sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bắc Ngụy Phân Liệt

Sau khi Bắc Ngụy dời đô xuống Lạc Dương, Hiếu Văn Đế đã 2 lần đem quân đánh Nam Tề, nhưng gặp phải sức phản kích của quân dân Nam Tề nên đều không giành được thắng lợi. Năm 499, Nam Tề đưa quân đánh lên Bắc Ngụy. Ngụy Hiếu Văn Đế đang có bệnh, vẫn đem quân chống lại, đánh lui được quân Tề. Không lâu sau, Hiếu Văn Đế bị bệnh mất (năm 500). Ngụy Tuyên Vũ Đế Nguyên Khác lên nối ngôi, Bắc Ngụy lại bắt đầu suy yếu. Đến đời Ngụy Hiếu Minh Đế, khi lên ngôi còn rất nhỏ tuổi. Hồ thái hậu lâm triều nghe chính sự. Hồ thái hậu là người độc đoán và xa xỉ. Bà sùng tín Phật giáo, cho rằng Phật giáo có thể giúp xóa mọi tội lỗi cho mình. Bà cho xây dựng cạnh hoàng cung 1 ngôi chùa lớn nguy nga, đồ sộ, đặt tên là chùa Vĩnh Ninh. Các tượng phật được thờ trong chùa, có pho bằng vàng ròng, có pho bằng bạch ngọc.Pho tượng lớn nhất có chiều cao 1 trượng 8 thước (=6m). Cạnh chùa còn xây 1 bảo tháp 9 tầng cao 90 trượng (=300m).

Đêm khuya tĩnh lặng, gió làm lay động quả chuông treo trên tháp phát ra tiếng lan xa ngoài 10 dặm. Trong chùa còn có 1000 gian tăng phòng, được trang trí ngọc ngà gấm vóc, dân thường nhìn thấy đều hoa mắt. Theo nói lại, đây là ngôi chùa hoa lệ nhất từ khi Trung Quốc du nhập đạo Phật cho tới lúc đó. Giai tầng thống trị Bắc Ngụy đã huy động rất nhiều nhân, tài, vật lực để đục các hang núi, dựng tượng phật trong đó. Trước khi xây dựng kinh đô ở Lạc Dương, họ đã đục rất nhiều hang núi ở Vân Cương (nay ở núi Vũ Chu, Đại Đồng, Sơn Tây), và đặt hơn 10 vạn tượng phật ở đó. Từ Tuyên Vũ Đế tới thời Hồ thái hậu, lại đục hang núi ở Long Môn Sơn để làm nơi thờ phật, ròng rã 24 năm, dùng tới hơn 80 vạn nhân công. Những hang đá và tượng phật còn lại cho tới ngày nay, đã tỏ rõ nghệ thuật điêu khắc của nhân dân lao động thời đó. Nhưng việc làm ấy đã khiến nhân dân phải đóng góp rất nhiều. Do trong mấy đời vua trước của Bắc Ngụy, thế nước cường thịnh, giai cấp thống trị đã vơ vét và tích lũy được rất nhiều của cải Một lần, Hồ thái hậu ngẫu nhiên vào nhà kho xem xét, phát hiện thấy quá nhiều lụa là gấm vóc, dùng không sao hết. Bà ta nảy ra 1 ý, gọi các quí tộc đại thần vào kho, tuyên bố thưởng cho họ theo cách: người nào có sức vác được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Các quí tộc đại thần đó đều là bọn tham lam, ào ào xông vào cố vác cho nhiều. Nhưng hàng ngày, chúng chỉ quen ăn chơi phè phỡn, không tham gia lao động chân tay, sao có thể vác được nhiều. Thượng thư lệnh Lý Sùng và Chương Vũ vương Nguyên Dung là 2 người xông lên trước, mỗi người vác 1 xấp lụa dầy, thở hổn hển quay ra. Vừa bước đi mấy bước, cả 2 mệt quá, ngả lăn đùng. Lý Sùng bị sụn lưng, còn Nguyên Dung bị sái cẳng, nằm quay lơ rên rỉ dưới đất.

Hồ thái hậu thấy thế, sai người thu lại 2 xấp lụa. Hai vị đại thần không xơ múi được gì, lại bị đau, lòng khòng, khập khiễng ra khỏi cửa cung, bị đám đông ồn ào giễu cợt, cười nghiêng ngả. Được Hồ thái hậu đầu têu, các quí tộc, đại thần đua nhau phô bày sự giàu sang của mình. Thời Tây Tấn đã từng có đại phú hào Thạch Sùng, Bắc Ngụy đâu có chịu kém, Hà Giang vương Nguyên Thâm cũng muốn học theo kiểu Thạch Sùng. Ông ta mở tiệc, mời các quí tộc đại thần đến dự. Đồ dùng trên các bàn tiệc đủ cả cốc pha lê, bát mã não chế tạo cực kì tinh xảo. Nguyên Thâm còn mời quan khách xem kho chứa vàng bạc, tơ lụa của mình. Cuối cùng, mọi người được mời xem chuồng ngựa, thấy máng đựng thức ăn cho ngựa đều được làm bằng bạc. Nguyên Thâm vừa hướng dẫn khách tham quan, vừa nói với Chương Vũ vương Nguyên Dung: "Mọi người đều nói là Thạch Sùng đời Tấn rất giàu có. Tôi không tiếc là mình không được gặp Thạch Sùng, chỉ tiếc cho Thạch Sùng không được gặp tôi mà thôi!".

Nguyên Dung từ nhà Nguyên Thâm trở về, thấy mình không giàu có bằng Nguyên Thâm, thì buồn rầu ảo não, nằm bẹp trên giường 3 ngày liền không dậy được. quí tộc Bắc Ngụy đua nhau xa xỉ cùng cực như thế, đương nhiên phải ra sức bóc lột tàn tệ nhân dân lao động. Nhân dân chịu không nổi, đã vùng lên phản kháng. Lúc đó ở biên giới phía bắc, triều đình Bắc Ngụy lập nên 6 trấn, phái quân đến đóng giữ. Năm 523, một người Hung Nô tên là Phá Lục Hàn Bạt Lăng dẫn đầu 1 số binh sĩ thuộc trấn Ốc Dã, giết tướng chỉ huy trấn, rồi phát động khởi nghĩa. Binh sĩ ở 5 trấn khác đều sôi nổi hưởng ứng. Thế lực quân khởi nghĩa mỗi ngày 1 lớn. Cuối cùng, triều đình Bắc Ngụy lôi kéo được tộc Nhu Nhiên ở miền bắc để cùng đánh lại nghĩa quân, nên cuộc khởi nghĩa thất bại. Để chấm dứt việc phản kháng của binh sĩ 6 trấn, triều đình Bắc Ngụy liền điều tất cả hơn 20 vạn binh sĩ ở đó xuống các vùng Ký Châu, Định Châu, Doanh Châu (đều thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay). Số binh sĩ này không chịu nổi sự nô dịch hà khắc lại vùng lên khởi nghĩa ở Ký Châu. Cát Vinh, người tộc Tiên Ty, lãnh đạo quân khởi nghĩa tiến đánh Doanh Châu. Triều đình Bắc Ngụy cử Chương Vũ vương Nguyên Dung làm đại tư mã, Quảng Dương vương Nguyên Thâm (không phải là Nguyên Thâm đã nói ở trên) làm đại đô đốc, đem đại quân đánh dẹp.

Bọn quí tộc ăn chơi phè phỡn không quen chiến trận. Quân khởi nghĩa của Cát Vinh đến trấn Bác Dã (nay ở vùng giữa tỉnh Hà Bắc), phái 1 đội kỵ binh nhẹ tập kích vào đại doanh của Nguyên Dung. Nguyên Dung không phòng bị gì, bị quân khởi nghĩa giết chết. Nguyên Thâm nghe tin Nguyên Dung bị giết, sợ hãi dẫn quân lui về Định Châu, cũng bị kỵ binh của Cát Vinh đuổi theo bắt sống. Cát Vinh hợp các cánh quân khởi nghĩa lại, phao lên là có 100 vạn quân, chuẩn bị đánh về Lạc Dương, thanh thế lừng lẫy. lúc đó ở Tú Dung (nay thuộc tỉnh Sơn Tây) có 1 tù trưởng bộ lạc tên là Nhĩ Chu Vinh, chỉ huy 8000 kỵ binh dũng mãnh, chống đối lại quân khởi nghĩa. Hiếu Minh Đế liền lợi dụng binh lực của Nhĩ Chu Vinh để đối phó với Cát Vinh. Cát Vinh cho rằng Nhĩ Chu Vinh ít quân, dễ đối phó, liền triển khai quân trên 1 chính diện rộng mấy chục dặm, chuẩn bị vây bắt Nhĩ Chu Vinh. Nào ngờ, Nhĩ Chu Vinh cho quân mai phục trong hẻm núi và dùng quân tinh nhuệ đánh thọc vào trận địa mỏng yếu của Cát Vinh tan tác, rồi từ mấy mặt đánh kẹp lại. Quân khởi nghĩa bị đánh bại, bản thân Cát Vinh cũng bị giết chết.

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Cát Vinh bị đánh bại, nội bộ triều đình Bắc Ngụy cũng xảy ra đại loạn. Ba lực lượng của Nhĩ Chu Vinh, Hồ thái hậu và Hiếu Minh Đế tàn sát lẫn nhau. Cuối cùng, thực quyền trong triều Bắc Ngụy rơi vào tay 2 viên đại tướng là Cao Hoan và Vũ Văn Thái. Năm 534, Hiếu Vũ Đế của Bắc Ngụy phải chạy vào Trường An, dựa vào Vũ Văn Thái. Năm sau, Vũ Văn Thái giết Hiếu Vũ Đế, lập Hiếu Văn Đế. Cao Hoan lại phò tá Ngụy Hiếu Tĩnh Đế, dời đô đến Nghiệp Thành. Từ đó, Bắc Ngụy phân biệt thành 2 triều đình. Lịch sử gọi triều Ngụy đóng đô ở Trường An là Tây Ngụy, triều Ngụy đóng ở Nghiệp Thành là Đông Ngụy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx