Sau khi Long Vũ Đế xây dựng chính quyền ở Phúc Châu, đại thần Hoàng Đạo Chu vốn là người thực lòng chống Thanh, quyết tâm muốn phò tá Long Vũ Đế dẫn quân bắc phạt. Nhưng Trịnh Chi Long, người nắm giữ binh quyền, lại chỉ muốn bảo toàn thực lực, không chịu xuất binh. Một năm sau, khi quân Thanh tiến tới Phúc Kiến, liền cử người tới gặp Trịnh Chi Long khuyên hàng. Vì ham giàu sang, Trịnh Chi Long liền bỏ Long Vũ Đế, sang hàng triều Thanh. Chính quyền Long Vũ Đế diệt vong.
Trịnh Chi Long có người con trai là Trịnh Thành Công, sinh tại Nam An, Phú Kiến lúc đó là 1 tướng trẻ mới 22 tuổi. Khi Trịnh Chi Long đầu hàng triều Thanh, Trịnh Thành Công ra sức khuyên cha. Thấy cha mê mẩn công danh, không chịu nghe lời nói phải, Trịnh Thành Công giận dữ, liền bỏ xuống đảo Nam Áo, chiêu mộ được mấy ngàn người, kiên quyết chống Thanh. Vương triều Thanh biết Trịnh Thành Công là 1 tướng tài, nhiều lần cử người đến dụ hàng, nhưng ông kiên quyết cự tuyệt. Tướng Thanh lại cử người em đem theo thư của Trịnh Chi Long đến khuyên hàng. Người em nói: "Nếu anh không chịu hàng, thì tính mạng của cha khó lòng giữ được".
Trịnh Thành Công không dao động, viết 1 phong thư tuyệt tình với Trịnh Chi Long. Binh lực của Trịnh Thành Công dần lớn mạnh, xây dựng được 1 đội thủy quân ở Hạ Môn. Ông liên hợp với tướng chống Thanh là Trương Hoàng Ngôn, dẫn đội thủy quân 17 vạn người từ ngoài biển đi vào Trường Giang, phân 2 cánh thủy bộ tiến đánh Nam Kinh, tới sát chân thành. Nhưng quân Thanh dùng kế trá hàng, là quân Trịnh Thành Công vào nơi mai phục sẵn rồi đánh bại. Trịnh Thành Công phải rút ra Hạ Môn. Trịnh Thành Công về tới Hạ Môn thì quân Thanh đã chiếm đại bộ phận Phúc Kiến. Họ buộc dân ven biển Phúc Kiến, Quảng Đông lùi sâu vào phía trong 40 dặm, tiến hành phong tỏa, triệt đường tiếp tế cho quân Trịnh Thành Công, định đẩy họ vào chỗ chết vì thiếu đói. Trịnh Thành Công gặp khó khăn lớn trong việc chiêu binh và tiếp tế, liền quyết định phát triển ra Đài Loan.
Từ cuối triều Minh, người Hà Lan từ Châu Âu tới đã chiếm Đài Loan, xây dựng thành lũy, bắt nhân dân địa phương phải nộp thế. Nhân dân Đài Loan nhiều lần chống lại, đều bị chúng đàn áp. Khi còn nhỏ tuổi, Trịnh Thành Công đã có lần theo cha tới Đài Loan, tận mắt nhìn thấy cảnh nhân dân chịu cực khổ, đã có ý định thu phục Đài Loan. Lần này, ông hạ quyết tâm đánh đuổi kẻ xâm chiếm phương tây nên hạ lệnh cho tướng sĩ sửa sang chiến thuyền, chuẩn bị lương thảo, sẵn sàng vượt biển. Vừa gặp dịp lúc đó, 1 người tên là Hà Đình Bân, từng làm phiên dịch cho quân đội Hà Lan, tới Hạ Môn tìm gặp Trịnh Thành Công, khuyên ông nên thu phục Đài Loan. Anh ta cho biết nhân dân Đài Loan bị quân xâm lược Hà Lan ức hiếp, từ lâu đã muốn chống lại. Nếu đưa quân tới, nhất định nhân dân địa phương sẽ cùng phối hợp để đuổi người Hà Lan đi. Hà Đình Bân còn biếu Trịnh Thành Công 1 tấm bản đồ Đài Loan, có ghi đầy đủ điểm bố phòng của quân Hà Lan. Có được nguồn tin và sự giúp đỡ đáng tin cậy đó, quyết tâm và lòng tin vào thắng lợi của Trịnh Thành Công càng nâng cao.
Tháng 3 năm 1661, Trịnh Thành Công để con là Trịnh Kinh và 1 số quân ở lại giữ Hạ Môn, còn bản thân dẫn 2 vạn 5000 tướng sĩ, dùng mấy trăm chiến thuyền rầm rộ xuất phát từ Kim Môn. Họ xông pha sóng gió, vượt qua eo biển Đài Loan, nghỉ mấy ngày tại quần đảo Bành Hồ để chuẩn bị tiến thẳng ra Đài Loan. Lúc đó, 1 số tướng sĩ nghe nói người phương tây có nhiều pháo lớn rất lợi hại, có phần ngại ngùng e sợ. Trịnh Thành Công liền đưa thuyền chỉ huy của mình dẫn đầu, khuyến khích tướng sĩ: "Pháo Tây Dương của người Hà Lan không có gì đáng sợ. Các người cứ nối theo thuyền của ta mà tiến tới".
Quân Hà Lan nghe tin đoàn thuyền lớn của Trịnh Thành Công sắp tiến công vào đảo thì rất kinh hoàng. Họ tập trung quân đội vào 2 thành Đài Loan (nay là vùng Đông Bình, Đài Loan) và Xích Khảm (nay ở vùng Đài Nam) vì ở đó có pháo đài và công sự, đồng thời cho đánh chìm nhiều thuyền cũ trên lối vào cảng nhằm ngăn trở đoàn thuyền của Trịnh Thành Công đổ bộ. Trịnh Thành Công cử Hà Đình Bân làm hoa tiêu, lợi dụng lúc thủy triều lên, tiến vào Lộc Nhĩ Môn, đổ bộ lên đảo. Nhân dân địa phương biết quân Trịnh Thành Công tới, nô nức mang xe thuyền tiếp tế, úy lạo quân đội. Quân Hà Lan ẩn nấp trong pháo đài rất tức tối, cử hơn 100 lính xông ra. Lệnh của Trịnh Thành Công vừa phát ra, quân Trịnh đã bao vây chặt, xông tới chém chết tên chỉ huy, số còn lại tan chạy. Hà Lan liền điều tới 1 quân hạm lớn nhất, hùng dũng tiến tới, ngăn không cho những thuyền còn lại vào bờ. Trịnh Thành Công trầm tĩnh quyết đoán, điều 60 thuyền lớn tới bao vây chặt quân hạm, nhất tề khai pháo, khiến quân hạm bốc cháy đùng đùng, lửa chiếu sáng rực mặt biển. Quân hạm lớn nhất dần dần chìm xuống đáy biển, 3 quân hạm nhỏ còn lại thấy tình thế bất lợi, đành bỏ chạy.
Quân Hà Lan thảm bại, co cụm trong 2 pháo đài không dám ứng chiến; một mặt họ cử người ngầm đi thuyền tới Patauây (nay là Gia va, thuộc Indonesia) cầu viện, 1 mặt cử người ra đàm phán, nói nếu quân Trịnh rút khỏi đảo, họ sẽ tình nguyện nộp 10 vạn lạng bạc trắng để úy lạo quân đội. Trịnh Thành Công nghiêm chỉnh tuyên bố: "Đài Loan là lãnh thổ của ta. Nay việc thu hồi lại là lẽ đương nhiên. Nếu các người cứ ở lỳ không chịu rút, ta sẽ dùng sức mạnh đuổi các người đi".
Trịnh Thành Công quát đuổi sứ giả, rồi phái quân đánh mạnh vào Xích Khảm. Quân Hà Lan chống cự mãnh liệt, nhất thời chưa hạ được. Một người dân địa phương mách cho quân Trịnh biết là nước dùng trong thành Xích Khảm đều từ 1 điểm cao ngoài thành chảy vào. Nếu cắt đứt nguồn nước, thì quân địch không bị đánh cũng rã. Trịnh Thành Công làm theo kế đó, quả nhiên 3 ngày sau, quân Hà Lan ngoan ngoãn mở cửa thành đầu hàng. Số quân Hà Lan còn giữ thành Đài Loan toan tiếp tục chống cự để chờ viện binh. Trịnh Thành Công cho quân vây chặt. Sau 8 tháng, Trịnh Thành Công hạ lệnh tổng công kích. Quân Hà Lan không còn cách nào khác, đành giương cờ trắng đầu hàng. Đầu năm 1662, người đứng đầu quân Hà Lan phải tới bản doanh của Trịnh Thành Công kí vào văn bản đầu hàng, rồi lủi thủi dẫn nhau rời khỏi Đài Loan. Do có công thu phục Đài Loan từ tay quân chiếm đóng Hà Lan, Trịnh Thành Công trở thành 1 anh hùng dân tộc kiệt xuất.
@by txiuqw4