Trong khi Lý Tự Thành và 17 bộ tướng đang chỉnh đốn đội ngũ ở vùng núi Thương Lạc, thì ở biên giới phía đông bắc triều Minh đang trong tình hình rất căng thẳng. Sau khi Hùng Đình Bật, Viên Sùng Hoán bị giết oan, triều Minh không còn tướng tài nào để trấn giữ vùng biên cương đó. Quân Hậu Kim nhiều lần đột nhập cùng trong cửa quan giết người, cướp gia súc. Năm 1638, Thanh Thái Tông phái Thân vương Đa Nhĩ Cổn dẫn đại quân tiến hành cuộc viễn chinh lần thứ 4. Quân Thanh tiến thẳng tới ngoại vi Bắc Kinh, kinh thành lâm nguy. Nội bộ vương triều Minh mỗi người một ý, người chủ trương chống lại, kẻ chủ trương giảng hòa. Sùng Trinh Đế không có chủ kiến dứt khoát, vừa gọi binh lực các nơi về cứu kinh sư, vừa sai Binh bộ thượng thư Dương Tự Xương và hoạn quan Cao Khởi Tiềm phái người lên đông bắc thăm dò việc cầu hòa với triều Thanh. Nghe nói Lư Tượng Thăng, tổng quản việc quân sự vùng Tuyên Phủ, Đại Đồng là 1 tướng tài, Sùng Trinh Đế liền triệu ông về kinh thành, hạ lệnh cho ông thống lĩnh việc quân trong toàn quốc.
Lư Tượng Thăng tới Bắc Kinh, Sùng Trinh Đế lập tức triệu kiến, hỏi ông nên đối phó với quân Thanh như thế nào. Lư Tượng Thăng sớm biết việc triều đình đang bí mật nghị hòa, liền nói thẳng với Sùng Trinh Đế: "Bệ hạ giao cho thần chỉ huy quân đội, thần chỉ biết đánh trận, không biết đến việc gì khác".
Sùng Trinh Đế thấy trong lời nói có ý chỉ trích, không được vui, phải phân trần: "Nghị hòa là ý kiến của một số đại thần, còn triều đình chưa từng có quyết định nghị hòa". Ông yêu cầu Lư Tượng Thăng đi bàn bạc với Dương Tự Xương về biện pháp đối phó với quân Thanh.
Dương Tự Xương thấy Lư Tượng Thăng cản trở việc nghị hòa do mình chủ trương thì rất bực bội, liền trao cho Cao Khởi Tiềm làm tổng giám, chỉ huy 1 nửa trong số 4 vạn viện binh từ các nơi đến. Như vậy, Lư Tượng Thăng về danh nghĩa là thống soái, nhưng trên thực tế chỉ nắm được 2 vạn binh mã. Quân Thanh tiến theo 8 đường, đánh sâu vào nội địa. Khi đánh tới Cao Dương, nguyên binh bộ thượng thư Tôn Thừa Tông, người từng ủng hộ Viên Sùng Hoán, nay đã nghỉ hưu tại quê nhà, nghe tin quân Thanh đánh tới, liền dẫn cả gia đình gồm mười mấy người lên thành chống lại. Quân Thanh đánh chiếm được Cao Dương, cả gia đình Tôn Thừa Tông đều hy sinh anh dũng. Lư Tượng Thăng dẫn quân tới Bảo Định, đang chiến đấu chống quân Thanh, thì Sùng Trinh Đế lại tin theo lời vu cáo của Dương Tự Xương, cho rằng ông chỉ huy kém cỏi, hạ lệnh giáng chức ông, buộc ông lập công chuộc tội ở cương vị thấp hơn. Dương Tự Xương liền chia số quân hiện dưới quyền Lư Tượng Thăng, trao 1 nửa số quân cho người khác chỉ huy. Lư Tượng Thăng đến Cự Lộc, trong tay chỉ còn 5000 quân. Lúc đó, số quân của Cao Khởi Tiềm chỉ đóng cách Cự Lộc 50 dặm. Lư Tượng Thăng cử người cầu cứu Cao Khởi Tiềm, nhưng Cao Khởi Tiềm từ chối. Lư Tượng Thăng đơn độc tác chiến, lâm vào tình thế rất khó khăn. Mặt khác, Dương Tự Xương lại cố tình gây khó dễ, lương thực tiếp tế không đủ, tướng sĩ đều đói lã. Một buổi sáng, Lư Tượng Thăng bước ra cửa doanh trại, cúi mình vái toàn bộ tướng sĩ xung quanh, rồi nói: "Chúng ta chịu ơn sâu của nhà nước, chỉ lo không thể vì nước hy sinh, chứ không lo gì giữ mạng sống của mình". Các tướng sĩ nghe nói, đều xúc động rơi nước mắt, thề quyết tâm tử chiến.
Lư Tượng Thăng chia 5000 quân còn trong tay thành 3 cánh, giao cho 2 tướng Hổ Đại Uy và Dương Quốc Trụ đảm nhận 2 cánh tả, hữu, tự mình phụ trách trung quân, kịch chiến với quân Thanh, đánh lui 1 đội quân đối phương. Nửa đêm hôm đó, xung quanh trại Minh bỗng vang rền tiếng thanh la của quân Thanh, mấy vạn kỵ binh Thanh tiến tới vây chặt trại Minh. Hổ Đại Uy dẫn quân phá vây, bị quân Thanh đánh bật lại. Lư Tượng Thăng thét lớn: "Hổ tướng quân! Đây là giờ phút chúng ta tận trung báo quốc!".
Tướng sĩ nhất tề hưởng ứng, tiếng hô giết vang trời dậy đất. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt từ sáng đến tối. Lư Tượng Thăng trúng 4 phát tên và bị đâm trúng 3 chỗ, vẫn xông xáo chiến đấu như 1 người bằng máu, còn giết được mấy chục lính Thanh rồi mới ngã xuống. Cao Khởi Tiềm không đợi tới khi cuộc chiến phía trước kết thúc, đã nhổ trại chạy. Đa Nhĩ Cổn dẫn quân Thanh đánh tới tận Tế Nam, Sơn Đông, cướp được rất nhiều chiến lợi phẩm rồi mới rút ra ngoài cửa quan. Thanh Thái Tông đánh Minh nhiều lần, lần nào cũng thắng, nhưng không dừng chân chiếm giữ Trung nguyên. Những thị trấn quan trọng ngoài cửa quan như Ninh Viễn, Cẩm Châu vốn nằm trong tay quân Minh nhưng có nguy cơ bị cắt đứt phía sau khi quân Thanh vào sâu. Sau cuộc lui quân lần thứ 4, Thanh Thái Tông liền quyết tâm đánh chiếm Cẩm Châu.
Năm 1641, quân Thanh vây đánh Cẩm Châu, Sùng Trinh Đế phái tổng đốc Hồng Thừa Trù dẫn 30 vạn quân tới Cẩm Châu cứu viện. Quân Minh mới tới Tùng Sơn, Thanh Thái Tông liền đích thân thống lĩnh đại quân bao vây Tùng Sơn cắt đứt đường tiếp lương phía sau quân Minh. Năm sau, thành Tùng Sơn bị phá vỡ, Hồng Thừa Trù bị bắt làm tù binh. Tướng giữ Cẩm Châu nghe tin Tùng Sơn thất thủ, cũng đầu hàng quân Thanh. Hồng Thừa Trù bị áp giải tới Thịnh Kinh, Thanh Thái Tông cử người đến khuyên hàng. Lúc đầu, Hồng Thừa Trù tỏ ra rất kiên quyết dù thuyết khách nói thế nào cũng không thèm để ý. Mấy hôm sau, Thanh Thái Tông đích thân đến thăm, ân cần hỏi han sức khỏe, lại cởi áo lông điêu ra, khoác cho Hồng Thừa Trù. Hồng Thừa Trù mềm lòng, liền quì xuống xin hàng. Thu phục được Hồng thừa Trù, Thanh Thái Tông vô cùng phấn khởi, ngoài việc ban thưởng vàng bạc, của cải, còn cho tấu nhạc diễn trò để chúc mừng. Tướng lĩnh Thanh thấy Thanh Thái Tông coi trọng Hồng Thừa Trù như vậy, đều thắc mắc. Thanh Thái Tông liền hỏi: "Các khanh ngày ngày xông pha mưa gió đánh trận hiểm nguy vất vả như thế, là để làm gì?".
Các tướng trả lời: "Đều là nhằm mục đích chiếm lấy Trung nguyên cho Đại Thanh ta!".
Thanh Thái Tông cười nói: "Chúng ta tiến vào Trung nguyên, như người mù đi đường. Nay ta kiếm được người dẫn đường, sao lại không phấn khởi cho được?".
Sau đại chiến Tùng Sơn, Cẩm Châu, toàn bộ vùng phía bắc Sơn Hải Quan đều bị quân Thanh khống chế. Quân Thanh muốn vào Trung nguyên, chỉ còn vướng Ninh Viễn và Sơn Hải Quan thôi. Chính đang lúc Thanh Thái Tông nuôi bão lớn, đánh vào Sơn Hải Quan, thì đột nhiên bị bệnh mất. Con ông là Phúc lâm mới 6 tuổi lên kế vị. Đó là Thanh Thế Tổ, cũng gọi là Thuận Trị Đế. Thuận Trị Đế nhỏ tuổi, do 2 chú là Thân vương Đa Nhĩ Cổn và Tế Nhĩ Cáp Lang phụ chính. Chính trong thời gian đó, tình hình Trung nguyên có những biến chuyển đột ngột.
@by txiuqw4