Chương 38
“Chuyến bay ngày thứ Sáu từ Istanbul đến Budapest còn nhiều ghế trống, khi chúng ta đã ngồi yên vị giữa các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ ăn mặc toàn com lê đen, quan chức Hungary mặc áo khoác xám trò chuyện với nhau theo từng nhóm, những phụ nữ lớn tuổi mặc áo choàng xanh và mang khăn trùm đầu - phải chăng họ đang đến Budapest làm tạp dịch, hay đến thăm con gái lấy chồng là những nhà ngoại giao Hungary? Chuyến bay rất ngắn, chỉ đủ thời gian cho cha tiếc nuối chuyến du hành bằng tàu hỏa mà lẽ ra Helen và cha có thể chọn.
“Chuyến đi đó, với những tuyến đường ray cắt qua vách núi, những khoảng bao la rừng cây và vách đá, sông suối và thị trấn từ thời Trung cổ, sẽ phải chờ đến sau này, khi cha đảm nhận công việc ngoại giao, và từ đó mới đi được hai lần. Đối với cha, có gì đó vô cùng kỳ bí trong sự chuyển biến mà ta chứng kiến khi đi dọc theo lộ trình đó, từ thế giới Hồi giáo sang Thiên Chúa giáo, từ đế chế Ottoman qua đế quốc Áo-Hung, từ đạo Hồi chuyển sang Công giáo và đạo Tin Lành. Đó là một sự thay đổi dần dần của những thành phố, của phong cách kiến trúc, của những tháp thánh đường Hồi giáo ban đầu còn vô số, rồi xen lẫn và cuối cùng là nhường chỗ hẳn cho những mái vòm nhà thờ Công giáo, của chính phong cảnh rừng và dòng sông, để rồi dần dần ta bắt đầu tin mình có thể đọc được tiến trình lịch sử ngay trong chính thiên nhiên. Liệu dốc một sườn đồi trên đất Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự khác hẳn với triền dốc của một cánh đồng cỏ ở Hungary? Dĩ nhiên là không, thế nhưng mắt ta chắc chắn sẽ thấy chúng khác nhau khi mà thông tin lịch sử về chúng lại xuất phát từ chính đầu óc con người. Sau này, khi đi lại trên lộ trình đó, cha còn nhìn nhận nó mỗi lúc một khác, khi thì thấy đó là một vùng đất yên bình, lúc thì tắm trong máu đổ - đây cũng là một đặc điểm khác của cảnh quan lịch sử, liên tục bị giằng xé giữa cái thiện và cái ác, giữa chiến tranh và hòa bình. Dù đang hình dung một cuộc đột kích bất ngờ của người Thổ qua sông Danube hay một cuộc càn quét thời xa xưa của người Hung Nô từ hướng Đông về phía con sông ấy, cha luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh đối nghịch: một cái thủ cấp được mang về doanh trại trong tiếng hò reo chiến thắng pha lẫn thù hận, và một bà lão - có thể là cụ tổ của những gương mặt nhăn nheo mà cha nhìn thấy trên chuyến bay này - khoác áo ấm cho đứa cháu trai, bẹo yêu lên một bên má vẫn còn vương nét trẻ thơ của chàng trai Thổ, trong khi vẫn khéo léo giữ cho món thịt hầm rau không cháy.
“Tuy nhiên, với cha, những hình ảnh ấy còn nằm trong tương lai, còn lúc này, suốt chuyến bay cha chỉ biết tiếc nuối về bức tranh toàn cảnh bên dưới dù chưa biết nó là gì và sẽ khơi gợi trong cha ý tưởng nào. Helen, một khách lữ hành dày dạn kinh nghiệm hơn do đó bớt phấn khích hơn, tận dụng cơ hội này để cuộn người trên ghế, đánh một giấc. Hai đêm liền, chúng ta đã thức khuya, ngồi tại bàn trong nhà hàng ở Istanbul ấy để cùng viết bài tham luận cho cha đọc tại Budapest. Cha phải ghi nhớ nhiều kiến thức về những trận đánh của Vlad với người Thổ hơn, mặc dù chúng chẳng nói lên được gì nhiều. Cha hy vọng sau khi mình đọc xong tham luận nửa vời này sẽ không có ai nêu lên bất kỳ câu hỏi nào. Dù vậy, những gì Helen lưu giữ trong bộ nhớ của cô quả là đáng nể, cha lại cảm thấy kinh ngạc khi thấy cô đã tự tìm hiểu được ngần ấy kiến thức về Dracula chỉ vì một niềm hy vọng mơ hồ là sẽ tìm thấy một người cha mà cô còn hầu như chưa thừa nhận. Khi cô say ngủ, tựa đầu vào vai cha, cha để yên, cố không hít vào mùi hương tỏa ra từ những lọn tóc mềm mại ấy - dầu gội đầu Hungary chăng? Cô ấy đã mệt rồi; cha cẩn thận ngồi lặng yên trong khi cô ngủ.
“Ấn tượng đầu tiên của cha về Budapest, cảm nhận qua cửa xe taxi, ngay từ phi trường, là vẻ đẹp tao nhã, mênh mang của thành phố. Helen giải thích là chúng ta sẽ ở một khách sạn trên bờ Đông sông Danube, gần trường đại học, bên phần Pest của thành phố, nhưng dường như cô đã yêu cầu người tài xế chạy dọc theo sông Danube trước khi thả chúng ta xuống khách sạn. Chỉ trong giây lát, chúng ta đã lướt qua những đường phố cổ kính của thế kỷ mười tám và mười chín, thỉnh thoảng lại trầm trồ trước sự xuất hiện đột ngột một biểu hiện kỳ lạ nào đó của phong cách tân nghệ thuật hoặc một cây cổ thụ khổng lồ. Ngay sau đó, chúng ta đã thấy dòng Danube xuất hiện. Thật vĩ đại - cha không ngờ nó lại hùng vĩ nhường này - ba cây cầu khổng lồ giăng ngang dòng sông. Trên bờ sông bên phía chúng ta, những ngọn tháp phong cách tân Gothic và mái vòm Tòa nhà Nghị viện vút lên cao, còn phía bờ đối diện, cung điện hoàng gia và những tháp giáo đường có từ thời Trung cổ nhô lên khỏi nền cây xanh ngút ngàn trên những sườn đồi. Giữa tất cả những cảnh tượng đó là khoảng mênh mông của dòng sông, mặt nước màu xanh xám, lăn tăn gợn sóng theo từng cơn gió và lấp lánh ánh mặt trời. Bầu trời bao la một màu xanh, uốn cong trên những mái vòm, dinh thự và giáo đường, khẽ hắt xuống mặt nước những màu sắc liên tục thay đổi.
“Cha đã chuẩn bị tinh thần sẽ thấy một Budapest hấp dẫn, và cha sẽ ngưỡng mộ nó; nhưng cha chưa từng nghĩ mình sẽ sửng sốt nhường này. Thành phố mang trong mình dáng dấp của những kẻ từng xâm lược nó và đồng minh của chúng, bắt đầu với người La Mã và cuối cùng là người Áo - hoặc Liên Xô, cha vừa nghĩ vừa nhớ lại những bình luận cay đắng của Helen - nhưng vẫn khác hẳn. Budapest không hoàn toàn thuộc về phương Tây, chẳng phải phương Đông như Istanbul, và với tất cả các kiến trúc Gothic ấy thì cũng không phải Bắc Âu. Cha đăm đắm nhìn ra ngoài khung cửa taxi tù túng và thấy cả một toàn cảnh tráng lệ độc đáo. Helen cũng nhìn đăm đăm, một lát sau cô quay sang cha. Chắc có lẽ một vài nét khích động hãy còn hiển hiện trên mặt cha, bởi cô đã bật cười. ‘Tôi thấy anh mê tít thành phố nhỏ bé này của chúng tôi rồi,’ cô nói, cha nghe thấy dưới giọng châm biếm ấy là một sự hãnh diện. Rồi cô nói tiếp, giọng trầm xuống, ‘Anh biết không? - Dracula từng là một người của thành phố này đấy. Năm 1462, hắn đã bị vua Matthias Corvinus giam vào một nhà ngục ở cách Buda hai mươi dặm vì đã đe dọa những quyền lợi của Hungary trong vùng Transylvania. Dường như vua Corvinus đã đối xử với hắn như một vị khách của gia đình hơn là một tù nhân và thậm chí đã ban cho hắn một người vợ thuộc hoàng tộc Hungary, dù không ai biết chính xác người vợ này là ai - đó là người vợ thứ hai của Dracula. Hắn đã tỏ lòng biết ơn bằng cách cải đạo theo Công giáo, và được phép sống ở Pest một thời gian. Và ngay khi được tha khỏi Hungary thì…’
“ ‘Tôi nghĩ tôi có thể hình dung được chuyện đó,’ cha tiếp lời. ‘Hắn trở về Wallachia, tiếp quản lại ngai vàng ngay khi có thể và tuyên bố phủ nhận sự cải đạo của mình.’
“ ‘Về cơ bản, điều đó là chính xác,’ cô thừa nhận. ‘Anh hiểu ý ông bạn chúng ta đấy. Hắn không muốn gì hơn ngoài việc chiếm giữ ngai vàng xứ Wallachia.’
“Chẳng bao lâu, chiếc taxi đã vòng trở lại khu vực cổ của Pest, cách xa dòng sông, nhưng ở đây còn nhiều thứ tuyệt vời hơn để rồi cha phải ngẩn ngơ ngắm nhìn, và cha đã làm thế không chút ngượng ngùng: quán cà phê với ban công mô phỏng những công trình tráng lệ của Ai Cập hay Assyria, phố đi bộ tấp nập người qua lại mua sắm và đầy những chiếc đèn đường kiểu cũ, những tác phẩm khảm chạm và điêu khắc: các vị thánh và thiên thần bằng đồng hoặc cẩm thạch, các vị vua hoặc hoàng đế, và những nghệ sĩ vĩ cầm khoác áo choàng trắng biểu diễn nơi một góc phố. ‘Đến nơi rồi,’ Helen chợt thốt lên. ‘Đây là khu vực đại học, còn kia là thư viện trường.’ Cha nghển cổ lên nhìn một tòa nhà cổ kính đường bệ, xây bằng một loại đá màu vàng. ‘Chúng ta sẽ vào đó khi có dịp - thực ra tôi muốn xem lại một thứ ở đó. Và đây là khách sạn của chúng ta, ngay cuối utca Magyar - đường Magyar. Dù sao chăng nữa, tôi phải mua một tấm bản đồ để anh khỏi bị lạc mới được.’
“Người tài xế bỏ hành lý chúng ta trước một mặt tiền ốp đá màu xám, sang trọng và thanh lịch, cha đưa tay ra giúp Helen ra khỏi xe. ‘Biết ngay mà,’ cô nói, hừ mũi. ‘Bao giờ người ta cũng dùng cái khách sạn này làm nơi tổ chức hội nghị.’
“ ‘Tôi thấy nó cũng được đấy chứ,’ cha đánh bạo nhận xét.
“ ‘Ừ, thì nó đâu có tồi. Rồi anh sẽ đặc biệt thích thú khi được chọn lựa giữa cái lạnh hoặc nước lạnh, và thức ăn đóng hộp cho mà xem.’ Helen chọn ra một mớ đồng xu bằng bạc và đồng để trả cho tay tài xế.
“ ‘Tôi tưởng là món ăn Hungary ngon lắm kia mà,’ cha nói, vẻ tin tưởng. ‘Chắc chắn là tôi đã nghe nói thế ở đâu đó. Như món goulash và paprika chẳng hạn.’
“Helen đảo mắt. ‘Khi anh nói đến Hungary thì mọi người đề cập ngay đến món goulash. Cũng như họ sẽ đề cập ngay đến Dracula nếu anh nhắc đến Transylvania.’ Cô bật cười. ‘Nhưng anh có thể quên đồ ăn của khách sạn đi. Cứ chờ cho đến khi chúng ta ăn uống tại nhà bác tôi hoặc mẹ tôi, lúc đó chúng ta sẽ bàn luận về cách nấu nướng của người Hungary.’
“ ‘Tôi tưởng mẹ cô và bác cô là người Rumani chứ,’ cha vặn lại và phải hối tiếc ngay tức khắc; mặt cô đanh lại lạnh như tiền.
“ ‘Anh muốn nghĩ thế nào thì tùy, anh Người Mỹ à,’ Helen độp lại, chộp lấy chiếc va li của cô trước khi cha kịp đưa tay xách hộ.
“Tiền sảnh khách sạn yên tĩnh và lạnh lẽo, với những chi tiết bằng đá cẩm thạch và thếp vàng của một thời hưng thịnh xa xưa. Cha thấy khách sạn này thật dễ chịu, chẳng có gì để Helen cảm thấy phải xấu hổ vì nó. Một lát sau, cha nhận ra đây là lần đầu tiên mình đến một đất nước xã hội chủ nghĩa - trên bức tường phía sau quầy tiếp tân là chân dung những quan chức chính quyền, loại đồng phục màu xanh đậm của tất cả nhân viên khách sạn có gì đó thể hiện ý thức vô sản tự giác. Helen ghi tên lấy phòng và trao cho cha chìa khóa phòng cha. ‘Bác tôi đã thu xếp rất tuyệt,’ cô hài lòng nói. ‘Bác ấy đã gọi điện đến nhắn là sẽ gặp chúng ta vào bảy giờ tối nay để đưa chúng ta ăn tối ở ngoài. Chúng ta sẽ đi đăng ký ở phòng hội nghị trước rồi dự lễ đón tiếp ở đó vào lúc năm giờ.’
“Cha thấy thất vọng với cái tin bác cô không mời chúng ta về nhà để thưởng thức món ăn Hungary do chính bà nấu và cũng để nhìn thoáng xem cuộc sống của giới quan chức chóp bu như thế nào, nhưng cha nhớ lại rằng mình, xét cho cùng, là một người Mỹ và chẳng nên mong đợi mọi cánh cửa ở đây sẽ mở ra trước mặt mình. Cha có thể là mối hiểm nguy, một nguy cơ hoặc ít nhất là một tác nhân gây rắc rối. Thực ra, cha nghĩ, mình nên giấu mặt và càng ít gây rắc rối cho các vị chủ nhà càng tốt. Rốt cuộc, cha đã may mắn có mặt ở đây và điều cha mong muốn nhất là không để xảy ra vấn đề gì với Helen và gia đình cô.
“Căn phòng ở trên lầu của cha bài trí đơn sơ nhưng sạch sẽ, điểm xuyết một cách bất hợp lý nét vương giả xa xưa bằng tượng mạ vàng hình các tiểu thiên thần bụ bẫm trên bốn góc trần và một chậu rửa mặt bằng đá cẩm thạch hình một vỏ sò lớn. Khi rửa tay ở đó rồi nhìn vào tấm gương phía trên để chải tóc, cha chợt nhăn mặt khi nhìn từ vết keo dán kính ngớ ngẩn sang chiếc giường nhỏ hẹp đã sửa soạn thẳng thớm, chắc hẳn vốn là một chiếc giường nhà binh. Lần này, phòng của cha không ở cùng tầng với Helen - một sự lo xa của bà bác Helen chăng? - nhưng ít ra cha sẽ có các vị tiểu thiên thần lỗi thời, đầu đội vòng hoa kiểu Áo Hung làm bầu bạn.
“Helen đang chờ trong tiền sảnh, cô im lặng dẫn cha qua những cánh cửa đồ sộ của khách sạn ra một con đường lớn. Cô lại mặc chiếc sơ mi xanh nhạt, tóc kẹp ra phía sau thành một dải mềm mại - trong thời gian cùng đi chung với nhau, dần dần cha đã trở nên khá lôi thôi trong khi cô vẫn xoay xở để giữ được bề ngoài sạch sẽ và tươm tất, cha nghĩ đó là một biệt tài của người Đông Âu. Cô mải mê suy nghĩ khi chúng ta bách bộ hướng về phía trường đại học. Cha không dám hỏi cô đang nghĩ gì, nhưng sau một lát cô tự lên tiếng. ‘Thực là kỳ lạ khi trở lại nơi đây một cách quá đột ngột như thế này,’ cô nói, liếc nhìn cha.
“ ‘Và với một người Mỹ xa lạ nữa chứ?’
“ ‘Và với một người Mỹ xa lạ,’ cô lẩm bẩm, nghe có vẻ chẳng vui vẻ gì.
“Trường đại học gồm những tòa nhà trông rất uy nghi, một số trông rập khuôn cái thư viện đường bệ mà chúng ta vừa nhìn thấy trước đó, và cha bắt đầu cảm thấy thoáng chút lo lắng khi Helen ra dấu chỉ về nơi chúng ta sẽ đến, một gian sảnh rộng, phong cách cổ điển, có những bức tượng bao quanh ở tầng hai. Cha dừng lại, nghển lên nhìn và đọc được tên của một số tượng, viết theo tự dạng Hungary: Plato, Descartes, Dante, tất cả tượng đều mang vòng nguyệt quế trên đầu và khoác áo choàng kiểu cổ. Một số nhân vật khác khá xa lạ với cha: Szent István, Mátyás Corvinus, János Hunyadi. Họ giương cao quyền trượng hoặc đội vương miện oai phong.
“ ‘Họ là ai thế?’ cha hỏi Helen.
“ ‘Mai tôi sẽ trả lời anh,’ cô đáp. ‘Đi nào, hơn năm giờ rồi.’
@by txiuqw4