Năm 201 trước công nguyên, Lưu Bang lập nên vương triều Tây Hán, tức Hán Cao Tổ, rồi đón vợ là Lã Trĩ đến Tràng An lập làm Hoàng hậu. Lã hậu là một người cương nghị và giàu mưu lược, từ khi còn ở Phong Bái đã giúp Hán Cao Tổ đánh dẹp thiên hạ, lập chiến công hiển hách trong việc thiết lập giang sơn của Lưu Thị, bà còn nhiều lần bày mưu kế cho Hán Cao Tổ chu diệt các đại thần có công, bình định các cuộc phiến loạn của vua chư hầu, trừ được mối hiểm họa cho thiện hạ của nhà họ Lưu.
Lưu Doanh con của Lã Hậu tuy là con trai thứ, nhưng đã được Lưu Bang lúc xưng đế lập làm Thái Tử. Lưu Doanh là người khoan hậu, lương thiện, nhưng tính nết lại rất nhu nhược. Bấy giờ Lưu Bang sủng ái Thích phu nhân, nhà vua đã mấy lần muốn phế bỏ Lưu Doanh, để lập Triệu vương Lưu Như Ý là con trai của Thích phu nhân làm Thái Tử, nhưng bị Lã Hậu và các đại thần nhiều lần khuyên can, nên đành phải gác lại.
Năm Lưu Doanh lên ngôi vua mới chỉ có 17 tuổi, vẫn còn là một thiếu niên lại nhu nhược bất tài, nên đại quyền thiên hạ của nhà Hán đều do Hoàng thái hậu Lã Trĩ nắm giữ, lịch sử TQ kể từ đó bắt đầu tiến vào thời đại Lã hậu.
Lã hậu nham hiểm và độc ác, sau khi Huệ đế lên ngôi, bà liền lập tức hà hiếp kẻ tình địch của mình, là hai mẹ con Thích phu nhân và Lưu Như Ý. Năm 194 trước công nguyên, bà triệu Lưu Như Ý vào kinh rồi toan ám hại. Huệ đế biết được việc này, bèn tự mình đón Lưu Như Ý vào cung, rồi hai anh em cùng ăn cùng ngủ để che chở cho Lưu Như Ý. Vào một buổi sáng, khi Huệ đế chuẩn bị ra ngoài tập bắn cung, thấy Lưu Như Ý vẫn còn đang ngủ say thì không tiện gọi cùng đi, nhưng khi trở về thì thấy Lưu Như Ý bị trúng độc nằm chết trên giường.
Ít lâu sau, Lã hậu lại cho chặt hết chân tay của Thích phu nhân, khoét mắt, hun điếc tai, bắt uống thuốc cấm họng, đem quăng vào chuồng lợn gọi là "Nhân Phệ", tức người lợn, rồi bảo Huệ đế đến xem. Huệ đế vừa nhìn thì nhận ra Thích phu nhân, lòng dạ vô cùng kinh hoàng, đau đớn than khóc, về sau bị bệnh nặng nằm liệt giường đến hơn một năm trời. Nhà vua sai người đến nói với Lã hậu rằng: "Đây không phải việc người làm, thần là con trai của Thái hậu, không thể nào trị được thiên hạ", rồi từ đó suốt ngày chỉ uống rượu vui chơi, không hỏi han đến chính sự, toàn bộ quyền lớn nhà nước đều giao cho mẫu hậu. Lưu Doanh làm vua bù nhìn được 7 năm, đến tháng 8 năm 188 trước công nguyên thì lâm bệnh mất tại cung Vị Ương Tràng An, bấy giờ mới chỉ 24 tuổi.
Sau khi Huệ đế mất, Lã hậu bèn lập Thái tử Lưu Cung lên làm vua, gọi là "Thiếu Đế". Còn Lã hậu với danh nghĩa Thái Hoàng Thái Hậu đã chính thức can dự vào việc triều chính, công khai thi hành mọi quyền lực của nhà vua.
Nhưng Lã hậu lúc nàykhông còn như trước nữa, tư tưởng đã có sự biến đổi to lớn, bà tự mình thao túng quyền hành nhà nước còn cảm thấy chưa đủ, mà còn muốn thay đổi thiên hạ của họ Lưu thành thiên hạ của họ Lã. Năm 187 trước công nguyên, Lã hậu đề nghị các đại thần chia phong cho các anh em nhà mình làm Vương, các đại thần chẳng còn cách nào khác đành phải nhận lời. Do đó, các tử đệ cùa dòng họ Lã là Lã Đài, Lã Sản, Lã Lộc v v, đều được phong Vương. Sau đó, Lã hậu còn ra lệnh cho Lã Đài và Lã Sản phân chia thống lĩnh Nam quân và Bắc quân, nắm giữ quân quyền ở kinh sư, bà còn kiếm cớ sát hại hai người con trai của Lưu Bang là Triệu vương Lưu Hữu và Lương vương Lưu Khôi, ra sức bài xích thế lực họ Lưu, đồng thời bà còn đem nhiều phụ nữ dòng họ Lã gả cho các vương hầu họ Lưu, để chế ngự thế lực của dòng họ này.
Năm 184 trước công nguyên, vua bù nhìn Lưu Cung lên ngôi được 4 năm, khi được biết mình không phải là con đẻ của Trương hoàng hậu, mà mẹ đẻ của mình đã bị Thái hậu giết chết thì trong lòng vô cùng đau đớn, thề sau này khôn lớn nhất định sẽ báo thù cho mẹ, lời nói này chẳng may đến tai Lã hậu, bà sợ sau này sinh biến, liền cấm cố Lưu Cung rồi ít lâu sau thì sát hại. Lã hậu lại lập con của Huệ đế là Thường Sơn vương Lưu Nghĩa lên làm vua, đổi gọi là Lưu Hoằng, đây lại là một ông vua con nữa trong lịch sử, mọi quyền hành lớn của vương triều nhà Hán vẫn nằm gọn trong tay Lã hậu.
Lã hậu nắm quyền triều chính trong 16 năm trời, cho mãi tới khi tạ thế vào năm 180 trước công nguyên mới chấm dứt.
Trước khi qua đời, bà đã phong cháu là Lã Sản làm tướng quốc, Lã Lộc làm thượng tướng, con gái của Lã Lộc được phong làm Hoàng hậu. Dù vậy, thế lực của họ Lưu vẫn rất lớn mạnh, thừa tướng Trần Bình và thái úy Chu Bột đã ngấm ngầm liên hệ với họ Lưu, khởi binh thảo phạt họ Lã, giết chết Lã Sản, Lã Lộc, thiếu đế Lưu Hoằng, cùng con cái của Huệ đế, rồi lập Lưu Hằng lên làm vua, khôi phục ách thống trị của dòng họ Lưu, thời đại Lã hậu đến đây chấm dứt.
@by txiuqw4