Sau khi Tần Vương Chính giết chết Kinh Kha thích khách của nước Yến, trong lòng vô cùng bực tức, bèn tăng quân cho cha con Vương Tiễn, ra lệnh phải gấp rút tấn công nước Yến, Thái tử Đan dẫn quân ra chống cự, nhưng đâu phải đối thủ của quân Tần, quân Tần nhanh chóng đánh chiếm được Kế Thành thủ đô nước Yến, vua nước Yến và Thái tử Đan buộc phải chạy trốn sang Liêu Đông, Tần Vương Chính chỉ huy quân bám đuổi theo, vua Yến chẳng còn cách nào khác, đành phải giết chết Thái tử Đan để chuộc tội và cầu hòa với nước Tần.
Tần Vương Chính hỏi mưu sĩ Liêu Úy nên giải quyết ra sao thì Liêu Úy trả lời rằng: "Nay hai nước Hàn Ngụy đã bị thôn tính, vua nước Yến chạy trốn sang Liêu Đông cũng đã cùng đường bí lối, nay trời đã trở lạnh, chi bằng đem quân đánh xuống miền nam để thu phục hai nước Ngụy và Sở ".
Tần Vương Chính nghe theo, bèn lệnh cho Vương Quý dẫn 100 nghìn đại quân tiến xuống miền nam tấn công nước Ngụy, quân Ngụy chống đỡ không nổi phải lui về cố thủ ở Đại Lương, rồi cầu cứu với nước Tề, nhưng Vua Tề không chịu sang cứu, thủ đô nước Ngụy bị quân Tần khơi nước sông Hoàng Hà vào làm ngập lụt, vua Ngụy bị bắt sống và nước Ngụy từ đó bị diệt vong.
Năm sau, nước Tần lại chuẩn bị tấn công nước Sở, Tần Vương Chính mới hỏi đại tướng Lý Tín đánh Sở phải dùng bao nhiêu binh mã, Lý Tín trả lời là 200 nghìn, nhà vua lại quay sang hỏi lão tướng Vương Tiễn, thì Vương Tiễn đáp rằng: "Sở là một nước lớn đất rộng người đông, theo ý thần thì phải là 600 nghìn quân mới đủ". Tần Vương Chính nghe vậy nghĩ bụng: "Vương Tiễn đã cao tuổi rồi nên nhát gan, thêm vào đó hai cha con ông ta đang nắm binh quyền, sau này nhỡ xảy ra việc gì thì sao?". Do đó, nhà vua quyết định cử Lý Tín và Mông Điềm dẫn 200 nghìn quân tiến đánh nước Sở. Vương Tiễn thấy nhà vua không tin ở mình, bèn yêu cầu cáo lão hoàn hương, Tần Vương Chính cũng nhân đà này liền nhận lời thỉnh cầu của ông.
Khi vua Sở được tin quân Tần tiến đánh, vội vàng cử đại tướng Hạng Yến thống lĩnh 200 nghìn quân ra chống cự, quân Sở do thông thuộc địa hình, đã chia quân làm 7 đường mai phục tại những nơi hiểm yếu, do quân Tần suốt ngày đêm hành quân vất vả, lại bị mai phục đánh bất ngờ, nên bị tổn thất nặng nề, buộc phải rút quân về. Bấy giơ vua Tần mới biết ý kiến của Vương Tiễn rất đúng đắn, nhà vua liền cách chức Lý Tín, rồi cho người đi mời Vương Tiễn về triều, trao cho 600 nghìn quân lại lần nữa tấn công nước Sở, Vương Tiễn dùng chiến thuật đánh chắc tiến chắc, từng bước lấn tới chiếm được núi Trung Sơn rồi chốt giữ ở đó, mặc cho quân Sở nhiều phen đến thách đánh nhưng vẫn đóng chặt cửa trại không ra, hai bên cứ cầm cự nhau được hơn một năm. Hạng Yến lầm tưởng Vương Tiễn là một ông già nhút nhát, nên đã lơ là việc canh phòng. Nhưng chính vào lúc này, 600 nghìn quân mã nước Tần được nghỉ ngơi dưỡng sức, đột nhiên như nước vỡ bờ tràn sang trận tuyến quân Sở, quân Sở trở tay không kịp, chỉ chống đỡ rời rạc được một lúc, rồi toàn tuyến phòng ngự bị phá vỡ. Quân Tần thừa thắng đuổi một mạch đến chiếm được Thọ Xuân, bắt sống được vua Sở. Vương Tiễn lại ra lệnh cho quân sĩ đóng thuyền vượt qua sông Trường Giang truy kích tàn quân Sở, tướng Sở Hạng Yến thấy nước Sở đã hoàn toàn thất bại liền rút kiếm tự sát. Vương Tiễn lại ra lệnh cho con là Vương Quý dẫn quân lên miền bắc, tiêu diệt được nước Yến và thế lực tàn dư của nước Triệu, đến lúc này 6 nước Sơn Đông chỉ còn lại mỗi nước Tề mà thôi.
Vua nước Tề xưa nay không dám đắc tội với nước Tần, có việc gì xảy ra nếu không liên quan tới mình, thì đều giả câm giả điếc, từ chối cử binh sang giúp các nước, vì ông cho rằng nước Tần ở cách xa nước Tề, mình cứ an phận thủ thường là được rồi, nhưng đến khi nhà vua nhìn thấy 5 nước kia lần lượt bị nước Tần thôn tính, mới vội vàng cử quân ra canh phòng ở biên giới thì đã quá muộn.
Năm 221 trước công nguyên,Vương Quý dẫn 100 nghìn đại quân đánh vào nước Tề, nước Tề thân cô thế cô, không nơi nào chịu đến cứu, nên mấy ngày sau quân Tần chiếm được Lâm Truy, bắt sống được vua Tề. Quân Tần thi hành chiến lược cận công viễn giao và liên hoành v v, nên đã hóa giải được khối liên hợp của 6 nước Sơn Đông, chỉ trong 10 năm đã tiêu diệt gọn 6 nước và thống nhất Trung Nguyên.
Sau khi thống nhất được Trung Nguyên, nhằm tăng cường sự thống trị của trung ương, Tần Thủy Hoàng đã lập ra một loạt chế độ chuyên chế phong kiến; Thống nhất tiền tệ và đơn vị đo lường; Xây dựng Trường Thành, và trở thành tượng trưng trong lịch sử lâu đời của dân tộc Trung Hoa, là người có đóng góp trong việc làm ổn định khu vực Trung Nguyên, đảm bảo sản xuất và đời sống của nhân dân vùng Trung Nguyên. Nhưng mặt khác, Tần Thủy Hoàng cũng rất hao công tốn của trong việc xây dựng; Thi hành chế độ binh dịch rất hà khắc; Đốt sách và chôn sống các nhà nho v v, khiến quần chúng nhân dân vô cùng căm phẫn, nên sau khi ông mất đã nổ ra cuộc khởi nghĩa rầm rộ của nông dân, lật đổ ách thống trị tàn bạo của triều nhà Tần.
@by txiuqw4