Vệ Ương nguyên họ Công Tôn, là một quý tộc đã suy đồi, vì thấy nước Vệ nhỏ yếu, không thể thi thố tài năng của mình, ông mới đi sang nước Ngụy, nhưng lại không được nước Ngụy trọng dụng, trong lúc Vệ Ương đang buồn chán, thì được tin Tần Hiếu Công đang chiêu nạp nhân tài, liền rời nước Ngụy sang nước Tần, rồi nhờ người gặp được Tần Hiếu Công, ông đem mưu lược và biện pháp khiến dân giàu binh mạnh của mình trình bày với Tần Hiếu Công và nói rằng: "Một nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển sản xuất, dân giàu thì quân đội mới có đầy đủ lương thực, phải tăng cường huấn luyện quân đội, điều then chốt là phải thưởng phạt nghiêm minh, những nông dân thu hoạch nhiều và tướng sĩ anh dũng thiện chiến thì nhà nước phải khen thưởng, còn những kẻ lười nhác hoặc kẻ ham sống sợ chết trong chiến đấu thì phải trừng phạt, triều đình có uy tín rồi thì cải cách mới tiến hành thuận lợi, nhà nước mới giàu mạnh lên được". Tần Hiếu Công chăm chú lắng nghe và tán thành chủ trương của Vệ Ương, nhưng một số đại thần quý tộc đều hết sức phản đối, Tần Hiếu Công bèn triệu tập các đại thần lại để thảo luận vấn đề tốt xấu của biện pháp, đại thần Cam Long nói rằng: "Chế độ và lễ pháp hiện hành là do tổ tiên đặt ra, các quan lại chấp hành rất thuận tiện, mà dân chúng cũng đã quen thì không cần phải sửa đổi, nếu sửa đổi thì tất gây thành vạ lớn ".
Vệ Ương nghe vậy liền phản bác rằng: "Từ xưa đến nay, không hề có lễ pháp nào là không thay đổi, những lễ pháp mà các ông quan tâm có khiến nước Tần giàu mạnh không? Chỉ cần nước Tần giàu mạnh, thay đổi lễ pháp cũ thì có gì không đúng?". Sau đó, Vệ Ương còn nêu ra rất nhiều sự thật trình bày về tính tất yếu của việc biến pháp. Tần Hiếu Công nghe xong phấn khởi nói: "Tiên sinh nói phải lắm, nước Tần tất phải thi hành tân pháp", rồi tôn Vệ Ương làm Tả Thứ Trường, nắm quyền thúc đẩy tân pháp, và còn tuyên bố nếu ai phản đối hiến pháp thì sẽ bị trị tội.
Trải qua một thời gian trù bị, Vệ Ương đã đặt ra một loạt pháp lệnh biến pháp, nhưng ông lại không cho tuyên bố ngay, bởi lẽ ông biết rất rõ pháp lệnh mới chưa có uy tín, dân chúng còn do dự chưa tin, tức thì bèn nghĩ ra một kế, ông cho dựng một chiếc cột gỗ cao hơn ba trượng ở cửa nam thành, bên cạnh dán một tờ cáo thị rằng: " Ai vác được cây cột này đến cửa bắc thành thì sẽ thưởng cho mười lạng vàng". Một lát sau, mọi người kéo đến rất đông, ai nấy đều cảm thấy kỳ lạ, rồi bàn tán xôn xao.
Vệ Ương thấy không ai chịu làm, liền tăng tiền thưởng lên 50 lạng vàng. Một lát sau bỗng có một anh chàng lực lưỡng rẽ đám đông bước ra nói: "Để tôi thử xem", rồi vác cột gỗ đi về phía cửa bắc, mọi người đều kéo theo để xem. Bấy giờ, Vệ Ương đã đợi sẵn ở cửa bắc, rồi cử người ra nói rằng: "Tốt lắm, anh là một lương dân, đã tin tưởng và chấp hành lệnh tôi", rồi đưa 50 lạng vàng thưởng cho anh chàng này. Việc này bỗng chốc được truyền đi rất nhanh, rồi vang xa khắp nước Tần, mọi người đều kháo nhau rằng: "Tả Thứ Trường là người nói sao làm vậy, mệnh lệnh của ông ta thật không chút hàm hồ. "
Vệ Ương thấy thời cơ đã chín muồi, bèn lập tức cho công bố pháp lệnh mới, pháp lệnh này thưởng phạt rõ ràng, và quy định: Quan chức dù lớn hay nhỏ hoặc tước vị cao hay thấp, đều phải lấy chiến công làm tiêu chuẩn, dù là quý tộc mà không có chiến công, thì sẽ không có tước vị; Khuyến khích phát triển sản xuất, ai sản xuất được nhiều lương thực và bông thì sẽ được miễn phu dịch, phàm những ai làm buôn bán hoặc do lười nhác mà trở nên nghèo khó, thì cả nhà đều bị đưa vào quan phủ làm nô tỳ v v. Vệ Ương do có công nên được Tần Hiếu Công phong cho miền đất Thương Vu, nên từ đó người ta mới gọi Vệ Ương là Thương Ương.
Sau khi biến pháp, nước Tần ngày càng trở nên giàu mạnh. Năm 350 trước công nguyên, Thương Ương lại thi hành cải cách lần thứ hai, chia cả nước thành 30 huyện và cử huyện lệnh, huyện thừa ra quản lý, rời đô từ Ung đến Hàm Dương để tiện cho việc phát triển vào Trung Nguyên, nhưng cuộc cải cách này đã bị tầng lớp cựu quý tộc phản đối, họ ngấm ngầm câu kết với hai sư phụ của công tử là Công Tử Kính và Công Tôn Giả, cùng bày mưu khiến công tử phạm pháp, Thương Ương biết vậy nhưng không hề dao động, ông không tiện trừng trị thái tử, nhưng được sự ủng hộ của Tần Hiếu Công, bèn chiếu theo luật mới cắt mũi của Công Tử Kính và thích chữ lên mặt Công Tôn Giả, nên từ đó không ai dám phản đối luật mới nữa, nhưng sự việc này cũng đã để lại cho Thương Ương một mối họa ngầm.
Luật mới thi hành được mười năm, nước Tần càng thêm giàu mạnh. Trong ngày sinh nhật của Tần Hiếu Công, Chu thiên tử đã cử người đem lễ vật đến tặng và phong Tần Hiếu Công làm "Phương Bá", các nước chư hầu Trung Nguyên tới tấp đến chúc mừng. Mấy năm sau, Tần Hiếu Công bị bệnh qua đời, thái tử lên nối ngôi, tức Tần Huệ Văn Vương, nhà vua liền nghĩ tới việc trả thù cho hai sư phụ của mình, liền ra lệnh truy bắt Thương Ương, Thương Ương trên đường chạy trốn, dân chúng bị sợ liên lụy nên không ai dám chứa chấp, Thương Ương bị bắt rồi bị năm ngựa xé xác.
Thương Ương tuy chết vì hiến pháp, nhưng hiến pháp của ông vẫn được tiếp tục thi hành tại nước
Tần, khiến nước Tần từ đó đi lên phồn vinh cường thịnh, đặt cơ sở vững chắc cho việc thống nhất
Trung Nguyên sau này.
@by txiuqw4