sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Triệu Vũ Linh Vương, Hồ Phục, Kỵ Xạ

Sau khi tam phân nước Tấn, nước Triệu do Triệu Tương Tử dựng nên từng một thời trở nên lớn mạnh, sau đó lại dần dần suy thoái. Năm 325 trước công nguyên, Triệu Vũ Linh Vương lên nối ngôi, đây là một ông vua rất có hoài bão, ông đã hạ quyết tâm cải cách để nhà nước lại trở nên lớn mạnh.

Bấy giờ người Hồ vẫn thường xuyên xuất binh quấy nhiễu biên giới các nước, họ giỏi nghề cung ngựa, mặc áo ngắn, mỗi người một ngựa, trong trận mạc vận động rất linh hoạt. còn các tướng sĩ nước Triệu vẫn ăn mặc theo tập tục cũ nghìn năm, áo rộng ống tay dài, khi ra trận thì cưỡi chiến xa bánh gỗ do nhiều ngựa kéo, đã nặng lại chậm chạp, nên thường bị người Hồ đánh bại. Triệu Vũ Linh Vương đã thấy rõ điều này, nên đã hạ quyết tâm phải cải cách quân đội. Một hôm, nhà vua triệu tập các đại thần lại để thương nghị và nói rằng: "Nước ta phía bắc có nước Yến và Đông Hồ, phía tây có các nước chư hầu như Tần, Hàn v v, giữa còn có nước Trung Sơn. Nếu ta không cải cách cho nhà nước lớn mạnh lên, thì bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ mất nước, rõ ràng là trang phục của chúng ta không được gọn lắm, lao động và tác chiến đều rất bất tiện. Còn người Hồ thì sao? Họ mặc áo ngắn ống tay hẹp, chân đi ủng da rất nhanh tiện, nay ta muốn cải dùng Hồ phục, vậy các khanh nghĩ sao?". Đại thần Lâu Hoãn nghe xong rất tán thành và nói: "Chúng ta nên phỏng theo trang phục của người Hồ và học tập kỹ thuật tác chiến của họ". Triệu Vũ Linh Vương nói: "Phải lắm, chúng ta đánh trận toàn dựa vào đi bộ, nếu có dùng xe bằng ngựa kéo thì cũng rất nặng nhọc, chẳng linh hoạt chút nào, chúng ta phải học mặc trang phục người Hồ và kỹ thuật cưỡi ngựa bắn cung của họ". Triệu Vũ Linh Vương g đã hạ quyết tâm và tự mình dẫn đầu làm trước. Tức thì nhà vua liền cùng Lâu Hoãn đổi mặc trang phục người Hồ.

Nhưng không ngờ vua tôi vừa mặc xong bước lên điện, thì cả cung đình bỗng chốc rộ lên như nước lạnh đổ lên chảo mỡ sôi. Họ người thì nói "Vua Trung Nguyên đi mặc Hồ phục thì thật chẳng ra thể thống gì ", kẻ thì chê trách Lâu Hoãn đã không khuyên vua thì chớ, lại còn vạch đường cho hươu chạy. Chú vua là Công Tử Thành lại càng tức giận hơn ai hết, ông liền thác bệnh ở nhà không lên triều. Đại thần Phì Nghĩa thấy vậy mới khuyên vua rằng: "Nếu như thuyết phục được một người có ảnh hưởng lớn trong triều như Công Tử Thành, thì các đại thần khác cũng phải chịu nghe theo". Triệu Vũ Linh Vương gật đầu nói: "Phải lắm, nên bắt đầu từ ông chú này, trẫm tin rằng ông ta nhất định sẽ chiếu cố đến đại cục".

Hôm đó, Công Tử Thành đang bực bội ở nhà thì bỗng nghe có Triệu Vũ Linh Vương đến thăm, Công Tử Thành thấy nhà vua vẫn mặc Hồ phục bèn lạnh lùng nói: "Nhà tôi nghênh đón vua Hoa Hạ, chứ không tiếp bọn Di Cảnh, mời ông hãy ra thay quần áo đã rồi tôi xin bái ân ". Triệu Vũ Linh Vương biến sắc mặt nói: "Ở nhà nghe lời bề trên, trong nước phải phục tùng nhà vua, những lễ phép này chẳng lẽ chú cũng không hiểu, là vua của một nước, trẫm kêu gọi cả nước mặc Hồ phục, chú là một nguyên lão trong triều, cớ sao lại dẫn đầu phản đối?"

Công Tử Thành vẫn không chịu nhún nhường, liền bác lại rằng: "Đúng, việc lớn nhà nước thì phải nghe lời vua, nhưng ở nhà thì tôi là chú, anh phải nghe lời bề trên, nay muốn đem một nước có nền văn minh lễ nghĩa ở Trung Nguyên đi học tập Di Cảnh còn chưa khai phá là không thể được, tôi không thể theo anh làm những việc xằng bậy như vậy". Triệu Vũ Linh Vương nghe xong không những không nổi giận, mà vẫn ôn tồn khuyên rằng: "Tôi đề xướng học tập người Hồ cưỡi ngựa bắn cung là nhằm nâng cao sức chiến đấu của quân đội, ngăn chặn kẻ địch xâm lấn, khiến nhà nước giàu mạnh lên, thế mà chú vẫn cứ khư khư bám lấy thói cổ hủ, phản đối cải cách, chẳng lẽ chú cứ muốn giữ mãi cục diện lạc hậu này ư? Mong chú hãy đứng ra làm gương cho con cháu ". Những lời nói chân tình của nhà vua đã khiến Công Tử Thành như sáng mắt ra.

Ngày hôm sau,Triệu Vũ Linh Vương tuyên bố trong triều cả nước đều đổi mặc Hồ phục, mệnh lệnh cho quân đội phải học cưỡi ngựa bắn cung, Công Tử Thành không những dẫn đầu mặc Hồ phục, mà còn tuyên truyền cho cuộc cải cách này. Các đại thần trong triều thấy Công Tử Thành đã chịu khuất phục và dẫn đầu làm gương thì cũng chẳng ai dám nói gì, đều phải làm theo cả.

Một năm sau, nước Triệu đã có một đạo kỵ binh tinh nhuệ. Năm 305 trước công nguyên, Triệu Vũ Linh Vương thân chinh chỉ huy đạo quân này đánh bại được nước Trung Sơn, thu phục được bộ lạc gần Đông Hồ. Bước sang năm thứ 7 lại thu phục được các nước Trung Sơn, Lâm Hồ v v, mở rộng thêm biên giới, từ đó tiếng tăm của nước Triệu càng thêm vang dội, không những các nước nhỏ, mà ngay đến lớn mạnh như nước Tần cũng không dám coi thường nước Triệu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx