sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Truy tìm Dracula - Chương 42 phần 1

Chương 42

“ ‘Nhưng anh không thể nhờ cảnh sát giúp đỡ hay sao? Có vẻ như ở đây bọn họ có mặt ở khắp nơi kia mà.’ Hugh James bẻ đôi ổ bánh mì và cắn một miếng thật to. ‘Thật kinh khủng, nhất là khi nó lại xảy ra tại một khách sạn ở nước ngoài.’

“ ‘Chúng tôi đã gọi cảnh sát,’ cha quả quyết với Hugh. ‘Ít nhất tôi nghĩ chúng tôi đã gọi, vì nhân viên khách sạn đã làm việc này thay cho chúng tôi. Anh ta nói không ai được về phòng cho đến khuya hôm nay hoặc sáng sớm mai, và không được đụng chạm vào bất kỳ thứ gì. Anh ta đã bố trí chúng tôi ở hai phòng mới.’

“ ‘Cái gì? Ý anh muốn nói phòng cô Rossi cũng bị lục lọi à?’ Đôi mắt lồi to tướng của Hugh như càng trợn tròn hơn. ‘Còn ai khác trong khách sạn bị quấy rối như vậy không?’

“ ‘Tôi nghĩ là không,’ cha trả lời dứt khoát.

“Chúng ta đang ngồi tại một quán ăn ngoài trời ở Budapest, không xa Đồi Lâu Đài, từ vị trí này có thể nhìn qua sông Danube, về hướng Tòa nhà Quốc hội bên khu Pest. Trời còn rất sáng và bầu trời chiều hắt ánh lấp lánh xanh pha lẫn hồng xuống dòng sông. Hugh đã chọn địa điểm này - đây là một trong những địa điểm ưa thích của anh. Những người dân Budapest, đủ mọi lứa tuổi, đang tản bộ trên con đường phía trước mặt chúng ta, nhiều người trong số họ dừng lại bên lan can phía trên dòng sông ngắm nhìn phong cảnh hữu tình ấy, tựa như ngay cả họ cũng không bao giờ thấy chán nó được. Hugh đã gọi nhiều món ăn đặc sản cho cha nếm thử, và chúng ta chỉ vừa ngồi vào bàn ăn với món bánh mì thông dụng có vỏ cứng vàng và một chai Tokay, một loại rượu vang nổi tiếng có gốc gác từ vùng Đông Bắc Hungary, theo lời giải thích của Hugh. Chúng ta đã biết qua những thông tin sơ bộ về nhau - trường đại học chúng ta theo học, bản luận văn trước đây của cha (anh ta bật cười khi cha thuật lại việc giáo sư Sándor đã hiểu lầm về công việc của cha ra sao), công trình nghiên cứu của Hugh về lịch sử vùng Balkan và cuốn sách sắp xuất bản của anh ta, viết về những thành phố thuộc đế chế Ottoman tại Âu châu.

“ ‘Hai người có bị mất gì không?’ Hugh hỏi, châm rượu đầy ly cho cha.

“ ‘Không, chúng tôi không mất gì cả,’ cha rầu rĩ đáp lại. ‘Lẽ dĩ nhiên tôi không để tiền trong phòng, hoặc bất kỳ thứ gì có giá trị - và theo như tôi biết thì hộ chiếu của chúng tôi được cất giữ ở quầy tiếp tân, hoặc có thể tại đồn cảnh sát.’

“ ‘Vậy chúng tìm cái gì?’ Hugh nâng ly mời cha và nhấp một ngụm Tokay.

“ ‘Đây là một câu chuyện dài, rất dài.’ Cha thở dài. ‘Nhưng nó trùng khớp một cách khá thú vị với một số vấn đề khác mà chúng ta sắp bàn đến.’

“Anh ta gật đầu. ‘Được rồi. Vậy thì nhập cuộc đi chứ.’

“ ‘Nếu anh cũng sẵn sàng nhập cuộc.’

“ ‘Lẽ tất nhiên.’

“Cha chỉ uống nửa ly để lấy tinh thần, và bắt đầu ngay từ đầu câu chuyện. Cha không cần mượn rượu để xóa bỏ hoàn toàn mọi ngần ngại khi kể cho Hugh James nghe tất cả câu chuyện của thầy Rossi; nếu không kể cho anh ta nghe hết mọi việc, có thể cha sẽ không được biết hết những gì anh ta đã biết. Anh ta im lặng nghe, vẻ nghiền ngẫm, ngoại trừ lúc cha đề cập đến quyết định của thầy Rossi là phải tiến hành nghiên cứu tại Istanbul thì anh giật bắn mình. ‘Thánh thần ơi,’ anh ta thốt lên. ‘Tôi đã nghĩ đến việc đích thân đến nơi đó. Tôi muốn nói là quay trở lại đó - tôi đã từng đến đó hai lần, nhưng chưa lần nào vì mục đích tìm kiếm Dracula cả.’

“ ‘Vậy để tôi giúp anh đỡ mất công.’ Lần này cha rót đầy ly và kể với Hugh về những cuộc phiêu lưu của thầy Rossi tại Istanbul, và sau đó là việc ông mất tích, đến đó hai mắt của Hugh như lồi hẳn ra ngoài, dẫu vậy anh ta vẫn chưa nói gì. Cuối cùng cha kể lại việc cha gặp Helen và không bỏ sót chi tiết nào về quan hệ của cô với thầy Rossi, cũng như chi tiết về những chuyến đi và việc tìm kiếm của chúng ta từ đó đến nay, kể cả cuộc gặp gỡ với Turgut. ‘Anh thấy đó,’ cha kết luận, ‘đến thời điểm này, tôi chẳng hề ngạc nhiên khi phòng mình tại khách sạn bị xới tung lên.’

“ ‘Vâng, chính xác.’ Anh ta có vẻ trầm ngâm một lúc. Đến lúc này, chúng ta đã ăn khá nhiều món hầm và dưa chua, anh ta buông nĩa xuống trông vẻ hơi buồn rầu, tựa như tiếc rẻ khi phải nhìn thấy món cuối cùng. ‘Việc chúng ta gặp gỡ như thế này thật khác thường. Tôi đau buồn trước việc thầy Rossi mất tích - rất đau buồn. Thực là vô cùng kỳ lạ. Trước khi nghe câu chuyện của anh, hẳn tôi đã chẳng dám nói chắc rằng nơi đó liên quan đến việc nghiên cứu về Dracula hơn mấy chuyện bình thường khác. Ngoại trừ, anh biết đấy, tôi có một cảm giác kỳ lạ về chính cuốn sách của mình. Chẳng ai muốn nếm trải những cảm giác kỳ quái cả, nhưng nó cứ sờ sờ ra đấy.’

“ ‘Có thể thấy là tôi đã không lạm dụng sự cả tin của anh nhiều như tôi vốn lo sợ.’

“ ‘Và những cuốn sách này,’ anh trầm ngâm suy nghĩ. ‘Tôi đếm được những bốn cuốn - của tôi, của anh, của giáo sư Rossi và một cuốn nữa thuộc về vị giáo sư tại Istanbul. Điều cực kỳ quái lạ là bốn cuốn đều giống nhau.’

“ ‘Anh đã gặp giáo sư Turgut Bora chưa?’ cha hỏi. ‘Anh nói là đã đến Istanbul vài lần.’

“Anh ta lắc đầu. ‘Không, thậm chí tôi chưa bao giờ nghe nhắc đến tên ông ấy. Vì ông ấy ở khoa văn chương nên tôi không có cơ hội gặp ông ta ở khoa lịch sử, hoặc tại bất kỳ cuộc hội nghị nào ở đó. Tôi rất cảm kích nếu một ngày nào đó anh giúp tôi liên lạc với ông ấy. Tuy chưa bao giờ đến trung tâm lưu trữ mà anh mô tả, nhưng tôi đã có đọc về nó lúc còn ở Anh, và đã nghĩ đến việc thử thăm viếng nơi đó. Dù vậy anh đã giúp tôi khỏi bị vướng mắc, như lời anh nói. Anh biết đấy, tôi chưa bao giờ nghĩ hình ảnh đó - con rồng trong quyển sách của tôi - lại là một tấm bản đồ. Thật là một ý tưởng dị thường.’

“ ‘Vâng, và có lẽ đây là một vấn đề sinh tử đối với thầy Rossi,’ cha nói. ‘Nhưng bây giờ thì đến lượt anh. Anh có được quyển sách đó như thế nào?’

“Trông anh ta có vẻ nghiêm trọng. ‘Không như anh đã mô tả trường hợp của anh - và hai trường hợp kia - tôi có được cuốn sách của mình không hẳn do tình cờ, dù có được từ ai và ở đâu thì tôi không thể nói với anh được. Có lẽ tôi nên thuật sơ qua với anh một chút về bối cảnh sự việc.’ Anh ta lại im lặng một lát, cha có cảm tưởng đây là một chủ đề khó khăn đối với anh. ‘Anh thấy đó, tôi đã tốt nghiệp Oxford chín năm về trước, sau đó đi dạy tại Đại học Luân Đôn. Gia đình tôi sống tại Cumbria, quận Lake, chẳng giàu có gì. Cả gia đình luôn phải phấn đấu - và tôi cũng vậy - để tôi có thể có được sự giáo dục tốt nhất. Anh biết đấy, tôi luôn cảm thấy mình khá lạc lõng, đặc biệt là hồi học trung học tại một trường tư thục danh tiếng - chú tôi đã giúp tôi vào được trường đó. Tôi cho rằng mình đã cố gắng học tập nhiều hơn hầu hết các bạn khác, luôn cố gắng để đạt mức xuất sắc. Ngay từ đầu, lịch sử đã là niềm đam mê lớn nhất của tôi.’

“Hugh dùng khăn ăn chậm môi và lắc đầu, tựa như nhớ lại thời trai trẻ ngông cuồng của mình. ‘Tôi biết đến cuối năm thứ hai đại học mình đã học khá tốt, và chính điều này đã khuyến khích tôi tiến xa hơn. Nhưng rồi chiến tranh xảy ra, làm gián đoạn mọi thứ. Tôi đã học gần hết năm thứ ba tại Oxford. Tiện thể cũng xin nói luôn, đó là thời gian tôi nghe nói đến tên thầy Rossi lần đầu tiên dù chưa bao giờ gặp ông ấy. Chắc hẳn ông ấy đã đi Mỹ nhiều năm trước khi tôi vào đại học.’

“Anh ta xoa cằm bằng bàn tay to bè và hơi nứt nẻ. ‘Tôi không thể tiếp tục niềm đam mê học hành nữa, bởi tôi cũng yêu nước và đã lập tức đăng ký gia nhập hải quân. Tôi được đưa tới Ý và sau đó một năm quay về nhà với những vết thương ở chân và tay.’

“Anh ta thận trọng sờ vào cánh tay áo vải trắng, ngay phía trên cổ tay áo, tựa như bất ngờ cảm thấy lại có máu chảy ra ở đó. ‘Tôi hồi phục khá nhanh và muốn quay trở lại chiến trường, nhưng người ta không nhận tôi nữa - một mắt của tôi đã bị ảnh hưởng khi chiến hạm nổ tung. Vì vậy tôi quay về Oxford, cố gắng bỏ ngoài tai tiếng còi báo động và hoàn thành học vị ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Tôi nghĩ, những tuần lễ sau cùng ở trường đại học là những tuần hạnh phúc nhất trong đời mình, dù thiếu thốn đủ mọi thứ - nhưng thế giới đã được gỡ bỏ khỏi lời nguyền khủng khiếp, tôi đã sắp hoàn tất chuyện học hành dang dở, và cô gái tôi yêu nơi quê nhà cuối cùng đã đồng ý kết hôn với tôi. Dù không có tiền và phải ăn uống kham khổ nhưng tôi vẫn cặm cụi ăn cá mòi trong phòng và dẫu sao vẫn viết thư tình gửi về quê - hy vọng anh sẽ không phiền mấy chuyện cà kê này - và tôi lao vào học như điên chuẩn bị cho thi cử. Và kết quả tất nhiên là tôi đã bị suy nhược trầm trọng.’

“Hugh cầm chai Tokay giờ đã rỗng lên, rồi lại thở dài đặt xuống bàn. ‘Tôi gần như đã vượt qua được toàn bộ thử thách, và đã ấn định ngày cưới vào cuối tháng Sáu. Đêm trước ngày thi tốt nghiệp, tôi đã thức rất khuya để ôn lại bài vở. Tôi chắc mình đã học hết mọi thứ cần thiết, nhưng chỉ là tôi không thể nào bắt mình ngơi nghỉ. Lúc đó, tôi đang ôn bài trong một góc thư viện, tách biệt phía sau các kệ sách, ở đó tôi không phải nhìn mấy tên điên khác cũng đang miệt mài với việc bút sách như tôi.

“ ‘Ở những thư viện nhỏ bé thường hay có một số sách rất thú vị, và đôi lúc tôi đã tự cho phép mình thư giãn bằng một tuyển tập thơ trữ tình của Dryden, cách chỗ tôi ngồi chỉ một tầm tay. Tuy nhiên, tôi đã quyết định gấp cuốn sách lại, nghĩ bụng tốt hơn nên ra ngoài làm một điếu thuốc, rồi sau đó sẽ gắng tập trung trở lại. Tôi nhét cuốn sách trở lại kệ và bước ra ngoài. Đó là một đêm mùa xuân dễ chịu, tôi đứng đó, nghĩ đến Elspeth và mái nhà đơn sơ mà nàng đang lo sửa sang lại cho chúng tôi, và về người bạn tốt nhất của mình - chắc hẳn là người đàn ông tốt nhất với tôi - đã tử trận ở mỏ dầu Ploieşti cùng những người Mỹ, sau đó tôi quay trở vào thư viện. Tôi vô cùng ngạc nhiên, tập thơ Dryden vẫn còn nằm đó, trên bàn làm việc, như thể tôi chưa hề cất nó lại vào ngăn kệ. Tôi nghĩ chắc là do mình bắt đầu mơ màng do làm việc quá sức. Vì vậy, tôi quay người lại để trả nó về vị trí cũ trên kệ sách, nhưng chợt nhận ra không còn chỗ nữa. Tôi chắc chắn nó nằm kế bên cuốn sách của Dante, nhưng giờ đã có một cuốn khác nằm ở đó, một cuốn sách có gáy in hình chạm nổi một con vật nhỏ và trông rất cổ xưa. Tôi lôi cuốn sách kia ra, nó tự động bật mở trên tay tôi đến ngay chỗ - chà, anh biết rồi đó.’

“Lúc này, gương mặt dễ mến của Hugh đã tái nhợt, anh ta lục tìm hết túi áo lại túi quần cho đến khi tìm được bao thuốc lá. ‘Anh không hút thuốc à?’ Anh ta châm một điếu, rít một hơi thật sâu. ‘Tôi bị cuốn hút bởi bề ngoài, vẻ cổ xưa rành rành của cuốn sách, dáng vẻ đầy đe dọa của con rồng - cũng như mọi thứ đã làm anh sững sờ trước cuốn sách của anh. Lúc đó là ba giờ sáng, không có viên thủ thư nào ở đó, vì vậy tôi đến tủ thư mục và tự mình lục tìm, nhưng tôi chỉ biết được tên và dòng dõi của Vlad Ţepeş. Vì cuốn sách không có dấu của thư viện nên tôi mang nó về nhà.

“ ‘Tôi hầu như không ngủ được và không thể tập trung đầu óc trong buổi thi sáng hôm sau; đầu óc chỉ loay hoay nghĩ tới việc đến các thư viện khác, và có lẽ phải đến cả Luân Đôn để thử xem có thể tìm ra được điều gì không. Nhưng cho đến lễ cưới, tôi vẫn không thu xếp được thời gian nên đành mang cuốn sách nhỏ đó theo và tiếp tục xem xét trong những lúc rảnh rỗi. Elspeth đã bắt gặp tôi cứ chúi đầu vào cuốn sách và tỏ ra chẳng thích thú chút nào khi tôi giải thích. Lúc đó chỉ còn năm ngày nữa là đám cưới, nhưng tôi không thể nào ngưng suy nghĩ cũng như thôi nói với cô ấy về cuốn sách cho đến khi cô ấy yêu cầu tôi chấm dứt đề tài này.

“ ‘Rồi một buổi sáng - hai ngày trước đám cưới - tôi bất chợt nảy ra một ý tưởng. Anh biết đấy, có một tòa nhà lớn không quá xa làng của cha mẹ tôi, một công trình kiến trúc đồ sộ phong cách Jacobin mà khách du lịch thường đến tham quan bằng xe buýt. Khi tháp tùng các chuyến tham quan do nhà trường tổ chức, bao giờ tôi cũng thấy chán, nhưng tôi vẫn nhớ nhà quý tộc đã xây dựng tòa nhà đó cũng là một người sưu tập sách và ông ta có đủ loại sách có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới. Vì phải sau đám cưới tôi mới về được Luân Đôn, nên tôi nghĩ đến việc thân chinh đến khu thư viện nổi tiếng của ngôi nhà đó để lục lọi, biết đâu sẽ tìm được cái gì đó về vùng Transylvania. Khi báo cho cha mẹ biết là tôi đi dạo, tôi biết chắc hẳn hai người nghĩ là tôi đến gặp Elsie.

“ ‘Đó là một buổi sáng mưa, lạnh và đầy sương mù. Bà quản gia tòa nhà cho biết hôm đó người ta không mở cửa đón khách du lịch, nhưng vẫn cho tôi vào thư viện. Bà quen biết với bà tôi và có nghe nói đến đám cưới sắp tổ chức trong làng nên đã pha cho tôi một cốc trà. Lúc cởi áo mưa, tôi đã quên bẵng mọi chuyện khác khi phát hiện hai mươi kệ sách nằm kéo dài khá xa về hướng Đông so với các kệ khác, được nhắc đến trong tua Du lịch Tuyệt vời Tham quan Tòa nhà cổ Jacobin.

“ ‘Tôi lật qua tất cả những cuốn sách kỳ diệu ấy, cả những cuốn sách khác mà vị chủ nhân đã sưu tầm được tại nước Anh, có lẽ từ những chuyến du lịch của ông ta, cho đến khi tình cờ đọc đến cuốn lịch sử Hungary và vùng Transylvania, trong đó tôi đã tìm được một đoạn có đề cập đến Vlad Ţepeş, sau đó là một đoạn khác, và cuối cùng, tôi vui mừng và kinh ngạc khi đọc đến đoạn miêu tả ghi lại việc chôn cất Vlad tại vùng hồ Snagov, trước bệ thờ của một giáo đường mà hắn đã từng cho tân trang và sửa chữa lại. Đoạn miêu tả này là một truyền thuyết được một nhà phiêu lưu người Anh từng đến vùng đó ghi lại - ông ta tự xưng một cách đơn giản là Lữ Khách ở trang bìa giả, và là người sống cùng thời với nhà sưu tập thời Jacobin kia. Anh biết đấy, đó là khoảng 130 năm sau cái chết của Vlad.

“ ‘Lữ Khách đã đến thăm tu viện tại Snagov vào năm 1605. Ông ta đã trò chuyện rất nhiều với tu sĩ ở đó, và họ đã cho ông biết theo truyền thuyết thì một quyển sách lớn, một báu vật của tu viện từng được đặt trên bệ thờ suốt lễ tang Vlad cho các tu sĩ có mặt trong tang lễ hôm đó ký tên vào, những người không biết viết đã vẽ hình một con rồng để tỏ lòng kính trọng Giáo đoàn Rồng. Điều đáng tiếc là không có chi tiết nào đề cập đến những gì đã xảy ra với quyển sách sau đó. Nhưng tôi đã phát hiện điều đáng chú ý nhất. Khi Lữ Khách thuật lại việc ông yêu cầu được xem ngôi mộ, các tu sĩ đã chỉ cho ông ta thấy một phiến đá nằm trên nền nhà, phía trước bệ thờ. Trên phiến đá là chân dung của Vlad Drakulya và dày đặc những dòng chữ Latin - có lẽ chúng cũng được kẻ bằng sơn, vì vị Lữ Khách không đề cập đến việc khắc chạm gì cả, và ông ta đã bị sốc khi không nhìn thấy cây thánh giá đánh dấu mộ bia. Phần văn bia mà tôi đã cẩn thận ghi chép lại do bị thôi thúc bởi một bản năng nào đó chính tôi cũng không nhận ra - cũng viết bằng tiếng Latin.’ Hugh trầm giọng nói nhỏ lại, liếc mắt nhìn về phía sau, dập điếu thuốc vào khay gạt tàn đặt trên bàn.

“ ‘Sau khi ghi lại và mò mẫm dịch một lát, tôi đọc thành tiếng câu dịch của mình: “Hỡi độc giả, hãy quật mồ hắn lên bằng một…” Hẳn anh đã biết rõ phần còn lại. Ngoài trời vẫn đang mưa nặng hạt, một cánh cửa sổ ở đâu đó trong thư viện bị bung chốt, cứ bật ra rồi đóng lại ầm ầm. Tôi cảm nhận có một luồng không khí ẩm ướt gần đâu đó. Chắc hẳn tôi đã giật mình, chạm tay lên chiếc cốc làm một giọt trà văng lên cuốn sách. Tôi nhìn đồng hồ, chùi giọt trà và cảm thấy bực mình vì sự vụng về của mình - đã một giờ trưa, tôi biết đã đến lúc phải về nhà để dùng bữa. Có vẻ như ở đó không còn gì khác có liên quan để đọc nữa, do vậy tôi xếp hết sách lại, cám ơn bà quản gia, rồi bước xuống những lối đi giữa các luống hoa hồng tháng Sáu.

“ ‘Khi về đến nhà cha mẹ, tôi tưởng sẽ trông thấy họ và có thể cả Elsie nữa đang ngồi đợi ở bàn ăn, nhưng tôi lại nghe có tiếng om sòm. Nhiều bạn bè và hàng xóm đang tụ tập ở đó, mẹ tôi đang khóc nức nở. Cha tôi trông có vẻ rất đau buồn.’ Hugh lại châm một điếu thuốc nữa, ánh lửa diêm run run trong bóng tối đang mỗi lúc một đặc quánh. ‘Cha đặt tay lên vai tôi và cho biết Elsie đã gặp tai nạn khi đang lái chiếc xe mượn của người quen, trở về nhà sau khi đi mua sắm ở một thị trấn gần đó. Lúc đó trời mưa rất lớn, người ta cho rằng cô đã bất ngờ nhìn thấy cái gì đó nên phải bẻ ngoặt tay lái. Ơn Chúa, cô không chết nhưng bị thương nặng. Cha mẹ cô đã đến bệnh viện ngay, cha mẹ tôi thì chờ ở nhà để báo tin cho tôi biết.

“ ‘Tôi tìm được một chiếc xe và phóng nhanh đến nỗi suýt nữa chính mình cũng gặp tai nạn. Tôi chắc rằng anh không muốn nghe tất cả chuyện này nhưng… Cô nằm trên giường bệnh, đầu quấn băng kín mít, hai mắt mở trừng trừng. Hình ảnh của Elsie lúc đó là vậy. Hiện tại, cô đang sống trong một viện cứu tế, ở đó cô được chăm sóc tốt, nhưng cô không nói được cũng như không hiểu được nhiều, và không thể tự ăn uống. Điều kinh khủng trong chuyện này là…’ Giọng anh bắt đầu run lên. ‘Điều kinh khủng là, tôi luôn cho rằng đó là một tai nạn, một tai nạn thật sự, và giờ khi đã nghe câu chuyện của anh - ông Hedges, bạn của thầy Rossi, và con mèo - con mèo của anh - tôi không biết phải nghĩ thế nào.’ Anh ta lại rít một hơi thuốc dài nữa.

“Cha buông một tiếng thở dài. ‘Tôi rất, rất lấy làm tiếc. Tôi ước mình biết phải nói gì cùng anh. Việc xảy ra với anh thật là khủng khiếp.’

“ ‘Cám ơn anh.’ Có vẻ như anh ta đang cố gắng lấy lại phong cách hành xử bình thường. ‘Anh biết đấy, đến nay chuyện cũng đã nhiều năm rồi, thời gian cũng giúp tôi nguôi ngoai được phần nào. Chỉ đơn giản là…’

“Không phải như bây giờ, ngày ấy cha không biết điều gì đã bị bỏ lửng ở cuối câu nói đó: những lời nói ra cũng vô ích, những lời chỉ lặp lại sự mất mát vốn không thể diễn đạt thành lời. Khi chúng ta ngồi đó, quá khứ như ngưng đọng giữa hai ta. Một người hầu bàn xuất hiện, đặt lên bàn chúng ta một chiếc đèn lồng thủy tinh bên trong có gắn nến. Quán cà phê đã đông khách, cha nghe vọng ra từ bên trong tiếng cười ồn ã.

“ ‘Tôi cảm thấy choáng váng vì những gì anh vừa kể về Snagov,’ cha lại lên tiếng, sau một lúc khá lâu. ‘Anh biết đó, tôi chưa bao giờ nghe nói đến bất kỳ chuyện gì như thế về hầm mộ này - ý tôi muốn nói đến câu chữ ghi trên bia mộ, bức chân dung, và không có thánh giá. Sự phù hợp giữa những dòng văn bia và những gì thầy Rossi đã phát hiện trên những tấm bản đồ trong trung tâm lưu trữ tại Istanbul là cực kỳ quan trọng, tôi nghĩ - đây là một bằng chứng cho thấy ít ra Snagov là địa điểm ban đầu của hầm mộ Dracula.’ Cha ấn ngón tay lên thái dương. ‘Vậy thì, vì sao tấm bản đồ - bản đồ dưới dạng con rồng trong những cuốn sách và tại trung tâm lưu trữ - lại không phù hợp với địa hình của Snagov - không có hồ nước hoặc hòn đảo?’

“ ‘Giá mà tôi biết.’

“ ‘Sau đó anh vẫn tiếp tục nghiên cứu về Dracula chứ?’

“ ‘Không hề, trong nhiều năm trời sau đó.’ Hugh dập điếu thuốc. ‘Tôi không còn lòng dạ nào mà tiếp tục. Dù vậy, khoảng hai năm trước, tôi chợt nhận ra mình lại suy nghĩ về hắn, và khi bắt đầu làm việc với cuốn sách hiện nay, cuốn sách về Hungary, tôi đã lại để mắt đến hắn.’

“Lúc này trời đã tối hẳn, dòng sông Danube lấp lánh ánh sáng phản chiếu từ những ngọn đèn trên cầu và những tòa nhà khu Pest. Chúng ta vui vẻ cám ơn khi một người hầu bàn mang ra cà phê eszpresszó. Hugh nhấp một ngụm rồi đặt cốc xuống. ‘Anh muốn xem cuốn sách đó không?’ anh ta hỏi.

“ ‘Cuốn mà anh đang nghiên cứu à?’ cha lúng túng mất một lát.

“ ‘Không - cuốn sách có hình con rồng của tôi.’

“Cha hỏi. ‘Anh mang nó theo bên người sao?’

“ ‘Tôi luôn mang nó theo bên người,’ anh ta nghiêm nghị trả lời. ‘Hầu như bao giờ cũng vậy. Thực ra tôi đã để nó lại khách sạn khi tham dự buổi thuyết trình hôm nay, tôi nghĩ cuốn sách sẽ được an toàn hơn ở đó khi tôi đang diễn thuyết. Cứ nghĩ tới việc nó có thể bị đánh cắp…’ Anh ta dừng lại. ‘Anh không để cuốn sách lại trong phòng chứ hả?’

“ ‘Không.’ Cha cũng phải mỉm cười. ‘Tôi cũng mang nó theo bên mình.’

“Anh ta thận trọng dẹp những cốc cà phê qua một bên rồi mở cặp, sau đó lôi trong cặp ra một hộp gỗ bóng láng và đặt gói vải trong hộp lên bàn. Bên trong gói vải là một cuốn sách nhỏ hơn cuốn sách của cha, nhưng được bọc bằng cùng một loại giấy da mịn đã sờn cũ. Các trang sách có màu nâu sậm hơn và giòn hơn so với giấy trong cuốn sách của cha, nhưng hình con rồng ở giữa lại giống nhau, trải rộng đến rìa trang và quắc mắt nhìn chúng ta trừng trừng. Không nói gì, cha mở cặp, lấy cuốn sách của mình ra, đặt bức hình ở giữa sách vào cạnh con rồng của Hugh. Giống hệt nhau, cha nghĩ khi cúi sát xuống nhìn từng hình.

“ ‘Nhìn vào vết nhòe ở đây này - thậm chí chúng cũng giống nhau nữa. Chúng được in ra từ cùng một bản khắc,’ Hugh thì thầm.

“Cha thấy anh ta nhận xét chính xác. ‘Anh biết đấy, chi tiết này nhắc tôi nhớ đến một chuyện khác mà tôi quên kể với anh. Chiều nay, cô Rossi và tôi đã ghé qua thư viện trường đại học, trước khi quay trở lại khách sạn, cô ấy muốn tìm lại một thứ mà trước đó không lâu cô đã từng xem qua.’ Cha mô tả tuyển tập các bài hát dân gian Rumani, và bài thơ khó hiểu nói về việc những tu sĩ đi vào một thành phố vĩ đại. ‘Cô ấy nghĩ bài thơ đó có liên quan đến câu chuyện trong một bản thảo chép tay tại Istanbul mà tôi đã kể với anh. Bài thơ khó hiểu này có nội dung rất chung chung, nhưng ngay trên trang in bài thơ đó có một bức tranh khắc gỗ rất đáng chú ý, nó vẽ một cánh rừng đầy các bụi cây, một nhà thờ nhỏ, với hình một con rồng ở giữa, và một từ.’

“ ‘Drakulya?’ Hugh đoán, giống như cha đã đoán trong thư viện.

“ ‘Không, Ivireanu.’ Cha nhìn vào cuốn sổ ghi chú và đánh vần cho anh ta nghe.

“Đôi mắt anh ta trợn trừng, ‘Quả là kỳ lạ!’ anh ta thốt lên.

“ ‘Cái gì kỳ lạ? Nói nhanh xem nào.’

“ ‘Chỉ là, ngày hôm qua tôi cũng thấy cái tên đó trong thư viện.’


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx