Nước Tần trải qua cuộc biến pháp của Thương Ương, ngày càng trở nên lớn mạnh, nên bắt đầu từ thời Tần Hiếu Công, vua các triều đại đều nảy sinh tham vọng nhất thống thiên hạ, không ngừng xuất binh đánh chiếm sáu nước Tề, Sở, Triệu, Ngụy, Hàn và Yến. Các nước này đều khiếp đảm trước sự lớn mạnh của nước Tần, họ đã liên hợp lại để cùng chống đỡ nước Tần, mà lịch sử gọi là "Hợp tung".
Nước Tần muốn thống nhất thiên hạ, thì tất phải làm tan dã sự liên hợp của các nước, một số chính khách đã giúp nước Tần đi các nơi du thuyết, khuyên họ thân cận với nước Tần, không liên minh với nước khác, mà lịch sử gọi là "Liên hoành"
Bấy giờ, người đề xướng "Liên hoành" là Trương Nghi người nước Ngụy. Ông thời còn nhỏ gia đình nghèo khó, nhưng lại rất chăm chỉ học hành, nên thông cổ chí kim, học thức uyên bác. Thời còn trẻ ông từng đến xin làm quan ở nước Sở nhưng không toại nguyện, sau được một lệnh doãn nước Sở thu nhận làm môn khách. Một hôm, trong nhà lệnh doãn bị mất cắp một miếng ngọc quý, họ đều đổ vạ cho Trương Nghi, rồi trói ông lại đánh cho một trận thập tử nhất sinh. Khi về đến nhà, người vợ thấy chồng mình đầy thương tích liền nghẹn ngào nói: "Ông hàng ngày ra đi học hành để mưu làm quan, nay bị oan ức thế này thì chi bằng ở nhà còn tốt hơn". Trương Nghi hỏi vợ rằng: "Mình hãy nhìn xem lưỡi của tôi có còn không?". Người vợ đáp là lưỡi vẫn còn. Trương Nghi lại nói: "Chỉ cần có lưỡi thì tất có ngày ăn nên làm ra".
Bấy giờ, Tô Tần bạn của Trương Nghi đang đi 6 nước du thuyết về việc "Hợp Tung", ông được phong ấn tể tướng 6 nước, rất là oai phong hiển hách. Trương Nghi biết vậy liền nghĩ bụng, bên Quan Đông đều đã tin nghe lời Tô Tần, duy chỉ có nước Tần ở phía tây thì không, tức thì ông bèn lên đường sang nước Tần. Ông trình bày kế sách "Liên hoành thân Tần" của mình cho Tần Huệ Văn Vương nghe, nhà vua vô cùng mừng rỡ, liền phong Trương Nghi làm ái khanh, bắt đầu bày mưu tính kế cho nước Tần trinh phạt 6 nước.
Năm 314 trước công nguyên, nước Yến xảy ra nội loạn, nước Tề nhân dịp này tấn công và chiếm được nhiều đất đai của nước Yến, tức thì nước Tề trở nên lớn mạnh, do đó việc liên minh giữa Tề Sở là một điều rất bất lợi đối với nước Tần, vua Tần liền cử Trương Nghi sang đó tìm cách phá tan khối liên minh này. Sau khi đến nước Sở, Trương Nghi trước tiên dùng nhiều vàng bạc mua chuộc tên Lặc Thường ái khanh của Sở Hoài Vương, sau đó mới đến thuyết phục Sở Hoài Vương. Ông nói: "Nay vua Tần đặc biệt cử tôi sang đây giao hảo với quý quốc, đâu có biết Đại Vương đã liên minh với nước Tề rồi, nhưng nếu Đại Vương nghe theo ý kiến của tôi, mà cắt đứt mối giao hảo với nước Tề, thì nước Tần xin biếu cho Đại Vương 600 dặm đất ở vùng Thương Vu, vậy là nước Sở được lợi, không những tiêu giảm được thế lực của nước Tề, mà còn được nước Tần tin cậy, thì há chẳng phải một công đôi việc sao?". Sở Hoài Vương nghe xong rất phấn khởi. Còn các đại thần dưới sự lung lạc của Lặc Thường, cũng tới tấp tỏ ra tán thành, tuy chỉ có đại thần Trần Chẩn là phản đối và nói rằng: "Nước Tần làm sao lại vô cớ tặng cho ta 600 dặm đất, đây cũng là vì sự liên minh giữa Sở và Tề, nếu bệ hạ cắt đứt bang giao với nước Tề, nước Tần mà không đến ức hiếp nước Sở mới là lạ. Hoặc giả nước Tần thực lòng muốn dâng cho ta 600 dặn đất, thì bệ hạ hãy cho người đi nhận đất trước, sau đó mới cắt đứt mối bang giao với nước Tề cũng chẳng muộn". Sở Hoài Vương nghe theo, liền cử người theo Trương Nghi sang nước Tần nhận đất.
Nhưng nào ngờ sau khi đến nước Tần, Trương Nghi bị ngã ngựa gẫy chân, nằm nghỉ ở nhà đến ba tháng trời không lên triều. Cùng lúc đó, Tề Tuyên Vương nghe nói nước Sở cắt đứt mối bang giao thì vô cùng bực tức, liền cử sứ thần đến gặp Tần Huệ Văn Vương, hẹn cùng nhau tấn công nước Sở. Sau khi hai nước Tần Tề liên hoàng, Trương Nghi mới lên triều nói với sứ thần nước Sở rằng: "Tôi thực có lỗi, phải chăng Sở Hoài Vương đã nghe nhầm, đất đai của nước Tần, làm sao lại có thể dâng cho người khác một cách dễ dàng như vậy? Tôi nói ở đây là 6 dặm, chứ có phải 600 dặm đâu". Sứ thần nước Sở đáp rằng: "Đại Vương chúng tôi nghe rõ mồn một là 600 dặm, chứ đâu phải 6 dặm". Bấy giờ, Trương Nghi chỉ giả câm giả điếc, không nói không rằng, sứ thần nước Sở bực tức ra về.
Sở Hoài Vương nghe sứ thần về nói lại thì nổi cơn lôi đình, bèn lập tức phát binh 100 nghìn quân tiến đánh nước Tần. Đại thần Trần Chẩn lại khuyên rằng: "Đánh Tần không bằng cắt đất cho Tần để phá hoại liên minh Tần Tề, rồi hẹn với Tần cùng tiến đánh nước Tề, như vậy có thể cướp lấy đất đai của nước Tề bù vào chỗ đất đai đã mất". Nhưng Sở Hoài Vương nào có chịu nghe theo, vẫn khăng khăng mở một trận kịch chiến với quân Tần ở Lam Điền, Tần Tề liên hợp với nhau cùng đánh cho quân Sở một trận thất bại thảm hại, 100 nghìn quân chỉ còn sống sót 30 nghìn, không những không thu được 600 dặm đất ở Thương Vu, ngược lại còn bị nước Tần lấn chiếm mất 600 dặm đất ở Hán Trung, buộc Sở Hoài Vương phải cầu hòa với nước Tần. Sau đó, Trương Nghi cũng dùng thủ đoạn này thuyết phục được các nước Tề, Triệu, Yến, Ngụy v v liên hoành với nước Tần, như vậy liên minh hợp tung 6 nước do Tô Tần kiến tạo nên đã bị Trương Nghi phá tan, đặt cơ sở vững chắc cho nước Tần tiến tới thống nhất TQ.
@by txiuqw4