sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9

Đằng Giao kể:

- Hoàng Anh Tuấn thèm thực hiện một cuốn phim về nhà tù cộng sản. Phần générique Tuấn sẽ quay những khuôn mặt hốc hác dán vào cửa gió cachot. Giới thiệu tên phim, tài tử, đạo diễn, nhà sản xuất xong xuôi, mở đầu, một tù nhân đẩy cửa cachot bước ra, chân xích, tay còng. Cai ngục dẫn tù nhân tới phòng chấp pháp….

Đằng Giao nói tiếp:

- Giá mà Hoàng Anh Tuấn ở Sa Ác. Phần générique sẽ quay cảnh tù nhân trần truồng tắm bến sông Ray…

Bến sông Ray, bến tắm tập thể của cả trại lao cải Sa Ác B, trưa và chiều. Gọi là sông vì nó là sông. Nó là con suối mới đúng. Khúc chảy qua Sa Ác, chiều ngang của nó khoảng 40 thước. Bến tắm được quy định một chiều dài khoảng 100 thước. Tù nhân không được phép lội sang bờ bên kia. Khi kẻng tan lao khuya, vệ binh canh phòng tù tắm giặt đã bố trí trung liên nạp đạn trên bờ. Ít nhất năm ổ trung liên. AK không kể. Vệ binh sẵn sàng khạc đạn nếu tù nhân leo lên bờ bên kia. Mùa nước lũ, có một hàng rào kẽm gai, giăng từ lúc sông cạn, đề phòng tù trốn trại bằng cách theo dòng nước chảy xiết mà ra đi. Ở chỗ hàng rào, cái đăng đón cá tù, vệ binh ngồi gác. Vệ binh được phép bắn chết tù nhân trốn trại. Tôi chưa thấy tù nhân nào trốn trại dưới sông, mùa nước lũ. Người ta sợ chết sặc khi vướng rào kẽm gai. Nước chảy xiết, tù nhân dính rào kẽm gai như cá dính mắt lưới. Bởi thế, mùa nước lũ, tù nhân chỉ tắm sát bờ sông. Nhiều người xách nước lên bờ tắm gội. Mùa nước lũ, tù nhân được uống “cà phê sữa”, tức là nước sông ngầu phù sa không đánh phèn, cứ “nguyên chất” mà đun sôi. Chúng tôi đã uống đất rừng, lá mục, xác thú chết trong những ca “cà phê sữa” suốt mùa mưa lớn. Uống nước phù sa đun sôi không thú vị bằng uống Coca Cola, Sprite, Pepsi, Fanta, sữa tươi nhưng, quả thật, phù sa đã bồi dưỡng cho cảm hứng sáng tác của tôi.

Năm 1979, tôi 44 tuổi. 44 tuổi tôi được soi sáng ý nghĩa của đời sống qua hình ảnh con gọng vó bơi ngược dòng nước lũ. Con gọng vó bé nhỏ, yếu đuối, hèn mọn sống trong dòng mà không chịu xuôi dòng. Luôn luôn nó ngược dòng. Sự phấn đấu chạy ngược dòng của nó thật cô đơn, thật lãng mạn và thật dũng cảm. Chắc chắn, đã không ai theo dõi cuộc chiến đấu với bản thân của con gọng vó. Chắc chắn, đã không ai hiểu nổi tâm sự của con gọng vó. Nó chính là người nghệ sĩ sáng tạo phản kháng, kẻ không chấp nhận theo dòng, xuôi dòng. Nó không thích bị cuốn xoáy xuôi dòng. Giữa con gọng vó và củi mục, thú chết. lục bình, tôm cá là một khác biệt. Tôi phải cám ơn cộng sản đã bắt tôi, đã đầy đoạ tôi. Nhờ thống khổ, tôi được con gọng vó soi sáng niềm bí ẩn của đời sống. Ít ra, nó đã giúp tôi cảm hứng viết bài thơ:

Như con gọng vó

Nỗi thống khổ dạy anh những điều khôn ngoan

Dạy anh giải tỏa niềm ẩn ức

Dạy anh gieo trồng hạnh phúc

Dạy anh nhìn rõ anh hơn

Nỗi thống khổ không dạy anh căm hờn

Không dạy anh phản phúc

Không dạy anh làm điều ô nhục

Không dạy anh tuyệt vọng chán chường

Nỗi thống khổ dạy anh bơi lội ngược dòng

Như con gọng vó

Đừng bao giờ than thở

Vì hệ lụy điếc câm

Nỗi thống khổ soi sáng anh mọi sai lầm

Dẫn anh vào trái tim nhân loại

Hãy là con đại bàng vươn cánh soải

Và thương loài chim sẻ léo nhéo bờ tường

Bởi sức nó chỉ để bay mái nhà này sang mái nhà khác

Nỗi thống khổ không dạy anh những điều gian ác

Chỉ dạy anh chịu đựng nhín nhường

Dạy anh khoan dung và cao thượng luôn luôn

Dạy anh tha thứ kẻ đã đầy anh xuống địa ngục

Nỗi thống khổ dễ gì ai cũng một lần gặp

Nên giữa anh có khoảng cách với cuộc đời

Anh cô đơn

như con gọng vó

ngược dòng bơi

Duyên Anh

(Thơ Tù, Nam Á Paris, 1984)

Tôi trở về cái bến tắm sông Ray. Tù nhân khắp các hiện trường lao động lũ lượt đổ về bến tắm duy nhất của Sa Ác B. Xuất trại, tù nhân phải ăn mặc chỉnh tề. Nhập trại, có thể cởi trần, mặc quần xà lỏn ướt. Từ bãi lao động về bến tắm, tù nhân cởi trần. Đến bến tắm, tù nhân trần truồng nhào xuống sông. Đội nào tới trước tắm trước. Tắm trước, nước còn trong, đến sau, tắm vào lúc cả chục đội chen chúc nhau một vũng nước sâu, bùn bị khuấy đen ngòm, cá cũng ngộp thở! Hình tưởng đám ròi lúc nhúc dưới hầm phân. Tù nhân dưới khúc sông quy định cũng thế. Đội trưởng và Đội phó thay phiên nhau tắm nhanh lên vội. Khi vệ binh ra lệnh bảo đội lên, Đội trưởng hú lớn cho đội lên tập họp, điểm số. Đội 21 nông nghiệp của Đằng Giao có một tù nhân xuân thu nhị kỳ tắm gội. Đó là Hùng nhí, figurant mà Đằng Giao chọn lựa cho đạo diễn Hoàng Anh Tuấn. Hùng nhí, 22 tuổi, lùn tì, nhỏ xíu, thứ gà đẹt. Nó có khuôn mặt hao hao Dracula. Răng rụng gần hết. Hùng nhí can tội…gián điệp! Theo “truyền ký lao cải”, Hùng nhí được ông tướng Dư Quốc Đống nhận làm con nuôi, cho mặc quân phục nhẩy dù và thường cho nó ngồi cạnh trên xe jeep của ông. Hùng nhí trở thành lính dù danh dự sau khi nó giúp lính nhẩy dù khám phá hầm vũ khí của Việt cộng, hồi Mậu Thân, ở ngã tư Bẩy Hiền. Nó bị bắt ngay đêm 30-4-1975. Hùng nhí lưu lạc các trại Suối Máu, thành ông Năm, Đồng Ban, Trảng Lớn. Rồi về Sa Ác A. Rồi vào Sa Ác B. Người ta thầm thì Hùng nhí là “ăng ten” ở đâu đó. Còn ở Sa Ác B, cả ngày nó nằm võng ni lông ngủ thì co róm. thức thì khóc. Nằm nhà buồn, nó tình nguyện ra bãi chơi cho vui. Không ai bắt nó lao động cả. Nó không có răng nhai bo bo nên nói rất ít. Nó lại nằm lỳ một xó, lười đi lại. Thế mà người ta nỡ chụp mũ “ăng-ten” lên đầu nó, một thằng sinh ra đã hẩm hiu bất hạnh!

Vì Hùng nhí không tắm nên Đẳng Giao giao cho nó trách nhiệm hú đội lên tập họp. Hùng nhí làm tròn trách nhiệm. Nó chụm hai bàn tay vào miệng thay loa, mặt nhăn nhúm, há rộng mồm nghiến răng mà hét “Đội 21 lên!”. Khuôn mặt nó, lúc ấy, vừa bi thảm vừa hãi hùng. Đằng Giao muốn ống kính của đạo diễn Hoàng Anh Tuấn thu riêng khuôn mặt Hùng nhí thật lớn. Tiếng hét của nó vừa dứt thì ống kính quay xuống sông. Tù nhân trần truồng lên bờ. Các đội khác vẫn ngụp lặn dưới nước bùn.

- Được chứ, ông thầy?

- Độc đáo ra phết.

- Khán giả sẽ thấy cả sự gầy ốm lẫn ghẻ lở, hắc lào và những khẩu cà nông nhiều năm không khạc đạn! Tôi chưa nghĩ ra tên cuốn phim.

- Sông Ray phẫn nộ.

- Hay đấy.

- Tôi lại nghĩ cả đến màn tập họp lao động. Màn này làm générique cho phim cũng tuyệt cú mèo.

Đúng thế. Không có cảnh nào bi đát hơn cảnh tù nhân tập họp buổi trưa chờ gọi đi lao động. Trước hết, nói về nón mũ. Nón lá mới, nón mê là thường. Nón cối cộng sản là thường. Nón cao bồi Tểch- xa, nón lính Tân-tây-lan là thường. Nón sắt quân đội Mỹ là thường. Mũ nồi của các binh chủng tầu bò, nhẩy dù, thủy quân lục chiến là thường. Mũ cói là thường. Một thứ mũ cắt bị cói ra khâu thành mũ lao cải mới lạ mắt. Riêng loại mũ này cũng cả vài chục kiểu. Chưa có trại tập trung nào phong phú mũ như trại tập trung khổ sai lao động của cộng sản. Có tù nhân lười, chụp luôn cái bị lên đầu. Rất tiện. Vì buổi chiều về có thề đựng củi hay đựng vài thứ rau rừng… Các ông lái mũ ở xóm lầy Orange County, ở công ty kháng chiến hải ngoại, ở hợp tác xã giải phóng lưu vong, ở liên minh dân chủ cà chớn và, đặc biệt, ở tiệm của ông Trần Tam Tiện quận 7 Paris, ở tiệm của ông Nguyễn Ăn Kaka thành phố Bruxelles, chắc chắn, chưa hề nhìn thấy nón mũ lao cải. Cho nên, quý ông ấy hơi ngu. Là cứ nhè những thằng đã đội mũ lao cải mà chụp mũ cộng sản, mũ “ăng-ten”. Mũ của quý ông ấy ghi rõ made in USA, made in France, made in Belgium nhưng quên không ghi thêm made by Đào Ngũ, made by Đào Nhiệm, made by Đào Tẩu, made by Đánh Mướn, ma e by Lãnh Lương Lạc Quyên. Vân vân… Tôi thấy cần khuyên các ông lái mũ thuộc thành phần đào ngũ và thuộc thành phần nhớp nhúa ở xã hội Việt Nam Cộng Hoà không nên làm nghề chế tạo nón mũ. Cái thứ mũ các ông đang đội lên đầu mình là thứ mũ nặng tội nhất, hèn hạ nhất, không dễ gì lột ra vất đi nổi: Mũ đào ngũ. Mũ này nó hằn sâu vào sự nghiệp bẩn của các ông, dẫu có ông đã là tiến sĩ. Vậy muốn giương danh tiến sĩ lỏi, nên bỏ nghề chụp mũ và tự truy nã bản thân mình mà tu tỉnh cho nên người.

Bây giờ nói về giầy giép lao cải. Giầy bố, giày da quân đội, giầy vải, giép Nhật made in Chợ Lớn, giép râu đã tập họp đầy đủ ở trại lao cải. Tại Sa Ác B, sĩ quan quân đội biên chế riêng thành các đội chỉ có sĩ quan, sĩ quan cảnh sát biên chế riêng, công chức trình diện học tập biên chế riêng và phản động biên chế riêng. Quân đội của ta thà mang giầy mòn vẹt, há mõm chứ nhất định không thèm xỏ chân vào giép râu. Giép râu có nhiều ở các đội công chức, phản động và hình sự. Các đội hình sự đoạt kỷ lục chân đất. Khi các đội đứng hết dậy, ống kính máy quay phim thu từ đầu gối xuống là thấy đủ nghìn vẻ phong sương của nghìn đôi giầy giép. Đảng và nhà nước cộng sản bóc lột tàn bạo. Mỗi năm tù nhân chỉ được phát một bộ quần áo. Mũ nón, giầy giép phải…khắc phục! Do đó, tù nhân đã vá giầy, khâu giép mà vào rừng gai phát quang.

Đến quần áo lao cải thì bất hủ. Vá chằng vá đụp, vá đủ thứ mụn, đủ thứ mầu. Vá đè lên dấu tù. Quần áo lao cải, có khi, chẳng thèm giặt. Cứ nhất bộ nhất bái dầm mưa, giãi nắng. Nếu gia đình không gửi quần áo vào, tù nhân sẽ trần truồng thực hiện khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”. Và, lúc ẩy, tự mỗi tù nhân sẽ tìm ra ý nghĩa tuyệt vời của khẩu hiệu: “Lao động là thước đo giá trị của con người”.

- Lấy đầu tù, lòng tù và chân tù làm générique.

- Hay lắm.

- Vào phim là cảnh tù nhân trốn trại bị trói, mặt mày sưng vù, máu khô dính mép, đứng nghiêm nghe đọc quyết định kỷ luật “Cộng Hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập, tự do, hạnh phúc”…

- Đểu quá, đểu quá!

- Thoát ra, sang Mỹ, ông thầy nên thực hiện phim Sông Ray phẫn nộ.

- Cứ ước mơ đi.

Tôi đã ước mơ, ước mơ thật nhiều năm tháng cơ cực trong tù. Ước mơ cho tôi hy vọng. Hy vọng cho tôi can đảm sống đời tù. Tôi đã thoát ra, sang Pháp, chưa sang Mỹ. Tôi không có ý định sang Mỹ nữa. Bây giờ, tôi ước mơ chóng chết. Vì ước mơ tôi mang ở 3 nhà tù, 2 trại tập trung khổ sai lao động ra, tôi mang theo nó lênh đênh biền cả, gian khổ chập chùng, tôi đưa nó lên đảo Poulalu Bidong lầm than và nó đã bị cháy đen từ tôi nhìn rõ thế giới tự do và đồng bào tôi và đồng nghiệp tôi và bằng hữu tôi lưu vong. Quả thật, ước mơ hay ước vọng của tôi đã là ảo vọng bùi ngùi. Tôi đành ước mơ chóng chết. Nhưng ước mơ chóng chết cũng khó như ước mơ thực hiện một cuốn phim nói lên trọn vẹn và trung thực nỗi thống khổ của tù nhân Việt Nam ở trại tập trung khổ sai lao động của cộng sản sau cái gọi là hòa bình của chiến tranh ý thức hệ. Những ngày nằm tù, tôi đã ngây thơ nghĩ:

…Cái tiểu ngã nhập vào đại ngã

Nỗi thống khổ chẳng riêng ai chịu nữa

Nó đè lên vai cả dân tộc, cả thế giới chứng minh

Nó trong giọt nước mắt già và trên ngọn tóc xanh

Nó ở cuộc đời thênh thang và ngục tù tăm tối

Nó ở ban mai kinh nguyện cầu, nửa đêm kinh sám hối

Ở hồi chuông cáo phó

ở tiếng khóc chào đời

Nó gầm gừ đe doạ dài dài

Sau mỗi hoà bình của chiến tranh ý thức hệ

Nó là tham lam, ích kỷ

là kiêu căng ngu xuẩn, là độc ác dối gian

Nó xui Việt Nam tàn nhẫn với Việt Nam

Và bắt nhân loại phải rời xa nhân loại

Không, nỗi thống khổ vẫn chỉ riêng tù nhân và thân nhân của họ phải chịu. Cái tiểu ngã không bao giờ nhập vào cái đại ngã. Cái tiểu ngã của đồng bào tôi ngoài nước Việt Nam càng không bao giờ nhập vào cái đại ngã. Nếu tôi đã không ngây thơ câu này đúng nhất “Việt Nam tàn nhẫn với Việt Nam”. Đừng trách cộng sản Việt Nam tàn nhẫn với người Việt Nam. Hãy hỏi xem người Việt Nam tị nạn ở Mỹ có tử tế với người Việt Nam tị nạn? Hỏi đi! Hỏi đi! Người ta mở rộng túi đóng thuế cho thảo khấu kháng chiến 10 triệu đô la. Người ta đã quyên tặng Hội y sĩ thế giới được bao nhiêu đã làm phương tiện cứu vớt đồng bào của người ta đói khát, sợ hãi giữa đại dương mà hải tặc rình chờ hãm hiếp, cướp bóc, chém giết? Không còn gì mỉa mai hơn Hồng Kông thực hiện phim Boat People và sự giúp đỡ của Trung cộng. Hồng Kông trình bầy giùm dân tộc Việt Nam nỗi thống khổ đòi đoạn nhất của thời đại với loài người hôm nay và mai sau.

Người Việt Nam không nói được tâm sự của dân tộc mình? Có đấy chứ, những vidéo cóc nhái bôi nhọ nghệ thuật, những cuộc thi hoa hậu quốc sỉ, những phim ảnh dơ dáy luộc lại… Một phim lớn về Thuyền Nhân dũng cảm Việt Nam? Không có. Không bao giờ có cả. Bởi vì 5 đô la quá nhỏ để 1 triệu người góp thành 5 triệu đô la và quá lớn để uống coca, hút thuốc lá. Tôi lấy làm xấu hổ khi thấy Siêu thị Tang Frères ở quận 13 Paris mở chiến dịch Sampan lấy tiền giúp Hội y sĩ thế giới, trong vòng ba tháng, số tiền cứu vớt thuyền nhân gấp mấy lần người Việt Nam đóng góp trong vòng ba năm. Tôi đâm ra cụt hứng, không dám động chạm tới sự hờ hững của nhân loại đối với dân tộc tôi nữa. Ấy là tôi đã quên cái thân phận tầm thường của tôi, còn nằm trong ngục tù đã bị vài người Việt Nam… nhà văn, nhà báo đánh dập, đánh vùi và vừa đặt chân lên “đất hứa” bị đánh tới tấp, đánh tối tăm mặt mũi. Tôi có ra ngoại quốc để tranh giành quyền bính, quyền lợi gì đâu? Quyền lợi chính đáng của tôi bị xâm phạm, bị tước đoạt, có nhà văn, nhà báo nào bênh vực? Thì thôi. Còn chữ nghĩa, ai có nhiều người ấy viết, bầy đặt vít rào, cản lối nhau làm chi nhỉ? Chỉ riêng nghĩ đồng nghiệp bằng hữu của tôi, tôi đã lợm giọng. Và sự lợm giọng khiến ước mơ trong tù của tôi cháy khét.

Nhưng rồi tôi vẫn viết cho đồng nghiệp cũ và lại bị ăn quỵt nữa. Người ta bêu nhục tôi chán, người ta ăn quỵt công lao và tiền cước phí của tôi. Và đó là Lẽ Phải của nhân sinh quan mới, thứ nhân sinh quan liêu mong triệu năm vẫn khó lòng phục quốc.

Tôi đã tiếc mình không chết mòn trong nhà tù cộng sản. Như thế hạnh phúc bao nhiêu. Ước mơ của tôi không bị thắt cổ. Cho đến lúc nhắm mắt, tôi vẫn nghĩ bằng hữu mình ở Mỹ chung thủy lắm, không có thằng nào phản phúc cả, không có thằng nào bỉ ổi cả.

Còn đồng bào của tôi trưởng thành cả, tốt đẹp cả, không ai thèm vào quốc tịch Mỹ vì sắp về giải phóng quê hương đến nơi rồi. Báo chí Việt Nam hải ngoại rực rỡ. Các nhà văn, nhà thơ lưu vong đều năm bẩy tác phẩm dịch Anh ngữ do các nhà xuất bản lớn ở Nữu Ước ấn hành, Tây, Tầu, Pháp, Nhật, Ý, Đức xin dịch ầm ầm. Có nhà văn chuẩn bị lĩnh giải Nobel văn chương. Nhất định không có thảo khấu kháng chiến. Các tướng lãnh, đại tá quan trọng đều viết tự khai tham nhũng, nhận tội đào ngũ và xin hồi hương để ra hầu tòa án Quân Sự. Các nghị sĩ, dân biểu viết thư về nước xin lỗi cử tri và cam kết không ra ứng cử nữa. Các tổng trưởng, thủ tướng theo chân tổng thống lên chùa quy y, phát nguyện kiếp sau xin làm bọ hung, làm chó. Các linh mục hối hận chuyện bỏ con chiên di tản và vượt biên. Các thượng tọa đại đức không bầy trò thùng sương và rút hết tiền ngân hàng ra phát chẩn. Linh mục và thượng tọa nào lỡ cho vay tiền xanh xít đít đui, gọi hết con nợ tới., thiêu hủy văn tự. Vân vân và vân vân…

Ước mơ của tôi tuyệt vời thế mà bị thắt cổ. Chỉ tại tôi đã không chết rũ trong tù và lò dò sang… thế giới tự do, thế giới “tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ngu xuẫn, độc ác, dối gian” từ ở trại tị nạn cộng sản. Nhưng mà…

Ta đến đây đành ở lại đây

Cuối đời thấm thía kiếp lưu đầy

Nghẹn ngào sách vở từng trang mục

Chữ nghĩa vèo bay như lá bay

Những tưởng tài năng vần thế cuộc

Nào ngờ tai họa giáng tê vai

Ðường người chó sói nhe răng nhọn

Nghe buốt đau thương cả đế giày

Vàng thau lẫn lộn phiền than lửa

Ngọc đá ganh đua rộn giũa mài

Bùn khuấy thờn vơn khoe gặp vận

Tép tôm hí hửng nhẩy tranh tài

Cá sấu chưa cười rung tiệc máu

Kên kên vẫn khóc rỉa moi thây

Hỡi ơi dâu biển và dâu biển

Ta đến đây đành ở lại đây

Giả câm giả điếc xem tuồng cũ

Ðào kép hiêu hiêu lũ cáo cầy

Vôi trắng vôi vàng vôi lốm đốm

Mặt mày nham nhở dối lừa ai

Bọ gậy ngo ngoe trò cách mạng

Ruồi xanh bu rối rít khen hay

Học đòi Câu Tiễn nuôi thù hận

Chí lớn xem chừng cái móng tay

Răng rụng trống tung còn hám lợi

Thân lươn lãnh tụ đắm mưa lầy

Hư danh gạt gẫm phường khoa bảng

Nguyệt mộ khơi rồi chửa tỉnh say

Ðeo mo mấy đứa buôn dân tộc

Cứu nước khom lưng truống chủ thầy

Nỗi buồn quốc sỉ Lê Chiêu Thống

Gươm giáo Quang Trung có thở dài

Ðã ngỡ nghìn xưa Trần Ích Tắc

Nghìn sau nhan nhản bọn tay sai

Hỡi ơi dâu biển và dâu biển

Ta đến đây đành ở lại đây

Thiếu kiếm bạt non Tôn Thất Thuyết

Lấy thơ ta lấp kín sầu mây

Mong gì Giới Tử Thôi dâng thịt

Ai kẻ cầu sương điếm cỏ đây

Ðất khách cùng đồ buông hiện tại

Quê người mạt vận bỏ tương lai

Vo ve nhặng ốm quanh sơ mít

Inh ỏi gà què quẩn cối xay

Ðỉnh chung cõi tạm cao hơn núi

Sĩ khí lưu vong thấp gót giầy

Ôi cái phương danh mà định nghĩa

Cơ hồ giảm giá vị chua cay

Ðầu lưỡi văn nhân phì nọc rắn

Ðáy tim thi sĩ vút dao bay

Thế nên đĩ điếm thầu văn nghệ

Trọc phú đầu tư núp áo dài

Yêu nước ngứa nghề anh bếp Mỹ

Thương nòi đú đởn chú bồi Tây

Hỡi ơi dâu biển và dâu biển

Ta đến đây đành ở lại đây

Thẹn vì cơm áo mòn khinh bạc

Rượu đốt thời gian lũng dạ dầy

Vó ngựa giao vành đêm mộng hão

Hồn hoang nhức nhối gió heo may

Máu đã úa khô đường phát vãng

Cung tên đố kỵ ngắm nhau hoài

Ngỡ đau giãi mũ Hàn Phi Tử

Ai đưa Lý Tư mảnh đất này

Học đòi lối gã Công Tôn Át

Rồi sẽ mình dao đâm thối thây

Xá chi đỉa đói đeo chân hạc

Mà luận công danh gã rạc rài

Ðâu phải bây giờ sông mới lấp

Ðã từng cát bụi khóc thiên tai

Thì thôi chả trách bìm leo dậu

Cây cỏ luân hồi vẫn cỏ cây

Cố quận cha già căng mắt đợi

Viễn phương hạnh ngộ cứ hao gầy

Hỡi ơi dâu biển và dâu biển

Ta đến đây đành ở lại đây

Dao cùn múa mãi bài vong quốc

Ngơ ngẩn như chiên bị lạc bầy

Thời đã thu không hồi trống điểm

Giật mình tóc gẫy xuống ngày mai

Khương Tử Nha đâu bờ Vị Thủy

Phong thần bảng ấy có hôm nay

Bồi hồi tiếng thét xô hung Trụ

Lửa thắp chiêm bao một giấc đầy

Mộng ảo chẳng no cơn biệt xứ

Ðìu hiu nghịch cảnh khép vòng vây

Con chim trốn tuyết về chưa nhỉ

Ta mãi cô đơn giữa chốn này

Gươm gỗ làm sao mài dưới nguyệt

Mà đòi sông núi nặng hai vai

Mưu sinh chữ nghĩa gầy tư tưởng

Tỳ vết kiêu sa vẹt tháng ngày

Ngùi trông cố quốc tình hong muối

Héo hắt tài hoa tâm sự phai

Thiếu kiếm bạt non Tôn Thất Thuyết

Lấy thơ ta lấp kín sầu mây

Ai trước Hồ Trường chưa rót cạn

Còn nghiêng bầu hẹn một người say

Hỡi ơi dâu biển và dâu biển

Ta đến đây đành ở lại đây

Duyên Anh

(Bài lưu đầy, 1987 trong tập thơ Em, Tôi, Sàigòn và Paris)

Đành ở lại đây đợi chết mòn chứ biết tính sao bây giờ. Tâm sự buồn bã của hoàng hôn đời tôi được tôi diễn tả:

Ta đến một mình không có Moise

Chân hoang chìm lún giữa truông đời

Ðào sâu đất hứa chôn tâm sự

Rượu cháy phồn hoa yêu nữ ơi

Ta đến một mình không có em

Mùa tàn, đất nẻ, bặt lời tim

Hồn oan sa vũng bùn luân lạc

Thoi thóp hoàng hôn, mỏi cánh chim

Ta đến một mình không có ai

Gập ghềnh địa nạn, dốc thiên tai

Thế gian vùi ngủ quên hồng thủy

Thuyền vắng Noé, nước ngập đầy

Ta đến một mình ta với ta

Bỗng dưng thương ngục đá đêm già

Cuối đường hiu hắt chiều giăng mắc

Thấp thoáng hồ ly đốm lửa xa

Duyên Anh

(Ta và Ta, 20-12-86 trong tập thơ Em, Tôi, Sàigòn và Paris)

Và sau hết:

Chẳng hẹn mà thành khách viễn phương

Cũng rằng non nước dục lên đường

Dấu giầy lữ thứ hằn lưng cát

Áo bạc hòa hoa nát gió sương

Chấp kích lang cười khinh Hạng Võ

Ðêm mòn đợi kiếm báu Trương Lương

Ðời không có kẻ nhường xe ngựa

Chậm bước tiên phong muộn chiến trường

Nghĩ giận thế thời con mắt đóm

Ngọc nằm bất động giữa văn chương

Hỡi Cao Bá Quát trùm thiên địa

Một nhát gươm vung rớt mộng cuồng

Vương đạo trái mùa thương Vệ Ưởng

Nghẹn ngào tư tưởng lãnh tai ương

Xác xơ chữ nghĩa gầy nghiên bút

Rượu ngút trời thiêu giấc bá vương

Trả lại phong trần cho bụi đỏ

Lênh đênh sông hẹp bỏ trùng dương

Chiều nay ta thấy ta rời rã

Nhan sắc hồng lâu nguội phấn hương

Duyên Anh

(Bài Ta, 1987 trong tập thơ Em, Tôi, Sàigòn và Paris)

Với tâm sự ủ ê như thế, thật sự tôi chẳng thiết gì cuộc sống lưu vong vô vọng. Tôi đã 53 tuổi, chết là vừa. 53 tuổi, tôi đã trải đời tôi theo vận mệnh của đất nước tôi.

10 tuổi tôi đi đếm xác người quê hương tôi chết đói trên vỉa hè, dưới gầm cầu. Tôi đã mở to đôi một nhìn con người chết đói từng giây. Chết thật nhanh. Tôi đã thấy người mẹ chết, đứa con nhay vú mẹ rồi chết theo. 10 tuổi, tôi chứng kiến Nhật đảo chính Tây, chứng kiến kiếm thép to bản của giặc lùn chặt đứt bàn tay của những đứa bé bằng tuổi tôi nghèo đói, ăn cắp thóc nuôi ngựa Nhật; tôi chứng kiến cách mạng 19-8-1945 và tôi chạy theo cách mạng mà hò hét mà sung sướng.

11 tuổi tôi nhìn Tầu phù sang nước tôi tước khí giới Nhật. Tôi đã hình tưởng quân của Mã Viện, của Ô Mã Nhi, của Trương Phụ, của Tôn Sĩ Nghị.

12 tuổi tôi chứng kiến tiêu thổ kháng chiến.

15 tuổi, tôi chứng kiến giặc Pháp đốt nhà, bắn giết, hãm hiếp đồng bào tôi.

19 tuổi, tôi chứng kiến giặc Pháp thua, quân ta chiến thắng. Và cũng 19 tuổi, tôi làm chuyến phiêu lưu quá xa với tuổi tôi và thời của tôi. Tôi lại chứng kiến cách mạng nhân vị phản phúc, chứng kiến loạn sứ quân tân thời, chứng kiến đảo chính, chứng kiến thoán nghịch, chứng kiến chiến tranh tàn phá đất nước tôi. Cuối cùng, tôi chứng kiến cộng sản vào Sài gòn. Và tôi bị cộng sản giam nhốt 6 năm qua 3 nhà tù, 2 trại lao cải.

49 tuổi, tôi làm thuyền nhân, nằm ăn mày ân huệ định cư 6 tháng ở nhà tù thế giới tự do. Tôi tiếp tục chứng kiến… Kể ra kiếm một nhà văn lớn dần theo những biến cố chó đẻ của lịch sử và có trí nhớ tốt, biết ghi nhận biết suy nghĩ như tôi cũng hơi hiếm. Rốt cuộc, sang đến Paris, nhìn sang bên bờ Đại Tây dương bên kia, tôi buồn nôn. Vẫn nối tiếp những “biến cố” bắt chửi thề. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng dẫu tôi đã sống trọn vẹn với những đau thương của quê hương tôi, của thời đại tôi.

Rất may, tôi còn tìm được một niềm an ủi cuối đời ở một số người tuổi trẻ, những người bạn tuổi nhỏ của tôi. Thế là tôi bèn thèm sống thêm vài năm nữa. Để trao đổi kinh nghiệm sống, kinh nghiệm viết và kinh nghiệm chiến đấu với các bạn tuổi nhỏ của tôi. Tôi thắp sáng một ước mơ mới thay thế ước mơ trong tù đã tắt ngóm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx