sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

123-124

PHÙ KIÊN KHÔNG NGHE LỜI CAN GIÁN

Khi Vương Mãnh còn sống, Phù Kiên luôn luôn làm theo lời khuyên và mưu kế do ông nêu ra. Nhưng lời dặn dò tâm huyết của Vương Mãnh trước khi chết thì Phù Kiên lại không nghe theo. Vương Mãnh cho rằng địch thủ của Tiền Tần là người Tiên Ty và người Khương, nhưng Phù Kiên lại hết sức tín nhiệm 2 người từ Tiền Yên tới đầu hàng là Mộ Dung Thùy, quí tộc người Tiên Ty và Diêu Trường, quí tộc người Khương. Vương Mãnh khuyên không nên tiến công Đông Tấn, nhưng Phù Kiên lại cho rằng Đông Tấn lag địch thủ duy nhất, không thể không tìm cách tiêu diệt. Ba năm sau khi Vương Mãnh chết, Phù Kiên phái con trai là Phù Phi cùng với Mộ Dung Thùy và Diêu Trường dẫn mười mấy vạn quân chia làm nhiều đường tiến đánh thành Tương Dương của Đông Tấn. Tướng trấn thủ Tương Dương là Chu Tự kiên quyết chống lại. Quân Tiền Tần mất gần 1 năm mới hạ được thành Tương Dương, bắt sống Chu Tự.

Chu Tự được đưa về Trường An. Phù Kiên thấy Chu Tự kiên quyết giữ Tương Dương, tỏ ra là 1 trung thần có khí tiết, liền phong Chu Tự làm quan của Tiền Tần. Tiếp đó, Phù Kiên lại cử hơn 10 vạn quân từ Tương Dương tiến sang phía đông đánh Hoài Nam, tướng trấn thủ của Đông Tấn là Tạ Thạch, Tạ Huyền dẫn quân thủy bộ đón đánh, quân Tiền Tần thất bại thảm hại. Nhưng Phù Kiên vẫn cay cú, không chịu thôi. Tới năm 382 Phù Kiên tự thấy mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ, liền hạ quyết tâm tiến công vào thành Đông Tấn. Tháng 10 năm đó, Phù Kiên triệu tập các đại thần họp bàn trong điện Thái Cực ở hoàng cung Trường An. Mở đầu cuộc họp, Phù Kiên nói: "Trẫm kế thừa ngôi báu đến nay đã gần ba mươi năm. Các thế lực cát cứ hầu như đã bình định xong. Chỉ còn lại có Đông Tấn ở miền nam là chưa chịu thần phục. Ngày nay chúng ta có chín mươi bảy vạn quân tinh nhuệ. Trẫm dự định thân chinh đi đánh Tấn. Các khanh thấy thế nào?".

Các đại thần đều tỏ ý phản đối chủ trương đó. Đại thần Quyền Dư nói: "Nước Tấn tuy nhỏ yếu, nhưng quốc vương nước đó không phạm sai lầm gì lớn. Họ lại có những văn thần, võ tướng giỏi giang, đoàn kết chặt chẽ như Tạ An, Hoàn Xung. Thần nghĩ rằng bây giờ chưa phải là lúc tiến công lớn vào Đông Tấn".

Võ tướng Thạch Việt tiếp lời: "Nước Tấn có Trường Giang là chướng ngại thiên nhiên, lại thêm dân chúng đều có ý chí giữ nước. Thần sợ rằng chúng ta không thể thắng được".

Nghe thấy ý kiến đó, Phù Kiên nổi giận, lớn tiếng: "Hừm! Chướng ngại thiên nhiên Trường Giang thì đáng kể gì. Quân đội chúng ta đông thế này, mỗi người chỉ cần ném chiếc roi ngựa xuống cũng đủ làm tắc ứ dòng sông lại. Lúc đó thì còn gì là chướng ngại nữa".

Triều thần bàn bạc suốt buổi, vẫn không đi tới quyết định được. Phù Kiên lại bực bội nói: "Các ngươi lui cả đi. Để ta tự suy xét và quyết định".

Các đại thần thấy Phù Kiên nổi nóng, đành lặng lẽ rời khỏi cung điện. Cuối cùng chỉ còn lại Phù Dung là em ruột Phù Kiên ở lại. Phù Kiên kéo tay Phù Dung tới ngồi bên cạnh nói: "Từ xưa tới nay, quyết định quốc gia đại sự, bao giờ cũng chỉ dựa vào một vài người. Hôm nay mọi người bàn bạc lung tung, chẳng đi đến kết quả gì. Việc này phải do hai anh em ta quyết định thôi".

Phù Dung với nỗi lòng nặng trĩu, lựa lời nói với Phù Kiên: "Thưa hoàng huynh, ngu đệ thấy rằng các đại thần đã trung thực nói lên ý kiến của họ. Việc đánh Đông Tấn đúng là có rất nhiều khó khăn. Thêm nữa, quân ta gần đây năm nào cũng ra đánh trận, binh sĩ cũng đã quá mỏi mệt, không muốn lại đi đánh trận nữa. Những người phát biểu hôm nay đều là các trung thần. Dám mong hoàng huynh bệ hạ tiếp nhận ý kiến của họ".

Phù Kiên không ngờ ngay cả Phù Dung cũng chống lại chủ trương của mình, liền xầm mặt lại, nói: "Ngay cả ngươi cũng thở ra cái giọng khiếp nhược đó sao. Ta lấy làm thất vọng về ngươi. Trong tay ta có trăm vạn tinh binh, vũ khí lương thảo chất cao như núi. Đánh kẻ địch quèn như Đông Tấn, sao có thể không thắng lợi được?".

Phù Dung thấy Phù Kiên cứ khăng khăng giữ chủ trương sai lầm đó thì muốn bật khóc, liền cố van xin Phù Kiên: "Hiện nay mà đánh Tấn, không những không có hy vọng thắng lợi mà thêm nữa, tại kinh đô Trường An hiện có rất nhiều người Tiên Ty, người Khương, người Kiệt. Nếu bệ hạ rời khỏi Trường An đi viễn chinh, bọn họ sẽ vùng lên làm phản, thì sau này có hối cũng không kịp nữa. Lẽ nào bệ hạ đã quên lời Vương Mãnh dặn lại lúc lâm chung?".

Sau lần đó còn có rất nhiều đại thần cố khuyên Phù Kiên không nên đánh Tấn, Phù Kiên đều bỏ ngoài tai. Một hôm, quan kinh triệu doãn Mộ Dung Thùy vào xin yết kiến, Phù Kiên yêu cầu Mộ Dung Thùy nói lên ý kiến của mình đối với việc đánh Tấn. Mộ Dung Thùy nói: "Nước mạnh thôn tính nước yếu, đó là lẽ thường. Bậc quân vương anh minh như bệ hạ, trong tay có trăm vạn hùng sư, khắp triều đình đầy mưu thần võ tướng tài giỏi, diệt một nước nhỏ như nước Tấn là chuyện hết sức dễ dàng. Bệ hạ cứ đưa ra ý kiến quyết định là được, hà tất phải trưng cầu ý kiến nhiều người nữa".

Phù Kiên nghe lời Mộ Dung Thùy thì vui mừng hớn hở, cười nói: "Xem ra người có thể cùng ta bình định thiên hạ chỉ có khanh mà thôi". Nói xong lập tức hạ lệnh lấy 500 tấm đoạn thưởng cho Mộ Dung Thùy.

Được Mộ Dung Thùy tâng bốc, xúi giục, Phù Kiên hưng phấn tới suốt mấy ngày đêm không ngủ được. Hoàng phi là Vương phu nhân nghe nói trong triều có rất nhiều đại thần không tán thành xuất binh, liền dùng lời lẽ khéo léo khuyên can Phù Kiên. Phù Kiên nói: "Việc chiến trận, không phải là chuyện để đàn bà quan tâm".

Con trai út rất được yêu chiều của Phù Kiên là hoàng tử Phù Tiên cũng khuyên cha: "Hoàng thúc (chỉ Phù Dung) là người rất trung thành với phụ hoàng, sao phụ hoàng không nghe lời khuyên của hoàng thúc?".

Phù Kiên trả lời lãnh đạm: "Việc lớn quốc gia, trẻ con biết gì mà ăn nói lung tung".

Phù Kiên cự tuyệt mọi lời khuyên của đại thần và người thân, quyết tâm dốc hết vốn liếng, đánh 1 nước bạc liều, đem toàn bộ lực lượng tiến công Đông Tấn. Ông ta phái Phù Dung và Mộ Dung Thùy làm tiên phong. Lại phong Diêu Trường làm Long Nhương tướng quân, chỉ huy quân mã Ích Châu và Lương Châu, chuẩn bị đưa quân đánh Tấn. Hai cháu của Mộ Dung Thùy nói riêng với Mộ Dung Thùy: "Hoàng thượng quá kiêu ngạo. Xem ra lần chiến tranh này là cơ hội tốt để chúng ta khôi phục lại nước Yên đây!".

TẠ AN LẠI RA LÀM QUAN

Tháng 8 năm 383, Phù Kiên thân dẫn 87 vạn đại quân xuất phát từ Trường An. Trên đường đi xuống phía nam, bụi cuốn mù mịt, bộ binh, kỵ binh cộng với xe chỉ huy, lừa ngựa tải lương, đội ngũ rầm rộ, trùng điệp, kéo dài tới hàng ngàn dặm. Hành quân 1 tháng trời, quân chủ lực của Phù Kiên tới Hạng Thành (nay ở phía nam Thẩm Khâu, Hà Nam); thủy quân từ Ích Châu cũng theo Trường Giang xuôi xuống phía đông. Quân mã từ bắc Hoàng Hà kéo đến Bành Thành (nay là thành phố Từ Châu thuộc Giang Tô). Trên chiến tuyến dài hơn 1 vạn dặm từ tây sang đông, quân thủy và quân bộ của Tiền Tần cùng tiến, tới sát vùng Giang Nam. Tin tức truyền tới Kiến Khang, Tần Hiếu Vũ Đế và bá quan văn võ trong triều đều kinh hoàng. Quân và dân triều Tấn đều không muốn để Giang Nam rơi vào tay Tiền Tần. Mọi người cùng trông mong tể tướng Tạ An đứng ra lo liệu công việc chống Tần.

Tạ An là người Dương Hạ thuộc quận Trần (nay là Thái Khanh, Hà Nam), xuất thân trong 1 gia đình sĩ tộc. Thời trẻ ông giao du thân thiết với Vương Hy Chi, thường cùng nhau ngao du sơn thủy, đàm luận thơ văn ở Đông Sơn thuộc Cối Kê. Tiếng tăm của ông trong giai tầng sĩ đại phu rất vang dội, ai nấy đều cho ông là người có tài năng lớn. Nhưng ông thích ẩn cư ở Đông Sơn chứ không thích làm quan. Được nhiều người tiến cử nhưng ông chỉ ra nhận chức được hơn 1 tháng rồi lại bỏ về. Đương thời, trong giới sĩ đại phu lưu hành 1 câu vè:

"Tạ An chẳng muốn làm quan

Nhân dân trăm họ biết làm sao đây?"

Đến năm hơn 40 tuổi, ông mới chịu ra làm quan trở lại. Vì Tạ An ẩn cư lâu dài ở Đông Sơn nên sau này, người ta gọi việc ông ra làm quan lại là "Đông Sơn tái khởi". Sau khi Phù Kiên phát triển thế lực, biên giới phía bắc Đông Tấn thường xuyên bị quân Tiền Tần quấy nhiễu. Triều đình muốn chọn 1 tướng lĩnh văn võ toàn tài lên trấn thủ biên giới. Tạ An tiến cử cháu (con người anh em của Tạ An) là Tạ Huyền với Tấn Hiếu Vũ Đế. Hiếu Vũ Đế phong Tạ Huyền làm tướng lên trấn giữ Quảng Lăng (nay là thành phố Dương Châu thuộc tỉnh Giang Tô), chỉ huy các đạo quân ở Giang Bắc. Tạ Huyền cũng là 1 nhân tài về quân sự. Sau khi đến Quảng Lăng, ông liền chiêu binh mãi mã, tổ chức thêm các đội quân phòng thủ. Lúc đó, nhiều người Hán từ miền bắc chạy xuống, sôi nổi xin sung quân. Trong số họ có 1 người quê ở Bành Thành, tên là Lưu Lao Chi, từ nhỏ đã luyện tập tinh thông võ nghệ; khi ra trận hết sức dũng mãnh. Tạ Huyền dùng Lưu Lao Chi làm tham quân, giao cho chỉ huy 1 đội quân tinh nhuệ. Đội quân đó được Tạ Huyền và Lưu Lao Chi dày công huấn luyện, trở thành 1 đội quân bách chiến bách thắng. Vì đội quân đó đóng ở Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang, Giang Tô), mà Kinh Khẩu lại được gọi là "Bắc Phủ" nên đội quân đó cũng có tên gọi là "Bắc Phủ binh".

Lần này, Phù Kiên đem đại quân tấn công Đông Tấn, Tạ An quyết định tự mình giữ Kiến Khang, cử em là Tạ Thạch làm Chinh Thảo đại đô đốc, Tạ Huyền làm Tiền Phong đô đốc, đem 8 vạn quân lên Giang Bắc chống lại quân Tần. Lại cử tướng Hồ Bân dẫn 5000 thủy quân đến Thọ Dương (nay là huyện Thọ, An Huy) để phối hợp tác chiến. Bắc Phủ binh dưới quyền Tạ Huyền tuy dũng mãnh thiện chiến, nhưng binh lực của Tiền Tần đông gấp 10 lần quân Đông Tấn, nên trong lòng Tạ Huyền không tránh khỏi có lo lắng. Trước khi xuất phát, Tạ Huyền đích thân tới chào từ biệt Tạ An tại nhà riêng và có ý muốn hỏi xem nên tiến hành chiến đấu theo phương pháp gì. Nào ngờ, Tạ An nghe thấy hỏi thì vẫn bình thường như không có chuyện gì, chỉ trả lời nhẹ nhàng, qua quýt: "Ta đã có xếp đặt rồi".

Tạ Huyền nghĩ chắc sau đó Tạ An sẽ dặn dò thêm, nhưng ngồi chờ mãi không thấy Tạ An nói thêm gì nữa. Tạ Huyền về nhà, trong lòng vẫn băn khoăn. Hôm sau lại nhờ người bạn là Trương Huyền đến thăm Tạ An, để thừa dịp thuận lợi hỏi ý kiến Tạ An xem sao. Tạ An vừa thấy Trương Huyền, chẳng nói gì đến chuyện quân sự, mà mời ngay Trương Huyền đến tòa biệt thự trong núi. Tới đó đã có nhiều danh sĩ tới trước, cùng đàm luận văn chương. Trương Huyền không có dịp nào để nêu ra câu hỏi mà Tạ Huyền nhờ. Tạ An mời Trương Huyền cùng mình đánh cờ, và nói vui rằng nếu thua sẽ gán cho Trương Huyền tòa biệt thự này. Trương Huyền vốn là 1 kì thủ có tiếng, ngày thường ông ta luôn thắng Tạ An. Nhưng hôm nay, Trương Huyền không còn lòng dạ chơi cờ nữa, chỉ gượng tiếp Tạ An, nên thua liền mấy ván. Đánh cờ xong, Tạ An lại mời mọi người dạo chơi, xem phong cảnh núi non. Dạo chơi suốt 1 ngày, đến khi trời tối mới trở về nhà. Tối hôm đó, Tạ An triệu tập các tướng Tạ Huyền, Tạ Thạch...tới nhà mình, giao nhiệm vụ cho từng người hết sức rành rọt, tỉ mỉ. Mọi người thấy thấy Tạ An trầm tĩnh, chủ động như vậy, đều thấy vững tin, phấn khởi cùng nhau về quân doanh.

Lúc đó Hoàn Xung ở Kinh Châu thấy tình thế nguy hiểm, liền dành ra 3000 tinh binh đưa tới Kiến Khang để bảo vệ Kinh Thành. Tạ An nói với các tướng sĩ được cử tới: "Ở đây ta đã sắp đặt ổn thỏa cả rồi. Các ngươi hãy trở về để tăng cường cho việc phòng thủ mặt phía tây".

Các tướng sĩ trở về Kinh Châu báo cáo lại với Hoàn Xung. Hoàn Xung rất lo lắng, nói với các tướng sĩ: "Khí độ của Tạ Công đúng là đáng cho mọi người khâm phục. Nhưng ngài không hiểu rõ việc đánh trận. Kẻ địch đã đến trước mặt, mà vẫn ung dung tự tại, binh lực thì ít ỏi, lại cử những tướng trẻ không có kinh nghiệm đi chỉ huy. Có lẽ chúng ta sắp gặp tai họa lớn rồi".


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx