sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7: "Chúng Tôi Lãnh Đạo Bằng Văn"

"Anh tranh cử bằng thơ, nhưng anh cai trị bằng văn”, đó là câu nói quen thuộc của cựu Thống đốc bang New York, Mario Cuomo. Mùa hè năm 1998, chỉ sau một năm tại vị, tôi đã bị cảm giác bất an đeo đuổi bám riết.

Tôi lên nắm quyền với niềm tin rằng kẻ thù lớn nhất của Đảng Lao động là chính nó chứ không phải bất kỳ một chính đảng nào khác. Nhìn lại lịch sử 100 năm tồn tại, tôi thấy Đảng Lao động mang bản chất của một chính đảng đối lập ở Anh. Tuy có những giai đoạn Đảng nắm giữ quyền điều hành Chính phủ nhưng tâm thế chung của các đảng viên không phải là tâm thế của những người quyết định chính sách mà là của những người phản biện chính sách.

Tuy nhiên, chúng tôi đã trải qua một hành trình thay đổi kỳ diệu. Đảng chấp nhận những điều mà trước đó một thế kỷ, không ai có thể tưởng tượng rằng sẽ có ngày được chấp nhận. Tôi đã luôn tâm niệm rằng nếu ta lãnh đạo bằng cách dẫn đường, can đảm và luôn kiên định một hướng đi – thì mọi người sẽ tin theo sự lãnh đạo của ta. Và họ thực sự đã tin theo như thế. Đó không chỉ là thành quả của 18 năm lãnh đạo của Đảng Đối lập mà là thành quả của một đội ngũ những người hiểu và tin vào một Đảng Lao động mới – với cả bản năng, xúc cảm và trí tuệ của mình. Chỉ có điều họ phải chịu lép vế về số lượng, hoài nghi về tầm ảnh hưởng của chính mình và ở một khía cạnh nào đó, cũng như tôi, họ đều đang mò mẫm tìm hướng đi cho bản thân.

Các đảng viên Đảng Lao động, đặc biệt là những thế hệ đi trước (không phải tất cả, nhưng có thể nói là phần lớn) ủng hộ việc cách tân đảng. Họ muốn một Đảng Lao động đổi mới hơn thời kỳ những năm 1940 và “mới” như ở khoảng những năm 1960. Roy Hattersley là một đại diện tiêu biểu của nhóm này: Kiên quyết chống phe Xã hội Chủ nghĩa, ủng hộ sự tồn tại của khu vực tư nhân bên cạnh khu vực công và hiểu rằng Đảng Lao động buộc phải có những động thái khôn ngoan hơn trong lĩnh vực quốc phòng. Nói cách khác, đối với ông ta và với nhiều người khác, Đảng Lao động không thể giữ quan điểm cực đoan như trước và phải trở về vị trí phù hợp của nó. Đây là lối tư duy vượt xa những suy nghĩ ngớ ngẩn vô nghĩa lý của cuộc khủng hoảng trong Đảng thời kỳ những năm 1980, nhưng để theo kịp với những biến động mà thế giới đã trải qua thì vẫn còn cả một con đường dài phía trước. Rời bỏ quan điểm cực đoan là cần thiết, nhưng chỉ thế thôi thì vẫn chưa đủ.

Phần lớn những người thuộc thế hệ cũ ấy – thuộc cả cánh tả và cánh hữu – đều chấp nhận thực tế rằng Đảng Lao động mới mang chúng tôi ra khỏi bóng đêm của chính đảng đối lập, nhưng lại không tin tưởng vào Đảng. Họ cho rằng Đảng Lao động mới thiếu niềm tin và đồng tình với ý kiến truyền thông của phái Tory bảo thủ thời bấy giờ, cho rằng Đảng Lao động mới về bản chất chỉ là một sản phẩm marketing, một sáng tạo của nghệ thuật quan hệ công chúng, một thứ máu lạnh chỉ có đầu mà không có trái tim. Họ tin rằng đảng viên Đảng Lao động mới đã khám phá ra một công thức thành công tuy thông minh nhưng không chân thành.

Để “lách” Đảng, tôi đã gây dựng một liên minh giữa bản thân mình và công chúng. Trong thời kỳ 1994–1997 và cả thời kỳ đầu tại nhiệm, liên minh của tôi được củng cố rất vững chắc, không thể suy chuyển. Trong Đảng không xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Bất cứ biểu hiện bất tuân nào cũng sẽ gợi lại ký ức của những năm tháng của Đảng Đối lập. Mà hiện tại, chúng tôi đang ở thế thượng phong, chẳng cớ gì phải quay lại những năm tháng ấy. Đó là lý lẽ đơn giản, mộc mạc và hoàn hảo trong việc thu phục cử tri mà tôi dùng để duy trì trật tự trong đảng. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi có thể vươn dài cành lá lên cao mãi bởi tôi có cả một thân cây dư luận khỏe mạnh nâng đỡ phía sau.

Nhưng điều đó cũng khá rủi ro. Tôi hiểu rằng, thời gian qua đi, cành lá vươn dài ra và cũng yếu dần, thân cây dễ bị lay chuyển hơn và sức bám trụ của nó cũng giảm.

Một trong những cội nguồn của cảm giác bất an trong tôi xuất phát từ chính đảng đối lập, công chúng sẽ không ngần ngại ủng hộ người đứng đầu chính đảng đó đưa ra những quyết định táo bạo bởi những quyết định ấy chỉ can dự tới đảng của ông ta mà thôi và công chúng chỉ đóng vai trò khán giả của vở diễn. Nhưng với Chính phủ, quyết định của người đứng đầu đảng cầm quyền có can dự tới tất cả mọi người. Công chúng giờ đây là người trong cuộc. Cuộc sống của họ làm nên một phần của vở diễn.

Tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử đảng của mình và đi đến kết luận rằng, để chiến thắng, đảng cần vượt lên cái bóng của chính mình và người lãnh đạo phải đứng ở tầm cao hơn vị thế của một người lãnh đạo đảng thuần túy. Nhưng đồng thời, tôi cũng phải đánh giá đúng mức những nguy cơ và khó khăn mà các đảng cấp tiến phải đối mặt – khi liên minh đáng lẽ phải được tạo lập giữa nhà lãnh đạo và người dân lại trở thành liên minh giữa đảng và những người chống lại nhà lãnh đạo đó.

Bạn có thể thắc mắc vì sao điều đó lại là một nguy cơ. Chắc chắn đảng chỉ cần tống cổ kẻ lãnh đạo đó và tìm một nhà lãnh đạo khác được lòng công chúng hơn và thẳng tiến tới những thắng lợi bầu cử. Nguy cơ có thể là cả đảng và người dân đều cùng một phe chống lại người lãnh đạo, nhưng hai bên lại có những lý do rất khác biệt. Với những đảng cấp tiến, người dân có thể vỡ mộng vì đủ các lý do – với trường hợp của Đảng Lao động, đó là những cải tiến chậm chạp về dịch vụ công, giá nhiên liệu, thuế, tình trạng tội phạm và nhập cư, thường là các vấn đề trung tả. Nhưng chính bản thân đảng cấp tiến còn dễ bị vỡ mộng hơn bởi họ cho rằng bộ máy lãnh đạo không đủ sáng suốt theo nghĩa cực tả truyền thống: Tiêu dùng và áp thuế quá ít, hy sinh những vị trí và những học thuyết được yêu mến, quá ủng hộ tầng lớp trung lưu và ít quan tâm đến người nghèo. Tuy nhiên, Đảng tự huyễn hoặc rằng sự bất mãn của người dân bào chữa cho sự bất mãn của chính họ. Và điều đó mang đến cho các cuộc bầu cử những thảm họa thay vì thắng lợi.

Tôi nhớ lại những năm đầu thập kỷ 1980, sau nhiều thất bại trong các cuộc chạy đua để trở thành ứng viên cho vị trí đại biểu Quốc hội, tôi có cảm giác đang tranh luận gay gắt với một viên chất vấn về lý do Đảng Lao động chịu thất bại trong cuộc bầu cử năm 1979. Lý lẽ căn bản của hắn là đảng chúng tôi đã nghiêng về phía hữu, phản bội giai cấp của mình, quên mất cội rễ cánh tả, v.v... Tôi cố gắng trong tuyệt vọng để kiềm chế bản thân vì tôi biết từ phía đảng mà nói, cãi lại lý lẽ này là một việc làm điên rồ. Nhưng tôi cũng biết rằng đứng về phía công luận mà nói, sẽ là điên rồ nếu đồng ý với lý lẽ này. Tôi lúng búng câu gì đó để hòa giải một cách yếu ớt và hèn nhát. Rồi một người nữa lên tiếng, lại một người khác nữa và cuối cùng tôi không thể kiềm chế bản thân hơn. Tôi như phát hỏa: “Nếu công luận nghĩ rằng Đảng Lao động không đủ chất cánh tả thì tại cái quái gì mà họ lại bầu cho Đảng Bảo thủ? Họ có đần độn không? Có thật là họ nghĩ rằng Đảng Lao động dưới quyền Margaret Thatcher chắc chắn sẽ đậm chất cánh tả hơn Đảng Lao động dưới quyền Jim Callaghan? Ý ông là công luận đần đến mức ấy?” Mà rõ ràng là họ có nói như vậy.

Khi chúng tôi hoàn tất bản Tổng kết Chi tiêu Toàn diện khoảng giữa năm 1998 (đây là văn bản giúp kết thúc sức ép nặng nề về các khoản chi tiêu công mà chúng tôi tự đề ra trong suốt ba năm đầu kể từ năm 1997), tôi cảm thấy rất lo lắng vì dường như có điều gì đó không thuận trong cách điều hành Chính phủ của chúng tôi. Những bài phát biểu hùng hồn và các phân tích thông minh đều không có vấn đề gì – cần tập trung vào đầu tư và cải cách; cắt giảm trợ cấp Chính phủ; khen thưởng các điển hình tiến bộ, loại trừ thói hư tật xấu trong giáo dục; giảm hiện tượng chờ đợi trong Dịch vụ Y tế Quốc gia. Nhưng thực tế khoảng cách giữa chất lượng của những bài hùng biện và chất lượng của chính những cuộc cải cách là cả một quãng đường dài.

Chúng tôi vẫn có 1,3 triệu bệnh nhân nội trú trong danh sách chờ và phần lớn trong số họ đã phải chờ đợi khoảng hơn 6 tháng mới đến lượt. Tuy vậy, quá trình chờ đợi này vốn không bắt đầu từ các bệnh nhân mà từ các cuộc hẹn với bác sỹ. Vào thời điểm đó, không có bất cứ chuẩn mực tối thiểu nào cho việc gặp được bác sỹ. Sau cuộc gặp với bác sỹ, quá trình chờ đợi bắt đầu với việc lọt được vào danh sách bệnh nhân ngoại trú. Quá trình này có thể kéo dài nhiều tháng. Chỉ sau khi vào được danh sách bệnh nhân ngoại trú thì các bệnh nhân mới có cơ may được lọt vào danh sách nội trú. Sáu tháng chờ đợi thường không phải đơn thuần là sáu tháng. Đó có thể là mười hai, mười tám hoặc thậm chí nhiều hơn thế.

Dịch vụ Y tế Quốc gia vô cùng hấp dẫn, thậm chí còn đánh giá cao với khả năng ứng phó linh hoạt với các trường hợp cấp cứu và các bệnh mãn tính, nhưng về khía cạnh dịch vụ, nó không được như thế, tốt thì rất tốt, nhưng kém thì cũng không đâu bằng. Nó không được Nhà nước tài trợ hoàn toàn và đầy đủ, nhưng tài chính không phải nguyên do duy nhất. Vì thế, việc rót thêm tiền không phải là giải pháp triệt để.

Ở những lĩnh vực khác, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Chúng tôi cố gắng cắt giảm số trẻ mẫu giáo trên một lớp. Đó là điều chúng tôi đã hứa. Đó là điều chúng tôi đang thực hiện. Tiền đang được đổ vào để xây dựng trường học. Nhưng thực tế chúng tôi vẫn có 40% trẻ 11 tuổi tốt nghiệp tiểu học mà không thể đọc hay viết đúng. Chiến lược phổ cập giáo dục của David Blunkett bước đầu phát huy kết quả và tạo ra sự khác biệt. Nhưng cả hai chúng tôi đều biết thách thức thực sự là vấn đề liên quan đến bậc trung học. Chỉ có 30 trường cấp II ở London có trên 70% học sinh đạt 5 điểm GCSE. Trong thâm tâm, tôi biết mình sẽ không gửi các con đến bất cứ trường nào trong hầu hết các trường cấp hai nội thành. Kỷ luật mỗi nơi một kiểu, nhiều lúc còn quá tệ hại. Chẳng có gì ngạc nhiên khi phụ huynh thường mất niềm tin vào giáo viên. Hiếm có đội thể thao nào được tổ chức quy củ trong khu vực nội thành.

Về mặt phúc lợi, chúng tôi cắt giảm số người được nhận trợ cấp. Với nền kinh tế khá ổn định và sau sự kiện Ngân hàng Trung ương Anh tách riêng độc lập, thì sự ổn định vĩ mô lâu dài hoàn toàn trong tầm tay. Một cách tự nhiên, số người thất nghiệp giảm xuống. Chúng tôi coi đó là dấu hiệu cho thấy chính sách phúc lợi thắt chặt của mình đang phát huy tác dụng. Nhưng, một lần nữa, tôi cảm thấy những lời tuyên bố là lạc quan quá mức so với các biện pháp thực tế.

Còn một câu hỏi khác vẫn luôn đeo đuổi suy nghĩ của tôi những ngày mùa hè năm 1998 – thời kỳ tương đối huy hoàng đối với tôi, cũng là câu hỏi mà tôi trăn trở mãi với nỗi lo lắng bứt rứt ngày càng tăng. Đó là câu hỏi về chất lượng của phân tích xã hội. Tôi có thể thấy rằng xã hội đang gãy nứt thành những mảnh vụn định nghĩa lý thuyết trung tả truyền thống. Tầng lớp trung lưu vẫn tồn tại. Nó đang lớn mạnh dần lên. Tầng lớp này bao gồm những luật sư, chủ ngân hàng, các nhà quản lý bậc trung, công nhân tay nghề cao, kỹ thuật viên, nhà phân tích máy tính mới, những con người sáng tạo thuộc tầng trung của ngành công nghiệp.

Nhưng thuật ngữ “tầng lớp lao động” có vẻ không được sử dụng thỏa đáng, nó đúng nhưng không đủ sức bao quát. Thuật ngữ nói về những người làm công ăn lương tối thiểu, những công nhân hợp đồng, thậm chí những y tá lương thấp, những người lao động bình thường. Nhưng nó cũng còn được dùng để miêu tả những người ở đáy của tầng lớp họ − những người “phi lao động”. Thật ra, đây là cụm từ chúng tôi dùng để gọi Chính phủ − những người “ở bên lề xã hội”.

Tôi vừa kịp nhận ra rằng chúng ta không thể và cũng không nên trộn hai nhóm người này với nhau. Phải nói rằng thuật ngữ “tầng lớp hạ lưu” của cánh hữu là một thuật ngữ không gợi hình ấn tượng nhưng chính xác. Những con người ở dưới đáy xã hội này, không phải đang có một công việc sai lệch. Họ có một cuộc đời sai lệch. Con cái họ, nếu đến trường cũng chỉ gây rối. Cha mẹ chúng thường hoặc là chia tay nhau, mắng nhiếc, đánh đập chúng, hay không đủ khả năng để nuôi nấng chúng.

Người ta có thể cảm nhận hậu quả của những điều đó trong các hành vi phạm tội hoặc chống đối xã hội. Như tôi đã nói ở trên, tôi bước vào chính trường cùng thời điểm với với kẻ sát nhân James Bulger năm 1993. Đó cũng là lúc tôi rút ra kết luận dễ dàng nhưng đầy đau xót rằng xã hội của chúng tôi đang trở nên vỡ nát. Nhưng đương nhiên, đó không phải là điều xảy ra với cả xã hội mà chỉ là một phần của xã hội mà thôi. Tôi chỉ rút ra được kết luận đúng vào cuối nhiệm kỳ Thủ tướng của mình: Tầng lớp người này không cần những chính sách xã hội chung chung tập trung vào họ, họ cần những hành động cụ thể và mang tính phân tầng đối tượng. Vào mùa hè năm 1998, tôi có thể thấy những triệu chứng của sự sụp đổ ấy một cách rõ ràng: Ở các trường học, trên các con phố, trong các số liệu thống kê ngành luật hay các quy định.

Chưa hết. Chúng tôi lên nắm quyền với một quan điểm tương đối truyền thống nhưng khá tự mãn về vấn đề người nhập cư và tị nạn. Jack Straw, Bộ trưởng Nội vụ, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chính địa hạt Balckburn mà ông đại diện, nơi đạo Hồi chiếm đa số và cũng là nơi những vấn đề trên hiện hữu khá sinh động và trực tiếp. Mặt khác, Jack là người khôn ngoan và không khoan nhượng đối với những kẻ phạm luật. Chúng tôi đã không được chuẩn bị trước khi những yêu cầu xin tị nạn bùng nổ trong các năm 1998 và 1999. Trong vòng ba năm nắm quyền đầu tiên của chúng tôi, số lượng yêu cầu tăng gấp ba, thậm chí gấp bốn lần. Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi đã có một khung pháp lý khá chặt chẽ, nhưng chúng tôi đã đưa ra một vài tín hiệu xoa dịu và chính điều này cùng với nền kinh tế tăng trưởng tốt và ngôn ngữ tiếng Anh đã khơi nguồn cho dòng lũ những người xin tị nạn. Thêm vào đó, dòng người di cư trên toàn thế giới đang tăng lên. Chúng tôi không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với vấn nạn này, nhưng gần như nằm trong số ít những nước phải đối mặt với con số thống kê mặc dù chưa đầy đủ nhưng cũng đủ để khiến chúng tôi nhanh chóng được gọi là thủ đô tị nạn của châu Âu. Từ mức con số 30 nghìn lời yêu cầu tị nạn có thể kiểm soát được mỗi năm, giờ con số đó lên tới 100 nghìn yêu cầu. Hơn nữa, sự dồn ứ các yêu cầu này thật đáng sợ và càng ngày càng trở nên đáng sợ hơn. Hệ thống của chúng tôi thực sự không có khả năng xử lý được tất cả các yêu cầu một cách thỏa đáng.

Về bản chất, nước Anh cũng như các nước châu Âu khác đều thừa hưởng một hệ thống và quan điểm về vấn đề tị nạn từ thời hậu chiến, hậu diệt chủng. Những câu chuyện đau thương về những con người trong các trại tị nạn chạy trốn khỏi Hitler và Quốc xã rồi bị từ chối luôn mang lại cảm giác khiếp sợ. Người ta thường nghĩ những người yêu cầu được tị nạn là những người đã bị khủng bố và cần được chấp nhận cho trú nhờ chứ không phải bị đuổi đi. Đó là cảm xúc hoàn toàn có thể hiểu được sau tất cả những điều kinh khủng đã xảy ra.

Tuy nhiên, điều này không còn mang ý nghĩa nguyên vẹn như trước thời điểm cuối thế kỷ XX. Phần lớn các yêu cầu tị nạn đều không thành thực. Nhưng để chứng minh điều đó gần như là không thể. Một tập hợp bao gồm các tòa án (với bản năng pháp lý của họ), Công ước châu Âu về nhân quyền (với thái độ độc tài về việc gửi trả ai đó về cộng đồng không an toàn), Công ước của Liên Hợp Quốc về người tị nạn (với bối cảnh xây dựng gần gũi với bối cảnh nước Đức những năm 1930) có nghĩa là trong thực tế, khi một ai đó đã bước chân được vào nước Anh và yêu cầu tị nạn thì chỉ có quỷ dữ mới dám gửi trả họ về nơi họ ra đi.

Và tất nhiên, nhiều người nghĩ rằng thật sự chỉ có quỹ dữ mới dám làm điều đó. Nỗ lực thắt chặt các điều luật đầu tiên vào năm 1998 dẫn tới một phản ứng giận dữ không thể kiểm soát. Và chúng tôi buộc phải thương lượng để vượt qua giai đoạn tồi tệ đó.

Nhưng thực tế hệ thống quản lý tị nạn của chúng tôi không hoạt động hiệu quả, tê liệt, trôi nổi và cần những hành động cứng rắn hơn. Bộ máy công chức Nhà nước trong khi phải chịu trách nhiệm thi hành công việc này cho đúng đắn thì lại không có những động thái thực thi triệt để cần thiết.

Ở đây, một lần nữa, vẫn tồn tại một khoảng cách giữa nhận thức về vấn đề mà Hệ thống Công chức Nhà nước gặp phải và vấn đề thực tế vốn có. Theo ý hiểu sai lầm của Đảng Lao động, Hệ thống Công chức Nhà nước bao gồm những người ngấm ngầm theo phái Tory, những con rắn ẩn mình trong bụi cỏ Chính phủ, rình rập cơ hội một vị bộ trưởng của Đảng Lao động đưa ra một chính sách bị bóp nghẹt trước cả khi được thi hành. Theo cái điều hoang đường này – và nó thực sự rất hoang đường – họ là những tín đồ của của Đấng Sáng lập và Đấng Sáng lập của họ chính là Đảng Bảo thủ, chính đảng thực sự của Chính phủ, nơi lưu giữ một hình ảnh về nước Anh già cỗi của các thuộc địa, các nhà quý tộc chuyên săn sói. Theo kịch bản này, những quan chức chóp bu lúc nào cũng sẵn sàng hạ bệ những hành động cấp tiến mà Chính phủ của Đảng Lao động muốn thực thi và đẩy người ta về hướng các kịch bản tồi tệ của phe cánh hữu.

Chúa ơi, giá mà như thế. Thực tế không phải là việc sẵn sàng biểu tình, phá hoại hay hành động. Vấn đề với họ, như tôi đã chỉ ra từ phần đầu, là thái độ bàng quan. Họ có xu hướng đầu hàng trước giới có thế lực, trước hiện thực hoặc lờ đi theo cách thức an toàn nhất để quản lý mọi việc – tất cả đều đồng nghĩa với việc không làm bất cứ điều gì.

Hoàn toàn đối lập với ý hiểu sai lầm trên, những người này không hề bị Đấng Sáng lập cánh hữu chi phối. Họ cũng bị chi phối bởi Đấng Sáng lập cánh tả ở mức độ như vậy. Hay, nói chính xác hơn, họ bị chi phối bởi thời gian, cách thức và thứ tự đã lỗi thời – sản phẩm của 100 năm lịch sử vừa qua.

Nhân vật Ngài Humphrey trong seri phim truyền hình Yes, lấy hình mẫu Thủ tướng để châm biếm và đây là một sản phẩm tưởng tượng đã lột tả được những nét điển hình nhất. Ngài Humphrey không thuộc phe cảnh tả hay cảnh hữu, ông ta chỉ tập trung vào công việc quản lý vào việc giữ đúng trật tự vào hoàn cảnh hiện tại, không phải vì chính hoàn cảnh đó mà vì tính chất hiện tại của nó – tính chất hiện tại mà ông ta biết và có thể hiểu được, một tính chất hiện tại mà bất cứ sự suy biến thay đổi nào để bứt khỏi nó cũng là một rủi ro. Mà rủi ro thì lúc nào cũng nên tránh.

Hệ thống công chức Nhà nước đã và đang có những sức mạnh to lớn ở vị trí trung lập. Nó được điều hành một cách thích đáng, là một bộ máy đáng coi trọng. Vào thời điểm diễn ra các cuộc khủng hoảng, nó hoạt động vô cùng hiệu quả. Thành viên trong bộ máy này là những người thông minh, chăm chỉ và tận tâm với công việc hành chính xã hội. Nó, giống như rất nhiều yếu tố khác, chỉ đơn giản là không được cập nhật. Khi phải đối mặt với những thách thức lớn, bộ máy coi đó là việc bình thường. Nó tư duy bằng sự tủn mủn rời rạc khi cả hệ thống đòi hỏi những bước nhảy vọt lớn.

Họ không nghĩ rằng Đảng Lao động mới quá tả – ngược lại, họ nghĩ chúng tôi đôi lúc quá hữu – nhưng căn bản, họ nghĩ chúng tôi báng bổ truyền thống và báng bổ một cách liều lĩnh khi họ là những người nắm giữ những vị trí cao cấp, là người giữ đền với những kiến thức uyên thâm được truyền lại từ xa xưa.

Họ, cùng với nhánh tư pháp, có ý tưởng rằng mối bận tâm của bản thân tôi và của các đảng viên Lao động mới về các hành vi chống đối xã hội, về sự rạn vỡ trong các gia đình, về vấn đề tị nạn v.v... sinh ra từ ham muốn kiểu chủ nghĩa dân túy nhằm vươn tới và duy trì quyền lực của chúng tôi. Họ không biết rằng mối bận tâm ấy thực sự sinh ra từ mong muốn cải thiện đời sống con người trong một thế giới mà ở đó, những cách làm cũ đã không còn phát huy tác dụng.

Vì thế, năm 1998, tôi mở đầu giai đoạn thứ nhất của các công cuộc cải cách hệ thống công chức Nhà nước với ngài Richard Wilson, Thư ký Nội các mới. Công bằng mà nói, ông ấy hoàn toàn tụt lại đằng sau các công cuộc cải cách. Nhưng, đó là lỗi lầm đáng phải phê phán của bản thân tôi, không phải của ông ấy hay của cả hệ thống công chức Nhà nước. Những cuộc cải cách này cũng giống như nhiều cuộc cải cách khác: Đúng, nhưng e ngại tránh né những biện pháp cấp tiến thực sự.

Và đây là điều khiến tôi bất an. Tôi bắt đầu lo lắng rằng việc đối mặt với đảng về vấn đề cần phải thay đổi là việc làm dễ dàng, còn đối mặt với những lợi ích phi chính trị và với dư luận nhân dân mới là điều khó khăn – nhưng cần thiết.

Tôi học hỏi nhanh chóng và những điều tôi học được tuy hay nhưng cũng gây nản chí. Các vấn đề đều sâu sắc và mang tính hệ thống. Trong suốt kỳ nghỉ đông năm 1998, trong lúc phải đối phó với các cuộc khủng hoảng khác nhau, tôi lấy tuyên ngôn 1997 ra để đọc lại những lời hứa liên quan đến các vấn đề về dịch vụ công và tội phạm trong đó. Tôi bật cười với sự khiêm tốn của nó. Thách thức không nằm ở chỗ làm sao để giữ được những lời hứa này mà là giữ được lời hứa rồi thì sao? Gia tăng số người được điều trị trong danh sách 100 nghìn bệnh nhân chờ – không phải là giảm bớt tổng số người trong danh sách mà chỉ là số người được điều trị mà thôi. Số học sinh trong các lớp tiểu học xuống dưới 30 – không phải là số học sinh trong các lớp ở tất cả các cấp học, chỉ là những lớp trẻ 5, 6, 7 tuổi. Giảm một nửa thời gian cần thiết để đưa tội phạm vị thành niên ra trước tòa – không phải mọi tội phạm, chỉ những người trẻ tuổi và giảm bớt từ con số cao kỷ lục trong lịch sử. Đảng Lao động mới, nước Anh mới? Thật nực cười.

Nhưng để có thể đi sâu hơn, để bắt đầu thay đổi các hệ thống là một thứ tự các nhiệm vụ chính trị và thực tế khác biệt nhau. Điều chỉnh một hệ thống thì ít thu hút sự chú ý của mọi người. Thay đổi hệ thống đó và kênh lợi ích thì hệ thống sẽ được duy trì.

Nhìn về quãng thời gian đó, khi đang viết những điều này, tôi cảm nhận được trong các bài phát biểu và các buổi họp một tâm trạng lo lắng, rằng có điều gì đó còn thiếu hụt, một khía cạnh nào đó còn chưa được phát hiện ra, nhưng là một khía cạnh quan trọng, thậm chí là thiết yếu. Giờ đây, đương nhiên tôi biết đó là vấn đề gì. Nhưng tại thời điểm đó, nó giống như tôi đang nhìn qua một đám mây mù vậy.

Sự việc này được phản ánh trong bài phát biểu hội nghị năm 1998. Một vài tuần trước hội nghị, chúng tôi cho phép Nội các Chính phủ đi nghỉ tại Chequers. Chúng tôi lắng nghe một bài thuyết trình như thường lệ từ Philip Gould về vấn đề trưng cầu dân ý và về sự bất lực hoàn toàn của Đảng Bảo thủ. Người ta có thể cảm nhận được những nỗi lo lắng xuyên suốt bài thuyết trình. Tôi nhớ đã kể cho họ nghe về một người đã viết thư cho tôi từ khoảng tháng Năm năm 1998, một bức thư phàn nàn mở đầu rằng: “Tính đến thời điểm hiện tại, Ngài đã lên nắm quyền được vài năm”. Sự sốt ruột đã bắt đầu lộ ra. Vấn đề là ở chỗ chính bản thân tôi cũng sốt ruột như họ.

Khi Philip đang thuyết trình với giọng điệu đều đều về Đảng Bảo thủ, tôi nhìn quanh khán phòng. Chúng tôi đang ở gian phòng tiếp khách lớn trên lầu, một phòng nghỉ rộng rãi với lớp gỗ ốp Hà Lan thế kỷ XVII với một chiếc bàn ăn lớn bằng gỗ gụ tinh xảo, mặc dù căn phòng không bao giờ được sử dụng để làm nơi ăn uống. Phía trên chiếc ghế nơi Thủ tướng đang ngồi là bức tranh vẽ Walpole, giống hệt bức treo ở cùng vị trí trong phòng Nội các tại phố Downing. Walpole là vị Thủ tướng đầu tiên và tại vị lâu nhất (gần 21 năm); ông lên nắm quyền bởi ý muốn bất chợt của Hoàng đế, không được mọi người ủng hộ nhưng lại là người làm việc rất hiệu quả. Nụ cười phảng phất trên chân dung ông luôn gợi cho tôi nhớ tới tới John Smith. Nhân từ, nhưng đôi khi cũng nghiêm nghị và những lúc như thế thật đáng sợ.

Tôi nghĩ về lịch sử của căn phòng. Tôi nghĩ về Chamberlain, người luôn thích tự mình chăm sóc vườn hồng Chequers và đặc biệt, cuốn nhật ký của ông vẫn còn trên giá sách. Chamberlain: Bị lịch sử phê phán. Việc bị so sánh với Chamberlain là một sự xúc phạm tồi tệ nhất trong giới chính trị Anh. Nhưng ông đã làm gì để phải chịu những điều tiếng như vậy? Sống trong một thế giới tràn ngập những hậu quả đau buồn từ cuộc Đại Chiến đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người trong đó có bạn bè và người thân của mình, Chamberlain vô cùng đau khổ; và quyết tâm ngăn chặn một cuộc chiến khác như vậy. Đó không phải là một tham vọng xấu mà trái lại vô cùng cao quý.

Một ngày, khi lang thang lục tìm các giá sách, tôi đã cầm quyển nhật ký của ông lên và bắt đầu đọc phần tường thuật cuộc gặp nổi tiếng của ông với Hitler trước sự kiện Munich, tại ngôi nhà ở Berchtesgaden trên dãy núi Bavarian. Chamberlain miêu tả cách Hitler đã đưa ông lên ngôi nhà gỗ nhỏ trên đỉnh núi sau khi chào đón ông. Ở đó có một căn phòng khá đơn sơ, không có gì ngoài ba chiếc ghế gỗ mộc, hai chiếc để họ ngồi còn một chiếc cho người phiên dịch. Ông tường thuật lại cả việc Hitler lúc thì than phiền về Hiệp ước Versailles và sự bất công của nó, lúc thì quát to, gần như hét lên về những người Czech, người Ba Lan, người Do Thái, những kẻ thù của nước Đức như thế nào. Chamberlain rời khỏi nơi đó và tin rằng mình vừa gặp một kẻ điên, một người thực sự có khả năng làm những điều kinh khủng. Đây là điểm khiến tôi cảm thấy thú vị. Chúng tôi vẫn được dạy rằng Chamberlain là một gã khờ, một kẻ ngốc đã bị Hitler thôi miên. Nhưng thực tế không phải vậy. Ông ấy hoàn toàn nhìn ra những điểm xấu ở con người Hitler.

Tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của ông để suy nghĩ và phân tích mọi vấn đề. Ông biết Hitler là người độc ác, nhưng lại không thể biết sự độc ác đó có thể đi xa tới đâu. Một khi bị kích động, hãy nghĩ tới những thiệt hại mà Hitler có thể gây ra. Vì thế, thay vì kích động hắn, hãy kiềm chế hắn. Nước Đức sẽ tự biết phán xét, thời gian sẽ quyết định tất cả và với sự may mắn, Herr Hitler cũng sẽ như vậy.

Nhìn nhận vấn đề theo cách này, sự kiện Munich không phải là sản phẩm của một nhà lãnh đạo ngớ ngẩn mà là một nhà lãnh đạo tìm kiếm một chiến lược trì hoãn, chạy đua với thời gian hy vọng tình hình sẽ thay đổi. Trên tất cả, nó là sản phẩm của một nhà lãnh đạo với khát vọng tối cao đầy nhiệt huyết nhằm ngăn những đổ máu, đau thương và khốn khổ của chiến tranh.

Rất có thể sau sự kiện Munich, với thái độ tự mãn quá lớn, ông đã để mọi chuyện xảy ra có vẻ chiến lược mà không chiến thuật. Khi Chamberlain quay trở về sau Thỏa thuận Munich – văn bản định mệnh đã khua múa địa vị của ông trong lịch sử – thì đám đông người dân xếp hàng dọc phố Downing để chào đón ông như một vị anh hùng. Đêm đó trên con phố này vào kỷ nguyên rất lâu trước khi có các rào chắn an ninh vì thế mọi người vẫn có thể tự do đi dọc phố, đám đông tụ tập bên ngoài căn nhà Số 10, gọi to tên ông, tung hô ông và chỉ dừng lại vào sáng sớm ngày hôm sau khi ông buộc phải bước ra ngoài, nói chuyện để giải tán đám đông.

Chamberlain là một người nhân từ, hành động dựa trên những động cơ tích cực. Vậy lỗi là do đâu? Lỗi lầm là việc không nhận ra vấn đề cơ bản. Và đây là cái khó của việc lãnh đạo: Trước tiên, lãnh đạo phải có khả năng nhận diện được vấn đề cơ bản. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn – chắc chắn rồi; nhưng nếu chúng ta dành thời gian phân tích tình huống, thì vấn đề sẽ không còn ngớ ngẩn nữa.

Bạn có thể nghĩ rằng nghi vấn ở đây là việc liệu có thể kiềm chế Hitler không? Đó là điều Chamberlain nghĩ. Và sau khi suy nghĩ, ông cho rằng mình có thể làm được điều đó. Và có vẻ đáng lẽ Chamberlain đã đúng. Hitler đã chiếm đóng Áo và Tiệp Khắc. Hắn là “Đấng Tối cao” ở nước Đức. Lý do gì khiến hắn không thỏa mãn? Thật điên rồ nếu cứ cố gắng vượt khỏi ranh giới và châm ngòi cho chiến tranh.

Nhưng đó không phải là vấn đề căn bản. Vấn đề đó là: Liệu chủ nghĩa phát–xít có đại diện cho một thế lực quá lớn và sâu rễ đến mức cần phải bị nhổ rễ và phá hủy không? Nếu như vậy, thì việc đối đầu là không thể tránh khỏi. Nhưng khi nào và bằng cách nào.

Mặt khác, Chamberlain có một cái nhìn thiển cận và không liền mạch – Hitler là một nhà lãnh đạo, Đức là một quốc gia, năm 1938 là một thời điểm chín muồi: Vậy liệu có thể kìm chân hắn được không?

Sự thật là, Hitler là sản phẩm kiêm tác giả của một lý tưởng đã chế ngự nhiều quốc gia và nước Đức chỉ là một trong số đó. Năm 1938, chủ nghĩa phát xít đã phát triển thành một thế lực không hành động thuận theo hành trang lý lẽ của Chamberlain nữa mà theo cảm xúc của lý tưởng. Ông ấy đã nhầm câu hỏi căn bản và vì thế đã đưa ra câu trả lời sai.

Nhưng Chúa ơi, lỗi lầm đó thật dễ mắc phải biết bao. Ngược lại, Churchill đã nhận ra câu hỏi chính xác và đưa ra câu trả lời đúng. Churchill: Bị căm ghét ở nhiều nơi, không được tin tưởng đến mức Nhà Vua cũng không muốn ông có mặt trong Chính phủ Baldwin, bị lên án vì những lỗi lầm tại Dardanelles trong Thế chiến thứ I và trong chính sách bản vị vàng của những năm 1920; gần như không được bổ nhiệm làm Thủ tướng năm 1940 cho đến khi Halifax từ chối vị trí này.

Chamberlain đã ngồi cùng một chiếc bàn tại Chequers khi thỉnh thoảng lên hình ở đây. Ông ấy yêu thích Chequers. Ông sa thải người đầu bếp vì đã không nấu súp đúng kiểu, biến Phòng Dài thành rạp phim, thường ở trên giường đến tận trưa đồng thời quát tháo các thư ký để hướng dẫn họ làm việc, dùng bữa tối lúc 10 giờ với nhiều sâm panh và brandy, hoàn tất công việc trong ngày lúc 2 giờ sáng và rất thích đi nghỉ.

Vì thế, trong chuyến công tác này, tại nơi đây, tôi nhìn chăm chăm vào các đồng nghiệp đang ngồi quanh chiếc bàn thấm đẫm ký ức, nơi lưu giữ thật nhiều các cuộc nói chuyện và các cuộc họp, suy nghĩ không phải về chiếc tranh – hay khoảng thời gian lúc đó – mà về cảm giác bất an của mình khi băn khoăn liệu bản thân có đang xác định đúng vấn đề căn bản không. Tôi biết đảng cần tiếp tục được chèo lái mạnh mẽ tiến lên phía trước, phải có những cột chèo vững vàng. Khi phát biểu, tôi không tập trung vào vấn đề thăm dò cử tri hay Đảng Bảo thủ mà gần như dành sự quan tâm đặc biệt đến yêu cầu cải cách thiết yếu, đặc biệt là việc chúng tôi không thể chỉ vận động tài chính cho vấn đề dịch vụ công.

Việc suy nghĩ rằng có thể vấn đề thực sự không phải là thất bại của đảng trong việc nắm bắt sự đổi mới khiến tôi có cảm giác bất an. Có thể vấn đề là đất nước không thực sự tin vào điều đó. Nếu thay vì phải đối mặt với đảng, tôi đối mặt với công chúng, những đồng minh tin yêu của mình, thân cây vững chãi đã nâng đỡ cành lá của tôi thì sao? Đó không phải là suy nghĩ có thể đùa cợt được.

Con tàu chúng tôi đang vận hành hoạt động rất tốt. Cả đất nước tuy rất nóng lòng nhìn thấy thành quả nhưng về cơ bản vẫn ủng hộ chúng tôi. Về mặt chính trị, phe Bảo thủ lép vé, còn chúng tôi ở thế thượng phong. Thực tế, chúng tôi nên trải qua một quá trình cải cách, nhưng không phải với chiều sâu và tốc độ khiến mọi người bị choáng ngợp, khiến họ mất phương hướng hoặc nghiêng ngả. Chúng tôi vẫn đang trên đường học hỏi. Tháng Ba năm 1998, chúng tôi công bố cuốn Sách Xanh về cải cách phúc lợi, bắt đầu chế độ tín dụng thuế, chương trình Sure Start (Khởi đầu chắc chắn) cho trẻ em, chế độ lương tối thiểu, chiến lược phổ cập giáo dục và các vùng hành động giáo dục trong nội thành. Dịch vụ Y tế Quốc gia Trực tiếp và Đạo luật về các hành vi chống đối xã hội ra đời, đi vào hoạt động và bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Nhưng với mỗi trường hợp, tôi vẫn chưa cảm thấy thỏa đáng. Hiện tại chúng tôi đã có một số cải cách chính sách nhỏ, vượt xa những cam kết rất hạn chế đã được đưa ra trong tuyên bố 1997 nhưng tất cả đều chỉ là những mảnh vụn nhỏ lẻ, không hơn. Những giờ học phổ cập đọc, viết và làm toán là một bước tiến đối với các trường tiểu học, nhưng các trường hỗn hợp tụt lùi, nhất là ở các thành phố thì thế nào? Các trường học hỗn hợp này mới là “gót chân Asin” của hệ thống giáo dục công lập. Hệ thống giáo dục địa phương cũng như các kỹ năng dạy học cũng đang gặp nhiều bất cập. Tín dụng thuế và các biện pháp khác được đưa ra trong cuốn Sách Xanh về cải cách phúc lợi, trong đó có các khoản lương bổng “người đầu tư” mới cao hơn mức lương hưu Nhà nước hiện hành (khoản lương hưu hiện hành này được chủ lao động đề xuất với người lao động ở mức thấp), chương trình chuyển từ phúc lợi sang việc làm mới, “những vùng lao động” mới góp phần trợ giúp cho người thất nghiệp và Cơ quan Dịch vụ Lao động & Phúc lợi Thống nhất. Nhưng con số 1,7 triệu người đang sống dựa vào khoản trợ cấp mất khả năng lao động cũng đang tăng lên thì sao? Chúng tôi nói về việc giảm thiểu số người thất nghiệp nhưng điều đó chỉ che giấu sự gia tăng khổng lồ những người phải sống dựa vào trợ cấp mất khả năng do hậu quả từ thời cầm quyền của Đảng Bảo thủ vẫn để lại cho đến tận bây giờ. Cuốn Sách Xanh mới ra đời chỉ mang lại những thay đổi nhỏ trong lĩnh vực quan trọng này.

Ngoài ra, Dịch vụ Y tế Quốc gia Trực tiếp là một khái niệm của tương lai. Những chiến lược cụ thể để đối phó với căn bệnh ung thư và các căn bệnh mãn tính khác cùng với việc gia tăng số lượng bác sỹ và y tá đang tạo ra sự khác biệt trong các dịch vụ y tế nhưng cũng chỉ là những biện pháp đối phó cục bộ. Danh sách chờ điều trị và thời gian chờ điều trị đang dài ra mỗi ngày và khó khắc phục. Bên cạnh đó là những phương thức làm việc đã lỗi thời và những sự lựa chọn chẳng mấy giá trị dành cho bệnh nhân trong chương trình Dịch vụ Y tế Quốc gia. Tình trạng của dịch vụ này nghiêm trọng đến mức trở thành cơn ác mộng thường niên vào mỗi mùa đông – “áp lực mùa đông” – khiến chúng tôi đều nín thở và hy vọng rằng hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia sẽ không sụp đổ vào mùa đông đầu tiên sau năm 1997. Và hệ thống xét xử tội phạm dường như trơ lỳ trước mọi cuộc cải cách ngoài việc thiết lập thêm những quyền lợi cho người phạm tội hay những thủ tục hành chính gây phiền hà cho cảnh sát và tòa án.

Để thu hẹp khoảng cách giữa cải cách và nguyện vọng, bên cạnh những cuộc cải cách từng phần này, chúng tôi đặt ra một loạt mục tiêu nhằm loại bỏ những khoảng thời gian chờ điều trị lâu nhất, nâng mức phổ cập đọc, viết, toán và điểm kỳ thi tốt nghiệp phổ thông GCSE lên, v.v... Ngoài ra, còn có các cơ quan quốc gia và cơ cấu mới để thúc đẩy việc cải cách, như: Các Khuôn khổ Ủy thác Quốc gia, Viện Quốc gia vì sự Ưu tú Lâm sàng trong Dịch vụ Y tế Quốc gia, Các chiến Lược Phổ cập Đọc, Viết và Toán Quốc gia và thêm trường Đại học Quốc gia đào tạo Nghệ thuật Lãnh đạo với các bằng cấp lãnh đạo bắt buộc cho tầng lớp giáo viên chủ nhiệm mới để chuẩn hóa năng lực đào tạo. Đó là những bước đi khôn ngoan nhằm cải thiện mức độ đáng tin cậy cho những khoản chi tiêu phụ trội cũng như khuyến khích các ban ngành nỗ lực nhiều hơn. Chúng tôi tiếp tục đi xa hơn và – như tôi sẽ miêu tả ở phần sau – công bố một bản “Kế hoạch Dịch vụ Y tế Quốc gia” đầy đủ vào tháng Bảy năm 2000. Điểm đáng chú ý ở bản kế hoạch này là nó ưu tiên một chế độ linh hoạt hơn cho nhân viên, mức độ phân quyền nhiều hơn và giảm thời gian chờ đợi điều trị. Những mục tiêu này có thể đạt được cùng với sự thay đổi to lớn trong các khoản chi tiêu của Dịch vụ Y tế Quốc gia cũng như việc chuyển đổi tài sản của dịch vụ này (việc chuyển đổi có thể xảy ra nhờ bản Tổng kết Chi tiêu Toàn diện thời gian gần đó).

Tuy nhiên, khi “ra roi thúc ngựa” nhanh hơn chỉ để tiến hành những cải cách cục bộ, tôi hiểu rằng cho dù đã được cung cấp thêm nhiều khoản chi tiêu, chúng tôi cũng chỉ có thể chèo lái cuộc cải cách hiệu quả bằng việc cải cách từ Trung Ương, thông qua các mục tiêu và những cuộc cải cách từng phần từ trên xuống. Tôi ngày càng nhìn thấu bản chất các hệ thống tập quyền, các quản lý tuyến trước không trao quyền cho người khác và từ chối không cho phép người sử dụng liên quan tham gia lựa chọn – đó chính là một phần cơ bản của vấn đề. Tôi và một số gương mặt mới (nhưng cấp tiến hơn) trong bộ phận Chính sách của tôi băn khoăn rằng liệu chúng tôi có nên giải tán hệ thống bác sỹ gia đình trong Dịch vụ Y tế Quốc gia và các trường nhận trợ cấp trực tiếp từ Trung Ương? Liệu chúng tôi có nên mang những khái niệm đó áp dụng vào các cấp chính quyền tự quản địa phương để nhân rộng chế độ quản lý phân quyền ra hệ thống y tế và giáo dục toàn quốc (quá trình nhân rộng này không bao gồm việc nhân rộng những bất công được truyền lại từ các cuộc cải cách thiếu tài chính của Đảng Bảo thủ ngày trước)?

Từ những cuộc trò chuyện với các nhà cung ứng tư nhân và tự nguyện có năng lực (những người vô cùng mong muốn được tham gia dịch vụ công nhưng lại bị ngăn cản), tôi càng thấy tức giận với những ràng buộc đang cản trở những nhà cung ứng độc lập tốt tìm được chỗ đứng cho mình trong ngành y tế, giáo dục và các dịch vụ công khác. Đối với tôi, đây là một trường hợp điển hình của việc phương tiện và đích đến bị nhầm lẫn với nhau, sự nhầm lẫn đã đeo đuổi cánh tả trong suốt một thế hệ. Đó cũng là điều mà những đảng viên Lao động mới có sứ mệnh phải vượt qua. Để các dịch vụ công trở nên công bằng và miễn phí, không nhất thiết tất cả những dịch vụ này phải được cung cấp độc quyền trong khu vực Nhà nước dưới sự kiểm soát cứng nhắc của chính quyền Trung Ương và các cấp địa phương – những đơn vị thường chống trả quyết liệt sự đổi mới và tự chủ đích thực.

Tóm lại, câu thần chú của chúng tôi là “đầu tư đi đôi với cải cách”, nhấn mạnh một cách hoa mỹ sự khác biệt đậm nét trong các dịch vụ công giữa Đảng Lao động mới và Đảng Lao động cũ (đầu tư nhưng không cải cách) và giữa Đảng Lao động mới với Đảng Bảo thủ dưới thời Thatcher (cải cách nhưng không đầu tư). Nhưng đâu là mức độ cải cách phù hợp với mức độ đầu tư hiện có?

Trong lĩnh vực phúc lợi, luật pháp và trật tự, tôi cũng lo lắng rằng đảng có một câu thần chú tốt – “quyền lợi đi đôi với trách nhiệm” – nhưng không có một cú hích chính sách toàn diện để thúc đẩy nó. Đó không đơn thuần chỉ là hệ thống phúc lợi. Một nỗi bận tâm lớn khác của tôi đó là vấn đề về các hành vi chống đối xã hội. Chúng tôi thực sự đang làm được điều gì cho các gia đình thu nhập thấp để xóa đi số lượng lớn những tội phạm vị thành niên đã gây khốn khổ triền miên cho bao nhiêu cuộc đời và để phá vỡ vòng thất nghiệp luẩn quẩn cứ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác? Việc tăng cường số lượng và mức độ hiện đại của cảnh sát cùng các hệ thống hỗ trợ cộng đồng có chức năng thực hiện công việc tuần tra tập trung hơn là những giải pháp cục bộ. Lực lượng cảnh sát cũng cần những công cụ tốt và hiệu quả tức thì hơn cho việc trừng phạt, tạo ra sự rung động lớn cho hệ thống xét xử tội phạm. Chúng tôi cần phải chuyển từ khái niệm lý thuyết sang chính sách cụ thể và chúng tôi đang chật vật để thực hiện điều đó.

Tôi bắt đầu suy nghĩ một cách có hệ thống hơn về Đảng Lao động mới và quan hệ của nó với hệ thống phúc lợi mà chúng tôi thừa hưởng; đồng thời quyết tâm bảo vệ và cải cách nó. Hệ thống phúc lợi và các dịch vụ xã hội được tạo ra sau những sự kiện dữ dội và lộn xộn của Thế chiến thứ II, nhưng thực chất có gốc gác từ tư tưởng các ngân sách sớm của Lloyd George, các tư tưởng kinh tế đột phá của Keynes, sự pha trộn giữa tầm nhìn với kỹ năng chi tiết của Beveridge – hoạt động dựa trên các nguồn chu cấp của Nhà nước.

Chủ nghĩa tư bản đã dẫn đường cho cuộc Cách mạng Công nghiệp. Không bị điều tiết, không bị giới hạn, không bị thuần hóa, bánh xe khổng lồ của nó lăn khắp nơi, chắt lấy công việc và lợi nhuận từ những người lao động. Nhưng đồng thời nó cũng mang họ xích gần nhau hơn, cho họ thấy rằng họ đã lao động chăm chỉ và đổ mồ hôi không phải với tư cách những cá nhân mà với tư cách một cỗ máy tập thể và không phải vì lợi ích của riêng họ mà vì lợi ích của chủ tư bản.

Từ cuộc đấu tranh chung ấy nảy sinh ra các nghiệp đoàn, những tổ chức hợp tác, những chiếc máy tinh thần và ý chí tập thể vĩ đại sẵn sàng đương đầu với những cỗ máy kéo lê của chủ nghĩa tư bản. Với một số người, cuộc đối đầu đó nhằm loại bỏ chủ nghĩa tư bản. Với một số người khác là để làm cho xã hội công bằng hơn.

Từ cuộc đấu tranh này nảy sinh ra ý tưởng thay đổi xã hội và để làm được điều đó, cần có tổ chức chính trị và cần có dân chủ. Đám đông là đa số. Họ nên nắm được những luật lệ về đất đai. Những người có nhiều nên chia cho những người có ít. Những người thu lợi nhuận bằng vốn tư bản nên chia cho những người làm nên lợi nhuận bằng sức lao động.

Từ ý tưởng này nảy sinh ra khái niệm Nhà nước, khái niệm không phải được hiểu theo nghĩa chính quyền tối cao mà theo nghĩa sự thể hiện về mặt chính trị, xã hội của ý chí tập thể. Nhà nước không phải như trong cụm từ “những vấn đề đại sự của Nhà nước” mà phải hiểu theo nghĩa nhà từ thiện, người chu cấp cho những ai không thể chu cấp cho chính mình.

Và như thế Nhà nước lớn dần lên, trước tiên trong lĩnh vực lương hưu và bảo hiểm quốc gia, sau đó là lĩnh vực giáo dục và cuối cùng là Dịch vụ Y tế Quốc gia thời hậu chiến. Nhà nước cũng điều tiết: Các luật y tế và an toàn; khai mỏ; luật bảo vệ trẻ em; luật loại bỏ bất công và thừa thãi trong những năm 1960 và 1970. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân. Sức mạnh của nó sẽ điều tiết, giới hạn và thuần hóa sức mạnh của tư bản.

Nhưng lúc đó có hai việc xảy ra, gây những hậu quả sâu sắc cho nền chính trị cấp tiến, không chỉ ở Anh mà ở tất cả những nơi có chung quá trình thay đổi. Trước tiên, khi Nhà nước cải thiện các điều kiện của người dân thì sự chia cắt giữa những người muốn nhân đạo hóa chủ nghĩa tư bản và những người muốn loại bỏ chủ nghĩa tư bản trở nên rõ nét hơn và kéo dài 50 năm hoặc lâu hơn thế. Điều đó khiến Đảng Lao động lâm vào hoàn cảnh khốn đốn, nghĩa là sự chia cắt không chỉ diễn ra ở mặt phương tiện mà còn ở mặt mục đích, tạo ra sự chia cắt ngay trong trung tâm của đảng. Thứ hai, Nhà nước càng lớn mạnh, thì thành công của nó trở thành vấn đề của chính nó. Bỗng nhiên, cùng với những lợi ích của giới tư bản, người ta có thể nhìn thấy rõ những lợi ích của Nhà nước. Bộ máy quan liêu là do người dân điều hành. Người dân có lợi ích. Trong khi thị trường bắt buộc phải có những thay đổi thì không có sự bắt buộc nào đối với khu vực Nhà nước. Chính phủ có thể thay đổi Nhà nước, nhưng Chính phủ phải sử dụng các khu vực Nhà nước, phụ thuộc vào nó và là một phần của nó.

Ngoài ra, như là một phần kết quả Nhà nước đã đạt được khi của cải nhân rộng, những người hưởng lợi từ Nhà nước nhận thấy họ đồng thời cũng là những người tài trợ cho Nhà nước thông qua các khoản thuế.

Vào những năm 1930, trước khi Nhà nước phát triển quyền lực tuyệt đối và khi nhân dân vẫn cứ là “đám đông”, con đường trung lập trong chính trị được định nghĩa khá dễ dàng. Đó là một khu vực Nhà nước, sở hữu tài sản và điều tiết sự công bằng, cũng là một khu vực bị tiết chế một cách phù hợp. Cuốn sách The Middle Way (tạm dịch: Con đường trung lập) của Harold Macmillan viết năm 1936 là một tác phẩm phi thường vào thời điểm đó. Nó phản ánh chính xác nơi mà nền chính trị dân chủ xã hội đáng lẽ đã đạt tới. Nhưng người ta chỉ có thể đạt được một nền chính trị như thế đến tận những năm 1960.

Đó là mấu chốt của vấn đề. Trước những năm 1960, chúng tôi bị ùn tắc trong tình trạng của những năm 1930. Cuốn The Future of Socialism (tạm dịch: Tương lai của chủ nghĩa xã hội) của Anthony Crosland là một bài luận tráng lệ, giúp đưa Đảng Lao động đến hiện thực cuộc sống của những năm 1950, nhưng chúng tôi chỉ có thể thực sự “tiêu hóa” nó vào cuối những năm 1980.

Cho dù những cải cách của Thatcher trong khu vực tư nhân những năm 1980 có mang lại kết quả to lớn đến đâu thì chúng tôi cũng chỉ thừa hưởng một khu vực tư nhân phần lớn chưa được cải cách và một cách bản năng, chúng tôi không có xu hướng cải cách nó. Nhà nước vẫn giữ nguyên tình trạng như từ năm 1945. Thực tế, nếu Clement Attlee sống lại vào năm 1998 và xem xét nước Anh hiện đại thì chắc hẳn ông ấy sẽ phải kinh ngạc bởi nhiều thứ, như hệ thống phúc lợi; và cũng như Whitehall, ông sẽ được chào đón như một người bạn cũ.

Ngoài ra, còn một rắc rối chính trị sâu xa hơn mà tôi hoàn toàn ý thức được liên quan trực tiếp tới vấn đề cải cách và cảm giác bất an của tôi. Như tôi đã nói ở trên, ngày nay dân chúng phần lớn là những người hưởng lợi kiêm nhà tài trợ cho hệ thống phúc lợi và dịch vụ công. Đáng tiếc, điều đó có nghĩa là cùng một lúc, họ muốn nhận được nhiều hơn từ chính họ và trả ít hơn cho chính họ. Và thật không may, họ hoàn toàn có quyền giữ cho mình những ý kiến hiển nhiên trái ngược này.

Điều đó cũng biến họ thành nạn nhân nghiêm trọng của những người làm trong ngành dịch vụ − những người luôn khiến họ tin rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng chỉ gây hại tới họ mà thôi. Tôi như thét lên mỗi khi các bản trưng cầu dân ý được đưa ra để chứng minh ý kiến của giới bác sỹ về Dịch vụ Y tế Quốc gia được tôn trọng và tin tưởng như thế nào và ý kiến của các chính trị gia bị khinh rẻ ra sao (năm 1998, Hiệp hội Y tế Anh đã lần đầu tiên công kích chúng tôi như thế). Tôi thét lên cũng bởi những người làm việc trong ngành dịch vụ phải phục vụ lợi ích của cả bản thân họ và của xã hội. Còn với phần lớn các chính trị gia, họ tiếp tục làm việc chẳng vì lý do nào khác ngoài phục vụ lợi ích cộng đồng.

Đó là tất cả những điều tôi biết. Và thành thực mà nói vào thời điểm đó tôi đã lưỡng lự khi phải tự vấn đến tận cùng tất cả những nghi ngờ của bản thân mình đối với việc thực hiện triệt để những mục tiêu cần nỗ lực đạt tới. Tất cả những điều chúng tôi thực hiện được cho đến thời điểm đó là làm tốt về chính trị và giữ được hình ảnh đẹp trong mắt công chúng.

Đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia, chúng tôi phải bắt đầu tái cấu trúc toàn bộ hệ thống. Quyền lựa chọn giờ được phân xuống tận các cơ sở y tế sơ cấp do các bác sỹ gia đình điều hành. Ngày càng nhiều người trong số họ nắm giữ ngân quỹ và thương thảo với các cơ sở y tế của các bệnh viện lớn. Nhưng thực tế là phần lớn quyền lựa chọn liên quan đến các ca phẫu thuật, các cuộc hẹn tư vấn v.v… để đảm bảo các ca cấp cứu được nhập viện ngay lập tức. Ngoài ra, các bác sỹ gia đình hoàn toàn độc quyền. Việc cạnh tranh thực sự bị cấm, thậm chí ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ vô vọng như thế này.

Đương nhiên, chúng tôi đã gia tăng số tiền đầu tư và tuyển dụng thêm nhân lực v.v... nhưng như thế vẫn không thể sánh được với một tổ chức đồ sộ có lượng nhân công lao động lớn nhất châu Âu.

Chúng tôi hứa sẽ loại bỏ thị trường chia cắt nội bộ của các bác sỹ gia đình bình thường và những người nắm giữ ngân quỹ. Đây là một cuộc thử nghiệm thị trường giới hạn. Một số bác sỹ gia đình ưa thích kiểu thị trường này, một số khác thì không. Thật sự, nó cũng đã tạo ra một hệ thống phân tầng giống như các trường cấp hai công lập uy tín. Vấn đề đối với chiến lược cải cách đó là việc ngay một hệ thống không cải cách cũng đã có những tầng bậc riêng. Tầng lớp trung lưu thường luôn tìm ra cách khiến cho hệ thống hoạt động hoặc ít nhất thực hiện những thay đổi theo cách này hay cách khác. Vì thế, các trường tốt ở những lĩnh vực cụ thể chứ không hẳn tốt toàn diện, đều năm trong những khu vực dân cư tốt.

Suốt thời kỳ đó, khoảng từ tháng Ba năm 1998 đến tháng Mười hai năm 1999, chúng tôi đã trải qua những đợt tự vấn chính sách lớn khi Sách Xanh và Sách Vàng tiếp tục được triển khai, các guồng xe chính sách lăn bánh và Dịch vụ Dân sự thay đổi dần. Tôi tranh luận với các chuyên gia chính sách, các viện nghiên cứu và đơn vị Số 10 do David Miliband đứng đầu nhưng lại linh cảm rằng mình đang đi sai hướng. Không phải những nỗ lực đó chệch hướng hay thiếu hiệu quả nhưng thiếu sự hoàn chỉnh, thiếu một phương diện tuy phụ nhưng quan trọng.

Không có bất cứ cơ quan hay tổ chức, trung tâm đào tạo bên ngoài nào có thể mang cho chúng tôi phương diện còn thiếu đó ngoại trừ công trình nghiên cứu cải cách do Richard Layard thực hiện tại trường Kinh tế London. Tôi vẫn thường xem xét các công trình nghiên cứu mới nhất từ các trường, các viện nghiên cứu học thuật danh tiếng, nhưng cuối cùng không tìm thấy điều gì thực sự có ích. Rắc rối nằm ở chỗ họ muốn thảo luận về hệ tư tưởng đằng sau các vấn đề cải cách. Họ tập trung vào chính trị một cách kỳ quặc − nhưng đó không phải là điều tôi cần họ giúp đỡ. Tôi cần một câu trả lời thực tế. Đối với tôi, để chi trả cho Dịch vụ Y tế Quốc gia là câu hỏi mang tính chính trị hoặc hệ tư tưởng, nhưng cách giải quyết nhanh nhất để cắt giảm danh sách chờ điều trị lại không được đề cập đến.

Trong khi chúng tôi đang cố tìm cách giải quyết – “thứ quan trọng là thứ có hiệu quả” – thì cả hệ thống phúc lợi và dịch vụ xã hội thực tế lại vô cùng phức tạp và “đâu là thứ có hiệu quả?” là câu hỏi luôn khiến tôi đau đầu mà không có được bất cứ thông tin hỗ trợ nào từ bên ngoài. Vì thế chúng tôi đi tiếp con đường đã lựa chọn – khởi đầu từ trung tâm – nhưng tránh những cải cách sâu sắc mang tính hệ thống. Kết quả là chúng tôi đã không tạo ra bất cứ thay đổi nào có khả năng tự duy trì hoặc lan tỏa, mà chỉ có thể tạo ra những thay đổi được khởi nguồn và duy trì từ trung tâm.

Tuy nhiên, tại Đại hội đảng năm 1998, có rất nhiều ý kiến tham vấn. Điều đó mở ra con đường thứ ba – không phải là con đường cánh tả cũ và cũng không phải là con đường cánh hữu kiểu Thatcher. Chúng tôi có đủ động lực để phô ra những điều đang thay đổi. Vấn đề phân quyền ủy nhiệm trong nội bộ đất nước và các liên kết bên ngoài với châu Âu và châu Mỹ nên được thực hiện một cách mạnh mẽ. Cần có những chủ đề phù hợp, chạm được đúng các vấn đề nóng và nhất là chúng phải có khả năng khơi gợi sự hưởng ứng cần thiết.

Khi ngồi trò chuyện với những nhà chính trị thân thiết như – Jonathan, Peter, Alastair, Anji, Sally, Peter Hyman – tôi biết chúng tôi vẫn đang ở điểm xuất phát của cuộc hành trình với một đỉnh núi phía trước để học hỏi và vượt qua. Cảm xúc của tôi lẫn lộn giữa sự nôn nóng lẫn chán nản; tôi vỗ vai mọi người với niềm tự hào về những thành tựu chính trị và đương nhiên có cả sự công nhận nhen nhóm rằng diễn văn và đời thực không bao giờ tương xứng với nhau.

Một khía cạnh khác của vấn đề đó là càng ngày càng thiếu sự quan tâm tới các cuộc tranh luận về chính sách. Ở nhiều phương diện, phe Bảo Thủ chỉ đứng ngoài cuộc chơi để liếm láp vết thương, còn châu Âu lại không mấy bận tâm đến việc phản đối một Chính phủ đang khiến họ mất định hướng bằng cách điều hành từ trung tâm.

Hơn thế, giới truyền thông đã được đặt ở chế độ mà từ lâu không còn tập trung vào một vấn đề nổi cộm hoặc một cuộc tranh luận lớn nào. Vì thế, họ cũng chẳng mấy quan tâm đối với việc giật tít hoặc đưa tin về chính trị. Ví dụ, họ chỉ chăm chăm hướng tới “vũ điệu đôi” của Harriet Harman với Frank Field mà không mấy hào hứng với cuộc tranh cãi về vấn đề lương hưu, trong khi Harriet là Bộ trưởng An ninh Xã hội còn Frank là Bộ trưởng Cải cách Phúc lợi. Phải thừa nhận rằng câu chuyện truyền kỳ này khá hấp dẫn. Harriet không hẳn là một “con mọt” chính sách trong khi công việc của bà lại đòi hỏi những con mọt thực sự. Frank không hẳn là một chính trị gia sắc sảo, trong khi công việc của ông ấy cần sự nhạy bén chính trị thực sự.

Kết quả dẫn đến sự “lệch pha” nghiêm trọng, loại lỗi lầm mà các “đại lý môi giới hôn nhân” hay mắc phải. Về tổng thể, Frank là một chính trị gia không tồi, nhưng tôi không thể khiến ông ấy tập trung vào các chính sách thực tế. Harriet thì vô cùng ủng hộ các chính sách nhưng lại không hiểu ra rằng việc thiết lập các chính sách quái quỷ ấy chính là công việc của bà.

Frank thường tự khóa mình vào một góc riêng để “nghĩ về những điều không thể nghĩ tới”, nhưng vấn đề là những suy nghĩ của ông quá viển vông và đao to búa lớn đến mức thiếu thực tế. Harriet thì hay nhặng xị và lo lắng. Họ sẽ ngồi vào những cuộc họp Nội các để thể hiện sự bất đồng quan điểm với nhau, điều khiến các thành viên khác lo lắng không ít. Kết quả là chúng tôi khó có thể đưa chính sách ra khỏi phạm vi Ngôi nhà Số 10. Đương nhiên, bản thân lĩnh vực chính sách đó cũng vô cùng khó khăn và những kết quả đạt được thường dưới mức thỏa đáng.

Tôi cách chức Harriet trong cuộc tái bổ nhiệm tháng Bảy. Bà ấy vui vẻ chấp nhận. Khi tôi từ chối không bổ nhiệm Frank làm Bộ trưởng An ninh Xã hội nữa, ông ấy đã đệ đơn từ chức. Đó là điều đáng xấu hổ và mặc dù tôi vừa yêu quý vừa kính trọng Frank – một tinh thần tự do hoàn toàn chân chính – nhưng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Một số người sinh ra để phù hợp với vị trí hoặc công việc này, một số khác thì không. Ông ấy nằm trong số người không đó. Một sự thật đơn giản.

Sau Đại hội Đảng, chúng tôi bắt đầu tích cực chuẩn bị cho bài diễn văn của Nữ hoàng. Mặc dù vì những lý do trên, tôi không hoàn toàn đồng tình với gói cải cách phúc lợi, nhưng nó sẽ là tâm điểm của bài diễn văn. Sau những tuần chuẩn bị vất vả trong giai đoạn cuối năm là ngày diễn ra sự kiện − ngày 24 tháng Mười một (thực ra, thời gian bị lùi đến ngày này do những tàn dư của kỳ họp đặc kín trước đó). Sự kiện này là một bài học lớn cho chúng tôi về việc lịch trình có thể bị xáo trộn bởi những sự kiện to lớn hoặc tầm thường như thế nào, hay ít nhất là tinh thần chung có thể bị xáo trộn như thế nào.

Sáng ngày 27 tháng Mười, Jonathan Powell và Alastair Campbell đột nhiên chen chân vào các cuộc họp thường kỳ kéo dài liên miên để lôi tôi vào phòng ăn của tòa nhà trên phố Downing. Hai người họ đi cùng với nhau thì có nghĩa là đã có chuyện xảy ra. Những điều họ nói với tôi khiến tim tôi như chực nhảy ra khỏi lồng ngực. Những sự kiện khiến tôi phải cười phá lên, nhíu mày, thở gấp nhưng lại là những sự kiện thường nhật.

Ron Davies, Ngoại trưởng của Wales bị một mại dâm nam da màu cướp trên phố Clapham Common. Đầu óc tôi rối bời và chúng tôi mời Ron đến Nhà Số 10 để nói chuyện.

“Chuyện thế này”, ông ấy mở lời. “Tôi lưu lại Wales vào dịp cuối tuần, sau đó lái xe lên London và để thư giãn, tôi quyết định đi bộ loanh quanh trên phố Clapham Common vào lúc nửa đêm”. Tất cả những người nghe lúc đó đều tỏ vẻ suốt ruột. “Tôi tình cờ gặp anh chàng Rasta này và chúng tôi nói chuyện, các vị biết đấy, như cách các vị vẫn làm”. Những cặp lông mày nhướn lên cao hơn. “Anh ta nói: Chúng ta cùng đi ăn cà ri đi? Tôi đáp: Được thôi và trèo lên xe hắn”. Những cái mồm bắt đầu há hốc. “Sau đó chúng tôi gặp một vài người bạn của hắn và tôi bị tấn công rồi cướp sau đó. Việc này có thể xảy ra với bất cứ ai.”

Một sự im lặng bao trùm và gần như mọi người đều đồng thanh nói: “Ơ, không hẳn vậy đâu Ron ạ”.

Tôi biết điều đó thật kỳ quặc và mở đầu như truyện cười, nhưng sự việc này cũng sắp khiến sự nghiệp và cuộc đời của một người tan như bong bóng xà phòng. Đó là sự tàn nhẫn đối với những ai làm chính trị. Trong lời nói của Ron (tôi đã giúp ghi chép lại), tôi miêu tả đó là “một khoảng khắc điên rồ”, nhưng tôi biết sự nghiệp của ông không thể cứu vãn được. Vấn đề không phải về tình dục mà là về sự phán xét sai lầm. Tôi cảm thấy tiếc cho ông ấy. Tôi biết ông ấy từ khi chúng tôi cùng bước chân vào Nghị viện năm 1983. Ông là một nhà điều hành tài năng mặc dù phần lớn mọi người đều cho rằng ông ấy quá tài năng đến mức làm cho những người xung quanh chẳng mấy dễ chịu. Nhưng không ai khác thực sự xứng đáng với những gì ông làm được.

Và một cách tự nhiên, việc từ chức diễn ra giống những lần từ chức khác mà tôi đã gặp. Ban đầu họ hiểu và chấp nhận, sau đó, khi thấm thía sự tàn nhẫn của hoàn cảnh dành cho mình, họ bắt đầu nổi loại và cuối cùng tức giận. Ron trải qua quá trình đó, chính xác từng khâu. Và đương nhiên, bản thân và gia đình những người này phải chịu sức ép bám đuổi lớn. Việc từ chức của Ron là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo thời gian, tôi càng ngày càng tức giận đối với việc người ta cứ bắt ép mọi người phải từ chức. Và phần nhiều các sự vụ từ chức lại tùy thuộc vào việc các rắc rối được phát giác như thế nào.

Thật khó tin rằng chỉ một vài ngày sau khi Ron ra đi, tờ Tin tức Thế giới lại bẫy Nick Brown, người mà chúng tôi đã chuyển từ vị trí Chủ tịch Nghị viện sang Bộ trưởng Nông nghiệp trong lần tái bổ nhiệm tháng Bảy. Vụ đánh bẫy liên quan tới một thanh niên trẻ được cho là hành nghề mại dâm nam. Khi Alastair cho tôi biết điều đó – và ngây thơ làm sao, tôi không bao giờ dám chắc rằng Nick đồng tính – căn phòng tưởng như chao đảo. Hai vụ scandal đồng tính chỉ trong một tuần. Và tôi đứng đây, hoàn toàn thành tâm đối với quyền bình đẳng giữa những người đồng tính và những người bình thường. Chris Smith là thành viên Nội các đầu tiên vừa dũng cảm thừa nhận mình đồng tính. Mọi người biết Peter Mandelson đồng tính. Tôi đã khá căng thẳng về việc công chúng đã trở nên tọc mạch và tầm thường về tất cả những thứ như vậy.

Về phía tờ Tin tức Thế giới, công bằng mà nói, họ đã mang câu chuyện đến cho chúng tôi vào thứ Năm trước khi đưa nó lên trang báo ngày Chủ nhật và Alastair đã ra sức thuyết phục họ đăng tải câu chuyện theo hướng Nick bước ra thừa nhận mình là người đồng tính. Kết quả, câu chuyện chuyển từ một vụ bê bối tầm thường thành một lời thú nhận thành thực và Nick được cứu thoát.

Nick đã rất tức giận khi bị chuyển khỏi vị trí Chủ tọa chính trong Nghị viện và tôi biết ông ta ít nhiều tiếp tay cho Gordon chống lại tôi. Nhưng khi vụ bê bối bị tiết lộ, ông ta được cứu, không phải bởi ông không còn là Chủ tọa chính mà vì chúng tôi đã phá lệ để cứu ông. Và đây là lúc bạn không được phép cảm thấy tức giận với tư cách là nhà lãnh đạo. Bạn nghĩ rằng ông ta sẽ biết ơn. Không hề. Ông ta tiếp tục tin rằng mình bị đối xử bất công và rằng tôi chủ ý hãm hại ông ra, trong khi thực tế tôi đã có thể hoàn toàn “kết liễu” ông ta ngay lập tức. Nhưng chúng tôi đã không làm thế. Thật lạ, chúng tôi bị mô tả là một cỗ máy tàn nhẫn đến kinh ngạc trong khi thật sự chúng tôi có vô vàn những dịp tỏ lòng vị tha – thậm chí đôi lúc còn quá vị tha.

Ngay trước Giáng sinh năm 1998, một vụ từ chức lớn xảy ra, sự việc khiến tôi vô cùng hối hận và mãi trách cứ bản thân. Mặc dù khi đọc lại nhật ký của Alastair về sự việc cũng như bản tường trình chính xác về phản ứng giận dữ của giới truyền thông, tôi lại thấy thật khó có thể hiểu được cách chúng tôi đối phó với sự cố đó.

Cụ thể là Peter Mandelson đã được Geoffrey Robinson, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho vay vốn để mua nhà. Khoản tiền khá lớn vào thời điểm đó là khoảng 373 nghìn bảng. Peter là Bộ trưởng Công nghiệp và Bộ đã chất vấn các khoản giao dịch của Geoffrey theo yêu cầu của phe Bảo thủ ngay sau thời điểm khoản vay được thực hiện. Peter đã không cho Thư ký thường trực của mình biết về khoản vay này. Đáng lẽ ông ấy nên để người thư ký biết. Và việc giữ kín ấy, tôi chắc chắn là chẳng liên quan gì đến tính liêm khiết vốn có của ông. Thực tế, Peter không liên quan gì tới cuộc điều tra về Geoffrey và cũng sẽ không bao giờ dính dáng tới nó. Nếu vào thời điểm đó Peter đừng giữ kín về khoản vay, thì sự việc có thể sẽ dễ đối phó hơn mặc dù đối với sự kiện này, giới truyền thông chỉ đề cập đến toàn bộ sự việc chứ không phải chỉ một khía cạnh đó.

Theo cách xử lý các vụ bê bối thông thường của tôi vào thời điểm đó, tôi kéo Chủ tịch Thượng viện là Derry Irvine và Charlie Falconer, người cho đến tận gần đây vẫn giữ chức Cố vấn Luật pháp cấp cao vào cuộc bởi họ đều có đầu óc phân tích tốt. Cả hai đều nghĩ trường hợp này rất khó giải quyết.

Trong hai ngày, tôi gạt vấn đề sang một bên và luôn trong trạng thái căng thẳng cực độ với đề xuất hành động quân sự của Mỹ tại Iraq vào thời điểm đó. Trong khi đó, tờ Guardian đã bắt đầu đăng tin về sự việc, các tờ báo khác cũng vào cuộc, gây ra một tình trạng lộn xộn khó kiểm soát. Nhiều thành viên Nội các cũng gọi cho tôi để nói rằng đó là một trường hợp vô vọng. Ông bạn già Jack Cunningham, người đã được thuyên chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang làm Bộ trưởng Văn phòng Nội các, thậm chứ còn đứng ra lên tiếng bênh vực. Nhưng ông cũng nhận thấy rất khó để làm được điều đó. Ơn Chúa là ít nhất thì các nghị viên cũng không ngồi yên.

Đến ngày 23 tháng Mười hai, tôi cảm thấy mình không thể kéo dài sự việc được nữa. Tôi lên dây cót cho bản thân và nói chuyện với Peter. Ông ấy chấp nhận quyết định của tôi với sự cao thượng phi thường. Tôi cũng sa thải Geoffrey. Và tôi nói với Gordon rằng Charlie Whelan, Phát ngôn viên của ông ta cũng sẽ phải ra đi.

Tôi giận dữ còn hơn là buồn bã và thất vọng. Sự thật là tôi không biết người của Gordon đã làm rò rỉ thông tin – bạn chẳng bao giờ có thể biết được – nhưng chỉ có hai người tham gia vào thương vụ cho vay ấy. Tôi chắc chắn Peter đã chẳng hé răng cho ai, vì ông ta thậm chí còn không cho tôi biết. Và chính tờ Guardian chứ không phải tờ Mail hay Tin tức Thế giới đã được tiết lộ câu chuyện. Như thế, có nhiều khả năng thông tin rò rỉ từ trong nội bộ Đảng, như từ Charlie Whelan, bởi vào thời điểm đó, tờ Guardian ít nhiều cũng là một tờ báo nội bộ.

Chắc chắn, dù là ai tiết lộ thông tin thì kẻ đó cũng phải lên kế hoạch hoàn hảo từ trước. Đây không chỉ là một câu chuyện, đây là một vụ ám sát chính trị được thực hiện để loại bỏ Peter. Nhưng âm mưu ấy cũng được thực hiện để gây hại cho tôi một cách nghiêm trọng mà không tính toán tới những hậu quả đối với Chính phủ.

Tôi ngồi ở Chequer vào ngày Giáng sinh năm ấy và suy nghĩ rất nhiều. Peter là một Ngoại trưởng sáng giá, một người có nhiệt huyết và rất có tương lai. Ông ấy được cấp dưới yêu mến, là một phần quan trọng của Chính phủ, một phần không thể thiếu của Đảng Lao động mới. Sự việc này sẽ chấm dứt sự nghiệp của ông. Biết được điểm yếu này, kẻ nào đó đã tiết lộ câu chuyện cho tờ Guardian. Kẻ đó thực sự đang nghĩ gì? Quyết tâm, hận thù, độc ác. Mọi người luôn nghĩ rằng các chính trị gia đối xử với nhau như trong các tiểu thuyết sân bay của Jeffrey Archer hay Micheal Dobbs, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, điều đó không hề đúng. Vẫn có sự đua tranh, đánh lén, hạ bệ, nhưng chỉ rất ít trong số đó là thực sự đen tối. Tuy nhiên, trường hợp của Peter thì đúng là đen tối.

Ở một khía cạnh nào đó, tôi biết việc sa thải Charlie Whelan là không công bằng, bởi như tôi đã nói, tôi không chắc ông ấy có phải là người đứng đằng sau sự việc này hay không. Đáng lẽ, ông ta phải quyết liệt phủ nhận việc đó, tuy nhiên, tôi cũng biết rằng nếu không sa thải ông ta thì tôi sẽ phải hối hận mãi về sau, thậm chí phải gánh chịu những hậu quả to lớn. Vì thế, sau một vài tranh cãi, ông ta cũng ra đi.

Lúc ấy tôi biết chắc rằng Peter sẽ phải từ chức. Còn bây giờ thì tôi lại không chắc chắn về điều đó. Vấn đề là không một ai có thể tỉnh táo khi phải đứng giữa một cơn bão khủng khiếp.

Khi giới truyền thông quyết định nhắm vào ai đó, họ bắt đầu từ một câu chuyện. Câu chuyện đó có thể đúng, nhưng nó sẽ được mông má lại. Nếu ai đó chống cự, bọn họ đơn giản là tăng sức ép cho đến khi các nhà báo thấy rằng cơn sốt truyền thông đã đạt đến mức trở thành một nỗi lo lắng cực độ. Nếu sự chống cự tiếp tục, họ sẽ nói là: Được, chúng tôi sẽ tiếp tục câu chuyện này cho đến khi người đó từ chức. Khi đó, vấn đề không còn là một câu chuyện nữa mà là cả hệ thống Chính phủ bị tê liệt.

Sẵn sàng đón chờ những chuyện như vậy là một việc làm vô cùng khó khăn. Càng về cuối nhiệm kỳ, khi tâm lý cẩn trọng cao độ trong tôi đã bay theo làn gió, tôi quyết định đối đầu trực diện với sóng gió (đó là khi Tessa Jowell và Hon Prescott bị yêu cầu từ chức). Nhưng đó là một cuộc chiến quyền lực không hề dễ chịu. bạn phải lo lắng về những tổn hại không mong muốn trên cương vị Thủ tướng và lãnh đạo đảng và cảm thấy có trách nhiệm phải tránh xa nó.

Tuy nhiên, tôi chỉ ước là mình đã đứng ngoài cuộc. Đó là một cuộc thử sức sớm với giới truyền thông và tôi đã nhận thất bại. Công bằng mà nói, tôi cũng cảm thấy rằng Peter đã sai và thật ngu ngốc khi không cho thư ký thường trực biết chuyện; với vụ từ chức sau đó của ông vào năm 2001, ông ấy không phải lúc nào cũng giúp đỡ tôi kiểm soát sự việc. Nhưng bạn biết không, đến phút cuối thì đó chỉ là vấn đề phụ. Vấn đề chính không phải là tình bạn hay sự trung thành. Vấn đề là đất nước. Những nhân tài trong giới chính trị rất có hạn. Một tài năng đặc biệt – như ông ấy, đáng lẽ đã phải được cứu vớt để tiếp tục phục vụ đất nước. Khi Gordon trở thành Thủ tướng và Peter xin lời khuyên của tôi về việc ông có nên quay trở lại Chính phủ không, tôi đã trả lời chắc chắn và không hề chần chừ. Sự vắng mặt của ông ấy trong Chính phủ của tôi là một tổn thất lớn. Sự tham gia của ông ấy vào bất cứ Chính phủ nào cũng là một tài sản đáng giá. Đơn giản vậy thôi. Như vậy chính sách không phải thứ duy nhất bạn học được trong Chính phủ.

Vào ngày Tặng quà (ngày 26 tháng Mười hai hàng năm), tôi tới Seychelles để nghỉ ngơi. Tội nghiệp Alastair, anh ta hẳn sẽ gọi để nói với tôi rằng giới báo chí thật là kinh khủng và tôi đang bị chỉ trích, trong lúc tôi đang tận hưởng ánh mặt trời hoặc đi câu cá, hoặc đơn giản chỉ là đang thư giãn – chơi bóng đá với đội bảo vệ và những người dân địa phương. Ông ấy hẳn sẽ phát điên lên. Ông ấy cảm thấy bản thân đang phải chịu sức ép trong khi tôi thong dong ở xa. Nhưng ông ấy không bao giờ hiểu được tôi và những kỳ nghỉ. Sự thật là tôi đã chịu đựng quá đủ, tôi cần ánh nắng và một nơi cách Westminster, Whitehall, phố Downing và phố Fleet càng xa càng tốt. Alastair thử gọi cho tôi một vài lần để phân loại các chi tiết của vụ Whelan, nhưng cuối cùng cũng phải bỏ cuộc trong thất vọng. Tôi đã nói rằng Whelan phải ra đi và tôi không quan tâm tới các tiểu tiết.

Tuy nhiên, lý do khiến tôi cảm thấy quá tải không phải chỉ là một loạt các vụ từ chức. Tháng Mười một và tháng Mười hai năm 1998 là khoảng thời gian ngập tràn vấn đề về Iraq. Ngày 11 tháng Mười một, tôi tiếp George Robertson, Bộ trưởng Quốc phòng, Robin Cook và Tổng Tư lệnh, Tướng Charles Guthrie. Saddam đã trục xuất các thanh tra vũ khí vì họ viết bản báo cáo về những vấn đề nổi cộm liên quan đề vũ khí hủy diệt hàng loạt và tham vọng tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí của ông ta. Tổng thống Clinton đang cân nhắc một chiến dịch tấn công quân sự. Charles giúp tôi lấy bình tĩnh với những phương án lựa chọn và con số thương vong dự tính nếu chúng tôi tham gia. Như mọi khi, ông ấy thẳng thắn, rõ ràng và mạnh mẽ. Ngày hôm sau, tôi họp Nội các về vấn đề này, không quên lời cảnh báo của George rằng đây là bước tiến triển quan trọng nhất với vấn đề Saddam từ cuộc chiến vùng Vịnh.

Sáng Chủ nhật ngày 14 tháng Mười một, chúng tôi gặp mặt lần nữa ở phố Downing. Chúng tôi đã quyết định một cuộc không kích sẽ bắt đầu diễn ra lúc 4 giờ chiều. Đột nhiên, có tin rằng Clinton quyết định tạm dừng tác chiến vì Saddam gửi thư cho biết ông ta sẽ chấp nhận để các thanh tra viên quay trở lại. Sau đó, chúng tôi nhận được bức thư tiếp theo. Một bức thư đầy những lỗi và vớ vẩn đặc trưng kiểu Saddam. Mười tám tiếng tiếp theo vào lúc 4 giờ 30 phút sáng, tôi liên lạc trực tiếp với Bill Clinton. Cuộc tập kích tạm dừng. Robin thở phào nhẹ nhõm, ông ta đã gặp không ít rắc rối với chuyện này. Tôi quyết tâm duy trì nguyên vẹn và bình thường liên minh với Mỹ vào một thời điểm được cho là vô cùng quan trọng.

Các thanh tra viên quay trở lại, nhưng rõ ràng là Saddam đang làm rối tung mọi việc. Khi báo cáo của họ được trình lên vào giữa tháng Mười hai, thì sự việc lại trở nên tồi tệ. Lần này, Bill quyết định hành động và chúng tôi đã thực hiện các cuộc không kích liên tục trong 4 ngày trong chiến dịch Cáo sa mạc. Đó là một quãng thời gian căng thẳng và chiến dịch không đạt được thành công. Saddam đã một lần nữa thoát nạn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx