Đường Đức Tông tin dùng bọn hoạn quan. Bọn này tham lam vô độ, nghĩ ra đủ mọi cách để bóp nặn nhân dân, vơ vét thật nhiều của cải. Chúng lập ra 1 "cung thị" (chợ trong cung vua), cho 1 số thái giám ra ngoài phố mua mọi đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của thái giám và cung phi, về bán ở "cung thị". Chúng thấy có loại hàng hóa nào cần, đều giành lấy mua, chỉ trả giá bằng một phần mười giá chợ. Sau thấy thế còn phiền phức, chúng dựng lên các chòi quan sát gọi là "bạch vọng", thấy chỗ nào có hàng hóa ưng ý là đến cướp không. Một số hoạn quan khác còn lập ra "ngũ phòng" là 5 nơi chăn nuôi diều hâu, chim cu, chim ưng, hươu, chó dành cho hoàng đế giải trí. Bọn này dựa vào công việc đó, lùng sục hạch sách dân chúng bằng đủ thủ đoạn xấu xa. Muốn xoay tiền nhà ai, chúng mang lưới bắt chim tới chắn trước cửa nhà hoặc trên miệng giếng. Ai đi ra khỏi cửa hoặc tới giếng lấy nước, chạm phải lưới, liền bị chúng lu loa lên là đã đuổi mất chim của hoàng đế, túm đến đánh đập cho tới khi phải bỏ tiền ra mới thôi. Bọn làm việc ở "ngũ phòng" thường đến tửu quán ăn uống no say rồi vác bụng chuồn thẳng. Chủ quán nào đòi tiền là bị chửi mắng hoặc đánh đập. Một lần, bọn này đến uống rượu ở 1 tửu quán, nhưng không trả tiền mà gửi lại 1 túi vải đựng đầy rắn, và nói với chủ quán: "Các quan không mang theo tiền, nên gửi cái này lại làm tin. Mấy hôm nữa sẽ mang tiền tới chuộc. Nhưng trong túi là những con rắn trong cung chuyên dùng để bắt chim sẻ. Ông phải nuôi chúng cho cẩn thận, nếu để con nào bị chết đói thì mất đầu đấy!".
Chủ quán hoảng hồn, cố van xin chúng mang túi rắn đi, còn tiền rượu, đương nhiên là không dám mở mồm ra đòi nữa. Bọn hoạn quan ở "cung thị" và "ngũ phòng" hoành hành ngang ngược như vậy, khiến nhân dân Trường An căm giận thấu xương. Nhưng mọi quyền hành trong triều đang nằm trong tay hoạn quan, mọi nỗi oan uổng biết kêu với ai?
Lúc đó, ở Đông cung của thái tử Lý Tụng, có 2 viên quan giúp thái tử đọc sách. Một người là Vương Thúc Văn, 1 kỳ thủ cao cường; người kia là Vương Phi, người viết chữ rất đẹp. Ngoài việc đọc sách, thái tử Lý Tụng rất thích đánh cờ và viết chữ. Vương Thúc Văn và Vương Phi vì vậy thường ở trong Đông cung cùng thái tử. Vương Thúc Văn xuất thân từ 1 chức quan thấp, ít nhiều hiểu được nỗi khổ của nhân dân. Ông thường lợi dụng lúc cùng thái tử đánh cờ, nói cho thái tử biết tình hình bên ngoài. Thái tử nghe nó bọn hoạn quan mượn cớ mua hàng cho "cung thị" để ức hiếp nhân dân thì rất bực bội. Một lần, mấy viên quan thị đã cùng bàn luận việc đó trong cung thái tử. Thái tử phẫn nộ nói: "Khi gặp phụ hoàng, nhất định ta sẽ nói chuyện đó!".
Mọi người nghe nói, đều tán dương là thái tử hiền minh, chỉ có Vương Thúc Vă ngồi bên cạnh không nói 1 lời nào. Đợi khi các viên quan khác đã ra về, thái tử hỏi Vương Thúc Văn: "Hàng ngày tiên sinh vẫn nói tới cái tệ của cung thị, mà vừa rồi khi mọi người đàm luận, sao tiên sinh không nói gì cả?".
Vương Thúc Văn nói: "Tôi thấy trước mắt điện hạ không nên bận tâm về những việc đó. Nếu có kẻ xấu nào đó thêu dệt chuyện thị phi trước hoàng thượng, nói điện hạ đang thu phục lòng người. Hoàng thượng sẽ sinh nghi. Dù điện hạ có phân trần, cũng khó mà cải chính được!".
Thái tử chợt tỉnh ngộ nói: "Nếu không có tiên sinh nhắc nhở, thì tôi không nghĩ được tới điều đó".
Từ đó về sau, thái tử càng tín nhiệm Vương Thúc Văn hơn. Vương Thúc Văn thấy Đường Túc Tông đã già, sớm muộn thái tử sẽ lên nối ngôi nên đã ngầm chọn các quan chức có tài trong triều đình và kết giao với họ. Ông nói riêng với thái tử: người này sau này có thể làm tể tướng, người kia có thể làm tướng quân...Không ngờ 1 năm sau, thái tử lại bị trúng phong, lưỡi cứng lại, không nói năng gì được. Đường Túc Tông đã già yếu, vì việc đó mà sinh bệnh rồi mất. Năm 805, thái tử Lý Tụng mang bệnh lên ngôi. Đó là Đường Thuận Tông.
Đường Thuận Tông không nói được, đành nhờ Vương Thúc Văn và Vương Phi giúp giải quyết việc triều chính. Vương Thúc Văn biết mình chưa đủ uy tín, không thể công khai nắm đại quyền, liền tìm 1 viên quan lâu năm là Vĩ Chấp Nghị đứng ra làm tể tướng, còn bản thân là hàn lâm học sĩ, giúp Thuận Tông viết chiếu thư. Vương Thúc Văn, Vương Phi phối hợp với Vĩ Chấp Nghị, đồng thời sử dụng 1 số người có tài như Lưu Vũ Tích, Liễu Tông Nguyên nên công việc triều chính vẫn trôi chảy. Sau khi Vương Thúc Văn nắm quyền, công việc đầu tiên là chỉnh đốn việc hoạn quan ức hiếp nhân dân. Ông thảo cho Thuận Tông 1 chiếu thư, bãi bỏ 1 số thuế má, quyên góp phiền hà, thủ tiêu "cung thị" và "ngũ phòng". Biện pháp này được thực hiện, trăm họ Trường An đều vỗ tay reo mừng. Riêng bọn hoạn quan thì căm gan tím ruột. Vương Thúc Văn còn nắm cả quyền tài chính vào tay mình. Ông tiến hành cải cách chế độ thuế má. Lịch sử gọi sự kiện này là "Vĩnh Trinh cách tân" (việc đổi mới thời Vĩnh Trinh - Vĩnh Trinh là niên hiệu của Thuận Tông: 805-806).
Việc Vương Thúc Văn mạnh dạn tiến hành cải cách đã động chạm tới quyền lực của bọn hoạn quan. Tên đầu sở hoạn quan là Câu Văn Trân thấy quyền lực của Vương Thúc Văn quá lớn, liền lấy danh nghĩa Thuận Tông, giải trừ chức vụ hàn lâm học sĩ của ông. Vương Thúc Văn biết rằng muốn đấu tranh được với hoạn quan thì phải giành lại binh quyền từ tay chúng, liền vận động cử lão tướng Phạm Hy Triều đi tiếp quản quyền chỉ huy Thần Sách quân đang co 1 hoạn quan nắm. Nhưng vì các tướng lĩnh trong Thần Sách quân đều là thân tín của bọn hoạn quan. Khi Phạm Hy Triều đến nhận chức, không tên nào chịu hợp tác với ông, nên ông phải tay không trở về. Không đầy 1 tháng sau, Câu Văn Trân câu kết với 1 số lão thần phụ họa với hắn tuyên bố Thuận Tông có bệnh nặng không thể chấp chính, cử thái tử Lý Thuần lên làm Giám quốc. Một tháng sau, thái tử chính thức lên ngôi. Đó là Đường HIến Tông.
Thuận Tông vừa mất ngôi, bọn hoạn quan do Câu Văn Trân đứng đầu lại lập tức cách chức Vương Thúc Văn và Vương Phi, điều họ đi làm quan ở nơi xa. Năm sau, chúng lại giết Vương Thúc Văn. Cuộc cách tân thời Vĩnh Trinh tiến hành chưa được 1 năm đã hoàn toàn thất bại. Những người ủng hộ cuộc cải cách của Vương Thúc Văn đều bị liên lụy và bức hại.
@by txiuqw4