sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

109-110

THẠCH SÙNG, VƯƠNG KHẢI THI GIÀU CÓ

Sau khi Tấn Vũ Đế thống nhất toàn quốc, cảm thấy thỏa mãn ý nguyện, liền chìm đắm trong cuộc sống xa hoa dâm dật. Chưa bằng lòng với số cung nữ đông đảo vốn có, ông ta cho thu nạp số cung nữ của Thục Hậu chủ Lưu Thiền và của Đông Ngô Qui Mệnh Hầu Tôn Hạo (riêng số cung nữ của Tôn Hạo đã là gần 5000), đưa tổng số cung nữ lên gần 1 vạn người. Theo gương ông ta, các đại thần trong triều đều coi việc khoa trương sự giàu có và thói ăn chơi làm phong thái thời thượng.Tại kinh đô Lạc Dương lúc đó có 3 đại phú hào nổi tiếng. Một là Trung bộ quân Dương Tú, giữ chức chưởng quản quân cấm vệ; người thứ 2 là Hậu tướng quân Vương Khải, cậu của Tấn Vũ Đế; người thứ 3 là Tản kỵ thường thị Thạch Sùng. Dương Tú và Vương Khải đều là ngoại thích nên có quyền thế hơn Thạch Sùng, nhưng Thạch Sùng lại đứng đầu về sự giàu có. Không ai biết rõ Thạch Sùng có bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng rất nhiều. Nguồn tiền bạc ấy do đâu mà có? Nguyên là Thạch Sùng từng làm thứ sử Kinh Châu trong mấy năm. Trong thời gian đó, ngoài việc bóc lột, hút máu mủ nhân dân, hắn còn nhúng tay vào các hành động cướp bóc bẩn thỉu, phi pháp. Các sứ thần và thương nhân ngoại quốc đi qua Kinh Châu đều bị bộ hạ của Thạch Sùng vòi vĩnh tiền đút lót và nhiều khi còn đóng vai giặc cướp, giết người, chiếm đoạt hết hàng hóa. Vì vậy, hắn tích lũy được rất nhiều tiền bạc và đồ châu ngọc quí giá, trở thành người giàu có nhất nước lúc bấy giờ.

Thạch Sùng về Lạc Dương, nghe nói Vương Khải giàu có nổi tiếng nên có ý so đọ hơn thua. Nghe nói nhà Vương Khải thường cọ nội bằng đường mạch nha, Thạch Sùng liền hạ lệnh cho gia nhân dùng nến để đun nấu thay củi. Chuyện đó được lan truyền, nhiều người cho rằng như vậy là Thạch Sùng xài sang hơn Vương Khải. Vương Khải liền cho dựng bình phong bằng lụa tía suốt 2 bên đường trước nhà mình, dài tới 40 dặm. Ai muốn tới nhà Vương Khải, đều phải đi giữa 2 hàng bình phong lụa tía dài dằng dặc ấy. Kiểu trang trí xa xỉ ấy làm rung động toàn kinh thành Lạc Dương. Thạch Sùng chơi trội hơn, cho dùng đoạn màu, là thứ đắt tiền hơn lụa tía nhiều lần, cũng làm 2 dãy bình phong dài dài suốt 50 dặm, hơn hẳn Vương Khải cả về chiều dài và sự lộng lẫy. Vương Khải bị thua lần thứ 2, rất cay cú nhưng chưa cam chịu. Khải liền nhờ Tấn Vũ Đế - là cháu gọi bằng cậu giúp đỡ 1 tay. Tấn Vũ Đế cho là cuộc thi đó rất thú vị, liền tặng cho Vương Khải 1 cây san hô cao hơn 2 thước vẫn được bày trong hoàng cung để ông cậu có thể gỡ thể diện trước mọi người.

Được hoàng đế giúp đỡ, Vương Khải tin chắc lần này mình sẽ thắng, liền mở tiệc, mời Thạch Sùng và nhiều quan chức tới dự. Trong bữa tiệc, Vương Khải đắc ý tuyên bố: "Nhà tôi có một cây san hô hiếm có. Chư vị có vui lòng thưởng ngoạn không?".

Tất nhiên mọi người đều muốn xem. Vương Khải liền sai một số thị nữ khiêng cây san hô ra. Đó là 1 cây san hô cao hơn 2 thước, hình dáng đầy đặn, cân xứng; có màu phấn hồng rất tươi đẹp. Mọi người khen nức nở, đều cho đó là một bảo vật hiếm có trên đời. Chỉ có Thạch Sùng là đứng bên cạnh cười nhạt. Hắn nhìn thấy trên bàn có 1 chiếc gậy như ý (1 đồ trang trí thời xưa) bằng sắt, liền thuận tay cầm lấy, không nói năng gì, đập thẳng vào cây san hô. Một tiếng "choang" khô đục, cây san hô gãy vụn, rơi lả tả. Mọi người kinh hoàng thất sắc. Chủ nhân Vương Khải giận run người, tím mặt, nói không thành tiếng: "Sao...sao...ngươi dám làm thế?".

Thạch Sùng vẫn ung dung tươi tỉnh: "Tướng quân khoan nổi giận, Thạch Sùng này không để tướng quân chịu thiệt, sẽ xin đền ngài 1 cây san hô khác".

Vương Khải vừa xót của, vừa uất giận, nói lắp bắp: "Được, được, ngươi đền ngay cho ta"

Thạch Sùng lập tức cho gia nhân về nhà khuân toàn bộ san hô trong nhà tới để Vương Khải chọn. Lát sau, lũ gia nhân đông đảo mang tới mấy chục cây san hô, trong số đó có 6, 7 cây cao ba bốn thước, có cây cao vừa gấp đôi cây của Vương Khải, cây nào cũng có hình dáng, màu sắc đẹp đẽ. Còn số cây giống như cây san hô của Vương Khải, thì càng nhiều hơn. Các quan khách đứng ngây người. Vương Khải lúc đó mới biết Thạch Sùng giàu có hơn mình nhiều lần, đành chịu thua, không còn gì để đua tranh nữa. Cuộc thi giàu kết thúc. Sự hào phú của Thạch Sùng lừng danh khắp Lạc Dương và truyền lan ra khắp nước. Lúc đó, một đại thần là Phó Hàm liền dâng sớ tấu lên Tấn Vũ Đế, nói tình hình xa xỉ, lãng phí nghiêm trọng đó còn tai hại hơn cả thiên tai. Việc thi sang trọng, thi xa xỉ đó không những không bị trách phạt, mà còn được coi là vẻ vang hơn người. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Tấn Vũ Đế xem sớ tấu, bỏ qua luôn. Bản thân ông cũng giống như Thạch Sùng, Vương Khải, đều ra sức vơ vét bóc lột, sống cuộc đời xa hoa cùng cực. Triều Tây Tấn vừa bắt đầu mà đã thối nát như vậy, tất nhiên không tránh khỏi phát sinh đại loạn.

CHU XỨ TRỪ "TAM HẠI"

Thời Tây Tấn, ngoài những kẻ có quyền thế và sự giàu có, xa xỉ cùng cực như Vương Khải, Thạch Sùng ra, còn có rất nhiều kẻ trong giới quan liêu sĩ tộc no cơm ấm áo, chẳng làm việc gì có ích, chỉ tụm năm tụm ba, đàn đúm nói chuyện bậy bạ ngông cuồng, bịa đặt ra nhiều chuyện hoang đường quái đản. Họ gọi loại hoạt động đó là "thanh đàm". Nhưng những người đó lại có tiếng tăm lớn, địa vị cao trong giới thượng lưu. Điều đó chứng tỏ phong khí không lành mạnh của xã hội thời đó. Tuy nhiên, trong số quan chức vẫn có những người tương đối chính trực có những việc làm đáng khen, Chu Xứ đầu thời Tây Tấn là 1 trong số đó. Khi ông làm thái thú Quảng Hán (nay là ở bắc Quảng Hán, Tứ Xuyên), vì quan lại địa phương trước đó rất thối nát, các đơn từ kiện cáo để dồn đống suốt 30 năm không hề xét xử. Chu Xứ vừa đến nhận chức, liền bắt tay vào xét xử hết những vụ án tồn đọng đó. Sau, ông được điều về triều làm Ngự sử trung thừa, không kể là hoàng thân quốc thích, hễ phạm pháp, ông đều thẳng thắn yêu cầu trừng phạt. Chu Xứ vốn là người ở Nghĩa Hưng (nay là huyện Nghi Hưng, Giang Tô) thuộc Đông Ngô cũ. Khi còn trẻ, ông có vóc dáng cao lớn và sức khỏe hơn người. Cha mất sớm từ nhỏ, ông suốt ngày chơi bời lêu lỏng, không chịu học hành, tính nết lại hung hãn, hơi có chuyện gì là vung nấm đấm đánh người, thậm chí là dùng tới cả đao kiếm. Dân chúng ở vùng Nghĩa Hưng đều sợ ông.

Trên Nam Sơn gần Nghĩa Hưng có 1 con mãnh hổ trán trắng, thường làm hại người và gia súc mà phường săn địa phương chưa làm gì được. Trong dòng sông, bên dưới Trường Kiều có 1 con cá sấu, hay bất ngờ xuất hiện, khiến không ai dám bơi lại gần. Dân chúng vùng Nghĩa Hưng gọi gộp cả Chu Xứ, con hổ trán trắng trên Nam Sơn và con cá sấu dưới Trường Kiều là "Nghĩa Hưng tam hại". Trong số "tam hại" này, Chu Xứ lại là cái "hại" làm dân chúng địa phương đau đầu nhất. Có lần, Chu Xứ đang đi đường, thấy mọi người đều có vẻ buồn bã, liền hỏi 1 ông già: "Cụ ơi, năm nay mùa màng thu hoạch khá, tại sao ai cũng buồn bã, ủ ê như vậy?".

Cụ già xẵng giọng đáp: "Tam hại còn chưa trừ được, thì vui sướng nỗi gì!"

Chu Xứ lần đầu tiên nghe thấy từ "tam hại", liền hỏi: "Cụ nói cho cháu biết "tam hại" là cái gì?".

Cụ già nói: "Con hổ trán trắng trên Nam Sơn, con cá sấu dưới Trường Kiều, cộng thêm bản thân anh nữa. Chẳng là tam hại là gì?".

Chu Xứ giật mình, thì ra lâu nay bà con địa phương vẫn coi mình là đồ gây hại giống như hổ và cá sấu. Ông trầm ngâm một lát rồi nói: "Thôi thì thế này, xưa nay bà con vẫn buồn khổ vì tam hại, cháu sẽ trừ diệt hết chúng".

Hôm sau, Chu Xứ quả nhiên vai mang cung tên, lưng đeo kiếm sắc, vào trong núi tìm hổ. Đi mãi, đi mãi, sâu vào vùng cây cối rậm rạp, bỗng nghe 1 tiếng gầm ghê rợn, con hổ trán trắng từ bụi rậm lao ra. Vốn can đảm và nhanh nhẹn, Chu Xứ nhảy phắt sang 1 bên, nấp vào 1 thân cây lớn, giương cung lắp tên. Đúng lúc con hổ đang gầm ghè lấy đà toan chồm tới, thì "phựt", mũi tên của Chu Xứ đã xuyên vào giữa trán. Kết thúc tính mạng con mãnh thú từng gieo rắc tai họa 1 thời. Chu Xứ trở về thông báo cho mọi người biết. Dân thôn còn bán tín bán nghi, nhưng cũng cử 1 đoàn thợ săn theo vào rừng. Con hổ to lớn được khiêng về trong tiếng reo mừng rộn rã của trẻ già trai gái khắp vùng. Nhiều người đến chúc mừng cho Chu Xứ, nhưng ông gạt đi, nói: "Khoan đã, để tôi đi tìm nốt con cá sấu".

Hôm sau, Chu Xứ thay quần áo chẽn, lại mang cung tên đao kiếm nhảy xuống sông dưới Trường Kiều. Con cá sấu thường ngày ẩn nấp dưới sâu, thấy có người liền nổi lên, xông tới toan đớp. Đã chuẩn bị sẵn, Chu Xứ lao tới đâm mạnh 1 nhát kiếm, ngập gần lún tới cán. Con cá sấu bị trọng thương, đau đớn quay đầu bơi xuôi theo dòng sông. Thấy nó chưa chết, Chu Xứ quyết không buông tha, tìm cách giữ chặt đuôi kiếm. Người và cá sấu vật lộn, lúc chìm xuống đáy nước, lúc cùng nổi lên, trôi nổi xuôi dòng suốt mấy chục dặm. Ba ngày ba đêm trôi qua, vẫn chưa thấy Chu Xứ trở về. Mọi người xôn xao bàn tán, những người chứng kiến từ đầu cho rằng cá sấu đã bị kiếm đâm trúng như thế, khó lòng còn sống được; nhưng trước khi chết, chắc nó cũng đớp và quật chết Chu Xứ rồi. Và như vậy, cả 2 chắc đã chìm sâu dưới đáy nước rồi sẽ trôi ra biển. Lúc đầu, dân chúng cho rằng, nếu Chu Xứ trừ được hổ và cá sấu, đã là tốt lắm rồi, nay không ngờ cả "tam hại" đều đã chết, thật là vượt cả mong muốn, từ nay dân chúng trong vùng được sống bình yên. Thế là khắp phố phường thôn xóm, đều tưng bừng phấn khởi, không khí vui mừng như ngày hội.

Ngờ đâu, tới ngày thứ 4, Chu Xứ vẫn lành lặn trở về. Mọi người đều kinh lạ. Thì ra, con cá sấu bị trọng thương, lại bị Chu Xứ bám riết. Cuối cùng, máu ra nhiều quá, không còn động cựa được nữa, bị Chu Xứ bồi thêm nhiều nhát kiếm, kết thúc tính mạng. Về tới nhà, Chu Xứ ngạc nhiên được biết mọi người đoán rằng mình đã chết, lại tỏ ra vui mừng phấn khởi. Lúc đó, ông mới tỉnh ngộ, nhận thức rõ rằng sự căm ghét của dân chúng trong vùng đối với hành vi trước kia của mình là sâu sắc tới mức độ nào. Quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, Chu Xứ liền rời quê hương, tới Ngô quận tìm thầy học tập. Lúc đó, ở Ngô quận có 2 danh sĩ nổi tiếng là Lục Cơ và Lục Vân. Chu Xứ tìm đến thì Lục Cơ đi vắng, chỉ có Lục Vân ở nhà. Chu Xứ trình bày với Lục Vân về quyết tâm sửa lỗi của mình. Ông nói: "Con vô cùng hối hận vì đã hiểu ra quá muộn, để trôi qua uổng phí bao nhiêu tháng năm quí giá. Bây giờ muốn làm được việc gì hữu dụng, chỉ sợ rằng không kịp nữa".

Lục Vân khuyến khích ông: "Chớ nản lòng. Anh đã có quyết tâm như thế, lo gì không có tiền đồ tươi sáng. Một con người, miễn là có ý chí vững vàng, thì nhất định sẽ làm nên sự nghiệp hữu dụng cho đời".

Từ đó, Chu Xứ miệt mài học tập dưới sự dạy bảo ân cần của Lục Cơ, Lục Vân; vừa trau dồi tri thức, vừa rèn luyện phẩm hạnh. Tinh thần nghiêm túc, cần mẫn của ông được nhiều người biết tiếng và ca ngợi. Ít lâu sau, quan chức ở châu, quận gọi ông ra làm quan. Sau khi Đông Ngô bị Tấn tiêu diệt, ông trở thành 1 đại thần của triều Tấn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx