàng buổi, máu nóng bỗng dồn lên mặt khiến đầu tôi phừng phừng. Dĩ nhiên tôi biết ông Năm Ve định làm gì với con Cu Cậu nhưng nỗi ghen tức đã khiến tôi mờ mắt.

Và tôi quyết định dùng một cái kẹp dây phơi vô hình để kẹp chặt đôi môi mình lại khi ông Năm Ve hớn hở nói:

- Chẳng biết chú này ở đâu lại nhảy ra đây! Để bác bắt nó về cho thằng Dưa!

Ông cúi xuống, bàn tay lành nghề chẳng khó khăn gì để tóm lấy con Cu Cậu đang ngồi ngơ ngác.

51. nỗi buồn của thằng Tường

Thực ra, khi ông Năm Ve vươn tay ra, tôi đã nhắm tịt mắt lại. Tôi không nhìn thấy ông đã tóm con Cu Cậu như thế nào, nhưng tôi vẫn rùng mình tưởng như những ngón tay ông đang chộp xuống trái tim tôi.

Tôi vừa hả hê vừa cảm thấy xấu hổ về sự hả hê của mình. Khi nghe ông nói “Bác về nhé”, tôi gật đầu he hé mắt ra, rất muốn kêu lên đó là con cóc của em con, bác đừng bắt nó nhưng sự ấm ức tích tụ lâu nay đã giống như một con đê chắn ngang cổ họng khiến âm thanh tôi phát ra giống như những tiếng ú ớ vô nghĩa.

Ngay buổi trưa, thằng Tường đã phát hiện ra sự mất tích của Cu Cậu.

Nó và con Mận lo lắng đi vòng quanh nhà, sục vào các xó tối, miệng kêu tên Cu Cậu inh ỏi.

Kêu chán, Tường chạy ra sân trước chỗ tôi đang vờ ngồi chơi bi một mình, níu vai tôi, mếu máo hỏi:

- Anh có thấy con Cu Cậu đâu không, anh Hai?

- Con cóc của mày hả? - Tôi giương mắt, giọng thật như đếm - Lúc nãy tao vẫn thấy nó đây mà.

- Nhưng bây giờ nó đi đâu rồi. - Giọng Tường như khóc.

Tôi ngó lơ chỗ khác:

- Tao nghĩ chắc nó chui dưới gầm giường!

- Không có đâu, anh Hai. Em kêu rát cả cổ mà nó vẫn không ra như mọi lần.

Tường vừa sụt sịt vừa lay vai tôi, động tác mà những người bệnh nặng trong làng vẫn làm mỗi khi cầu cứu ông Xung.

Tôi tặc lưỡi:

- Hay là nó ngủ say rồi?

Nghe tôi nói, Tường ba chân bốn cẳng chạy vào nhà, lần này nó và con Mận khệ nệ khiêng cái giường qua một bên, rồi hai đứa cầm cây đèn soi khắp nơi. Tụi nó chõ miệng xuống hang cóc, thi nhau gào nhức cả tai.

Cuối cùng thằng Tường quyết định chạy ra hè xách cây cuốc vào hì hục đào tung hang cóc. Đến khi biết chắc Cu Cậu đã biến mất, nó buông cuốc xuống, òa ra khóc.

Tôi chạy vào nhà đúng lúc mẹ tôi về tới.

- Con làm gì mà đào xới nền nhà tung tóe thế này? - Mẹ tôi cau mày nhìn Tường, giọng phật ý.

- Con Cu Cậu…

Tường chỉ nói được ba tiếng rồi “hức hức” không nói tiếp được nữa.

Con Mận phải đỡ lời:

- Con cóc đó, cô.

- Nó sao rồi? - Mẹ tôi hỏi, bà biết con cóc đó.

- Nó đi đâu mất rồi. - Vẫn con Mận trả lời, tôi thấy mắt nó hoe hoe đỏ.

- Thôi, nín đi con! Có vậy mà cũng khóc! Nó đi chơi đâu đó rồi nó quay về thôi mà.

Mẹ tôi an ủi Tường, bằng giọng của người biết hết mọi thứ, giống như tôi vẫn nghe ông Xung vừa bốc thuốc vừa trấn an bệnh nhân “Yên tâm đi, dì Tám! Bệnh này nhẹ thôi, uống hết thang thuốc này sẽ khỏi ngay mà”.

Không biết thằng Tường có tin lời mẹ tôi không mà những tiếng nức nở cả nó nhỏ dần rồi im bặt. Nó đưa tay quẹt nước mắt, chậm chạp đứng lên, cùng con Mận khiêng chiếc giường đặt lại chỗ cũ.

Tôi lật đật nhào tới, như không làm thế thì sự áy náy trong lòng tôi không sao ngủ yên:

- Để tao phụ với!

52. tôi hối hận

Mẹ tôi chỉ nói thế thôi chứ tôi biết con Cu Cậu sẽ mãi mãi không về. Nó đã nằm trong nồi cháo của ông Năm Ve, sau đó đã chui vô bụng thằng Dưa. Nó sẽ không bao giờ quay về với em tôi nữa.

Thằng Tường không biết tường tận như tôi nhưng sau ba ngày thì nó đã linh cảm rằng nó sẽ không còn dịp gặp lại con Cu Cậu nữa.

Kể từ lúc đó, Tường giống như kẻ bị nỗi buồn đánh gục. Nó không còn là đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát như mọi ngày. Nó cũng chẳng buồn rủ rỉ rù rì với con Mận.

Nhiều lúc tôi bắt gặp nó ngồi khóc thầm một mình ở sau hè, với chiếc vỉ đập ruồi để trước mặt và con Mận ngồi buồn xo cách đó một quãng.

Lúc này ông Cả Hớn đã dọn về ở nhà con Mận. Ông vừa xây lại nhà sau khi ngôi nhà cũ bị sập, bây giờ ông bán ngôi nhà mới xây cho ông Bé hàng xóm để ông này dỡ nhà lấy đất chồng rau và xây chuồng trại.

Bán được nhà, ông Cả Hớn vay thêm tiền để mua nhà con Mận. Từ khi biết tin ba con Mận còn sống, những mẩu xương cháy khét trên căn gác không phải là xương người, nhà con Mận tự nhiên được giá. Vì nhà nó nằm ngay đường lộ, thuận tiện cho việc làm ăn buôn bán.

Tôi liếc con Mận, không hiểu nó buồn vì ngôi nhà ấu thơ của nó bây giờ đã qua tay người khác hay buồn vì thằng Tường buồn.

Tôi bước lại, ngập ngừng ngồi xuống cạnh Tường. Tôi định an ủi nó nhưng chớp mở lời tôi lại phân vân, cảm thấy bất cứ câu gì tôi nói ra vào lúc này cũng gắn với sự dối trá.

Thực sự thì tôi không nghĩ em tôi lại buồn đến vậy. Và tôi có thể nói mà không sợ trời sập xuống đầu rằng tôi vô cùng hối hận trước vẻ mất mát và đau đớn của nó và diều đó khiến tôi tự nguyền rủa mình suốt mấy ngày liền.

Tường cũng không nói gì, dù nó biết tôi vừa ngồi xuống cạnh nó. Đầu cúi gằm, cằm tì vào xương ức, chỉ thêm bầu trời sà xuống trên vai, nó sẽ giống hệt bức tranh thần Atlas bị phạt tôi từng nhìn thấy trong các cuốn truyện cổ tích nó hay đọc.

Hai anh em ngồi bất động bên nhau lâu thật lâu. Cuối cùng, tôi mấp máy môi:

- Đừng buồn nữa, em! Ít hôm nữa thôi, con Cu Cậu sẽ quay về!

Tôi nhận ra tôi vừa gọi Tường bằng “em”, hoàn toàn không cố ý, giọng mềm hẳn đi.

- Nó không quay về đâu, anh Hai. - Tường cựa quậy vai và hông, ánh mắt vẫn bị cột chặt vào chiếc vỉ đập ruồi trước mặt.

- Sao em biết?

- Em vừa gặp thằng Dưa. Nó khoe hôm trước ba nó bắt được một con cóc ở nhà mình.

Tường thổn thức đáp, giọng nó cất lên từ chỗ nào đó lơ lửng giữa đầu và ngực, nghe nghèn nghẹt, và tuy nó cúi gằm đầu tôi vẫn thấy nước mắt đã lại ứa ra trên mặt nó.

- Lúc đó nhà mình không có ai à? - Tôi vờ hỏi, tim đập thình thịch, phải rất khó khăn tôi mới không để mình nhảy bắn lên.

- Chắc vậy. Nếu lúc đó có mẹ, anh, em hay chị Mận ở nhà, chắc con Cu Cậu đã không gặp nạn.

Tôi nhè nhẹ thở ra khi nghe Tường liệt tôi trong số những người có thể cứu con Cu Cậu khỏi sự bất trắc của số phận. Chắc ông Năm Ve chỉ kể qua loa, không nhắc đến tôi trong câu chuyện của ông! Tôi nhủ bụng, và quyết định đóng lại bí mật này. Mãi mãi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx