sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4: Trăng Mật

Bất lợi của một Chính phủ mới là thiếu kinh nghiệm điều hành đất nước. Nhưng đây cũng là một lợi thế. Sự non nớt, ngây thơ cộng với những tư tưởng thuần khiết, không vẩn hoài nghi, chỉ trích từ những cái đầu bị chìm đắm trong các “vũng nước ô nhiễm” của Chính phủ cũ khiến Chính phủ mới mang trong mình một khả năng đặc biệt. Từ đầu đến cuối, tôi không hề đánh mất sự lạc quan, sự tự tin hay niềm tin vào tương lai đang đón chờ phía trước, nhưng có thể không bao giờ tôi có lại được cảm giác tràn đầy năng lượng tuyệt vời và sự táo bạo khi lựa chọn một đội ngũ mới – đặc biệt là khi cảm giác này đến sau 18 năm cầm quyền trong Chính phủ của một Đảng Đối lập.

Những gì mà chúng tôi đã làm trong những ngày đầu thanh bình đó vẫn vô cùng đáng nhớ. Chúng tôi không ngủ quên trên chiến thắng, luôn giữ tinh thần vững vàng bất chấp những lời xì xào phá hoại xung quanh, đồng thời cũng luôn nhắc nhở bản thân rằng nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ nhân dân. Tất cả những điều này xuất phát từ mong ước chân thành là đưa đất nước đi lên. Chúng tôi đã nghĩ đến những điều không tưởng, làm những việc không thể làm; đã đến lúc phải phá bỏ nhiều quy ước, thói cũ, truyền thống.

Một quyết định ngay từ ban đầu đã khiến tôi khá bận tâm nhưng tôi nghĩ để hoàn thành tốt các công việc trong vai trò Thủ tướng thì tôi sẽ phải thực hiện nó. Vào thời điểm đó, các phiên chất vấn Thủ tướng (PMQs) được bố trí hai lần mỗi tuần vào 3 giờ 15 phút chiều thứ Ba và thứ Năm, trong vòng 15 phút. Mặc dù, trong ngày hôm đó, tôi có thể còn phải tham gia các chương trình khác, nhưng thời gian buổi sáng trôi đi một cách chậm chạp, miên man trong dòng suy nghĩ ứng phó với những câu hỏi về cơ hội, thách thức và có thể cả những cạm bẫy trong phiên chất vấn sắp tới. Sau buổi chất vấn kết thúc lúc 3 giờ 30 phút chiều, tôi nghĩ lại: Buổi chất vấn đã diễn ra như thế nào, ai đã điều khiển nó, người ta đã nói gì về tâm trạng của các thành viên Nghị viện không giữ các trọng trách trong Chính phủ. Lý trí mách bảo tôi rằng tất cả đã qua và mọi việc thường bị quên lãng trong vòng 48 tiếng; tuy nhiên toàn bộ nội dung trong phiên Chất chất vấn Thủ tướng thường thiếu hợp lý. Đó là nơi gửi gắm những tư tưởng chính trị, trí tuệ và tình cảm của tất cả những người thiếu lý trí. Thậm chí khi còn ở phe đối Đối lập – lúc tôi chỉ việc đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn – thì phiên chất vấn đó cũng đã chi phối tư tưởng của tôi khá nhiều. Mặc dù khi đó, tôi chỉ có thể tưởng tượng được công việc của một Thủ tướng sẽ như thế nào.

Rõ ràng, một trong những tố chất quan trọng và cần thiết của một Thủ tướng hay tổng thống là cách thức quản lý thời gian. Nếu bạn chỉ cho tôi một nhà lãnh đạo yếu kém, tôi sẽ cho bạn thấy kế hoạch quản lý thời gian tồi của họ. Chúng ta không bàn đến thời gian làm việc – tôi gặp một số vị lãnh đạo làm việc liên tục trong nhiều giờ liền trong ngày khiến tôi bật cười, họ làm việc 18 tiếng một ngày nhưng họ sắp xếp công việc thế nào mới là vấn đề.

Lịch trình làm việc phải được lập dựa trên những quyết định thuộc thẩm quyền của Chính phủ và phải được đảm bảo nghiêm ngặt thời gian thực hiện. Ở một chừng mực nào đó, lịch làm việc hàng ngày chỉ giới hạn trong những đầu việc quan trọng cần thiết. Một trong những việc đầu tiên mà Anji đã làm cho tôi khi tôi đến Ngôi nhà Số 10 là hạn chế tối đa những bữa tối theo nghi thức. Tôi nhớ mình đã tham dự không quá 30 bữa tối như thế, bao gồm cả các bữa tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước bắt buộc trong suốt thời gian ở phố Downing. Các bữa tiệc tối theo nghi thức hầu như không cần thiết. Bởi bản thân tôi cho rằng chúng chỉ là những thủ tục rườm rà và các vị khách mời cũng cho là vậy. Nếu bạn bắt đầu bữa tối muộn (thức ăn hoặc có rất nhiều hoặc chỉ là thứ chả ngon miệng gì) và không có điều gì tồi tệ hơn việc phải phát biểu sau bữa tiệc tối. Nếu đó là công việc bắt buộc phải làm thì bạn phải dành 45 phút trước bữa tối để thảo luận hoặc thông báo về vấn đề đó và sau đó bạn có thể rời bữa tiệc về với gia đình mình, còn khách mời có thể tụ tập với bạn bè hay cộng sự của họ. Hãy để họ được nghỉ ngơi sau những giờ phút căng thẳng mệt mỏi và có thời gian vui vẻ bên nhau. Ngoại trừ những bữa tiệc chiêu đãi theo nghi thức ngoại giao tôi phải tham dự, mà theo tôi tiệc chiêu đãi ngoại giao mà rôm rả hoành tráng quá sẽ là dấu hiệu cho thấy một Chính phủ được điều hành không mấy tốt đẹp.

Sắp xếp thời gian cho một vị lãnh đạo gần như là một nhiệm vụ tối quan trọng. Người phụ trách công việc này là một trong số những người quan trọng nhất trong nhóm cộng sự và họ phải cứng rắn trong việc từ chối những công việc chen ngang. Một lãnh đạo luôn phải niềm nở và làm gương cho người khác. Khi bạn gặp ai đó, chắc chắn họ sẽ hẹn hò để gặp lại bạn, tất nhiên là bạn sẽ phải đồng ý. Bạn không thể nói rằng: “Không, anh quá tẻ nhạt, tôi không có việc gì quan trọng để phải nói chuyện với anh cả”. Việc của người sắp xếp lịch biểu là nói “không”. “Nhưng ông ấy đã đồng ý gặp tôi.” Không. “Nhưng ông ấy nói là muốn gặp tôi.” Không. “Nhưng...” “Không nhưng gì cả”.

Trước đây, ở văn phòng chúng tôi, mọi người có sử dụng cụm từ “SO” viết tắt của từ “phạm vi không cho phép” (Sackable Offence) và áp dụng nó một cách cứng nhắc. Nó được áp dụng trong việc lên lịch gặp những người mà họ cho là không quá cần thiết hoặc không mấy quan trọng. Họ yêu cầu áp dụng nguyên tắc này ngay cả khi tôi đã đồng ý cuộc gặp đó. Nó được áp dụng – vấn đề này hơi tế nhị – cho dù tôi nói với nhân viên của mình rằng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng vì họ đã thiếu tôn trọng mong muốn cũng như lời nói của tôi như thế nào.

Có một nhân vật Công Đảng quan trọng đã luống tuổi, một người đặc biệt đã nhiều lần tìm cách gặp gỡ và nói chuyện với tôi, mong muốn sẽ đưa ra những “lời khuyên có ích”. Ông ấy là một người thú vị và đột nhiên tôi muốn gặp ông. Kate, trợ lý của tôi, là một người có khả năng từ chối cứng rắn và hiệu quả, hôm đó lại ra ngoài giải quyết việc riêng. Lúc ấy, người tạm thời thay thế Kate đã để cho ông ấy vào gặp tôi. Sau khoảng 30 phút lắng nghe những “lời khuyên hay”, mắt tôi díu lại vì cuộc nói chuyện quá tẻ nhạt, may thay lúc đó người thư ký tạm thời mở cửa bước vào và thông báo “hết giờ”.“Ồ, thế à, tiếc quá. Tôi thực sự muốn có thời gian nói chuyện với ông ấy”.

Cô ta nói: “Được ạ, nếu vậy, thì thưa ngài, ngài có thể trò chuyện thêm 30 phút nữa vì lịch làm việc của ngài có thay đổi”.

Các phiên chất vấn Thủ tướng rất có sức hút và quan trọng đối với các thành viên Nghị viện, tuy nhiên, từ việc xem lại tài liệu về các phiên chất vấn của cựu Thủ tướng, John Major, tôi thấy rằng mỗi phiên chất vấn như vậy tốn kém cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí làm ảnh hưởng đến ngày làm việc hôm đó: Toàn bộ buổi sáng và đầu giờ chiều, chúng tôi đều dành cho khâu chuẩn bị và nếu có các cuộc họp diễn ra trong khoảng thời gian đó, tôi cũng không thể tập trung được. Sau đó vào cuối giờ chiều và đầu giờ tối là khoảng thời gian đầu óc tôi quay cuồng với những suy nghĩ về phản ứng của dân chúng và những gì đã diễn ra. Hai phiên chất vấn Thủ tướng chiếm hẳn hai ngày. Việc này tiêu tốn quá nhiều thời gian.

Trước khi bầu cử tôi đã có dự định, nói đúng hơn là đã lập một kịch bản – là làm sao để khéo léo trình bày trong bản đề xuất rằng “để các phiên chất vấn Thủ tướng được hiệu quả hơn – chúng ta nên gộp hai buổi chất vấn 15 phút mỗi tuần thành một buổi chất vấn 30 phút. Bạn có thể nghĩ rằng thế thì có gì khác nhau; nhưng để tôi cho bạn biết, đó là một cuộc cách mạng tiết kiệm thời gian. Rất may là Paddy Ashdown, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, cho biết rằng ông ta ủng hộ cải cách đó. Vì thế, tôi hít thở sâu và trịnh trọng tuyên bố ý định cải cách đó và nó đã nhanh chóng được thông qua. Nếu có tranh luận, thì có lẽ nó chỉ nằm trong suy nghĩ của mọi người mà thôi, nhưng tôi đã may mắn vì chúng tôi là một Chính phủ mới và các thành viên Đảng Bảo thủ thì vẫn còn đang choáng váng.

Sau này, khi Robin Cook lên làm lãnh đạo Hạ viện, chương trình chất vấn 30 phút được chuyển thời gian vào trưa ngày thứ Tư. Khâu chuẩn bị diễn ra vào đêm trước đó và sáng thứ Tư phải hoàn tất, vì thế cho dù chương trình vẫn tiêu tốn thời gian nhưng so với trước đây thì nó vẫn ít hơn. Vào khoảng 12 giờ 30 phút trưa thì cơn ác mộng cũng qua đi. Trừ phi có sự cố xảy ra trong buổi chất vấn còn nếu không thì đầu giờ chiều, đầu óc bạn cũng thảnh thơi hơn và ngày thứ Tư sẽ trôi qua thoải mái. Nó có vẻ chỉ là một thay đổi nhỏ, tuy nhiên, đối với sức khỏe của cá nhân Thủ tướng thì đó là điều rất quan trọng.

Ngoài những mặt lợi thì sự thay đổi này cũng tồn tại những mặt trái: 15 phút chỉ là khoảng thời gian rất ngắn, nhưng sẽ không quá ngắn ngủi nếu bạn phải đối diện với một đám đông ồn ào tập trung trước mặt – tin tôi đi, thời gian trôi qua rất chậm chạp – vì thế, 30 phút là cả một vấn đề, nhất là khi người ta chỉ xoay quanh một chủ đề để chất vấn thì lại càng tệ hại hơn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, các phiên chất vấn Thủ tướng là một trải nghiệm đầy thử thách và khó khăn, để đương đầu, tôi phải cần đến dũng khí, lòng can đảm, sự tự tin, sự nhanh trí nhiều nhất trong cuộc đời làm Thủ tướng của mình. Bạn có biết một phân cảnh trong bộ phim Marathon Man khi tên bác sỹ Quốc xã xấu xa do Laurence Olivier thủ vai khoan thủng răng của Dustin Hoffman. Vào khoảng 11 giờ 45 phút sáng thứ Tư hàng tuần, tôi đã trải qua 30 phút chương trình chất vấn Thủ tướng giống như 30 phút trong cảnh phim đó.

Khi tôi kể những kinh nghiệm này của mình với một số người Mỹ và Nhật, những người không hiểu sao lại có sở thích theo dõi chương trình này, thì họ bảo rằng “Ồ, nhưng tôi thấy Thủ tướng rất thích chương trình đó lắm mà”. Nếu tôi nhìn trông có vẻ thích thú chương trình đó thì có lẽ là tôi đang “diễn”. Không, tôi rất ghét chương trình này. Những người khác thì lại nói: “Hôm nay, nhìn Thủ tướng trong phiên chất vấn rất thoải mái”. Không, tôi chưa bao giờ thấy thoải mái dù chỉ một giây, thực sự là chưa bao giờ cả.

Còn một câu chuyện nữa mà tôi nghĩ nó đúng là câu chuyện thần thoại, đó là cách thức tổ chức bố trí cho Thủ tướng trả lời chất vấn. Quan điểm này cho rằng những người đưa ra câu hỏi là những người muốn biết câu trả lời. Thực ra, toàn bộ câu chuyện là giống như một cuộc đấu kiếm, một kiểu đấu hiện đại không cần gươm giáo. Vũ khí ở đây là ngôn từ, nhưng lạy Chúa, họ có thể làm tổn thương nhau và phá hỏng ý nghĩa thực sự của ngôn từ. Trong 30 phút đó, Thủ tướng là người ở vị trí có khả năng bị “rủi ro” cao. Không ai có thể nghĩ rằng nó lại quá kinh khủng như vậy. Nếu bên chất vấn là người trung thành và để cho bạn biết trước câu hỏi, thì bạn có thể “ung dung” nhưng với những người khác thì phiên chất vấn đúng là một môn thể thao “đổ máu” và Thủ tướng là con mồi béo bở. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, bạn cảm thấy phấn chấn; nếu mọi chuyện diễn ra tồi tệ thì không đơn giản là bạn thấy khốn khổ mà còn có cảm giác ê chề. Chẳng có nơi nào như nơi đây, một Hạ viện đầy ắp những người chỉ muốn đẩy ai đó vào vị trí dở khóc dở cười.

Bạn không thể nói trước được bất cứ điều gì. Nhiều khi, tôi thầm nghĩ, tôi biết rõ chủ đề hôm nay là gì, tôi có câu trả lời và buổi chiều nay sẽ diễn ra tốt đẹp thôi. Thế nhưng vài phút sau đó, tôi choáng váng, tôi nói hớ, nghe có vẻ ngớ ngẩn, rồi tôi khiến không khí căng thẳng, nhiều người tức giận, thậm chí tồi tệ hơn, họ chế nhạo tôi. Vào những lúc như thế, tôi chỉ mong có cái hố nào đó phía dưới để chui xuống cho xong. Câu trả lời của tôi bắt đầu dài dòng hơn, loanh quanh hơn; tôi bắt đầu líu lưỡi, giọng điệu gấp gáp, mặt đỏ ửng và chỉ vài lập luận còn có chút rõ ràng. Tôi liếc nhìn hậu trường như cầu khẩn các cộng sự của mình cứu nguy chỉ để nhận thấy vẻ bối rối trên khuôn mặt họ. Khi tôi ngồi xuống vài người thân cận đến chúc mừng nhưng rồi những lời chúc mừng ấy cũng nhanh chóng bị những tràng vỗ tay rào rào át đi. Đi giữa hai hàng ghế mà như giữa hai hàng kiếm dài – ngày trước, các thành viên Nghị viện vẫn được mang theo kiếm – là những khuôn mặt hả hê dương dương tự đắc.

Dần dần, tôi cũng làm tốt hơn, mọi việc cũng biến chuyển nhưng nỗi lo lắng thì không thể vơi đi trong ngày một ngày hai được. Thậm chí, giờ đây, bất kể tôi ở đâu, tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh khi đồng hồ điểm 11 giờ 57 phút sáng thứ Tư hàng tuần, nó như là chiếc gai đâm nhói vào gáy vào cổ và tim tôi. Đó là lúc tôi bước ra khỏi phòng làm việc của Thủ tướng ở Hạ viện để đến phòng trả lời chất vấn. Tôi thường có cảm giác như tội nhân bước từ phòng giam đến điểm thi hành án.

Tôi phải đến Hạ viện vào khoảng 11 giờ 30 phút sáng, ngồi cả buổi sáng trong văn phòng Thủ tướng ở phố Downing để xem xét giấy tờ, quyết sách chiến lược. Trong thời gian nửa tiếng đó bạn phải đưa ra quyết định, các câu trả lời phải được chuyển đi để tham vấn ý kiến một cách vội vàng về một số sự kiện. Điều tồi tệ nhất là những câu chuyện vào giờ giải lao lúc 10 giờ hoặc thậm chí là 11 giờ sáng, thường xoay quanh các con số không mấy tốt đẹp về một hay nhiều lĩnh vực, hay một số ý kiến ngớ ngẩn mà các thành viên Chính phủ đã phát biểu. Một dòng cũng phải ghi lại, phải đưa ra sự thật mặc dù toàn bộ sự thật có thể không được phơi bày. Khi đó, nhầm lẫn của Thủ tướng không phải là sai lầm mà: đó là sự dối trá có tính toán và những khoảnh khắc nghỉ ngơi như thế này là lúc để bàn tán.

Cuối cùng thì tôi cũng có kinh nghiệm hơn trong việc thực hiện chương trình này. Tôi can đảm hơn. Tôi nhận ra rằng mình phải đương đầu với con ác quỷ đó. Không phải suy nghĩ quá nhiều trong đêm trước đó, đi đúng giày (tôi đi cùng một đôi giày trong tất cả các phiên trả lời chất vấn Thủ tướng trong 10 năm) hay chỉ cầu trời cho mình sẽ vượt qua. Tôi quyết định phân tích tình hình và cố gắng tìm ra cách thực hiện tốt nhất bằng mọi khả năng có thể.

Tôi nhớ khi còn là học sinh, tôi có chơi quyền anh, đó là một môn học bắt buộc. Tôi rất ghét môn đó; với tôi, nó chẳng có tác dụng hay hấp dẫn gì – trong những lần giao đấu đầu tiên, tôi rất sợ. Tôi không muốn đánh đối thủ và cũng không muốn đối thủ đánh mình. Tôi chỉ mong sao cho hiệp đấu nhanh kết thúc. Mặc dù vậy, sau một vài lần, tôi chơi tốt lên, biết đứng lên và chiến đấu. Tôi đã chiến đấu với nỗi sợ hãi nhưng vẫn thể hiện sự quyết đoán. Hoặc là đấu cho ra đấu hoặc là không đấu nữa – điều đó cũng tốt – nhưng đừng hành động như một kẻ hèn nhát. Tôi không muốn mình phải chơi quyền anh giỏi hơn nhưng tôi đã cảm phục bản thân mình hơn.

Dần dần, tôi đã rút ra được cách thức tham gia phiên chất vấn Thủ tướng. Trước hết là bắt đầu bằng thái độ tự tin hơn, đối mặt và chiến đấu với hoàn cảnh. Nỗi sợ hãi giống như sự kích thích, ở một mức độ nhất định nó có thể khiến bạn có cảm giác vô cùng bấp bênh. Sợ hãi đến mức hoảng sợ thì quả thực tồi tệ. Trong những ngày đầu, đêm trước khi diễn ra buổi chất vấn, tôi không ngủ được, buổi sáng cũng chẳng ăn được gì. Nhưng tôi nhận ra rằng quan trọng là phải có sức khỏe cũng như tinh thần tốt mới có thể xử lý được mọi tình huống. Do đó, tôi đã thay đổi thói quen hàng ngày của mình. Tôi uống một viên melatonin vào đêm hôm trước vì thế tôi đã ngủ được ít nhất là sáu tiếng. Tôi ăn sáng và ngay trước lúc diễn ra buổi chất vấn, tôi ăn một quả chuối để lấy thêm năng lượng. Việc làm này có vẻ ngớ ngẩn nhưng tôi thấy người khỏe khoắn hơn vì thế tinh thần thoải mái và chứng hồi hộp giảm dần sau 10 phút. Điều này đã tạo ra sự khác biệt. Đến tận 12 giờ 28 phút, tinh thần tôi vẫn thoải mái và tự tin đối đáp với những câu hỏi hóc búa.

Thứ hai, tôi phải đối diện với nỗi sợ của bản thân. Nỗi sợ hãi là chiếc áo của kẻ khờ dại hoặc kẻ lừa bịp. Để ngăn chặn nó, không những bạn phải nhớ hết các con số, sự kiện mà còn phải làm chủ được cuộc tranh luận. Đương nhiên, việc nghiên cứu kỹ lưỡng các tình huống là tối quan trọng. Khi tôi bắt đầu tiến bộ cũng là lúc tôi có được một đội ngũ cộng sự gồm những tài năng lớn, trước hết là một người làm việc siêu hiệu quả – Clare Sunner, sau đó là Kate Gross, một nhà tổ chức tài ba và cũng là một MC. Cố vấn đặc biệt là Catherine Rimmer, trưởng ban nghiên cứu có kiến thức uyên thâm và có khả năng siêu việt trong việc nắm bắt chi tiết sự việc. Nhóm cố vấn dẫn đầu là Nicolas Howard, bậc thầy về tổ chức trong phiên chất vấn Thủ tướng. Tất cả đã giúp tôi có niềm tin rằng, về cơ bản thì các câu trả lời của tôi về mọi vấn đề là chính xác. Tuy nhiên, chiến thắng chung cuộc không nằm ở những sự kiện mà nằm ở cách triển khai chúng. Các sự kiện giống như con ngựa, áo giáp và cây thương; còn các kỹ năng là cách bạn sử dụng những công cụ này để mang lại hiệu quả tốt nhất hay nói cách khác, bạn phải dự đoán đúng hướng tấn công, tìm ra cách thức chống đỡ và sau đó triển khai phản công.

Nếu trong một buổi chất vấn mà bạn gặp phải một chủ đề không có cơ hội chiến thắng – có một số ngày như vậy – tốt nhất bạn nên cố gắng chiến đấu để có được một trận hòa. Nhưng trong một cuộc chiến có lợi thế ngang nhau hoặc bạn có lợi thế hơn thì nhất định bạn phải chiến thắng. Chiến thắng mang lại sự tự tin cho phe của bạn, nó khiến họ phấn chấn hơn, thấy tương lai xán lạn hơn. Vị thế của bạn được nâng lên. Thất bại không chỉ làm mất giá trị của bạn mà còn làm nhụt chí đồng đội. Những phiên trả lời chất vấn tồi có thể đẩy người lãnh đạo vào thế nguy hiểm.

Đêm trước buổi chất vấn, tôi đọc qua toàn bộ khung chương trình, trong đó có toàn bộ câu trả lời giả định cho những câu hỏi giả định và nghiên cứu kỹ các vấn đề thực sự phức tạp trong tâm trạng thoải mái. Khoảng 8 giờ sáng, tôi ngồi xem xét và trau chuốt lại các vấn đề có khả năng bị chất vấn nhiều nhất và vạch ra diễn biến và hướng tranh luận trong chương trình. Đôi khi cách diễn đạt hay nhất lại xuất hiện ngay trong phiên chất vấn, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì điều này hiếm khi xảy ra. Không ai có khả năng phát biểu hùng hồn nếu tài hùng biện của họ không được mài dũa, chuẩn bị kỹ.

Bằng phương pháp này, dần dần, tôi học được cách chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công. Điều này giúp tôi phân tích cuộc tranh luận bằng sự kiện, dữ liệu – xem nó có bền vững và thuyết phục không, liệu nó có phù hợp với các thành viên Nghị viện cũng như thành viên Chính phủ không?

Tôi đã phát hiện ra sức mạnh của tính hài hước, cả bề nổi lẫn bề sâu của nó. John Smith là người đầu tiên mà tôi thấy đã sử dụng tài tình khiếu hài hước trong Nghị viện, cũng giống như việc hạ bệ John Major bằng việc lợi dụng sự sụp đổ của Cơ chế Tỷ giá Hối đoái (ERM). Gordon cũng vậy, thời kỳ đầu, ông ấy đã sử dụng óc hài hước, hóm hỉnh của mình để đánh đổ mặt trận kinh tế của Đảng Bảo thủ tại Nghị viện khi đứng vào đúng vị trí của John trong những năm cuối thập niên 1980. Cách ông ấy phản biện lại Nigel Lawson và Ủy ban Tài chính Đảng Bảo thủ đã giúp chúng tôi có cơ hội tham vấn kế hoạch của họ. Chúng tôi thường rơi vào thế yếu trong các vấn đề tranh luận, nhưng thật tuyệt vời khi điểm yếu đó được giấu nhẹm đi bằng sự hóm hỉnh đúng lúc. Tôi là người khá nghiêm chỉnh và cứng rắn, giống như một luật sư trong một buổi tố tụng nhưng tôi cũng có khiếu hài hước và chỉ cần tự tin sử dụng nó hiệu quả mà thôi.

Tôi học được cách tước vũ khí của đối thủ và làm nổ tung chúng. Họ cáu giận, bạn nhẹ nhàng ôn hòa. Họ cứng nhắc, bạn ôn tồn. Họ nguyền rủa bạn, bạn cảm thông. Khi đối đầu nhau, hãy nhìn thẳng để xem sắc mặt họ, mắt đối mắt thay vì đảo quanh.

Cuối cùng, tôi nhận ra rằng nếu làm mọi thứ rối tung lên, bạn sẽ có lợi thế. Nói thì dễ nhưng làm mới khó. Khi trải qua một phiên chất vấn không tốt đẹp thì lúc đi bộ từ nghị trường trở về phòng làm việc, tâm trạng tôi cũng tồi tệ chẳng khác nào lúc từ văn phòng tới đó. Thường thường, sau chương trình chúng tôi luôn dành ít phút để xử lý những hậu quả của buổi chất vấn. Nhóm cộng sự cũ luôn cảm thấy rằng việc tôi làm rối tung mọi chuyện lên quả là những giây phút khó khăn đối với họ. Khuôn mặt họ tràn trề vẻ thất vọng, mặc dù họ đã cố che giấu. Jonathan Powell thường là người duy nhất lên tiếng. “Ơn Chúa, thế là xong, tuần này không còn phải làm việc đó nữa”. Ông ấy vui vẻ nói vậy trong khi một số người khác càu nhàu về việc chúng tôi chỉ có được “một trận hòa” vài người còn chửi thề.

Đầu tháng Năm năm 1997, các phiên chất vấn hai lần một tuần được gộp thành một buổi. Tôi không bao giờ hối tiếc về quyết định đó và các vị Thủ tướng sau này sẽ phải cảm ơn tôi vì sáng kiến cải cách này.

Quyết định tiếp theo là một trong những điều hoàn toàn khác biệt và mang tính nền tảng hơn. Vài tháng trước cuộc bầu cử, Gordon và tôi cùng nhau bàn về vấn đề chính sách tiền tệ – ví dụ, thiết lập tỷ lệ lãi suất cho Ngân hàng Trung ương Anh như thế nào. Cái gọi là “sự độc lập” của ngân hàng này đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của các chính trị gia, nhà kinh tế và học giả trong suốt mấy thập kỷ qua.

Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn đúng. Từ lâu, tôi đã tin rằng đối với các chính khách thì việc quy định lãi suất là việc làm gây lẫn lộn giữa vai trò kinh tế và vai trò chính trị, giữa vấn đề dài hạn và vấn đề ngắn hạn, giữa cái thực tế với cái nhạy cảm. Tôi đã từng được chứng kiến màn diễn kịch khi Chính phủ thận trọng điều chỉnh lãi suất theo vòng bầu cử. Mọi người đều biết diễn tiến của nó và lý do Chính phủ làm vậy. Nhờ nó mà Nhà nước đã thanh toán được các khoản tiền thưởng chi cho chính trị dựa trên tỷ lệ lãi suất một cách hiệu quả. Sự trái ngược của Ngân hàng Trung ương Anh với các Ngân hàng Trung ương độc lập ở châu Âu, đặc biệt là Ngân hàng Đức và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, xứng đáng là một bài học kinh nghiệm cho chúng tôi.

Tôi muốn nói với những thành viên Nghị viện hoài nghi, những chuyên gia nghiêm nghị, những người phản đối thay đổi rằng vấn đề không nằm ở chỗ Thống đốc Ngân hàng có phải người thông minh hơn Bộ trưởng Tài chính hay không. Thống đốc có thể hoặc không phải là một người trí tuệ siêu việt, nhưng quy trình ra quyết định tại Ngân hàng là một quy trình rất khách quan. Tôi từng trao đổi điều này với Roy Jenkins. Gavyn Davies – lúc đó đang làm việc tại Goldman Sachs và là người mà tôi vẫn tham vấn về kinh tế – đã hoàn toàn nhất trí về những vấn đề đó. Tôi biết Nigel Lawson – một Bộ trưởng Tài chính mà tôi ngưỡng mộ – cũng muốn thi hành chính sách tương tự. Đó cũng là một đòn phản công hoàn hảo dành cho những người hồ nghi về khả năng kinh tế của một Chính phủ sắp tới do Công Đảng lãnh đạo. Vì thế, ngoài lý do chính đáng đặt nhiệm vụ kinh tế dài hạn lên trên các nhiệm vụ chính trị ngắn hạn thì vẫn có rất nhiều lý do chính trị hợp lý khác để làm vậy.

Gordon cũng có kết luận tương tự, nên khi tôi đưa ra đề xuất, ông cũng nhất trí. Có một vài tranh luận xung quanh vấn đề về thời gian công bố. Tôi thiên về phương án tuyên bố ngay trước thềm bầu cử để củng cố sự tín nhiệm, còn ông ấy cảm thấy rằng việc thúc đẩy thị trường là rất quan trọng và đề nghị nên thực hiện điều đó ngay sau bầu cử, cuối cùng tôi đã đồng ý với ý kiến của ông.

Gordon tuyên bố kế hoạch đó vào ngày 6 tháng Năm. Các doanh nghiệp và thị trường vô cùng hào hứng. Các thành viên Đảng Bảo thủ phản đối nhưng không tạo thành cơn bão lớn mà thực ra họ cũng không thể làm vậy cho dù có muốn đi chăng nữa. Với tôi, đó là khoảng thời gian vô cùng quan trọng. Nó định hình một phương pháp tiếp cận với các chính sách kinh tế và giúp chúng tôi tìm ra cách thức điều hành Chính phủ: cách làm của chúng tôi không phải được sinh ra bởi các tư tưởng cánh tả hay cánh hữu truyền thống; nó thiết lập một nền móng vững chắc, cho thấy tính quyết đoán của chúng tôi từ khi mở đầu đến khi củng cố và tăng cường cơ hội kinh tế của nước Anh với tư cách là một quốc gia.

Tôi để Gordon tuyên bố và trao cho ông cơ hội để tán dương, ca ngợi kế hoạch đổi mới Ngân hàng Trung ương Anh ở vị thế của người sẽ trở thành nhân vật hoạch định chính sách kinh tế chủ chốt của Chính phủ. Tôi đã làm thế, trước hết vì tôi nghĩ ông ấy xứng đáng được như vậy; sau nữa, nó sẽ khiến mọi chuyện được khách quan hơn, tránh màn trình diễn chỉ có một người; và thứ ba, nếu tôi làm khác đi thì chắc chắn đã dẫn đến căng thẳng.

Nhưng điều đó cũng để lại hậu quả kéo dài đến tận sau này. Tôi đã phạm phải nhiều sai lầm, nhưng có một đức tính là không tỏ ra ngại ngần trước những người có trí tuệ xung quanh mình. Trong văn phòng, tôi thích Alastair, Jonathan, Anji, Sally, Peter, David Miliband và một số người khác chính xác là vì tôi biết họ luôn chia sẻ những suy nghĩ của mình với tôi. Điều đó không chứng tỏ họ thiếu tôn trọng tôi, mà là họ chân thành – nghĩ gì nói vậy. Tôi đón nhận điều đó và có được những lời khuyên giá trị và trở nên tự tin hơn.

Tôi có chủ ý để Gordon bước ra như một người khổng lồ, một nhân vật có quyền lực thứ hai trong Chính phủ, mà không hề lo sợ mình sẽ bị lu mờ hay bị ông ấy qua mặt. Thực sự khái niệm “bị qua mặt” không phù hợp trong hoàn cảnh này. Các cộng sự của tôi ở văn phòng có phần hơi lo lắng. Nhất là Alastair đã tưởng tượng ra cảnh tôi là “chủ tịch” hay “tổng thống” còn Gordon là “giám đốc điều hành” hay “Thủ tướng”, mà theo thái độ khăng khăng của Alastair lúc đó thì tôi chỉ là con rối trong tay Gordon – người trực tiếp điều hành đất nước. Còn tôi, tôi rất thoải mái với cái cảm giác rằng tôi là ai và đang làm gì, rằng điều đó không làm tôi bận tâm, cuối cùng, tôi nhún vai thể hiện thái độ không quan tâm đến lời cảnh báo đó.

Song song với chương trình thiết lập sự độc lập cho Ngân hàng Trung ương Anh, tôi cũng bắt đầu tạo dựng một chương trình khung rộng lớn cho nền kinh tế. Trong thời gian đầu, tôi cũng nhắc nhở những cộng sự của mình phải liên tục cập nhật thông tin về chính sách kinh tế: Tổng hợp một kế hoạch chi tiêu toàn diện phù hợp với những ưu tiên của Chính phủ, giải trình những định hướng nhằm xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh và giành lại quyền kiểm soát chặt chẽ hơn nếu tôi nghĩ rằng chính sách nào đó có thiên hướng ủng hộ giới doanh nghiệp, ủng hộ những ý tưởng tham vọng (nhấn mạnh vào ý tưởng đánh thuế cao hơn đối với những người có bằng cấp cao hay những người có từ hai ngôi nhà trở lên). Việc này được thực hiện một cách thường xuyên và ở mức độ vi mô, loại bỏ ý kiến thoái thác trách nhiệm; một loạt công việc cần được thực hiện nhằm duy trì ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, việc người ta cho rằng tôi bàng quan với những chính sách kinh tế là thiếu xác thực. Thực tế là con tàu, đường ray và đích đến đã được xây dựng trong sự hợp tác chặt chẽ với Gordon và trên những con đường do tôi định hình hay lựa chọn. Để từ theo đó, người cầm lái được tự do quản lý con tàu. Không lâu sau đó, tôi đã thực sự kiểm soát chính sách kinh tế.

Trong suốt thời gian ba năm kể từ khi tôi làm lãnh đạo Công Đảng, chúng tôi đã có nhiều tranh cãi và điều đó giúp tôi nhận ra rằng chúng tôi có cách tiếp cận vấn đề khá khác nhau. Chỉ đến những năm sau này thì sự khác biệt đó mới dần lu mờ. Chắc chắn một điều rằng chúng tôi có xuất phát điểm khác nhau cơ bản nhưng đều hướng đến mục đích phục vụ chính trị. Nhưng suy cho cùng nếu hai cá nhân có quan điểm kinh tế trái ngược, với nền tảng hiểu biết hoàn toàn khác biệt mà có thể làm việc với nhau thì cách giải thích tốt nhất là có lẽ là do chúng tôi đều có bản năng khác nhau về vấn đề kinh tế và tài chính.

Về cơ bản, tôi hiểu được khát vọng trong mỗi con người. Tôi thích những người có chí tiến thủ, vươn tới thành công và ngưỡng mộ những ai làm được điều đó. Khi còn làm việc ở hội luật sư – quãng thời gian 7 năm ở đó đã giúp tôi có những cách tiếp cận khác nhau với các nguồn thông tin đa dạng – tôi có cơ hội giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến công nghiệp và thương mại, vì thế tôi quen biết và có quan hệ mật thiết với những người kinh doanh mạo hiểm, những người hiếm khi chán nản bỏ cuộc. Họ đam mê công việc. Tôi là người đam mê lòng khát vọng. Đó là lý do tôi yêu thích nước Mỹ. Tôi ngưỡng mộ triết lý tự thân vận động hay đi lên bằng hai bàn tay trắng của họ.

Triết lý này đôi khi cũng bộc lộ những nhược điểm. Trong khi những câu chuyện về việc bị lóa mắt bởi sự giàu có của tôi luôn bị phóng đại một cách lố bịch (hầu hết những người bạn thân của tôi đều không thuộc mẫu người đó), thì đôi khi tôi lại đánh giá thấp tính nhẫn tâm và phi luân lý – điều có thể giúp kiếm tiền. Bạn đừng hiểu nhầm ý tôi: có rất nhiều doanh nhân là những người năng động mà đối với họ tiền là kết quả của thành công chứ không phải là động cơ thúc đẩy. Nhưng cũng có những người lại chẳng màng đến. Và đôi khi tôi không hiểu hết được sự khác biệt đó.

Tuy nhiên, tôi không bằng lòng với thành công và đối với một chính trị gia tiến bộ thì điều đó là một dấu hiệu tốt. Tôi cũng thuộc mẫu người đó. Tôi muốn có một ngôi nhà khang trang không? Có. Tôi thích một khách sạn năm sao hơn khách sạn hai sao chứ? Đương nhiên rồi. Tôi hiểu rằng có nhiều cuộc sống đáng mơ ước hơn nữa chứ? Chắc chắn là thế. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc có được một cuộc sống sung túc, giàu sang lại khiến người ta thờ ơ lãnh đạm trước những khó khăn của đồng loại. Nhưng với tôi điều ngược lại thì hoàn toàn đúng: những gì tôi muốn có cho bản thân, thì cũng muốn người khác có được. Dù sao tôi thấy việc mong muốn có được những điều ấy không có gì là sai trái.

Khi đi cùng một nhóm doanh nhân, tôi cảm thấy rất thoải mái trong khi Gordon lại hoàn toàn khác. Ông ấy có thể phân tích được một doanh nghiệp tốt phải là một môi trường tốt cho kinh doanh là như thế nào và có thể bàn thảo về những vấn đề phức tạp của chính sách này từ đó tìm cách thúc đẩy môi trường kinh doanh đó; nhưng ông ấy không bao giờ “cảm nhận” được điều đó. Tôi dường như sinh ra để phục vụ công chúng nhưng nếu được chọn lựa con đường khác, tôi muốn làm kinh doanh và kiếm tiền. Đôi khi tôi lại tự hỏi: Liệu tôi có thành công không? Nếu giờ đây tôi thực hiện điều mình mong muốn, tôi nhất định sẽ làm được. Tôi là người phục vụ công chúng bằng cả trái tim. Nếu Gordon có sự lựa chọn khác thì ông ấy cũng sẽ là một người phục vụ công chúng có tầm cỡ. Điều đó không có nghĩa là ông ấy không thể làm như vậy trong kinh doanh – với khối óc và sự quyết đoán của bản thân thì ông có thể làm bất kỳ việc gì – nhưng đó chưa bao giờ là động cơ thôi thúc hay khiến ông quan tâm, hứng thú.

Do đó, với tôi thì việc đánh thuế cao không hẳn là vấn đề. Tất nhiên, bạn có thể viện dẫn rằng người giàu thì đương nhiên phải đóng thuế nhiều hơn và tôi đồng ý với điều đó, nhưng tôi muốn duy trì mức thuế cạnh tranh, kế thừa chính sách cơ bản của Thatcher/Howe/Lawson. Tôi muốn người giàu có luôn được nước Anh chào đón và trân trọng để họ có cơ hội phát triển kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn và đóng góp công sức vào sự phồn thịnh của đất nước. Tuy nhiên, họ không phải là ưu tiên hàng đầu; bằng cách đó tôi muốn nói rằng họ sẽ không nhận được bất cứ quyền ưu tiên nào cũng như được lựa chọn quyền ưu tiên. Tôi thích để mọi chuyện được tự nhiên.

Tôi biết, nếu chúng tôi đưa ra mức thuế cao nhất đánh vào người giàu thì đó sẽ được coi là một tín hiệu, một lời tuyên bố về định hướng chính sách hay một chỉ dẫn có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến công chúng. Gordon cho rằng nên đưa ra ý kiến về chính sách đó trước cuộc bầu cử, nên tôi đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận giả “bỏ túi” cho thấy có 70 - 80% trong số họ tán thành chính sách, tôi đã vô cùng thất vọng. Đối với tôi đó là báo động đỏ. Sau đó, Gordon cũng đã từ bỏ.

Công bằng mà nói thì Gordon đã có một quan điểm căn bản hơn về thuế đánh vào lợi nhuận thu được từ việc bán các khoản đầu tư hoặc tài sản, loại thuế đã hỗ trợ rất lớn cho các quỹ đầu tư tư nhân khổng lồ. Ông ấy chỉ cắt giảm tỷ lệ thuế xuống còn 15% cho những cổ đông nắm giữ khoản đầu tư của mình trong một khoảng thời gian tối thiểu theo quy định trước khi bán đi, vì thế những khoản đầu tư vào các công ty được phân loại theo thời gian và nhà đầu tư chỉ phải trả một khoản thuế ít hơn thuế thu nhập rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cảm thấy việc thực hiện chính sách này chỉ như một tín hiệu về mặt chính trị đối với những người cho rằng Gordon không thân thiện với giới kinh doanh và đó là “sản phẩm” của những người núp đằng sau tư vấn cho ông ấy, chứ không phải một chính sách được khởi nguồn từ sự nhận thức sâu sắc và mang tính thuyết phục.

Cũng chẳng có vấn đề gì, trong lời tuyên bố đầu tiên về Ngân hàng Trung ương và về sự hình thành khoản ngân sách đầu tiên đó, Gordon thể hiện khá rõ quan điểm của Công Đảng mới. Tuy nhiên, dường như việc ông ấy khẳng định quan điểm cho rằng tôi đã bỏ ngỏ lĩnh vực kinh tế đã khiến cho những suy nghĩ về tôi bị sai lệch. Tất nhiên, điều đó nằm trong bản chất của chính trị nơi những hạt giống của sự sụp đổ có thể đã nẩy mầm từ một nơi nào đó rất sâu trong lòng đất. Hạt giống sẽ lớn dần theo thời gian và chồi lên mặt đất. Thậm chí, ngay cả trong những ngày đầu mới lên nắm quyền, sau giây phút nhận được cuộc điện thoại thông báo về sự ra đi của John, tôi đã không nhậm chức ngay, thì đã xuất hiện một cuộc chiến liên tục, cho dù việc nó có được giải quyết hay không lại là vấn đề khác.

Bất kể tất cả những chuyện này, thì sự hiện diện của một nhân vật lớn như thế chỉ đơn giản là để giải quyết vấn đề đó và vì vấn đề đó – một nhân vật đầy nhiệt huyết, tài năng và tầm ảnh hưởng chính trị không thể phủ nhận – là lợi thế vô cùng lớn của Chính phủ. Nếu có một cuộc va chạm thì đó ít nhất cũng là một cuộc va chạm của những người tầm cỡ. Nếu có căng thẳng thì họ cũng có khía cạnh sáng tạo của mình. Trên quan điểm bảo vệ quyết liệt tầng lớp trung lưu của tôi và sự trung thành đáng trân trọng với truyền thống Công Đảng của Gordon, chắc chắn có thể xây dựng một mối liên minh hiệu quả. Vì thế, từ sau ngày 1 tháng Năm năm 1997, mọi việc đã diễn ra đúng như thế.



Tôi có quan điểm có phần lạc quan kỳ lạ về sức mạnh của lẽ phải, về khả năng thuyết phục nếu xảy ra tranh luận. Đôi khi nó khiến tôi tin rằng nếu một mục tiêu chính trị là đúng đắn thì chắc chắn sẽ thành công. Nhưng rõ ràng là chính trị không giống như thế: Có những mục tiêu hoàn toàn chính đáng và có giá trị, tuy nhiên lại hoàn toàn không khả thi.

Kinh nghiệm của tôi với những đảng viên Đảng Dân chủ Tự do trong những ngày đầu nắm quyền là một tình huống thực tế, minh họa cho quan điểm này. Vào những ngày nghỉ, tôi muốn họ tụ tập với mình. Tôi coi Roy Jenkins là một cố vấn. Dần dần, tôi yêu quý ông và thực sự nghĩ rằng ông là một người lý trí, can đảm, tao nhã và thông minh. Tôi cũng yêu quý và kính trọng Paddy Ashdown và nghĩ rằng họ có những thế hệ trẻ sẽ kế tiếp mình, làm nền tảng cho một Công Đảng mới. Tôi hiểu tại sao Đảng Dân chủ Xã hội (Social Democratic Party – SDP) được thành lập, tại sao nó lại thất bại và tại sao sự thất bại đó không phải là sự thất bại về một ý tưởng mà là sự thất bại của một tổ chức và sự thất bại của một phương thức hoạt động chính trị.

Đảng viên Đảng Tự Do được xem là tập hợp của một nhóm bao gồm những những người nghiêm túc một cách mơ hồ, những người không mấy nghiêm túc và những người hoàn toàn không nghiêm túc. Tôi có định kiến về những gã râu ria xồm xoàm, đi dép xăng đan và mặc áo màu mè đến chói mắt, những người mà tham vọng lớn nhất là trở thành hội viên trong các hội đồng địa phương và làm công tác vận động xuất quần chúng; những phụ nữ trong trang phục rộng thùng thình, khác người và chỉ nói về tầm quan trọng của giáo dục giới tính.

Sau khi Đảng Tự Do và Đảng Dân chủ Xã hội hợp nhất thành Đảng Dân chủ Tự do, thì những đảng viên Đảng Dân chủ Tự do mới của họ có cách thức hoạt động khá giống với kiểu chính trị “gượng ép”, tỏ vẻ hợp tác nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Họ cũng khá giống với phe cánh tả và cánh hữu của hầu hết các đảng, chỉ hơn thế một chút, điều này lý giải cho những gì mà Rick nói về Louis ở Casablanca.

Điều đó có nghĩa là các nhà hoạt động của đảng này thiên về những điều kỳ quặc. Bây giờ, bản thân tôi cũng là một nhà hoạt động và thời trẻ, tôi còn là một nhà hoạt động tích cực – vì thế ở đây tôi cần phải cẩn trọng. Nhưng hoạt động chính trị không phải lúc nào cũng đòi hỏi chút ít tính chất của kẻ kỳ quặc. Tôi biết nhận thức này là cố chấp và có phần gây sốc nhưng bất cứ ai đã từng ngụp lặn trong môi trường của một chính đảng chính trị và là thành viên trong đảng thì sẽ biết rằng một môi trường sống lập dị là gì.

Đảng viên Đảng Dân chủ Tự do cũng có thể thiên về chủ nghĩa cơ hội thô thiển. Giờ đây, tất cả các nhà chính trị phải luôn chớp lấy thời cơ, việc nắm bắt cơ hội thường là những gì họ phải làm – nhưng trong một số chiến dịch địa phương thì đảng viên Đảng Dân chủ Tự do đã làm tốt điều này, đạt đến mức độ biến nó thành một hình thức khoa học hay nghệ thuật. Đặc biệt, trên quan điểm chính thức, họ tuyên bố về niềm tin vào sự bình đẳng giới và sắc tộc, họ vẫn đứng lên ủng hộ những phong trào bẩn thỉu nhằm vào đặc điểm cá nhân của đối thủ.

Mặc dù, giống như một mớ bòng bong, nhưng khả năng lãnh đạo của họ rất tốt, trong hàng ngũ của họ có những cá nhân xuất sắc và có quan điểm chính trị gần giống với Công Đảng mới. Chúng tôi đã dẫn dắt Công Đảng tới điểm nhận ra rằng phần lớn những gì mà Đảng Dân chủ Xã hội trước đây nói đều đúng; một số thành viên vượt trội của họ đã rời bỏ và gia nhập hoặc tái gia nhập Công Đảng; và thực tế, tôi có tầm nhìn chính trị gần với một số người trong họ hơn là với nhiều người cánh tả cũ trong đảng của tôi. Cần phải thu hút họ tham gia Công Đảng. Liệu chúng tôi có thể tiến thêm một bước nữa là lôi kéo họ vào Chính phủ không? Một bộ phận truyền thống của Công Đảng – đặc biệt là John Prescott – sẽ cho đó là một ý tưởng ngớ ngẩn; nhưng đây là thời điểm hiếm có và có thể sẽ không bao giờ trở lại. Tôi sẽ thử xem sao. Paddy và vợ anh ta là Jane, cùng với Cherie và tôi thường xuyên ăn tối với nhau trước kỳ bầu cử. Chúng tôi rất quý mến và tin tưởng nhau. Paddy là người thực sự có phẩm chất lãnh đạo; và giống như tôi, anh ta không hề chùn bước trước vài trò lãnh đạo đảng của mình.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Đảng sau này, trước sự cảnh báo của Alastair và Bruce, tôi đã bày tỏ sự thán phục và ngưỡng mộ ngoại lệ của mình đối với Lloyd George, Keynes, Beveridge cũng như Attlee, Bevin và Keir Hardie. Tôi tin, một phần bằng trực giác, một phần đuợc củng cố bởi Roy Jenkins – rằng thế kỷ XX là thế kỷ của Đảng Bảo thủ bởi những cá nhân xuất chúng và tài năng đã cùng nhau làm việc thay vì tham gia các đảng khác nhau, chia rẽ và đấu đá nhau.

Theo tôi, việc làm cho hai cánh dân chủ xã hội tiến bộ này hòa hợp với nhau mang một ý nghĩa lịch sử. Điều này cũng xuất phát từ phương thức tiếp cận chính trị tổng hợp của tôi. Tôi đã mất một khoảng thời gian dài trước khi đi đến kết luận rằng hệ thống đảng phái này, mặc dù là cần thiết, nhưng xét ở một mức độ nào đó thì không hợp lý và phản tác dụng. Điều đó có nghĩa là sự khác biệt giữa hai cánh này sẽ bị thổi phồng lên hoặc là được hư cấu ra; nó ngăn cản những cá nhân nhạy bén hợp tác cùng nhau để đạt được những kết quả đúng đắn; những vấn đề phức tạp đòi hỏi những giải pháp thận trọng; nhằm làm giảm những cuộc chiến ngôn từ.

Khi nghe một số thành viên của Đảng Bảo thủ phát biểu trong các cuộc tranh luận tại Hạ viện những năm 1980, tôi cho rằng nếu mình là một quan sát viên khách quan, thì những gì họ nói hẳn sẽ mang lại nhiều ý nghĩa. Một khoảng thời gian lâu sau đó, tôi có trò chuyện và trao đổi quan điểm với một số thành viên Đảng Bảo thủ. Không có gì có thể biến tôi thành một thành viên Đảng Bảo thủ hay làm giảm bầu nhiệt huyết tôi dành cho chính đảng; tuy nhiên hành động đó đã cho thấy sự dại dột, thậm chí là sự vô ích của việc phản đối lợi ích của phe đối lập.

Trên hết, tôi nhận ra rằng cuộc chiến vì quyền lực chính trị giữa Chính phủ và doanh nghiệp, Nhà nước và thị trường về bản chất là tàn tích của thế kỷ XX. Một Chính phủ có vai trò phù hợp hiển nhiên cần phải thực hiện những gì mà chỉ Chính phủ mới có thể thực hiện được, cũng như một khu vực tư nhân giàu tính cạnh tranh và giàu sức sống nhằm mục đích tạo ra của cải cho đất nước. Cùng nhau, mỗi đơn vị trong phạm vi của mình, đều quyết định sự phồn vinh của đất nước. Vì thế, tôi cho rằng trong khi các giá trị và mục đích có thể khác nhau và tách biệt hoàn toàn – và từ đó sản sinh ra những tư tưởng và đường lối chính trị thực tế – thì câu hỏi đặt ra là con đường nào dẫn tới các mục đích đó, câu hỏi này là vấn đề hoàn toàn mang tính thực tiễn: cái gì kiểm soát được thì cái đó mới đáng tin. Tại thời điểm đó, xét về khía cạnh các giá trị và mục đích cần đạt được, thì thật khó để các đảng viên Đảng Dân chủ Tự do quan tâm thấy được điểm khác biệt cơ bản nằm ở đâu. Vì thế chỉ còn quyết định cố gắng kết nạp họ.

Trong những giờ phút vui sướng tột cùng sau bầu cử, tôi đã nói với Paddy (lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do) và chúng tôi đã nhất trí với nhau rằng hãy còn quá sớm để đưa họ những đảng viên Đảng Dân chủ Tự do vào Nội các (mặc dù mỗi người chúng tôi đều tin tưởng vào đảng của mình, nhưng cả hai chúng tôi đều lo lắng về những phản ứng quá sớm mang tính cá nhân của các đảng viên khác sau bầu cử) và không giống như năm 2010 tôi đã giành một chiến thắng áp đảo. Nhưng chúng tôi đồng ý sẽ tiến hành quá trình hợp tác thông qua một hội đồng chính thức để cố gắng xây dựng một chương trình được thỏa thuận chung giữa hai đảng về cải cách Hiến pháp.

Paddy miễn cưỡng đồng ý vần đề này, ít nhất là cho đến khi Hội đồng Hiến pháp đã cân nhắc kỹ về những nội dung Hiến pháp cần sửa đổi. Tôi sợ rằng điều này có nghĩa là việc sửa Hiến pháp sẽ không diễn ra.

Nỗi lo sợ của tôi thể hiện rõ khi diễn ra sự kiện Đảng Dân chủ Tự do chấm dứt phản đối chính sách cải cách dịch vụ công của chúng tôi dựa trên những ý tưởng cơ bản thuộc nền tảng tư tưởng Công Đảng cũ – tuy nhiên, họ cố gắng trang hoàng cho hành động đó – rằng trong thời gian này chúng ta có thể thỏa thuận về nội và dung dễ dàng nhận được đồng thuận cho chính sách – hoặc nếu không dễ dàng thì nội dung đó cũng không động chạm đến cuộc sống hiện tại của cử tri – họ sẽ tránh phải thực hiện những thay đổi dễ gây tổn thương nhưng cần thiết liên quan đến trường học, bệnh viện, lương hưu và phúc lợi xã hội – những vấn đề có quan hệ mật thiết đến đời sống của cử tri. Mặt khác, về phía tôi thì câu hỏi là: Đây có phải là thái độ hợp tác thực sự? Cuối cùng, tôi sợ rằng không phải vậy, không phải do thiếu quyết tâm cao độ hay thiếu tin tưởng về phía Paddy – ông ta hoàn toàn trung thực về chuyện này – tôi nghĩ rằng vì họ thiếu những chính sách cần thiết làm nền tảng cho việc cầm quyền. Trong phân tích sau cùng thì Đảng Dân chủ Tự do dường như hài lòng hơn khi sắm vai nhà phê bình “trung thực”, chuyên châm chọc, moi móc và kích động nhưng lại không muốn chịu trách nhiệm về những lựa chọn khó khăn và chịu đựng sự dữ dội của thực tiễn chính trị. Sẽ rất thú vị để suy xét xem liệu có liên minh nào hình thành sau khi cuộc bầu cử năm 2010 diễn ra. Điều này rất có thể xảy ra vì Đảng Dân chủ Tự do khát khao có sự cải cách trong bầu cử. Nhưng nếu điều đó không xảy ra thì tôi nghi ngờ về sự tồn tại lâu dài của liên minh. Tuy nhiên có thể là tôi sai.

Quay trở lại năm 1997, khi sự liên minh hoàn toàn là hành động tự nguyện giữa các chính đảng, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để các chính đảng chỉ trích, phê phán nhau, từ đó việc đảng nào ra đi, đảng nào ở lại trở nên dễ hơn, cách thức tranh cử này thật hấp dẫn. Vấn đề ở chỗ họ lại ngồi trong các chương trình kiểu như hội thảo hay sự kiện được truyền hình rộng rãi và người dân đồng tình với họ bởi họ thảo luận những gì mà người dân muốn nghe – điều chẳng bao giờ thực sự làm thay đổi được gì cả. Tôi e rằng có thể điều này sẽ đưa họ đến chủ nghĩa cơ hội – thứ chủ nghĩa vô cùng hấp dẫn.

Tôi nhớ rất rõ khi còn là Bộ trưởng Nội vụ Đối lập (Shadow Home Secretary) năm 1993 và Ken Clarke giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ. Tôi rất có cảm tình với Ken, ông ta là một chính trị gia có chính kiến và thẳng thắn. Các thành viên Đảng Bảo thủ thật thiển cận khi không bầu ông ta làm lãnh đạo cho dù tôi rất biết ơn họ về điều đó. Ông ta đã đưa ra rất nhiều đề xuất cải cách hệ thống cảnh sát. Một trong số đó được đánh giá là rất sáng suốt (như thay đổi những yêu cầu về nhận trợ cấp) nhưng có nhiều cải cách không mấy khả thi (như những quy tắc về phương thức làm việc của cảnh sát). Hầu hết các cải cách là hợp lý nhưng giới cảnh sát ghét cay ghét đắng chúng. Liên đoàn Cảnh sát – một tổ chức được tập luyện chỉn chu nhất mà tôi từng biết – đã tổ chức đại hội phản đối các cải cách đó tại sân Wembley Arena trong đó có hai điểm đáng chú ý: Thứ nhất là nguyên tắc tập thể của cảnh sát. Ủy ban Liên đoàn Cảnh sát ngồi trên khán đài, phía trước là các cảnh sát. Có đến 10 nghìn cảnh sát ở đó, tạo ra một cảnh tượng nghiêm trang đến đáng sợ. Toàn bộ đội ngũ cảnh sát chỉnh tề phía dưới răm rắp tuân theo mệnh lệnh từ Ủy ban Liên đoàn. Khi ban lãnh đạo vỗ tay, thì đám đông cảnh sát cũng vỗ tay; khi họ ngồi im, không một cảnh sát nào dám có động thái gì. Đó thật là một cảnh tượng nghiêm trang đến nghẹt thở.

Điều đánh chú ý thứ hai là bài phát biểu của Người phát ngôn Đảng Dân chủ Tự do, Robert Maclenna và sau này là Phát ngôn viên luật pháp của cảnh sát. Bài phát biểu đã phơi bày những vấn đề của Đảng Dân chủ Tự do. Hiện tại, vị trí chính thức của Đảng Dân chủ Tự do rất yếu thế. Về cơ bản, họ đề xuất các quyền tự do dân sự trong đó những hình phạt tồi tệ nhất chỉ là một lời khiển trách và cho rằng điều quan trọng nhất là phải cứng rắn với những hành động mạnh tay thái quá của cảnh sát – tất cả thật quá xa vời như khoảng cách hàng triệu kilômét từ trái tim đến khối óc của một cảnh sát Anh.

Tôi đứng dậy và phát biểu. Thật sự mà nói, tôi cũng hơi ngần ngại, bởi tôi nghĩ một số điểm cải cách rất nhạy cảm, nhưng tôi đã nắm bắt và kiểm soát được tình huống để tránh sự tức giận nhằm vào những gì mà người ta cho là có sự bất công và tôi đã được cổ vũ kịp thời.

Sau đó là đến lượt Robert. Giờ hãy nói vài lời về ông ta. John Smith thường gọi các bài phát biểu của Robert ở Hạ viện là “vũ khí” để giải tán đám đông chỉ bao gồm một người. Việc mô tả Bob như một người phát ngôn kém cỏi đã không cho người ta thấy hết bản chất của sự “sống lâu lên lão làng”. Nếu bạn dưới quyền ông ta ở Hạ viện với tư cách là người phát ngôn tiếp theo và phải tuân theo ông ta, thì bạn có thể lỡ mất cơ hội của mình chỉ vì ông ta đã làm cho bạn rối trí. Hơn nữa, ông ta cũng là người thông minh và lịch sự nhưng điều đó cũng không khiến mọi người yêu mến ông ta nhiều hơn.

Vì vậy, thật ngạc nhiên khi tôi nhìn thấy Bob đứng lên phát biểu trước 10 nghìn cảnh sát, những người mà tôi đoán là không thể tưởng tượng được sự tẻ nhạt khi phải nghe ông ta nói. Tôi chỉ có thể mô tả bài phát biểu của ông ta cứng nhắc như một chiếc máy biết nói mà lần đầu tôi “được” nghe. Ông ta biết những gì họ muốn nghe. Ông ta đã đọc các tài liệu mô tả về những điều ngang trái chưa từng có của những đề xuất cải cách. Ông ta hướng ánh mắt vào 10 nghìn gương mặt đang mong đợi ở phía dưới và ông chỉ trích Chính phủ không những đã thờ ơ, mà còn tỏ thái độ thực sự xúc phạm ngành cảnh sát. Đến lúc ông ta tả xong bức tranh về một đất nước với những cảnh sát tội nghiệp bị hạn chế, bị đè nén trong khi những kẻ tội phạm thì tự do hoành hành và tất cả những điều đó như là một phần của một âm mưu thận trọng và độc ác của Bộ Nội vụ, thì Ủy ban Liên đoàn, 10 nghìn cảnh sát và thậm chí cả những nhân viên lo âm thanh, ánh sáng cho buổi nói chuyện cũng đứng lên giận dữ, la mắng om sòm và đòi hỏi nhiều hơn từ Bob – người bạn tốt nhất của lực lượng cảnh sát.

Tuy nhiên, những gì diễn ra đã mô tả tất cả các vấn đề của Đảng Dân chủ Tự do. Khi mọi sự đã được thu xếp thì họ hài lòng với vai trò của nhà phê bình hơn là vai trò của diễn viên. Thời gian trôi đi và tôi dần bị thuyết phục rằng chúng tôi cần có những giải pháp cơ bản cho vấn đề dịch vụ công và phúc lợi xã hội, đấy là chưa tính tới các vấn đề về an ninh và trật tự, những vấn đề này bao giờ cũng vậy, luôn có sức hấp dẫn tự nhiên với phe đối lập. Giấc mơ đạt được giải pháp cho các vấn đề này để từ đó hợp nhất cánh dân chủ xã hội giờ đã bị phai nhạt. Paddy là nhà lãnh đạo thực sự cam kết với ý tưởng hợp nhất các lực lượng tiến bộ. Charles Kennedy, một anh chàng rất tao nhã, nhưng lại không có cùng cam kết đó. Vấn đề Iraq là đỉnh điểm của sự bất đồng và đã trở thành một điểm tựa lớn của Đảng Dân chủ Tự do trong các chiến dịch vận động và tuyên truyền, kéo theo đó là mối quan hệ của chúng tôi dần trở nên khó khăn hơn. Đó là điều đáng tiếc nhưng khó tránh khỏi. Trước hết, tôi nghĩ rằng một vị trí hợp lý đi kèm với tranh luận phù hợp sẽ mang lại chiến thắng. Thời gian trôi đi và bạn biết rằng điều đó không phải lúc nào cũng vậy; thay đổi mang đến sự phản đối và sự phản đối thì dễ tán thành hơn sự thay đổi rất nhiều.

Đã từng diễn ra chuyện tương tự liên quan đến những thay đổi trước đây về trợ cấp nhà ở mà chúng tôi đề xuất vào mùa hè năm 1997. Những thay đổi đó đã hoàn toàn được chứng minh là để ngăn chặn việc lạm dụng hệ thống trợ cấp. Nhưng thật bất ngờ, đó là lần đầu tiên chúng tôi phải làm việc căng thẳng để đưa ra một quyết định khó khăn đến thế trong vai trò một Chính phủ. Đa số thành viên Nghị viện lập tức phản đối đề xuất này (với sự tham gia của Đảng Dân chủ Tự do). Vấn đề không đáng ngại nhưng cũng có những giây phút không hề dễ dàng. Sau đó, khi chúng tôi đưa ra yêu cầu tiếp tục cắt giảm trong dự luật phúc lợi bằng việc cải cách phương thức trợ cấp cho người mất khả năng lao động, thì lại diễn ra một cảnh tượng tương tự. Chúng tôi muốn cắt giảm dự luật phúc lợi một cách triệt để vì chi phí đã tăng quá cao, thậm chí đến hàng tỷ bảng. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục xử lý những vấn đề nảy sinh do suy thoái tài chính công đầu những năm 1990. Chúng tôi đã đưa ra cam kết – một cam kết hết sức khó khăn mà Gordon phải kiên cường và công tâm thực hiện – giữ nguyên tổng mức chi tiêu của Chính phủ trước đây trong hai năm đầu của Chính phủ của tôi. Nhưng với mong muốn có thêm tiền đầu tư cho y tế và giáo dục nên chúng tôi đã tìm mọi cách để cắt giảm chi phí phúc lợi. Xét theo bất kỳ cách nào thì điều đó luôn bất lợi đối với những người sống nhờ vào các khoản trợ cấp đó; và khi nào họ có thể làm việc, thì vì lợi ích của bản thân, họ phải tìm kiếm một công việc để bù đắp vào khoản phúc lợi đã bị cắt giảm.

Cũng như vấn đề trợ cấp nhà ở, trợ cấp cho những người mất khả năng lao động cũng đã bị lạm dụng một cách hệ thống. Trong những năm 1980, khi tình trạng thất nghiệp dài hạn tăng lên, Chính phủ đã phải lẳng lặng chấp nhận cho phép một số lượng người lao động lớn, nhất là những người làm việc trong ngành khai thác mỏ trước đây, được đăng ký là người không còn khả năng lao động. Vì vậy, họ được xem là những trường hợp bị mất khả năng lao động chứ không phải là người thất nghiệp, vì thế mà lượng người thất nghiệp giảm xuống. Tất cả chúng tôi đều biết người dân trong các khu vực bầu cử của mình được hưởng trợ cấp “mất khả năng lao động” thay vì trợ cấp thất nghiệp như thế.

Trước những đề xuất cải cách, nhiều người đã tập trung biểu tình phản đối ở xung quanh Phủ Thủ tướng Phố Downing. Họ đưa những người ngồi xe lăn tham gia biểu tình như thể tất cả những người sống nhờ vào tiền trợ cấp mất khả năng lao động thì đều phải gắn mình với chiếc xe lăn hay tất cả những người trên xe lăn đều không có khả năng lao động vậy, cả hai quan niệm này theo tôi là khá mơ hồ. Nhưng họ đã làm vậy để khơi gợi sự cảm thông và lòng trắc ẩn.

Sau đó vào cuối tháng Bảy, khi kỳ nghỉ hè đến gần, David Blunkett công bố bản giới thiệu các khoản học phí thử nghiệm và từ đó bắt đầu chặng đường dài, chậm chạp tiến hành công cuộc cải cách hệ thống giáo dục đại học. Một lần nữa, những lời chỉ trích, cáo buộc về sự vi phạm và sự phản bội lại diễn ra.

Tất nhiên, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát nhưng điều đó cũng là một dấu hiệu về những khó khăn chồng chất sắp xuất hiện.

Chúng tôi là một Chính phủ được lòng dân, còn tôi vẫn duy trì được sự tín nhiệm ở mức cao nhưng cho dù như vậy thì những chỉ dấu báo hiệu bão tố và khó khăn chồng chất bắt đầu xuất hiện.

Tôi học hỏi từ những công việc của chính bản thân trong vai trò Thủ tướng, vai trò của người ra quyết định, vai trò của người chịu trách nhiệm và do tôi thỉnh thoảng quay lại để kiểm nghiệm cả cuộc hành trình nên tôi có thể biết được nó dẫn đến đâu. Tôi có thể nhìn thấy đích đến từ khi tôi mới bắt đầu. Tôi có thể đoán định trước tốc độ và nhịp điệu của những bước đi. Sự khác biệt giữa khởi đầu và kết thúc – loại trừ những cuộc khủng hoảng lớn như chiến tranh – không đơn giản nằm trong bản chất của chính các sự kiện đó. Nói cách khác, một sự kiện – ví dụ một vụ bê bối – có thể xảy ra vào giai đoạn đầu và vì mọi người vẫn còn háo hức với Chính phủ mới nên vụ bê bối đó dễ dàng rơi vào quên lãng. Nếu xảy ra ở giai đoạn sau thì vụ bê bối có thể là điểm kết thúc của Chính phủ. Hậu quả của sự kiện ít phụ thuộc vào bản chất của nó mà phụ thuộc nhiều hơn vào vị trí của sự kiện trên chu trình vận hành của Chính phủ. Quả là nghịch lý khi cường độ của sự chỉ trích, sự gia tăng của các cuộc công kích không tỷ lệ thuận với quyết định của bộ máy lãnh đạo mà tỷ lệ thuận với sự mai một dần theo thời gian của cái mới mẻ, sức hấp dẫn và vì vậy cả sức thuyết phục của Chính phủ.

Trước hết, trong những tháng đầu tiên và có lẽ là trong phần lớn nhiệm kỳ đầu, tôi đã tích lũy cho bản thân một số vốn chính trị cần thiết. Tôi đang mạo hiểm với số vốn ấy nhưng chỉ trong một giới hạn nghiêm ngặt và tìm cách bù đắp càng nhanh càng tốt. Quan điểm của nước Anh về vấn đề Kosovo là quyết định quan trọng đầu tiên mà tôi đã sử dụng vốn chính trị của mình một cách tự do và thoải mái. Nhưng với những vấn đề trong nước, tôi cố gắng cải cách từng bước, phù hợp với quan điểm của công chúng thay vì chống lại các quan điểm đó.

Nếu mọi việc suôn sẻ trong một thời gian thì tôi cũng chẳng có hứng thú làm rối tung lên. Chúng tôi đang tạo ra các thay đổi. Một trong số đó là sự chuyển giao một phần quyền lực từ chính quyền trung ương xuống cho các chính quyền địa phương và đó là sự thay đổi mang tính lịch sử. Nhưng kết quả vẫn còn thấp. Một số trong những kết quả đó thậm chí đã trở thành chuẩn mực thông thường, chẳng hạn như mức lương tối thiểu.

Về cải cách dịch vụ công, chúng tôi đã chuẩn bị tất cả các lập luận thích hợp và mọi nỗ lực cần thiết. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề lại là phương pháp định hướng thay đổi từ quan điểm chính trị ôn hòa. Nguồn gốc của sự thay đổi này quyết liệt hơn nhiều và được thể hiện rõ trong các tháng đầu tiên. Nhưng các phương thức của chính sách lại quá hời hợt. Không nghi ngờ gì, niềm tin vào quyền lực của Chính phủ trong nhân dân có sự thay đổi rõ rệt; và có lẽ chúng tôi cũng có sự phân tích đánh giá không đúng mức tính nghiêm trọng của vấn đề, vì thế dẫn đến yêu cầu cải cách mang tính nền tảng và liên quan đến mọi thành phần trong xã hội.

Bản năng của chúng ta nhìn chung là đúng. Kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết sâu sắc luôn hình thành cùng với thời gian – vì vậy những phẩm chất này luôn thiếu hụt so với mong muốn. Chúng tôi có niềm tin chính trị, thậm chí hơi khuếch đại. Niềm tin này được sinh ra từ sự phục vụ đất nước của chúng tôi, chứ không phải sự xuất hiện đúng lúc của chúng tôi làm thay đổi niềm tin này.

Nhịp điệu đó cũng đang nhảy múa trong công việc của tôi và đây là lần đầu tiên tôi ý thức được điều đó. Tất nhiên, từ khoảnh khắc trở thành lãnh đạo của Công Đảng thì tôi đã biết rằng mình sẽ không bao giờ kết thúc như cách đã bắt đầu. Tôi hoàn toàn hiểu rằng sự nghiệp chính trị là một quá trình đầy cam go thử thách, công chúng có thể ngay lập tức thay đổi thái độ, rạn nứt có thể xảy ra nhanh chóng, thậm chí trong một tòa thành được gia cố chắc chắn bằng các tiến bộ chính trị; và tòa thành của chúng tôi đã hình thành nên bằng sự cẩn trọng cao nhất. Nhưng ngắm nhìn nó là một chuyện, sống trong đó lại là chuyện khác. Và việc cảm nhận nó trực tiếp bằng các giác quan của mình vừa khiến tôi bối rối vừa giúp tôi trưởng thành hơn.

Chẳng ai có thể tin lời của một chính trị gia khi họ nói điều này, nhưng thực tế, tôi chưa bao giờ có tham vọng trở thành Thủ tướng hay bị buộc phải trở thành Thủ tướng. Đó là một niềm vinh dự. Tôi không có ý nói là mình thiếu tham vọng – thậm chí, tôi còn quá nhiều tham vọng – nhưng tôi thiếu can đảm. Tôi biết đó là một hành trình đầy khó khăn, tàn khốc và có thể sẽ phải kết thúc trong nước mắt.

Chẳng ai từng có thể tin vào lời lẽ này của một chính trị gia khi họ nói điều này, nhưng thực tế, tôi chưa bao giờ có tham vọng ngồi vào vị trí trở thành Thủ tướng hay bị buộc phải trở thành một Thủ tướng. Đó là sự thật chân thành danh dự. Tôi không có ý nói là mình thiếu tham vọng – thậm chí, tôi có quá nhiều tham vọng là đằng khác – nhưng tôi thiếu can đảm. Tôi biết đó là một hành trình đầy khó khăn, tàn khốc và có thể sẽ phải kết thúc trong đau khổ nước mắt.

Kỳ nghỉ lễ năm 1997, trong một ngôi nhà cổ xinh đẹp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX tại Ariège – một vùng quê yên ả với phong cảnh rất xinh đẹp ở miền Nam nước Pháp – tôi đã tự vấn, đã suy ngẫm về tương lai của mình. Tôi nghĩ về việc sẽ được giải thoát với danh tiếng và một tâm hồn thanh thản sau hai nhiệm kỳ trên chính trường, sau đó trao lại quyền lực cho Gordon và tự cho phép mình được tự do, thoát khỏi những nỗi lo âu, trách nhiệm, cuộc sống trên “lưỡi dao” sắc lẹm, nơi mà bất kỳ một sự bất cẩn nào cũng có thể khiến mình bị cắt vụn. Tôi hân hoan nghĩ đến thời khắc ra đi tốt đẹp đến nhường nào, lúc đó tôi vẫn còn trẻ, chỉ mới ngoài 50, vẫn được công chúng mến mộ, vẫn còn là một khuôn mặt thân thiện tại một quốc gia thân thiện. Tất nhiên tôi phải cố gắng hết sức và thể hiện hết khả năng lãnh đạo của mình. Tôi không bao giờ né tránh các quyết định khó khăn. Nhưng cầu Chúa đó không phải là những quyết định có thể khiến tôi mất hết hay kết thúc trong thất bại và nhục nhã.

Song tôi vẫn có thể cảm nhận được nhịp điệu đó, cảm nhận được tiếng trống liên hồi và âm thanh rộn ràng, cảm nhận được tác động của nó lên đất nước, ở đâu đây, xung quanh tôi.

Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện những quyết định đụng chạm đến nhiều lợi ích khác nhau trong xã hội và có thể gây tổn thương đến hình ảnh của Công Đảng. Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả những thay đổi có vẻ đồng thuận nhất hay dễ chịu nhất cũng có thể dẫn đến phản ứng dữ dội nằm ngoài mọi sự tưởng tượng. Thậm chí, cả việc giới thiệu các bài kiểm tra trình độ đọc viết và tính toán của David Blunkett – cần thiết để nâng cao tỷ lệ học sinh tiểu học đạt yêu cầu mà hiện nay mới chỉ đạt trên 50% trong tổng số học sinh tốt nghiệp tiểu học vào năm 11 tuổi – cũng làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt. Tôi không hề bất ngờ về chuyện này. Nhưng điều đó cũng thể hiện tình trạng đáng báo động của các nghị sỹ không phải thành viên Chính phủ, đó là họ chưa hề chuẩn bị chu đáo cho các công việc của Chính phủ. Thích thú tận hưởng sự thong dong thoải mái ở vị trí người đối lập, nơi mọi người có thể nhâm nhi thưởng thức chút rượu của Đảng Dân chủ Tự do và chỉ cần gật đầu đồng tình. Thế nhưng, giờ đây họ phải làm quen với việc trở về khu vực bầu cử của mình và chịu sự mắng mỏ của cử tri; điều đó chẳng có gì quá đáng nhưng cũng là một cú sốc. Trong một phiên họp thường lệ của Công Đảng, khi toàn bộ nghị sỹ Công Đảng được mời đến đại sảnh của Hạ viện để nghe các nhà lãnh đạo phát biểu, tôi đã đùa rằng khi chúng tôi ở phe Đối lập, cuộc sống thật dễ thở: các nghị sĩ chỉ việc về nhà và đổ hết trách nhiệm lên đầu Chính phủ. Điều khiến tôi lo lắng là hiện nay một số người trong họ vẫn còn tư tưởng đó. Thật ngạc nhiên về cách một số người người phản đối Chính phủ đến mức nó đã trở thành nguyên tắc hành động của họ; trong khi một số khác lại trung thành như một kẻ nịnh bợ và thường thì sự ủng hộ khó khăn hơn sự phản đối, trừ phi người đó đang muốn được thăng tiến.

Tôi học được rằng những nguyên tắc hành động mà tôi cho là tối quan trọng khi ở phe Đối lập lại chẳng có mấy tác dụng trong Chính phủ; ở Chính phủ tôi phải luôn luôn có sự tương tác với giới chính trị. Ngược lại, việc này lại khó thực hiện hơn rất nhiều vì lịch biểu đột xuất của các công việc và các cuộc họp quan trọng.

Vì thế, tôi lại học thêm một bài học khác. Bạn phải gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài, cả những người bạn cần hoặc muốn gặp và những người không muốn. Có những buổi lễ và các nghi thức ngoại giao phần lớn không tránh được. Có các cuộc họp thượng đỉnh, họp khối NATO, Liên minh châu Âu, G8. Những cuộc họp thượng đỉnh vô cùng mệt mỏi, căng thẳng và hiếm khi đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí cả những cuộc họp liên quan đến vấn đề trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc.

Tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, nhưng chuyến đi Hồng Kông, trong khoảng một ngày rưỡi thực sự khiến tôi mệt mỏi. Chuyến đi cũng là trải nghiệm thực tế đầu tiên của tôi với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Đó là một cơ hội đặc biệt. Tôi khá thân thuộc với Hồng Kông. Thỉnh thoảng tôi có ghé thăm hòn đảo xinh đẹp này vì chị dâu tôi, Katy là người Trung Quốc sinh ra tại Hồng Kông và hiện đang sinh sống tại đó. Chị rất quan tâm đến vấn đề trao trả thuộc địa này. Rõ ràng chị là người thân thiện với nước Anh, theo Công giáo, đã sinh sống ở nước Anh nhiều năm trước khi đến Hồng Kông, nhưng khi được hỏi rằng chị có buồn khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc không, thì chị đáp ngay: “Không, tôi là người Trung Quốc nên việc trở thành một phần của Trung Quốc là điều hết sức tự nhiên” Đôi khi người Anh không nhận ra sự thật rằng cho dù chúng ta thường được người bản địa ở nhiều nơi trên thế giới chào đón như là “những thực dân tốt” thì họ cũng không mong muốn chúng ta tiếp tục là “thực dân” nữa. Cuối cùng, cho dù chúng ta có thực sự tốt thì họ vẫn thích được tự mình làm và tự mình chịu trách nhiệm với những sai lầm của chính mình.

Nhưng tại buổi lễ trao trả đó, tôi có cảm giác không phải hối tiếc mà là nuối tiếc cho một Đế chế không còn nữa. Ngay đêm hôm đó, tôi sang Trung Quốc đại lục. Tôi qua cảng trên một chiếc thuyền máy trong mưa xối xả để gặp các nhà lãnh đạo của họ. Ánh sáng rực rỡ tại bến thuyền và khách sạn, nơi cuộc gặp diễn ra, được thắp sáng bằng đèn lồng Trung Quốc, những chiếc đèn đung đưa nhẹ nhàng trong gió và ướt sũng nước mưa. Khi đi lên lầu hai, tôi có cảm giác rằng mình cần phải trông trẻ như người tuổi 30 (công việc đã khiến tôi già đi nhanh chóng như bạn thấy đấy) để chào đón Chủ tịch Giang Trạch Dân và các quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc. Ông Giang đã hoàn toàn đặt tôi ra ngoài lề bằng cách dành phần lớn thời gian trò chuyện chuyên sâu về Shakespeare mà tôi chẳng đọng được mấy trong đầu và nói đùa thoải mái như thể đó là chuyện tự nhiên nhất trên đời. Sau đó, ông ta giải thích cho tôi rằng đây sẽ là khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc và từ nay, chúng tôi có thể gác lại chuyện quá khứ. Vào thời điểm đó, tôi chỉ lờ mờ hiểu về những gì xảy ra trong quá khứ. Tôi nghĩ, tất cả chỉ là vấn đề lịch thiệp như trong bất kỳ trường hợp nào. Nhưng thực sự ông ấy và tất cả các quan chức của ông muốn đề cập đến điều đó. Và mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã thực sự có những bước tiến triển đáng kể từ ngày đó.

Công bằng mà nói, các vụ bế bối cá nhân là không thể tránh khỏi, chúng diễn ra như là một phần trong hoạt động của Chính phủ. Tôi nói không thể tránh khỏi bởi vì bất kỳ Chính phủ nào cũng gặp phải các vụ bê bối. Chúng tôi đã phạm một sai lầm rất lớn khi nhận định rằng mình sẽ làm tốt hơn các thành viên Đảng Bảo thủ; không chỉ trong việc cầm quyền mà cả về đạo đức: Liêm khiết hơn, chính trực hơn. Cần phải ghi nhận là tôi không bao giờ khẳng định rằng chúng tôi sẽ trong sạch hơn cả trong sạch, thay vào đó tôi nói rằng chúng tôi được hy vọng sẽ trong sạch hơn cả trong sạch và tôi nói vậy là để tránh những nguy hiểm có thể đến. Tôi lấy làm tiếc về tất cả những gì xoay quanh các “trò bẩn”. Đó là trò chơi của giới truyền thông đại chúng và khi còn ở phe Đối lập, chúng tôi đã từng chơi trò đó. Bạn dễ dàng đạt được mục tiêu mong muốn, nhưng hậu quả lâu dài mà chúng để lại thật khôn lường. Tôi ý thức được rằng chúng tôi đang chơi với sự hỗ trợ của Faust, nhưng ở vị trí hợp lệ của anh ta, thì việc ghi bàn quá dễ dàng. Và để công bằng, tôi không thể nhận thấy chúng tôi đang làm một vài điều mà Đảng Bảo thủ đã làm.

Ngày 1 tháng Tám, ngay trước kỳ nghỉ của tôi, Alastair cho tôi biết tờ Tin tức Thế giới (News of the World) đăng một câu chuyện về Robin Cook và Gaynor, trợ lý lâu năm của ông ta. Từ trước tới nay chuyện các chính khách có “bóng hồng”, hoặc các chuyện tương tự liên quan là việc thường tình. Do báo chí đã bị phản đối gay gắt nên trong một thời gian dài, họ đã không giật tít về những chuyện đó. Thế nhưng, trớ trêu thay, ngày nay trong khi vấn đề tình dục được thảo luận nhiều hơn và mọi người nói chuyện cởi mở hơn về tình dục và thậm chí có người còn công khai chuyện ngoại tình của mình, thì các chính trị gia lại bị buộc phải tuân thủ các chuẩn mực truyền thống trong một bối cảnh mà mọi sự vi phạm đều dễ được công chúng quan tâm và nhắc đến nhiều hơn. Các cựu lãnh đạo như Kennedy, Lloyd George và nhiều người khác đã có một cuộc sống mà bây giờ chúng ta không thể nghĩ tới, mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều tư tưởng tân tiến và thoải mái về vấn đề tình dục hơn. Trong khi tôi muốn nhìn nhận những vấn đề này bằng cái nhìn công bằng, theo quan điểm của số đông (và “đào bới” bất kỳ vụ bê bối tình ái nào của các thành viên Đảng Bảo thủ trước khi chúng tôi nắm Chính phủ), tôi cũng biết rằng phần còn lại của thế giới sẽ nhìn nhận nó theo một quan điểm khác.

Khi câu chuyện về Robin bị vỡ lở, lúc đầu, tôi cũng không quan tâm, nhưng Alastair cho rằng đó có thể là một vấn đề và chúng ta phải viết vài dòng về chuyện này – nhưng đây mới là vấn đề. Robin kết hôn với Margaret, nhưng lại đang cặp kè với Gaynor. Trước đây thì chuyện này có thể cứ lặng lẽ trôi qua, nhưng ngày nay, nó làm dấy lên câu hỏi liệu ông ta sẽ chọn ai? Trong văn phòng làm việc của tôi vào buổi sáng thứ Sáu vào ngày tôi lên kế hoạch đi nghỉ, Alastair, Robin Butler và tôi đã phải quyết định xem nên làm gì.

Alastair gọi điện cho Robin Cook ở sân bay lúc anh ta đang trên đường đi nghỉ với Margaret. Một cuộc nói chuyện khá bất tiện nhưng cuối cùng tôi đã nói với Robin rằng: Anh sẽ phải quyết định. Nếu không, chúng tôi sẽ thông báo cho báo chí và một vụ bê bối ầm ĩ sẽ xảy ra và tôi cho rằng anh không thể công khai duy trì cả hai mối quan hệ đó được.

Có thể tôi đã sai và có thể anh ta nghĩ rằng tôi đang can thiệp vào chuyện riêng của mình, nhưng tôi không tìm được câu trả lời thích đáng cho câu hỏi: Bây giờ thì chúng tôi đã biết về vụ bê bối tính ái này, liệu nó còn tiếp tục hay sẽ dừng lại?

Hạn cuối để có câu trả lời là ngày Chủ nhật, nếu không vấn đề có thể bị đăng tải trên tờ Tin tức Thế giới. Tất cả chuyện này đang xảy ra đối với cuộc sống riêng tư của một người tội nghiệp “nào đó” và chúng tôi phải ngồi lại với nhau, cố gắng đưa ra lời tư vấn tốt nhất vì lợi ích không phải của Robin mà của cả một Chính phủ. “Bộ trưởng Ngoại giao ruồng rẫy vợ con để theo người đàn bà khác” nghe có vẻ khá “nóng” nhưng rồi nó cũng sớm lắng xuống. “Bộ trưởng Ngoại giao trong cuộc chiến tình ái – ai sẽ giành chiến thắng?” và vụ việc có thể kéo dài trong nhiều tuần.

Mặc dù có vẻ kỳ cục, nhưng chúng tôi phải nói chuyện rõ ràng với Robin. “Anh phải nói với Margaret và phải chọn lựa. Và tôi e rằng anh phải làm như thế trước khi báo ra lò ngày Chủ nhật tức là vào trưa mai.”

Tôi biết sau đó Margaret đã rất đau khổ và cho rằng Alastair và tôi đã thúc ép Robin bỏ cô ấy, nhưng sự thật không phải vậy. Robin yêu Gaynor và cô đã dành trọn tình cảm cho anh ta. Robin Cook đã thực hiện một lựa chọn. Anh ta công bố chuyện đó vào ngày hôm sau. Vì cách Alastair xử lý vấn đề nên nó đã được xem xét một cách hợp lý và mọi chuyện êm đẹp đến bất ngờ.

Với vai trò Thủ tướng, tôi được báo cáo nhiều điều bí mật và thông qua các viên chức của Nghị viện, tôi cũng bị phơi bày nhiều bí mật khác. Đây có thể là những chuyện gây sốc hoặc không: các chính trị gia thực sự cũng giống như những người khác. Một số kết hôn vì tình yêu, một số vì quyền lợi, một số người ngoại tình, một số thẳng thắn và công khai về chuyện đó, một số là người đồng tính.

Dù sao thì công chúng vẫn không quá khắt khe với những vụ việc nhỏ liên quan đến tình dục. Vấn đề không đơn thuần là sự thỏa mãn bản năng mà là sự rắc rối phức tạp kèm theo đó. Mọi sự rắc rối thường phát sinh khi giới truyền thông “đánh hơi” được điều đó, rồi săn lùng hay bịa đặt, lợi dụng sự chú ý của công chúng để tạo các vụ bê bối: chuyện đó là một sai sót về an ninh; thông tin về Chính phủ được dàn xếp; ông ta bịa đặt chuyện đó; ông ta đã sử dụng các nguồn lực của Chính phủ để theo đuổi chuyện đó. Rồi ông ta biến vấn đề trở nên rất rắc rối dưới hình thức một vụ bê bối về tình dục đơn thuần – nếu chuyện chỉ có vậy thì dân chúng cũng dễ dàng bỏ qua.

Bê bối về tài chính lại là một vấn đề khác. Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm và có sức hút hơn chuyện tình ái. Trước khi kết thúc năm thứ nhất tại Chính phủ, chúng tôi cũng trải qua vấn đề đó và nhờ nó tôi đã học được một bài học. Trước bầu cử, Bernie Ecclestone, ông chủ của các cuộc đua Công thức 1, đã tài trợ 1 triệu bảng cho Công Đảng. Trước đây, ông ta đã tài trợ tiền cho Đảng Bảo thủ vào thời điểm mà luật công khai việc ủng hộ tài chính cho các chính đảng chưa được thực thi. Ông ấy đã đến gặp chúng tôi vì các vấn đề liên quan đến Giải đua Công thức 1. Châu Âu sẽ cấm các quảng cáo về thuốc lá ở môn thể thao này và vì Giải Công thức 1 phụ thuộc phần lớn vào chúng nên Bernie muốn có thời gian để dần thực hiện lệnh cấm đó.

Công bằng mà nói, ông ấy không hề đề cập đến việc tài trợ cho chúng tôi hay đề xuất sửa đổi luật mà có cách cư xử rất đúng mực. Trước khi gặp nhau chúng tôi đã nhận được tiền tài trợ của ông và tất nhiên rất có thể chúng tôi còn nhận được thêm tiền tài trợ nữa. Ông đã cho tôi xem một số dữ liệu về ngành công nghiệp này và tôi thực sự ấn tượng với một con số lớn như vậy, đó là số lượng người liên quan đến các công việc của Giải đua Công thức 1: 10 nghìn nhân viên. Và tôi đã ra quyết định sẽ thực hiện dần chính sách cấm quảng cáo thuốc lá tại Giải đua Công thức 1.

Tuy nhiên, trên quan điểm của tôi thì đó thực sự là một quyết định sai lầm khi không ngay lập tức yêu cầu hệ thống cơ quan Dân Chính hoạt động đúng phận sự để đảm bảo sự chuẩn mực khi đưa ra các quyết định không chỉ được tuân thủ mà còn phải giám sát sự tuân thủ đó nữa. Chúng tôi đã không làm vậy và thú thực trong chuyện này chúng tôi đã quá mệt mỏi. (Dù ông Bernie không thực sự là người ngay thẳng, bởi ông ta chưa bao giờ có mối quan hệ chân thật với Công Đảng).

Khi đó, tôi đã học được rằng trong Chính phủ, các nguyên tắc về bất cứ vấn đề gì liên quan tới tiền bạc cũng được xử lý rất khác nhau. Dù vậy, bạn có thể sẽ nói rằng, vấn đề cốt yếu – và luôn tăng mức độ quan trọng theo thời gian – là các chính đảng rất cần tiền. Giới hạn mức tiền quyên góp từ các nhà tài trợ bình thường hay các nhà tài trợ lớn khi được kêu gọi tài trợ, là rất cần thiết. Thậm chí trong năm 1997, Đảng Bảo thủ có lượng tiền nhiều hơn chúng tôi. Trước đó, năm 1992, họ vượt chúng tôi với tỷ lệ 5/1, khi 90% số tiền của chúng tôi đến từ các công đoàn, những nhà tài trợ mà theo kinh nghiệm của tôi là cứ khăng khăng đòi gắn chuyện tiền bạc với chính sách. Tôi đã quyết định không để mình phải lệ thuộc vào những nguồn cung tài chính đó nữa, nhưng khi đã ở trong Chính phủ, thì không ai tin một khoản tài trợ lớn lại đơn thuần chỉ là tài trợ mà không có mục đích kèm theo.

Tất nhiên, suy xét vấn đề kỹ hơn thì động cơ của các nhà tài trợ rất đa dạng, hoặc là sự kết hợp giữa nhiều động cơ khác nhau. Người ta tài trợ vì những lý do rất khác nhau hay vì nhiều lý do một lúc, mà trong đó – tôi không sai đâu – mong muốn giúp đỡ các chính đảng có lẽ là nhiều nhất; nhưng việc tài trợ cho các chính đảng, chí ít là ở Anh, không được xem là nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động chính trị mà nhìn bề ngoài là để mua sức ảnh hưởng. Vì thế, chuyện này thực sự rất khó khăn. Ai tài trợ, tài trợ bao nhiêu là một chỉ dấu báo hiệu về chuyện gì sắp diễn ra.

Chuyện tài trợ cũng dạy tôi một bài học mà thậm chí cả sau khi đã hiểu rõ, tôi vẫn thấy khó áp dụng vào thực tế. Một đặc thù của các vụ bê bối là chúng có thể xuất hiện một cách bất ngờ và không thể lường trước. Sau đó, chúng thu hút giới truyền thông đến để thêu dệt và tung tin. Trong khi đó, bạn cố tìm cho ra sự thật, tìm kiếm các manh mối và suy nghĩ xem mình có thể dựa vào căn cứ pháp luật nào không. Nghề nghiệp, cuộc sống của người dân phụ thuộc vào những quyết định chớp nhoáng trong điều kiện thông tin không đầy đủ. Khi sóng gió nổi lên, cảm giác và khả năng ra quyết định của bạn bị lung lay, chao đảo giữa những ngọn sóng của một số “phát giác” mới, cho tới khi bạn sợ rằng mình sẽ không bao giờ được bơi trên mặt nước phẳng lặng hay được sống trên mặt đất bình yên một lần nữa.

Tôi đã đi đến nhận định rằng các vụ bê bối là cơn ác mộng đích thực trong chính trị. Công luận có thể kết luận rằng các chính khách thời nay thiếu “quần chúng” hơn xưa. Đúng là chuyện tầm phào. Sự khác biệt là ở chỗ ngày nay sự kiểm soát phiếu bầu tốt hơn; sự minh bạch được mong đợi mang một bản chất hoàn toàn mới; sự tham gia tranh luận gần như cuồng loạn của công chúng vào các vấn đề chung thì lớn hơn gấp nhiều lần; và tốc độ lan truyền của các vấn đề này thì giống như tốc độ của máy bay phản lực so với tốc độ của máy cày. Nhân dân thì vẫn vậy, vẫn như đang sống trên một hành tinh của 20 năm về trước.

Vậy là những tháng đầu tiên trong Chính phủ đã khép lại. Có nhiều điều để tự hào; nhiều thay đổi lớn đã được thực thi, không chỉ là thay đổi về chính sách mà còn là thay đổi về văn hóa. Chúng tôi mang theo trên cuộc hành trình của mình một chương trình lập pháp đầy tham vọng với những thay đổi có tính bước ngoặt về Hiến pháp, đề xuất mức lương tối thiểu, tạo ra sự độc lập cho Ngân hàng Trung ương Anh – một sự thay đổi bước ngoặt trong cách thức quản lý Nhà nước.

Mặc dù mới trong thời gian đầu nhiệm kỳ Thủ tướng, nhưng tôi cũng cảm nhận được những đám mây mờ của tương lai đang dần kéo đến. Chúng tôi đã đánh mất sự “sạch sẽ” do các vụ bê bối. Đã có những chỉ dấu đầu tiên về các cuộc tranh giành quyền lực trong tương lai. Tuy nhiên, nhìn chung như thế cũng đã là một khởi đầu tốt đẹp. Một Chính phủ mới và chưa hề được thử thách, song chúng tôi đã không gặp trục trặc gì đáng kể trong việc điều hành đất nước. Chúng tôi hài lòng với bản thân và người dân cũng vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx