sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Lý Bạch Coi Thường Quyền Quý

Năm 61 tuổi, Đường Huyền Tông say đắm 1 mỹ nhân trẻ tuổi là Dương Ngọc Hoàn, vốn là vợ của Thọ vương Lý Mạo, hoàng thử thứ 18, rồi phong nàng làm quý phi. Theo nói lại, Dương Quý Phi là người đẹp hiếm có, lại còn rất thông minh lanh lợi, am hiểu âm nhạc, vũ đạo. Đường Huyền Tông phong quan cho 2 người anh họ của nàng, và phong cho 3 người chị làm phu nhân. Dương Quý Phi có người anh họ xa tên là Dương Chiêu (sau đổi tên là Dương Quốc Trung) sống ở đất Thục, nghèo tới mức không đủ cơm ăn. Hắn nghe nói cô em họ được phong quý phi, liền đem lễ vật tới Trường An xin gặp. Dương Quý Phi chỉ nói mấy lời khen ngợi với Đường Huyền Tông, hắn liền được phong làm tham quân trong quân Cấm vệ. Đường Huyền Tông từ lâu đã trao chính sự cho Lý Lâm Phủ, từ sau khi có Dương quý Phi, ông ta liền ở lỳ trong cung cấm, ngày ngày vui chơi hưởng lạc, ngay việc triều kiến theo thường lệ hàng ngày cũng ngại không tiến hành nữa. Dương Quý Phi thích cái gì, Đường Huyền Tông đều tìm cách thỏa mãn. Đặc biệt Dương Quý Phi thích ăn vải, là 1 thứ quả chỉ ở phương nam mới có. Để chiều theo ý muốn của Dương Quý Phi, Đường Huyền Tông hạ lệnh cho các quan chức miền Lĩnh Nam dùng ngựa trạm đưa quả vải tươi về kinh thành Trường An. Thế là suốt dọc chiều dài đất nước mọc lên rất nhiều trạm ngựa chuyên dùng vào cuộc chạy tiếp sức hàng vạn dặm, đảm bảo cho quả vải tới tay quý phi vẫn tươi ngon như lúc mới hái.

Hàng ngày, khi hoàng đế và quý phi uống rượu, không thể thiếu người tấu nhạc giúp vui. Nhưng trong cung chỉ có những bản nhạc và lời ca cũ, nghe đã chán tai. Hoàng đế muốn tìm người soạn bài ca mới. Một quan chức là Hạ Tri Chương tâu với Đường Huyền Tông: "Một đại thi nhân mới đến ở Trường An tên là Lý Bạch, là một thiên tài về thơ phú và văn chương".

Đường Huyền Tông từ lâu đã nghe tiếng tăm Lý Bạch, liền bảo Hạ Tri Chương nhanh chóng dẫn Lý Bạch vào cung. Lý Bạch tự là Thái Bạch, 1 trong những thi nhân nổi tiếng nhất thời Đường. Ông sinh ở Toái Diệp, tổ tiên là người ở Thành Kỷ thuộc Mỹ Tây (nay ở phía đông Thái An, Cam Túc). Từ nhỏ, ông đã xem nhiều học rộng, tính cách phóng khoáng. Ngoài việc đọc sách, ông còn là người giỏi kiếm thuật. Từ năm 20 tuổi, để tăng thêm kiến thức, ông đã đi thăm khắp nơi trong nước. Gót chân ông đã đặt trên các thành thị lớn như Trường An, Lạc Dương, Kim Lăng, Giang Đô và các nơi danh thắng như Động Đình, Lư Sơn, Cối Kê. Do có kiến thức sâu rộng cộng với tài năng thiên phú, nên thơ ca ông viết ra đã đạt được thành tựu kiệt xuất. Lý Bạch còn là người có hoài bão chính trị. Với bản lĩnh cao ngạo nên ông đã hết sức phẫn nộ và khinh ghét thói hủ bại trong quan trường lúc bấy giờ, hy vọng được triều đình sử dụng để có dịp mang tài năng ra xoay chuyển cục diện. Lần này tới Trường An, nghe nói Đường Huyền Tông triệu kiến, ông cũng rất phấn khởi.

Đường Huyền Tông tiếp kiến Lý Bạch trong cung điện. Sau khi nói chuyện, thấy Lý Bạch đúng là người có tài, liền phấn khởi nói: "Khanh là một nhân sĩ bình thường mà tên tuổi ngay đến trẫm cũng biết. Nếu không có chân tài thực học thì sao có thể nổi tiếng như thế được".

Sau cuộc tiếp kiến, Đường Huyền Tông phong Lý Bạch làm 1 chức quan trong Hàn lâm viện để chuyên khởi thảo chiếu thư cho hoàng đế. Lý Bạch vốn ham uống rượu, đã uống là uống cho tới khi say khướt mới thôi. Sau khi đã làm quan trong Hàn lâm viện, ông vẫn không sửa được thói quen đó, thường cùng các bạn thơ tới các tửu điếm ở Trường An uống rượu. Một hôm, Đường Huyền Tông nghe thấy nhạc công trình bày 1 bản nhạc mới nhưng chưa có ca từ, liền hạ lệnh cho thái giám đi tìm Lý Bạch. thái giám tìm khắp viện Hàn lâm và hà riêng, vẫn không thấy Lý Bạch đâu. Sau có người mách là ông đang uống rượu ngoài phố. Thái giám đi tìm khắp phố phường Trường An, mãi mới thấy Lý Bạch trong 1 quán rượu. Thì ra Lý Bạch quá say, đang nằm ngủ ở đó. Thái giám lay gọi ông, nói hoàng thượng triệu kiến. Lý Bạch cố rửa mặt, hỏi có chuyện gì. Thái giám không kịp đôi hồi, vội vực ngay ông lên kiệu khiêng vào trong cung. Lý Bạch vào cung, ngẩng đầu nhìn thấy Đường Huyền Tông, muốn làm lễ triều bái, nhưng không thể điều khiển nổi chân tay. Thái giám thấy ông quá say, liền mang 1 chậu nước lạnh vẩy lên mặt, ông mới dần dần tỉnh lại. Đường Huyền Tông yêu tài Lý Bạch, không quở trách gì, chỉ yêu cầu ông mau viết lời cho bài nhạc mới soạn.

Các thái giám rối rít bày bút, mực, giấy, lụa lên bàn. Lý Bạch ngồi bệt xuống đất, bỗng cảm thấy chân còn đi giầy vướng víu quá. Ông nhìn thấy bên cạnh có 1 thái giám có tuổi, liền duỗi chân ra bảo người đó: "Làm ơn cởi giúp đôi giày ra".

Lão hoạn quan đó là Cao Lực Sĩ, người đứng đầu các hoạn quan, được Đường Huyền Tông rất yêu mến. Hàng ngày ông ta dựa thế hoàng đế, thường tác uy tác phúc với các quan trong triều. Thế mà bây giờ 1 viên quan nhỏ trong Hàn lâm viện dám sai cởi giầy làm ông ta tức uất người. Nhưng Đường Huyền Tông đang đứng chờ bên cạnh, nếu cự lại Lý Bạch, làm hoàng thượng mất hứng, thì cũng rầy rà. Ông ta đành nén giận, làm ra vẻ không chấp gì chuyện đó, cười khanh khách nói: "Ồ say quá rồi, giầy cũng không cởi nổi", rồi cởi bỏ giầy cho ông.

Được cởi giầy xong, Lý Bạch chẳng hề nhìn người vừa giúp đỡ mình, cầm ngay lấy bút, viết những dòng như rồng bay phượng múa. Chẳng mấy chốc đã viết xong 3 đoạn lời theo "Thanh bình điệu" nộp cho Đường Huyền Tông. Đường Huyền Tông ngâm đi ngâm lại, thấy lời văn đẹp đẽ, tiết tấu nhịp nhàng, đúng là loại thơ hay liền giao ngay cho nhạc công diễn xướng. Đường Huyền Tông rất tán thưởng Lý Bạch, nhưng Cao Lực Sĩ, kẻ đã bị ông bắt cởi giầy thì căm tức trong lòng. Một hôm, trong khi đi theo Dương quý Phi ngắm cảnh trong ngự viện. Dương Quý Phi cao hứng hát lên lời ca do Lý Bạch viết. Cao Lực Sĩ làm bộ kinh ngạc nói: "Ôi chao, tên Lý Bạch đó nhục mạ nương nương trong bài thơ đó, nương nương không biết sao?".

Dương quý Phi lấy làm lạ, liền hỏi vì sao. Cao Lực Sĩ liền thêm thắt vào, nói câu thơ của Lý Bạch có ý so sánh Dương Quý Phi với Triệu Phi Yến, 1 hoàng hậu phóng đãng thời Hán. Đó là 1 sự châm biếm cố ý. Dương Quý Phi tin theo lời Cao Lực Sĩ liền nổi giận và tìm cách nói xấu Lý Bạch với Đường Huyền Tông. Dần dần Đường Huyền Tông cũng cảm thấy không ưa Lý Bạch nữa. Lý Bạch cũng nhận ra, xung quanh Đường Huyền Tông chỉ là 1 lũ tiểu nhân loại như Lý Lâm Phủ, Cao Lực Sĩ chuyên nghề xu phụ quyền thế. Ông ở bên cạnh Đường Huyền Tông, chẳng qua chỉ có tác dụng giúp vui cho vị hoàng đế ăn chơi này, chứ không thể nào thực hiện được hoài bão chính trị của mình. Vì vậy, tới mùa xuân năm sau, ông nộp sớ tấu xin từ quan về nhà. Đường Huyền Tông lập tức phê chuẩn thỉnh cầu của ông, nhưng để tỏ ra yêu quý tài năng, đã cho ông 1 số tiền làm lộ phí. Sau khi rời Trường An, Lý Bạch tiếp tục sống cuộc đời tự do của 1 thi nhân, khi thì ẩn cư đọc sách, khi thì du lãm các nơi. Trong những năm tháng đó, ông đã viết lên nhiều bài thơ xuất sắc, ca ngợi núi sông tươi đẹp.

Một lần, xuất phát từ Bạch Đế thành, ngồi thuyền xuôi qua Tam Hiệp của Trường Giang, đi tới Giang Lăng, ông nổi hứng vung bút viết bài thơ Tảo phát Bạch Đế thành:

"Triêu từ Bạch Đế thái vân gian

Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú

Khinh du dĩ quá vạn trùng san."

Nhiều bài thơ của Lý Bạch đã thể hiện khí phách hào hùng, trí tưởng tượng phong phú và tình cảm nồng cháy của ông, trở thành những danh tác bất hủ trong lịch sử văn học Trung Quốc. Chính trong lúc Lý Bạch nhiệt tình ngợi ca núi sông hùng vĩ của tổ quốc, thì do sự hủ bại của vương triều Đường, 1 tai họa lớn đã giáng xuống vùng Trung nguyên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx