sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Truy tìm Dracula - Chương 69 phần 2

“Khi đọc xong, Baba Yanka còn giải thích thêm một vài điểm với Ranov, vẫn cười rạng rỡ và lắc lắc một ngón tay về phía gã. Cha có cảm giác bà sẵn sàng đét vào đít và bắt gã nhịn đói đi ngủ nếu gã làm điều gì bậy bạ trong nhà bà. ‘Hỏi bà ấy bài hát đó có từ bao giờ,’ Helen gợi ý cho Ranov, ‘và bà ấy học nó ở đâu.’

“Ranov dịch câu hỏi, và Baba Yanka bật ra một tràng cười, vừa xua xua tay vừa diễn tả điệu bộ gì đó bằng vai. Ranov nhăn răng ra cười. ‘Bà ấy nói nó cũng xưa như những ngọn núi, thậm chí cả bà cố bà ấy cũng không biết nó có từ bao giờ. Bà ấy đã học bài hát ấy từ bà cố, người đã sống đến chín mươi ba tuổi.’

“Kế tiếp, đến lượt Baba Yanka đặt câu hỏi cho chúng ta. Khi bà dán mắt nhìn chúng ta, cha mới nhận ra đó là đôi mắt đẹp tuyệt vời, hình quả hạnh đào đã dãi dầu nắng gió, màu vàng nâu, gần như màu hổ phách, và có vẻ sáng hơn nhờ ánh đỏ của chiếc khăn trùm đầu. Bà gật đầu, có vẻ như không tin khi cha nói chúng ta đến từ Mỹ.

“ ‘Amerika?’ Bà có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. ‘Chắc là bên kia núi chứ gì.’

“ ‘Bà ta là một bà già dốt nát,’ Ranov nói giọng như muốn đính chính. ‘Chính phủ đang nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn giáo dục ở vùng này. Việc đó hiện là một ưu tiên quan trọng.’

“Helen đã lấy ra một tờ giấy và lúc này cô đang cầm tay bà già. ‘Hỏi xem bà ấy có biết bài hát nào như thế này không - anh dịch ra cho bà ấy nhé. “Con rồng xuống thung lũng chúng ta. Đốt cháy mùa màng và bắt các thôn nữ.” ‘ Ranov dịch câu đó cho Baba Yanka, bà chăm chú lắng nghe một lúc, rồi đột nhiên gương mặt bà co rúm vì sợ hãi và khó chịu; bà thụt người lại trên chiếc ghế gỗ, hấp tấp làm dấu thánh. ‘Ne!’(1)_ bà dữ dằn kêu lên, rút tay ra khỏi tay Helen. ‘Ne, ne.’

“Ranov nhún vai. ‘Các bạn hiểu rồi đấy. Bà ta không biết.’

“ ‘Rõ ràng là bà ấy biết,’ cha khẽ nói. ‘Hỏi xem vì sao bà ấy sợ không dám nói với chúng tôi.’

“Lần này bà già trông có vẻ kiên quyết. ‘Bà ta không chịu nói về chuyện đó,’ Ranov nói.

“ ‘Nói là chúng tôi sẽ có hậu tạ.’ Lông mày Ranov lại nhướng lên, nhưng gã vẫn chuyển lại lời đề nghị tới bà Yanka. ‘Bà ấy nói chúng ta phải đóng cửa lại.’ Gã đứng dậy và lặng lẽ đóng các cánh cửa chính cũng như cửa chớp lại, ngăn cách chúng ta với đám khán giả ngoài đường. ‘Bây giờ bà ấy sẽ hát.’

“Không thể tin nổi có sự tương phản nhiều đến thế giữa lần hát thứ nhất của Baba Yanka với lần hát bài này. Bà như co sụm lại trên ghế, mắt nhìn nền nhà. Nụ cười tươi tắn đã biến mất, đôi mắt màu hổ phách dán chặt vào chân chúng ta. Giai điệu vang lên từ bà chắc chắn là một giai điệu sầu bi, mặc dù cha nhận ra câu cuối cùng kết thúc bằng một âm điệu thách thức, ngạo nghễ. Ranov thận trọng dịch lại. Cha lại băn khoăn vì sao gã tận tình giúp đỡ chúng ta như vậy?

Con rồng xuống thung lũng chúng ta.

Đốt cháy mùa màng rồi bắt các thôn nữ.

Làm kinh sợ bọn Thổ vô đạo và bảo vệ làng mạc.

Chúng ta băng qua những dòng sông đã khô cạn vì hơi thở của Rồng.

Giờ là lúc chúng ta phải tự bảo vệ chính mình.

Con rồng là người bảo vệ chúng ta,

Nhưng giờ đây chúng ta phải tự vệ chống lại nó.

“ ‘Chà,’ Ranov thốt lên. ‘Đó là thứ các bạn muốn nghe sao?’

“ ‘Đúng vậy,’ Helen vỗ vỗ lên tay Baba Yanka và bà lão bật ra một tiếng nghe như la mắng. ‘Hỏi xem bài hát này xuất xứ từ đâu và vì sao bà ấy lại sợ nó,’ Helen yêu cầu.

“Phải mất một lúc khá lâu Ranov mới sắp xếp xong những lời giống như trách mắng của Baba Yanka. ‘Bà ấy đã lén học bài hát này từ bà cố, và được bà này căn dặn là đừng bao giờ hát nó vào ban đêm. Đó là một bài hát mang lại xui rủi. Nghe như là bài hát may mắn nhưng thực ra là bất hạnh. Ở đây, người ta chỉ hát bài hát đó vào ngày Thánh George. Đó là ngày duy nhất mà người ta có thể hát nó một cách yên lành, không sợ vận rủi. Bà ấy hy vọng các bạn không làm cho con bò sữa của bà chết, hoặc những việc tệ hại hơn nữa, khi bắt bà ấy hát như vậy.’

“Helen mỉm cười. ‘Hãy nói với bà ấy là tôi sẽ đền ơn bằng một món quà có khả năng xua đi tất cả vận rủi và mang lại vận may.’ Helen mở bàn tay chai sạn của Baba Yanka ra và đặt vào đó một mặt dây chuyền bạc. ‘Cái này là của một người đàn ông thông thái và mộ đạo, ông ấy gửi nó đến để bảo vệ bà. Nó có hình của Thánh Ivan Rilski, một vị thánh vĩ đại của người Bungari.’ Cha nhận ra đó chắc hẳn là cái vật nhỏ bé mà Stoichev đã bỏ vào tay Helen. Baba Yanka nhìn ngắm, lật đi lật lại hình mặt dây chuyền một lúc lâu trong lòng bàn tay thô ráp, rồi đưa nó lên môi hôn. Bà nhét nó vào một ngăn bí mật nào đó trong chiếc tạp dề. ‘Blagodarya(2),’_ bà nói. Bà cũng hôn lên tay Helen, rồi ngồi mơn trớn tay cô tựa như vừa tìm lại được đứa con gái thất lạc đã lâu. Helen lại quay qua Ranov. ‘Làm ơn hỏi xem bà ấy có biết bài hát có ý nghĩa gì, nó xuất xứ từ đâu. Và tại sao người ta hát nó vào ngày Thánh George?’

“Baba Yanka nhún vai khi nghe câu hỏi. ‘Bài hát đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Đó chỉ là một bài hát cổ mang lại vận rủi. Bà cố tôi bảo rằng một số người tin nó xuất phát từ một tu viện. Nhưng không thể như vậy được, vì các tu sĩ đâu có hát những bài hát như vậy - họ hát những bài ngợi ca Thượng đế. Chúng tôi chỉ hát bài này vào ngày Thánh George để mời Thánh George đến tiêu diệt con rồng, chấm dứt sự tra tấn người dân của con rồng.’

“ ‘Tu viện nào?’ cha kêu lên. ‘Hỏi xem bà ấy có biết một tu viện tên là Sveti Georgi không, một tu viện đã biến mất từ lâu.’

“Nhưng Baba Yanka chỉ gật đầu - ý là không biết - và tắc lưỡi. ‘Ở đây chẳng có tu viện nào cả. Tu viện nằm ở Bachkovo kia. Chúng tôi chỉ có nhà thờ, chiều nay chị em tôi sẽ hát ở đó.’

“Cha rên lên và năn nỉ Ranov cố gắng một lần nữa. Lần này, chính gã cũng phải tắc lưỡi. ‘Bà ta nói chẳng biết tu viện nào. Ở đây chưa bao giờ có một tu viện nào cả.’

“ ‘Ngày Thánh George là ngày nào?’ cha hỏi.

“ ‘Ngày sáu tháng Năm.’ Ranov nhìn cha chằm chằm đến mức khó chịu. ‘Anh đã lỡ dịp đó mấy tuần rồi.’

“Cha lặng thinh, nhưng trong lúc đó Baba Yanka lại vui vẻ trở lại. Bà bắt tay chúng ta, hôn Helen và bắt chúng ta hứa chiều hôm đó sẽ đến nghe bà hát - ‘Có chị tôi thì nghe hay hơn. Chị ấy hát bè.’

“Chúng ta hứa sẽ có mặt ở đó. Bà kiên quyết mời chúng ta ăn bữa trưa mà bà đã chuẩn bị lúc chúng ta đến; có khoai tây và một thứ cháo gì đó, và lại là sữa cừu, cái món mà cha nghĩ mình chỉ có thể quen được nếu ở đây vài tháng.

“Trong bữa ăn, chúng ta tỏ ra hết sức biết ơn và hết lời khen ngợi tài nấu nướng của bà, cho đến lúc Ranov lên tiếng bảo chúng ta nên quay trở lại nhà thờ nếu muốn xem mở đầu buổi lễ. Baba Yanka miễn cưỡng chia tay, siết chặt tay chúng ta và vỗ vỗ lên má Helen.

“Dù vẫn còn vài khúc cây cháy trên đỉnh đống than, ngọn lửa bên cạnh nhà thờ hầu như đã tàn, trông nhợt nhạt trong nắng chiều rực rỡ. Dân làng đã bắt đầu tụ tập gần nhà thờ, thậm chí trước cả lúc chuông bắt đầu gióng lên. Tiếng chuông ngân vang từ trên đỉnh tháp đá nhỏ, và vị cha xứ trẻ xuất hiện ở cửa nhà thờ. Lúc này ông mặc áo choàng thêu không tay phủ lên áo chùng màu đỏ và vàng chóe, mũ trùm khăn choàng đen. Ông giữ cái lư hương nghi ngút đang treo trên một sợi xích vàng, rồi đẩy cái lư theo ba hướng ngoài cửa nhà thờ.

“Đám đông tụ tập ở đó - cánh phụ nữ ăn mặc giống Baba Yanka, váy áo sọc và hoa, hoặc đen từ đầu đến chân, cánh đàn ông mặc vest len nâu, sơ mi trắng thắt nơ con bướm hoặc cài nút đến tận cổ - dạt lui về phía sau khi vị cha xứ xuất hiện. Ông bước ra đứng giữa đám con chiên, làm dấu thánh ban phước lành cho họ, và một số người cúi đầu hoặc gập người chào ông. Đi sau ông là một ông lão, mặc toàn một màu đen như một tu sĩ, cha nghĩ đó là người phụ lễ của cha xứ. Ông ta cầm một ảnh thánh phủ tấm lụa màu tím. Cha liếc nhanh bức ảnh - một gương mặt tai tái, khắc nghiệt, đôi mắt đen thẫm. Chắc hẳn đó là Thánh Petko, cha nghĩ. Dân làng yên lặng lũ lượt theo sau bức ảnh đi quanh rìa nhà thờ, nhiều người phải chống gậy hoặc tựa vào tay những người trẻ tuổi hơn. Baba Yanka tìm thấy chúng ta và hãnh diện quàng tay cha tựa như để khoe với xóm giềng mối quan hệ mật thiết mà bà có được. Mọi người nhìn chúng ta chằm chằm; cha chợt nghĩ mình cũng thu hút sự chú ý của mọi người đâu thua kém gì bức ảnh Thánh Petko.

“Hai ông thầy tu dẫn chúng ta đi quanh nhà thờ trong yên lặng, từ hông bên kia của nhà thờ chúng ta có thể nhìn thấy đống lửa cách đó không xa và ngửi được mùi khói bốc lên từ đó. Lửa đang tàn dần, những cành cây khúc gỗ cuối cùng đã chuyển sang màu cam, tất cả nằm trên một đống than. Chúng ta diễu hành ba vòng quanh nhà thờ, rồi vị cha xứ dừng lại ở cửa vòm và bắt đầu cầu kinh. Thỉnh thoảng, người phụ lễ lớn tuổi phụ họa, và đám đông đôi khi cũng rì rầm đáp lại, làm dấu thánh hoặc cúi đầu xuống. Baba Yanka đã bỏ tay cha ra nhưng vẫn đứng cạnh chúng ta. Cha thấy Helen đang quan sát mọi thứ với vẻ quan tâm sâu sắc, và Ranov cũng vậy.

“Kết thúc phần nghi lễ ngoài trời, chúng ta theo đám đông vào nhà thờ, từ ánh sáng chan hòa rực rỡ của cánh đồng và khu rừng thưa bước vào, nhà thờ bỗng tối âm u như một nấm mồ. Đây là một nhà thờ nhỏ nhưng nội thất bên trong đạt đến độ tinh tế mà những nhà thờ lớn hơn chúng ta từng thấy không thể bì kịp. Vị cha xứ trẻ đặt bức ảnh Thánh Petko vào một vị trí trang trọng gần phía trước, trên một cái bục chạm khắc cầu kỳ. Cha để ý thấy Sư huynh Ivan đang cúi đầu trước bệ thờ. Như thường lệ, chẳng có ghế ngồi; mọi người hoặc đứng, hoặc quỳ trên nền đá lạnh, một vài bà lão nằm úp mặt xuống đất ngay chính giữa nhà thờ. Tường hai bên có các hốc lõm được trang trí bích họa hoặc để đặt ảnh thánh, một trong các hốc đó mở ra một lối đi tối om, cha nghĩ chắc hẳn đó là lối dẫn xuống hầm mộ. Thật dễ dàng hình dung bao thế hệ nông dân đã từng hành lễ nơi đây, trong một nhà thờ cổ hơn từng tọa lạc nơi đây trước nhà thờ này.

“Tiếng cầu kinh rồi cũng ngưng lại sau một hồi dài tưởng chừng như vô tận. Mọi người lại một lần nữa cúi đầu chào và bắt đầu lũ lượt kéo ra khỏi nhà thờ, một số dừng lại nơi này nơi kia để hôn lên các ảnh thánh hoặc thắp nến và cắm vào các giá đèn gần lối vào. Chuông nhà thờ bắt đầu ngân vang, chúng ta lại theo chân dân làng bước ra ngoài, nơi mặt trời, những cơn gió hiu hiu cùng những cánh đồng rực rỡ bất chợt vỡ òa trước mắt. Người ta đã bày sẵn một cái bàn dài dưới những tàng cây, đám phụ nữ bày biện chén đĩa và rót từ các bình sứ ra một thứ nước gì đó. Rồi cha nhìn thấy hố lửa thứ hai, ở cạnh bên này của nhà thờ, một hố lửa nhỏ, một con cừu bị xiên ngang bên trên. Hai người đàn ông chậm rãi quay đều con cừu, mùi thơm tỏa ra bất giác làm cha ứa nước miếng. Baba Yanka đích thân lấy thức ăn đầy đĩa cho chúng ta rồi đưa chúng ta đến ngồi xa đám đông, chỗ có trải tấm khăn. Ở đó, chúng ta gặp chị của Baba Yanka, trông giống hệt bà, chỉ có điều cao gầy hơn, và tất cả đều ních đầy bụng vì thức ăn quá tuyệt. Ngay cả Ranov, ngồi xếp bằng cẩn thận trên tấm khăn dệt trong bộ vest dân thị thành, có vẻ như cũng rất hài lòng. Những dân làng khác ghé ngang qua chào chúng ta và hỏi lúc nào chị em Baba Yanka mới chịu hát, một sự săn đón mà cả hai chị em xua tay gạt đi với vẻ trịch thượng của các ngôi sao kịch nghệ.

“Khi con cừu đã được tiêu thụ sạch sẽ, cánh phụ nữ lo dọn dẹp đống ly đĩa vào một xô gỗ; cha chú ý thấy ba người đàn ông mang nhạc cụ ra và đang chuẩn bị cho buổi hòa nhạc. Một trong ba người sử dụng một loại nhạc cụ kỳ dị nhất mà cha từng thấy - một cái túi da thuộc màu trắng, với các ống tiêu gỗ nhô lên. Rõ ràng đó là một loại kèn túi, Ranov cho chúng ta biết đó là gaida - một loại nhạc cụ cổ truyền của người Bungari, làm bằng da dê. Ông già ôm thứ nhạc cụ đó trong tay đang phùng má thổi dần nó thành một quả cầu lớn; quá trình này phải mất mười phút và mặt ông ta đỏ bừng lên trước khi hoàn tất. Ông ta kẹp chặt cái túi dưới tay rồi thổi từng hơi ngắn vào một trong các ống tiêu, và mọi người hò reo và vỗ tay hoan hô. Tiếng kèn chẳng khác gì tiếng kêu của một con thú, giống tiếng be be của dê cừu, tiếng rít rền rĩ hay tiếng quang quác ai oán của một loài chim, làm Helen bật cười, ‘Anh biết không,’ cô nói với cha, ‘’kèn túi hiện diện trong mọi nền văn hóa chăn nuôi trên thế giới.’

“Rồi ông lão bắt đầu trỗi nhạc, một lát sau hai người bạn bắt nhịp hòa theo, một người sử dụng sáo gỗ dài, âm thanh như một dải ruy băng mềm mại xoáy cuộn xung quanh chúng ta, người còn lại chơi một loại trống da mềm với cây dùi bịt đầu. Vài phụ nữ đứng bật dậy và xếp thành hàng, một người đàn ông cầm chiếc khăn tay trắng, như chúng ta đã chứng kiến tại nhà Stoichev, dẫn đầu đoàn rồng rắn, nhảy múa quanh bãi cỏ. Những người quá già và quá ốm yếu không thể tham gia nhảy múa chỉ ngồi vỗ nhịp xuống đất, hoặc gõ gõ các cây gậy chống, hoặc cười toe toét khoe những hàm răng khủng khiếp và nướu răng trống trơn.

“Chị em Baba Yanka vẫn ngồi yên tại chỗ, tựa như thời điểm của họ chưa đến. Họ đợi cho đến lúc người thổi sáo lên tiếng gọi, ra dấu và mỉm cười, và rồi đám khán giả cũng tham gia kêu gọi, lúc đó cả hai chị em mới vờ như có chút miễn cưỡng, rồi rốt cuộc họ cũng đứng dậy, tay trong tay bước đi, đứng cạnh các nhạc công. Mọi người bỗng yên lặng, và chiếc kèn gaida trỗi một khúc dạo đầu ngắn. Hai bà già bắt đầu hát, tay người này ôm vòng lấy hông người kia, và tiếng hát của họ - một hòa âm khàn khàn đẹp đẽ làm xốn xang lòng người - như phát ra từ cùng một cơ thể. Tiếng gaida lớn dần hòa vào tiếng hát, để rồi nghe như có ba giọng, giọng hai người phụ nữ và giọng của một con dê, cùng cất lên và bao trùm lên chúng ta như tiếng than van của cõi trần gian này. Mắt Helen đột nhiên đẫm nước, một điều khác thường đến nỗi cha phải vòng tay ôm lấy cô ngay trước mặt mọi người.

“Sau khi hai người đã hát được năm hay sáu bài cùng tiếng hò reo tán thưởng, mọi người đứng cả dậy - cha không rõ là do đâu cho đến lúc nhìn thấy vị cha xứ tiến lại gần. Ông mang theo bức ảnh Thánh Petko, giờ đã được phủ một tấm nhung đỏ, đằng sau là hai cậu bé mặc áo chùng đen, mỗi cậu mang một bức ảnh thánh phủ kín dưới lớp lụa trắng. Đám rước này đi vòng qua hông bên kia nhà thờ, các nhạc công theo sau, trỗi lên một giai điệu nghe buồn rười rượi, rồi tất cả dừng lại giữa nhà thờ và đống lửa lớn. Lúc bấy giờ ngọn lửa đã hoàn toàn lụi hẳn; chỉ còn lại đống than rực một màu đỏ quỷ quái. Thỉnh thoảng, những làn khói mỏng bốc lên từ đống than tựa như có một cái gì đó đang sống, đang thở bên dưới. Vị cha xứ và các cậu bé phụ lễ đứng cạnh tường nhà thờ, ôm chặt những bức ảnh thánh phía trước.

“Cuối cùng, các nhạc công trỗi lên một giai điệu mới - cha nghe vừa sống động vừa buồn bã - và dân làng, từng người một, những người còn có thể nhảy múa hoặc ít ra còn bước đi nổi, xếp thành một hàng rồng rắn và chậm rãi bước quanh đống lửa. Khi đoàn rồng rắn đã khép thành vòng tròn phía trước nhà thờ, Baba Yanka và một phụ nữ khác - lần này không phải chị bà, mà là một phụ nữ thậm chí còn dạn dày mưa nắng hơn với đôi mắt mờ đục trông gần như mù hẳn - bước đến, cúi đầu trước vị cha xứ và các bức ảnh thánh. Họ cởi giày, vớ và đứng nghiêm trang cạnh bậc tam cấp nhà thờ, hôn lên gương mặt dễ sợ của Thánh Petko và nhận lễ ban phước lành từ cha xứ. Hai cậu bé phụ lễ kéo các tấm lụa phủ ra rồi trao cho mỗi bà một bức ảnh thánh. Tiếng nhạc trỗi lên cao hơn; ông lão chơi gaida đã nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ bừng, hai má phình ra.

“Tiếp theo, Baba Yanka và người phụ nữ có đôi mắt mờ đục kia nhảy múa tiến về phía trước, không lỡ một nhịp chân nào, và rồi, trong lúc cha lặng người theo dõi, họ tiến vào đống lửa, nhảy múa bằng đôi chân trần. Mỗi người giơ cao bức ảnh thánh của mình phía trước khi bước vào vòng lửa; cả hai ngẩng cao đầu, hãnh diện nhìn chăm chăm như đang nhìn vào một thế giới khác. Helen siết chặt tay cha đến độ cha cảm thấy các ngón tay mình bắt đầu rêm nhức. Chân hai người phụ nữ đều đặn nâng lên rồi hạ xuống trong đống than hồng làm tóe lên các tia lửa đỏ; có lúc cha thấy lửa đã bắt vào viền chiếc váy sọc của Baba Yanka. Họ nhảy qua đống than đỏ theo nhịp điệu huyền bí của trống và kèn túi, mỗi người theo một hướng khác nhau bên trong vòng lửa.

“Cha không kịp nhìn thấy các bức ảnh thánh khi họ tiến vào vòng lửa, nhưng lúc này cha đã nhận ra bức ảnh trong tay người phụ nữ mù, đó là Đức Mẹ Đồng Trinh, với Chúa Hài Đồng đặt trên gối, đầu nghiêng nghiêng dưới chiếc vương miện nặng nề. Cha không nhìn thấy bức ảnh Baba Yanka mang cho đến lúc bà đảo lại một vòng. Gương mặt Baba Yanka khiến ta sửng sốt, mắt bà trợn trừng, miệng há to, làn da dạn dày mưa nắng đỏ bừng lên dưới sức nóng khủng khiếp. Bức ảnh thánh trong tay bà chắc hẳn rất cổ, giống như bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh kia, nhưng qua những vết ám khói trên bức ảnh và làn hơi nóng chập chờn cha có thể nhận ra khá rõ một hình ảnh: hai nhân vật đang mặt đối mặt trong một vũ điệu của riêng mình, hai sinh vật gây ấn tượng sâu sắc và đáng kinh sợ như nhau. Một là hiệp sĩ mặc bộ giáp trụ và khoác áo choàng đỏ, một là con rồng với chiếc đuôi dài, cuộn tròn.”

Chú thích:

1. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "không!"

2. Tiếng Bungari trong nguyên bản, nghĩa là "cám ơn"


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx