sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi 1 -

Sự kiện về lũ chim trĩ rầm rập đến chỗ vua ngồi có ghi lại trong hồ sơ hoàng gia. Nhưng một cái điềm triều quái dị này của vua chúa trong cung đình rốt cuộc cũng không ai còn để ý nữa. Hoàng đế nhà Ðại Hán thì sau khi đã làm lễ nhương giải ở Thông Thiên đài rồi lòng cũng đã trở nên thanh thản coi như không có việc gì xảy ra.

Tóm tắt lại, đây đã là thời kỳ tuyệt đẹp bốn bể thanh bình rồi!

Lưu Ngao được những gì của tổ tông để lại, cứ việc ở trong cung đình hào hoa mỹ lệ mà an nhiên hưởng lạc.

Sau những công việc trị sự an dân bận rộn, ngài thường sinh hoạt ở vườn Thượng Lâm. Cung Kiến Chương do Hán Vũ đế xây dựng, chính là ở trong vườn Thượng Lâm đó. Cấu trúc của cung Kiến Chương và kinh đô các vua chúa nhà Ðại Hán cực kỳ hùng vĩ, có tên là cung Vị Ương, trung tâm chính trị triều Hán có muôn vạn gia đình nhà cửa, có hai con đường phức đạo thông nhau.

Về mặt cơ chế kiến trúc thì bên trong cung thành vùng chính của cung Vị Ương là nơi hoàng đế phát ra những mệnh lệnh chiếu chỉ, nhưng các đời vua kế vị, từ sau Hán Vũ đế trở đi đều thích ở cung Kiến Chương trong vườn Thượng Lâm.

Lưu Ngao cũng không ngoài cái lệ ấy, một mặt là do cung Kiến Chương tự do thoải mái hơn là ở cung Vị Ương nhiều.

Hiện nay, Hoàng đế nhà Ðại Hán đang ở mặt phía Bắc của cung Kiến Chương, trên Tiệm đài trong hồ Thái Dịch.

Tiệm đài xây dựng trên một hòn đảo nhỏ nhân tạo giữa hồ Thái Dịch ấy.

Nhà vua và vị sủng thần của ngài là Phú Bình Hầu Trương Phóng cùng sống chung ở đấy, cùng chuyện trò với nhau từ thanh sắc của con chó, con ngựa cho đến việc quốc gia đại sự.

Trên bờ hồ Dịch Trì, hoa cỏ tốt tươi, trong Tiệm đài có hơn hai mươi nữ thị hầu hạ nhà vua, nhưng Lưu Ngao lại tỏ ra vẻ buồn bực với vị sủng thần của ngài.

- Tâu bệ hạ. Trương Phóng chớp chớp đôi mắt:

- Sự thật thì thần đã tìm ra được một nơi tuyệt hảo rồi. Chỉ vì Thái Hậu đã nhắc nhở...

- Thái Hậu thì kiềm chế sao nổi ta nhiều như thế.

Nhà vua uể oải vươn lưng hỏi:

- Ỏ vùng nào mới được chứ? Ngài hỏi, nhưng lộ vẻ không mấy hứng thú.

Trương Phóng làm như vì thái độ nhà vua như thế cũng tỏ ra thờ ơ.

- Thưa, ở bên cạnh cầu Trung Vị ạ.

- Ôi! Xa quá!

Lưu Ngao nhìn mặt nước xanh lăn tăn gợn sóng trên hồ Thái Dịch trì buồn rầu nói tiếp:

- Hay là chỗ này thôi. Nếu đem cái cô bé ở chỗ công chúa Dương A kia đến, thì dù ở đâu, ta cũng không thèm đi nữa.

- Thần đoán được ý muốn của bệ hạ, nên đã đưa cô ta đi rồi.

- Thế nào?

Lưu Ngao nhảy vụt lên:

- Cô bé kia đã rời khỏi chỗ Dương A rồi sao? Ông đã chẳng nói là công chúa coi con nhỏ ấy là của báu vô giá đấy thôi.

- Thưa đúng thế. Thần đã đem hết tâm cơ, tiêu hết cả nữa gia sản, mới giành được cô ta về tay đấy ạ.

- À... à... té ra là ông đã nhốt nó vào chỗ bên cầu Trung Vị rồi đấy ư?

Tinh thần của nhà vua được kích động lên, ngài vui vẻ nói:

- Thế thì xong rồi, chúng ta cùng đi thôi.

- Bệ hạ ơi, bây giờ thì chưa được. Giữa ban ngày ban mặt thế này, Thái Hậu sẽ biết, rồi lại có chuyện ra chuyện vào nữa chứ, thần đã mất nữa gia tài, nếu lại để xảy ra chuyện chẳng lành... Trương Phóng nói trơn tuột, lắc lắc đầu.

Hoàng đế đưa hai ngón tay ra, cười và nói:

- Nhà ngươi đã nói hai lần rằng phải tiêu mất những nữa gia sản, ngươi sợ ta không hoàn trả lại chứ gì?

- Tâu bệ hạ, thần quả không có cái ý ấy đâu mà, thần còn nữa gia sản kia nữa, thì cũng là của bệ hạ cả đấy thôi, thần được là từ bệ hạ, rồi cũng vì bệ hạ mà mất đi, có gì mà phải oán thán kia ạ. Ðúng như thế đấy! Không bao giờ thần lại dám nghĩ đến đoạn bệ hạ sẽ hoàn lại.

- Bất tất phải che đậy làm gì. Ta sẽ bồi thường rất hậu cho nhà ngươi.

Hoàng đế ngừng một lát, lại nói tiếp:

- Thôi được, vào lúc hoàng hôn mà đi thì tốt hơn thật. Con nhỏ ấy tên là Phi Yến, đúng không? Hay, hay lắm!

- Nó tên thật là Triệu Nghi Chủ, khi đang ở chỗ công chúa Dương A, vì là thần thái khi múa thì uyển chuyển, như bay lượn, thân thể kiều diễm lung linh, cho nên gọi là Phi Yến.

- Nghi Chủ, tên ấy cũng được lắm, nhưng ta thấy Phi Yến thì thật là hay. Hoàng đế mỉm cười thích thú.

- Trương Phóng. Chỗ hay của nhà ngươi là biết được nơi sâu kín của tâm phúc ta.

Vào lúc vua tôi đang thì thầm chuyện riêng ấy thì một thị nữ cúi gập người bên cạnh lan can nhỏ nhẻ gọi bệ hạ, nhà vua cúi đầu xuống, dùng ánh mắt hỏi:

- Ban Tiệp Dư đang có mặt xin chiếu chỉ kia?

Ồ! Lưu Ngao ngửng phắt đầu lên, nhìn sang bờ đê đối diện với Thái Dịch Trì. Trên bờ để dưới cây liễu rủ, có ba người đứng đấy, đó là nàng Tiệp Dư họ Ban mặc áo gấm, sau lưng là hai cô sử nữ.

Ban Tiệp Dư là cô gái đẹp và đoan trang trong đám giai nhân chốn hậu cung, nàng là người giành được sự sủng ái của nhà vua, không cần chiếu gọi mà tự đến thăm hỏi ngài. Nàng, cũng có thể tự đưa ra chủ trương xử lý một vài vụ việc của cung đình. Hơn nữa, nàng lại giành được lòng yêu mến của Thái Hậu, điều đó, khiến nàng có một địa vị đặc biệt ở trong cung.

Trương Phóng cũng theo mắt hoàng đế nhìn nàng Tiệp Dư họ Ban bên kia đê rồi hứng lên thuận miệng hát:

" La la la la... Móc trắng thành sương, ôi con người ấy, đứng bên bờ nước...

Nhà vua liếc sang hắn một cái, rồi nói với người thị nữ "cho Ban Tiệp Dư vào"

- Tâu bệ hạ, tiểu nhân xin cáo lui.

Trương Phóng cúi khom người thi lễ:

- Xem ra thì hôm nay không thể đi đến chỗ bên cầu Trung Vị kia được đâu ạ.

- Ði chứ! Sao lại không đi?

Lưu Ngao nói chắc nịch:

- Vào lúc sẩm tối, ông lên xe theo cửa phía Bắc vào đây đón ta, ta cùng dùng xe chung của ông.

Khi nàng Tiệp Dư họ Ban ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ bước lên Tiệm đài, Phú Bình Hầu Trương Phóng liền bước đến. Hắn cung kính, khúm núm lễ phép chào Ban Tiệp Dư.

- Nàng sang cung Kiến Chương lúc nào thế? - Hoàng đế cầm tay nàng hỏi.

- Cũng đã khá lâu rồi đấy ạ - Ban Tiệp Dư ngồi xuống cạnh nhà vua.

Trong lúc Trương Phóng quay đầu nhìn, nàng như cố ý tỏ ra thân thiết với hắn lắm.

Sau đó, nàng đưa mắt nhìn hoàng đế, nói nhỏ:

- Trương Phóng gặp thiếp sao cứ lấm la lấm lét...

- Cái dáng của hắn ta như thế đấy - Lưu Ngao nói chống chế cho tên sủng thần của mình.

- Thiếp thấy rằng khi bệ hạ cùng ở chung với hắn, thật là quá tự nhiên. - Ðuôi lông mày của Ban Tiệp Dư khẽ nheo lại - Lần trước, ở cung Quang Minh, hắn thấy thiếp đến, cũng vẫn cái dáng hốt hoảng lấm lét như thế.

Lưu Ngao phá lên cười thoải mái.

- Ðiều đó có gì đáng cười đâu ạ? - Nàng Ban nói tiếp nhẹ nhàng nghiêm chỉnh. Nhất định là do cái tâm thuật của hắn bất chính, nếu không, việc gì phải lấm la lấm lét, sợ gặp thiếp như vậy.

- Sức tưởng tượng của nàng phong phú quá đấy!. Nhà vua nói rồi đứng lên:

- Viên cơ, chúng ta đến Kinh Phong đài đi?

- Tiệm đài đẹp lắm rồi - Nàng kéo nhà vua ngồi xuống. Thiếp vừa mới đến đây, xin cho được nghỉ một lát. Bệ hạ thật không thể tất cho thiếp chút nào.

- Ta không thể tất với nàng? Nỡ lòng nào vậy?

Lưu Ngao sờ tay lên má nàng:

- Bao nhiêu con người trong nội cung này, nàng là thứ nhất.

Nàng kéo chàng lại, rất tự nhiên dựa chặt vào chàng.

- Viên cơ, nàng hãy xoa bóp cho ta một lúc, đêm qua ta ngủ không ngon chút nào. Hoàng đế vòng tay chỉ vào bộ phận chỗ bên sườn. Ban Tiệp Dư nhờ sự săn sóc tế nhị và chu đáo đối với nhà vua mà được sủng ái. Sau khi nghe Lưu Ngao nói ra chuyện đau ở chỗ sườn, nàng vội vàng đưa tay xoa bóp cho nhà vua. Thế là nhà vua nằm nghiêng người xuống sập. Ngài lim dim mắt, hưởng những cái vuốt ve nhẹ nhàng. Ngài đâu có phải đau lưng gì đâu mà chủ yếu là để dưỡng thân thôi, dưỡng cho tinh thần khỏe khoắn để rồi tối nay ngài hưởng đến tận cùng khoái lạc.

Triệu Phi Yến, người hầu gái trong nhà của Dương A công chúa, ngài chỉ mới trông thấy có một lần, nhưng đã in sâu trong lòng ngài mãi mãi không phai mờ. Ngài say đắm vẻ yêu kiều của nàng, ngài say đắm phong vận của nàng. Nhưng điều chủ yếu quan trọng nhất là: ngài cảm thấy Phi Yến khác lạ với tất cả bọn đàn bà con gái trong tam cung lục viện này...

Ðêm ở Quan Bình Viện

Mười hai tên lính Ngự lâm cận vệ mặc thường phục đi tuần tiễu trở về nhà để xe trong cửa Ðại môn, bốn người nội thị cũng ăn mặc thường phục đang ngồi tán gẫu trong tòa đại sảnh. Từ nhà để xe đến đại sảnh đèn đuốc sáng trưng như ban ngày.

Trong căn phòng thứ hai chỉ có hai nội thị.

Phòng thứ ba, sảnh đường xinh xắn, rèm vàng buông sát đất, ánh đèn mờ ảo. Ngoài rèm, có bốn cô ngồi trên chiếc ghế dài ở chỗ hành lang để chờ đến phiên từ bên trong gọi vào. Họ đều mặc thường phục.

Bên trong bức trướng màu tía, yến tiệc vừa bày ra, huyên náo tiếng tơ tiếng trúc. Ban nhạc gồm tám tên nhạc công đang diễn tấu trên sân khấu cao phía bên phải sảnh đường.

Hoàng đế nhà Ðại Hán ngồi ở chính giữa, bên phải là Triệu Phi Yến, bên trái là Trương Phóng. Nhà vua, từ khi mới cuộc đã uống quá nhiều, mặt ngài đỏ lựng. Có thể là do men rượu kích thích, ngài đang hưng phấn lắm.

- Thưa Trương đại nhân.

Triệu Phi Yến cầm chiếc bình Bạch ngọc, rót cho nhà vua một chén đầy. Lưu Ngao tuy đã mang theo một đoàn những nhân viên thị tùng đến Quan Bình Viện nhưng vẫn không để lộ chân tướng của mình. Triệu Phi Yến mặc dầu đã thừa biết ông ta là ai rồi, vẫn cố làm như không hay biết một tí gì. Theo lệ, lần thứ nhất gặp nhau xưng hô, cứ gọi vị khách quý này là Trương đại nhân vậy.

- Chớ có ép tôi uống thêm nữa - Lưu Ngao dùng tay đẩy chén rượu ra. Tôi muốn, trước hết là múa một lúc đã.

- Dễ thôi ạ. Triệu Phi Yến dịu dàng đáp:

- Xin ngài hãy xơi cạn chén này. Trương công tử cũng xin mời cạn một chén.

- Trương công tử - Anh uống trước đi? - Lưu Ngạo dùng khẩu khí của bậc đế vương bảo Trương Phóng, thấy hắn đã uống cạn rồi liền đẩy luôn chén của mình lại trước mặt hắn - Chén này của tôi, cũng tặng anh luôn.

Trương Phóng không cần suy nghĩ gì tiếp luôn chén đó nhưng Triệu Phi Yến đã đưa tay ra ngăn lại, lấy cái vẻ giận dỗi của phái đẹp nói với nhà vua.

- Không được! Em mời Trương đại nhân cơ. Làm sao lại đem nhường cho Trương công tử nhỉ?

Vẻ giận dỗi của nàng thật đáng yêu khiến ai cũng muốn được nàng giận dỗi như thế. Vì vậy, Lưu Ngao cười hì hì, lấy chén rượu kia lại.

- Ðể em cầm chén cho, còn ngài thì uống.

- Ðược! Lưu Ngao há miệng ra, đăm đăm nhìn cô gái.

Triệu Phi Yến cầm chén rượu đưa lên kề tận môi ngài, lại rụt tay bỏ chén xuống.

- Không được, tự ngài uống lấy! Em không thích đôi mắt của ngài đâu.

Triệu Phi Yến bĩu môi, chuyển sang Trương Phóng:

- Trương công tử mắt đại nhân của ngài! Khá... bẩn.

- Bẩn! Sao lại bảo là bẩn?

Lưu Ngao không làm chủ được mình túm lấy tay cô gái:

- Nói ta nghe? Sao lại bảo ta là bẩn?

Triệu Phi Yến rút được tay ra, rồi lại vỗ liên hồi vào lưng bàn tay của khách:

- Bàn tay này của ngài cũng bẩn.

- A! Bẩn là thế đấy! Phi Yến, bản tính của ta là do tự nhiên sinh ra, xem chừng không thể có phép gì thay đổi được.

Lưu Ngao lại đưa tay ra chộp bắt Phi Yến lần nữa.

Trương Phóng ngồi bên cạnh đã lấy làm sốt ruột lắm, liền kín đáo dùng mắt để ngăn chặn Phi Yến khỏi phóng túng bừa bãi, hẳn rằng hành động hôm nay của Triệu Phi Yến là đã quá trớn rồi. Ðối với hoàng đế thì không thể cứ tùy tiện đưa tay ra mà đánh! Thế nhưng Phi Yến lại biết rất rõ và cố tình phạm lỗi, nàng lại đánh vào tay nhà vua, đã vậy, lại còn đánh mạnh hơn lúc nãy.

- Phi Yến! - Trương Phóng sốt ruột kêu lên.

Nhưng tiếng kêu của hắn bị tiếng cười của Lưu Ngao át mất, Triệu Phi Yến hoàn toàn không nghe gì hết, hơn nữa, trong tiếng cười như phá, Lưu Ngao đã tóm được cả hai tay của Phi Yến rồi, lúc này thì nàng không còn vùng vẫy để rút tay ra mà đôi cặp mắt lại nhìn vào nhau.

- Ðôi con mắt của cô em cũng rất bẩn nữa kia.

- Ðôi mắt của em đẹp chứ, không bẩn đâu?

Phi Yến ngang nhiên nói:

- Em làm sao mà so sánh với ngài được.

Nói vậy rồi đột nhiên ngã xuống cạnh Lưu Ngao, rên lên:

- Em bị ngài bôi lên rồi, cho nên cũng bẩn nốt.

Tiếng cười của Lưu Ngao lại càng vang lên!

- Không nên để Trương công tử nghe thấy - Nàng khe khẽ nói.

Giọng của nàng, hơi thở của nàng êm ru như mật rót vào tai, thấy khoan khoái bội phần. Vì thế, ngài nghiêng nghiêng đầu rồi phục xuống cạnh nàng.

- Bây giờ thì nàng có thể chuốc cho ta một chén.

Nàng mỉm miệng cười gật đầu, lấy bình rượu, trước hết nhấp một ngụm, rồi đưa chén đến tận môi ngài. Ngài dùng cả hai tay ôm lấy bàn tay cầm chén của nàng. Bây giờ ngài mới nhận ra là những ngón tay của nàng lung linh mà dài. Nhìn qua thì khí gầy, nhưng khi tiếp xúc thì lại rất mềm mại, vì thế ngài dùng bàn tay mình nhẹ nhàng ve vuốt mãi lên mu bàn tay nàng, ngài chậm rãi, từng hớp từng hớp một uống cạn chén rượu.

Tiếng đàn cùng tấu vang lên như trợ hứng cho họ.

Rượu uống đã cạn rồi, Lưu Ngao vẫn nắm chặt bàn tay nàng không chịu buông ra! Ngài đắc ý quay đầu lại nhìn Trương Phóng. Ngài muốn báo cho hắn biết, tự ngài hoàn toàn không phải là chỉ dựa vào địa vị mà chiếm được trái tim say đắm của một người con gái. Nhưng, Trương Phóng đã biến mất tăm dạng rồi. Ngài gọi một tiếng, Triệu Phi Yến cũng gọi một tiếng, sau tiếp đó lại hỏi bọn thị nữ:

- Trương công tử đâu?

- Vào trong thay áo rồi ạ.

- Mặc hắn! - Lưu Ngao bảo cô gái ngồi bên cạnh mình:

- Có thể là Trương công tử giận rồi đấy - Triệu Phi Yến thì thầm nói:

- Anh chàng thấy chúng ta như thế bên cạnh không còn ai nữa, nhất định là rất khó chịu.

- Cứ để mặc hắn! - Lưu Ngao nhắc lại một lần nữa.

- Không được, em chẳng muốn như thế này đâu - Triệu Phi Yến cúi đầu như nói với mình rồi tiếp:

- Tất cả đều tại ngài cả. Ngài đã gây rắc rối cho em rồi.

- Ta quấy rầy nàng bao giờ?

Triệu Phi Yến lại đưa bàn tay lên, khí thế thì rất mạnh, nhưng khi buông xuống thì lại rất chậm, bên má Lưu Ngao lại được ve vuốt êm ái, ngài khúc khích cười, lại chụp lấy bàn tay nàng, nhẹ nhàng nói:

- Phi Yến, nàng biết hôm nay là ai muốn đến thăm nàng rồi chứ?

- Em không biết. Nàng vờ giận dữ nói:

- Ngài còn hư hơn cả anh ta nữa kia.

- Nhưng chính như thế mới chứng tỏ tôi yêu nàng hơn anh chàng ấy nhiều chứ!

Lưu Ngao nói nhanh:

- Báo cho nàng biết, ta muốn gặp nàng đã từ rất lâu rồi, chính là ta nhờ Trương công tử lo liệu cho nàng, đem nàng ra khỏi phủ đệ của công chúa Dương A đấy chứ.

Nàng nhếch mép như để tỏ ý không thể tin được. Nhưng nàng lại có vẻ rất vui.

- Xưa nay ta không lừa dối ai cả!

- Không lừa dối ai, thì có điều gì tốt đâu cơ chứ. Nàng nũng nịu:

- Em sẵn sàng để bị ngài lừa dối lắm nhé! Nàng xúc động một tay xoa lên vai chàng:

- Trương đại nhân, ngài đem em ra khỏi phủ đệ của công chúa Dương A, vậy ngài muốn gì?

- Ta muốn.

Chàng xoa xoa tay vào má nàng, nhưng Triệu Phi Yến lại hất mạnh tay ra. Vì thế, Lưu Ngao kêu lên:

- Ai dà. Nàng hạ tay quá mạnh làm ta đau lắm đấy nhé.

- Ngài tưởng là em không muốn ngài đau hả? Em muốn ngài đau cơ, nên mới đánh cho như thế đấy chứ!

- Phi Yến! Hà tất nàng phải làm như thế?

- Nếu thế thì cứ ngồi cho ngay ngắn nghiêm chỉnh vào, không được động đậy bàn tay đâu đấy.

Nàng nói nhích ra một chút, làm vẻ sửa áo quần ngồi ngay ngắn.

- Phi Yến, nàng cũng đã đón Trương công tử như vậy ư?

- Không! Ông ta không bẩn như ngài.

Nói xong, nàng đưa tay ra xô vào vai chàng.

- Bây giờ, chính là nàng động thủ trước đấy nhé.

- Em có thể, nhưng ngài thì không được.

Phi Yến dùng cái tính ngang tàng của phụ nữ để áp chế chàng. Vì thế, Lưu Ngao chỉ còn cách nháy nháy mắt cam chịu như tự nói với mình: "Không ngờ, ta lại bị làm nhục ở đây như thế này".

- Nếu ngài không muốn bị nhục thì xin mời.

Nàng vung tay một cái, dướn lông mày làm một động tác đuổi khách ra.

- Ôi, chao ôi! Lại vô tình vô nghĩa đến thế sao?

Lưu Ngao buồn rầu vì nét phong tình của nàng đã biến mất, ngài rên lên vẻ cầu xin.

- Chúng ta vừa mới biết nhau! Em làm sao mà hiểu được tình nghĩa của ngài đối với em kia chứ?

- Nàng có muốn ta thề không?

- Không ạ! - Nàng đột nhiên di chuyển người, dựa gần chàng, đưa tay ra, tựa hồ như muốn bịt miệng chàng lại - Em không cần ngài thề thốt đâu, ngày tháng còn dài, em sẽ biết ai tốt ai xấu đối với em.

Ðúng lúc nàng đang nói đó, Trương Phóng từ trong nhà đi ra. Cùng đi còn có Hợp Ðức cô em gái của Phi Yến, Lưu Ngao đưa mắt nhìn, không để ý cô bé còn vắt mũi chưa sạch ấy, nhưng ngài lại tỏ vẻ tươi cười đắc ý đối với Trương Phóng.

Triệu Phi Yến không nhìn đến ánh mắt trao đổi với nhau của hai người, chậm rãi rót một chén rượu, nói với Lưu Ngao giọng nhỏ nhẹ.

- Ngài dùng chén rượu này đã rồi em sẽ múa. Bấy giờ, Lưu Ngao có một cảm nhận sai lầm, tưởng là Triệu Phi Yến trong sự đối đãi bình đẳng, giữa Trương Phóng và mình, nàng chọn mình trước. Ðó là thắng lợi, đó là điều đáng kiêu hãnh.

Thế là, Triệu Phi Yến bắt đầu vũ, nàng nhẹ nhàng múa một vũ khúc xoay trong của vùng Hàm Ðan, thật là thanh thoát phiêu diêu, trong khi nàng múa, lượn, dải áo tung bay, váy dài xòe rộng, khi vũ khúc vào nhịp tay hạ xuống chuyển bước nhanh, quay về, nàng tình tứ đưa mắt nhìn vị hoàng đế. Ðó là vẻ yêu kiều mà bất kỳ cô gái trong cung đình không bao giờ có được. Trong ấn tượng của Lưu Ngao, nàng giống hệt một đóa hoa, một đóa hoa kỳ lạ mà ngài có thể tưởng tượng ra chứ không thể gọi là thành tên.

Khi hồi múa sắp đến phần kết, ngài tự rót rượu cho mình uống một hơi cạn chén.

Thế rồi do một ý niệm vụt bay bổng nảy sinh ra, ngài đưa tay vẫy gọi Trương Phóng:

- Ðêm nay, ta có thể lưu lại ở đây được chăng?

Trương Phóng lắc lắc đầu, cũng nhỏ giọng nói:

- Có thể không ổn đâu? Nàng chắc gì đã chịu, mà nàng có bằng lòng đi nữa, bệ hạ không trở về trong cung thì cũng chẳng hay lắm đâu. Ngày mai, sẽ chuốc lấy phiền muộn thôi.

- Mặc xác cái sự phiền muộn của ngày mai? Anh không có cách gì làm cho ta thành công đêm nay cả?

- Sứ mệnh bệ hạ giao cho không dễ thực hiện được đâu ạ. Triệu Phi Yến hơn hẳn người thường, tuy xuất thân nghèo hèn nhưng cô ta giữ mình, rất nghiêm, ép buộc cô ta đương nhiên là có thể, nhưng như thế thì có được điều gì tốt đẹp đâu kia ạ.

- Ồ... ồ... Lưu Ngao thấy cũng phải, lắc đầu rồi lại đưa tay ra ngăn không cho Trương Phóng nói nữa. Lúc này, ngài đang muốn xem điệu múa của Phi Yến.

Nàng đang múa đến một tiết mới của điệu vũ khúc Hàm Ðan, nhanh vun vút tròn xoay nhưng thân thể nàng vẫn giữ được cái thế vững vàng điềm tĩnh. Cuối cùng, nàng chuyển mình đến trước án, cầm chén rượu lên, ngừng lại, ngập ngừng giây lát, nàng nhè nhẹ thở, nâng chén đưa rượu mời Lưu Ngao.

Tất cả đều đạt đến tuyệt mỹ.

Nhưng giây phút đẹp đẽ qua đi quá nhanh, mội thị rón rén bước vào mời hoàng đế hồi giá, Trương Phóng cũng thấy đúng lúc phải dừng lại. Nhà vua còn bịn rịn nhưng không còn biết làm gì hơn liền đứng lên:

- Phi Yến, ta sẽ lại thăm nàng.

- Tùy ngài.

Nàng liếc nhìn vị hoàng đế tâm thần đang hoảng hốt ấy, quả thực nhà vua chẳng muốn ra về chút nào.

- Ta sẽ không bao giờ quên đêm nay. Lưu Ngao trân trọng nói:

- Phi Yến, rồi ta sẽ trở lại.

Nàng nở một nụ cười mơ hồ, hạ giọng nói:

- Xin vâng. Chào đại nhân.

Sau khi ra khỏi Quan Bình Viên, hoàng đế nhà Ðại Hán ngồi trên xe trịnh trọng nói vị sủng thần của mình:

- Trương khanh, để ta nói trước cho nhà ngươi biết, người con gái ấy, ta rất cần đấy.

- Tất nhiên là thần biết bệ hạ cần - Trương Phóng nháy nháy mắt cười:

- Tình hình hôm nay thần đã biết cả rồi.

- Còn điều này, nhà ngươi bất tất phải tuyên bố cho cô ta biết về cá nhân ta nhé.

- Cho đến lúc này thần vẫn chưa tiết lộ điều gì, nhưng thần ngầm cho nàng biết sơ sơ, bệ hạ là nhân vật tầm cỡ trong triều đình.

Tâu bệ hạ, trong mắt của họ, thì tiểu thần Phú Bình Hầu là một đại nhân. Ý ngầm của tiểu thần thì chỉ để cho mỗi Triệu Phi Yến biết bệ hạ là quý nhân thôi ạ.

- Ừ.

Nhà vua dần dần nghe ra, xe ngựa đi trên đường lớn gập ghềnh vị hoàng đế ngồi trên xe lắc lư từ bên này sang bên khác phải bíu chặt lấy thành xe, thốt nhiên, ngài vỗ hai tay vào nhau, cao giọng nói:

- Trương Phóng, ta muốn đưa nàng vào cung!

Trương Phóng đổi sợ thành vui, nhưng lại làm ra vẻ buồn rầu, giọng trầm trầm nói:

- Tâu bệ hạ, tiểu thần nghĩ rằng hãy cứ xem gió bỏ buồm đã.

- Tự ta sẽ có cách.

Nhà vua đã nói tự ngài có cách rồi. Trương Phóng chỉ còn biết cười hì hì, không thể nói thêm được lời nào nữa. Nhưng hắn biết nhà vua đã ngầm tính toán đâu vào đấy rồi. Hắn nghĩ bụng: "Nếu Triệu Phi Yến vào cung. Xem ra thì cô ta cũng có thể được sủng ái đấy, mình rồi cũng nhờ thế mà được phú quý lâu dài, đó là suy nghĩ về mặt thuận. Nhưng lại nghĩ về một phương diện khác: quan hệ trong cung đình vô cùng phức tạp. Triệu Phi Yến xuất thân hèn mọn, sau khi vào cung, liệu có thể giành được sự sủng ái lâu dài của nhà vua không?

Lại nữa, người ta có thể tẩy chay cái cô gái hàn vi này hay không, điều đó khó ai có thể đoán chắc. Nếu như Triệu Phi Yến có xảy ra chuyện gì thì nhất định là bất lợi lớn cho mình rồi! Càng nghĩ hắn càng không tìm ra lối thoát ".

Trước giờ ngọ ngày thứ hai, Trương Phóng lại đến Quan Bình Viên.

Triệu Phi Yến vẫn chưa dậy, cô em gái Hợp Ðức tiếp hắn trong phòng, cả hai cùng ngồi, nét mặt cô ta khá nặng nề như có chuyện gì vừa xảy ra.

- Hợp Ðức, cô hãy còn ngái ngủ? - Trương Phóng buột miệng hỏi.

- Em dậy đã từ sáng kia - Hợp Ðức lạnh lùng trả lời.

- Thế thì có chuyện gì vậy? Hay là bị bà chị mắng?

- Chị ấy xưa nay có bao giờ trách mắng gì em đâu - Vẻ mặt của Hợp Ðức vẫn lạnh lùng:

- Em cũng chẳng có chuyện gì cả. Một đứa con gái nghèo hèn, làm gì có chuyện tâm sự nọ kia!

- Ồ! Hợp Ðức, xem ra, cô có vẻ khó chịu với tôi hả?

- Ðâu dám ạ - Từ vẻ lạnh nhạt, Hợp Ðức đã trở nên tươi cười, cô ta thong thả đi vào trong phòng, lát sau, quay trở ra nói:

- Chị em mời công tử vào.

Triệu Phi Yến vừa mới từ phòng thay áo bước ra, mái tóc dài buông xõa, thấy Trương Phóng, vẻ như cười như không, chào khe khẽ "Trương công tử", rồi đi đến chỗ đài gương soi mặt, tỉ mỉ kẻ lông mày.

- Phi Yến - Trương Phóng trông thấy vẻ lãnh đạm của nàng đối với mình, từ từ bước lên, hai tay đặt lên vai nàng hỏi:

- Cô đối với tôi, có điều gì không bằng lòng vậy?

Nàng ngẩng đầu lên, nhìn Trương Phóng trong gương, buồn bã lắc đầu, nước mắt rưng rưng:

- Phi Yến. Trương Phóng kinh hoàng hỏi:

- Có chuyện gì vậy?

- Em thương cho thân phận của mình quá - Nàng thỏ thẻ nói:

- Em cứ tưởng là, em sẽ trở thành người thân thiết của Phú Bình Hầu kia đấy...

- Phi Yến, tôi đã nói cho nàng biết chân tướng của con người kia rồi đấy thôi thậm chí...

- Ngài không có gì sai, đây là tự em mơ mộng hão huyền.

Nàng hất mái tóc dài:

- Trước ngày hôm qua, em còn cho rằng ngài chỉ cần em làm đẹp lòng nhà vua, quang cảnh ngày hôm qua... hừ... trong khi em đang múa, ngài và ông ta nói những lời... Nàng tức tưởi khóc, nhưng rồi nàng vội kìm chế, mỉm cười trong tiếng thở dài. Trương công tử, cũng có thể là ngài có nỗi đau khổ riêng của mình.

- Phi Yến - Trương Phóng nghĩ đến những lời nói giữa mình và nhà vua có thể do Hợp Ðức nghe được mà đến tai nàng, hắn vội nói:

- Người đó chính là hoàng đế đấy.

- Em biết chứ. Ngài đem em dâng cho nhà vua, đợi đến khi ông ta chán chê rồi, thì lại hiến cho kẻ khác, đúng thế không? Em sẽ là một cái lưỡi câu cho ngài câu cá đến khi ngài đạt được yêu cầu thăng quan tiến chức rồi, thì ngài lại để em chết già trong cái Quan Bình Viên này chứ gì?

- Phi Yến, nàng không thể nói về ta như thế được! Ta lại phải nói cho nàng biết, Hoàng Thượng muốn đem nàng vào cung đấy! Ðêm qua, chính miệng ngài nói ra mà.

- Vào cung?

Nàng cảm thấy ngoài ý muốn không ngờ tới, rồi nàng lắc đầu:

- Người con gái xuất thân như em, vào cung chắc gì đã hạnh phúc?

- Phi Yến, xuất thân của người con gái, có khi cũng không can hệ một chút gì hết.

Nàng thở dài, cầm lược lên chải mái tóc dài óng mượt, sau một lúc khá lâu mới nói, giọng trầm trầm:

- Trương công tử, ngài hoàn toàn không hiểu gì tâm sự của em cả.

- Ta biết, nhưng, ông ta là hoàng đế.

- Nếu ngài không đem ông ta đến gặp em, ông hoàng đế ấy, với em thì có quan hệ gì?

Nàng cay đắng nói tiếp:

- Trương công tử lần đầu tiên, khi chúng ta gặp nhau ở phủ Dương A, ngài đã từng nói với em những gì?

Tự nhiên Trương Phóng nhớ lại, hồi đó, hắn muốn nàng vào phủ, là để làm thiếp cho Phú Bình Hầu. Hồi đó, hai người đã chỉ non thề bể. Hồi đó, Trương Phóng cũng đã tính chắc chắn như thế. Nhưng sau khi hoàng đế nhà Ðại Hán nhảy vào, lập tức hắn thay lòng đổi dạ ngay, hắn vừa múon làm quan to, vừa muốn có sự nghiệp, tất hắn cần làm đẹp lòng nhà vua. Hoàng đế có thể cho hắn vinh hoa phú quý, hoàng đế cũng có thể làm cho hắn thân bại danh liệt. Hắn, xưa nay, có bao giờ hiểu được ý nghĩa của chữ yêu, trong lòng hắn, chuyện mất hay được của một người con gái thì quan trọng gì! Thậm chí hắn cho rằng đem cô gái mình yêu thích đến tiếp cận với nhà vua là cho cô ta một cơ hội bước tới chốn cao sang, cô ta phải cảm kích mà không oán hận gì mới đúng chứ. Do khoảng cách trong suy nghĩ khác xa nhau như thế, Trương Phóng, tất nhiên không thể không hiểu được sự oán giận của Phi Yến.

- Có thể là do hi vọng của em quá viển vông đấy thôi.

Triệu Phi Yến trong lúc thương cảm lẩm bẩm nói.

- Em không thể hiểu được ý muốn tiến thủ của ngài, em cho rằng, đời người đã bước đến cái bậc phong Hầu, là tột cùng danh vọng rồi.

- Phi Yến.

Trương Phóng nói một cách khó nhọc:

- Trong triều nhà Ðại Hán, tước vị đâu có chắc chắn gì. Nếu không được sự sủng tín của nhà vua, sự bao che của bọn quyền thần, thì tước vị chưa biết mất lúc nào như chơi.

Phi Yến đưa mắt nhìn hắn không tỏ ý gì.

- Trong thời Vũ Ðế, có một hồi, khi tế lễ tôn miếu, hiến vàng không đúng phép, hàng trăm vị mất tước hầu, thậm chí có người hiến bò dê gầy cũng bị mất tước.

Trương Phóng thâm trầm nói:

- Phú Bình Hầu, phong đến ta là đời thứ tư, thời tằng tổ của ta, phong Hầu, hương ấp có một vạn ba nghìn sáu trăm bốn mươi hộ, thu nhập hàng năm hơn ngàn vạn, thời tổ phụ ta, giảm đi một nửa. Ðến thời của ta, chỉ còn hơn một nghìn trăm hộ, trước đây mấy năm, hoàng thượng tăng thêm cho năm trăm hộ. Tình hình như thế, ta tưởng nàng phải biết rõ. Phong Hầu tuy là chỗ cực thân. Nhưng hôm nay không biết có ngày mai! Nếu không thể tự bảo vệ mình và khuếch trương ra, như vậy, có khi đến chỗ trắng tay.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx