Khi Trần Vũ Đế xây dựng nên vương triều Trần thì ở miền bắc, Bắc Tề và Bắc Chu đã thay thế Đông Ngụy và Tây Ngụy. Năm 550, Cao Tường, con của Cao Hoan ở Đông Ngụy xây dựng nên triều Bắc Tề. Năm 557, Vũ Văn Giác, con của Vũ Văn Thái ở Tây Ngụy xây dựng nên triều Bắc Chu. Bắc Tề và Bắc Chu lại xung đột nhau, đến đời Bắc Chu Vũ Đế (năm 561-579) thì Bắc Chu tiêu diệt Bắc Tề (578) và thống nhất miền bắc Trung Quốc. Bắc Chu Vũ Đế là 1 hoàng đế khá giỏi giang, nhưng đến đời Tuyên Đế tiếp sau ông, thì lại là 1 hoàng đế hoang dâm bạo ngược. Sau khi Chu Tuyên Đế chết đi, nhạc phụ là Dương Kiên tiếm quyền. Năm 581, Dương Kiên lập ra triều Tùy, đó là Tùy Văn Đế.
Trong khi miền bắc ở trong tình trạng rối ren về chính trị, thì vương triều Trần ở miền nam tạm thời có được cục diện ổn định, kinh tế dần được khôi phục. Nhưng đến đời thứ 5, lại là 1 ông vua buông thả vô độ đến kỳ lạ. Đó là Trần Hậu Chủ. Trần Hậu Chủ tên là Trần Thúc Bảo, là 1 hoàng đế không hiểu gì việc trị nước, chỉ biết uống rượu và vui chơi. Ông ham mê việc xây dựng, cho dựng lên ở Kiến Khang 3 tòa lầu các hào hoa tráng lệ làm nơi ở cho các sủng phi. Tể tướng Giang Tổng, thượng thư Khổng Phạm cũng đều là những văn nhân thối nát. Mỗi khi Trần Hậu Chủ và các sủng phi mở tiệc trong cung, bao giờ cũng có Giang, Khổng tham gia. Họ uống rượu ngâm thơ thâu đêm suốt sáng, người xướng kẻ họa, rồi phổ nhạc, chọn ra hơn 1000 cung nữ vừa múa vừa ca những tác phẩm của họ. Để có cuộc sống phóng túng, xa hoa như vậy, đương nhiên Trần Hậu Chủ phải ra sức vơ vét bóc lột nhân dân. Trăm họ lầm than, ly tán, khắp nơi có thể thấy thây người chết đói.
Một đại thần là Phó Tể dâng sớ lên nói: "Tình hình đất nước đã đến lúc trời giận, người oán, dân chúng chống lại, người thân xa rời rồi. Nếu còn tiếp tục như thế này, e rằng vương triều ta sẽ diệt vong mất".
Trần Hậu Chủ xem xong sớ tấu, liền nổi giận đùng đùng, phái người tới bảo Phó Tể: "Ngươi có thấy như thế là đại bất kính không? Nếu ngươi chịu nhận rõ tội thì Trẫm còn có thể khoan thứ cho ngươi".
Phó Tể trả lời sứ giả của Trần Hậu Chủ: "Tấm lòng của tôi cũng như khuôn mặt của tôi. Nếu khuôn mặt có thể thay đổi được thì tấm lòng tôi mới có thể thay đổi được!".
Trần Hậu Chủ liền sai giết Phó Tể. Năm thứ 5 đời Trần Hậu Chủ, triều Tùy ở miền bắc dần dần lớn mạnh lên, quyết định đem quân tiêu diệt triều Trần ở phương nam. Tùy Văn Đế làm theo kế hoạch do các mưu sĩ đưa ra: cứ gần đến mùa gặt của miền Giang Nam thì Tùy cho tập kết người ngựa ở biên giới, tuyên bố chuẩn bị đánh xuống phía nam, làm cho dân chúng Trần xôn xao sợ hãi, không dám đi gặt lúa. Chờ đến khi Trần tập trung đủ quân đội để chuẩn bị chống lại thì quân Tùy lại không tiến công nữa. Cứ liên tục như vậy trong mấy năm, nền nông nghiệp Trần bị ảnh hưởng nặng và sự cảnh giác của quân đội cũng lơi lỏng. Quân Tùy còn thường xuyên phái những toán nhỏ lẻn xuống tập kích, đốt phá kho tàng của Trần, khiến thực lực của Trần bị sứt mẻ nghiêm trọng. Năm 588, Tùy Văn Đế chuẩn bị đội ngũ chiến thuyền hùng hậu, phái con là Tấn vương Dương Quảng cùng thừa tướng Dương Tố làm nguyên soái, Hạ Nhược Bật và Hàn Cầm Hổ làm đại tướng, dẫn 11 vạn quân, chia làm 8 đường, chuẩn bị vượt sông đánh Trần.
Tùy Văn Đế hạ chiếu thư, tuyên bố thảo phạt triều Trần, vạch ra 20 tội trạng của Trần Hậu Chủ và in ra 30 vạn bản, cử người phân phát khắp các địa phương ở Giang Nam. Trăm họ nước Trần vốn đã căm giận Trần Hậu Chủ, nay nhận được chiếu thư của Tùy Văn Đế, đều rục rịch xôn xao cả lên. Thủy quân Tùy do Dương Tố chỉ huy xuất phát từ Vĩnh An. Mấy ngàn chiến thuyền lớn mang hiệu Hoàng Long (rồng vàng) theo dòng Trường Giang tiến xuống. Cờ xí rợp sông, khôi giáp và vũ khí sáng lóa dưới ánh mặt trời. Quân phòng thủ của Trần nhìn thấy cảnh đó, đều sợ hãi ngây người, làm gì còn tinh thần chiến đấu nữa. Mấy cánh quân khác của Tùy đều tiến quân thuận lợi tới sát bờ sông. Cánh bắc do Hạ Nhược Bật chỉ huy tiến tới Kinh Khẩu, cánh quân của Hàn Cầm Hổ tiến đến Cô Thục. Quân phòng thủ của Trần gửi thư cáo cấp về Kiến Khang tới tấp như bươm bướm.
Trần Hậu Chủ cùng các sủng phi và văn nhân đang say nghiêng ngả. Nhận được thư cáo cấp, ông ta chẳng thèm bóc xem, ném hàng đống trên giường, chẳng đoái hoài gì. Về sau, thư cáo cấp càng lúc càng gấp. Có đại thần nhiều lần xin họp để bàn việc chống quân Tùy, Trần Hậu Chủ mới cho họp đại thần lại bàn bạc. Trần Hậu Chủ nói: "Đông nam là vùng phúc địa, trước kia Bắc Tề đã tiên công 3 lần, Bắc Chu cũng tiến công hai lần, nhưng đều thất bại. Lần này quân Tùy đến, cũng chỉ là đến nộp mạng mà thôi. Không có gì đáng sợ cả!".
Sủng thần Khổng, Phạm phụ họa theo nói: "Bệ hạ nói rất đúng. Chúng ta có Trường Giang là thiên hiểm (chướng ngại thiên nhiên). Quân Tùy không có cánh làm sao bay qua được! Đây là do các tướng giữ biên thùy muốn kể công nên dựng chuyện ra thôi".
Các đại thần đua nhau dựa ý nhà vua, không coi quân Tùy ra gì. Bàn quấy một hồi, rồi vua tôi lại cho ca nữa tấu nhạc, tiếp tục yến ẩm. Năm 589, tháng giêng, quân mã của Hà Nhược Bật vượt sông ở Quảng Lăng, đánh chiếm Kinh Khẩu. Cánh quân của Hàn Cầm Hổ vượt sông ở Hoàng Giang, tiến xuống Thái Thạch. Hai cánh quân Tùy áp sát Kiến Khang. Lửa đã cháy tới lông mi, Trần Hậu Chủ bắt đầu hoảng sợ. Trong thành Kiến Khang có mười mấy vạn quân, nhưng các sủng thần Giang Tổng, Khổng Phạm vốn chỉ biết ngâm thơ, không biết chỉ huy quân đội thế nào. Trần Hậu Chủ cuống cuồng khóc mếu, không có biện pháp gì. Chẳng mấy lúc, quân Tùy đã tràn vào Kiến Khang. Quân bảo vệ số thì đầu hàng, số thì bị bắt, không có sự kháng cự nào đáng kể. Quân Tùy vào cung, tìm khắp nơi không thấy Trần Hậu Chủ đâu. Sau, có mấy thái giám nói là Hậu Chủ đã chạy ra hậu điện, đâm đầu xuống giếng rồi. Quân Tùy tìm tới hậu điện, nhìn xuống thì là cái giếng khô, thấp thoáng bên dưới thấy có người. Quân Tùy thét hỏi, không thấy tiếng trả lời. Quân lính liền dọa: "Nếu không trả lời sẽ ném đá xuống". Một số lính vác đá tới, làm ra vẻ chuẩn bị ném xuống.
Trần Hậu Chủ sợ hãi kêu thất thanh, quân lính Tùy liền thả dây thừng xuống. Lúc kéo lên thấy rất nặng. Thì ra, ngoài Trần Hậu Chủ, còn có 2 sủng phi nữa cùng bám vào dây thừng, mặt mũi tái xanh tái xám. Triều Trần, triều đại cuối cùng của Nam Triều diệt vong. Như vậy, tính từ năm 316 khi Tây tấn diệt vong, qua hơn 270 năm chia cắt, Trung Quốc lại trở lại thống nhất dưới triều Tùy.
@by txiuqw4