sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Trảm long (Tập 2) - Chương 16 - Phần 1

Chương 16: Trảm long quyết

Sau khi An Long Nhi và Tôn Tồn Chân tách nhóm với bọn Lục Kiều Kiều, liền lên núi để đại đội binh mã đuổi theo phía sau đi qua, rồi lập tức xuống núi đi vào trấn Thượng Thanh.

Trấn Thượng Thanh thoạt nhìn bề ngoài chỉ là một thị trấn nhỏ bình thường, chính giữa có một con đường cái, hai bên là nhà dân. Họ thúc ngựa vào trong trấn, nhanh chóng thấy giữa thị trấn có một cổng chào cao lớn hướng ra phía sông Lô Khê, trên tấm biển sơn son thếp vàng viết năm chữ lớn màu vàng to như cái đấu, “Tự Hán Thiên Sư phủ”. Trước cổng chào là một đôi kỳ lân đá cao to, bên cạnh có một dãy cột đá để buộc ngựa, Tôn Tồn Chân đang định xuống ngựa, thì An Long Nhi đã lập tức ngăn y lại, vẫy tay ra hiệu cho y đi theo mình, hai người cưỡi ngựa vòng ra phía sau phủ Thiên Sư.

Không vòng qua thì không biết, đi một vòng quanh phủ Thiên Sư mới hay nơi này rộng tới mấy chục mẫu đất, chẳng rõ bên trong có bao nhiêu phòng ốc đại điện nữa. Họ buộc ngựa vào một thân cây nhỏ, ôm Đại Hoa Bối ra cho nó trông ngựa và hành lý, rồi hai người phi thân phóng lên tường.

Từ trên bờ tường nhìn xuống là một vườn hoa rộng lớn và hoa lệ, thi thoảng có một hai thị nữ trẻ tuổi đi qua, trông như nơi ở của một nhà giàu có nào đó. Tôn Tồn Chân hỏi An Long Nhi: “Có cần tôi đi với cậu không? Đi trộm ra hay phải hỏi người để lấy?”

An Long Nhi vẫn chăm chú quan sát địa hình trong phủ Thiên Sư, miệng trả lời Tôn Tồn Chân: “Cô Kiều nói cho tôi khẩu quyết địa hình, không dặn là phải hỏi người tìm Long Quyết, chúng ta cũng không phải đến mượn tiền, để người ta trông thấy lại phải phí lời giải thích, đám ở phía sau sẽ nhanh chóng đuổi tới đây... vì vậy chỉ có cách là tập trung lực lượng lấy được đồ về tay trong thời gian ngắn nhất thôi, chúng ta cùng đi một lượt đi.”

Tôn Tồn Chân và An Long Nhi đều lòng như lửa đốt, không muốn nói dù chỉ một câu thừa thãi, trao đổi xong xuôi liền men theo bờ tường nhanh chóng lao vào khu vực giữa của phủ Thiên Sư.

Phủ Thiên Sư này là nơi ở của các đời Thiên Sư, đồng thời cũng tượng trưng cho hạch tâm của Đạo giáo trong thiên hạ[1].

[1] Tác giả chú thích: Kể cả ngày nay, đạo sĩ trên toàn thế giới đều phải đăng kí tại phủ Thiên Sư ở núi Long Hổ thì mới được thừa nhận là đạo sĩ chân chính, nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì phủ Thiên Sư này là nơi duy nhất được chỉ định phát giấy chứng nhận đạo sĩ trên toàn cầu.

Từ thời Thiên Sư đầu tiên là Trương Đạo Lăng thời Hán tới những năm Đạo Quang, Thiên Sư trong phủ Thiên Sư đã truyền thừa được sáu mươi đời, xét về mặt huyết mạch chính thống, ở Trung Quốc chỉ có gia tộc Khổng tử ở Sơn Đông đã truyền thừa nghìn năm là sánh được. Giống như miếu Khổng, phủ Thiên Sư đã được các đời hoàng đế nhiều lần phong thưởng, diện tích càng lúc càng lớn, điện tế, cung thất trong phủ ngày một nhiều lên, những thay đổi và dấu vết của Đạo giáo qua từng thời kỳ đều lắng kết trong phủ Thiên Sư. Nhưng tới những năm giữa thời Đạo Quang, lại xảy ra một sự thay đổi xưa nay chưa từng có, trước mặt An Long Nhi và Tôn Tồn Chân, là một khung cảnh hoang tàn điêu linh, phía sau vẻ bề ngoài lộng lẫy lộ ra những gian nhà lớn đổ nát tăm tối.

An Long Nhi men theo bức tường chạy như bay, chẳng khác ở trong nhà mình, Tôn Tồn Chân không biết khẩu quyết địa hình, vì vậy chỉ theo sát phía sau thằng bé làm trợ thủ. Đến khu vực giữa phủ Thiên Sư, trước mặt họ là gian đại điện cao nhất trong phủ, An Long Nhi ra hiệu cho Tôn Tồn Chân dừng lại, ngồi thụp xuống quan sát tấm hoành phi trước cửa đại điện, bên trên đề bốn chữ lớn “Ngọc Hoàng đại điện”, từ trong điện văng vẳng truyền ra tiếng tụng kinh lầm rầm, có mấy đạo sĩ đang chầm chậm tiến vào.

Có điều, nơi này không phải mục tiêu của An Long Nhi, nó chẳng qua chỉ lấy điểm này làm mốc, hòng tìm nơi tiếp theo được nhắc đến trong khẩu quyết.

Khẩu quyết mà Lục Kiều Kiều đưa cho nó là: Ngọc Đế càn khôn trung, Hồ Tiên Giáp Tý hậu; tâm hoài Thẩm tướng quân, chân nhân bộ canh tẩu. Khẩu quyết này đã khiến Lục Kiều Kiều vắt óc nghiền ngẫm suốt mười năm, lật tung cả nhà mình lên để tìm, nhưng không sao hiểu được rốt cuộc mấy câu này có ý nghĩa gì; nhưng An Long Nhi vừa tới phủ Thiên Sư, mọi vấn đề đều được giải quyết dễ dàng.

Ngọc Đế đương nhiên chỉ đại điện Ngọc Hoàng rồi, nhưng mà càn khôn trung không phải chỉ khoảng giữa cung Càn và cung Khôn trong tám cung bát quái, mà là chỉ khe hở giữa quẻ Càn và quẻ Khôn trong la bàn chuyên dụng của các phong thủy sư phái Tam Nguyên, khe này vừa khéo chính là hướng từ Nam sang Bắc.

An Long Nhi ngoảnh đầu lại nhìn, phía sau đại điện Ngọc Hoàng là điện Hồ Tiên, nó liền dẫn Tôn Tồn Chân vòng qua bờ tường. Trong điện Hồ Tiên vẳng ra tiếng cổ cầm, tiếng đàn tản mác mà sục sôi, không hay mà cũng chẳng có tiết tấu, tựa hồ có thể nhận ra tâm tình rối loạn của người gảy đàn.

Bọn họ không để tâm đến những chuyện ngoài lề ấy, tiếp tục đi vòng tới một cái sân lớn, ở giữa là một tòa điện Đại Chân Vũ, một bên là cục Pháp Lục, bên kia chính là điện Giáp Tý. An Long Nhi khẽ nói nhỏ một câu “điện Giáp Tý” với Tôn Tồn Chân, đoạn nhảy xuống bên dưới tường bao trước, sau đó hai người men theo tường bao đi ra phía sau điện Giáp Tý. Theo suy đoán của An Long Nhi, Giáp Tý hậu chính là phía sau của điện Giáp Tý này. Phía sau điện Giáp Tý là tường điện và tường bao xung quanh phủ Thiên Sư, giữa hai bức tường có một khóm trúc, An Long Nhi và Tôn Tồn Chân đứng bên cạnh khóm trúc ấy gãi đầu. Tôn Tồn Chân hỏi: “Có phải đào ở chỗ này không?” An Long Nhi đáp: “Khẩu quyết nói là ‘Hồ Tiên Giáp Tý hậu’, phía sau điện Hồ Tiên chính là điện Giáp Tý rồi còn gì, Giáp Tý hậu không phải chính là chỗ này sao?”

Tôn Tồn Chân nói: “Không đúng, trong điện Giáp Tý còn một Giáp Tý hậu nữa, chính là sau lưng Giáp Tý Thái Tuế Kim Biện tướng quân, mau vào trong điện xem...” Y vừa nói vừa chạy trước An Long Nhi. An Long Nhi không kịp phản ứng, lòng thầm thắc mắc không hiểu tại sao Tôn Tồn Chân lại biết chuyện bên trong Đạo giáo như thế? Hẳn những người từng làm đạo sĩ đều biết Giáp Tý hậu là cái gì? Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng người nó đã phóng theo Tôn Tồn Chân ra phía sân, vòng tới cửa chính của điện Giáp Tý.

Bên kia sân là Pháp Lục cục, nơi lưu trữ hồ sơ, bí điển của các triều đại, bên trong cửa có một lão đạo sĩ đi ra, vừa khéo trông thấy hai người lạ tướng mạo ăn mặc đều cổ quái chạy vào điện Giáp Tý, đang định cất tiếng hỏi là ai, thì người đàn ông che mặt áo đen dáng người nhỏ nhắn đã vung gậy lên đập vỡ khóa cửa xông vào điện, sau đó thiếu niên đầu chít khăn cũng xông vào theo.

Lão đạo sĩ thấy vậy liền nghĩ, hai kẻ này không phải trộm thì còn là gì nữa, vội hô hoán: “Người đâu! Mau tới điện Giáp Tý bắt trộm!”

An Long Nhi vừa vào trong điện Giáp Tý, Tôn Tồn Chân liền xoay tay chốt cửa lại. Họ đảo mắt quan sát, chỉ thấy giữa đại điện trống không, phía trước mặt có một tấm hoành phi lớn đề chữ “Thiên thu vạn đại”, phía trước, bên phải và bên trái đều có ban thờ dài, trên ban thờ là sáu mươi bức tượng thần cao chừng hai thước đặt ngay ngắn. Các tượng thần này đều ăn mặc kiểu võ tướng, phía trước mỗi tượng thần đều có một tấm biển dựng thẳng đứng, bên trên đề tên người đại biểu cho sáu mươi Giáp Tý, hay còn được gọi là Trị Niên Thái Tuế. Tương truyền, mỗi năm đều có một vị tướng quân tương ứng chưởng quản khí vận của cả năm đó, nếu có người phạm phải Thái Tuế, thì có thể đến điện Giáp Tý này để bái vị Thái Tuế tương ứng hòng hóa giải tai họa trong năm. Giáp Tý hậu mà Tôn Tồn Chân nói đến, chính là sau lưng bức tượng của Giáp Tý Thái Tuế Kim Biện đại tướng quân.

Bọn họ vừa nhìn đã trông thấy Giáp Tý Thái Tuế đứng ở vị trí chính giữa thần điện, bèn tức khắc chạy tới phía trước bức tượng quan sát, phía sau Giáp Tý Thái Tuế nhìn ngang nhìn dọc thế nào cũng chỉ có một bức tường, hoàn toàn không có gì khác.

Lúc này, bên ngoài vang lên tiếng gọi của lão đạo sĩ: “Các ngươi là ai! Mau mở cửa ra, ta đã gọi người đến rồi, các ngươi mà làm chuyện xấu chúng ta sẽ bắt giải lên quan đấy!” Liền sau đó là một tràng tiếng đập cửa dồn dập, vừa nghe đã biết ít nhất có năm sáu người đang ở bên ngoài đạp cửa quát tháo, cũng có người thử dùng chìa khóa mở cửa, nhưng Tôn Tồn Chân đã chốt trong, bọn họ không sao dùng những phương pháp văn minh để mở cánh cửa ấy được.

Tôn Tồn Chân chẳng buồn liếc mắt nhìn ra phía cửa, nhảy phắt lên ban thờ dùng gậy chọc vào bức tường phía sau tượng Giáp Tý Thái Tuế, làm phát ra một tiếng “đang”, âm thanh tựa như một chiếc chuông đồng rất nặng, hai người đều ngạc nhiên, thì ra bức tường này là tường sắt rỗng. Chọc liền mấy cái mà bức tường không có phản ứng gì, Tôn Tồn Chân liền khom lưng thò tay ra phía sau tượng Giáp Tý Thái Tuế lần mò. Bức tượng có vẻ chắc chắn lại trơn nhẵn, y cứ rờ qua rờ lại, An Long Nhi lo lắng hỏi: “Sao vậy? Có phát hiện gì không?” Nó còn chưa dứt lời, Tôn Tồn Chân đã đấm một đấm vào lưng tượng Thái Tuế, phát ra tiếng vỡ rất lớn, làm An Long Nhi giật nảy mình, đồng thời cũng khiến âm thanh quát tháo bên ngoài càng lớn hơn nữa.

Tôn Tồn Chân thò tay vào phía sau tượng Giáp Tý Thái Tuế, mò được một cái tay nắm, y cầm vào dùng sức kéo mạnh lên, trên bức tường sau lưng liền có chín viên gạch gồ ra, xếp thành hình vuông.

“Nhanh lên nhanh lên, câu tiếp theo là gì!” Tôn Tồn Chân vừa nhìn đã biết đây là một cái Cửu cung mật tỏa, phải dùng phương thức phi cửu cung ít nhất cũng có bốn năm chục loại, y tin rằng cơ quan này không cho người ta lần lượt thử hết, mà họ chỉ có một cơ hội duy nhất, ấn sai một bước có thể sẽ khiến cơ quan bị khóa chặt vĩnh viễn. Mặc dù đã vào mùa đông, ai nấy đều mặc áo bông, song người An Long Nhi vẫn đầm đìa mồ hôi, nó vội vàng đọc câu tiếp theo: “Tâm hoài Thẩm tướng quân, chân nhân bộ canh tẩu.”

Tôn Tồn Chân lại nói: “Thẩm tướng quân gì chứ, bên chỗ Thẩm tướng quân làm gì có cái gì! Khẩu quyết kiểu gì kì vậy!”

An Long Nhi hiểu Thẩm tướng quân là chỉ một vị Thái Tuế khác trong điện Giáp Tý, nó đang quay đầu lại ngó nghiêng tìm kiếm tượng Thái Tuế Tinh Quân đó, thì Tôn Tồn Chân đã nhảy xuống nói: “Không cần tìm nữa, chỗ Thẩm tướng quân không có gì cả đâu.”

An Long Nhi nói: “Huynh thấy chỗ đó không có gì à? Sau lưng Giáp Tý tướng quân chẳng phải có cơ quan đấy còn gì?”

Tôn Tồn Chân bực mình, hậm hực hừ một tiếng, nhảy phắt tới bên cạnh một bức tượng Thái Tuế vung côn đập xuống, tiếng loảng xoảng vang lên, tượng thần bị đập cho vỡ tung tóe, bên trong và trên ban thờ đều không có gì cả. An Long Nhi giờ mới thấy tấm biển phía trước bức tượng Thái Tuế ấy viết rằng: “Đinh Mão Thẩm Hưng, Thẩm Hưng là Đinh Mão, Đinh Mão là cái gì? Là cái gì? Cô Kiều có ở đây thì tốt quá... cô Kiều sẽ nghĩ thế nào nhỉ? Cô ấy làm sao mà nghĩ ra cách nhỉ? Chân nhân canh bộ tẩu, chân nhân canh bộ... Tôn Tồn Chân! Có bao nhiêu loại chân nhân canh bộ?”

Tôn Tồn Chân rảo bước tới phía sau cánh cửa đang bị rung lắc nãy giờ, đạp mạnh một cú, cánh cửa bị rung lên từ trong ra ngoài, phát ra tiếng động rất lớn, đám đạo sĩ bên ngoài đều hoảng hốt im bặt một hồi. Y lớn tiếng nói với An Long Nhi: “Canh bộ gì mà chẳng là chân nhân canh bộ, Thái Bạch chân nhân, Thái Ất chân nhân, Thái Cực chân nhân, tất cả đều là chân nhân, có trời mới biết là ông nào chứ?”

“Tôi biết rồi...” An Long Nhi đang gãi đầu đột nhiên lóe lên một tia linh cảm: “Đinh Mão là Thái Ất, Đinh là hảo, thuộc dương, vì vậy dùng chữ Thái trong Thái Dương làm đại biểu, Mão là địa chi, song lại ẩn tàng một thiên can, chính là Ất...”

An Long Nhi còn đang nói dở, Tôn Tồn Chân đã bước mấy bước xông lên chỗ ban thờ Giáp Tý Thái Tuế, vung thanh Tề mi côn nhanh chóng đánh lên chín viên gạch lồi ra trên tường theo thứ tự của Thái Ất canh bộ, hai người đồng thanh đọc thành tiếng: “Cấn, Tốn, Khôn, Càn, Chấn, Đoài, Khảm, Ly, mở ra!”

Sàn nhà dưới chân họ mở ra một cái hố lớn, hai người và cả ban thờ cùng rơi xuống dưới, tiếng đập cửa quát tháo bên ngoài cũng im bặt, tựa như chưa từng xảy ra chuyện gì vậy.

An Long Nhi và Tôn Tồn Chân không bị trượt quá sâu, họ cảm thấy mình chỉ rơi khoảng hai trượng là ngã xuống một tấm ván sắt. Hai người đứng lên nhìn ngó xung quanh, chỉ thấy bốn bề đều tối đen như mực, giơ tay ra chầm chậm lần mò một lúc, họ phát hiện mình đang ở bên trong một cái lồng sắt rộng chừng một trượng vuông.

Sàn nhà phía trên đã khép lại, An Long Nhi thò đầu vào giữa các chấn song sắt, đo thử khoảng cách giữa chúng, rõ ràng nó không thể chui ra được, vóc dáng Tôn Tồn Chân còn cao to hơn nó, lại càng không có khả năng lách ra ngoài. Nó vươn tay ra phía ngoài lồng sờ mó, chỉ thấy trống không, hai người họ tựa như đang bị treo trong một khe nứt chết chóc không có cả thời gian lẫn không gian. An Long Nhi mặc kệ đây là nơi nào, chỉ chăm chăm sờ lần khắp cái lồng hòng tìm ra cửa lồng hay khóa lồng, như vậy ít nhất cũng biết được phải dùng cách gì để phá khóa đi ra.

Tôn Tồn Chân đứng phía sau An Long Nhi, hai tay khoanh trước ngực, thanh Tề mi côn kẹp trong tay, để mặc cho An Long Nhi lần sờ mó cái lồng sắt, y chỉ lẳng lặng không nói một lời nhìn chằm chằm vào khoảng không tăm tối phía trước. An Long Nhi vừa sờ mó vừa nói với Tôn Tồn Chân: “Huynh cũng qua lần dò đi, xem có cửa hay khóa gì không...”

Tôn Tồn Chân đứng bất động nhìn về phía trước, đáp: “Không cần, cái lồng này chỉ mở được từ bên trên hoặc bên dưới, bốn phía đều không có cơ quan... nơi này là tầng xép nằm giữa mặt đất và địa lao, bên trên là đá phiến, bên dưới cũng là đá phiến, cách chúng ta mười trượng phía trước có một cầu thang, bên trên cầu thang có một cánh cửa, sẽ có người đến xem chúng ta, nhanh thôi...”

An Long Nhi dừng tay lại nói: “Sao huynh biết, huynh trông thấy à? Sau khi đến điện Giáp Tý, hình như cái gì huynh cũng biết?” Nó nghi hoặc nhìn Tôn Tồn Chân, nhưng chỉ thấy bóng tối vô tận, song Tôn Tồn Chân lại có thể nhận ra vẻ nghi vấn và không tín nhiệm đầy trong mắt nó. Tôn Tồn Chân lấy trong người ra chiếc bật lửa Jack tặng, nhét vào tay An Long Nhi, An Long Nhi cầm lấy bật lên, chiếc bật lửa lóe ra một tia lửa chói mắt.

Đến khi mắt có thể thích ứng với ánh sáng, An Long Nhi nhận ra khung cảnh quả nhiên giống như những gì Tôn Tồn Chân nói, trước mắt nó là một không gian chật hẹp bức bối do đá phiến ghép thành. Trên bậc thang phía xa có một đạo sĩ trung niên đang đi xuống, An Long Nhi chỉ thấy ông ta mặc đạo bào, tay cầm một vật trông như cái gậy, chắc là trường kiếm, nhưng vì tối quá nên không nhìn rõ bộ dạng mặt mày thế nào.

Đạo sĩ đó đứng trên bậc thang, nhìn về phía cái lồng từ đằng xa, chăm chú một hồi, đoạn lại không nói không rằng tiếp tục đi xuống địa lao, biến mất khỏi tầm mắt An Long Nhi. An Long Nhi lớn tiếng gọi: “Đạo gia! Đạo gia! Thả chúng tôi ra...”

Gọi liền mấy tiếng mà không ai trả lời, An Long Nhi đành im lặng đợi người ta đến xử lý. Nó bắt đầu nghi ngờ không biết khẩu quyết của Lục Kiều Kiều có chính xác không, ngộ nhỡ Lục Kiều Kiều bị người truyền khẩu quyết cho cô ám hại há chẳng phải rất nguy hiểm sao? Nhưng nghĩ tới đây, nó lại thầm cảm thấy may mắn, dù cho có người muốn hại Lục Kiều Kiều, đối phương cũng không thể ngờ được kẻ bị vây khốn ở đây lại là An Long Nhi. Muốn bắt cô Kiều sao? Làm gì có chuyện dễ như vậy? Chỉ là không biết cô Kiều bây giờ thế nào, chẳng rõ đã thoát được bọn truy binh hay chưa?

Nó đang nghĩ ngợi lung tung một hồi, lồng sắt đột nhiên rơi xuống dưới, nó và Tôn Tồn Chân rơi xuống một căn phòng quái dị bốn mặt đều là gạch đỏ. Căn phòng rộng chừng hai trượng vuông, bốn mặt tường gạch đều ở rất xa, hai người họ không thể với tay tới, cái lồng nằm chính giữa phòng, một đạo sĩ trung niên đang đứng ngay trước mặt hai người.

Đạo sĩ ấy xõa tóc ngang vai, hàm râu trên miệng trông như mấy ngày chưa cạo, chỉ có bộ đạo bào trên người mới khiến người ta cảm thấy ông ta là một đạo sĩ. Vóc dáng ông ta hơi gầy, hai mắt trông như ngủ không đủ giấc, trên tay cầm một cây gậy bằng gỗ đen.

Cây gậy gỗ đen ấy dài ba thước năm phân, đầu tròn thân thẳng đuôi nhọn, toàn thân đen nhánh được đánh bóng cẩn thận, bên trên khắc hoa văn rất tinh xảo, nhìn kĩ thì thấy hoa văn ở phần giữa là tề chỉnh và phức tạp nhất, làm nó nhớ đến ba mũi Tam thi câu mệnh tiễn từng ghim sau lưng Tôn Tồn Chân. Trên ba mũi tên ấy vẽ đầy bùa, trên cây gậy gỗ đen này cũng chi chít những bùa chú. An Long Nhi vừa nhìn đã nhận ra đây là loại gậy tùy thân của các phong thủy sư, chỉ là nó không ngờ thứ công cụ mà các phong thủy sư ngày ngày đều mang theo người ấy lại có thể đẹp đẽ tinh xảo nhường này.

Đạo sĩ uể oải cầm cây gậy, hai mắt nửa nhắm nửa mở như thể chưa ngủ dậy, ông ta thả lỏng cần cổ, ngoẹo đầu, nhìn hai người một lúc, rồi cất tiếng hỏi An Long Nhi: “Ngươi biết cây gậy này là gì không?”

An Long Nhi lắc đầu.

“Không biết thì các ngươi đến đây làm gì?” Đạo sĩ lùi tới cạnh tường, cây gậy gỗ đen buông thõng bên người, hai mắt trợn lên nhìn trần nhà, chờ An Long Nhi trả lời.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx