sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2: Nhà Lãnh Đạo Tập Sự

Cuộc hành trình từ phe đối lập trở thành người cầm quyền kéo dài ba năm. Ba năm – một khoảng thời gian có vẻ ngắn ngủi, nhưng thực ra với tôi, đó là khoảng thời gian quá dài. Mỗi tuần, những nỗi lo lắng chồng chất, các sự kiện hay những lời phát biểu mới lại làm xáo động nhịp điệu của đoàn quân đang yếu thế trên hành trình tiến tới quyền lực. Hàng tháng, các đối thủ hay giới truyền thông đơn giản chỉ là tò mò hoặc ghen tức với thành công của bạn, sẽ tìm cách bôi nhọ, nhạo báng tên tuổi bạn. Và cứ như thế, mỗi năm chúng tôi phải cố gắng chạm đến một đỉnh cao mới để duy trì động lực.

Tôi nhìn lại những câu chuyện và những lời bình luận trong suốt những năm qua và cười nhạo vào những khó khăn tôi đã trải qua trong thời gian đó. Đó là khó khăn ư? Đó chỉ là một cuộc dạo chơi, một làn gió, một bước chạy nhẹ nhàng về đích. Tôi đọc lại các ghi chú, nhớ lại các cuộc gọi, lướt qua các cuộc họp và trong tâm trí tôi, mỗi điều đều rất quan trọng và đều đóng góp rất nhiều và tôi tự hỏi tại sao mọi chuyện lại đơn giản và dễ dàng đến thế.

Điều không bao giờ thay đổi giữa phe đối lập và Chính phủ là cường độ tập trung chú ý vào nhau. Dĩ nhiên, khi đó tôi đã học hỏi và đạt được những bước tiến mới trong mỗi thời điểm quan trọng; dĩ nhiên, lúc này tôi cảm thấy khó khăn và thách thức hơn rất nhiều.

Khi còn là một đứa trẻ, đầu tiên bạn được học về lòng dũng cảm và sự sợ hãi trong những trận đánh lộn, bạn sợ đau khi bị những kẻ bắt nạt ức hiếp. Cuối cùng, bạn vùng lên và đánh trả. Tôi vẫn có thể nhớ lại chính xác khi tôi khoảng 10 tuổi, tôi đứng bên ngoài cánh cổng trường Durham Choristers nằm trong khu nhà thờ cổ kính và xinh đẹp, nơi đầu tiên chúng tôi sống khi đặt chân đến thành phố này, với hiệu sách cổ SPCK, những ngôi nhà thế kỷ XVIII liền kề, những ngôi nhà tranh xinh xắn bên cạnh nhà thờ Norman lộng lẫy.

Hắn không hẳn là một thằng đầu gấu to xác, chắc chắn không phải một kẻ đáng sợ, tôi thậm chí vẫn nhớ tên hắn. Hắn để ý đến tôi hàng tuần, tôi sợ và ghét phải vào lớp cùng hắn và tránh bất cứ nơi nào hắn đến. Rồi vì một lý do nào đó hoặc chả vì cái gì cả, hắn bất ngờ tiến đến phía tôi khi ở ngoài cổng trường và bắt đầu gây sự, tôi quay lại và dọa sẽ đánh nếu hắn không dừng lại, hắn biết là tôi sẽ làm thật, điều đó hiện lên trong mắt tôi và hắn đã dừng lại. Thật là ngớ ngẩn phải không các bạn, khi tôi lại nhắc đến những thứ nhỏ nhoi trong việc hình thành nhân cách sau từng ấy năm.

Sau này, bạn học được lòng can đảm trong những tình huống khác nhau: lần đầu tiên là ở trên sân khấu, khi bạn ước là mình chưa bao giờ đồng ý bước lên, bạn nguyền rủa sự tự phụ và than thở vì cái tôi của mình và chỉ muốn quay ngay trở lại góc tối. Nhưng bằng cách nào đó bạn không làm thế, bạn bước ra ngoài. 18 tuổi, tôi tự đến London một mình lần đầu tiên; trải qua một tháng cô đơn tại Paris, sau khi hoàn thành kỳ thi luật vào năm 1976; gọi điện thoại, theo đuổi; hối thúc, phấn đấu và quyết liệt. Mỗi bước đi đều ẩn chứa sự sợ hãi, nhưng mỗi bước lùi chẳng những mang đến sự hối hận vì để cơ hội vụt qua, mà còn tệ hơn nữa là sự coi thường bản thân đã không đủ dũng cảm để chấp nhận thử thách.

Đôi khi tôi ngạc nhiên với cách tiến lên phía trước của mình, nhưng bao giờ cũng vậy, để có sự lựa chọn như vậy, tôi đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ. Đó cũng chính là một sự lựa chọn. Các lựa chọn thay thế luôn luôn vẫy gọi và được tô điểm bằng những lập luận hợp lý: đây không phải là một thời điểm thuận lợi, rủi ro quá lớn, những kẻ khác đang chống lại nó, sẽ có một thời điểm khác thích hợp hơn. Thường thì chẳng có thời điểm nào thích hợp hơn, tuy nhiên, trong mọi trường hợp, trong thâm tâm bạn biết lý do: sợ hãi bản thân bị bóc mẽ, sợ thất bại. Nếu bạn không bao giờ cố gắng để thành công, bạn không bao giờ phải thất bại. Vậy tại sao ta phải làm vậy?

Có những người tôi biết không hoài nghi như vậy, với lòng can đảm sẵn có, họ tiến lên phía trước bằng bản năng, không suy tính trước và tự nhiên như hơi thở vậy. Họ khác với tôi: Ở tôi là cuộc chiến giữa lòng can đảm và sự sợ hãi, còn của họ là kết quả của sự liều lĩnh. Sợ hãi khiến bạn tính toán và những tính toán đó đôi khi có thể cứu bạn (mặc dù quá toan tính có thể làm bạn kiệt sức); với những người không tính toán gì cả mà cứ cắm đầu đi, rủi ro có thể là sự liều mạng vô ích và hậu quả là thất bại. Nhưng tôi luôn ngưỡng mộ khí phách đó, thích sự hiên ngang và không mánh khóe đó.

Sau khi rời Oxford, tôi đã gia nhập Công Đảng. Geoff Gallop, người đã rời đi một năm trước đó, đã quyết định gia nhập Công Đảng Úc. “Đó có thể là một sự phản bội,” ông nói đùa, “nhưng đó là cách duy nhất chúng ta thay đổi”. Tinh thần phóng khoáng của ông cuối cùng đã nổi loạn chống lại những giáo điều và tôi ngờ rằng ông bị kích động bởi ý thức hệ thường gặp của người Úc từ bà vợ của mình, bà Bev.

Từ 1975 đến năm 1983, tôi cặm cụi làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau trong đảng. Nhưng quan điểm của tôi bắt đầu thay đổi. Khởi đầu, tôi làm những công việc thực sự nặng nhọc, thông qua một người bạn gái, tôi được giới thiệu với ngài Derry Irvine nổi tiếng, rồi sau đó khi mới 36 tuổi, tôi được xem là một trong những luật sư trẻ xuất sắc nhất tại tòa. Và mối quan hệ làm thay đổi cuộc đời tôi khởi đầu như vậy.

Derry đã dạy tôi cách suy nghĩ. Về mặt trình độ, tôi chỉ “mới tốt nghiệp” trước khi gặp Derry, tôi chẳng có chút khái niệm nào về cách suy nghĩ. Ý tôi là suy nghĩ thực sự – phân tích, mổ xẻ một vấn đề từ những nguyên lý đầu tiên, bóc tách, rồi xây dựng một giải pháp.

Với tôi, ông là người thầy rất nghiêm khắc nhưng có tư duy của một thiên tài. Tôi thường giúp ông ghi lại các luận điểm và thực hiện các vụ biện hộ. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi viết một luận điểm của mình, tôi đưa nó cho ông, hy vọng rằng ông sẽ đọc nó và đưa ra một vài lời bình luận rồi vứt vào sọt rác, bởi tôi vốn nghĩ rằng ông sẽ tự viết. Ông liếc nhìn, đánh dấu và trước vẻ sợ sệt của tôi, ông bảo tôi nói với người thư ký mang nó ra ngoài. ”Như thế có nên không?” tôi hỏi, hoàn toàn kinh ngạc. Ý tôi là, khi ấy tôi chỉ là một người tập sự.

“Vậy”, ông nói, ngước lên nhìn tôi, “đây là luận điểm được nhất của cậu à”, ông càu nhàu còn tôi thì run rẩy lắp bắp vài câu đại loại như: “À thì, vấn đề này khá hóc búa nhưng em hy vọng là nó ổn, dù sao cũng là lần đầu em viết luận điểm, v.v…”. Ông cầm nó lên và ném về phía tôi: “Tôi không muốn nghe cậu dông dài và suy nghĩ nửa vời, tôi muốn thấy kết quả tốt nhất của cậu, kết quả mà cá nhân cậu phải chịu trách nhiệm, hiểu chưa?”

“Vâng”, Tôi nhún mình.

“Thế thì quay lại đây khi nào cậu làm xong”. Nói xong ông lại nhìn tập tài liệu trên bàn. “Đi đi”, ông nói và chẳng thèm ngó lên nhìn tôi.

Tôi trở lại với một bản thảo khá hơn. Lần này, ông bảo tôi ngồi xuống và đọc qua nó, lý giải các lỗi, hỏi các luận điểm, hơn hết là xoáy sâu vào câu trả lời – việc này làm tôi sung sướng cho đến tận bây giờ.

Hầu hết mọi người đều cảm thấy khó khăn với những vấn đề tế nhị, họ sẽ suy nghĩ, có thể nghiên cứu kỹ lưỡng trường hợp đó, tìm hiểu xem người khác nói gì. Họ sẽ tìm những giải pháp họ cho là tốt nhất, chọn một trong số đó hoặc ậm ừ rồi quyết định cho qua.

Khi gặp phải các vấn đề pháp lý, ông không bao giờ chấp nhận phép phân tích truyền thống, chẳng có lý do nào giải thích cả mà chỉ bởi vì nó truyền thống. Ông thường nhìn lại những nguồn cơn đầu tiên, xem xét các vấn đề đằng sau các nguyên nhân truyền thống và thi thoảng, trở lại với một phân tích thể hiện cách nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác. Tôi vẫn hay nhớ đến một trường hợp, tưởng chừng như vô vọng nếu nhìn theo cách truyền thống, nhưng bỗng nhiên hy vọng lóe lên khi nó được phân tích và nhìn theo cách khác.

Ông hoàn toàn không khoan nhượng khi vấn đề bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan. Bạn sẽ gặp rắc rối nếu chuẩn bị cẩu thả, quan tâm hời hợt, tham gia nửa vời. Nếu có sai ngữ pháp hay chính tả, nghĩa là bạn đã bỏ sót một lỗi đánh máy, hay viết một câu tùy tiện, thì bạn hãy chuẩn bị tinh thần đón chờ sấm sét nổ ra – và Derry có cả một thùng thuốc súng bằng lời, quả là ấn tượng. Tôi đã sợ, ngường mộ và tôn sùng và hơn cả dành cho ông lòng biết ơn vô bờ.

Derry là thành viên Công Đảng ôn hòa. Ông không bao giờ xem nhẹ cánh tả cực đoan cùng cơ sở nhận thức sai lầm của nó và coi các thành viên của nó như những kẻ học đòi. Trong việc này, ông giống như Cherie. Cô ấy cũng có ảnh hưởng lớn tới tôi, không phải vì cô là bạn gái rồi là vợ, hoặc thậm chí ngay cả khi cô có dành thời gian dài để thảo luận về chính trị với tôi – thực tế là không – mà bởi vì cô ấy ủng hộ Công Đảng một cách rất tự nhiên, dễ hiểu và xuất phát từ kinh nghiệm sống. Cô ấy cũng không bao giờ có chút hứng thú với việc giả vờ tỏ ra thông minh hay thấu hiểu chính trị. Cô ấy thực tế hơn cả những người đồng nghiệp của tôi, cô ấy giữ vững lập trường chính trị từ đầu đến cuối. Cô ấy quan sát khi mọi người chuyển từ bên này sang bên kia, nhưng bản thân cô vẫn đứng tại chỗ. Về mặt này, cô giống người đại diện cử tri của tôi, John Burton. Qua thời gian, tôi nhận ra rằng sự tiến triển của các quan điểm chính trị tuyệt đối không thể thiếu được quá trình chuyển biến chính trị thực tiễn.

Trong 4 hay 5 năm đầu làm việc tại tòa, tôi đã dành hết thời gian cho pháp luật. Công việc này rất tốn thời gian – tôi đã làm việc ít nhất 12 giờ một ngày – nên hầu như không có thời gian cho các hoạt động chính trị, nhưng tôi vẫn hoạt động trong đảng ở địa phương của mình, đầu tiên tại Earls Court, sau đó là Marylebone, tiếp là Hackney, thỉnh thoảng tôi còn viết bài cho New Statesman, một tuần san nghiêm túc vào thời điểm đó; và thông qua Derry tôi gặp John Smith và những nhân vật Công Đảng khác.

Tôi không thể nhớ ngày đầu tiên đến Nghị viện, nhưng tôi nhớ sự kiện đó và nó ảnh hưởng đến tôi sâu sắc. Cha của Cherie, Tony Booth, một người ủng hộ Công Đảng lâu năm, là một người nổi tiếng và quen biết nhiều nghị sĩ Công Đảng. Một người là Tom Pendry, Tom là một người rất khôn ngoan, có khả năng, tận tụy, nhưng ông ta luôn tỏ ra thỏa mãn với sự từng trải của mình. Nội bộ Công Đảng sau thất bại năm 1979 có một chút gì giống với cuộc cách mạng Pháp vào thời gian chính biến Thermido, đầy rẫy những cuộc đấu đá, âm mưu và những lời buộc tội cay nghiệt. Các nghị sĩ bị giám sát bởi một bộ phận lớn trong đảng và những thương gia lật lọng – những người theo một thứ chủ nghĩa xã hội phản bội. Họ phản ứng như cách các nghị sĩ đã làm với thái độ bao gồm sự thách thức ngoan cố, sự đầu hàng hèn nhát trước công luận và run rẩy như thể đang bị giải ra pháp trường.

Thông qua Tony, Cherie sắp xếp để tôi gặp Tom, tôi giễu cợt ý tưởng ra ứng cử Nghị viện và tôi thiếu tự tin. Tom đã mời chúng tôi đến quầy bar của Hạ viện để uống chút gì đó vào nửa đêm, vì ông phải ở lại để bỏ phiếu. Tôi đến cánh cửa gần cổng nơi mọi người xếp hàng để chất vấn Thủ tướng. An ninh được nới lỏng hơn trong những ngày này. Tôi tiến lên vài bước và bên trái tôi, phía bên kia hội trường Wesminster, nơi Charles I đã bị xét xử, tượng của các vị Vua, Nữ hoàng và những chính khách quan trọng xếp hàng theo nghi lễ và nơi những bức tượng của những hiệp sỹ cổ nhuốm màu thời gian được đặt ngay ngắn trong các hốc tường cùng với những lá cờ của các trận chiến cổ xưa.

Tôi rảo bước vào sảnh trung tâm, nơi công chúng đợi gặp các nghị sĩ và dừng lại. Tôi đã sững sờ như bị ai đánh bất ngờ. Đây là nơi tôi muốn. Nó rất khác biệt, khác biệt bởi nó không giống tôi và khác biệt bởi thời gian sau này tôi chưa từng được biết đến như một “Người của Hạ viện”. Nhưng tại thời điểm đó và thời gian sau này, tôi luôn có một linh cảm: đây là nơi tôi sẽ đứng và là số mệnh của tôi. Đây là ngôi nhà chính trị của tôi và tôi sẽ làm mọi thứ để được bước vào đó.

Cherie hơi giật mình vì những ảnh hưởng của nó đến tâm lý tôi. Tôi đã thực sự thăng trầm với nơi đó, hít thở bầu không khí đó, nghiên cứu kiến trúc nơi đó như thể bằng cách nhìn vào nơi ấy tôi có thể khám phá ra điều bí mật để đi vào căn phòng này bằng quyền của mình, chứ không phải bằng một lời mời. Khi tôi viết đến đây, đột nhiên những cảm xúc tưởng chừng ngủ yên lại ùa về và tôi nhớ Nghị viện. Khoảng 13 năm sau, tháng Sáu năm 2007, khi tôi đã nghỉ, tôi đã cảm nhận đầy đủ về nơi đây và muốn rời xa nó. Nhưng giờ đây, khi nhận ra cảm xúc của mình, những đam mê lại quay trở lại. Tòa án có sức hút riêng và đó rõ ràng là nơi bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng trở thành một nghị sĩ, trở thành một nhà lập pháp, được rảo bước tự do qua những dãy hành lang và những căn phòng dài hun hút quả là một trải nghiệm thú vị, phiêu lưu, như thể bạn được đặt chân đến một tầm cao hơn của sự tồn tại.

Tối hôm đó, Tom nghĩ tôi là một thằng cha lập dị. Thoạt đầu, chúng tôi không trò chuyện nhiều nhưng sau đó tôi hỏi dồn dập ông ta: làm thế nào mà ông vào đây được? Ông có thể giúp gì cho tôi? Tôi phải gặp ai? Tôi phải làm gì? Tôi phải làm như thế nào? “Tôi đã không nhận ra là cậu lại nóng lòng đến thế”, ông ta nói, ngạc nhiên về sự vồn vã thái quá như trẻ con của tôi.

Tom giới thiệu cho tôi sơ bộ về liên minh và đưa ra những lời khuyên vô giá về những điều thâm sâu trong chính trị Công Đảng. Kể từ đó cho tới cuộc bầu cử bất thường ở Beaconsfield năm 1982, tôi theo đuổi mục đích của mình một cách nghiêm khắc. Rồi sau thời gian đó, tôi củng cố quyết định của mình cho đến khi Sedgefield thức tỉnh tôi vào thời điểm cuối cùng của nhiệm kỳ Nghị viện 1979–1983. Khi mọi việc dường như đứng trên bờ của sự thất bại, tôi tự quyết định đứng ngoài cuộc bầu cử năm 1983, tôi thậm chí còn từ bỏ vị trí tại Tòa án London, chuyển đến Newcastle và giữ một ghế trong Hội đồng của Nick Brown khi Nick quyết định ứng cử tại khu vực bầu cử an toàn cho ông là Đông Newcastle, tiếp đến là khu vực bầu cử lân cận Wallsend, sau đó mới đến chiếc ghế của Steve Byers. Trong sự tuyệt vọng, tôi liên lạc với hội đồng cũ của cha tôi để tham vấn. Cuối cùng, tôi đã không phải làm vậy, nhưng việc làm đó là thước đo cho khát vọng của tôi.

Quan điểm của tôi về Công Đảng song hành cùng những tham vọng của bản thân. Tôi cẩn trọng để không quá xa rời với mạch quan điểm của đảng thời điểm đó – quá nghiêng về cánh tả; nhưng vẫn nhận ra ngay từ đầu rằng chúng tôi đang đứng sai vị trí. Tôi ngưỡng mộ Michael Foot nhưng ông ta là một sự lựa chọn viển vông so với Denis Healey.

Cherie được lựa chọn ở điểm bầu cử Thanet North, bao gồm cả vịnh Herne và quận Margate, cuối cùng, cô ấy đã không thắng được chiếc ghế của Đảng Bảo thủ. Cherie được yêu cầu ứng cử và cô đồng ý, nhưng chưa bao giờ thực sự được cơ cấu để trở thành nghị sĩ. Và bởi vì niềm đam mê của tôi lớn hơn, nên cô ấy thấy rằng mình thích hợp với nghề luật sư hơn. Với bằng cấp hàng đầu trong giới chuyên môn và nằm trong nhóm dẫn đầu của các kỳ thi khi học đại học – cô ấy sẽ trở thành một luật sư tốt hơn tôi.

Việc chấp nhận là một ứng cử viên của Cherie cho tôi thêm một cơ hội để gây ảnh hưởng. Cha Cherie khá thân với Tony Benn và đã nhờ ông ta tổ chức một buổi nói chuyện với các đảng viên Công Đảng tại Margate. Tôi được giao nhiệm vụ đón Benn từ nhà ở gần Công viên Holland. Tony lúc đó giống như một báu vật quốc gia, trong khi trước đó dưới con mắt của phần lớn thành viên Đảng Bảo thủ và những thành phần trung lập, ông ta là một con quỷ. Ông ta không chỉ độc đoán, mà còn có thể làm mọi người thật sự nghẹt thở với những cơn thịnh nộ liên miên của mình. Ông ta là kẻ bị căm ghét nhất trong tất cả những kẻ bị căm ghét của phần lớn giới truyền thông – những người lại phong ông ta là anh hùng của phần lớn phe cánh tả.

Tôi chưa bao giờ nghe ông ta phát biểu trước đó. Tôi ngồi mê mẩn, hoàn toàn bị mê hoặc và được truyền cảm hứng. Tôi tự nhủ giá mà chỉ duy nhất mình có thể nói như thế. Gây ấn tượng với tôi không phải là nội dung bài phát biểu – tôi không đồng tình với nhiều điều trong đó – nhưng sức mạnh của nó, khả năng sử dụng ngôn ngữ để lay động lòng người, không đơn giản chỉ ẩn chứa sự thuyết phục mà là sự giục giã. Hàng ngày, hàng tuần sau đó, tôi ngồi ngẫm lại tất cả những điều đó. Có thể với ông ta bài phát biểu đó chỉ là một việc rất nhỏ trong tuần và không có gì đặc biệt, nhưng với tôi đó là sự soi sáng.

Trước tiên, đó là sự tự tin tuyệt đối của ông ta. Ngay từ đầu, khán giả cảm thấy vô cùng thư thái và sẵn sàng lắng nghe, bởi họ biết tâm lý của diễn giả cực kỳ tốt. Khi ông ta bắt đầu và nhìn vào mọi người, bao trùm lên bầu không khí xung quanh là sự im lặng, sự chắc chắn đầy sinh lực. Đó là biểu hiện của sự tự tin. Ông ta làm chủ chúng, dễ dàng và tự nhiên.

Thứ hai, ông ta sử dụng khiếu hài hước. Nếu ai đó có thể làm bạn cười, nghĩa là bạn đã nằm trong tay họ. Sự căng thẳng giữa diễn giả và người nghe sẽ biến mất khi hai bên hiểu nhau.

Thứ ba, có một mạch tư tưởng xuyên suốt bài phát biểu, một chủ đề duy nhất. Đôi khi ông ta hơi lạc đề một chút và các chủ đề lu mờ trong giây lát, nhưng rồi luôn quay lại với chủ đề chính ngay sau đó.

Thứ tư, chủ đề được xây dựng từ trước và bài bản chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Mặc dù, được giới thiệu sơ qua lúc đầu, nhưng chủ đề chỉ thực sự hiện ra rõ ràng khi từng lớp, từng lớp ngôn từ cấu tạo nên nó xuất hiện và bất ngờ liên kết với nhau, kết quả đạt được thật thuyết phục và bạn cho rằng chỉ có những kẻ ngoan cố mới không nhìn thấy sức thuyết phục của nó.

Trên đường về, chúng tôi nói chuyện về lực lượng vũ trang. Tôi muốn biết quan điểm của ông ta về phái theo chủ nghĩa Trotsky đang thâm nhập vào Công Đảng. Tôi đang đại diện cho một đảng phái chống lại chủ nghĩa Trotsky một cách hợp pháp, tôi đã nghiên cứu bản thân họ và các phương pháp của họ, tôi biết rằng không có cách cư xử nào khác ngoài cách đánh bật họ. Tony không đồng ý và tôi đã chỉ ra điểm yếu cơ bản trong lập trường của ông ta: ông đang chìm đắm trong vai trò của một người lý tưởng hóa, một người cầm cờ, một con người của các nguyên tắc đối lập với các nghị sĩ tham danh vọng vô nguyên tắc. Ông không đương đầu với những kẻ thực sự đang ngăn chặn chủ nghĩa lý tưởng. Ông là một người thuyết pháp chứ không phải là một vị tướng. Và chiến tranh thì không được quyết định bởi những người thuyết pháp.



Mười một năm sau, tôi trở thành thủ lĩnh Công Đảng khi mới bước sang tuổi 41. John Smith, người tiền nhiệm của tôi qua đời vào ngày 12 tháng Năm năm 1994. Ông ta chỉ mới tại nhiệm trong 2 năm và là một hình tượng xuất sắc: Bộ trưởng trong Chính phủ Công Đảng cuối cùng, một thành viên tài ba của hội đồng cố vấn Nữ hoàng, một nhà tranh luận xuất chúng trong Hạ viện, bạn thân của Derry và Donald Dewar và là một trong những người cẩn trọng, đúng mực và thông minh nhất mà chúng ta biết. Bằng cách tương đối khác thường, ông đã giúp đưa tôi vào Nghị viện năm 1983 và nhờ đó giờ đây tôi đã trở thành thủ lĩnh Đảng. Khi cuộc bầu cử bên lề Beaconsfield sắp đến gần vào tháng Năm năm 1982, tôi nghĩ đến việc tranh cử, hầu hết mọi người khuyên tôi từ bỏ vì không có hy vọng cho Công Đảng. Trái lại, John đã cho tôi biết lý do chính đáng để làm vậy. Không ai có thể đổ lỗi cho tôi, tôi có thể thu hút được sự chú ý của cả nước và có một vị trí tốt hơn để giành một ghế trong cuộc bầu cử tới. Và ông đã đúng.

Sau thất bại năm 1992, lần thứ hai, Neil Kinnock thua cuộc, John là sự lựa chọn hiển nhiên cho vị trí thủ lĩnh. Ông đã giải quyết tuyệt vời hậu quả của sự sụp đổ Cơ chế Tỷ giá Hối đoái, khi nước Anh bị ném ra khỏi tiền thân của Liên minh Tiền tệ một cách không thương tiếc và tháng Năm năm 1994, ông đã dẫn đầu trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mặc dù không thu hút được nhiều sự chú ý.

Nhưng John có vấn đề về sức khỏe. Năm 1988, ông bị một cơn đau tim nghiêm trọng trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Tài chính đối lập. Gordon đảm đương vị trí đó thay John một cách tốt đẹp, qua đó khẳng định mình là một nhân vật đầy triển vọng. Sau một vài tháng nghỉ, John trở lại tiếp tục vị trí của mình và có vẻ hồi phục. Tuy nhiên, ông ta chưa khỏe hẳn và vẫn phải chịu đựng cơn đau do lối sống của mình. John bị béo phì và mặc dù có thói quen đi bộ, nhưng ông ta cũng là một tay nghiện rượu. Ông ta có thể uống theo cách mà tôi chưa từng thấy từ trước tới nay, điều đó không có nghĩa là ông ta uống ngay cả khi cần tỉnh táo – ông ta rất chuyên nghiệp – nhưng nếu có một huy chương Olympic về khoản bia rượu, chắc chắn John sẽ thi đấu áp đảo đến nỗi chỉ sau một vài vòng, toàn bộ đối thủ sẽ lắc đầu và tự xin rút khỏi sàn đấu.

Khi John dẫn đầu đoàn đại biểu mà tôi là một thành viên đến Trung Quốc vào những năm 1980, chúng tôi đã gặp gỡ một vài quan chức địa phương ở Thượng Hải. Đó là một buổi tối chuếnh choáng với một lượng lớn rượu Whisky, rượu Mao Đài và bia. Suốt buổi tối, chúng tôi liên tục nâng cốc chúc mừng, sau khi đã ngà ngà say, một lãnh đạo Trung Quốc đấu rượu với John. Tay Trung Quốc uống khá và đây là lần cân bằng nhất mà tôi từng thấy, nhưng cuối cùng John vẫn chiến thắng (tôi đã chuyển sang uống trà xanh từ vài giờ trước đó). Sau khi đã hạ gục tất cả thì ông ta liên tục hát đi hát lại một bài hát sôi động “Auld Lang Syne” (tạm dịch: Ngày xưa) với đoạn điệp khúc khó hiểu.

John thích tụ tập bạn bè, ông ta thích đi vào phòng hút thuốc ở Hạ viên sau khi bỏ phiếu, nơi mà trong những ngày đó thành viên Đảng Bảo thủ và Công Đảng đứng lẫn với nhau vui vẻ. Vấn đề chính trị được tạm gác sang một bên trong ít phút, nơi mà F. E. Smith và Churchill ngồi nói chuyện với nhau một cách thân mật như trước, bất kể những lời qua tiếng lại trong Hạ viện (thậm chí có cả những ngôn từ chỉ trích nhau nặng nề). Ngày nay, những tình bạn như thế dường như rất rất hiếm. John thích nói chuyện, hồi tưởng những chuyện cũ và thư giãn. Nhậu nhẹt cũng là một hình thức thư giãn, về mặt này, John giống Derry. Họ không bao giờ uống trước một sự kiện lớn, nhưng khi hai người họ ở cùng nhau trong lúc rảnh rỗi thì sẽ có một bữa nhậu hoành tráng, có khi bắt đầu từ trưa và kéo dài đến đêm.

John uống rất nhiều. Điều đó có nghĩa John cứ uống không ngừng nghỉ, không có dấu hiệu mệt mỏi hoặc cơ thể biểu hiện bị ảnh hưởng bởi rượu. Đối với tôi, chỉ cần vượt qua giới hạn một chút thôi, tôi có thể bị ốm, buồn ngủ và chắc chắn sẽ bị hành hạ trong mấy ngày tiếp theo; nhưng Derry và John có thể dậy sớm vào sáng hôm sau và tán gẫu, cũng như có đủ khả năng đối mặt với một ngày đầy thử thách đang chờ đợi.

Dĩ nhiên, sau cơn đột quỵ, John phải kiêng rượu bia và nhờ thế ông ta giảm cân và bỏ ra được hơn một trăm chai Munro (một loại rượu được đặt tên theo tên dãy núi ở Scotland cao trên 1 nghìn mét) – nhưng với sức ép từ việc nắm vị trí thủ lĩnh đảng, đến giai đoạn 1993 và 1994, tôi thấy ông uống còn nhiều hơn trước. Ông nghĩ mình đã già, vì thế ông cư xử như một người già. Một lần nữa, tôi phải nhấn mạnh rằng uống nhiều rượu không hề ảnh hưởng đến kết quả công việc của John; việc đó diễn ra vào cuối ngày, trong kỳ nghỉ hay buổi tối với bạn bè, nhưng sức khỏe của ông còn tồi tệ hơn ông tưởng (hay đúng hơn là ông không muốn chấp nhận sự thật), bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở liên tục của Elizabeth, người vợ và là tình yêu lớn trong đời, ông cảm thấy khó mà xa được những cuộc vui và bạn bè.

Tối 11 tháng Năm năm 1994, diễn ra buổi gây quỹ cho cuộc bầu cử Liên minh châu Âu sắp tới. Tất cả thành viên Nội các Đối lập tập trung tại một khách sạn khá lịch sự ở London, chẳng có gì khác lạ ngoài sự sang trọng hơn thường thấy ở Công Đảng, khi chúng tôi tìm kiếm lý do khẳng định việc hạn chế hỗ trợ kinh doanh.

Tôi chỉ là một khán giả ở đó chứ không phát biểu, tôi ngồi tại ghế đại biểu lẫn trong một vài thành viên Nội các Đối lập, những người có thể tiện cáo lui nếu có công chuyện. John xuất hiện cùng Elizabeth chào mừng mọi người. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta khi nói chuyện và nhận ra rằng ông ta có vẻ rất mệt mỏi. Tôi vẫn nhớ bài diễn thuyết khá tốt của John, tuy không được như mọi khi. Mặc dù vậy, nó cũng kết thúc rất hay bằng câu: “Chúng ta chỉ đòi hỏi một việc, đó là cơ hội được phục vụ tổ quốc”.

Bản thân tôi rất nóng lòng muốn ra về, sáng hôm sau tôi phải làm việc từ rất sớm, bay đến một điểm vận động tranh cử ở Aberdeen. Con gái Kathryn của tôi mới 6 tuổi và thường xuyên thức dậy vào nửa đêm, ngay cả Nicky và Euan, mặc dù lớn hơn, nhưng cũng không chắc là chúng sẽ ngủ một mạch hoặc không thức dậy quá sớm, nhất là những hôm mặt trời lên sớm. Dù gì đi nữa thì giấc ngủ của tôi thường bị gián đoạn, nên tốt hơn cả là tôi nên về nhà và nghỉ ngơi. Tôi lịch sự thu xếp ra về sớm nhất có thể và trở lại Richmond Crescent.

Sáng hôm sau, tôi đáp xuống sân bay Aberdeen vào khoảng 9 giờ, sau đó tôi được chở đến trụ sở chính của đảng để trình bày vắn tắt cho chiến dịch tranh cử. Trên đường đi, văn phòng chính của đảng ở London đã điện thông báo rằng John vừa bị đột quỵ, không ai dám chắc ông có qua khỏi không.

Ít phút sau, Gordon gọi điện thông báo tin bất ngờ. Chúng tôi thỏa thuận sẽ nói chuyện khi tôi về trụ sở. Tôi nhận được một cuộc gọi khác khi vừa dừng xe, John đã ra đi. Tôi cố gắng tự trấn tĩnh mình, ông giữ một vị trí rất quan trọng trong cuộc đời tôi và tôi rất quý mến ông. Chúng tôi đã có nhiều trải nghiệm cùng nhau cả trong công việc lẫn cuộc sống. Tôi biết điều gì sẽ đến khi John ra đi: mặc dù mọi người đang cố gắng chấp nhận sự thật, họ đang đau buồn, họ đang nghĩ về John như một nhà lãnh đạo chính trị, một người bạn, nhưng họ cũng không quên hướng sự chú ý sang một câu hỏi luôn được đặt ra ngay sau khi người thủ lĩnh ngã xuống, ai sẽ là người thay thế?

Đó là thời điểm tôi có sự chuẩn bị một cách vô thức. Nhiều năm qua – ít nhất từ năm 1992 – tôi luôn cho rằng Gordon sẽ là thủ lĩnh. Tôi không chỉ vui mà còn hãnh diện vì điều đó, tôi không mấy hứng thú với vị trí đó. Tôi thừa hiểu những trách nhiệm to lớn và cả những khó khăn của công việc này. Không, nếu ai đó có thể đảm đương nó, tôi sẽ là người phụ tá đắc lực và trung thành. Với tôi thế là đủ.

Tuy nhiên, năm 1992, chúng tôi đã thất bại bốn lần liên tiếp. Hơn thế nữa, số phiếu bầu của chúng tôi chỉ dao động xung quanh mức 32%. Sau 30 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ, giữa thời buổi suy thoái kinh tế mà họ cũng góp phần gây ra, tỷ lệ phiếu bầu của chúng tôi vẫn đạt mức trần 32%. Tại sao? Với một số người, cải cách bầu cử có thể khá đúng đắn. Dù chúng tôi có làm tốt thế nào giữa lúc thời thế đổi thay thì khi ngày bầu cử tới, cả đất nước vẫn quay về niềm tin cố hữu của họ. Đó là tinh thần chung trong lối suy nghĩ của những đảng viên Công Đảng và cũng là nhận xét từ phía công luận.

Với tôi, tư tưởng chủ bại như vậy không quá xa sự vô lý. Tại sao kết quả lại như vậy? Ngay từ đầu, trước cả đợt bầu cử tôi tham gia ứng cử vào Quốc hội năm 1983, tôi đã nhận ra vấn đề của Công Đảng là đã tự thân vận động. Chúng tôi không tiến lên nhờ bất cứ mối liên hệ nào với thế giới hiện đại. Về cơ bản, chúng tôi thu hút được hai nhóm người: những người ủng hộ Công Đảng truyền thống và những người đứng trên quan điểm ủng hộ chủ nghĩa xã hội hay nền dân chủ xã hội thông qua sự trưởng thành về mặt trí tuệ của họ. Rất nhiều nhà hoạt động công đoàn thuộc về nhóm thứ nhất, tôi lại là thành viên của nhóm thứ hai. Không nhóm nào có thể được gọi là “chính thống” và họ phải cùng nhau hợp thành một tổ chức đủ lớn mạnh để giành chiến thắng và lãnh đạo đất nước.

Hơn thế nữa, quy mô của nhóm thứ nhất đang ngày càng thu hẹp. Thời của những nhà hoạt động công đoàn trong các tổ chức thương mại cũ đã qua rồi, cùng với sự sa sút của nhiều ngành công nghiệp mà họ chiếm ưu thế như than đá, thép, đóng tàu và dệt may. Những ngành công nghiệp mới, đặc biệt là những ngành được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật hiện đại, ngành dịch vụ hiện đại không được các nhà hoạt động công đoàn coi là sự kết hợp tốt với chính trị. Quan trọng hơn, không ai trong số họ làm việc trong các ngành mới đó. Các cuộc họp, những quy tắc hay nét văn hóa của các tổ chức công đoàn này đã trở thành điều gì đó ấu trĩ, lạc hậu, khó có thể cứu vãn. Một vài nhà hoạt động công đoàn đã nhận ra điều này và cố gắng thay đổi chúng nhưng số người có tư duy bảo thủ quá lớn, bị bao bọc bởi mong muốn làm lãnh đạo nên họ thấy không cần thiết phải thay đổi. Họ có thể thấy điều đó quan trọng hoặc đôi khi thể hiện thái độ quan tâm tới điều đó, như trong quá trình phát triển chung của công đoàn ngành dịch vụ, nhưng chúng diễn ra không thực sự mạnh mẽ. Họ không nhận ra rằng: Đổi mới hoặc là chết. Không một cuộc tổng tuyển cử nào đưa ra được một nhận định xác đáng về tình trạng công đoàn hiện nay, trong khi đó số lượng thành viên, sự hỗ trợ và các tổ chức liên quan ngày một giảm. Thật không may họ vẫn là những người có thế lực và có ảnh hưởng trong Công Đảng, nơi mà việc họ được trưng cầu ý kiến thực ra chỉ là một hành động mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, bản chất của chính những vị lãnh đạo công đoàn cũng đang thay đổi. Những người lãnh đạo của thời kỳ đầu và giữa thế kỷ XX như Ernie Bevin hay sau này là Jack Jones là những người thực sự vĩ đại. Họ đều là những người thuộc tầng lớp lao động, thông qua những cuộc hội họp, qua trường lớp và hội thảo, họ đã đạt được những gì mà xã hội giáo dục đã từ chối cung cấp cho họ và họ trở thành những tấm gương tiêu biểu cho việc tự hoàn thiện mình. Khi đó, các cuộc họp luôn đầy ắp các thành viên với hàng trăm người tham gia một buổi họp ở chi nhánh. Đó là những đấu trường thường được điều hành một cách nghiêm túc, nơi họ tranh luận, bàn bạc và ra quyết định. Họ cần những phẩm chất của một nhà lãnh đạo thực thụ, những chiến lược và chiến thuật để nâng tầm sự nghiệp đấu tranh vốn cần thiết và theo lẽ phải.

Những người thợ mỏ già dành cả cuộc đời trong khu mỏ vùng Đông Bắc từng nói với tôi về những nghi thức trang trọng của những cuộc họp như vậy, tầm quan trọng của chúng trong cộng đồng, cao quý nhất là ý nghĩa của chúng trong lòng người dân địa phương. Được đứng trong hàng ngũ các vị chức trách của chi hội là một vinh hạnh. Được trở thành một cán bộ nghĩa là bạn có thể đặt chân lên đến đỉnh vinh quang. Ví dụ người đứng đầu khu mỏ Durham, Sam Watson, nhà lãnh đạo nổi tiếng của thập niên 50 của thế kỷ XX đã nắm giữ một vị trí với quyền lực thực sự. Khi Attlee trở thành lãnh đạo Công Đảng và nếu có một đề xuất thiếu minh bạch được đưa lên, ông ta sẽ nói: “Không thể thực hiện được. Sam Watson sẽ không ủng hộ điều đó đâu”.

Tuy nhiên, tất cả những phong trào tiến bộ đều phải thận trọng với những thành công của chính họ. Những cải cách họ mang lại đã tái tạo xã hội mà họ đang sống và họ ngược lại cũng thay đổi bản thân để thích ứng, nếu không, họ chỉ là âm thanh dội lại của một tiếng vang lớn, chẳng hề có tác dụng gì. Khi ảnh hưởng của chúng giảm dần, số người ủng hộ ít ỏi lại càng tỏ ra giận dữ, họ chỉ quan tâm tới việc giữ gìn vị trí đang ngày càng suy giảm của mình chứ không nhận ra rằng tiếng nói của thời gian đang tới và họ phải lắng nghe trước khi cất lời. Điều này xảy ra ở mọi tổ chức. Đối với những người bị dẫn dắt bởi suy nghĩ rằng hãy cứ đương đầu với chúng đi và ta sẽ hiểu thêm được nhiều điều thì suy nghĩ này thực sự rất nguy hiểm. Những người lãnh đạo mới của các công đoàn có xu hướng bắt chước những thế hệ trước đến mức mà mọi nỗ lực của họ sẽ trở thành vô nghĩa ngoại trừ việc duy trì tinh thần của những người chỉ muốn đi theo vết chân cũ.

Khi đảm đương một vị trí ở công đoàn, Margaret Thatcher không tỏ ra là một người giấu giếm những ý tưởng mới. Điều đó đã từng xảy ra khi Harold Wilson và Barbara Castle thể hiện quan điểm này trong chính sách “Ở nơi xung đột”, còn Edward Heath đưa đến ý tưởng mới với Luật Quan hệ Công nghiệp năm 1971. Cả hai đều nỗ lực đưa sức mạnh công đoàn vào sự kiểm soát của luật pháp thông thường. Sự khác biệt nằm ở chỗ, khi bà lên nắm quyền, rõ ràng một cuộc đả kích vào những biệt đãi mà công đoàn có được đã thất bại và cho thấy chỉ một sự thay đổi triệt để mới có thể thành công. Bà có những phẩm chất thích hợp, tố chất lãnh đạo và trí thông minh đủ để biến điều đó thành hiện thực.

Bên cạnh đó, bà ấy cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn từ phía đối thủ của mình. Khi Arthur Scargill trở thành lãnh đạo của những người thợ mỏ và phong trào đình công những năm 1984 - 1985 bắt đầu diễn ra, bà đã lựa chọn sự trung lập giữa một bên là Thủ tướng cánh hữu, người đã được dân bầu chọn là người đứng đầu đất nước và đánh giá đúng sức mạnh quá giới hạn của công đoàn và một bên là một thủ lĩnh công đoàn cánh tả, không theo chủ trương dân chủ và hoàn toàn không quan hệ với thế giới bên ngoài.

Khi thăm dò ý kiến của những thành viên còn lại của Công Đảng sau đợt bầu cử năm 1983, tôi hiểu rằng đã đến lúc cần phải thay đổi. Công đoàn đơn giản không thể hỗ trợ một đảng chính trị hiện đại nếu nó muốn trở thành một đảng cầm quyền.

Cùng lúc đó, tôi đã nghĩ đến một kết luận khác, liên quan đến nhóm thứ hai tham gia ủng hộ đảng. Nhóm trí thức Fabian (nhóm xã hội chủ trương cải cách theo từng giai đoạn) của Công Đảng có truyền thống lâu đời và nhận được sự kính trọng. Những người chủ chốt có vai trò định hướng, đa số sinh trưởng trong những gia đình giàu có nhưng luôn căm phẫn trước mọi bất công và là các nhân vật có ảnh hưởng lớn. Giống như George Orwell, Hugh Dalton, Stafford Cripps, thành viên Câu lạc bộ Sách Cánh tả Mới (New Left Book Club) và hội Haldane, họ là những người uyên bác, tận tâm, nhiệt huyết với cách tiếp cận vấn đề mang đậm chất trí thức. Tony Benn là một ví dụ tiêu biểu. Tony Crossland cũng là một cái tên gây chú ý (thực tế, ông ta là thầy giáo của Benn ở trường Oxford). Cũng giống như tôi, suốt những năm tháng đại học, họ có xu hướng thiên về cánh tả. Trong tòa nhà trí tuệ được con người tạo nên đó, họ đã hình thành những suy nghĩ về sự bất công của chế độ, quá trình chuyển biến nhận thức nảy sinh từ việc nhận ra rằng điều kiện xã hội mới chính là nguyên nhân sâu xa của việc có được cơ hội hay thiếu cơ hội, việc tiếp xúc với những ý tưởng như vậy làm thay đổi quan điểm về cuộc sống của họ. Một khi đã thay đổi, họ trở thành những người ủng hộ nhiệt tình cho các hoạt động xã hội, hoạt động của đảng, của công đoàn và những người thuộc tầng lớp lao động, những người cần phải được giải phóng khỏi những điều kiện sống thiếu thốn về nhà ở, giáo dục và chăm sóc y tế.

Tôi đã mất khá nhiều thời gian để nhìn ra vấn đề mà nhóm thứ hai gặp phải: mặc dù, họ quan tâm tới người dân nhưng không “cảm nhận” cuộc sống giống như những người dân ấy. Nhóm thứ hai giống như nhân vật Georges Duhamel, người nói “Tôi yêu mọi người nhưng đó cũng chính là những người mà tôi không chịu đựng nổi”. Ý tôi không phải là họ sống tách biệt hay khó ưa, mà trái lại, họ còn vui vẻ và rất cuốn hút, nhưng họ lại không mang tới “cảm hứng”. Họ quá bằng lòng với lợi ích chính trị hiện tại của mình. Họ nỗ lực góp phần vào việc giảm thiểu bất công và bất bình đẳng trong xã hội nhưng lại không tiên liệu được tương lai. Tầng lớp bần cùng của xã hội mong muốn ai đó lo lắng về hoàn cảnh của họ, sau đó là hành động, nhưng khi những người này thoát nghèo, họ tìm mọi cách để càng ngày càng giàu hơn. Nói cách khác, với một người như vậy, tham vọng, cảm hứng, sự nghiệp, tiền bạc, đảm bảo cuộc sống cho gia đình hay tạo điều kiện cho tương lai của con cái họ quan trọng hơn những bất công và bất bình đẳng mà họ đã từng phải chịu. Mong ước lớn nhất của cha tôi là tôi được đi học ở trường tư, không phải là bất cứ trường tư nào mà là ở Fettes bởi ông nghĩ và được biết là đó là trường tư tốt nhất Scotland.

Giới trí thức lại không thực sự hiểu được quá trình này hoặc nếu có thì họ lại phản đối. Họ muốn tôn vinh tầng lớp lao động, chứ không phải là biến tầng lớp đó trở thành tầng lớp trung lưu, nhưng trung lưu lại chính là điều một người lao động bình thường mong muốn mình hoặc con cái mình đạt được. Niềm tin của giới trí thức về sự bình đẳng được hiểu một cách nguy hiểm là bình đẳng về thu nhập, chứ không phải là bình đẳng về cơ hội, nhưng cái thứ hai mới là bản chất của giải phóng. Mục tiêu bình đẳng về thu nhập, nếu đạt được, sẽ nhanh chóng trở thành vật cản cho sự phát triển. Cơn bốc đồng của nhiều người trong số đó lại được sự hỗ trợ của giới trí thức chân chính cho rằng cần phải ưu đãi nhân tài chứ đừng áp dụng chủ nghĩa bình quân, họ muốn được trợ giúp để leo lên thang, nhưng một khi đã lên được thì họ cho rằng việc có leo được hay không là do họ quyết định.

Thập niên 1980 mở đường cho thập niên 1990 và những thất bại liên tiếp vẫn ồ ạt kéo tới, tôi càng lúc càng bị thuyết phục bởi suy nghĩ rằng có vẻ như Công Đảng đang thiếu một vài tố chất cần thiết để trở thành đảng cầm quyền. Chúng tôi sẽ tìm kiếm sự trợ giúp của các doanh nghiệp ở đâu? Đâu là sợi dây kết nối chúng tôi với các doanh nhân? Trên hết, những người mang lại cảm hứng, những người đã làm tốt nhưng vẫn muốn làm tốt hơn nữa, những người tuy ở dưới đáy xã hội nhưng vẫn khao khát vươn lên, họ ở đâu? Giới trí thức đã đúng khi nói rằng điều kiện xã hội quyết định thành công trong cuộc sống, nhưng chỉ một phần thôi. Còn lại là sự chăm chỉ nỗ lực, tố chất, sự quyết tâm, can đảm, đứng lên sau khi ngã. Ở đâu có những con người như thế? Chẳng nơi nào, tôi kết luận như vậy.

Ngay cả khi trở lại năm 1983, khi tôi vẫn giữ ý kiến về vấn đề quốc hữu hóa và vấn đề quân sự mà đến thời Tony Blair 1994 vẫn bị nhạo báng, tôi hiểu rằng chúng tôi là một đảng không đứng trong thời đại của mình. Nhưng tôi cần phải hết sức thận trọng. Tôi gần như đã không thể trở thành một ứng viên vào năm 1983 bởi quan điểm của tôi về việc hiện đại hóa Công Đảng bị coi là dị giáo.

Tuy nhiên, tôi không thể giữ được chiếc mặt nạ trượt ra hết lần này đến lần khác. Ngay sau cuộc bầu cử 1983, là một thành viên mới của Quốc hội, tôi tham gia vào cuộc mít tinh hậu bầu cử tại Spennymoor Town Hall. Chúng tôi đã thua một cách thảm hại, còn tồi tệ hơn cả năm 1979, bởi khi đó có một cuộc suy thoái lớn. Công Đảng đã bị đánh bại.

Cuộc mít tinh có chủ đề: Những bài học từ Thất bại. Lời quảng cáo trên tờ rơi đã cho thấy đây sẽ là một cuộc tranh luận thẳng thắn. Tôi đã làm luật sư gần 8 năm và đã quen với việc sử dụng chứng cứ, khảo cứu tỉ mỉ, phân tích, mô phỏng và đưa ra kết luận. Tôi được đào tạo để trở nên duy lý trong quá trình tư duy của mình. Kết luận của tôi: chúng tôi đang ở trong trạng thái bị hủy diệt nặng nề. Thất bại tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hơn thế nữa, từ những điều đã học được khi vận động tranh cử cá nhân, ngay cả những người bỏ phiếu cho chúng tôi thường xuyên đã nói với tôi rằng, họ làm vậy mà không hề nghĩ gì đến những chính sách và phương thức lãnh đạo của Công Đảng, chính sách không phải là lý do để họ bỏ phiếu.

Từ năm 1979 đến 1983, Tony Benn đã biểu diễn “trò ảo thuật chính trị”. Anh ta thuyết phục Công Đảng rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của chúng tôi trước Margaret Thatcher vào năm 1979 chính là vì Jim Callaghan, Thủ tướng của Công Đảng là người quá thiên về cánh hữu. Kỳ lạ, tôi biết, nhưng đó là sự thật. Chính bởi bị thuyết phục nên Công Đảng đã chuyển hướng thân cánh tả và ủng hộ đơn phương giải giáp vũ khí hạt nhân, ra khỏi châu Âu và quốc hữu hóa toàn bộ. Đây là một thành tựu đáng kể, nhờ phần lớn vào công sức thu hút và nghệ thuật thuyết phục tài tình của Benn. Trong chốc lát, gần như ông đã có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử Phó Thủ tướng và trở thành một phe quyền lực chiếm ưu thế trong đảng. Đối thủ của ông là Denis Healey, cựu Bộ trưởng Tài chính của Công Đảng, người đã phải đưa ra những quyết định khó khăn để tìm lối thoát cho nền kinh tế Anh sau khi chúng tôi gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để được trợ giúp vào năm 1976. Nếu như Benn chiến thắng thì đây sẽ là một thất bại cho cả bộ máy lãnh đạo và rất có thể Michael Foot sẽ nhanh chóng bị ông ta lật đổ. Điều này đã được ngăn chặn một cách kín đáo nhưng theo hướng thiên tả, Công Đảng bị chia rẽ. Một đảng mới hình thành ở trung tâm, Đảng Dân chủ Xã hội và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ lớn từ những cử tri tân tiến của Công Đảng.

Vì thế, bạn có thể suy luận hợp lý rằng quãng thời gian từ năm 1979 đến 1983 hoàn toàn là một thảm họa và một điều gì đó đã đi chệch hướng dẫn đến các sai lầm khủng khiếp. Quá rõ ràng rồi, tôi cho là vậy.

Đề dẫn của buổi họp dường như để chỉ ra những người mong muốn học hỏi. Ban chủ tọa bao gồm tôi là thành viên Nghị viện địa phương, Dennis Skinner, dẫn đầu cánh tả tại thời điểm đó và rất nhiều thành viên công đoàn khác. Chỉ duy nhất một kẻ ngây thơ hay ngớ ngẩn như tôi mới nghĩ đó sẽ là một cuộc thảo luận công bằng và thẳng thắn.

Giờ tôi đã được chọn là ứng viên Công Đảng cho vị trí đối lập với sự lựa chọn quá thiên về cánh tả, một người tên là Les Huckfield. Ông ta thực sự là một hiện tượng chính trị thú vị và chỉ có mặt để đưa ra những mặt trái mà chính trị mang tới cho mọi người. Thập niên 1960, ông là thành viên Nghị viện trẻ nhất của Công Đảng, một người ôn hòa, một ngôi sao đang lên, một bộ trưởng. Tuy nhiên, vì những lý do được cho là liên quan đến tham vọng mà lẽ ra có thể được giải thích thỏa đáng, ông ta đã làm Benn trở thành một hiện tượng, một người được trả tiền hậu hĩnh để trở thành người cực tả. Trong khi khu vực bầu cử của ông ta không có tên trong danh sách tổ chức lại các khu vực bầu cử trên toàn quốc, thì khu vực Sedgefield lại nghiễm nhiên có tên trong danh sách này, liền sau đó, ông ta đã đi khắp đất nước, cố gắng lật đổ những thành viên Nghị viện đương nhiệm trong đợt tái bầu cử của họ. Bằng nhiều cách khác nhau, những cánh cửa của các hộ gia đình luôn luôn đóng im ỉm và ông ta giống như một ai đó từ Transylvania đi khắp các làng mạc và bắt gặp những túi tỏi và cây thánh giá treo trên mỗi cánh cửa để xua đuổi tà ma. Nhưng quái quỷ thay, ông ta gần như thành công ở Sedgefield và may mắn nhờ có tài tổ chức của John Burton, một đồng minh trong đợt bầu cử của tôi và sau trở thành người đại diện của tôi mà mọi sự đã được ngăn chặn. Thất bại của Les Huckfield khiến ông ta bị sốc nặng và quá tức giận. Những lời đồn đại từ đại bản doanh bầu cử của ông ta cho thấy họ hướng tới việc loại bỏ tôi và đưa ông ta vào trận chiến tái bầu cử kế tiếp. Vì vậy, tất cả những thứ ông ta làm đều bất chính.

Dù sao thì tôi cũng là thành viên Nghị viện đại diện cho Spennymoor vì thế tôi lên tiếng trước. Tôi đứng dậy và trình bày một bản phân tích kín kẽ, hợp lý và chuẩn xác về nguyên nhân Công Đảng thất bại và bài học có thể rút ra. Tôi đã trình bày các vấn đề hết sức thẳng thắn.

Trong bài phát biểu của mình, tôi thể hiện thái độ khá gay gắt. Công Đảng đã không còn duy trì vị thế như trước. Đảng đã thất bại trong việc tìm hiểu sự thay đổi của xã hội. Có hai điều khiến tôi tự hào: một là thái độ cũ rích của Công Đảng từ thời “tivi đen trắng” (đa số mọi người năm 1983 đều đã có tivi màu) và hai là việc Đảng đơn thuần lặp lại những châm ngôn xưa như trái đất mà chúng ta học được từ thuở bé.

Ngay cả khi tôi cho rằng bài phát biểu của mình có vẻ không làm dịu những bức xúc vào lúc đó, nhưng tôi đã viết ra tất cả mọi thứ ra và không hề chỉnh sửa để nó văn vẻ và dễ nghe hơn. Đó hoàn toàn là những suy nghĩ thực của tôi. Tôi viết chúng ra. Tôi đọc chúng lên. Tôi kết thúc trong tiếng vỗ tay hời hợt từ những người ủng hộ mà John mang tới. Những người còn lại ngồi im và tôi nghĩ đó là lần duy nhất tôi nhìn thấy một điều như vậy, họ ngồi đó, khoanh tay, đồng loạt, nét mặt họ nhăn nhó như thế đang cố gắng nuốt trôi cục tức vậy.

Dennis đứng nhổm dậy. Tất cả đồng loạt, duỗi tay ra và nở những nụ cười giả tạo mang đầy vẻ đề phòng. Họ biết những gì sắp xảy ra. Còn tôi thì không.

Vài năm sau, Dennis là một trong số những người ủng hộ tôi nhất. Dù anh ta không đồng ý với bất kỳ chính sách nào của tôi, nhưng anh ta thích ai đó giáng cho thành viên Đảng Bảo thủ một đòn đau. Mặc dù, tôi không chắc anh ta sẽ cảm ơn tôi vì đã nói như thế không nhưng anh ta đã tỏ ra vui vẻ và tử tế hơn. Đặc biệt, anh ta đã cho tôi những lời khuyên sáng suốt về các Câu hỏi chất vấn Thủ tướng, chỉ ra những điểm yếu của các thành viên Đảng Bảo thủ chính xác đến kỳ lạ, cho tôi những lời nhận xét và giải thích cách khuấy động đám người đó sau lưng. Nhưng quay trở lại thời điểm khi Dennis còn là một kẻ xúi giục bạo động đầu tiên. Anh ta cũng là một thiên tài về lối diễn thuyết mang tính bỡn cợt phe cánh tả. Anh ta đã đứng trong sân nhà và khai thác những kẻ ngốc còn non nớt mới xuất hiện như mỏ khoáng sản lộ thiên tầm trung bình (anh ta không thích mỏ lớn chút nào bởi vì anh ta đã từng là một công nhân mỏ và đối với anh ta thì những mỏ lớn thường nằm sâu dưới lòng đất).

Chẳng có gì giống với việc bị bẽ mặt trước đám đông, tình huống đó sẽ dạy cho các bạn một bài học. Cuộc họp đã rút ra một số bài học (và cả những bài học sai lầm) từ sự thất bại của Công Đảng. Tuy nhiên, ngày hôm đó tôi đã học được một bài học lớn từ Dennis.

“Vậy” anh ta bắt đầu nói, “thành viên Quốc hội mới của anh giả sử là một Dân biểu của Công Đảng (đặc biệt nhấn mạnh vào từ “Công Đảng”), là người có kinh nghiệm trong các vấn đề chính trị của Công Đảng (một lần nữa nhấn mạnh hơn từ “Công Đảng”) cho đến thời điểm này bao gồm (đến đây là đọc từ một mảnh giấy có tính thời gian và kỹ năng đóng kịch đặc biệt) trường Durham Choir, một trường tư không nhận được sự yêu mến của tầng lớp vô sản địa phương; Trường Đại học Fettes, Edinburgh – hay còn gọi là Eton của Scotland như tôi được biết, (nói một mình) mà không phải là cái mà tôi muốn biết [cười lớn và vỗ tay]; Trường Đại học St John, Oxford [nói với vẻ cực kỳ chế nhạo]; và Quán bar (vỗ tay) – và đó không phải là nơi mà bạn mua một panh bia [một tràng cười giòn giã] mà là nơi có rất nhiều các vị luật sư [tiếng huýt sáo]; Vị Dân biểu Công Đảng mới của bạn nghĩ rằng cha ông chúng tôi đã không biết những gì mà họ đang nói đến; rằng đã đến lúc chúng tôi chối bỏ họ; rằng giờ là lúc chúng tôi nói với họ – nhiều người trong số họ chưa bao giờ có nổi một chiếc radio, chưa bao giờ để ý đến một chiếc ti vi đen trắng – rằng họ không thuộc về nước Anh của Thatcher [vẻ mặt của khán giả ánh lên sự ghê tởm]. Vậy, hãy để tôi nói cho bạn biết, Anthony Charles Lynton Blair [tên đầy đủ của tôi mà đã một vài lần không may bị in lên trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử phụ tại Beaconsfield], cha ông tôi nghèo, đó là sự thực, là những người có địa vị thấp kém, tôi thừa nhận điều đó; và tôi dám chắc rằng họ hơi lạc hậu một chút về cái nguyên tắc trung thành và đoàn kết của mình; tuy nhiên, HỌ LÀ NGƯỜI TỐT VÀ TỰ HÀO LÀ TẦNG LỚP LAO ĐỘNG.” Những lời nói sau cùng đã làm dấy lên tiếng nhạc kèm theo một tràng pháo tay tán thưởng và những tiếng reo hò, ủng hộ vang trời.

Sau đó, lần lượt từng nhà diễn thuyết đứng lên phát biểu và bạn chưa bao giờ nghe được những câu chuyện đau lòng về sức chịu đựng ngoan cường, về chủ nghĩa anh hùng và về tính thánh thiện của cha ông chúng ta nhiều đến thế. Một số người cho rằng ngày nay họ sống được là nhờ vào sự cống hiến hết mình của cha ông ngày trước; những người khác thì nói về việc các nhà khai thác mỏ đã đứng trên bờ vực của sự phá sản như thế nào cho đến khi được cứu thoát bởi sự can thiệp màu nhiệm của cha ông. Có vẻ như đã có những lời nói bóng gió ác ý rằng có thể thời đại ông bà chúng ta đã từng là tầng lớp quý tộc địa chủ nhỏ, thậm chí có thể là người cai mỏ mà những câu châm ngôn chưa thể hiện hết, nhưng chắc chắn là giống với việc họ áp bức những người dân nghèo khổ đến cùng cực.

Chỉ khi tôi sắp không thể chịu đựng thêm được nữa thì một nhà diễn thuyết cuối cùng, sau khi kết thúc bản dạo đầu về âm nhạc dân gian, đã quay về phía tôi và kết luật bằng một câu nói: “Tôi thấy tiếc là ông đã không hiểu được lịch sử hay truyền thống của những người dân đã lớn lên nơi đây; tuy nhiên, hỡi những người bạn, những đồng nghiệp, anh ta lại là một người như vậy.” Và ở phía sau hội trường, trên những lối đi dạo tại Les Huckfield, tiếng vỗ tay nhiệt liệt vang lên.

Khi tôi loạng choạng bước ra, có những người tránh mặt và rảo bước qua tôi như thể tôi bị mắc bệnh truyền nhiễm, nhân viên của tôi lúc đó (một anh chàng thú vị), George Ferguson và vợ anh ta, Hannah đã ôm lấy tôi. “Đừng lo lắng,” George nói, “anh là người duy nhất ở đó không nói vớ vẩn và tôi cũng là người thuộc tầng lớp lao động giống như bất cứ người nào trong số họ.”

“Ông ta nói đúng”, John nói, ”nhưng sau này nên học cách nói hay hơn.” Tôi nói.

Hannah là một người phụ nữ đặc biệt về nhiều mặt. Cô vừa nuôi con mình, vừa nhận nuôi những đứa trẻ khác và cũng là thành viên của Công Đảng, nhưng cô đại diện cho một khía cạnh khác của cái được gọi là “tầng lớp lao động”.

Một vấn đề đặt ra đối với Công Đảng là thuật ngữ này là sự mô tả chung vừa mơ hồ khó hiểu lại vừa sáng tỏ. Tôi kết luận rằng hai dòng tư tưởng khác nhau, đối lập nhau trong cách diễn đạt thể hiện một điểm quan trọng nào đó về nước Anh đương đại. Có thể chúng luôn xuất hiện nhưng sự tiến bộ mang tính xã hội mà Công Đảng góp phần mang lại đã khiến cho tình trạng căng thẳng lên đến cực điểm.

Một dòng tư tưởng phù hợp với việc mô tả về thu nhập, công việc và đôi khi là về hành vi bầu cử; tuy nhiên, lại không phù hợp cho việc thể hiện quan điểm, thái độ. Một dòng tư tưởng chi phối các nhà hoạt động chính trị của tổ chức công đoàn và đảng. Họ có nhiều quan điểm tương tự nhau về phe cánh tả như một phe trí thức, nhưng có xu hướng tỏ ra cứng rắn hơn trên các lĩnh vực chính sách kinh tế.

Dòng tư tưởng còn lại được đại diện bởi những người như George và Hannah, là những người không nắm chính quyền và gần như cách xa trong thế giới phi chính trị của những người dân bình thường nhất. Họ hiểu được nguyện vọng của người dân và tán thành nguyện vọng đó hơn là phản đối nó. Vì vậy, họ tỏ thái độ vô cùng kiên quyết về mặt luật pháp và sự trật tự. Họ tin rằng các điều kiện xã hội cần phải được thay đổi, nhưng họ không bao giờ chấp nhận các điều kiện xã hội là nguyên nhân của hành vi phạm tội.

Ngay sau khi trở thành một thành viên Quốc hội và mặc dù chưa quen lắm với cách thức của Sedgefield, tôi đã phát biểu tại một cuộc họp chi nhánh ở làng Tudhoe nơi Hannah là thành viên. Vấn đề về án tử hình được đưa ra bàn thảo. Một người đã hỏi tôi rằng tôi có ủng hộ điều đó trong trường hợp giết người không. Giờ đây, tôi đã quen với các vấn đề chính trị ở Islington, mà không phải là ở Durham. Tại Islington, một câu hỏi như thế thật đơn giản. Bạn đưa ra câu trả lời cũ rích; những người lãnh đạo gật đầu; cuộc họp lại tiếp tục. Thực tế, đó là một trong số vài câu hỏi mà tôi có thể đưa ra câu trả lời chung chung thuộc phái tả và vì vậy tôi thích trả lời câu hỏi đó hơn. Vì thế, lúc đó, tôi nghĩ mình đã có một cách đưa ra câu trả lời khá khôn ngoan.

“Không”, tôi tự tin trả lời, “và tôi sẽ nói cho anh lý do tại sao. Nếu tôi chưa sẵn sàng tự treo cổ người đó thì tôi không nên yêu cầu Nhà nước làm việc đó thay cho tôi.” Tôi ngồi xuống và thấy khá hài lòng với chính mình.

“Vậy thì tôi sẽ treo cổ chúng,” Hannah nói to.

“Đồng ý và tôi cũng sẽ moi gan và phanh thây chúng ra,” một người phụ nữ lớn tuổi với vẻ mặt hiền hậu nói và bà cũng được rất nhiều người ủng hộ.

Ngày nay, quan điểm như vậy về vấn đề này hiếm thấy hơn rất nhiều. Nhưng có điều: “Giai cấp lao động” không đồng nhất thành một nhóm như nhiều chính trị gia đã thừa nhận hoặc dựa trên cách lập luận của họ lúc đó. Công Đảng đang mất dần đi dòng tư tưởng mà Hannah là đại diện. Vì vậy, ngay cả khi trở lại năm 1983, mặc dù chưa được hình thành đầy đủ song thái độ thụ động của tôi về mặt chính trị và mặt tri thức thể hiện rõ ràng: Công Đảng phải được cải cách triệt để và không phải chỉ bằng một điều chỉnh, hoặc chuyển giao một vài cấp độ mà phải là công cuộc thay đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động, tư tưởng, cương lĩnh và quan trọng hơn cả là quan điểm, thái độ của đảng. Làm như thế nào, làm nhanh bằng cách nào, cái nào cần giải quyết trước, cái nào cần giải quyết sau – tất cả đều là vấn đề sách lược, tuy nhiên, rõ ràng xã hội đang trong giai đoạn cần một mẫu hình chính trị mới và Công Đảng không đơn thuần là quên chú ý đến điều đó mà thực chất là đang ẩn mình trong đó.

Trong cuộc bầu cử năm 1992, tôi là người tiên phong trong phong trào chuyển sang cơ chế hiện đại hóa tuy chậm nhưng chắc của đảng. Tôi thường đi đầu – với vai trò là phát ngôn viên của thành phố, phát ngôn viên về vấn đề năng lượng, nhằm thay đổi quan điểm căn bản của đảng là dựa trên các tổ chức công đoàn khi biện hộ về vấn đề việc làm – nhưng cho đến thời điểm này tôi chưa từng đi quá giới hạn. Tôi là người đi xa nhất trong vấn đề này, nhưng tôi cũng lưu ý việc tiếp cận vấn đề một cách thận trọng và không quá tách biệt với những người khác đến mức có thể bị hạ gục. Tôi đã vận dụng tốt bài học của Dennis: thật vô ích khi bạn nói đúng về những thất bại của tổ chức nếu bạn mất khả năng thuyết phục một phần của tổ chức tin vào điều đó. Bạn phải sử dụng một thứ ngôn ngữ sao cho có thể bộc lộ nội dung bạn muốn nói nhưng không ai có thể vin vào những từ ngữ bạn dùng để tấn công lại bạn, nếu không, có thể bạn sẽ là tấm gương điển hình về một người có lý nhưng không phù hợp để tồn tại trong tổ chức đó.

Cuối cùng, tôi đã đi tới kết luận rằng có hai vấn đề chính trong sự thay đổi của Công Đảng: định hướng đúng nhưng tốc độ thay đổi lại quá chậm; tuy vậy, nghiêm trọng hơn đó là mặc dù rất khâm phục Neil Kinnock nhưng tôi thấy băn khoăn về cách thức mà ông ta đang sử dụng để biện minh cho sự thay đổi.

Mặc dù, Neil là người có ảnh hưởng lớn trong quá trình đưa Công Đảng đến với quyền lực – ông có khả năng lãnh đạo tài ba, đánh bại Militant và đấu tranh với phe Scargill về phong trào công đoàn và cách thức lãnh đạo này cho phép John Smith, sau đó là tôi, thực hiện được những thay đổi cần thiết để giành chiến thắng – đây chính là cuộc tranh luận không bộc lộ bằng lời: Các ông nhìn xem, chúng ta đã thua trong cuộc bầu cử, cử tri không thông qua những chính sách của chúng ta, vì vậy, tôi rất lấy làm tiếc, nhưng chúng ta sẽ phải thay đổi. Thông điệp – rõ ràng dễ chấp nhận hơn đối với các đảng viên – đó là: Đảng cần quyền lực, chúng ta sẽ phải thỏa hiệp với cử tri. Hiện giờ, điều này còn tốt hơn câu châm ngôn nổi tiếng xưa – “Không thỏa hiệp với các cử tri” – được in trên băng rôn khi chúng tôi cố gắng tiến hành cải cách Đảng. Tuy nhiên có vẻ như đảng và các cử tri đang ở hai vị trí khác nhau và vì thế đảng phải đi ngược lại nguyện vọng của mình. Tôi cảm nhận được rằng: các cử tri đúng và chúng tôi nên thay đổi không phải vì chúng tôi phải làm thế mà là vì chúng tôi muốn thế. Sự khác biệt giữa hai cách tư duy này rất tinh tế nhưng lại là sự khác biệt căn bản.

Theo quan điểm của tôi, chúng tôi cần định hướng lại toàn bộ, từ trên xuống dưới về cương lĩnh và các chính sách. Cụ thể, về mặt ý niệm chúng tôi cần tách biệt sự cam kết theo đuổi các giá trị (đúng vô thời hạn) với việc áp dụng các giá trị đó (đúng trong thời gian hữu hạn). Vì vậy, chúng tôi nên và lúc nào cũng sẽ tranh đấu vì sự công bằng xã hội; tuy nhiên trong tình hình thế giới hiện nay điều đó không có nghĩa là sự kiểm soát về mặt Nhà nước sẽ chặt chẽ hơn. Đồng thời đối với những vấn đề như quốc phòng, luật pháp và an ninh trật tự, khó khăn đặt ra không phải là việc cố đưa ra giải pháp mà là phản ứng nhanh nhạy đối với những thách thức của thế giới hiện đại, trên phương diện toàn cầu hay chỉ trên những góc phố nhỏ.

Tôi cũng đã cố nêu ra vấn đề với John Smith về việc yêu cầu Neil đứng ngoài cuộc đua này. Neil đã lãnh đạo Công Đảng một cách dũng cảm, bảo vệ Công Đảng khỏi bị tiêu diệt về mặt chính trị và đặt nền móng cho Chính phủ; tuy nhiên ông ta đã tranh đấu cho cuộc bầu cử năm 1987 căn cứ vào một bản tuyên ngôn chẳng cử tri nào muốn có và vì bất kỳ lý do gì thì tôi cũng vẫn bị thuyết phục rằng người Anh chưa bao giờ bầu ông ta làm Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần chính trị vào cuối thế kỷ XX đang thay đổi. Các đảng vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng do lòng trung thành với đảng đã giảm sút khá nhiều, nên trách nhiệm đặt nặng trên vai người lãnh đạo. Các nhà phân tích chính trị và các chính trị gia muốn nghiên cứu về vấn đề đó hoặc xu hướng bầu cử đó – và thường có nhiều chân lý ẩn chứa bên trong – tuy nhiên luôn có xu hướng đánh giá thấp tầm quan trọng của người lãnh đạo. Ở một mức độ nào đó thì điều này có thể hiểu được – chắc chắn đó là những chính sách có tính chất quan trọng, những biến động xã hội chi phối đến kết quả, các sự kiện quyết định số phận – nhưng đến một lúc nào đó, mọi người nhận thấy sự đối kháng giữa bên tả/bên hữu không còn rõ rệt nữa trong thời đại này, họ nghĩ rằng các chính sách được công khai sửa đổi và biết rằng các sách lược, tuyên ngôn không thể hiện được cách mà một người phản ứng với các sự kiện. Trừ phi các chính sách được định nghĩa rõ rệt và khác biệt thì các đặc điểm về tính cách, sự đáng mến và nhân phẩm của người lãnh đạo sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Các đặc điểm này có thể quyết định đến quá trình bầu cử và hiện giờ luôn là nhân tố quan trọng, cho dù không phải là nhân tố chính. Đơn giản là thế. Vì vậy, nếu người dân không ưa mến Neil và vốn đã không ưa mến ông ta, không lựa chọn ông ta trong cuộc bầu cử năm 1987 thì họ cũng sẽ không bầu cho ông ta trong cuộc tuyển cử năm 1992, trừ phi quan điểm của họ về ông ta có sự thay đổi lớn. Nhưng thực tế, quan điểm đó đã không thay đổi.

Cuộc bầu cử năm 1992 là của John. Chúng tôi đã có thể giành chiến thắng và trở thành lãnh đạo thực sự, chứ không phải bằng lòng với các vị trí danh dự của một Chính phủ đối lập. Tuy nhiên vào năm 1991, khi tôi nói bóng gió về việc ông ta nên đến gặp Neil và yêu cầu Neil nên đứng ngoài cuộc và nói rằng bản thân tôi, Gordon và những người khác sẽ ủng hộ ông ta bằng mọi cách, nhưng ông ta không đồng ý. “Sau này tôi sẽ là người lãnh đạo,” ông ta nói. Và đúng như vậy. Vấn đề là ở chỗ, tôi lo sợ một phần vì John biết sau này ông ta có thể sẽ ra tranh cử vị trí lãnh đạo cùng với một đề xuất chính sách thuế góp phần làm tăng thêm 30 nghìn bảng cho ngân sách của Công Đảng, điều đó thật tuyệt vời đối với đảng nhưng lại gây ra vấn đề trong suy nghĩ của công chúng. John được nhiều người yêu mến và kính trọng, nhưng chính sách tăng thuế này bị Đảng Bảo thủ bóc mẽ một cách khéo léo, là một quả bom nổ chậm thực sự nằm bên dưới chiến dịch vận động của Công Đảng. Ngay khi chúng tôi bị đánh bại thì không hiểu sao tôi lại cảm thấy cuộc bầu cử tới sẽ không phải là của John nữa.

Trong khoảng thời gian sắp diễn ra bầu cử năm 1992, tôi bắt đầu nói với Gordon rằng chúng tôi phải đạt được kết quả có ảnh hưởng sâu rộng sau nhiều do dự do ảnh hưởng bởi thất bại năm 1987, mà vì vậy, chúng tôi đã trở nên quá nhút nhát, rụt rè. Thực tế, hiện nay chúng tôi đã là những nhà lãnh đạo chính thức của thế hệ mới trong đảng. Khi Gordon thay thế John, ông ta đã rất giỏi trong việc đấu tranh chống lại Nigel Lawson. Chúng ta đang nhận được sự quan tâm từ giới truyền thông và sự quan tâm này đang dần tăng lên với chiều hướng khá tích cực; rõ ràng chúng tôi đã gia nhập giới tinh hoa chính trị. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là những người cùng thế hệ chúng tôi. Chúng tôi vẫn đang trên đường tiến lên và không ở vị thế có quyền đề ra luật chơi. Trong nhóm kinh tế chủ đạo cho cuộc bầu cử năm 1992 – John là Bộ trưởng Tài chính đối lập, Margaret là Bộ trưởng Công Nghiệp đối lập, Gordon là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng đối lập và tôi giữ chức Bộ trưởng Việc làm (Employment) – Chúng tôi là những người có địa vị thấp nhất và tôi là người có cấp bậc thấp hơn trong số hai chúng tôi – tôi và Gordon. Vì vậy, dù rất nản chí và lo lắng, tôi vẫn ra ứng cử.

Bên cạnh đó, tôi vẫn tiếp tục học hỏi, suy nghĩ và cố gắng tự khẳng định mình trong các vấn đề đảng đang đối mặt, từ đó hình thành nên các nhân tố cơ bản cho một khuôn mẫu chính trị trong tương lai. Gordon và tôi không ngừng dành ra hàng giờ, hàng ngày để tranh cãi và thảo luận về chính trị, nhắc đi nhắc lại, cố gắng làm rõ nghĩa của từng vấn đề, cho đến khi mọi thứ dần trở nên sáng tỏ hơn. Chúng tôi không quá tập trung suy nghĩ về thực chất của chính sách – hoặc ít nhất không phải lúc nào cũng làm như vậy – mà tập trung vào việc thiết lập phạm vi, xác định ý nghĩa và chuẩn bị các lý luận về phương hướng mà đảng nên đi hoặc phải đi. Chúng tôi đã dành nhiều tháng trời để cố gắng xây dựng một chương trình khung cho mục đích đổi mới đảng. Gordon có ý tưởng làm tăng một số lượng lớn đảng viên bằng cách biến những thành viên công đoàn thành các đảng viên chính thức. Tôi tập trung nhiều hơn vào đường lối mở rộng cơ sở đảng, tước bớt quyền lực của những nhà hoạt động chính trị không tiêu biểu, đồng thời đặt các ảnh hưởng của công đoàn vào trong một phạm vi bị ràng buộc chặt chẽ.

Tôi cũng đã đề cập với Gordon rằng nếu người thua cuộc đúng như tôi nghĩ thì ông ta nên chạy đua vào chức lãnh đạo và sẽ thách thức John nếu cần thiết. Tôi thích John trong vai trò là một giải pháp lớn cho đảng vào lúc này nhưng theo bản năng, tôi có dự cảm sâu sắc về một sự thất bại khác, đặc biệt là thất bại đó sẽ chỉ ra rằng chúng tôi chưa bao giờ thực sự thấu hiểu nhau, có nghĩa là chúng tôi phải thay đổi triệt để. John là một chính trị gia tuyệt vời, một người đàn ông đúng mực, tuy nhiên ông không phải là một nhà cải cách đúng nghĩa cả về tư duy lẫn hành động.

Đến năm 1992 tôi đã gần 40 tuổi. Tôi đã ở phe đối lập trong suốt một thập kỷ. Suy nghĩ về 5 năm tiếp theo cho các bước phát triển hướng đến sự thay đổi trong đảng rõ ràng đã quá cần thiết, điều này làm cho tôi căng thẳng. Nếu các bước phát triển nhanh quá mức, chúng tôi chắc hẳn lại thất bại và tôi sẽ 50 tuổi trước khi bước chân vào một Chính phủ; mà mục đích của chính trị là gì nếu không phải là nắm được quyền lực, điều hành và thực thi các chính sách mà bạn tin tưởng? Hơn nữa, vô số ý kiến qua lại trong đảng đã cho thấy đảng đã trở thành một định mệnh mạnh mẽ đối với các cơ hội của chúng tôi, tôi e rằng, chỉ có câu trả lời duy nhất, đó là, phải thay đổi hệ thống bầu cử hoặc, thậm chí tệ hơn, chấp nhận số phận trở thành phe đối lập vĩnh viễn.

Tôi đã bị thuyết phục với giả định rằng việc John trở thành lãnh đạo sau thất bại có thể và nên bị phản đối. Gordon, để giữ hòa khí, chưa có ý kiến gì về việc này. Đây sẽ là một câu hỏi lớn và John sẽ cảm thấy việc Gordon làm là một sự phản bội. Hơn nữa, Gordon vẫn chưa kết hôn và tôi nói thẳng với anh ta rằng tôi nghĩ đó cũng là một vấn đề. Nhưng tôi cũng nghĩ đảng sẵn sàng và hy vọng được tiếp thêm sức trẻ và năng lượng – một việc luôn mang lại những lợi ích khổng lồ. Tôi thấy mình có vai trò như một bộ trưởng tài chính trong viễn cảnh đó. John chắc hẳn sẽ là Bộ trưởng Ngoại giao hoàn hảo. Và ông là người hội tụ đủ các yếu tố để đảm nhận chức vụ đó.

Tôi đã nghĩ việc chuẩn bị thực hiện điều này không có gì sai hoặc không trung thực cả. Những người khác có thể không đồng ý. Tôi cảm thấy nhà lãnh đạo phải thể hiện được tư chất của mình, không nhất thiết tại đúng “điểm rơi”, nhưng bạn phải làm điều đó nếu có cơ hội. Sự trở lại của Buggin là kết quả của một hệ thống chọn lựa lãnh đạo khủng khiếp và xung đột với mọi khái niệm về lãnh đạo mà chúng tôi đã từng biết. Nếu John đến để thay thế Neil, chắc hẳn sẽ có xung đột, nhưng theo tôi, ông ấy sẽ thành công và lịch sử sẽ được viết khác đi. Rằng ông ấy không định nói với tôi phong cách lãnh đạo của mình sẽ là: kiên định, nghiêm túc và có thể dự đoán được. Đó không phải là những gì mà bản chất khắc nghiệt của những khó khăn mà chúng tôi đang gặp cần có. Lúc đó, tôi đã cảm nhận vấn đề như vậy, dù đúng dù sai.

Khi kết quả được công bố trong đêm 9 tháng Tư năm 1992, nó như thể giễu cợt việc hệ thống bầu cử lại sinh ra một Quốc hội mà trong đó không chính đảng nào chiếm đa số và trong khi tôi nghĩ rằng những dự doán của mình về sự thất bại là sai thì kết quả đêm đó đã quá rõ ràng. Tôi nói với Gordon và Peter, những người vừa mới trở thành thành viên của Quốc hội khu vực Hartlepool rằng chúng ta phải cố gắng đạt được những gì đã dự định. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi Peter thì xao nhãng, còn Gordon vẫn chẳng có ý kiến gì.

Khi những tia sáng đầu tiên của một bình minh mới dần hé lộ rằng đảng đã tuyệt vọng. Tôi thì không. Tôi cảm thấy tràn đầy sinh lực. Chúng tôi có thể nói gì chứ? Buổi sáng hôm sau tất cả các phương tiện truyền thông đều nỗ lực phỏng vấn và khi không ai muốn trả lời về thất bại, tôi đã phải “thế chân”. Tôi diễn giải rõ ràng bằng lời lẽ của một người vừa được giải thoát khỏi nhà tù trí tuệ và chính trị, nơi đảng mất đi quyền lực của mình, bởi chúng tôi đã thất bại trong việc hiện đại hóa đảng một cách tổng thể và giờ đây buộc phải làm điều đó, không phải làm một cách bình thường mà phải làm thật nhanh chóng và cấp bách. Đó là thời điểm bước ngoặt, sáng rõ, thời điểm hợp nhất chúng tôi với nhân dân – những người mà chúng tôi phải phục vụ. Tôi tránh đề cập đến vấn đề lãnh đạo ở mức độ vừa đủ – Neil chưa tuyên bố rút lui – và kiên quyết cắm biểu ngữ của tôi lên vùng lãnh địa của sự thay đổi căn bản trong tổ chức, cương lĩnh và chính sách của đảng. Mặc dù, tôi không nhận thức được rõ ràng về sự thay đổi trong tư duy của tôi đã bắt đầu từ khi nào và tại sao tôi lại tư duy như vậy, nhưng kể từ buổi sáng hôm đó tôi đã tư duy như một nhà lãnh đạo. Nhiều năm sau đó, các thành viên trong đảng đã hồi tưởng lại và cho biết đó là thời điểm mà họ nghĩ rằng: Có thể anh ấy là người chúng ta đang tìm kiếm.

Tôi trở về từ phòng thu. Tôi đã bảo Gordon đến Sedgefield với Nick Brown, cũng là thành viên của Quốc hội ở gần Newcastle. Nick luôn là người quản lý chiến dịch của chúng tôi trong các cuộc bầu cử Nội các Đối lập (Shadow Cabinet) và là một nghị viên phụ trách tổ chức không chính thức cho tôi và Gordon (và quả thực sau này ông giữ vai trò chính thức trong Chính phủ vào năm 1997).

Trước hết, một cách rất tự nhiên, tôi thúc đẩy Gordon thực hiện ý tưởng ứng cử chức vụ lãnh đạo. Tôi đã nhắc lại những lý lẽ trước đây. Tuy vậy, Gordon vẫn không đưa ra cam kết gì. Trong khi đó, John đã gọi điện khắp lượt để thu hút sự ủng hộ. Ông gọi đến nhà tôi tại Trimdon Colliery ở trung tâm của khu vực bầu cử. Tôi được đề nghị nói chuyện với John và giải thích lý do vì sao John không nên là lãnh đạo, nhưng tôi cảm thấy căng thẳng. Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tôi thể hiện sự thiếu ủng hộ John và Gordon không giữ vững quan điểm, nó sẽ phá hỏng mối quan hệ của tôi với John trong vai trò một nhà lãnh đạo. Mặt khác, khi nhấc ống nghe ở văn phòng tôi tại Myrobella để tiếp chuyện với ông, tôi vẫn nghĩ mình có cơ hội để thuyết phục Gordon.

Lúc đầu, tôi đi nước đôi. John khá khôn ngoan, nhấc ống nghe dè dặt. “Tôi nên nói chuyện với Gordon”, tôi nói vậy.

“Tôi vừa nói chuyện với ông ấy rồi”, John nói “Ông ấy đã nhận nhiệm vụ”.

Vào thời điểm đó, tôi không còn dám ngập ngừng nữa mà cũng đã nhận nhiệm vụ. Vài tháng sau, John nói với tôi, một cách ngây thơ, rằng ông và Gordon đã đi đến một thỏa thuận về cuộc bầu cử: John sẽ là lãnh đạo và Gordon là Bộ trưởng Tài chính. Gordon không giữ vững quan điểm. Tôi biết chắc rằng điều đó là một sai lầm.

Vị trí phó cho lãnh đạo vẫn gây nhiều tranh cãi. Đây là vị trí được bầu nhưng lại thường được nắm giữ bởi một thành viên cao cấp của Nội các Đối lập. Roy Hattersley, là phó trong thời gian gần đây (và là Bộ trưởng Tài chính của Nội các Đối lập cho đến năm 1987), đã làm việc cùng Neil trong suốt 9 năm Neil làm lãnh đạo. Họ không phải là những người bạn chí cốt, nhưng cũng khá thân thiết. Tuy nhiên, do hậu quả của cuộc bầu cử thất bại, ông ấy cũng đã thẳng thắn rút lui. Trong khi nói chuyện điện thoại với John, ông có hỏi tôi về vai trò của phó lãnh đạo. Với tư cách một nhà lãnh đạo, tôi cần anh hoặc Gordon trở thành phụ tá, ông nói, quyết định là ở các anh. Rõ ràng, ông tiếp tục, nếu người đó là Gordon thì sẽ có hẳn hai người Scotland. Một thay thế khác là Margaret Beckett, một phụ nữ có năng lực, là một lựa chọn hợp lý, mặc dù cùng thế hệ với John.

Sau cuộc gọi đó, tôi quay trở lại phòng khách để gặp Gordon và Nick. Tôi đã nói với Gordon rằng: “John nói anh đang ủng hộ ông ấy”.

“Thật khó để nói ngược lại”, ông nói vậy, thật hợp lý, nhưng tôi cũng cảm thấy hơi thất vọng.

“Ông ấy muốn biết ai trong số chúng ta sẽ trở thành phó lãnh đạo”, tôi nói vậy. Sau đó tôi cũng giải thích mặc dù Gordon ở cấp cao hơn tôi, nhưng hai người Scotland cũng có thể có vấn đề, đặc biệt, điều này hoàn toàn đúng ở miền Nam nước Anh, nơi mà sự ủng hộ dành cho chúng tôi là thấp nhất. Nick nói rằng cần có một lựa chọn giữa hai chúng tôi, nhưng điều cốt yếu là phải thấy ai được ủng hộ hơn trong Công Đảng Nghị viện (Parliamentary Labour Party). Ông đồng ý tiến hành thăm dò ý kiến.

Cuộc thảo luận diễn ra vào ngày sau đó và vẫn tiếp tục. Chúng tôi lại gặp nhau một lần nữa. Nick nói “Một trong hai ông nhận được sự ủng hộ tương đối mạnh mẽ trong Công Đảng Nghị viện, người đó là Gordon.”

Tôi biết đó không phải là sự thật. Không thể nào. Thậm chí kẻ ngớ ngẩn nhất trong Công Đảng Nghị viện cũng không ngớ ngẩn như thế. Giới truyền thông phủ kín các tin về việc Công Đảng đã bị thua như thế nào ở khu vực trung thành truyền thống miền Bắc, xứ Wales và Scotland, nó phải chịu số phận bi đát như thế nào nếu không thể vươn lên chinh phục được tầng lớp trung lưu và chiến thắng tại miền Nam. Trong hoàn cảnh như vậy, việc lãnh đạo là người Scotland quá ư mạo hiểm, mặc dù, nếu phó lãnh đạo là người Anh, thì việc đó cũng gây nhiều tranh cãi chưa kể đến việc để một người Scotland khác đảm trách vị trí phó lãnh đạo tiếp theo? Các ghế quan trọng đều thuộc về người Scotland ư? Với cam kết sẽ chuyển giao quyền lực ư? Không thể tin được. Thật tệ hại.

Vì vậy, trong hai hay ba ngày đó, tôi đã học được hai điều: thứ nhất, Gordon đã không nắm lấy cơ hội này; thứ hai, Gordon và Nick đang làm việc cùng nhau và ưu tiên dành sự ủng hộ cho nhau. Cũng kể từ thời điểm đó, tôi nghĩ mình nên tách xa Gordon một chút, thật khéo léo để mọi người không phát hiện ra, bề ngoài vẫn thân mật và thân thiết với nhau. Lúc đầu tôi đã hơi lưỡng lự, tuy nhiên dần dần tôi đã làm được. Dường như định mệnh đã chọn tôi là nhà lãnh đạo, chứ không phải ông ấy.

John chính thức trở thành lãnh đạo. Gordon tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Tài chính đối lập. John hỏi liệu tôi mong muốn điều gì. Ông đã vô cùng ngạc nhiên về sự chọn lựa của tôi, nhưng tôi đã nghĩ về nó rất lâu và nghiêm túc: tôi chọn trở thành Bộ trưởng Nội vụ đối lập. Vị trí này chẳng khác nào “mồ chôn” cho các thành viên Đảng Bảo thủ cũng như những chính trị gia của Công Đảng. Các thành viên của Đảng Bảo thủ không thể cầm cự được lâu ở vị trí này. Thật sự thì những người thẳng thắn (không biết từ đâu đến) sẽ đến buổi họp báo của Đảng Bảo thủ, cố gắng phá đám họ, nhưng những hành động phá hoại này luôn bị phát hiện. Đối với Công Đảng thì ngược lại, khán giả của họ trông đợi điều gì đó tự do hơn và vì thế Bộ trưởng Nội vụ trong một Chính phủ Công Đảng hay Bộ trưởng Nội vụ Đối lập của Công Đảng biết rằng công chúng ngoài kia không hài lòng với cái mà họ cho là tự do ở hiện tại. Tôi đã học được một điều trong chính trị rằng: những người có quan điểm quá khích, dù ở cánh tả hay cánh hữu, luôn có khả năng phát hiện người cùng hội cùng thuyền với mình. Đôi khi, nếu buộc phải vứt bỏ một phần tư tưởng cánh tả (những thứ không quá quan trọng) – tôi sẽ dâng hiến điều tốt nhất của mình, bạn biết đó là gì không? Họ luôn cho rằng tôi không tâm huyết với điều đó. Đó là một thứ gì đó nằm trong giọng nói, trong ngôn ngữ cơ thể, điều mà chỉ một người say mê thật sự mới có còn một diễn viên thì không.

Dù sao, Bộ trưởng Nội vụ Đối lập cũng không phải là vị trí có nhiều ứng viên. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng: a) người lao động, những người chắc chắn sẽ là cử tri của chúng tôi, thực sự lo lắng về những luật lệ cứng rắn hơn là mềm dẻo; b) về mặt trí tuệ, sự phân cực giữa các quan điểm cánh tả/cánh hữu khá thiển cận và rõ ràng là không nên. Cánh tả đổ lỗi cho điều kiện xã hội, cánh hữu đổ lỗi cho các cá nhân; bất kỳ ai cũng có thể thấy sự tồn tại của cả hai điều này – vì vậy tôi nghĩ – tốt hơn là kết hợp cả hai.

Cá nhân tôi cảm nhận rất rõ về vấn đề tội phạm. Trong nhiều năm, tôi đã nghĩ đó là nỗi khốn khổ mà người ta đáng lẽ không phải chịu đựng và tôi không hài lòng với thái độ của tầng lớp trung lưu mang tư tưởng tự do đối với điều đó. Họ không phải là nạn nhân của nạn tội phạm, mà là những người bần cùng hơn – những người mà chúng tôi nói rằng sẽ đại diện cho họ. Họ đã khốn khổ mưu sinh giờ lại phải đối mặt với các loại tệ nạn, không chỉ bao gồm những vụ phạm tội nghiêm trọng ngày càng gia tăng như giết người, cướp bóc và hơn thế nữa, cùng với đó là những hành vi phá hoại và gây mất trật tự nhằm chống phá xã hội. Họ không đáng phải chịu đựng điều đó trong khi mong chờ một ai đó mang đến một xã hội trật tự hơn. Đương nhiên, đó cũng là lý do để những thanh thiếu niên được giáo dục tốt hơn, đặc biệt thanh thiếu niên sống ở thành phố, tăng cơ hội có được một việc làm và có những hành vi ứng xử tốt hơn.

Vì vậy, cuộc chiến chống tội phạm là sự nghiệp của cá nhân tôi, nó hoàn toàn phù hợp những tư tưởng chính trị mới, nó vượt lên trên những tư tưởng cánh tả và cánh hữu cũ và bởi vì chưa có thành viên Công Đảng nào có ý định cải thiện nó (kể cả một số Bộ trưởng Nội vụ Công Đảng cấp tiến như Chuter Ede và Roy Jenskins), nên giờ đây đến lượt tôi. Để một lần, tôi tự tin với những gì mình có thể làm. Và tôi đã đúng. Nó củng cố thêm vị trí của tôi trong đảng và đất nước. Nó mang tính thúc đẩy to lớn. Nó thể hiện sự lãnh đạo. Tôi đảm nhận một vị trí trong Công Đảng truyền thống, hiện đại hóa đảng, làm cho đảng gần gũi với mọi người và từ đó lật đổ những thành viên Đảng Bảo thủ.

Trớ trêu thay, dưới ánh sáng của những việc đã diễn ra, Gordon cũng đóng một vai trò thú vị giúp đề ra những khẩu hiệu của tôi.

Trước đây, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đi du lịch đến Mỹ, về cơ bản chỉ là để thoát ra ngoài và suy nghĩ. Vì một vài lý do cá nhân, chúng tôi ở khách sạn Carlyle ở New York. Từ lâu, khách sạn Carlyle đã bị xóa bỏ khỏi danh sách lựa chọn của Công Đảng mới y như Hội Giám Lý – một giáo phái ở Anh – dị ứng với những cuộc chè chén say sưa. Nó là khách sạn chuyên biệt được dành riêng cho những người như Cary Grant và Jimmy Stewart. Eartha Kitt thì hát trong quán cà phê và Woody Allen thì say sưa với cây kèn clarinet của mình. Vào thời điểm đó, mọi người mặc chỉnh tề đến ăn tối, không khí vô cùng trang trọng, không gian được trang trí mộc mạc nhưng không kém phần lịch sự. Thoạt đầu, tôi không ấn tượng lắm, nhưng dần dần tôi cũng bắt đầu thích nơi đây. Hệ thống quản lý ở đây khá nghiêm ngặt và hiệu quả, nhân viên phục vụ thân thiện và luôn niềm nở đón chào tại tất cả các lối vào dành riêng cho giới thượng lưu.

Một lần vào cuối năm 1992 chúng tôi đang ngồi ở đó và trò chuyện. Mặc dù, vẫn suy nghĩ về việc để vụt mất những cơ hội sau cuộc bầu cử thất bại, nhưng tôi bắt đầu tập trung vào những công việc hiện tại và lý giải phương pháp tiếp cận chủ yếu của mình: đương nhiên chúng ta phải tập trung vào các điều kiện xã hội và giải quyết chúng một cách cơ bản, nhưng chúng ta cũng phải cương quyết với tội phạm. Chúng ta nên áp dụng phương pháp này vào các vấn đề của Công Đảng bằng cách kết hợp quan điểm truyền thống và hiện đại.

Chắc chắn trong những ngày đó, Gordon đã thể hiện khả năng thiên tài của mình. “Ý ông là: Cương quyết với tội phạm, cương quyết với nguyên nhân sinh ra tội phạm”, ông nói.

“Vâng”, tôi đáp, khuôn mặt không giấu được niềm vui sướng, “Đó chính xác là ý của tôi”.

Và vì thế, nó trở thành khẩu hiệu của tôi từ đó, nhưng khác với khẩu hiệu bình thường, với tôi đó là một tư tưởng mang tính triết lý. Một thời gian ngắn sau khi đi nghỉ về, tôi dùng nó trong một bài diễn thuyết mà không phải cân nhắc hay bàn cãi bất cứ điều gì nữa.

Từ khá sớm, tôi đã khiến những thành viên Đảng Bảo thủ quay cuồng trước sự công kích dữ dội, họ ngạc nhiên và có phần hoài nghi về khả năng một người của Công Đảng sao có thể ăn cắp vấn đề “của họ”, nhưng họ cũng không thể che giấu sự ngưỡng mộ dành cho cái cách mà vấn đề được giải quyết. Thời điểm đó, Ken Clarke là Bộ trưởng Nội vụ. Vấn đề đã không còn là vở diễn của riêng ông ta nữa. Ông ta là người có quan điểm tự do và có thái độ hoàn toàn khinh thị với các cuộc họp báo của đảng mình. Sau vài tháng chịu đựng thái độ rất kịch của Ken, John Major quyết định thuyên chuyển ông ấy đến Bộ Tài Chính, đúng ngạch của ông ấy và để Michael Howard đảm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ, vị trí hoàn toàn thích hợp với Michael. Về sau, vấn đề này trở nên khó hơn, kể từ khi Michael đi theo đường lối Bảo Thủ và đưa ra nhưng chính sách thiên về cánh hữu và lựa chọn những sách lược gây khó khăn cho tôi. Ông ấy đã đặt tôi vào thế bí khi phải lựa chọn nếu tôi theo ông, tôi sẽ xa lánh đảng và nếu tôi không chọn, tức là tôi không thân thiện với cử tri. Nhưng rồi sau đó danh tiếng của tôi cũng vẫn được bảo vệ.

Tôi đã gắn liền bối cảnh xã hội với đường lối chính trị theo cách mà không thành viên nào của Đảng Bảo thủ có thể chấp nhận được sau 14 năm cầm quyền với những dư âm của chủ nghĩa Thatcher còn vẹn nguyên. Vào tháng Hai năm 1993, một vụ án mạng tàn khốc xảy ra với cậu bé hai tuổi – James Bulger, bị giết bởi hai đứa trẻ 10 tuổi khác lớn lên ở Merseyside. Bi kịch này đã trở thành một hiện tượng đại diện cho sự sụp đổ của xã hội. Hai đứa trẻ 10 tuổi, không cần phải nói, lớn lên trong một gia đình tan vỡ. Hàng loạt những bài báo đăng tin về vụ giết người đi kèm với những mô tả đời sống, thời đại và nhiều thứ khác nữa của một nhóm người trẻ tuổi cá biệt sinh trưởng trong những gia đình đổ vỡ. Tôi liên hệ sự kiện này với biểu tượng của những người theo Đảng Bảo thủ, biểu tượng cho những gì mà chủ nghĩa Thatcher đã đạt được, những mối ràng buộc giữa xã hội và cộng đồng đã dần bị mất đi một cách quá nguy hiểm như thế.

Tôi đã thể hiện điều đó một cách chân thành trong bài diễn thuyết công khai rộng rãi – thật sự rất rộng rãi, một việc làm bất thường đối với một chính khách Phe Đối lập mà không phải là người lãnh đạo đảng – tôi đã bày tỏ rằng những gì tôi nghĩ là không đúng.

Bản tin tuần trước như một đòn giáng mạnh vào lương tâm vẫn còn đang say ngủ của đất nước, giục chúng ta thức giấc và sau đó thản nhiên nhìn vào những gì đang diễn ra trước mắt. Chúng ta nghe nói về những tội ác khủng khiếp gây phẫn nộ trong nhân dân và rồi thất vọng về mối quan hệ giữa con người với con người. Tiêu đề của những bài báo đã gây sốc nhưng chúng ta còn choáng váng hơn khi biết rằng tại bất kỳ thành phố, thị trấn, làng mạc nào, thậm chí cả những đơn vị hành chính nhỏ hơn nữa, những sự việc tương tự như vậy đang dần trở thành một phần của cuộc sống. Đó là một bộ mặt đáng sợ khác của một xã hội đang dần không còn xứng đáng với cái tên đó nữa…

Vấn đề mang tính lịch sử của chủ nghĩa xã hội cũ là xu hướng gom tất cả những yếu tố cá nhân, quyền lợi, nghĩa vụ và nhiều thứ khác nữa vào một ý tưởng gọi là “lợi ích công”, mà theo cách hiểu tồi tệ nhất thì nó chỉ đơn giản có nghĩa là “Nhà nước”. Sự thất bại của cánh hữu hiện tại là do niềm tin cho rằng sự vắng mặt của cộng đồng đồng nghĩa với sự hiện hữu của tự do. Nhiệm vụ đặt ra bây giờ là phải tìm hiểu lại khái niệm cộng đồng từ quan điểm hạn hẹp của Nhà nước và để cho nó hoạt động trở lại phục vụ lợi ích của tất cả chúng ta. Một cộng đồng mới với khái niệm hiện đại về quyền công dân cần phải được xem xét ngay lập tức.

Giờ đây, tôi nhìn lại và nghĩ rằng mặc dù vấn đề đó là có thật, nhưng lại được phân tích sai lầm và điều này dẫn tới những hậu quả chính sách mà tôi sẽ mô tả sau này. Tuy nhiên vào lúc đó, xét về phương diện chính trị, nó đã tác động tích cực đến vị thế của tôi.

Tôi cũng đang đẩy đường ranh giới này tiến xa hơn về một hướng khác. Mặc dù, theo quan điểm của tôi, John Smith không phải là một người có quan điểm đổi mới thật sự, nhưng ông ấy đủ thông minh và dũng cảm để nhận ra rằng đảng phải đổi mới. Một phần của quá trình đó nằm trong mối quan hệ với các tổ chức công đoàn, mối quan hệ sau đó được xây dựng thành hệ thống Mỗi thành viên một phiếu (OMOV – One Member One Vote), nhờ đó thay vì lãnh đạo ban chấp hành công đoàn trong cả nước bỏ phiếu bầu chọn một ứng cử viên, thì giờ đây mỗi thành viên công đoàn sẽ có một phiếu bầu; các nghị sỹ Quốc hội cho rằng cách bầu này công bằng hơn để chọn ra vị trí lãnh đạo.

Ngày nay, dường như điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được, thậm chí là lố bịch khi các tổ chức công đoàn đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn các ứng cử viên và nhà lãnh đạo, thế nhưng Công Đảng lại bắt nguồn từ Ủy ban Đại diện Lao động, một tổ chức đã hoạt động từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX với mục tiêu chính là đưa “tầng lớp lao động” vào Quốc hội. Ủy ban được hình thành, được cấp ngân sách và điều hành bởi các tổ chức công đoàn, vì vậy mối liên hệ giữa đảng và công đoàn vô cùng bền chặt và tôi e rằng nó sẽ để lại những hậu quả rất phức tạp về lâu dài.

John đã quyết định tán thành OMOV, còn tôi thẳng thừng chọn vị trí đứng bên lề cuộc vận động. Các tổ chức công đoàn đã có ấn tượng không lấy gì làm vui vẻ về quyết định chấm dứt sự ủng hộ của Công Đảng dành cho vấn đề closed shop của tôi khi còn là Bộ trưởng Việc làm Đối lập vào năm 1989. Chính quyết định này của tôi đã khiến khoảng cách giữa tôi với họ ngày càng lớn, nhưng nó cũng giúp tôi ở vào vị trí có thể quyết định về cách thức chiến thắng của đảng. Sau những năm tháng khi người của Công Đảng bị chế giễu và khinh miệt, khi tất cả những cảm xúc về sự thấp kém vẫn tồn tại và chi phối ý thức của họ, thì ở đây phải có ai đó tự tin, có khả năng phô bày điều đó trước các các thành viên Đảng Bảo thủ, với giọng điệu và phong cách phù hợp với chính những cử tri mà chúng tôi biết rằng chúng tôi cần họ nhưng lại luôn luôn tỏ ra thờ ơ với họ.

Thời gian qua đi, vị trí của tôi như một nhà cải cách triệt để và một nhà lãnh đạo đang từng bước được khẳng định. Tôi cảm thấy niềm tin trong mình đang lớn dần lên, gần như là định mệnh. Tôi cảm thấy bị thúc đẩy, cảm thấy mọi thứ đã rõ ràng và chắc chắn, trên hết là tôi tin vào lý lẽ của mình, tin rằng chúng hoàn toàn đúng và có thể giành được sự ủng hộ của cả nước.

Mối quan hệ của tôi với Gordon vẫn rất thân thiết, nhưng đến cuối năm 1992, tôi đã nhãng ra một chút bằng một động thái nhỏ. Thường xuyên có sự luân chuyển phòng làm việc của các Nghị sỹ, vì tất cả các nghị sỹ đều có vai trò như nhau, ngoại trừ các vị bộ trưởng trong Chính phủ mới có phòng làm việc riêng. Hàng loạt phòng ở Millbank được chọn ra cho các Nghị sỹ sử dụng. Lúc đó, Gordon và tôi đều ở số 1, phố Parliament, đối diện và được nối với đại lộ Westminster bởi một cây cầu. Gordon quyết định chuyển tới Millbank và đề nghị tôi cùng đến. Cherie dứt khoát khuyên tôi không nên làm vậy. Tôi hơi ngạc nhiên khi Anji cũng nói thế. Tôi đã không đi. Đó không phải là một điều gì ghê gớm lắm; nhưng nó như một cử chỉ biểu thị một ý nghĩa nào đó.

Gordon đã làm rất tốt vị trí Bộ trưởng Tài chính Đối lập khi chỉ trích các thành viên Đảng Bảo thủ trong một cách thức có tránh nhiệm và chừng mực. Mặc dù, Gordon là người rất thận trọng nhưng ông vẫn gặp tai tiếng khi ủng hộ ERM, dù không có gì to tát, vì vậy, khi chính sách đó sụp đổ, ông bị thất thế. Sau đó, ông cho rằng chính sự việc này cùng với việc ông phản đối sử dụng của công quá nhiều là lý do giải thích tại sao tôi được yêu thích hơn ông ta, nhưng bản chất sự việc không phải như vậy. Sự thật là tôi chấp nhận mạo hiểm và lúc đó là thời điểm dành cho người dám mạo hiểm. Tôi đã nhận ra điều đó, còn ông ấy thì không.

Vào năm 1993, đã có vài sự biến chuyển nhưng mọi người lại không thể nhận ra chúng. Tôi cho rằng không thể nhận ra chúng, nhưng có thể cả ông ấy và tôi đều sai lầm về vấn đề này. Ví dụ, tờ Sunday Times đã từng đưa tôi lên trang bìa tạp chí của họ vào tháng Năm năm 1992 với tựa đề “Vị lãnh đạo mà Công Đảng đã bỏ lỡ”. Thông thường, một sự kiện như thế có thể sẽ gây nên sự đố kỵ, nhưng cũng do phần vì không ai coi điều đó là điều quá nghiêm trọng và sau đó chẳng có chuyện gì xảy ra.

Peter Mandelson, lúc đó là một người bạn thân thiết của cả hai chúng tôi, đã phát hiện ra sự khác biệt ở tôi. “Anh có tố chất để trở thành lãnh đạo đấy nhỉ!”, ông ấy trêu chọc tôi khi chúng tôi đứng cùng nhau gần hàng rào trước cửa nhà tôi tại Richmond Crescent. Chúng tôi vừa mới có một cuộc họp và sự quyết đoán của tôi trong cuộc họp đã khiến ông ấy có ấn tượng như vậy.

“Ý anh là …?” Tôi hỏi.

“Đừng để mọi chuyện đi quá khả năng kiểm soát của mình”, ông ấy đáp lại. “Gordon vẫn là người được dự kiến sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo, anh biết thế mà”.

“Hừm,” tôi nói.

“Hừm.” Ông ấy quay lại nhìn tôi và mỉm cười theo cách riêng chỉ ông có. “Tôi sẽ tiết lộ cuộc trò chuyện này”.

“Tôi thì chẳng lo lắng gì”, vừa nói tôi vừa cười, nói thêm với ông ấy rằng tôi đã tiết lộ quá nhiều bí mật của mình với ông ấy rồi.

“Ồ, nhưng tôi sẽ làm,” ông ta nói, vỗ nhẹ trìu mến lên vai tôi và bước lên xe.

Nói thật lòng, tôi không biết mình đã nghĩ gì. Lúc này tôi thực sự không sáng suốt lắm, dường như tôi chỉ đang đi theo bản năng. Rõ ràng, tôi sợ phải dừng lại và suy nghĩ, bởi vì tôi đã mường tượng ra được đích đến và nó càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Dường như, tôi đang tiến lên phía trước từng ngày với cảm giác ngày càng mạnh mẽ hơn, chắc chắn hơn. Từng cuộc chạm trán với chính đảng của tôi, với Đảng Đối lập, với giới truyền thông, với công chúng đã giúp tôi làm kiên cố thêm lớp vỏ bọc vốn đã được gia cố rất vững chắc rồi. Tôi có thể nhìn thấy cơ hội lãnh đạo Công Đảng, biến nó thành một cỗ máy bầu cử có khả năng thu phục lòng người. Tôi nhận thấy điều đó giống như ai đó trong kinh doanh phát hiện ra cơ hội đầu tư lớn sắp tới, một nghệ sĩ bỗng nhiên đánh giá cao cảm hứng sáng tạo thiên tài của mình, hay một huấn luyện viên, một cầu thủ biết được giây phút vinh quang của mình sắp đến.

Đó là một cảm giác khác thường, khi bạn cảm thấy mình có thể đạt được điều gì đó vượt lên trên những điều bình thường. Và bạn biết đó là điều gì. Có thể bạn không phải là người trực tiếp làm ra nó, nhưng bạn biết vào thời điểm đó, trong những hoàn cảnh đó, với những điều kiện đó thì nó có thể được thực hiện. Đúng, nó có thể được thực hiện. Tôi có thể nhìn thấy nó và tôi có thể làm ra nó.

Tôi đang đấu tranh với những cảm xúc của mình về Gordon, vẫn là tình cảm yêu mến và trung thành, nhưng tôi cũng cảm nhận được địa tầng kiến tạo nền tảng cho hai chúng tôi đang dần thay đổi. Trong 10 năm qua, tôi cho rằng ông ta nên đảm nhận vị trí dẫn đầu còn tôi nên đứng ở vị trí thứ hai mà thôi. Tôi thích việc hướng dẫn, khuyên nhủ, thúc giục, chỉ đạo phía sau hậu trường và nhìn thấy công việc của mình tiến triển tốt đẹp. Vì vậy, với quan điểm đó, tôi không hề, xin nhấn mạnh là không hề, có mong muốn hoán đổi vị trí trung tâm, mặc dù, tôi cảm nhận được sự thay đổi bên trong con người mình và những hành động thể hiện sự biến đổi đó của bản thân. Tôi thấy lòng mình nóng như lửa đốt với niềm say mê và ý thức về sứ mệnh. Tôi đang hăm hở và lần đầu tiên trong các cuộc thảo luận, tôi phát hiện ra những điều về ông ấy mà tôi không để ý trước đây, một sự thận trọng được che đậy một cách khéo léo mà dường như với tôi nó không liên quan đến sự đổ vỡ trong quá khứ của chúng tôi.

Trong những năm đầu tiên của chúng tôi tại Nghị viện, 1983 – 1985, tôi đã viết nhật ký không liên tục. Giờ đọc lại những mục đã ghi, tôi nhận thấy rõ ràng rằng ngay từ đầu, Gordon đã có xu hướng tìm kiếm cách thức điều chỉnh lại câu hỏi hơn là chấp nhận sự cần thiết của những câu trả lời khó khăn. Ông ấy thông minh, am hiểu về đảng hơn tôi, có đầu óc nhanh nhạy; nhưng về cơ bản ông ta chỉ phát huy được những điều đó trong một môi trường quen thuộc. Trong lãnh địa của mình, ông ta tung hoành, nhưng lại chẳng dám mạo hiểm bước chân ra khỏi đó.

Năm 1994, tôi bắt đầu vượt ra ngoài các vấn đề về chính sách và cải cách đảng. Đây cũng là thời gian tôi bắt đầu nhận ra, với cảm giác ban đầu là lo lắng nhưng sau đó tự tin, rằng có điều gì đó đang mất dần đi. Điều gì đó mà John thiếu. Điều gì đó bên trong con người mình, giờ tôi mới phát hiện ra.

Tất nhiên, tôi không biết rằng John lại ra đi quá sớm như vậy. Ngoại trừ điều này, theo một cách lạ lùng, tôi bắt đầu nghĩ ông ấy có thể ra đi. Tôi không có ý rằng tôi có điềm báo trước hay bất kỳ điều gì tương tự vậy, nhưng nếu trước đây bạn hỏi tôi, trong một số cuộc tranh luận riêng tư có sự chuẩn bi trước, đặt cược cuộc đời mình vào việc ông ấy có ra đi hay không, thì tôi sẽ do dự. Tôi không ngừng gạt bỏ ý nghĩ đó. Nhưng nó vẫn xâm chiếm tôi.

Vào tháng Tư năm 1994, Cherie và tôi tới thăm Paris. Tôi có một bài phát biểu tại INSEAD, một trường kinh doanh tại Fontainebleau. Đó là kỳ nghỉ cuối tuần sau cùng của cuộc sống đời thường của chúng tôi. Chúng tôi để bọn trẻ ở nhà. Derry đã đặt một khách sạn nhỏ gần Montmartre. Phòng khách sạn nhỏ nhưng xinh xắn và nằm ở trung tâm. Buổi sáng đầu tiên ở đó, tôi đã thức dậy trước và sau đó đánh thức Cherie. Tôi nói với cô ấy: “Nếu John qua đời, anh sẽ là lãnh đạo, chứ không phải Gordon. Và không hiểu sao, anh lại nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra. Anh chỉ nghĩ vậy thôi. “Liệu đó có phải là một linh cảm? Không phải chính xác hoàn toàn, nhưng dù sao đi nữa ý nghĩ đó vẫn rất kỳ lạ.

Vào chiều thứ Bảy, chúng tôi đi xem Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler), một bộ phim của Steven Spielberg, về người đàn ông đã cứu thoát hàng nghìn người Do Thái khỏi các trại tập trung Quốc xã.

Về sau, khi có dịp quen biết Spielberg, tôi đã nói với ông ta rằng bộ phim đó đã ảnh hưởng đến tôi hơn bất kỳ bộ phim nào tôi đã từng được xem trước đây. Steven, một người khá hiện đại, có lẽ đã nghĩ rằng tôi đang thổi phồng như người của công chúng vẫn thường làm, nhưng không phải vậy. Tôi đã thực sự bị cuốn hút trong suốt hơn ba tiếng đồng hồ. Tôi đã ngồi xem phim, bỏ quên cả bữa tối và bàn luận về nó đến tận đêm khuya.

Có một phân cảnh trong bộ phim làm tôi nhớ mãi. Người sĩ quan chỉ huy, do Ralph Fiennes thủ vai, cãi nhau với bạn gái của mình trên giường. Rồi anh ta dậy vào nhà vệ sinh, họ vẫn tiếp tục tranh cãi nhau và cô gái thì chế giễu anh ta giống bất kỳ cô người yêu nào khác. Trong khi đang ở trong phòng tắm, anh ta phát hiện ra một người tù ở trại tập trung nơi anh ta làm việc. Anh ta chạy ra ngoài cầm súng trường và bắn người đó. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục cãi vã. Người mà tôi ấn tượng chính là cô gái. Cô ta không bắn ai, cô ta là người ngoài cuộc.

Trừ phi cô ta không ở đó. Sẽ không có ai là người ngoài cuộc trong tình huống đó. Bạn tham gia tình huống, dù muốn dù không. Bạn ủng hộ bằng việc không hành động cũng như hành động. Tại sao người lính Đức Quốc xã có thể làm được những điều này? Bởi vì mọi người thích anh ta? Không, bởi vì mọi người thích cô gái kia.

Cô ta ở phòng bên cạnh. Cô ta ở ngay đây. Trách nhiệm vì vậy mà cũng cao hơn. Nhưng chúng ta biết điều gì về các tình huống này, khi chúng ta không ở gần đó? Điều gì ở tên giết người cách xa chúng ta, sự bất công chúng ta không thể nhìn thấy, nỗi đau chúng ta không thể chứng kiến, nhưng dù sao chúng ta cũng biết rằng những thứ đó đang ở ngoài kia? Chúng ta biết điều gì đang diễn ra, dù ở gần hoặc không. Trong trường hợp đó, chúng ta không phải là người ngoài cuộc. Nếu chúng ta biết và chúng ta hành động nhưng thất bại, thì chúng ta là người phải chịu trách nhiệm đối với sự việc đó.

Một vài tháng sau, Rwanda nổ ra nạn diệt chủng. Chúng ta biết. Chúng ta không hành động. Chúng ta là những người phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Không thực tế chút nào, đúng không, chỉ như một phản ứng? Vấn đề là tôi cảm thấy thế nào. Liệu phản ứng đó có khôn ngoan hay không đối với nhà lãnh đạo một đất nước thì lại là vấn đề khác. Nhưng chúng ta sẽ đề cập nhiều hơn về những thứ này này sau.

Tôi quay trở về từ Paris trong tâm trạng vui vẻ và một lần nữa, với cảm giác kỳ lạ về quyền lực, về sự đề phòng và về dự đoán của mình.

Sau đó John mất. Khi tôi bắt đầu cuộc nói chuyện đầu tiên với Gordon, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Tôi cảm thấy mình đã không thành thật với ông ấy, mà nhờ những sự kiện sau này, tôi nhận ra điều đó là một sai lầm. Trong khoảng thời gian từ tháng Tư năm 1992 đến tháng Năm năm 1994, thỉnh thoảng ông ấy lại muốn tôi cam đoan lại và tôi đã làm như vậy. Tại sao lại không chứ? Tôi biết đủ về ông ấy để nhận ra rằng nếu tôi rút lại cam đoan đó, thì chúng tôi sẽ có một cuộc chiến. Và điều đó quả thật khủng khiếp. Có thể đó chỉ là một linh cảm. Có thể nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Có thể John sẽ tiếp tục và trở thành Thủ tướng và sau đó, ai biết được tương lai sẽ như thế nào.

“Chúng ta phải nói chuyện”, tôi nói với ông ấy vào một buổi sáng tháng Năm tại Aberdeen khi đang ngồi trong văn phòng Đảng, ngắm nhìn mọi người ngược xuôi trên con phố ngoài tòa nhà và biết rằng cuộc sống của những người ngoài đó vẫn tiếp diễn như thường lệ còn cuộc sống của tôi sắp thay đổi mãi mãi.

Tôi đã tôi luyện bản thân mình. Tôi biết ông ta sẽ dồn dập tấn công, có thể là ép buộc, thậm chí là đe dọa. Nhưng tôi đã vượt qua.

“Được rồi, hãy nói chuyện khi anh quay trở về đã,” ông ấy nói, giọng nói thể hiện sự thoái thác nhẹ nhàng.

Tôi đã tiến hành một chuyến thăm ngắn ngày đến Aberdeen như dự định, tới một số công ty khoa học và công nghệ mà tôi có biết qua trước đây. Tôi đã có những bài phát biểu ngắn với báo chí bên ngoài công ty về cái chết của John, thể hiện sự bất ngờ và thương tiếc. Tôi bắt chuyến bay trở lại London ngay sau đó. Thậm chí tôi còn có thể nói chuyện lại với Gordon. Khi tôi bước ra từ đường hầm dành cho hành khách tại Heathrow, một gã phóng viên đang chực sẵn để chụp ảnh tôi. Tôi hơi chột dạ. Và nghĩ bụng, hóa ra việc này là như thế.

Tôi trở về Nghị viện. Mọi người vẫn đang xôn xao, choáng váng và rất buồn, nhưng tất nhiên, bánh xe chính trị vẫn quay. Tôi tình cờ gặp Mo Mowlam – một người không mấy đa cảm (hoặc có vẻ như vậy), tiến thẳng đến chỗ tôi và nói: “Người đó phải là ông. Đừng vì lý do gì mà bỏ cuộc”. Cherie đón tôi từ sân bay Heathrow và cô ấy cũng động viên tôi như vậy, thậm chí bằng ngôn từ có phần mạnh mẽ hơn. Họ không cần phải nói với tôi như vậy. Ý định của tôi đã được quyết rồi.

Khi đang đi dạo qua hành lang bên cạnh tòa nhà Nghị viện (House of Commons Chamber), tôi tình cờ gặp Peter Mandelson. Trước đây, chúng tôi đã nói chuyện qua điện thoại, nhưng khá khách sáo.

“À, tôi đang mong gặp anh,” ông ta nói. “Nào, đừng có cố gắng lợi dụng tình huống này. Gordon vẫn là lựa chọn số 1 và được ủng hộ.”

Mỗi khi cùng với Peter trong hoàn cảnh như thế này, bạn có thể sẽ chẳng bao giờ biết chắc chắn về những gì ông ta đang nói, nhưng tôi lại chắc chắn về những gì mà tôi muốn nói.

“Peter,” tôi nói: “Anh biết là tôi mến anh, nhưng đây là cơ hội của tôi. Tôi rất chắc chắn về nó. Và anh phải ủng hộ tôi.”

“Tôi không chắc lắm,” ông ta nói. Lần đầu tiên, không khí xung quanh thực sự nghiêm túc và trong giây lát chúng tôi đứng đó, nhìn nhau trân trối qua chiếc bàn bọc da xanh ở phía bắc hành lang tòa nhà.

“Peter,” tôi nói, đặt tay lên vai ông ta, “đừng cản trở tôi trong việc này. Đây là cơ hội của tôi. Tôi biết và tôi sẽ nắm lấy nó.”

“Anh không thể chắc chắn về điều đó,” ông ta đáp lại.

“Tôi hiểu.” Lúc đó tôi nói nhẹ nhàng, tình bạn đã hoàn toàn trở lại trong giọng nói của tôi. “Nhưng hãy nhớ những gì tôi đã nói.”

Có ai đó bước vào hành lang. Như thể thần giao cách cảm, chúng tôi tách nhau ra và đi theo hai hướng khác nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx