sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nỗ Nhĩ Cáp Xích Xây Dựng Hậu Kim

Nền chính trị của triều Minh ngày càng thối nát, công việc biên phòng cũng ngày càng lơi lỏng. Trong lúc đó, 1 chi tộc của Nữ Chân – chi Nữ Chân Kiến Châu ở phía đông bắc, nhân cơ hội đó mở rộng thế lực và dần lớn mạnh lên. Lãnh tụ của họ là Ái Tân Giác La Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Nỗ Nhĩ Cáp Xích xuất thân trong 1 gia đình quý tộc thuộc chi Nữ Chân Kiến Châu. Ông nội là Giác Xương An và cha là Tháp Khắc Thế, đều là quý tộc trong chi đó, nên được triều Minh phong là Tả vệ Kiến Châu. Từ nhỏ, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã luyện tập cưỡi ngựa bắn cung và các môn võ thuật. Năm 18 tuổi mẹ đẻ mất, mẹ kế đối xử tệ bạc. Nỗ Nhĩ Cáp Xích buộc phải rời gia đình, cùng các bạn nhỏ đi săn, đào nhân sâm, nhặt quả thông, hái nấm trong rừng rậm, rồi đem bán lấy tiền tự nuôi thân. Chợ Phủ Thuận rất đông đúc, người Nữ Chân thường tới đây trao đổi lâm sản lấy đồ sắt, lương thực, muối và vải vóc. Tại Phủ Thuận, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tiếp xúc với nhiều người Hán nên học được chữ Hán, đọc được sách Hán Văn. Ông rất thích đọc các tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử.

Tộc Nữ Chân Kiến Châu có nhiều bộ lạc, thường đánh giết nhau. Tổng binh triều Minh là Lý Thành Lương lợi dụng mâu thuẫn giữa các bộ lạc để cai trị. Năm Nỗ Nhĩ Cáp Xích 25 tuổi, người đứng đầu thành Thổ Luân là Ni Kham Ngoại Lan dẫn quân Minh đánh Hà Đài là người đứng đầu Cổ Lặc Trại. Vợ Hà Đài là cháu Giác Xương An. An được tin, liền cùng Tháp Khắc Thế đến Cổ Lặc Trại thăm cháu. Đúng lúc đó, quân Minh đang đánh Cổ Lặc Trại, Giác Xương An và Tháp Khắc Thế đều bị quân Minh giết chết trong khi hỗn chiến. Nỗ Nhĩ Cáp Xích gào khóc đau đớn, chôn cất ông và cha. Nhưng thấy lực lượng quân Minh quá mạnh, ông chưa dám đánh trả mà trút mọi căm thù lên Ni Kham Ngoại Lan. Ông tới nói với quan lại Minh: "Ni Kham Ngoại Lang là kẻ đã giết chết ông và cha tôi. Nếu các ngài trao Ni Kham Ngoại Lang cho tôi thì tôi sẽ không động binh chống lại các ngài". Quan lại Minh không chịu.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích uất giận trở về nhà, lấy 13 bộ khôi giáp mà cha để lại phân phát cho thủ hạ, rồi tiến đánh thành Thổ Luân. Nỗ Nhĩ Cáp Xích anh dũng thiện chiến. Ni Kham Ngoại Lang không đánh nổi, phải chạy trốn. Nỗ Nhĩ Cáp Xích chiếm thành Thổ Luân rồi tiếp tục truy kích, thừa cơ chinh phục luôn 1 số bộ lạc Nữ Chân Kiến Châu khác. Ni Kham Ngoại Lang trốn lủi khắp nơi, cuối cùng chạy tới Ngạc Lặc Hồn (nay ở gần Tề Tề Cáp Nhĩ – tức Xi Xi Kha Rơ) xin quân Minh bảo vệ. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đuổi tới nơi. Quân Minh thấy ông có thái độ quyết liệt, sợ xảy ra chiến tranh, nên để Nỗ Nhĩ Cáp Xích giết chết Ni Kham Ngoại Lang. Sau khi diệt được Ni Kham Ngoại Lang, thanh thế Nỗ Nhĩ Cáp Xích trở nên vang dội. Mấy năm sau, ông thống nhất các bộ lạc Nữ Chân Kiến Châu. Điều này, khiến các chi Nữ Chân khác sợ hãi. Tộc Nữ Chân lúc đó có 3 chi, ngoài Nữ Chân Kiến Châu, còn có Nữ Chân Hải Tây và Nữ Chân Dã Nhân. Trong chi Nữ Chân Hải Tây có bộ lạc Diệp Hách là mạnh nhất. Năm 1593, bộ lạc Diệp Hách liên hợp với 9 bộ lạc Nữ Chân và Mông Cổ, tập hợp được 3 vạn quân, chia làm 3 đường tiến đánh Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Nỗ Nhĩ Cáp Xích nghe tin 9 bộ lạc tiến đánh, đã chuẩn bị nghinh chiến chu đáo. Ông cho mai phục quân tinh nhuệ trên đường và bố trí gỗ đá trên các sườn núi. Mọi việc thu xếp xong, ông bình thản đi ngủ. Vợ ông thấy thế rất lo, đánh thức ông dậy nói: "Quân của chín bộ lạc kéo đến đánh mà ông còn đi ngủ được sao? Chẳng lẽ vì sợ quá mà đâm lú lẫn chăng?". Nỗ Nhĩ Cáp Xích cười nói: "Nếu ta sợ, thì sao còn ngủ được?".

Hôm sau, thám tử về báo là quân địch rất đông, tướng sĩ nghe nói đều có vẻ sợ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, liền giải thích: "Đừng sợ! Hiện nay chúng ta đã chiếm địa hình hiểm yếu. Quân địch tuy đông nhưng là lũ ô hợp, nhất định sẽ trông chờ, dựa dẫm lẫn nhau. Nếu toán nào xông lên trước, ta giết một vài tên cầm đầu, là tất cả bọn chúng phải rút chạy thôi!".

Quân của 9 bộ lạc tới Cổ Lặc Sơn, quân Kiến Châu đã bố trí nghiêm chỉnh trên núi sẵn sàng đối phó. Trước hết, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho hơn 100 kỵ binh ra khiêu chiến. Một thủ lĩnh bộ lạc Diệp Hách xông tới, bị cọc gỗ làm ngựa ngã lăn quay, quân Kiến Châu xông lên chém giết hắn tại trận, 1 thủ lĩnh khác thấy vậy sợ quá ngất xỉu. Liên quân 5 bộ lạc vì vậy mất chỉ huy tan tác trốn chạy. Nỗ Nhĩ Cáp Xích thừa thắng cho truy kích, đánh tan quân Diệp Hách. Mấy năm sau, về cơ bản, ông đã thống nhất được toàn thể các bộ lạc Nữ Chân. Trong quá trình thống nhất tộc Nữ Chân, Nỗ Nhĩ Cáp Xích phân Nữ Chân thành 8 "kỳ". Kỳ vừa là đơn vị hành chính, vừa là tổ chức quân sự. Dưới mỗi kỳ có nhiều "ngưu lục". Mỗi ngưu lục gồm 300 người, thời bình làm ruộng, săn bắn,thời chiến thì đánh trận. Cách tổ chức như vậy vừa thúc đẩy sản xuất, vừa tăng cường lực lượng chiến đấu. Để làm cho triều Minh tê liệt cảnh giác, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vẫn triều cống xưng thần. Triều Minh thấy thái độ Nỗ Nhĩ Cáp Xích cung kính phục tùng, liền phong ông làm Long Hổ tướng quân. Ông còn nhiều lần tới Bắc Kinh, tận mắt quan sát mọi tình hình triều Minh. Năm 1616, thấy thời cơ đã chín, liền lên ngôi hãn ở Hách Đồ A Lạp (nay ở gần Tân Tân, Liêu Ninh) với sự nhiệt tình ủng hộ của quý tộc cả 8 kỳ, lấy quốc hiệu là Đại Kim. Để phân biệt với triều Kim trước kia, lịch sử gọi triều đại này là Hậu Kim.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx