Cuối cùng chúng tôi đành để chàng trai ở lại với ly rượu mạnh và bầy ngựa bên máng nước rồi tiếp tục lên đường với đồ ăn và chăn mền trên lưng. Khi bước dọc con đường làng chính, tôi lại nhớ đến câu chuyện các địa chủ ở Târgoviste, hình dung lại cảnh họ đang lê lết leo lên cái pháo đài đổ nát đầu tiên, và sau đó lại nghĩ đến những gì mình đã chứng kiến - hoặc tin rằng mình đã chứng kiến - tại Istanbul, và một lần nữa cảm thấy day dứt một cảm giác khó chịu.
Chẳng bao lâu, con đường đã hẹp lại thành một đường mòn chỉ vừa cho một xe ngựa nhỏ, rồi tiếp theo là một lối mòn nhỏ băng qua khu rừng, gần như dựng đứng trước mặt chúng tôi. Chúng tôi chỉ phải leo đoạn dốc đứng sau cùng, và đã dễ dàng vượt qua. Đột nhiên chúng tôi đã ở trên một gờ đá lộng gió, một chiếc xương sống đá sắc cạnh nhô vút lên trên cánh rừng. Ngay trên đỉnh chiếc xương sống này, bám chặt trên đốt sau cùng cao hơn hẳn các đốt khác là hai ngọn tháp và một cụm những bức tường đổ nát, đó là tất cả những gì còn lại của Lâu đài Dracula. Quang cảnh thật ngoạn mục, dòng sông Argeş lấp lánh trong vực sâu bên dưới và rải rác đây đó những làng mạc trên những dốc đá dọc dòng sông. Xa về phía Nam là những ngọn đồi thấp, Georgescu nói đó là những cánh đồng của vùng Wallachia, và về hướng Bắc nhô cao lên những đỉnh núi, một số trắng xóa tuyết phủ. Chúng tôi đã đến nơi loài đại bàng ngự trị.
Georgescu đi trước, trèo qua những tảng đá ngổn ngang và cuối cùng chúng tôi đã đứng giữa đống phế tích kia. Tôi nhận ra ngay đây là một pháo đài nhỏ từ lâu đã bị bỏ hoang cho trời đất, đủ mọi loại hoa dại, địa y, rong rêu, nấm mốc và đám cây nảy mầm từ hạt giống gió mang đến đã định cư bên trong tự thuở nào. Hai ngọn tháp còn lại vẫn đứng như hai bóng đen xương xẩu trên nền trời. Georgescu giải thích thoạt tiên ở đây có năm ngọn tháp, từ các ngọn tháp đó bọn lính thuộc hạ của Dracula có thể canh phòng những cuộc xâm nhập của người Thổ. Khoảnh sân chúng tôi đang đứng từng có một giếng nước sâu, đề phòng trường hợp bị vây hãm, và cũng - theo truyền thuyết - là một lối đi bí mật dẫn đến một cái hang xa bên dưới, trên bờ sông Argeş. Qua lối đi bí mật này, Dracula đã thoát khỏi tay người Thổ năm 1462, sau năm năm sử dụng không liên tục pháo đài này. Hình như hắn đã không bao giờ quay trở lại nơi này. Georgescu tin rằng mình đã xác định được căn nhà nguyện của lâu đài ở một đầu sân, ở đó chúng tôi nhô đầu nhìn vào một khung vòm đổ nát. Chim chóc bay lượn vào ra các vách tường ngọn tháp, rắn rết và các loài thú nhỏ chạy sột soạt và biến mất trước mắt chúng tôi, tôi có cảm giác chẳng bao lâu nữa thiên nhiên sẽ chiếm hết những gì còn lại của cơ ngơi này.
Vào lúc bài học khảo cổ của chúng tôi kết thúc, mặt trời đã lơ lửng bên trên những ngọn đồi phía Tây, quanh chúng tôi bóng các tảng đá, cây cối và ngọn tháp đã đổ dài. “Chúng ta có thể quay trở lại ngôi làng vừa rồi,” Georgescu đăm chiêu nói. “Nhưng rồi sáng mai sẽ lại phải leo lên nếu muốn xem xét lại nơi này. Tốt hơn chúng ta nên cắm trại ở đây, anh thấy thế nào?”
Ngay lúc đó tôi cảm thấy tốt hơn là không nên, nhưng Georgescu trông có vẻ quá thản nhiên, quá khoa học, rạng rỡ nhìn tôi với cuốn sổ ghi chép cầm trong tay, tôi không đành thốt lên tiếng không. Ông bắt đầu thu nhặt các cành khô quanh đó, tôi giúp một tay, và chẳng bao lâu chúng tôi đã có một đống lửa cháy tí tách trên phiến đá đã được cẩn thận gạt bỏ các lớp rong rêu trong khoảnh sân xưa cũ kia. Georgescu có vẻ như rất mê đống lửa, hết thổi phù phù vào ngọn lửa lại tới chỉnh các cành củi cho ngay ngắn, dựng một cái bếp nguyên thủy để đặt cái nồi mà ông lấy trong ba lô ra. Chẳng bao lâu, ông đã xong món thịt hầm và vừa cắt bánh mì vừa mỉm cười nhìn ngọn lửa, lúc ấy tôi mới nhớ ra ông không chỉ là người Scotland, mà còn là dân Gypsy nữa.
Mặt trời lặn trước khi bữa ăn tối sẵn sàng, và khi nó khuất hẳn sau dãy núi, khu phế tích cũng chìm vào bóng tối, những ngọn tháp ảm đạm nổi lên trên nền ánh chiều hôm tranh tối tranh sáng. Con gì đó - lũ cú? hoặc dơi? - vỗ cánh bay vào bay ra qua các lỗ châu mai trống rỗng, từ nơi đó, ngày xưa những mũi tên đã lao về phía đám quân Thổ. Tôi lấy chăn ra và trải sát gần đống lửa, nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn. Georgescu đã dọn ra một bữa ăn cực kỳ hấp dẫn và lại kể về lịch sử của nơi này trong lúc chúng tôi ăn uống. “Một trong những câu chuyện buồn nhất về huyền thoại Dracula xuất phát từ chốn này. Anh đã nghe nói về người vợ đầu tiên của Dracula rồi chứ?”
Tôi lắc đầu.
“Những người nông dân sống quanh đây kể một câu chuyện về bà ta, mà tôi nghĩ có lẽ là có thực. Chúng ta đã biết vào mùa thu năm 1462, Dracula bị người Thổ đuổi ra khỏi pháo đài này, sau đó hắn cũng không quay trở lại chốn này khi trở lại nắm quyền cai trị vào năm 1476, ngay trước khi bị giết. Các bài dân ca từ các làng mạc ở đây cho thấy vào đêm mà quân Thổ chiếm được vách đá đối diện đằng kia” - ông chỉ tay vào cánh rừng đen như nhung - “bọn chúng đã đóng quân tại pháo đài cũ của Poenari, và cố triệt hạ tòa lâu đài của Dracula bằng cách bắn đại bác qua sông. Bọn chúng không thành công, vì vậy sáng hôm sau, viên tướng chỉ huy đã ra lệnh tổng tiến công chiếm lâu đài.”
Georgescu ngừng kể, khơi cho ngọn lửa sáng hơn; khi ánh sáng nhảy múa trên gương mặt ngăm đen và những chiếc răng vàng, những lọn tóc đen của ông bỗng trông giống như những cái sừng. “Trong đêm, một nô lệ trong doanh trại quân Thổ, vốn là bà con của Dracula, đã lén bắn một mũi tên vào một khoảng trống của ngọn tháp trong lâu đài, nơi anh ta biết đó là phòng riêng của Dracula. Gắn trên mũi tên là một lá thư cảnh báo Dracula nên trốn thoát khỏi lâu đài trước khi hắn và gia đình bị bắt làm tù binh. Người nô lệ kia có thể đã nhìn thấy gương mặt người vợ của Dracula đang đọc lá thư dưới ánh nến. Trong các bài dân ca cổ, những người nông dân kể rằng vợ của Dracula đã bảo với chồng là bà thà để cá dưới dòng sông Argeş ăn thịt chứ không làm nô lệ cho quân Thổ. Anh biết đấy, người Thổ chẳng tử tế gì với tù binh của họ.” Sau đĩa thịt hầm, Georgescu cười với tôi một nụ cười bí hiểm. “Sau đó bà ta chạy lên các bậc cấp ngọn tháp - có lẽ là ngọn tháp đằng kia - và gieo mình xuống. Lẽ dĩ nhiên Dracula đã trốn thoát qua lối đi bí mật.” Ông thản nhiên gật gù. “Đoạn này của dòng sông Argeş còn gọi là Riul Doamnei, nghĩa là Sông của Bà Hoàng.”
Như anh có thể hình dung, tôi đã rùng mình - trưa hôm đó, tôi đã liếc qua cái vực thẳm đó. Cú rơi từ trên đó xuống dòng sông bên dưới hầu như không thể tưởng tượng nổi.
“Dracula có con với người vợ này chứ?”
“Ồ, có.” Georgescu múc thêm cho tôi một ít thịt hầm. “Con trai của họ là Mihnea Đê Tiện, đã cai trị vùng Wallachia vào đầu thế kỷ mười sáu. Lại là một nhân vật hấp dẫn nữa. Dòng dõi của gã là một loạt những kẻ như Mehnea và Mircea, tất cả đều đáng ghét. Sau đó Dracula lại lấy vợ, lần thứ hai với một phụ nữ Hungary có bà con với Matthias Corvinus, vua Hungary. Chúng sinh ra một lô một lốc Dracula.”
“Có người nào còn sinh sống tại vùng Wallachia hay Transylvania không?”
“Tôi nghĩ là không. Nếu có, hẳn tôi đã tìm ra họ.” Ông xé một mẩu bánh mì rồi đưa cho tôi. “Dòng dõi thứ hai định cư tại vùng Szekler và tất cả đã hòa nhập với người Hungary. Những người cuối cùng trong số này đã kết hôn với gia đình quý tộc Getzi và cũng đã biến mất.”
Trong lúc ăn, tôi đã ghi tất cả các chi tiết này vào sổ tay dù không tin tưởng chúng có thể dẫn mình đến bất kỳ ngôi mộ nào. Điều này lại khiến tôi nghĩ đến một câu hỏi cuối cùng mà tôi hoàn toàn không muốn nêu ra trong cái bóng đêm dày đặc thăm thẳm này.
“Liệu có thể nào Dracula được chôn cất ở đây, hay xác hắn đã được chuyển từ Snagov về đây, để giữ cho an toàn?”
Georgescu cười khúc khích. “Anh vẫn hy voọn, đúng không? Không, lão già đó nằm đâu đó tại Snagov, hãy chú ý lời tôi. Lẽ tất nhiên, cái nhà nguyện đằng kia cũng có một hầm mộ - có một khu vực trũng xuống, với một vài bậc cấp đi xuống. Nhiều năm trước tôi đã khai quật hầm mộ đó, trong chuyến đầu tiên đến đây.” Ông cười tươi. “Hồi đó đám dân làng không thèm bắt chuyện với tôi cả mấy tuần lễ. Nhưng hầm mộ đó trống không. Thậm chí chẳng có lấy một mẩu xương.”
Chẳng bao lâu sau ông đã ngáp dài. Chúng tôi kéo sát đồ đạc vào đống lửa, cuộn tròn trong túi ngủ và nằm lặng yên. Trời đêm lạnh buốt, tôi mừng vì đã mặc bộ quần áo ấm nhất của mình. Nhìn lên bầu trời đầy sao một lát - dường như chúng gần với vách núi đen thẫm kia đến kỳ lạ - tôi lắng nghe tiếng ngáy của Georgescu.
Cuối cùng hẳn tôi cũng đã thiếp đi vì khi mở mắt ra tôi thấy đống lửa gần tàn và một đám mây bao phủ đỉnh núi. Tôi rùng mình, và trong lúc chuẩn bị đứng lên để châm thêm củi thì chợt nghe tiếng sột soạt sát gần một bên. Máu tôi như đông lại. Như vậy, không chỉ có một mình chúng tôi giữa đống phế tích này, và bất kể là thứ gì đang chia sẻ với chúng tôi cái lâu đài tăm tối kỳ dị này thì cũng đang ở rất gần. Tôi từ từ đứng lên, nghĩ đến việc đánh thức Georgescu nếu cần thiết, và băn khoăn tự hỏi không biết ông ta có mang theo loại vũ khí nào trong chiếc túi Gypsy đa dụng kia không. Một sự im lặng chết chóc vây phủ xung quanh, chỉ vài giây sau sự hồi hộp đã quá mức chịu đựng của tôi. Tôi dun vào đống lửa một nhánh cây lấy từ đống củi, khi nhánh cây bắt lửa tôi đã có một ngọn đuốc, tôi cẩn thận giơ cao nó lên.
Đột nhiên, tận phía trong sâu thẳm của khu vực nhà nguyện đầy cây cối, ánh đuốc làm ánh lên một đôi mắt rực đỏ. Bạn thân mến, sẽ là dối trá nếu tôi nói rằng lúc đó tóc tai mình không dựng đứng lên. Đôi mắt di chuyển tới gần hơn một chút và tôi không thể nói chúng cách mặt đất bao xa. Nó đăm đăm nhìn tôi một lúc lâu, tôi cảm thấy, một cách phi lý, rằng dường như nó biết rõ chúng tôi, biết tôi là ai và đang thăm dò tôi. Sau đó, có tiếng xô đẩy trong bụi rậm, một con vật to lớn xuất hiện, đảo mắt nhìn quanh rồi phóng vào bóng đêm. Đó là một con chó sói to lớn dị thường; trong ánh sáng mờ mờ tôi nhìn thấy bộ lông bờm xờm và cái đầu to tướng của con vật, chỉ trong một thoáng trước khi nó lủi biến mất khỏi khu phế tích đổ nát.
Tôi lại nằm xuống, lúc này không còn muốn đánh thức Georgescu vì mối nguy hiểm có vẻ như đã trôi qua, nhưng vẫn không tài nào ngủ lại được. Tôi thấy đi thấy lại - ít ra là trong tâm trí mình - đôi mắt sắc bén quen thuộc đó. Tôi nghĩ cuối cùng mình cũng sẽ thiếp đi, nhưng khi nằm đó tôi nghe có tiếng động xa xa, có vẻ như chúng vọng đến từ trong bóng tối của khu rừng. Cuối cùng cảm thấy quá bức bối, không thể nằm yên trong đống chăn mền, tôi lại đứng lên, rón rén băng qua mảnh sân um tùm bụi rậm để nhìn qua bức tường. Như tôi đã mô tả, chỗ dốc đứng phía trên vực thẳm kia hướng xuống sông Argeş, nhưng bên trái là một khu vực với những cánh rừng ít dốc hơn, tôi nghe có tiếng rì rầm từ phía dưới đó và nhìn thấy ánh sáng chập chờn giống như những đống lửa trại. Tôi tự hỏi phải chăng đó là trại của đám dân Gypsy; sáng mai tôi phải hỏi Georgescu mới được. Tựa như ý nghĩ trên đã đánh động ông ta, người bạn mới của tôi đột ngột xuất hiện, như một bóng mờ bên cạnh tôi và vẫn còn ngái ngủ.
“Có chuyện gì không ổn à?” Ông ta nhìn chòng chọc qua bức tường.
Tôi trỏ tay chỉ. “Có thể nào đó là trại của người Gypsy không?”
Ông ta bật cười. “Không, người Gypsy không ở quá xa với nền văn minh như vậy đâu.” Theo sau câu trả lời là một cái ngáp dài, nhưng trong ánh sáng của đám lửa đang tàn đôi mắt ông ta sáng lên và đầy cảnh giác. “Dù vậy, cũng kỳ lạ đấy. Ta qua đó xem thử xem sao.”
Tôi chẳng mặn mà với ý kiến đó chút nào, nhưng vài phút sau, chúng tôi mang giày vào và rón rén đi xuống con đường mòn hướng về phía tiếng động. Âm thanh nghe dần to hơn, cao lên rồi thấp xuống, một nhịp điệu kỳ quái - tôi nghĩ, không phải là lũ chó sói mà là tiếng người. Tôi cố gắng không giẫm lên các cành cây. Có lúc tôi quan sát thấy Georgescu cho tay vào áo khoác - ông ta có súng, tôi thầm nghĩ và cảm thấy yên tâm. Chẳng bao lâu chúng tôi nhìn thấy ánh lửa lập lòe sau các thân cây, ông ta ra dấu cho tôi khom người rồi ngồi xổm xuống cạnh ông, trong bụi cây.
Thật kinh ngạc, chúng tôi đã đến một khoảnh rừng thưa rất đông đàn ông. Họ đứng thành hai vòng tròn quanh một đống lửa, nhìn vào ngọn lửa và tụng kinh. Một người, hình như là chỉ huy, đứng gần đám lửa, mỗi khi bài tụng đến đoạn vút cao lên, mỗi người trong họ lại giơ thẳng tay lên chào, bàn tay còn lại đặt lên vai người đứng kế bên. Gương mặt bọn họ khắc nghiệt và nghiêm nghị, ánh lên một màu cam kỳ lạ trong ánh lửa, mắt họ sáng lấp lánh. Họ mặc một loại giống như đồng phục, áo khoác sậm màu bên ngoài sơ mi xanh và cà vạt đen. “Chuyện gì vậy?” tôi thì thầm hỏi Georgescu. “Họ đang nói gì vậy?”
“Tất cả cho tổ quốc!” ông ta thì thầm vào tai tôi. “Ngồi im, nếu không là chết đấy. Tôi nghĩ đây là bọn Binh đoàn Tổng Thiên thần Michael.”
“Là gì vậy?” Tôi cố gắng chỉ mấp máy môi. Thật khó hình dung một thứ gì đó khác thiên thần hơn những gương mặt sắt đá và những cánh tay vung thẳng cứng nhắc kia. Georgescu vẫy tay ra hiệu cho tôi lùi lại và chúng tôi lại bò vào rừng. Nhưng trước khi quay đi tôi để ý thấy một cử động ở phía bên kia khoảnh rừng thưa, và càng kinh ngạc hơn khi nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông cao lớn mặc áo choàng, mái tóc đen nhánh, gương mặt bủng vàng sáng lên từng lúc dưới ánh lửa. Hắn đứng bên ngoài những vòng người mặt đồng phục, vẻ mặt hoan hỉ, có vẻ như đang cười. Sau đó một giây tôi không còn nhìn thấy hắn nữa, và nghĩ rằng hắn đã lủi vào đám cây cối, và rồi Georgescu lại kéo tôi ngược lên dốc.
Khi đã về lại khu phế tích an toàn - thực là kỳ lạ và phi lý, giờ tôi lại cảm thấy an toàn - Georgescu ngồi xuống bên cạnh đống lửa, châm tẩu thuốc tựa như để tìm chút khuây khỏa. “Trời ơi, anh bạn,” ông hổn hển. “Đây có thể là ngày tàn của hai chúng ta.”
“Bọn họ là ai vậy?”
Ông quăng que diêm vào đống lửa. “Bọn tội phạm,” ông ta trả lời cụt lủn. “Chúng còn gọi là Binh đoàn Thép. Chúng càn quét các làng mạc trong khu vực này, bắt thanh niên và biến họ thành những kẻ chỉ biết căm thù. Chúng đặc biệt căm thù và muốn loại bỏ người Do Thái ra khỏi thế giới này.” Ông rít một hơi thuốc dữ dội. “Người Gypsy chúng tôi biết rằng ở đâu người Do Thái bị giết chóc thì người Gypsy cũng luôn bị tàn sát theo. Và sau đó sẽ còn nhiều người khác nữa, thường là vậy.”
Tôi tả lại gương mặt kỳ lạ mà mình đã nhìn thấy đứng bên ngoài vòng người.
“Ồ, nói thật ra là,” Georgescu thì thầm, “chúng thu hút đủ mọi loại thành phần lạ lùng ngưỡng mộ chúng. Chẳng bao lâu nữa tất cả đám dân chăn cừu trên núi sẽ quyết định đi theo chúng.”
Phải mất một lúc lâu chúng tôi mới có thể dỗ lại giấc ngủ, nhưng Georgescu trấn an là một khi đã bắt đầu các nghi thức thì rất ít khả năng đám Binh đoàn này leo lên núi. Tôi chỉ chợp mắt trong chốc lát và thấy nhẹ nhõm khi ánh bình minh lại trở về trên vùng đất chỉ có chim đại bàng làm tổ này. Lúc này, trời vẫn còn mù sương và thật yên tĩnh, cây cối xung quanh lặng yên vì không một chút gió. Ngay khi ánh mặt trời sáng tỏ hơn, tôi cẩn thận đi đến chỗ khung mái vòm đổ nát của nhà nguyện để xem xét dấu vết con sói. Chúng hiện rõ sát bên cạnh nhà nguyện, lớn và nặng nề, trên mặt đất. Điều lạ lùng là chỉ có một loạt những dấu chân, từ khu vực nhà nguyện đi ra, bước thẳng ra từ cái đáy lõm của hầm mộ, không có dấu vết cho thấy con sói đã vào đó theo đường nào - hoặc có lẽ tôi đã không thể quan sát đầy đủ dấu vết của nó ở đám bụi cây phía sau nhà nguyện. Sau khi ăn sáng xong, tôi vẫn còn bối rối nghiền ngẫm điều này một lúc lâu nên đã vẽ vài bản phác thảo, chúng tôi lên đường xuống núi.
Một lần nữa tôi phải dừng bút ở đây, và từ vùng đất xa xôi này tôi xin gửi đến anh những lời thăm hỏi nồng nhiệt nhất.
Rossi
Chú thích:
1. Black Madonna: chỉ những bức tượng hoặc tranh vẽ Đức Mẹ Mary có nước da sẫm hoặc màu đen, đặc biệt là những tranh, tượng ra đời trong hoặc trước thời Trung cổ tại châu Âu. (Không phải là hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh da đen phổ biến trong cộng đồng Thiên Chúa giáo châu Phi hoặc nơi có nhiều người da đen sinh sống).
2. Tên đầy đủ là Marcus Ulpius Nerva Traianus, thường biết đến với tên Trajan (53-117); Hoàng đế La Mã, trị vì từ năm 98 cho đến khi qua đời năm 117.
@by txiuqw4