Sau khi Tùy Dạng Đế Dương Quảng lên ngôi, liền nghĩ cách tăng cường sự khống chế về chính trị trong cả nước, đồng thời làm cho vật tư dồi dào của miền Giang Nam có thể vận chuyển thuận lợi lên miền bắc, cộng thêm tính ham hưởng lạc, nên chủ trương làm ngay 2 việc "lớn": một là, xây dựng Lạc Dương thành một đô thành mới, gọi là Đông Đô. Hai là đào 1 con sông thông suốt nam bắc, gọi là Đại vận hà.
Năm 605, Tùy Dạng Đế trao cho Vũ Văn Khải, 1 đại thần chuyên quản lý việc xây dựng, nhiệm vụ xây dựng Đông Đô. Vũ Văn Khải là 1 công trình sư có tài. Ông ta đoán đúng tâm lý thích phô trương xa xỉ của Tùy Dạng Đế nên đã cho xây dựng Đông Đô hết sức to lớn, tráng lệ. Mọi thứ gỗ tốt, đá quí đều được vận chuyển từ vùng phía nam Trường Giang, phía bắc Ngũ Lĩnh lên. Chỉ riêng 1 cây gỗ lớn dùng làm cột, đã phải điều hàng ngàn người kéo. Để xây dựng Đông Đô, mỗi tháng phải huy động 2 triệu dân công thi công liên tục suốt ngày đêm. Ở phía tây Lạc Dương, còn làm 1 vườn hoa lớn, dành riêng cho Tùy Dạng Đế thưởng ngoạn, gọi là Tây Uyển. Vườn có chu vi 200 dặm, bên trong có biển và núi nhân tạo, các đình đài lầu các, kỳ hoa dị thảo, không thứ gì không có. Điều đặc biệt không tưởng tượng được, là vào mùa đông khi cây trụi hết lá, rất nhiều người đã được cắt cử đến để dán lên mọi cành cây các mảnh lụa màu theo đúng hình hoa lá của từng loại cây, khiến cho khắp vùng vườn rộng lớn được xanh tốt như mùa xuân, hạ.
Cũng trong năm khởi công xây dựng Đông Đô, Tùy Dạng Đế còn hạ lệnh điều động hơn 1 triệu dân phu thuộc Hà Nam và Hoài Bắc để đào 1 con sông từ vườn Tây Uyển ở Lạc Dương đến Sơn Dương (nay là Hoài An, Giang Tô) ở bờ nam Hoài Thủy và đặt tên là "Thông Tế cừ". Ngoài ra, còn điều hơn 10 vạn dân phu ở Hoài Nam để nạo vét Hàn Cừ nối Sơn Dương với Giang Đô (nay là Dương Châu, Giang Tô). Hàn Cừ vốn được Ngô vương Phù Sai cho đào từ thời Xuân thu, đến lúc đó nhiều chỗ đã bị lấp cạn. Hai đoạn đường thủy trên được mở ra và khai thông khiến cho việc giao thông đường thủy từ Lạc Dương đến Giang Nam tiện lợi hơn trước rất nhiều. Trong 5 năm sau đó, Tùy Dạng Đế lại 2 lần hạ lệnh điều dân phu để đào vận hà. Đoạn thứ nhất từ bờ bắc Hoàng Hà ở Lạc Dương đến Trác Quận (nay là Bắc Kinh), gọi là "Vĩnh Tế cừ". Đoạn thứ 2 từ Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang, Giang Tô) đến Dư Hàng (nay là Hàng Châu, Triết Giang), gọi là "Giang Nam Hà". Cuối cùng, nối liền 4 vận hà trên lại với nhau, thành ra 1 Đại vận hà xuyên suốt bắc nam, dài tới 4000 dặm. Đại vận hà này là 1 trong những công trình vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nó có vai trò tích cực trong việc phát triển kinh tế, văn hóa và duy trì sự thống nhất của Trung Quốc. Tất nhiên, để có được công trình vĩ đại này, nhân dân lao động đã phải đổ mồ hôi và thậm chí cả sinh mạng mới hoàn thành được.
Tùy Dạng Đế đặc biệt thích đi tuần du bên ngoài kinh đô Lạc Dương, một là để chơi bời hưởng lạc, hai là để tỏ rõ uy phong với trăm họ. Khi vận hà nối liền Lạc Dương (tức Đông Đô) với Giang Đô vừa làm xong. Tùy Dạng Đế liền dẫn 1 đội ngũ đông đảo gồm 20 vạn người đi tuần du Giang Đô. Trước đó, Tùy Dạng Đế đã cho đóng hơn 1 vạn chiếc thuyền lớn dùng cho việc này. Ngày xuất phát, Tùy Dạng Đế và Tiêu hoàng hậu mỗi người dùng 1 chiếc thuyền cực lớn 4 tầng. Trên mỗi thuyền, có bố trí cung điện và hơn 100 gian cung thất, trang trí vàng son rực rỡ. Tiếp sau 2 thuyền lớn là mấy ngàn thuyền hoa dành cho các cung phi, vương công quí tộc, văn võ bá quan. Sau đó là mấy ngàn thuyền lớn chở binh lính tùy tùng cùng vũ khí, màn trướng. Trên 1 vạn chiếc thuyền dàn trên mặt sông, từ thuyền đầu tới thuyền cuối dài tới 200 dặm.
Đoàn thuyền lớn như vậy vận hành bằng cách nào? Các quan lo việc phục vụ ăn chơi cho hoàng đế đã chuẩn bị đầy đủ: hai bờ vận hà, đã trồng liễu thành hàng tít tắp, sát bờ sông là con đường đất nhỏ, 8 vạn dân phu được điều động để kéo thuyền, có kỵ binh đi kèm đốc thúc. Quang cảnh chuyển đi thật tưng bừng, rộn rã. Dưới sông là đoàn thuyền dài vô tận, treo đèn kết hoa rực rỡ; trên bờ là kỵ binh và phu kéo thuyền mang những lá cờ ngũ sắc lớn. Về đêm, đèn đuốc sáng trưng, chiêng trống vang rền, quang cảnh hào hoa không lời nào tả xiết. Để cung cấp mọi hưởng dụng cho đoàn du ngoạn, Tùy Dạng Đế hạ lệnh cho nhân dân vùng 2 bờ sông phải nộp đủ rượu thịt và lương thực, gọi việc đó là "hiến thực". Các quan châu huyện nhận lệnh, liền bắt dân soạn sửa tiệc rượu dâng lên hoàng thượng. Mỗi huyện phải chuẩn bị hàng trăm mâm tiệc. Tùy Dạng Đế và cung phi, thái giám, vương công đại thần không thể nào ăn hết. Thức ăn dư thừa được sai đổ xuống 1 hố lớn ven bờ rồi lấp đi. Trong khi đó, những người dân lo toan chạy vạy để hiến thực, có nhiều người phải khuynh gia bại sản.
Giang Đô thời đó là 1 đô thị phồn hoa. Tùy Dạng Đế đến đó ngoài việc thả sức ăn chơi hưởng lạc, còn nhân dịp phô diễn oai phong. Chỉ riêng đồ dùng và nghi trượng phục vụ cho 1 lần tuần du, đã cần hơn 10 vạn nhân công chế tác và tiêu tốn hàng trăm triệu quan tiền. Lần tuần du đầu tiên kéo dài đúng nửa năm trời. Sau đó Dạng Đế mới trở lại Đông Đô. Từ đó trở về sau, hầu như năm nào Tùy Dạng Đế cũng mở cuộc tuần du. Một lần, ông ta đi đường bộ lên phía bắc, điều động dân phu của mười mấy quận huyện Hà Bắc, đục núi Thái Hàng, lấy đá rải trên đường sẽ đi qua. Để đảm bảo an toàn cho cuộc tuần du, còn điều động hơn 1 triệu người sửa lại Trường Thành, hẹn trong 20 ngày phải xong. Sau đó, dưới sự hộ tống của 50 vạn quân, Tùy Dạng Đế tiến hành cuộc tuần du dọc biên cảnh phía bắc. Ở miền bắc, không có sẵn cung điện dành cho Tùy Dạng Đế nghỉ ngơi, công trình sư Vũ Văn Khải liền đặc biệt chế tạo 1 cung điện di động dành cho hoàng đế và hoàng hậu, cung phi, thị vệ, đặt tên là "Quan phong hành điện". Loại "hành điện" này khi sử dụng đến thì lắp lại, lúc thường có thể tháo ra để vận chuyển theo. Khi lắp, toàn bộ hành điện có thể di động nhờ những bánh xe đặt bên dưới, bên trong có thể chứa mấy trăm người. Vào thời bấy giờ, loại cung điện di động này có thể kể là 1 phát minh. Nhưng đáng tiếc, nó chỉ nhằm phục vụ riêng cho Tùy Dạng Đế mà thôi.
Việc xây dựng Đông Đô, đào vận hà, đắp Trường Thành, cộng thêm những cuộc tuần du liên miên hết năm này đến năm khác, khiến cho nhân dân phải lao dịch và đóng góp sưu thuế nặng nề tới mức không sao chịu đựng nổi. Trước tình hình đó, sự kiêu sa, dâm dật của Tùy Dạng Đế lại càng ngày càng tăng thêm. Để phô trương sức mạnh và khoe khoang vũ công, năm 611, Tùy Dạng Đế phát động cuộc chiến tranh xâm lược Cao Ly (nay là bán đảo Triều Tiên). Năm đó, ông xuất phát từ Giang Đô, cưỡi thuyền rồng theo vận hà đi lên Trác Quận, đích thân chỉ huy cuộc chiến. Ông hạ lệnh cho quân đội trong cả nước không kể xa gần, đều phải tập trung về Trác Quận. Ngoài ra, còn hạ lệnh bắt thợ thuyền về cửa biển Đông Lai (nay thuộc huyện Dịch, Sơn Đông) chế tạo gấp 300 thuyền chiến lớn. Các dân phu làm thuyền có quan lại đôn đốc nghiêm ngặt, thay nhau làm việc suốt ngày đêm, ngày nào cũng phải ngâm nửa mình dưới nước biển, nên từ lưng trở xuống đều bị bợt da, thối thịt. Rất nhiều người không chịu đựng nổi, đã gục chết trong nước biển.
Đồng thời, Tùy Dạng Đế còn hạ lệnh cho các vùng Hà Nam, Hoài Nam, Giang Nam chế tạo 5 vạn cỗ xe lớn, đưa đến Cao Dương vận chuyển khôi giáp, màn trướng cho binh lính. Một mặt, lệnh cho miền Giang Nam, Hoài Nam huy động dân phu và thuyền bè chở lương thực từ kho Lê Dương (nay ở đông nam huyện Tuấn, Hà Nam) và kho Lạc Khẩu lên Trác Quận. Thế là, thuyền bè xe cộ khắp nước, không kể ngày đêm từ các hướng nườm nượp đi lên Trác Quận. Mấy chục vạn dân phu quá mỏi mệt, nhiều người chết gục trên đường, suốt dải đường dài đầy xác chết. Dân phu vì thế bị thiếu, trâu bò cày liền được điều đi thồ thay người, làm cho đồng ruộng bỏ hoang, toàn dân lâm vào nạn đói. Nhân dân không chịu nổi nữa, liền vùng lên phản kháng. Đầu tiên là Vương Bạc ở Trâu Bình (nay thuộc Sơn Đông) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở núi Trường Bạch. Vương Bạc sáng tác ra bài hát "không đi chết uổng ở Liêu Đông", kêu gọi nhân dân chống lại quan lại triều đình. Lời ca viết:
"...Nếu thấy quan quân đến
Vác dao vùng chém luôn
Dù đầu rơi máu chảy
Còn hơn đi Liêu Đông..."
Tiếp đó, ở các vùng rộng lớn thuộc Sơn Đông, Hà Bắc liên tiếp nổ ra các cuộc khởi nghĩa nông dân. Nền thống trị của vương triều Tùy bắt đầu lung lay.
@by txiuqw4