Theo đà nước Tề ngày một lớn mạnh, thì dã tâm làm bá chủ chư hầu của Tề Hằng Công cũng ngày càng mạnh mẽ.
Một hôm, Tề Hằng Công hỏi Quản Trọng rằng: "Nay nước Tề ta binh hùng tướng mạnh, lương thực đầy đủ, phải chăng đã có thể hội họp chư hầu, để cùng nhau lập ra bang ước?". Quản Trọng nói: "Chúng ta lấy tư cách gì để họp chư hầu, mọi người đều cùng là chư hầu của nhà Chu cả, thì còn ai chịu phục ta? Nay Chu Thiên Tử tuy yếu thế, nhưng dù sao cũng vẫn là Thiên Tử, ai dám cao hơn Thiên Tử nào?". Quản Trọng nói xong bèn kiến nghị Tề Hằng Công nên mượn danh nghĩa "Tôn Vương nhướng Di", để thiết lập địa vị bá chủ ở Trung Nguyên. Đó chính là tôn Chu Thiên Tử làm lãnh tụ, liên hợp các đạo chư hầu lại cùng chống cự với các bộ lạc Man, Di thường xâm lấn Trung Nguyên, sau này ai có khó khăn thì mọi người cùng giúp, ai ngang bướng thì cùng thảo phạt". Tề Hằng Công nghe xong vô cùng mừng rỡ, mới hỏi Quản Trọng nên bắt đầu từ đâu. Quản Trọng đáp rằng: "Hãy bắt đầu từ việc Thiên Tử mới lên kế vị, chúa công hãy cử đại thần sang chúc mừng Thiên Tử, rồi tiện thể nêu ra kiến nghị, nói nước Tống hiện đang xảy ra nội loạn, Tống Hằng Công vừa lên ngôi vua nhưng địa vị còn chưa vững, trong nước rối loạn không yên. Nên mong Thiên Tử ra lệnh xác định rõ địa vị đế vương của Tống Hằng Công. Như vậy trong tay chúa công có mệnh lệnh của Thiên Tử, thì mới có thể triệu tập chư hầu, lập ra bang ước, làm như thế thì còn ai dám phản đối nữa?". Tề Hằng Công nghe xong gật đầu tán thành, liền quyết định làm theo ý này.
Bấy giờ, vương triều nhà Chu chỉ còn là cái xác không, các chư hầu cơ bản không quan tâm đến công việc của Thiên Tử. Chu Ly Vương vừa mới lên ngôi, thấy có sứ thần của một nước lớn như nước Tề đến chúc mừng, đương nhiên là vô cùng mừng rỡ, bèn ủy thác cho Tề Hằng Công việc triệu tập chư hầu và xác định địa vị đế vương của Tống Hằng Công.
Năm 681 trước công nguyên, Tề Hằng Công thừa lệnh Chu Thiên Tử, thông báo với các chư hầu, hẹn ngày 1 tháng 3 thì đến dự bang hội ở Bắc Hạnh của nước Tề, để cùng nhau xác định địa vị của vua nước Tống. Nhưng vì bấy giờ Tề Hằng Công còn chưa có mấy uy tín, nên chỉ có bốn nước chư hầu là Tống, Trần, Châu và Sái đến dự. Còn các nước Lỗ, Vệ, Trịnh, Tào v v thì đều im lặng để chờ đợi xem sao. Tề Hằng Công cảm thấy rất khó xử, định thay đổi lại ngày hẹn thì Quản Trọng khuyên rằng: "Bang hội lần đầu tiên không thể thất tín. Nay đã có bốn nước tới đây, thì có thể mở hội đúng thời hạn". Năm nước chư hầu hội kiến xong, đều nhất trí đề cử Tề Hằng Công làm bang chủ và lập ra bang ước.
Sau bang hội, Tề Hằng Công dẫn quân tiêu diệt nước Toại, sau đó lại đánh bại hai nước Lỗ và Trịnh, bức họ phải cầu hòa. Năm 679 trước công nguyên, Tề Hằng Công lại hẹn với các nước mở bang hội ở Tăng Địa, lần này các nước chư hầu trên cơ bản đã thừa nhận địa vị bá chủ của Tề Hằng Công. Sau khi Tề Hằng Công làm bá chủ, các chư hầu đều định kỳ tiến cống, duy có nước Sở thuộc miền đất hoang vu ở miền nam, vì không có quan hệ vãng lai với các chư hầu ở Trung Nguyên, nên sau khi lớn mạnh lên thì thủ lĩnh của họ đã coi khinh cả thiên tử, tự xưng là "Sở Vương".
Năm 656 trước công nguyên, Tề Hằng Công hợp quân 7 nước Tống, Lỗ, Vệ, Trịnh, Trần, Tào và Hứa để thảo phạt nước Sở. Sở Thành Vương được tin bèn lập tức điều động quân mã để kháng cự, rồi cử sứ giả đến trách hỏi Tề Hằng Công rằng: "Sở ở miền nam, Tề ở phương bắc, hai nước không có quan hệ vãng lai, nay cớ sao lại đến xâm phạm chúng tôi?". Quản Trọng liền hỏi lại rằng: "Tuy hai nước cách xa nhau, nhưng chúng tôi đều là chư hầu do thiên tử phong, ban đầu khi Vũ Vương chia phong, đã từng ủy quyền cho Tề Thái Công, là nếu chư hầu không phục tùng Thiên Tử, thì nước Tề có quyền trừng phạt. Nay nước Sở đã lâu không tiến cống Thiên Tử là cớ làm sao?". Sứ giả nói: "Mấy năm không tiến cống là lỗi tại chúng tôi, sau này chúng tôi nhất định sẽ tiến cống như trước". Khi sứ giả ra về rồi, Tề Hằng Công vẫn không tin nước Sở sẽ ngoan ngoãn chịu thua như vậy, bèn cùng các chư hầu nhổ trại tiến quân vào Triệu Lăng. Sở Thành Vương không hiểu ra sao, lại cử đại thần Khuất Hoàn đến hỏi xem sao. Nhằm phô trương thanh thế của mình, Tề Hằng Công liền mời Khuất Hoàn cùng ngồi xe đến kiểm duyệt liên quân Trung Nguyên, quả là uy vũ hùng tráng, tinh binh lương đủ. Tề Hằng Cao ra vẻ tự đắc nói với Khuất Hoàn rằng: "Quân đội chúng tôi mạnh mẽ như vậy, thì làm sao lại không thắng trận?". Khuất Hoàn ngang nhiên đáp rằng: "Quân Hầu phù trợ Thiên Tử, cứu khổ giúp yếu, chúng tôi đương nhiên rất khâm phục, đằng này ông diễu võ dương oai, cậy thế hiếp đáp người, nước Sở chúng tôi tuy không hùng mạnh, nhưng chúng tôi sẽ dựa vào thành lũy và hào nước Hán Thủy tác chiến, binh lính của ông dù có đông đến mấy, thì đã chắc gì đánh thắng được".
Tề Hằng Công thấy Khuất Hoàn trả lời cứng rắn như vậy, biết là không thể dễ dàng đánh thắng được nước Sở, hơn nữa nước Sở đã nhận lỗi và hứa sẽ tiếp tục tiến cống, thì nên làm dịu đi là hơn. Tức thì các nước chư hầu và nước Sở cùng lập bang ước, rồi ai nấy kéo quân về.
Ít lâu sau, vương triều nhà chu xảy ra nội loạn, Tề Hằng Công giúp Thiên Tử dẹp yên nội loạn lên ngôi vương vị, tức Chu Tương Vương. Tề Hằng Công lại tụ họp các chư hầu ở Quỳ Khưu nước Tống, một lần nữa đặt ra bang ước. Đây là lần thứ 9, và cũng là lần cuối cùng. Do đó trong lịch sử mới gọi quá trình xưng bá của Tề Hằng Công là "Cửu hợp chư hầu".
@by txiuqw4