Ngụy Trung Hiền giết hại Dương Liên, Tả Quang Đẩu xong, lũng đoạn hoàn toàn về quân sự, chính trị. Hắn thăng chức cho 1 loạt các quan chức trong bè đảng và cả lũ con cháu của chúng vào các chức vụ quan trọng trong triều. Trong số đó, kẻ thì bày mưu đặt kế, kẻ thì chuyên làm việc dò xét, giết người. Dân gian đặt cho chúng những biệt hiệu, nào là "ngũ hổ", "ngũ bưu" (bưu: hổ con), "thập cẩu", nào là "thập hài nhi", "tứ thập tôn". Quyền lực của Ngụy Trung Hiền lớn tới mức, bất kì quan chức trong triều hay tại địa phương, hễ muốn giữ được địa vị, đều phải xu phụng chúng. Khi Ngụy Trung Hiền ra khỏi nhà, bao giờ cũng trưng cờ kiệu như hoàng đế, mọi người cũng phải đối đãi với hắn như với hoàng đế. Thời phong kiến, hoàng đế được xưng "vạn tuế", Ngụy Trung Hiền không phải là hoàng đế, đương nhiên không thể xưng "vạn tuế". Một viên quan liền gọi Ngụy Trung Hiền là "Cửu thiên tuế". Hắn nghe gọi thế thì rất phấn khởi, liền trọng thưởng cho kẻ khéo nịnh đó. Từ đó về sau, Ngụy Trung Hiền liền trở thành "Cửu thiên tuế". Có viên tuần phủ Triết Giang muốn lấy lòng Ngụy Trung Hiền, liền xây cho hắn 1 ngôi từ đường. Nói chung, từ đường là đền thờ người đã chết, nay Ngụy Trung Hiền còn sống, mà làm từ đường, nên gọi là "sinh từ" (đền thờ sống). Việc kỳ quái đó xuất hiện, có 1 số người có ý kiến phản đối, lập tức họ bị Ngụy Trung Hiền cách chức. Quan lại địa phương khác sợ đắc tội với Ngụy Trung Hiền, liền đua nhau xây sinh từ cho hắn.
Lúc đó, khắp triều đình đều là các quan chức thuộc Yêm đảng hoặc hùa theo Yêm đảng. Những ai có chút lòng chính trực không chịu xu phụng chúng, đều xin từ chức. Một viên quan là Chu Thuận Xương không chịu được sự lộng hàng của chúng, liền cáo quan về nhà ở Tô Châu. Năm 1626, Ngụy Trung Hiền lại tiến hành 1 cuộc bắt bớ lớn những người mà hắn cho là thuộc Đông Lâm đảng. Khi quan lính áp giải 1 viên quan thuộc Đông Lâm đảng đi qua Tô Châu, Chu Thuận Xương liền mở tiệc tiễn ông. Trong bữa tiệc, Chu Thuận Xương chỉ đích danh Ngụy Trung Hiền, chửi mắng hắn thậm tệ. Khi về kinh, bọn lính bẩm lại với Ngụy Trung Hiền. Hắn nổi giận, lệnh cho đông xưởng phái quân lính, do tuần phủ Nam Kinh Mao Nhất Lộ dẫn đầu tới Tô Châu tróc nã Chu Thuận Xương. Tin tức về quân đông xưởng tới bắt người được truyền đi, làm rung động cả dân thành Tô Châu. Hơn 20 năm trước, dân Tô Châu dưới sự lãnh đạo của Cát Hiền đã từng đấu tranh chống thái giám. Nay bọn đặc vụ của Ngụy Trung Hiền lại đến đây bắt người, sao chẳng khiến cho mọi người phẫn nộ. Vả lại, Chu Thuận Xương chỉ vì phản đối Yêm đảng mà bị bức hại, ai cũng đồng tình với ông. Vì vậy, đúng hôm quân lính của đông xưởng tới Tô Châu, thì hàng vạn thị dân đã đổ ra đường, ủng hộ Chu Thuận Xương.
Mọi người ngăn kiệu của Mao Nhất Lộ, cử mấy người có chữ nghĩa đứng ra thỉnh nguyện, yêu cầu hủy bỏ lệnh bắt Chu Thuận Xương. Thấy thanh thế quần chúng lớn mạnh, Mao Nhất Lộ sợ toát mồ hôi, ném cùm xích sắt xuống đất, lớn tiếng dọa: "Chúng ta là quân đông xưởng đây, kẻ nào dám ngăn trở!".
Cùm xích kêu loảng xoảng, càng làm cho quần chúng nổi giận. có người xông lên bắt bẻ: "Các ngươi chẳng vừa nói là phụng thánh chỉ của hoàng thượng tới bắt người sao? Hóa ra là trò quỷ của đông xưởng!".
Quân lính chưa kịp trả lời, thì quần chúng đã ồ cả lên: "Thì ra là bọn gian tặc ở đông xưởng". Mọi người vừa reo hò, vừa xông tới đám quân lính và Mao Nhất Lộ, tiếng hò hét như trời long đất lở. Bọn quân lính ngày thường cậy thế hiếp người, hoảng sợ chạy tứ tán, toan thoát khỏi vòng vây. Quần chúng phẫn nộ đuổi theo, túm lấy chúng, đánh đấm túi bụi. Một tên lĩnh bị đấm trúng vùng tim, ngã quay ra đất, lăn lộn mấy vòng rồi tắt thở. Số còn lại vỡ đầu chảy máu, vừa bò vừa chạy thoát khỏi vòng vây. Quần chúng chưa chịu thôi, liền tìm Mao Nhất Lộ, toan tính sổ với hắn. Tên này cũng ranh ma, đã sớm chui ra khỏi kiệu, nhân lúc hỗn loạn, cởi bỏ áo mũ tuần phủ, theo 1 ngõ hẽm chuồn đi. Thấy phía trước có 1 hố phân, hắn chẳng quản gì thể diện, chẳng quản mùi hôi thối nồng nặc, nhảy xuống nép vào 1 góc. Mãi tới khi quân chúng tản mát đi hết, bọn tùy tòng mới tìm thấy ngài tuần phủ đã ngất xỉu, liền lôi từ đống phân lên. Bọn đặc vụ đông xưởng chạy về khóc lóc tố cáo với Ngụy Trung Hiền. Hiền đâu chịu bỏ qua, lại ra lệnh cho Mao Nhất Lộ dẫn quân tới Tô Châu đàn áp. Chúng bắt 5 người cầm đầu vụ bạo động của thị dân là Nhan Phụng Thư, Dương Niệm Như, Mã Kiệt, Thẩm Dương, Chu Văn Nguyên đưa vào nhà giam, khép tội xúi giục bạo loạn và xử tội chết. Khi 5 người bị giải tới hình trường, thần sắc họ vẫn thản nhiên, còn chửi rủa Ngụy Trung Hiền và Mao Nhất Lộ.
Sau khi họ hy sinh, nhân dân tự bỏ tiền ra, xin lĩnh thi thể họ từ tay bọn đao phủ, rồi an táng họ ven núi phía đông Hổ Khâu. Sau đó, nhân dân còn dựng bia, trên khắc dòng chữ "Ngũ nhân chi mộ" (mộ 5 người). Lần bạo động đó tuy bị trấn áp, nhưng từ đó về sau, bọn đặc vụ đông xưởng thấy lực lượng quần chúng ghê gớm như vậy, không dám tùy tiện tới các nơi bắt người nữa.
@by txiuqw4