“ ‘Chị Éva đợi chúng tôi tại ga Budapest. Chị mặc bộ áo vest và váy, đội một chiếc mũ xinh xắn, tôi nghĩ trông chị chẳng khác gì một bà hoàng. Chị ôm chầm và hôn tôi nhiều lần. Đứa bé sinh ra tại một bệnh viện tốt nhất Budapest. Tôi muốn đặt tên nó là Éva, nhưng chị Éva bảo muốn được đích thân đặt tên cho đứa bé và đã gọi nó là Elena. Nó là một đứa bé dễ thương, hai mắt to đen, và biết cười rất sớm, lúc mới năm ngày tuổi. Mọi người ai cũng nói là chưa bao giờ thấy một bé sơ sinh biết cười sớm như vậy. Tôi đã hy vọng nó có đôi mắt xanh của Bartolomeo, nhưng con bé giống hệt gia đình bên tôi.
“ ‘Tôi đã chờ cho đến khi sinh xong đứa bé mới viết thư cho anh ấy, vì muốn báo cho anh biết thông tin về một đứa bé thật sự, chứ không phải chỉ nói về cái bào thai của mình. Khi Elena được một tháng tuổi, tôi đã nhờ anh rể giúp tôi tìm địa chỉ trường đại học nơi Bartolomeo làm việc, trường Oxford, và chính tay tôi viết cái từ lạ lùng này lên bì thư. Anh rể tôi viết hộ tôi lá thư tiếng Đức, chính tay tôi đã ký tên vào bức thư đó. Trong thư tôi kể với Bartolomeo là tôi đã chờ anh suốt ba tháng trời, sau đó phải bỏ làng ra đi vì biết mình sắp có con. Tôi kể về chuyến đi của mình và về ngôi nhà của chị Éva tại Budapest. Tôi kể với anh về Elena, nó xinh đẹp và tươi tắn biết bao. Tôi nói tôi yêu anh và lo sợ một chuyện gì đó khủng khiếp đã xảy ra làm anh không thể quay trở lại. Tôi hỏi khi nào tôi có thể gặp anh, và liệu anh có thể đến Budapest để đón tôi và Elena. Tôi bảo bất chấp chuyện gì xảy ra, tôi sẽ yêu anh suốt đời.
“ ‘Rồi tôi lại chờ, lần này là một thời gian dài, rất dài, khi Elena đã chập chững những bước đi đầu tiên mới có thư của Bartolomeo. Lá thư đến từ Mỹ, chứ không phải từ nước Anh, và được viết bằng tiếng Đức. Anh rể tôi đã dịch lá thư bằng một giọng rất ôn tồn, nhưng tôi nhận ra anh ấy đã quá trung thực, không thay đổi bất kỳ nội dung nào của lá thư. Trong thư, Bartolomeo nói anh đã nhận được thư tôi, lúc còn ở nhà cũ tại Oxford, trước khi đi Mỹ. Anh lịch sự cho biết là anh chưa bao giờ nghe nói hay từng biết tên tôi, và anh chưa bao giờ đến Rumani, vì vậy đứa trẻ mà tôi mô tả có thể không phải là con anh. Anh rất lấy làm tiếc khi nghe một câu chuyện đáng buồn như vậy và anh cầu chúc cho tôi những điều tốt lành. Đó là một lá thư ngắn gọn và rất tử tế, không chút ác tâm nhưng cũng không có dấu hiệu nào cho thấy là anh có biết tôi.
“ ‘Tôi đã khóc rất lâu, tôi còn trẻ và không hiểu con người có thể đổi thay, tâm tư và tình cảm của họ cũng có thể biến đổi. Khi đã ở Hungary được nhiều năm, tôi bắt đầu hiểu ra rằng người ta có thể là một người này khi ở quê hương mình nhưng sẽ là một người khác khi ở đất nước khác. Tôi hiểu rằng điều tương tự đã xảy ra với Bartolomeo. Cuối cùng tôi chỉ ước gì anh đừng nói dối như thế, rằng anh chẳng biết gì về tôi. Tôi ước như vậy bởi khi cùng ở bên nhau tôi đã cảm nhận anh là một người đáng quý trọng, một con người thành thật, tôi không muốn nghĩ xấu về anh.
“ ‘Tôi nuôi Elena lớn lên với sự giúp đỡ của những người bà con, và nó đã trở thành một cô gái thông minh và xinh đẹp. Tôi biết điều này vì con bé mang trong mình dòng máu của Bartolomeo. Tôi đã kể cho con bé nghe về cha nó - tôi chưa bao giờ nói dối con gái mình. Có thể tôi chưa kể cho nó nghe đầy đủ, nhưng nó còn quá trẻ để hiểu được tình yêu có thể làm cho con người trở nên mù quáng và điên khùng đến mức nào. Nó đã vào đại học và tôi rất hãnh diện vì nó, Elena cũng nói với tôi nó đã biết cha nó là một học giả xuất sắc tại Hoa Kỳ. Tôi hy vọng một ngày nào đó nó có thể gặp ông ấy. Nhưng tôi không biết ông ta dạy ở trường đại học mà anh theo học,’ mẹ Helen bổ sung rồi quay lại nhìn cô con gái với vẻ gần như trách móc, và bằng cử chỉ đột ngột này bà kết thúc câu chuyện.
“Helen lắc đầu, thì thầm một vài tiếng gì đó giống như lời xin lỗi hay tự bào chữa. Trông cô có vẻ sửng sốt chẳng kém gì cha. Suốt câu chuyện cô đã ngồi im, tựa như chỉ biết dịch và thở, và chỉ thì thầm điều gì đó khi mẹ cô mô tả con rồng trên vai bà. Sau này, Helen mới cho cha biết mẹ cô không bao giờ cởi đồ trước mặt cô, không bao giờ đưa cô đến những nhà tắm chốn công cộng như bác Éva.
“Thoạt tiên chúng ta ngồi yên lặng tại bàn, cả ba người bọn ta, nhưng sau đó một lát Helen quay về phía cha, bất lực ra dấu chỉ vào gói thư đang nằm trên bàn, trước mặt chúng ta. Cha hiểu; cha cũng đã từng nghĩ như vậy. ‘Tại sao bà không gửi một vài lá trong số này cho thầy Rossi, để chứng tỏ ông đã từng ở bên bà tại Rumani?’
“Cô nhìn về phía mẹ - trong đôi mắt là vẻ vô cùng phân vân, cha nghĩ vậy - sau đó, có vẻ như cô đã nêu câu hỏi này với bà. Câu trả lời của mẹ cô, khi cô dịch ra cho cha nghe đã làm cha nghẹn ngào, một nỗi đau cho cả bà lẫn người thầy bạc tình của cha. ‘Tôi đã nghĩ đến việc này, nhưng qua lá thư của ông tôi hiểu bây giờ tâm tư của ông ấy đã hoàn toàn thay đổi. Tôi nhận ra có gửi đến ông những lá thư này cũng sẽ chẳng có thay đổi nào xảy đến với tôi, trái lại sẽ gây ra nhiều khổ đau hơn, và rồi sẽ mất mát thêm một vài kỷ niệm về ông mà tôi còn có thể gìn giữ.’ Bà đưa tay ra tựa như muốn chạm vào nét chữ của ông, sau đó rút tay lại. ‘Tôi chỉ ân hận là không trả lại được cho Bartolomeo những gì thật sự là của ông ấy. Nhưng ông ấy cũng đã giữ quá nhiều thứ của tôi, nên có lẽ chẳng sai trái gì khi tôi giữ những lá thư này lại cho bản thân mình, phải vậy không?’ Bà đưa mắt nhìn từ Helen sang cha, đột nhiên một chút xao xuyến thoáng hiện trong đôi mắt bà. Cha nghĩ, cha đã nhìn thấy trong đôi mắt đó không phải là sự bất chấp, mà là ngọn lửa hồi tưởng về sự dâng hiến ngày xưa, rất xưa. Cha nhìn đi nơi khác.
“Helen tỏ ra không đồng tình. ‘Vậy tại sao mẹ không trao những lá thư này cho tôi từ sớm, ít nhất là thế?’ Câu hỏi của cô bật ra gay gắt, và ngay sau đó, cô quay sang hỏi bà mẹ cũng câu hỏi đó. Người phụ nữ lớn tuổi lắc đầu. ‘Bà nói,’ Helen dịch, gương mặt đanh lại, ‘bà biết tôi ghét cha tôi, mà bà thì muốn chờ đợi một ai đó yêu quý ông thì mới trao bảo vật này.’ Vì bà vẫn còn yêu ông ấy, cha có thể tiếp lời Helen như vậy, dường như lòng cha đã cảm động đến mức có thể thấu hiểu mối tình đã bị chôn vùi bao năm qua trong căn nhà nhỏ bé đơn sơ này.
“Tình cảm của cha không chỉ dành cho thầy Rossi. Ngồi tại bàn, trong căn nhà đó, cha cầm lấy bàn tay Helen, tay kia nắm lấy bàn tay chai sần của người mẹ, giữ chặt chúng. Vào khoảnh khắc đó, cái thế giới trong đó cha đã lớn lên, sự dè dặt và tĩnh lặng của nó, những thói quen và tập quán của nó, cái thế giới trong đó cha đã học hành và thành đạt rồi thỉnh thoảng tập tành yêu đương, có vẻ như đã xa tít tắp như dải Ngân hà. Cha không thể nói liệu mình có muốn hay không, nhưng nếu không vì nỗi xúc cảm nghẹn ngào trong cổ họng ắt hẳn cha đã có thể tìm được một cách nào đó để nói cùng hai người phụ nữ này, cùng mối quan hệ dẫu có khác nhau nhưng đều sâu sắc của họ với thầy Rossi, rằng cha cảm nhận sự hiện diện của ông giữa chúng ta.
“Một lát sau, Helen im lặng rút tay ra khỏi tay cha, nhưng mẹ cô vẫn để nguyên như vậy và bằng giọng nói êm ái, bà hỏi một câu gì đó. ‘Bà muốn biết bà có thể làm gì để giúp anh tìm được thầy Rossi.’
“ ‘Xin cô nói với bà là bà đã giúp tôi, và tôi sẽ đọc những lá thư này ngay khi rời khỏi nơi đây, để xem liệu chúng có thể giúp dẫn chúng ta đi xa hơn không. Nói với bà khi nào tìm được ông ấy chúng ta sẽ báo cho bà biết.’
“Mẹ Helen tỏ vẻ khiêm nhường cúi đầu xuống khi nghe như vậy, và đứng dậy để kiểm tra món hầm trong lò. Một mùi thơm ngào ngạt bốc lên, ngay cả Helen cũng mỉm cười, như thể chuyến trở về căn nhà vốn chẳng phải nhà cô này đã được đền bù. Khoảnh khắc bình yên này giúp cha bạo dạn hơn. ‘Xin cô hỏi xem liệu bà có biết bất kỳ điều gì về ma cà rồng, những điều có thể giúp ích chúng ta trong cuộc tìm kiếm này.’
“Khi Helen dịch lại yêu cầu này, cha chợt nhận ra mình đã phá vỡ sự yên bình mong manh vừa xuất hiện. Bà nhìn đi nơi khác rồi đưa tay làm dấu thánh, nhưng một lát sau có vẻ như bà đã lấy lại được sức mạnh để tiếp tục nói. Helen chăm chú lắng nghe và gật đầu. ‘Bà nói chúng ta cần phải nhớ tên ma cà rồng kia có thể thay đổi hình dạng. Hắn có thể đến với bọn ta dưới nhiều hình thức khác nhau.’
“Cha muốn biết thực sự câu nói này chính xác có ý nghĩa gì, nhưng mẹ Helen đã bắt đầu múc thức ăn ra đĩa bằng bàn tay run run. Hơi ấm của lò nấu cùng mùi vị của bánh mì và thịt tràn ngập căn nhà nhỏ bé, tất cả chúng ta đều ăn rất ngon miệng, dù trong im lặng. Thỉnh thoảng mẹ Helen vừa vỗ vỗ lên tay cha vừa lấy thêm bánh mì hoặc châm thêm trà tươi cho cha. Thức ăn tuy đơn sơ nhưng nhiều và ngon, ánh nắng chiếu vào từ cửa sổ phía trước như để trang hoàng cho bữa ăn thêm đẹp.
“Khi đã ăn xong Helen bước ra ngoài với một điếu thuốc, mẹ cô vẫy tay ra hiệu cho cha theo bà đi vòng qua bên hông nhà. Ở phía sau là một chuồng gà nhỏ với vài con gà đang bới đất xung quanh, một chuồng thỏ có hai con thỏ tai dài. Mẹ Helen bắt một con thỏ ra, đứng bên cha như trong một màn trình diễn kịch câm dễ chịu, gãi nhẹ lên cái đầu mềm mại của con vật trong lúc nó chớp mắt và khẽ vùng vẫy. Qua một trong các cánh cửa sổ, cha có thể nghe tiếng Helen đang rửa chén đĩa. Mặt trời ấm áp trên cao, xa xa bên kia mái nhà là những cánh đồng xanh mướt, âm vang tiếng vo ve và dập dờn một niềm lạc quan bất tận.
“Rồi cũng đến lúc chúng ta từ giã để trở lại trạm xe buýt, cha cất những lá thư của thầy Rossi vào cặp. Khi chúng ta bước ra ngoài, mẹ Helen dừng lại ở lối đi; có vẻ như bà không nghĩ đến việc bách bộ qua làng để tiễn Helen và cha lên xe buýt. Bằng cả hai tay, bà nắm chặt và thân tình lắc mạnh hai tay cha, nhìn thẳng vào mặt cha. ‘Bà chúc anh lên đường bình an, mong anh sẽ tìm được những gì anh mong muốn,’ Helen giải thích. Cha nhìn vào đôi mắt đen huyền của người đàn bà lớn tuổi và hết lòng cám ơn bà. Bà ôm lấy Helen, buồn bã giữ lấy và vuốt ve khuôn mặt cô trong lòng bàn tay một lúc, sau đó bà để chúng ta lên đường.
“Đến lề đường, cha quay lại nhìn bà lần nữa. Bà đứng ở cửa, một tay vịn vào khung, tựa như cuộc viếng thăm của chúng ta đã làm bà mệt mỏi. Cha đặt chiếc cặp xuống đất và rảo bước trở lại với bà, nhanh đến nỗi trong khoảnh khắc cha không kịp nhận ra mình đã hành động như vậy. Rồi, trong lúc nhớ đến thầy Rossi, cha ôm bà trong vòng tay và hôn lên đôi má mềm mại, đã hằn những nếp nhăn năm tháng. Bà đứng thấp hơn cha một cái đầu, ôm cha thật chặt, vùi mặt vào vai cha. Đột nhiên bà xoay người và chạy biến vào nhà. Cha nghĩ bà muốn được một mình với những cảm xúc riêng tư nên đã quay đi, nhưng chỉ một giây sau bà đã quay lại. Cha ngạc nhiên khi bà lại xuất hiện, nắm lấy và ép chặt vào lòng bàn tay cha một vật gì đó nhỏ và cứng.
“Khi xòe tay ra, cha thấy một chiếc nhẫn bạc có một phù hiệu nhỏ. Cha hiểu ngay đó là chiếc nhẫn của thầy Rossi và bà định nhờ cha trả lại cho ông. Khuôn mặt bà bừng sáng, đôi mắt đen huyền chợt long lanh. Cha lại cúi xuống hôn bà, nhưng lần này là một cái hôn lên miệng. Đôi môi bà ấm và dịu ngọt. Khi buông bà ra, đi như chạy trở lại chỗ chiếc cặp và Helen, cha nhìn thấy trên gương mặt người phụ nữ lớn tuổi lấp lánh một giọt lệ lẻ loi. Cha đã đọc được ở đâu đó rằng chẳng có cái gì gọi là giọt lệ lẻ loi, đó chỉ là kiểu nói hoa mỹ xa xưa đầy thi vị. Và có lẽ hiện giờ đúng là như vậy thật, vì đơn giản giọt lệ của bà đang là bạn đồng hành với nước mắt của cha.
“ Ngay khi chúng ta đã ngồi yên vị trên xe buýt, cha lấy các lá thư của thầy Rossi ra và thận trọng mở lá thư đầu tiên. Khi ghi lại lá thư ở đây, cha sẽ trân trọng ý nguyện của thầy, bảo vệ sự riêng tư của người bạn thầy bằng một biệt danh - bí danh, như ông gọi. Cha cảm thấy thật kỳ lạ khi lại được nhìn thấy nét chữ của thầy Rossi - trẻ trung hơn, ít nét bay bướm hơn - trên các trang giấy đã ngả vàng.
“ ‘Anh đọc chúng ở đây sao?’ Helen hỏi, tựa gần như sát vào vai cha, vẻ ngạc nhiên.
“ ‘Ừ, chẳng lẽ cô có thể chờ được hay sao?’
“ ‘Không,’ cô đáp.”
Chú thích:
1. Nguyên văn tiếng Rumani: Tên tôi là Bartolomeo Rossi.
@by txiuqw4