sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 14: Nghị Quyết

Những tuần chuẩn bị cho hoạt động vũ trang ngày 19 tháng 3 có lẽ là những ngày tháng khó khăn nhất trong suốt 10 năm làm Thủ tướng của tôi. Các thanh tra viên đã trở lại Iraq và cung cấp các báo cáo, nhưng chúng lúc nào cũng lấp lửng. Báo cáo Blix ngày 27 tháng 1 năm 2003 là báo cáo chính thức đầu tiên của đoàn thanh tra. Trong bài phát biểu tại Ủy Ban An ninh LHQ ngày 9 tháng 1, ông ta nhận định rằng tuyên bố Iraq tháng 12 năm 2002 vẫn chưa giải quyết được nhiều vấn đề nổi cộm; và thông tin mà đoàn thanh tra tìm kiếm vẫn chưa ngã ngũ.

Trong tờ trình ngày 27 tháng Một, đoàn thanh tra nêu rõ rằng, ít nhất là về mặt thủ tục, Iraq đã hơi thông thoáng hơn, nhưng nghị quyết LHQ tháng 11 năm 2002 lại yêu cầu Saddam phải phối hợp “ngay lập tức, vô điều kiện và chủ động”. Tờ trình này đóng vai trò quan trọng vì nó miêu tả bối cảnh cần thiết để hiểu những quyết định của tôi và người khác vào thời điểm đó. Blix thuyết minh như sau:

Nghị quyết 687 (năm 1991), giống như những Nghị quyết về sau mà tôi sẽ đề cập tới dưới đây, yêu cầu Iraq phối hợp nhưng Iraq thường xuyên từ chối hoặc phối hợp một cách miễn cưỡng. Khác với Nam Mỹ – nước đã tự quyết định xóa bỏ vũ khí hạt nhân và chào đón đoàn thanh tra như một cách để tạo niềm tin vào sự giải trừ quân bị của mình, Iraq dường như không thực sự chấp nhận – kể cả đến ngày hôm nay – việc giải trừ quân bị mà Nghị quyết yêu cầu, không thực sự chấp nhận rằng Iraq phải giải trừ quân bị thì mới lấy được niềm tin của thế giới và được sống trong hòa bình.

Sau đó ông ta tiếp tục miêu tả chi tiết những gì mình biết về một số chương trình vũ khí. Đây là điều đáng đọc vì nó cho ta cái nhìn sâu sắc hơn về những khó khăn khi đương đầu với một thể chế như thể chế của Saddam.

Vũ khí hóa học và vũ khí sinh học

Tác nhân thần kinh VX là một trong những chất độc nhất loài người từng tạo ra.

Iraq đã công bố rằng họ chỉ sản xuất VX trong phạm vi thử nghiệm, chỉ vài tấn với chất lượng kém và sản phẩm không ổn định. Vì thế, Iraq nói rằng họ chưa từng vũ khí hóa tác nhân này và khẳng định rằng họ đã đơn phương tiêu hủy lượng tác nhân còn lại sau Chiến tranh vùng Vịnh vào mùa hè năm 1991.

Tuy nhiên, Ủy ban Thanh tra, Kiểm tra, Giám sát LHQ (UNMOVIC) tìm thấy thông tin mâu thuẫn với tuyên bố này. Có dấu hiệu cho thấy Iraq đã nghiên cứu vấn đề độ tinh khiết và ổn định hóa tác nhân VX và đạt kết quả cao hơn so với công bố. Thật vậy, một trong số các tài liệu do chính Iraq cung cấp cũng chỉ ra rằng độ tinh khiết của nhân tố này, ít nhất là trong sản xuất phòng thí nghiệm, cao hơn công bố.

Cũng có dấu hiệu cho thấy tác nhân VX đã được vũ khí hóa và vẫn còn một lượng lớn tác nhân này sau ngày tiêu hủy mà Iraq công bố. Nó có thể vẫn còn tồn tại. Hoặc là UNMOVIC phải tìm ra và tiêu hủy nó, hoặc là Iraq phải trình được bằng chứng thuyết phục cho thấy nó đúng là đã bị tiêu hủy năm 1991.

Như tôi đã báo cáo với Hội đồng trước đó, Iraq đã không công bố một lượng lớn môi trường phát triển vi khuẩn, khoảng 650 kg, được nhập khẩu khi Iraq nộp cho hội đồng Amorim vào tháng 2 năm 1999. Trong tuyên bố ngày 7 tháng 12 năm 2002, Iraq đã nộp lại tài liệu cho hội đồng Amorim, nhưng trong đó không có bảng biểu thông tin nào về việc nhập khẩu lượng môi trường này. Việc thiếu bảng biểu có vẻ như là cố ý vì số trang trong tập tài liệu nộp đã được đánh lại.

Trong bức thư ngày 24 tháng 1 gửi cho Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq khẳng định rằng “chúng tôi đã công bố tất cả thông tin về lượng môi trường phát triển vi khuẩn được nhập khẩu”. Đây không phải là bằng chứng. Tôi xin lưu ý thêm rằng lượng môi trường này đủ để sản xuất khoảng 5.000 lít vi khuẩn bệnh than đậm đặc.

Tên lửa

Giờ tôi xin được chuyển sang lĩnh vực tên lửa. Vẫn còn nghi vấn về việc liệu Iraq có giữ lại các tên lửa loại SCUD sau Chiến tranh vùng Vịnh không. Iraq tuyên bố đã sử dụng một số tên lửa SCUD như đích bắn trong quá trình phát triển hệ thống phòng vệ tên lửa chống đạn đạo trong những năm 1980. Tuy vậy người ta không đưa ra bất kỳ thông tin kỹ thuật nào về chương trình này hay dữ liệu nào về việc sử dụng các tên lửa này.

Đã có nhiều bước tiến trong lĩnh vực tên lửa trong 4 năm qua và Iraq cho rằng các hoạt động này không bị cấm. Chúng tôi đang tìm hiểu thêm về vấn đề này thông qua các chuyến thanh tra và các buổi thảo luận tại hiện trường.

Có hai dự án cụ thể đáng lưu ý. Đó là dự án phát triển một tên lửa chạy bằng nguyên liệu đốt cháy dạng lỏng gọi là Al Samoud 2 và một tên lửa sử dụng chất nổ rắn gọi là Al Fatah. Cả hai tên lửa đều đã được thử nghiệm vượt quá mức cho phép là 150 km. Al Samoud 2 được bắn thử với tầm bắn tối đa là 183 km và Al Fatah là 161 km. Một số tên lửa thuộc hai loại này đã được cung cấp cho các lực lượng vũ trang Iraq mặc dù nước này công bố rằng hai loại tên lửa này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm.

Đường kính của Al Samoud tăng lên 760mm từ phiên bản cũ bất chấp thư của chủ tịch UNSCOM năm 1994 ra lệnh cho Iraq hạn chế đường kính tên lửa ở dưới mức 600mm. Hơn nữa, bức thư năm 1997 của chủ tịch UNSCOM gửi Iraq còn cấm sử dụng các động cơ của một số tên lửa đất-đối-không vào mục đích tên lửa đạn đạo.

Trong buổi họp mới đây tại Baghdad, chúng tôi đã nghe trình bày về hai chương trình này. Iraq tuyên bố rằng tầm bắn chính của cả hai hệ thống này sẽ là 150 km, thấp hơn mức tối đa cho phép.

Những tên lửa này có thể đại diện cho những trường hợp vi phạm lệnh cấm ở Iraq. Cuộc thử nghiệm vượt quá mức cho phép 150 km khá nhiều, nhưng vẫn cần cân nhắc thêm về các yếu tố kỹ thuật trước khi chúng tôi có thể kết luận về vấn đề này. Hiện tại, chúng tôi đã yêu cầu Iraq dừng việc bắn thử nghiệm cả hai loại tên lửa nói trên.

Thêm vào đó, Iraq đã tân trang hạ tầng sản xuất tên lửa của mình. Cụ thể họ cho xây dựng lại một số khoang đúc trước đây đã bị phá hủy dưới sự giám sát của UNSCOM. Các khoang này được sử dụng để sản xuất các tên lửa sử dụng nguyên liệu rắn. Dù các khoang đúc này được sử dụng cho hệ thống tên lửa nào đi nữa, chúng cũng có thể sản xuất ra những mô-tơ cho tên lửa có tầm bắn xa hơn 150 km.

Cũng liên quan đến các tên lửa này là việc nhập khẩu trong những năm gần đây một số mặt hàng bất chấp các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả biện pháp vào tháng 12 năm 2002. Đáng lưu ý nhất trong số này là việc nhập khẩu 380 động cơ tên lửa có thể được sử dụng cho Al Samoud 2.

Iraq cũng công bố lần nhập khẩu gần đây các chất hóa học sử dụng trong nhiên liệu phản lực, các dụng cụ đo kiểm thử nghiệm, các hệ thống hướng dẫn và điều khiển. Các mặt hàng này rất có thể đã được sử dụng vào các mục đích cấm. Điều này vẫn chưa được xác định chắc chắn. Rõ ràng là chúng đã được vận chuyển bất hợp pháp vào Iraq, tức là Iraq hoặc một công ty nào đó của Iraq đã vi phạm các giới hạn mà nhiều nghị quyết đã đề ra.

Chuyến thanh tra gần đây tìm thấy tại nhà riêng của một nhà khoa học hơn 3.000 trang tài liệu, nhiều trong số đó liên quan đến việc làm giàu uranium bằng lazer. Điều này làm gia tăng mối quan ngại từ lâu rằng các tài liệu có thể bị phân tán đến các gia đình cá nhân riêng lẻ. Iraq phủ nhận quan điểm này, khẳng định rằng các cán bộ nghiên cứu đôi khi có thể mang giấy tờ từ cơ quan về nhà. Về phía mình, chúng tôi không thể không nghĩ rằng đây có thể không phải là một trường hợp đơn lẻ và rằng sự xuất hiện của các tài liệu đó là cố ý để gây khó khăn cho việc tìm kiếm và hòng che giấu bằng cách cất chúng ở nhà riêng.

Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng nếu có thêm bất kỳ dấu hiệu che giấu tài liệu nào nữa. Tại những buổi đàm phán gần đây, phía Iraq đã cam kết khuyến khích người dân đồng ý cho kiểm tra cả ở những địa điểm cá nhân. Như vậy sẽ không thể che giấu các mặt hàng, hoạt động và tài liệu bị cấm nữa. Sẽ không ai có thể từ chối không cho kiểm tra đột xuất bất kỳ địa điểm nào nữa.

Tìm những người có thông tin đáng tin cậy: một danh sách nhân viên

Khi Iraq tuyên bố rằng không có bằng chứng hữu hình dưới dạng tài liệu, họ chí ít cũng phải tìm được các cá nhân, kỹ sư, nhà khoa học và người quản lý để cung cấp lời khai về những gì mình biết. Các chương trình vũ khí lớn đều do con người thực hiện và quản lý. Việc phỏng vấn các cá nhân đã làm việc trong các chương trình đó có thể bổ sung thêm những thông tin mà chúng ta chưa biết. Và việc đó cũng có thể có ích nếu như hiện tại họ đang làm việc trong những lĩnh vực hòa bình. Đây là những lý do vì sao UNMOVIC yêu cầu Iraq cung cấp danh sách những người như vậy, theo nghị quyết 1441.

Phía Iraq cung cấp khoảng 400 cái tên cho tất cả các chương trình vũ khí sinh học, hóa học và tên lửa. Có thể so sánh con số này với 3.500 cái tên của những người liên quan đến các chương trình vũ khí trước đây mà UNSCOM từng phỏng vấn trong thập niên 1990 hoặc biết qua tài liệu và các nguồn khác. Tại buổi mít tinh gần đây ở Baghdad, phía Iraq cam kết bổ sung thêm vào danh sách và họ đã cung cấp thêm khoảng 80 cái tên nữa.

Cung cấp thông tin thông qua phỏng vấn

Trước đây, rất nhiều thông tin quý giá đến từ các cuộc phỏng vấn. Cũng có trường hợp người được phỏng vấn rõ ràng tỏ ra sợ hãi trước sự xuất hiện và ngắt lời của các công chức Iraq. Đó là lý do vì sao Nghị quyết 1441 lại quy định trao cho UNMOVIC và IAEA quyền tổ chức phỏng vấn theo “hình thức và địa điểm” tự chọn, ở Baghdad hoặc thậm chí ở nước ngoài.

Đến nay, chúng tôi đã yêu cầu phỏng vấn 11 cá nhân ở Baghdad. Câu trả lời được nhất quán là cá nhân đó sẽ chỉ trả lời phỏng vấn nếu có sự xuất hiện của ban giám sát Iraq hoặc một công chức Iraq. Điều này có thể là do người được mời muốn có bằng chứng cho thấy họ đã không nói bất kỳ điều gì mà chính quyền không mong muốn. Tại những buổi tọa đàm gần đây ở Baghdad, phía Iraq đã cam kết sẽ khuyến khích người dân đồng ý phỏng vấn “riêng”, tức là chỉ với sự có mặt của chúng tôi. Dù vậy, tình hình vẫn chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng với sự khuyến khích hơn nữa từ phía chính quyền, những cá nhân hiểu biết sẽ đồng ý phỏng vấn riêng ở Baghdad hay nước ngoài.

Tôi xin lỗi đã trích dẫn dài như vậy, nhưng chúng ta nhất thiết phải hiểu được bối cảnh của cuộc tranh luận về vũ khí hủy diệt hàng loạt trước thềm bùng nổ xung đột. Chúng ta là những người đồng minh chủ chốt đã chắc chắn rằng Saddam có một chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt đang hoạt động. Chúng ta đã cố gắng rất nhiều để Nghị quyết 1441 được thông qua. Rõ ràng lý do duy nhất khiến Iraq cho phép đoàn thanh tra trở lại là mối đe dọa về hành động quân sự. Cũng như vậy, việc Mỹ rục rịch xây dựng lực lượng là lý do duy nhất khiến Iraq chịu hợp tác. Nhưng sự hợp tác đó không đáp ứng được các yêu cầu của Nghị quyết 1441. Và lịch sử đã cho thấy khó mà tin tưởng được vào sự trung thực của Saddam đối với LHQ.

Tại thời điểm này, quân đội Anh cũng đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho chiến tranh. Nghị viện Anh đã nhận được nhiều thông báo vào tháng 1. Tôi vẫn hy vọng dù mong manh vào một hành động ngoại giao đột phá. Đối với tôi, viễn cảnh của một nghị quyết LHQ thứ 2 mới là trung tâm. Chúng tôi vẫn chưa giải quyết được vấn đề liệu bản thân việc vi phạm Nghị quyết 1441 có đủ là lý do gây chiến không. Người ta đã bàn cãi về mặt pháp lý, nhưng rõ ràng là luật pháp và chính trị gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu phản đối chiến tranh, người ta có chiều hướng nghĩ rằng cần phải có một nghị quyết LHQ thứ 2 cho phép một cách cụ thể và rõ ràng các hành động quân sự. Nếu đồng ý lật đổ Saddam, họ sẽ không nghĩ đến điều này. Sự xuất hiện của nghị quyết này phụ thuộc vào việc Tổng thống Chirac và Tổng thống Putin đồng ý, hoặc ít nhất là không phủ quyết đối với nghị quyết mới này.

Lúc này có lẽ là thời điểm hợp lý để giải quyết vấn đề lời khuyên của Bộ trưởng Tư pháp Peter Goldsmith. Một lần nữa vấn đề này đã được bàn thảo tỉ mỉ thấu đáo trước Ủy ban điều tra Chilcot, nhưng một lần nữa nó lại trở thành chủ đề thâm căn cố đế được tạo ra để chứng minh rằng cuộc chiến này hoàn toàn bất hợp pháp, rằng Peter thực sự nghĩ như vậy và rằng ông ta bị ép phải thay đổi quan điểm của mình, không phải vì lý do pháp lý mà là vì nguyên cớ chính trị sâu xa.

Vì thế chúng ta cần nêu lại một số ý tưởng và khái niệm pháp lý đằng sau kết luận cuối cùng của Peter. Nghị quyết trước của LHQ vào đầu thập niên 90 đã cho phép sử dụng sức mạnh để bắt Saddam tuân theo thể chế kiểm tra của LHQ. Cụ thể, Nghị quyết 678 nêu rằng nó:

“Cho phép các Nước Thành viên dùng mọi biện pháp cần thiết để giữ gìn và thực hiện Nghị quyết 660 của LHQ ngày 2 tháng 8 năm 1990 và tất cả những nghị quyết liên quan sau Nghị quyết 660 (năm 1990) và tái lập lại nền hòa bình quốc tế và an ninh khu vực.”

Vì thế cơ chế thanh tra UNSCOM đã được thành lập vào thời điểm đó nhằm giải trừ quân bị của Saddam, cho phép sử dụng vũ lực nếu ông ta không tuân theo. Nghị quyết này lúc đó vẫn còn hiệu lực. Vì thế ngay từ đầu đã có luận điểm cho rằng chúng ta có thẩm quyền sử dụng sức mạnh quân sự.

Việc phục hồi lại nghị quyết này là nền tảng cho hành động vũ trang chống lại Saddam năm 1993 và 1998, khi ông ta vi phạm nghị quyết LHQ và đuổi các thanh tra viên ra khỏi Iraq. Năm 2002, Nghị quyết 678 vẫn còn hiệu lực. Nhưng có vẻ như – và nêu rõ trong một công hàm tôi nhận được vào tháng 3 năm 2002 – vì thời gian trôi qua đã lâu, chúng ta nên có một nghị quyết LHQ mới nêu rõ việc Saddam vi phạm các nghị quyết LHQ để làm căn cứ cho các hoạt động tiếp theo. Vì thế chúng tôi đã nhất trí với LHQ rằng về mặt pháp lý cần có một nghị quyết mới.

Nghị quyết 1441 tháng 12 năm 2002 chính là nghị quyết LHQ mới đó. Nghị quyết này nêu rõ rằng Saddam đã vi phạm, cho ông ta “một cơ hội cuối cùng” để tuân theo; kêu gọi chấp thuận để các đoàn thanh tra “tiếp cận ngay lập tức, vô điều kiện và không bị hạn chế” và rằng việc từ chối lời kêu gọi này sẽ được coi là một “vi phạm nghiêm trọng hơn nữa”.

Nghị quyết này không quy định về các hành động quân sự trong trường hợp Iraq vi phạm. Tuy nhiên, nghị quyết này có yêu cầu sự đánh giá do Hội đồng thực hiện trong trường hợp vi phạm.

Vì thế dĩ nhiên cần có một nghị quyết nữa công khai cho phép sử dụng vũ lực. Nhưng quan điểm cho rằng việc làm đó không cần thiết cũng không phải không có căn cứ, rằng Nghị quyết 1441 quá rõ ràng và rằng nếu không hoàn toàn tuân theo Nghị quyết, Saddam vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của nghị quyết, Nghị quyết 678 vẫn được áp dụng và vì thế hành động can thiệp quân sự là hợp pháp.

Tôi không có ý rằng vấn đề này không cần thảo luận và tranh cãi; mà đơn giản là để khẳng định rằng hành động này có tính hợp pháp nhiều hơn.

Sự thực là cộng đồng quốc tế đã cùng nhau chấp thuận Nghị quyết 1441 và rồi hối hận khi nhận ra rằng Saddam vẫn không hoàn toàn hợp tác. Theo tôi, nếu Saddam tuân theo quyết định của Gaddafi và thực sự thay đổi, thì Nghị quyết 1441 đồng nghĩa với việc không có hành động quân sự nào diễn ra. George đã nhiều lần bày tỏ quan điểm đồng ý với điều này. Nhưng Saddam lại không nghĩ vậy; vì thế hậu quả của thất bại này lại không được chấp nhận trên tinh thần của Nghị quyết 1441.

Việc này đã dẫn đến một cuộc thảo luận nội bộ ở Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp. Đầu tiên, mặc dù Peter nghĩ rằng nghị quyết 1441 thay đổi buổi thảo luận đáng kể, ông ấy vẫn đưa ra quan điểm rằng, để chắc chắn chúng tôi nên có một nghị quyết khác nữa. Đó là tất cả những gì mà UNSC nghĩ khi thông qua Nghị quyết 1441.

Cuối cùng, khi nói chuyện với Ngài Jeremy Greenstock – đại sứ ở LHQ thực hiện nhiệm vụ đàm phán Nghị quyết 1441, Peter đã bị lay chuyển. Và sau một cuộc tranh luận với các luật sư Mỹ, ông ta cuối cùng cũng bị thuyết phục. Điều thuyết phục Peter là lợi ích của việc đàm phán và cụ thể hơn là thực tế rằng Pháp và Nga đã thất bại khi cố gắng liên kết bất kỳ hành động quân sự nào với một nghị quyết mới.

Vì thế, đương nhiên là có ý kiến tán thành và phản đối trong vụ việc pháp lý này, nhưng cuối cùng, Peter đi đến kết luận ủng hộ tính hợp pháp của hành động quân sự này, miễn là có chứng cứ rõ ràng cho thấy Saddam vẫn không hoàn toàn tuân theo. Và Blix, dù có lấp lửng đến đâu, vẫn thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề này thậm chí cho đến tận khi giao chiến bùng nổ.

Tuy nhiên, về mặt chính trị, cũng như đặt vấn đề lên trên mọi yêu cầu pháp lý, chắc chắn một nghị quyết thứ hai vẫn được mong đợi. Trên tất cả, nghị quyết này hy vọng sẽ liên kết được cộng đồng quốc tế.

Đáng tiếc là trong suốt tháng 2, bất chấp mọi nỗ lực của tôi, sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế chỉ tăng lên chứ không hề giảm đi. Châu Âu bị phân làm đôi. Như tôi đã nói, 13 trong số 25 nước thành viên châu Âu biểu quyết ủng hộ. 10 nước ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Mỹ và bị Jacques Chirac thẳng thắn phê phán vì điều đó. Nhưng hệ thống châu Âu “cũ và mới” dẫn đến những quan điểm sai lầm – Tây Ban Nha và Ý cùng ủng hộ khai chiến. Các đồng minh của Mỹ ngoài châu Âu, như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng tập hợp lại. Nhiều nước thành viên NATO cũng vậy. Nước Úc, dưới thời kỳ lãnh đạo của John Howard, thì ủng hộ một cách vững vàng và kiên quyết.

Nhưng dư luận ở nhiều nước vốn có truyền thống ủng hộ, như Thổ Nhĩ Kỳ, lại phản đối mạnh mẽ. Canada quyết định không ủng hộ nếu không có một nghị quyết LHQ mới, Mexico cũng vậy.

Về cơ bản, ở những quốc gia mà quan hệ đồng minh với Mỹ đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao, họ có xu hướng ủng hộ Mỹ. Còn những nước mà quan hệ đồng minh ấy cũng quan trọng, nhưng giữ vai trò căn bản, họ rút lui. Trong tình cảnh này, động cơ dẫn đến bất đồng bắt đầu cấu thành những mối liên minh mới, với Pháp, Đức và Nga để tạo ra một cực quyền lực và ảnh hưởng thay thế.

Tôi cho rằng điều này rất có hại, nhưng tôi cũng hiểu đây là điều không thể tránh khỏi. Họ cũng cảm nhận như tôi và không sẵn lòng “chạy theo” Mỹ. Họ cho rằng xung đột sẽ gây hại đến mối quan hệ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Và dĩ nhiên, càng nói nhiều về vấn đề này thì họ càng phân tích sâu và củng cố nó.

Đối với tôi, lựa chọn vẫn như cũ. Tôi đồng ý với phân tích cơ bản của Mỹ rằng Saddam là một mối đe dọa; tôi cho rằng ông ta là một con quỷ và việc phá vỡ quan hệ đồng minh với Mỹ trong trường hợp này, khi các đồng minh chủ chốt của Mỹ đều tập trung xung quanh, sẽ gây tổn hại lớn và lâu dài đối với mối quan hệ đó.

Tuy vậy, tôi vẫn tung xúc xắc lần cuối. Vấn đề mà một người sáng suốt phải nhìn thấy ở đây là cảm giác rằng chiến tranh xảy ra quá gấp gáp. Hiện nay, phía Mỹ cho rằng mọi thứ đã sẵn sàng, họ đã tập trung 250 nghìn quân ở khu vực đó và không thể khoanh tay ngồi chờ các biện pháp ngoại giao mà họ có lý do chính đáng để cho là sẽ không bao giờ kết thúc. Mỹ cho rằng Nghị quyết 1441 là cơ hội cuối cùng; Saddam đã không nắm lấy; nếu chúng ta cho thêm thời gian, ông ta cũng sẽ chỉ chơi xỏ chúng ta như đã từng làm; ông ta sẽ không không bao giờ thay đổi; chúng ta đang tự huyễn hoặc mình khi nghĩ rằng ông ta sẽ thay đổi; vì thế hãy đứng lên và giải quyết vấn đề ngay bây giờ.

Các báo cáo của đoàn thanh tra không bao giờ mang lại kết luận cuối cùng; nhưng rõ ràng chúng không phải là bằng chứng của việc “tuân theo ngay lập tức, vô điều kiện và chủ động”. Mỹ đã vô cùng nôn nóng. Tổng thống Bush trên thực tế đang mất dần sự ủng hộ chỉ vì chờ đợi. Cộng đồng quốc tế chia rẽ. Dư luận Anh không thống nhất. Đảng cầm quyền cũng bị phân hóa. Tôi đang ở trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Sự căng thẳng đối với mọi người quanh tôi tưởng như không thể chịu nổi. Tại nhà riêng trên phố Downing, tôi gần giống như một thây ma, ăn uống lơ đãng, không nghe thấy câu hỏi của lũ trẻ, cố gắng giữ cho cuộc sống gia đình bình thường nhưng cả gia đình đều nhận thấy rõ rằng nó cực kỳ bất thường, ít nhất là vì cách tôi cư xử. Đôi khi tôi ép mình thư giãn và dừng làm việc, nhưng vấn đề này cứ như một cơn đau nhói liên miên không ngớt, không cho tôi quên nó dù chỉ một tích tắc và không ngừng nhắc nhở tôi phải giải quyết ngay.

Dần dần tôi buộc phải làm vậy. Tôi ngồi xuống và suy ngẫm ngọn ngành phải trái. Tôi biết rằng quyết định cuối cùng của mình là sẽ đứng về phía Mỹ, vì theo tôi đó là điều đúng đắn về mặt đạo đức và chiến lược. Nhưng vẫn nên cố gắng lần cuối tìm kiếm giải pháp hòa bình. Tôi quyết định làm hai việc. Thứ nhất là phân tích những lý do đạo đức để lật đổ Saddam nhằm đáp lại những lý do đạo đức của những người phản đối chiến tranh. Thứ hai là cố thêm một lần nữa đoàn kết cộng đồng quốc tế đằng sau căn cứ gây chiến rõ ràng trong trường hợp liên tục vi phạm nghị quyết.

Vào ngày biểu tình lớn ở London – ngày 15 tháng 2 – tôi phải phát biểu tại Hội nghị mùa Xuân của Công Đảng Scotland ở Glasgow. Tôi ngủ không ngon, những lý lẽ cứ lởn vởn trong đầu, nhưng quyết tâm nêu rõ vấn đề rằng dù họ cảm thấy thế nào về viễn cảnh ghê sợ nếu xảy ra xung đột, thì họ cũng không nên né tránh viễn cảnh khủng khiếp nếu Saddam tiếp tục nắm quyền. Trong khách sạn ở Edinburgh (nơi chúng tôi ở vì lý do an ninh), tôi ngồi tại bàn làm việc và viết bài diễn thuyết đến tận sáng sớm.

Caledonian là một khách sạn cổ tuyệt vời ở cuối phố Princes. Từ phòng mình tôi có thể nhìn thấy Arthur’s Seat nhô lên đằng sau Cung điện Edinburgh. Công trình kỳ vĩ có từ thế kỷ XIV đó là nơi diễn ra những buổi dạ hội mùa hè, nơi kèn trống khoa trương sức mạnh quân sự cổ đại của Scotland. Khi còn nhỏ vẫn còn ở Fettes tôi đã từng tới đó trong những kỳ nghỉ. Phóng tầm mắt ngoài khung cửa sổ khách sạn, nhìn ngắm những tảng đá, cung điện và tất cả những cảnh vật quen thuộc ở Edinburgh, tâm trí tôi đã sẵn sàng để viết bài phát biểu này.

Trung tâm hội nghị ở Glasgow được bảo vệ bao quanh. Vô số người chống đối tập trung ở phía ngoài. Các thành viên của đảng lắng nghe bài phát biểu của tôi một cách chăm chú. Thật ra, mọi người quan tâm tới luận điểm của tôi. Khi nói đến đoạn chính của bài phát biểu, tôi mô tả tình hình như sau:

Lý lẽ đạo đức để phản đối chiến tranh có một câu trả lời: đó chính là nguyên cớ để lật đổ Saddam. Đó không phải là lý do khiến chúng ta hành động. Việc này phải tuân theo quyết định của LHQ về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng đó chính là lý do vì sao, nói thẳng thắn, nếu chúng ta phải hành động, thì chúng ta nên làm vậy với lương tâm trong sạch.

Vâng, chiến tranh đem lại tổn thất. Nếu chúng ta lật đổ Saddam bằng vũ lực, sẽ có người phải nằm xuống, trong đó có cả người vô tội. Và chúng ta phải sống với những hậu quả do hành động của mình gây ra, kể cả là những hậu quả không dự tính trước. Nhưng “dừng cuộc chiến” cũng sẽ để lại những hậu quả.

Nếu tôi làm theo lời khuyên đó và không cương quyết giải trừ quân bị, vâng sẽ không có chiến tranh – nhưng Saddam vẫn còn đó. Nhiều người diễu hành hôm nay sẽ nói ghét Saddam, nhưng hậu quả của việc nghe theo lời khuyên của họ là ông ta vẫn sẽ nắm quyền ở Iraq, cai trị người dân Iraq. Một đất nước, mà vào năm 1978 trước khi ông ta nắm quyền, giàu có hơn cả Malaysia hay Bồ Đào Nha. Một đất nước mà ngày nay, trong số 1.000 trẻ em Iraq được sinh ra có tới 130 đứa trẻ chết trước khi lên 5, 70% trong số đó là do tiêu chảy và viêm đường hô hấp – những bệnh có thể dễ dàng phòng tránh. Một đất nước mà hơn 1/3 trẻ em sinh ra ở trung tâm và phía Nam Iraq bị suy dinh dưỡng mãn tính. Một đất nước mà 60% người dân sống phụ thuộc vào trợ cấp lương thực. Một đất nước mà một nửa dân số ở vùng nông thôn không có nước sạch.

Một đất nước mà hàng năm và hiện tại, hàng vạn người tù chính trị đang héo mòn vì điều kiện sống kinh khủng trong những nhà tù của Saddam và thường xuyên bị hành quyết. Một đất nước mà trong suốt 15 năm qua, hơn 150 nghìn người Hồi giáo Shia ở phía nam Iraq và người Hồi giáo Kurd ở phía bắc Iraq đã bị giết hại; với gần 4 triệu người Iraq tha hương khắp thế giới, bao gồm 350 nghìn người nay đang ở Anh.

Đây không phải là một thể chế ôn hòa nếu không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây là một thể chế đi ngược lại mọi nguyên tắc hay giá trị mà bất kỳ chính trị gia nào trong số chúng ta tin vào. Sẽ không ai diễu hành vì các nạn nhân của Saddam, không ai biểu tình vì hàng nghìn trẻ em chết đói hàng năm dưới ách thống trị của ông ta, không ai nổi giận vì những nhà tù tra tấn dã man mà ông ta đang duy trì.

Những ngày sau đó là một chuỗi những hoạt động ngoại giao, phát biểu, họp báo và các cuộc điện thoại. Giờ đây tôi hoạt động hoàn toàn trong trạng thái hưng phấn, cực kỳ tập trung, thông suốt đầu óc và theo dõi các nhà lãnh đạo khác đi đến quyết định cuối cùng. Một số quay ra ủng hộ Mỹ, một số chống lại, một số lảnh tránh. Đây là thời điểm khốn khổ đối với tất cả mọi người. Có quá nhiều rủi ro. Quan điểm của George rất rõ ràng: ngăn chặn những gì bất thường và khó đoán trước, Mỹ sẽ lật đổ Saddam. Toàn bộ sức mạnh của lực lượng vũ trang Mỹ đã tập trung quanh Iraq.

Điều trớ trêu, như tôi chỉ ra cho George, là ý định của Mỹ càng rõ ràng dứt khoát, thì thái độ của Saddam càng hướng về phía hợp tác. Điều này được phản ánh trong báo cáo Blix ngày 14 tháng 2. Trong khi báo cáo tháng 1 chỉ ra vi phạm Nghị quyết 1441, báo cáo tháng 2 chỉ ra dấu hiệu tăng cường hợp tác. Rõ ràng, Iraq ngày càng tích cực hợp tác khi mà viễn cảnh hành động vũ trang ngày càng đến gần, nhưng cũng rõ ràng là khó mà giải quyết được vấn đề trừ phi kẻ cầm quyền ở Iraq thay đổi một cách thực sự chứ không phải chỉ là tạm thời. Báo cáo cũng mô tả việc phát hiện Iraq nhập khẩu thêm nguyên liệu cho tên lửa tầm xa – hành vi vi phạm nghị quyết LHQ và những khó khăn trong việc truy tìm vi khuẩn than, tác nhân thần kinh VX nếu Iraq không hợp tác hơn nữa. Báo cáo kết luận rằng: “Nếu Iraq hợp tác vào năm 1991, quá trình giải trừ quân bị – theo Nghị quyết 678 (năm 1991) đã tốn ít thời gian hơn và tránh được một thập kỷ trừng phạt. Hiện nay, 3 tháng sau khi Nghị quyết 1441 (năm 2002) được thông qua, quá trình giải trừ quân bị vẫn có thể tốn ít thời gian nếu Iraq chịu “hợp tác ngay lập tức, tích cực và vô điều kiện” với UNMOVIC và IAEA.” Họ hy vọng rằng sẽ giải trừ được quân bị của Iraq, nhưng báo cáo vẫn kết luận rằng mức độ hợp tác của nước này chưa đáp ứng đủ yêu cầu của nghị quyết LHQ ba tháng trước đây.

Ngay cả trong báo cáo của mình với LHQ ngày 7 tháng 3, đây cũng là những gì mà Hans Blix nói về sự hợp tác của Iraq. Dù khẳng định rằng sự hợp tác đang gia tăng, mà ông cho rằng “nhiều khả năng là do áp lực bên ngoài”. ông tiếp tục đặt ra vấn đề về phỏng vấn và tài liệu:

Rõ ràng, dù nhiều động thái về phía Iraq có thể được coi là “chủ động”, hoặc thậm chí là “tiên phong”, nhưng những động thái sau khi nghị quyết mới ra đời tới 3, 4 tháng thì không thể coi là hợp tác “ngay lập tức” được.

Quan trọng nhất, về vấn đề cốt yếu – phỏng vấn, Blix sẽ không thể nhận được sự hợp tác. Điều này chỉ xảy ra sau tháng 3 năm 2003 với Nhóm Nghiên cứu Iraq (ISG). Vì thế mặc dù cả chúng ta và Blix đều muốn có thêm thời gian, nhưng khoảng thời gian ấy khó mà mang lại điều gì ngoài kết luận sai lầm rằng vì Saddam không có chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt nào, nên ông ta không phải là một mối đe dọa.

Vấn đề phỏng vấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Cuối cùng thì phỏng vấn chính là cách giúp ISG tìm ra sự thật của toàn bộ vụ việc. Thực tế, Saddam sẽ không bao giờ cho phép những người đứng đầu bộ máy của mình để lọt tin tức ra ngoài. Tháng 12 năm 2002, chỉ sau khi Blix và UNMOVIC đã vào Iraq, chúng ta mới biết rằng Saddam đã gọi những người chủ chốt, trực tiếp làm việc về vấn đề vũ khí tới và nói với họ rằng bất kỳ ai tiến hành phỏng vấn ngoài Iraq sẽ bị đối xử như một điệp viên của kẻ thù. Về sau vào năm 2004, ISG tìm ra bằng chứng của một buổi họp gồm hơn 400 nhà khoa học do Taha Ramadan (phó Tổng thống Iraq) chủ tọa, ngay trước khi đoàn thanh tra quay lại. Trong cuộc họp đó, Taha Ramadan đã cảnh báo họ về những hậu quả khủng khiếp nếu đoàn thanh tra tìm thấy bất kỳ điều gì cản trở việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Dĩ nhiên nghĩa vụ theo Nghị quyết 1441 hoàn toàn ngược lại: tiết lộ mọi điều liên quan đến việc kiểm tra. ISG cũng phát hiện ra rằng khi tiếp tục kiểm tra, các chuyên gia nước ngoài đã bị hạn chế ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra.

Vì thế nói cho cùng, nỗ lực của tôi có thể là vô ích, mặc dù vào lúc đó tôi nghĩ rằng các cuộc phỏng vấn có thể đem lại kết quả nào đó.

Nhưng khi báo cáo lấp lửng này nối tiếp báo cáo lấp lửng kia, thì các ý kiến ngày một phân cực.

Dư luận ở đa số các nước châu Âu phản đối mạnh mẽ. Ở Tây Ban Nha, José María Aznar nói với tôi rằng chỉ có 4% người ủng hộ hành động quân sự. Tôi đáp lại ông ấy rằng đó cũng tương đương số phần trăm những người tin rằng Elvis vẫn còn sống. Nhưng ông ấy là một người cứng đầu và sẽ kiên quyết với Mỹ. Ông ấy tin, giống như tôi, rằng nhiều khả năng có mối liên hệ nào đó giữa sự gia tăng vũ khí hủy diệt hàng loạt với các nhóm khủng bố; và rằng bây giờ chính là thời điểm quyết định lập trường đối với thể chế Saddam – thể chế đã sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nhưng ông ấy cũng, giống như tôi, cho rằng việc xây dựng một nghị quyết LHQ mới cho phép tấn công, nếu có thể, là rất quan trọng. Jack, Hilary Armstrong, Sally, tất cả những người thân cận nhất với tôi đều khuyên rằng nếu không có một nghị quyết LHQ đồng ý sử dụng vũ lực, hoạt động chính trị của tôi sẽ rất khó khăn và có thể phải dừng lại. Tôi hỏi Alastair về khả năng tôi phải từ chức. “Khoảng 20%”, ông ta nói. “Phải 30%”, tôi trả lời, “và sẽ ngày càng tăng.”

Các phiên họp nội các vẫn diễn ra đều đặn và nhìn chung mọi người đều thông cảm. Robin rõ ràng là đang mong chờ một lối thoát, nhưng ông ta làm điều đó với sự minh bạch và không có ý định xấu nào (vào thời điểm đó) đối với cá nhân tôi.

Clare vẫn cư xử như bình thường. Một trong những điều kỳ quặc nhất mà người ta thường nói về việc quyết định chiến tranh đó là: một nhiệm vụ của riêng một người, bàn thảo với một vài cố vấn đặc biệt trên sofa trong phòng làm việc, mà không có sự xuất hiện của Nội các. Thực ra, đây là chủ đề thảo luận của hầu hết mọi phiên họp Nội các trong suốt gần 6 tháng, không chỉ có tôi mà cả Jack và Geoff Hoon giải trình cặn kẽ và mọi người không chỉ có quyền phát biểu, mà thực sự đã tranh luận và bảo vệ ý kiến của mình.

Đây cũng là hành động vũ trang duy nhất cần được Hạ viện chấp thuận trước. Các nhà lãnh đạo Đảng Đối lập được cung cấp thông tin kỹ càng và được gặp các nhà tình báo và chỉ huy quân sự.

Cả hai nhà lãnh đạo Đảng Đối lập đều cư xử một cách nhã nhặn và đáng kính. Charles Kennedy phản đối chiến tranh, điều này đã rõ, nhưng ông ta trình bày quan điểm một cách ý tứ và thân thiện; và tôi nghĩ ông ta cũng hiểu rằng tôi đang ở vào thế khó.

Iain Duncan Smith từ lâu đã ủng hộ việc tấn công Saddam. Ông cho rằng Saddam là một mối đe dọa, sẽ không bao giờ thay đổi và cần phải được giải quyết triệt để. Ông đã viết một cuốn sách rất cương quyết về vấn đề này hồi đầu năm 2002. Giống như những vị cựu Bộ trưởng dưới thời Thatcher và là người theo Đảng Bảo thủ, ông phản đối việc Anh thắt chặt quan hệ với EU nhưng ủng hộ mạnh mẽ quan hệ liên minh với Mỹ. Ông ra sức ủng hộ và tôi rất biết ơn vì điều này. Thêm vào đó, khác với đồng nghiệp của mình, ông không phải là một người hay thay đổi, “gió chiều nào che chiều đó” mà luôn giữ lập trường của mình kể cả trong trường hợp “gió đổi chiều”.

Rõ ràng, tôi cần các lá phiếu của Đảng Bảo thủ để có thể chắc chắn giành phiếu thuận trong Hạ viện và chúng tôi đã cam kết một lá phiếu trước khi hoạt động diễn ra. Vì thế tôi biết mình sẽ có lá phiếu đó. Nhưng – chữ “nhưng” ở đây khá lớn – các thành viên Đảng Bảo thủ đã thể hiện rõ rằng nếu có động thái “không –tin tưởng” sau khi bỏ phiếu về xung đột, họ sẽ đứng về phía những kẻ chống đối. Trong trường hợp đó, tôi sẽ thua. Vì thế tôi phải thắng bằng cách ngăn cản những người ở phe mình đứng về phía đối phương cho tới khi chấp thuận việc họ sẽ bỏ phiếu chống lại Chính phủ nếu có động thái “không –tin tưởng”.

Vào thứ Tư ngày 5 tháng 3, khi Pháp, Đức và Nga tuyên bố chung tách ra khỏi liên minh Mỹ, Jack đến gặp tôi sau chương trình chất vấn Thủ tướng. Ông ta thực sự lo sợ về một vụ bùng nổ chính trị. “Nếu thứ Tư tuần sau ngài đi với Bush mà không có nghị quyết thứ hai, thể chế duy nhất sẽ thay đổi chính là thể chế trong căn phòng này.” Ông nói như một người bạn và một đồng nghiệp; và ông ấy đã nói thật lòng.

Tôi phát hiện ra rằng Andrew Turnbull, người kế nhiệm Richard Wilson làm Thư ký Nội các vào tháng Chín năm 2002, đang lặng lẽ nghiên cứu các quy định của Công Đảng và chính sách với Chính phủ trong trường hợp tôi từ chức. Chắc là John Prescot sẽ lãnh đạo Chính phủ và sẽ có một loạt những hệ quả hành chính mà Andrew phải giải quyết. Anh ta làm việc đó không phải một cách lén lút; anh ta có quyền nghiên cứu mọi khả năng và đây chắc chắn là một trong số đó. Nhưng khi biết chuyện, tôi cười gượng và nghĩ rằng: Đây rất có lẽ là những ngày đương nhiệm cuối cùng của mình.

Tôi gắng hết sức tìm cách giải quyết theo con đường ngoại giao. Ngày 7 tháng 3, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi Putin tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết thứ hai nào. Tôi biết rằng mình còn khoảng 10 ngày để các thanh tra có thêm chút thời gian. Tôi vẫn nghĩ rằng có thể, dù cơ hội ngày càng mong manh, khiến Saddam đầu hàng; hoặc chúng ta có thể cử một lực lượng thanh tra của LHQ tới Iraq thực hiện quá trình giải trừ quân bị một cách hiệu quả. Trong lúc đó, tôi nghĩ ra ý tưởng của riêng mình, ý tưởng mà tôi đã trao đổi với Hans Blix và một số nước không liên kết trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Có 5 thành viên cố định trong Hội đồng Bảo an LHQ. Rồi có 10 thành viên không cố định do các nước thay phiên nhau đảm nhiệm. Các vị trí này chủ yếu là cho các quốc gia Nam Mỹ, châu Phi hoặc châu Á. Mỗi thành viên cố định có một phiếu phủ quyết. Các thành viên không cố định thì không.

Thực ra ý tưởng của tôi nảy sinh từ sự mập mờ trong các báo cáo của thanh tra LHQ mà Hans Blix đã trình. Các báo cáo này, theo lời Mỹ, là bằng chứng cho thấy Iraq đã vi phạm Nghị quyết tháng 11 năm 2002 của LHQ. Vì thế, họ cho rằng, về mặt chính sách và luật pháp, tiến hành hành động vũ trang là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, chính bạn có cũng có thể nói rằng: Đúng là Iraq không hoàn toàn hợp tác, nhưng họ cũng đã phần nào hợp tác rồi. Và hiển nhiên chúng ta có thể chỉ ra những lĩnh vực không hợp tác, ví dụ như việc từ chối cho phép tiến hành phỏng vấn ngoài Iraq, việc không trình được các tài liệu liên quan, việc từ chối cung cấp chứng cứ tiêu hủy các chất trái phép, v.v… Tôi cho rằng: chúng ta sẽ soạn thảo một văn bản với các thanh tra LHQ, nêu rõ những vấn đề chưa được giải quyết, mặt sau của văn bản này sẽ là các yêu cầu mà Saddam phải thực hiện ngay tức khắc và chúng ta cho họ một thời hạn – 7 ngày – để bắt đầu hợp tác hoàn toàn, nếu không chúng ta sẽ tiến hành các hành động vũ trang. Blix cho rằng Saddam có thể sẽ đồng ý. Tôi nhận nhiệm vụ rất khó khăn là thuyết phục Mỹ.

Một lần nữa, tôi tập trung vào vấn đề phỏng vấn. Về vấn đề này, tôi đã có nhiều cuộc thảo luận với Hans Blix. Tôi nói với ông ta rằng chúng ta phải đưa những người quan trọng ra khỏi Iraq. Đây là cách duy nhất khiến họ dám nói thật. Ông tỏ ra miễn cưỡng. Họ có thể bị giết, ông nói, hoặc gia đình họ sẽ bị tra tấn. Ông ta thấy không gánh nổi trách nhiệm đó. Tôi cảm thấy hơi khó chịu. Nếu chính quyền Saddam giết họ, hành động đó sẽ thuyết minh hùng hồn cho những hành động của Saddam và có hay không việc tuân thủ Nghị quyết 1441? Dù sao thì cuối cùng ông ta cũng mủi lòng.

Những người quanh tôi đã đi đến quan điểm này: nếu đặt một nghị quyết với lịch trình như vậy trước Hội đồng Bảo an và bị phủ quyết, chúng ta vẫn có thể chấp nhận được, miễn là được phần đông Hội đồng ủng hộ. Đây là vấn đề chính trị chứ không phải hành động pháp lý.

Trong tuần từ ngày 7 đến ngày 14 tháng 3, tôi có lịch điện thoại dày đặc. Vì phải nói chuyện với nhiều người ở múi giờ EST (thời gian chuẩn phương Đông), tôi thường thực hiện các cuộc gọi vào tờ mờ sáng. Thuyết phục George quả là một nhiệm vụ khó khăn. Cả bộ máy của ông ta hoàn toàn phản đối điều này. Quân đội của ông ta lo sợ một cách chính đáng rằng việc trì hoãn sẽ cho đối phương thêm thời gian – và thời gian đồng nghĩa với một cuộc chiến khốc liệt hơn và mất nhiều sinh mạng hơn. Điều này cũng gây phiền não cho quân đội của tôi. Chúng tôi đã lập tất cả các loại kế hoạch sẵn sàng đối phó với từng hành động mà Saddam có thể tiến hành. Có thể là đốt cháy các mỏ dầu, thả chất độc hóa học hoặc tồi tệ hơn, chất độc sinh học, hoặc tấn công Israel. Những sự kiện trong quá khứ khiến chúng ta khó có thể tin rằng ông ta là một người đáng tin hay có tính nhân đạo. Trước đây đã có cảnh báo về mối đe dọa này.

Dù vậy tôi nghĩ vẫn đáng thử một lần. Ricardo Lagos, Tổng thống của Chile là một đồng minh, một người đàn ông thực sự thông minh và nhạy cảm, một chính trị gia tân tiến duy chỉ thiếu lòng dũng cảm để làm những công việc khó khăn. Cả ông và Tổng thống Fox của Mexico đều ở trong tình thế không hề dễ chịu chút nào. Họ đều là những đồng minh lớn của Mỹ nhưng tư tưởng chủ nghĩa của họ lại kịch liệt phản đối chiến tranh.

Tôi nêu rõ lý do trì hoãn của mình trong một công hàm gửi George. Sau đó chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện điện thoại. Dù khó nhưng tôi cố gắng trình bày rõ ràng qua điện thoại và George đã miễn cưỡng đồng ý. Chúng tôi chuẩn bị tài liệu với nhóm người của Blix. Trong đó có 5 bài kiểm tra. Điều này có thể, đặc biệt là trong các cuộc phỏng vấn, moi được thông tin về những gì mà họ đang che dấu và xác định liệu họ có chút thành thật nào không.

Chile và Mexico đã chuẩn bị để tham gia nhưng chỉ ở một chừng mực nào đó. Ricardo đã làm rõ rằng nếu Pháp phản đối mạnh mẽ, sẽ rất khó để họ có thể tham gia vào cái mà sau này sẽ là một lá phiếu chiếu lệ, không thể được thông qua bởi một phủ quyết – và hơn cả một phủ quyết của Nga, đó là phiếu phủ quyết của Pháp.

Thật không may là vị trí của Pháp ngày càng vững chắc hơn chứ không yếu đi. Họ đã bắt đầu tuyên bố rằng trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ không ủng hộ hành động vũ trang bất luận cho các thanh tra có tìm được gì đi nữa. Họ đã xây dựng được một mối quan hệ tay ba mới và rất vững chắc với Đức và Nga. Nó trở thành một cực quyền lực thay thế, chống lại Mỹ và mang lại cho họ lợi ích về cảm tình từ người Hồi giáo và Ả Rập.

Tôi quyết định rằng dù sao đi nữa thì chúng tôi cũng phải bàn bạc về năm bài kiểm tra đó. Chúng tôi đã làm vậy vào sáng sớm ngày thứ Năm, 13 tháng 3. Chúng tôi ngay lập tức bị Pháp từ chối. Jacques Chirac đã đưa ra một tuyên bố hùng hồn rằng trong bất cứ trường hợp nào ông ta cũng sẽ không ủng hộ các hành động vũ trang. Dominique de Villepin, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao, là người mà tôi thực sự quý mến, nhưng không đồng tình với tôi về điều này và từ chối sử dụng bài kiểm tra. Điều này xảy ra trước cả khi Iraq phản ứng. Ricardo sau đó đã giải thích rằng, trong tình thế này ông ta không thể tham gia vào trò chơi đố chữ rõ là phù phiếm ở Hội đồng Bảo An. Con đường LHQ đã bị chặn lại.

Trong lúc đó chúng tôi đã giải quyết xong các vấn đề pháp lý của mình.

Mùng 7 tháng 3, Peter Goldsmith đệ trình ý kiến cuối cùng của ông. Như tôi đã nói trước đây, ông tới Washington bàn bạc kỹ lưỡng với các luật sư của Chính phủ. Ông đưa ra các lý lẽ để bênh vực và chống lại và cuối cùng thì tỏ ra đồng tình. Sau đó, Peter phải chịu nhiều áp lực vì đã hành động như vậy. Sự thật ông đã và đang là một người thật sự liêm chính. Ông muốn chắc chắn. Điều này thật khó. Hệ thống luật sư trên thế giới rất rộng và với vấn đề này mỗi luật sư lại có chính kiến riêng của họ. Ông cảm nhận được trách nhiệm sâu sắc, như ông cần phải có. Rõ ràng là có một lý do pháp lý để phản đối, nhưng cũng có lý do để ủng hộ. Ông đã tranh luận, bàn bạc, chỉ trích và đưa ra quyết định. Ý kiến của ông được cân bằng. Những luận điểm của ông cũng cân bằng. Ông đã hoàn thành công việc của mình.

Peter cũng là một trong số hiếm hoi những luật sư chịu trách nhiệm quản lý hành chính có tài điều hành thực sự. Những thay đổi mà Peter thực hiện đối với vai trò của một Trưởng Công tố, đối với Hệ thống Công tố Anh và luật hình sự đã tạo nên một khác biệt to lớn cho chất lượng của hệ thống. Ông chịu đựng được tính thiếu nhẫn nại thường xuyên biểu hiện ra ngoài của tôi (không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách lịch sự), với tòa án về việc giải quyết vấn đề nhập cư, khủng bố và tị nạn. Ông là một người chặt chẽ về mặt thủ tục chính xác. Vì thế, ông là người cấp tiến với khả năng biến thuyết cấp tiến thành những thay đổi thiết thực.

George và tôi đã hẹn gặp ở Azores vào ngày 16 tháng 3, một phần là để thuyết phục Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những nước đều rất ủng hộ và Thủ tướng của hai nước cũng đều chịu áp lực lớn từ phía những ý kiến thù địch của quốc hội và công luận. Bây giờ rõ ràng không thể tránh hành động vũ trang xảy ra, điều này sẽ cản trở việc Saddam tự nguyện ra đi. George đồng ý gửi cho hắn một tối hậu thư, cho hắn cơ hội rút lui cuối cùng. Không ai hy vọng gì rằng hắn sẽ đồng ý. Alastair, Johnathan và David đã làm việc cật lực với nhóm người của Bush, đặc biệt là Condoleezza Rice, để đưa ra tuyên bố thích hợp vào đúng thời điểm.

Tình hình ở Anh tiếp tục bất ổn. Vào ngày 11 tháng Ba, Donald Rumsfeld vô tình gây thêm rắc rối khi đề xuất ở một cuộc họp báo rằng có lẽ chúng ta không nên tham gia vào hành động quân sự đầu tiên do vấn đề chính trị nội bộ của nước Anh. Một vài người nghĩ ông ta đang cố đe dọa chúng tôi. Tôi thấy nói như vậy là nói bừa. Ông ta thực ra đang cố gắng giúp sức. Tuy nhiên điều đó không giúp được gì cả và sau đó quân đội hoàn toàn quyết tâm tham chiến ngay từ đầu và bực bội khi nghĩ đến chuyện chúng tôi sẽ chỉ xếp ở hàng thứ hai.

Robin Cook tới và thông báo rằng, nghị quyết thứ hai là điều không thể, vì thế ông sẽ từ chức và chúng tôi cùng nhau soạn thảo tuyên bố từ chức trong không khí hết sức thân thiện. Tôi hiểu tầm quan trọng của nghị quyết thứ hai trong sinh mệnh chính trị của mình. Tôi thú thực rằng mình luôn suy nghĩ một cách hơi kỳ cục về mặt đạo đức của việc tấn công hay không tấn công. Đúng là tấn công chính đáng, nhưng việc chúng ta có đạt được một nghị quyết thứ hai hay không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào quan điểm chính trị của Pháp và Nga cũng như những toan tính về lợi ích chính trị của họ. Chúng ta đã từng hành động ở Kosovo mà không có sự cho phép của LHQ. Tôi nghi ngờ liệu có bao giờ chúng ta được Hội đồng Bảo an đồng ý về vấn đề Bosnia hay Rwanda không. Tôi không bao giờ nghĩ về điều này đối với Sierra Leone. Tuy nhiên cũng thật khó để tranh cãi rằng, xét về mặt đạo đức, trong mỗi tình huống như thế này chúng ta không nên can thiệp. Hơn nữa, nếu như mọi việc trở nên khó khăn, như chúng ta từng thấy ở Afghanistan, thì chỉ riêng sự cho phép của LHQ cũng không thể ràng buộc được ai.

Tuy nhiên, nếu như chúng ta có được sự cho phép đó thì tình hình chính trị, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định, có thể sẽ trở nên cực kỳ êm xuôi. Nhưng chúng ta không làm được và các lựa chọn đã rõ ràng dành cho các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia vào thời điểm đó: tham gia hay không tham gia? Chúng ta có thể đếm sơ sơ 30 nước trong khối liên minh quân sự, nhưng chỉ riêng Mỹ và Anh cũng đủ mạnh rồi.

Vào sáng ngày 16 tháng 3, chúng tôi dậy sớm và bay tới Azores. Đó quả là một sự kiện kỳ cục. Ngoài mặt thì chúng tôi vẫn hướng tới một giải pháp chính trị, vẫn hy vọng mong manh rằng Ả Rập sẽ có sáng kiến lật đổ được Saddam hoặc giả như Saddam sẽ đầu hàng.

George đã đồng ý và chúng tôi sẽ giữ mọi tia hy vọng cuối cùng về khả năng giải quyết hòa bình. Chúng tôi ngồi nói chuyện một hồi trong căn phòng chờ nhỏ, ở bên ngoài là phòng chính nơi cuộc họp diễn ra. Đó là ở căn cứ không quân Lajes và cơ sở vật chất đều rất đơn sơ, giống như ở mọi căn cứ không quân quân sự khác, phòng chức năng, trang trí khá đơn giản với vài viên gạch ốp Bồ Đào Nha trên tường. Hòn đảo này rất đẹp, từ trên máy bay chúng tôi đã nhìn thấy hình dáng xinh đẹp xa xa của nó nhưng không có thời gian đi thăm thú xung quanh.

Chúng tôi diễn tập lại các luận điểm chính. Và George hoàn toàn bình tĩnh. George nghĩ rằng chúng tôi phải gửi đi một thông điệp cực kỳ rõ ràng để tuyên bố cho toàn thế giới rằng: Bất cứ đối tượng nào quan tâm đến việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt thì kẻ đó sẽ bị chúng tôi trừng trị. Hơn cả tôi, Goerge đặc biệt quan tâm đến khả năng các nhóm khủng bố nắm giữ được nguyên liệu vũ khí hủy diệt hàng loạt. “Tôi sẽ không chịu làm một vị tổng thống ngồi yên nhìn thảm kịch xảy ra” – ông ta nói. “Tôi yêu đất nước mình và những kẻ đó hăm dọa bằng sự căm ghét mà chúng dành cho chúng tôi.”

Quan điểm của George Bush về thế giới thật đơn giản. Mặt khác, sự đơn giản ấy bắt nguồn từ cách phân tích trực tiếp vấn đề một cách chặt chẽ. Ngoài những khuyết điểm hạn chế tự nhiên trong bất kỳ cộng đồng người nào, Mỹ là một đất nước vĩ đại và tự do. Có rất nhiều thứ về Mỹ mà tôi thấy khó có thể so sánh với cách mà người châu Âu nghĩ về mọi vật: việc sử dụng súng ống, hình phạt tử hình, hệ thống nhà tù và một cái gì đó giống như là sự lãnh cảm với cái nghèo đói trong thành phố. Nhưng rất nhiều người Mỹ cũng không đồng tình với những điều này.

Không điều nào trong danh sách kể trên làm suy giảm sức mạnh, sức hấp dẫn và sự tốt đẹp của Mỹ. Tôi biết cụm từ “sự tốt đẹp của Mỹ” nghe có vẻ kỳ quặc nhưng họ và chúng tôi có hệ thống Nhà nước với những quyền cơ bản và tự do thực sự “tốt đẹp”. Giờ đây, một vài quốc gia vẫn chưa đạt được tự do nhưng vẫn đang trên con đường tiến tới tự do và rồi cũng sẽ đến đích. Tôi tin rằng Trung Quốc là một quốc gia như thế. Đất nước này có những vấn đề riêng. Là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới với hơn 50 dân tộc. Sẽ mất thời gian để phát triển về chính trị. Chúng ta nên nhạy cảm với những điểm nhấn và giai đoạn trong quá trình phát triển đó.

Nhưng bạn hãy thử nhìn vào những quốc gia khác và bạn sẽ không thấy một dấu hiệu cải cách nào. Bạn thấy, thay vào đó là quyền lực lộng hành, quốc gia thụt lùi, người dân bị áp bức và tương lai mờ mịt. Không có động lực, viễn cảnh tươi đẹp nào cho những cuộc đấu tranh hiện tại, chỉ có một chân trời tít tắp màu tuyệt vọng.

Với những con người sống trong sự tiêu điều ảm đạm đó, nước Mỹ nổi bật lên, rực sáng. Nước Mỹ có thể không phải là một ngôi nhà trên mảnh đất mà họ mong muốn, nhưng đó là một ngôi nhà mà họ có thể thấy từ xa và để thấy, để biết rằng cách mà họ đang sống không phải là cách mà họ phải sống.

Khi tôi nhìn lại quá khứ và đọc lại tài liệu ký ức về các cuộc bàn cãi, các cuộc triệu tập họp và các buổi mít tinh khốn khổ ấy lại ùa về. Tôi biết rằng sẽ không bao giờ có chuyện Anh không sát cánh với Mỹ tại thời điểm đó. Một khi chúng tôi sụp đổ, thì đường lối của Liên Hợp Quốc và Saddam cũng đã phạm phải sai lầm. Đương nhiên tuyên bố trên còn tùy thuộc vào hành động của những thành phần cực đoan. Một hành vi công kích điên rồ ư? Không, chúng ta sẽ không ủng hộ điều đó. Nhưng theo như những gì đã xảy ra, không thể chỉ coi Saddam là một mục tiêu điên rồ được.

Cá nhân tôi không nghi ngờ việc chúng ta sẽ phải xử lý ông ta vào một lúc nào đó. Nhưng như đã từng nói trong bài diễn văn tại Glasgow, tôi cũng trấn tĩnh lại bản thân rằng nếu chúng tôi sai, thì chúng tôi cũng đã loại bỏ tên bạo chúa rồi. Theo lẽ tự nhiên, tôi thích làm việc đó hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng ý thức được rằng sự chia rẽ trong quan điểm của cộng đồng quốc tế có nghĩa là chúng tôi đang hoàn toàn kiểm soát toàn bộ những sự việc đang diễn ra và trong chiến tranh, các sự việc luôn khó kiểm soát và không thể dự đoán được. Nên khi rời khỏi Azores, tôi biết là thương vong sẽ bớt đi. Tôi nhận thức được sự cô lập, sự ràng buộc quyền lực và – một suy nghĩ thật khó chịu về sự phụ thuộc tuyệt đối vào những việc làm đúng, chứ không phải những việc làm sai. Hơn nữa, đây là lần đầu tôi giao cho các đội bộ binh nhiệm vụ lật đổ một bộ máy mà trong khi vai trò của chúng ta chỉ là thứ yếu và không được tham gia vào sắp xếp chiến lược. Đúng là đội quân Anh tại Afghanistan sẽ lo phần trên bộ, nhưng động thái đầu tiên lại là một chiến dịch trên không. Lần này chúng tôi sẽ chiến đấu với quân lính của Saddam, những kẻ đã từng trải qua 2 cuộc chiến trước đây và chúng cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ vị trí cũng như đặc quyền của chúng trong bộ máy chính quyền Iraq.

Khi nhìn ra khỏi cửa sổ máy bay BA sau chuyến đi một ngày và ngắm bờ biển Azores xa mờ dần, tôi biết những cuộc đời kia sẽ kết thúc hoặc thay đổi bởi quyết định này. Nhưng tôi cũng vẫn bình tĩnh, bình tĩnh vì số phận của tôi cũng được gắn chặt với biết bao nhiêu số phận kia. Tôi đang làm việc mình cho là đúng. Nhưng Chúa ơi, tôi ước gì mình không phải làm việc này.

Chúng tôi tổ chức một cuộc họp Nội các khẩn cấp vào thứ Hai. Robin đã từ chức nên không tham gia. Tôi cho mọi người tranh luận lại lần nữa. Cuối cùng tôi cũng khiến George tham gia vào Bản Đồ Đường. Việc này rất quan trọng đối với quá trình thiết lập lại hòa bình ở Trung Đông. Đặc biệt là nó giúp cung cấp khung chương trình cho các bước tiến tới hòa bình giống như việc nó đang làm ở hiện tại. Nó đã từng bị người Israel phản đối (thật mỉa mai vì sau đó họ lại ủng hộ nó mạnh mẽ) và bộ máy Mỹ lúc ấy lại hoàn toàn thờ ơ, nhưng nó được trân trọng viết ra cho người Palestine, cho vương quốc Ả Rập và EU. Sau rất nhiều cuộc tranh luận và bàn cãi, chúng ta đã thuyết phục được Mỹ ký và thậm chí còn có được sự tham gia đặc biệt trong tối hậu thư của Mỹ gửi tới Saddam.

Ngoại trừ Clare Short ra các thành viên Nội các đều rất ủng hộ. Tất cả những thành viên trung thành nhất đều tham gia. John Prescott rất cứng rắn. Derry Irvine cũng tham gia một cách rất có ích bằng việc nói rằng Pháp đã không dọa khi nói sẽ bác bỏ bất kỳ nghị quyết nào cho phép các hành động quân sự, chúng ta đã có thể đưa ra nghị quyết thứ hai và vấn đề là sự cố gắng của chúng ta dành cho nghị quyết thứ hai ấy nhiều đến mức khiến cho mọi người tưởng là chúng ta thật sự đang cần phải có nó.

Rồi tới cuộc thảo luận ở Hạ Nghị Viện. Tối hậu thư của Bush, sau khi đã được thay đổi, được đưa ra bàn bạc, cuối cùng đã trở nên công bằng hơn, bảo vệ quyền lợi người dân Iraq hơn. Đối với tôi, nó giúp cải thiện tiến trình hòa bình ở Iraq. Đêm hôm đó và sáng thứ Ba, tôi đã hoàn tất bài diễn văn của mình – bài diễn văn quan trọng nhất mà tôi từng nói. Những lúc như thế này, tôi chỉ muốn viết để giãi bày tâm sự.

Cuộc tranh luận diễn ra suôn sẻ. Tôi nói về lịch sử sự trôi nổi vĩnh cửu của các nghị quyết LHQ và luật quốc tế, sự bỏ cuộc của các thanh tra và quân đội vào năm 1998. Tôi giải thích tại sao chúng ta không thể để chuyện này tiếp diễn, nhất là sau vụ 11 tháng 9, chúng ta phải thể hiện một cách phô trương nhất việc hệ thống an ninh đã thay đổi và sự khoan dung của chúng ta đối với bộ máy yếu kém mà vốn được sử dụng và phát triển WMD cũng cần được thay đổi.

Trong một đoạn mà tôi hối hận vì đã viết ra và suýt nữa bỏ đi, tôi đề cập đến những năm 30 của thế kỷ XX và sự phủ nhận suốt một thời gian dài của cộng đồng quốc tế về việc Hitler là một mối đe dọa. Tôi cẩn thận tránh đưa Saddam và Hitler về cùng một chủ đề và gạt bỏ những so sánh kệch cỡm giữa năm 2003 và 1933. Nhưng tôi đề cập đến việc mọi người ở Munich đã vui mừng như thế nào khi họ biết các hành động quân sự được gạt bỏ.

Giờ tôi sẽ nói theo một cách khác. Thật ra đây là sự kiện tương tự, việc dẫn đến hành động quân sự là tác động nhỏ, tác động chủ yếu là liên quan đến quan điểm về chủ nghĩa cực đoan do sự biến thái của một bộ phận tín đồ Hồi giáo và thái độ của chúng ta về nó, cũng như thái độ của chúng ta về hiểm họa Phát xít đang gia tăng. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều lưỡng lự tin rằng mình thực sự đang ở trong một cuộc chiến. Trong cả hai trường hợp, ham muốn hòa bình làm chúng ta mờ mắt trước sự hiếu chiến và hung hăng của quân địch. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều cố gắng bào chữa cho hành động của đồng loại và khẳng định rằng trong hoàn cảnh khác chúng ta chắc chắn sẽ căm ghét chúng. Trong cả hai trường hợp, mọi chuyện đều có vẻ xa vời và chúng ta tự hỏi: Sao chúng ta lại phải can thiệp?

Tôi tóm tắt lại vấn đề cơ bản như sau:

Hãy để tôi trình bày cho các bạn nghe những gì tôi biết. Tôi biết là có những quốc gia, những đảng phái, băng nhóm ở các quốc gia đang đẩy mạnh việc trao đổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là công nghệ vũ khí hạt nhân. Tôi biết có những tổ chức, cá nhân và các nhà cựu khoa học của chương trình vũ khí hạt nhân đang mua bán thiết bị, kiến thức cũng như thông tin. Tôi biết có vài quốc gia, phần lớn là các nước có bộ máy đàn áp và tư tưởng độc tài, đang cố thu thập vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và đặc biệt là đang phát triển vũ khí hạt nhân. Một vài nước này sắp trang bị được đầy đủ vũ khí hạt nhân cho mình. Các hoạt động này không hề giảm đi, mà đang tăng lên.

Tất cả chúng ta đều biết rằng các nhóm khủng bố hiện nay đang hoạt động tại các nước lớn. Mới chỉ trong 2 năm vừa qua, khoảng 20 nước khác nhau đã phải gánh chịu các vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng.

Không kể vụ 11 tháng 9, hàng ngàn người đã chết trong các vụ khủng bố này. Mục đích của những kẻ khủng bố không chỉ nhằm thực hiện những hành vi bạo lực mà còn là để gieo rắc những nỗi kinh hoàng, khiếp sợ, để kích động, chia cắt, gây tai họa. Những vụ khủng bố trên toàn thế giới gây ảnh hưởng xấu đến những diễn tiến chính trị – ở Trung Đông, Kashmir, Chechnya và châu Phi. Việc loại bỏ Taliban là một bước tiến lớn, đúng vậy. Nhưng khủng bố vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Hai mối đe dọa trên dĩ nhiên có những động cơ và khởi nguồn khác nhau, nhưng chúng có chung một cơ sở: chúng căm ghét tự do, dân chủ và sự bao dung, vốn là những tiêu chuẩn đảm bảo cho cuộc sống của chúng ta. Vào thời điểm này, tôi phải thừa nhận rằng mối liên hệ giữa chúng không chặt chẽ nhưng đang ngày càng phát triển. Khả năng diễn ra sự liên kết giữa chúng – những nhóm khủng bố nắm trong tay những vũ khí có sức công phá lớn hoặc thậm chí một loại bom tia X đáng sợ nào đó – theo đánh giá của tôi, thực sự là một mối nguy hiểm hiển hiện đối với nước Anh và an ninh quốc gia.

Hãy để tôi giải thích thêm về những mối nguy này. Chỉ ba kg VX từ một vụ phóng tên lửa có thể phá hủy 0,25 km² của một thành phố. Một lít vi khuẩn than đã có thể chứa hàng triệu liều thuốc độc chết người, với khối lượng độc chất chưa trong 10.000 lít thì thật không thể hình dung nổi hậu quả lớn tới đâu. Những gì xảy ra trong vụ 11 tháng 9 có tác động lớn đối với tâm lý của người Mỹ – điều đó là rõ ràng – nhưng tâm lý của người dân toàn thế giới cũng nên thay đổi sau sự kiện đó.

Dĩ nhiên, Iraq không phải là đối tượng duy nhất của mối đe dọa này. Tôi chưa bao giờ nói như thế. Nhưng đó là thử thách đối với việc liệu chúng ta đã nhìn nhận mối đe dọa này một cách nghiêm túc hay chưa. Để đương đầu với nó, thế giới cần sự liên hợp. LHQ phải tập trung được cả những chiến lược về ngoại giao và hành động. Đó là điều mà Nghị quyết 1441 chỉ ra. Đó là thỏa thuận. Tôi vẫn hay nói đơn giản với Hạ viện rằng, phá bỏ thỏa thuận đó bây giờ, cùng với việc giải quyết hậu quả của vấn đề mà không tìm ra nguyên nhân của nó, sẽ đem lại nhiều thiệt hại lâu dài hơn cho LHQ so với bất kỳ tiến trình nào mà chúng ta từng theo đuổi. Không thể tiếp tục sự mệt mỏi của 12 năm qua, đàm thoại, thảo luận, tranh luận mà không bao giờ đi đến được hành động, tuyên bố ý chí của chúng ta mà không hiện thực hóa được. Nếu chúng ta cứ theo đuổi tiến trình đó, thì khi những mối đe dọa quay trở lại, từ Iraq hoặc một nơi nào khác, còn ai sẽ tin tưởng chúng ta?

Tôi sẽ nói về những sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế và cụ thể thì, tôi từng thực sự rất mong châu Âu có thể thương lượng với Mỹ. Nghĩ lại, tôi sợ rằng điều này sẽ chỉ khiến tôi bị cô lập hơn, nhưng việc dự đoán liệu một nhà lãnh đạo mới có thể đem lại kết quả nào khác hơn không cũng rất thú vị.

Những gì chúng ta đã được chứng kiến trên thực tế là hậu quả của sự chia rẽ diễn ra giữa châu Âu và Mỹ. Không phải tất cả các nước châu Âu – Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Đan Mạch và Bồ Đào Nha đã ủng hộ chúng ta một cách mạnh mẽ – và không phải là phần lớn các nước châu Âu nếu có cả nước Anh và nên như thế, những thành viên mới của châu Âu, những nước sẽ gia nhập năm tới, tất cả 10 nước trong số đó đã luôn ủng hộ mạnh mẽ cách nhìn nhận này của Chính phủ. Nhưng sự tê liệt của LHQ là kết quả của sự chia rẽ này.

Tôi muốn đương đầu với vấn đề đó như thế này. Cốt lõi của sự chia rẽ trên là quan niệm về một thế giới quyền lực phân cực, ở đó nước Mỹ và những đồng minh của nó ở một cực và Pháp, Đức và Nga cùng những đồng minh ở cực còn lại. Tôi không tin là tất cả các nước trên có ý định hình thành một thế giới như vậy, nhưng bây giờ chúng ta phải đối mặt với nó. Tôi tin rằng cách nhìn nhận đó là sai lầm và cực kỳ nguy hiểm đối với thế giới. Tôi biết tại sao lại xảy ra chuyện này. Sự thù ghét đối với tính vượt trội của Mỹ. Sự e ngại đối với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Người ta đặt câu hỏi, “Liệu nước Mỹ có lắng nghe chúng ta và quan tâm đến những mối bận tâm của chúng ta hay không?” Và có lẽ cả những hiểu biết chưa thấu đáo về những mối lo của nước Mỹ sau vụ 11/9. Tôi biết tất cả những điều này nhưng cách giải quyết chúng không phải là đối đầu mà là hợp tác. Đối tác không phải người hầu, nhưng cũng không phải là địch thủ. Những điều đáng lẽ ra châu Âu nên nói với Mỹ vào tháng 9 vừa rồi là: “Chúng tôi hiểu những lo ngại mang tính chiến lược của các bạn về chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hủy diệt và chúng tôi sẽ giúp các bạn giải quyết những mối lo này. Những điều phát biểu trong các chính sách của LHQ mà chúng tôi thông qua là những ý định thực sự của chúng tôi và sẽ biến những điều đó thành hành động nếu Saddam không tự nguyện giải giáp vũ khí. Tuy nhiên, đổi lại – châu Âu lẽ ra nên tuyên bố rằng – “chúng tôi đòi hỏi ở các bạn hai điều: nước Mỹ nên thực sự lựa chọn con đường LHQ và các bạn nên công nhận tầm quan trọng vượt bậc của việc khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông, việc mà chúng tôi sẽ yêu cầu các bạn tham gia.”

Cuối cùng, tôi sẽ giải quyết vấn đề thay đổi chế độ.

Tôi chưa bao giờ dùng sự thay đổi chế độ để biện minh cho các hành động. Chúng ta phải hành động theo những điều khoản của Nghị quyết 1441 – đó là cơ sở pháp lý của chúng ta. Nhưng đó là lý do tại sao tôi thẳng thắn nói rằng nếu chúng ta thực sự hành động, chúng ta nên có ý thức rõ ràng và quyết tâm mạnh mẽ. Tôi tin rằng những người phản đối động thái này cũng chia sẻ sự căm ghét của tôi đối với Saddam. Ai có thể không cảm thấy như vậy chứ?

Sự tàn bạo của những cuộc đàn áp – cái chết và những khu trại tra tấn, những nhà tù man rợ dành cho những đối thủ chính trị, những vụ tấn công bất thường đối với bất kỳ thành viên nào trong một gia đình bị nghi là không trung thành đã được phản ánh rất nhiều. Chỉ tuần trước thôi, một người vì phỉ báng Saddam đã bị buộc vào một cột đèn trên đường phố Baghdad, bị cắt lưỡi và một số bộ phận trên cơ thể và bỏ mặc cho chảy máu đến chết như một lời đe dọa đối với những người khác. Còn nhớ khi nói chuyện với một người dân di cư từ Iraq vài tuần trước, tôi có nói với bà rằng tôi hiểu cuộc sống dưới chế độ của Saddam ác nghiệt như thế nào, bà ấy đã trả lời: “Ông không thể hiểu được đâu.” “Ông không thể. Ông không biết sống trong nỗi sợ hãi thường trực là như thế nào đâu”. Và bà ấy nói đúng. Chúng ta đã xem nhẹ tự do. Nhưng hãy tưởng tượng cảnh không được phép nói, thảo luận hay tranh luận hoặc thậm chí là thắc mắc về xã hội mà ta đang sống. Cảnh nhìn bạn bè và gia đình bị lôi đi mà không bao giờ dám phàn nàn. Cảnh chịu sự tủi nhục khi không đủ dũng cảm đối mặt với bọn khủng bố không khoan nhượng. Đó là cách người Iraq sống. Nếu ta để Saddam tại vị, sự thực là họ sẽ buộc phải tiếp tục sống như thế.

Và thế là lý do đạo đức để gây chiến – điều luôn hiện hữu trong tâm trí tôi – đã trở thành phần cuối cùng trong bài phát biểu và đoạn kết của nó có lẽ mang bóng dáng của bài diễn văn Chicago năm 1999.

Cuối cùng chúng tôi thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu, với kết quả 412 – 149. Đội của tôi, gồm cả công chức lẫn các cố vấn đặc biệt, đã cực kỳ tuyệt vời, hỗ trợ cho tôi một cách mạnh mẽ và liên tục.

Tôi quay trở lại phố Downing. Mọi người đều tưởng rằng Mỹ sẽ bắt đầu chiến dịch thả bom vào ngày hôm sau. Thực ra, hành động vũ trang bắt đầu với lực lượng của Anh, bao gồm các lực lượng đặc biệt bảo vệ các mỏ dầu để tránh thảm họa sinh thái xảy ra.

Chúng tôi đang ở trong cuộc chiến tranh. Sớm thôi, ta sẽ biết cuộc chiến ấy lâu dài, đẫm máu và khó khăn tới mức nào.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx