sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Người Được Khoác Hoàng Bào

Khi Chu Cung Đế lên ngôi, tuổi còn quá nhỏ, phải có 2 tể tướng là Phạm Chất và Vương Phổ phò tá. Cục diện chính trị của Hậu Chu vì vậy không được ổn định. Lòng dân kinh thành nghiêng ngả, mọi người xôn xao bàn tán là sớm muộn Triệu Khuông Dận sẽ đoạt ngôi hoàng đế. Triệu Khuông Dận vốn là 1 đại tướng đắc lực dưới quyền Chu Thế Tông, từng theo Chu Thế Tông nam chinh bắc chiến lập nhiều chiến công. Khi còn sống, Chu Thế Tông hết sức tín nhiệm Triệu Khuông Dận, cử làm thống soái cấm quân, với chức danh là Điện tiền đô điểm kiểm. Cấm quân là đội quân tinh nhuệ nhất của Hậu Chu Thế Tông mất, quân quyền nằm trong tay Triệu Khuông Dận. Thời Ngũ Đại, xảy ra nhiều trường hợp vũ tướng đoạt ngôi hoàng đế, nên mọi người có sự nghi ngại đó là chuyện không có gì lạ.

Ngày tết âm lịch đầu năm 960, triều đình Hậu Chu cử hành đại lễ triều kiến. Đại lễ đang tiến hành, thì có tin báo khẩn cấp từ biên cảnh, nói quốc vương Bắc Hán liên hợp với Liêu, đem quân đánh vào Hậu Chu. Các đại thần xôn xao hoảng loạn. Sau, Phạm Chất và Vương Phổ đứng ra điều khiển, cử Triệu Khuông Dận đem quân chống lại. Triệu Khuông Dận nhận được lệnh, lập tức điều binh khiển tướng, chuẩn bị lên đường. Hai hôm sau, đại quân xuất phát từ Biện Kinh. Cùng đi với Triệu Khuông Dận, có em là Triệu Khuông Nghĩa và mưu sĩ thân tín là Triệu Phổ. Tối hôm đó, đại quân hành quân tới trạm Trần Kiều, cách kinh thành 20 dặm, Triệu Khuông Dận ra lệnh cho tướng sĩ hạ trại nghỉ tại chỗ. Trong khi binh lính ngủ say, 1 số tướng lĩnh tụ họp lại bàn luận. Có người nêu ý kiến: "Hiện nay hoàng thượng tuổi còn quá nhỏ, chúng ta liều mình xông pha trận mạc, nhưng sau này ai là người biết tới công lao của chúng ta! Chi bằng bây giờ ta tôn Triệu điểm kiểm lên ngôi hoàng đế đi thôi!".

Mọi người đều tán thành ý kiến đó, liền cử 1 viên quan nói chủ trương ấy với Triệu Khuông Nghĩa và Triệu Phổ. Viên quan đó tới chỗ Triệu Khuông Nghĩa, chưa nói xong câu chuyện thì các tướng đã tới, rút gươm đao sáng loáng, vung lên và hét to: "Chúng tôi đã bàn bạc xong với nhau, nhất định phải tôn Triệu điểm kiểm lên ngôi".

Triệu Khuông Nghĩa và Triệu Phổ nghe nói thế đều mừng thầm, 1 mặt dặn dò mọi người phải an định lòng quân, không được để xảy ra rối loạn; 1 mặt phái người phi báo ngay cho 2 đại tướng giữ kinh thành là Thạch Thủ Tín và Vương Thẩm Kỳ biết. Chẳng mấy chốc, tin trên đã truyền khắp trại quân. Toàn thể tướng sĩ đều trở dậy ùn ùn kéo tới nơi nghỉ của Triệu Khuông Dận, ào tới tận khi trời sáng. Tối hôm trước, Triệu Khuông Dận có uống chút rượu nên ngủ rất say. Vừa tỉnh dậy, thấy tiếng xôn xao bên ngoài, rồi có người mở cửa phòng, hô lớn: "Xin điểm kiểm lên ngôi hoàng đế!".

Triệu Khuông Dận vội trở dậy, chưa kịp nói gì, thì mấy người đã đem 1 tấm hoàng bào chuẩn bị sẵn, vội vàng khoác lên mình Triệu Khuông Dận. Mọi người quỳ dưới đất, đập đầu hô "vạn tuế". Sau đó, tất cả xúm vào, người kéo, người đẩy, đưa Triệu Khuông Dận lên ngựa, mời ông trở về kinh thành. Triệu Khuông Dận ngồi trên mình ngựa, mới nói: "Các ngươi đã lập ta làm thiên tử thì có chịu nghe theo mệnh lệnh của ta không?".

Các tướng sĩ nhất tề đáp: "Xin nghe theo mệnh lệnh của bệ hạ".

Triệu Khuông Dận liền hạ lệnh: khi về tới kinh thành, phải bảo đảm an toàn cho thái hậu và ấu chúa của triều Chu, không được xâm phạm tới các đại thần trong triều, không được cướp bóc kho hàng. Nếu chấp hành nghiêm mệnh lệnh, sẽ được trọng thưởng; kẻ nào vi phạm sẽ bị nghiêm trị. Triệu Khuông Dận vốn là thống soái cấm quân, lại được tướng lĩnh ủng hộ, còn ai dám không nghe theo mệnh lệnh! Tướng sĩ xếp thành đội ngũ chỉnh tề tiến về kinh thành. Suốt dọc đường, không hề gây phiền nhiễu gì tới dân chúng. Đến Biện Kinh lại được Thạch Thủ Tín và Vương Thẩm Kỳ làm nội ứng, nên rất dễ dàng chiếm được kinh thành. Các tướng triệu tập các tể tướng Phạm Chất, Vương Phổ tới. Thấy họ, Triệu Khuông Dận làm ra vẻ khó xử nói: "Thế Tông đối đãi với ta ơn sâu nghĩa nặng. Nay at bị các tướng buộc làm việc này, các ông thấy phải làm sao bây giờ?".

Bọn Phạm Chất không biết trả lời ra sao. Một viên tướng nghiêm trọng quát lớn: "Chúng ta không có người làm chúa. Nay mọi người nhất định mời Điểm kiểm lên làm thiên tử!".

Phạm Chất, Vương Phổ sợ hãi, vội sụp xuống lạy. Chu Cung Đế phải nhường ngôi. Triệu Khuông Dận lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu là Tống, định đô ở Đông Kinh (tức Biện Kinh cũ, Khai Phong ngày nay). Lịch sử gọi triều đại này là Bắc Tống, Triệu Khuông Dận tức Tống Thái Tổ. Thời Ngũ Đại kéo dài hơn 50 năm tới đây kết thúc.

Tống Thái Tổ lên ngôi hoàng đế, mẹ ông đương nhiên trở thành thái hậu. Khi các đại thần chúc mừng thái hậu, bà chau mày, tỏ vẻ rất đau buồn. Khi đã tan buổi triều kiến, các đại thần liền hỏi thái hậu: "Hoàng đế đã lên ngôi, sao thái hậu lại tỏ ra không vui?".

Thái hậu trả lời: "Ta nghe nói làm thiên tử rất khó. Có cai trị đất nước tốt thì ngôi vị đó mới tôn quý. Nếu cai trị không tốt, để phát sinh rối loạn, thì muốn trở lại làm người dân thường cũng không được nữa".

Nỗi lo lắng của thái hậu không phải là không có lý. Tuy Tống Thái Tổ đã lên ngôi, nhưng toàn quốc vẫn chưa thống nhất. Chưa nói tới các chính quyền cát cứ khắp nơi, mà ngay trong vùng Trung nguyên vốn do Bắc Tống thống trị, 1 số tiết độ sứ vẫn chưa chịu phục trước việc Tống Thái Tổ lên ngôi. Để giải quyết tình hình này, cần có biện pháp hết sức khôn khéo.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx