sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

29-30

THƯƠNG ƯỞNG SỬA ĐỔI PHÁP LUẬT

Trong số Thất hùng thời Chiến quốc, so với các nước chư hầu ở Trung nguyên thì nước Tần còn tương đối lạc hậu cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. Nước láng giềng sát cạnh là nước Ngụy mạnh hơn nước Tần, đã chiếm mất của Tần một khoảng đất lớn ở vùng Hà Tây.

Năm 361 TCN, quốc quân mới của Tần là Tần Hiếu Công lên ngôi. Ông quyết tâm phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh. Trước hết chiêu tập nhân tài và hạ lệnh: "Không kể là người nước Tần hay hay người nước ngoài tới, hễ ai nghĩ được biện pháp làm cho nước Tần giàu mạnh lên thì sẽ phong làm quan". Lời kêu gọi đó của Tần Hiếu Công đã thu hút được nhiều nhân tài. Một người ở nước Vệ là quí tộc Công Tôn Ưởng (tức Thương Ưởng sau này) không được trọng dụng ở nước Ngụy, liền chạy sang nước Tần, nhờ người tiến cử, được Tần Hiếu Công tiếp kiến.

Thương Ưởng nói vớ Tần Hiểu Công: "Một quốc gia muốn giàu mạnh, cần phải chú ý đến nông nghiệp, khuyến khích tướng sĩ; muốn cai trị đất nước tốt, phải có thưởng có phạt. Có thưởng có phạt thì triều đình mới có uy tín, mọi cải cách mới tiến hành được". Tần Hiếu Công hoàn toàn đồng ý với chủ trương của Thương Ưởng. Nhưng một số quí tộc và đại thần ra sức phản đối. Tần Hiếu Công thấy những người phản đối quá nhiều, mà mình lại mới lên ngôi, sợ xảy ra rối loạn, liền tạm thời gác việc cải cách lại.

Hai năm sau, Tần Hiếu Công thấy ngôi vị đã vững chắc, liền phong Thương Ưởng làm Tả thứ trưởng (tên một chức quan của nước Tần) và tuyên bố: "Từ ngày hôm nay, sự việc cải cách chế độ hoàn toàn do Tả thứ trưởng làm chủ". Thương Ưởng khởi thảo một pháp lệnh cải cách, nhưng sợ dân chúng chưa tin mình, không chịu làm theo pháp lệnh mới, liền sai người làm ở cửa thành phía nam một cây gỗ cao ba trượng và hạ lệnh: "Ai mang được cây gỗ này sang cửa bắc, sẽ thưởng cho 10 lạng vàng".

Trong chốc lát, rất đông người tụ tập ở cửa thành phía nam, sôi nổi bàn luận. Có người nói: "Cây gỗ này thì ai chẳng mang được, cần gì phải dùng đến 10 lạng vàng làm phần thưởng". Có người nói: "Đây có thể là Tả thứ trưởng bày ra trò đùa thôi". Mọi người nhìn nhau, không ai chịu ra mang cây gỗ. Thương Ưởng biết dân chúng chưa tin vào lệnh của mình, liền nâng mức thưởng lên 50 lạng. Không ngờ tiền thưởng càng lên cao thì số người đến xem càng thấy vô lí, không ai chịu ra thử.

Trong lúc mọi người ồn ào bàn luận thì có một người xông ra nói: "Để tôi thử xem sao". Anh ta nói xong liền vác cây gỗ một mạch từ cửa nam sang cửa bắc thành. Thương Ưởng lập tức cho người mang ra 50 lạng vàng tiền thưởng, không thiếu một li. Câu chuyện đó được lan truyền đi, làm rung động khắp nước Tần. Dân chúng đều nói: "Mệnh lệnh của Tả thứ trưởng đã nói là làm".

Thương Ưởng thấy mệnh lệnh đã có tác dụng, liền cho công bố pháp lệnh đã dự thảo. Pháp lệnh mới thưởng, phạt phân minh; quy định chức quan to nhỏ và chức vị cao thấp đều căn cứ vào tiêu chuẩn chiến công về quân sự. Quí tộc không lập được công cũng không có tước vị, những người sản xuất được nhiều lương thực và vải vóc, đều được miễn sai dịch. Những người chỉ lo buôn bán và lười biếng mà nghèo túng thì cả gia đình phải xung làm nô tì của quan lại.

Nước Tần từ sau biến pháp của Thương Ưởng, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, lực lượng quân sự trở nên hùng cường. Không lâu sau, Tần tiến công Ngụy, từ Hà Tây đánh tới Hà Đông và hạ cả đô thành An Ấp của Ngụy. Năm 350 TCN Thương Ưởng lại thực hiện cuộc cải cách lần thứ hai, nội dung chủ yếu gồm:

1. Bỏ phép tỉnh điều, tức là chia mỗi mảnh đất làm chín phần hình chữ tĩnh (#), tám gia đình xunh quanh phải chung sức làm phần đất ở giữa cho nhà nước, phá bỏ các đường ngăn giữa các thửa ruộng để mở rộng diện tích trồng trọt, đồng thời khai khẩn thêm gò đống, dựng cây, đầm, ao. Ai khai khẩn được thf thuộc quyền sở hữu của mình, ruộng đất có thể mua bán.

2.Xây dựng cấp huyện, gộp thị trấn với làng xóm thành huyện, do nhà nước cử quan lại đến cai trị, như vậy quyền lực của trung ương càng tập trung.

3.Dời đô về Hàm Dương, để tiện phát triển về phía đông nên dời quốc đô từ Ung Thành (nay thuộc huyện Phượng Tường, tỉnh Thiểm Tây) về Hàm Dương ở phía bắc sông Vị (nay ở đông bắc thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây).

Những cải cách qui mô lớn đó, đương nhiên dẫn tới cuộc đấu thanh gay gắt, rất nhiều quí tộc đại thần phản đối pháp lệnh mới. Có lần thái tử Tần phạm pháp, Thương Ưởng nói với Tần Hiếu Công: "Pháp lệnh của nhà nước đòi hỏi từ trên xuống dưới phải tuân theo, nếu người trên không tuân thủ thì dân chúng không tín nhiệm triều đình nữa. Thái tử phạm pháp thì thầy dạy thái tử phải chịu tội". Kết quả Thương Ưởng trị tội hai thầy dạy của thái tử là Công tử Kiền và Công tử Giả, một người bị cắt mũi, một người bị thích chữ vào mặt. Vì vậy các quí tộc, đại thần không dám chống lại tân pháp nữa.

Sau 10 năm, quả nhiên nước Tần càng giàu mạnh. Thiên tử nhà Chu sai sứ giả đến biếu thịt tế và phong làm "phương bá" (tức bá chủ một vùng). Các chư hầu Trung nguyên cũng tới tấp chúc mừng, nước Ngụy buộc phải cắt nhượng đất Hà Tây và dời đô về Đại Lương (Khai Phong).

TÔN TẪN, BÀNG QUYÊN ĐẤU TRÍ

Ngụy Huệ Vương cũng học theo Tần Hiếu Công, muốn tìm một nhân tài kiểu Thương Ưởng. Ông ta bỏ ra nhiều tiền bạc để chiêu mộ nhiều hào kiệt trong thiên hạ. Trong đó có người trong nước tên là Bàng Quyên đến xin gặp, trình bày kế sách làm nước giàu binh mạnh, Ngụy Huệ Vương rất hài lòng, liền phong Bàng Quyên làm đại tướng. Bàng Quyên đúng là tướng tài, ngày ngày thao luyện binh mã, trước hết đánh mấy nước nhỏ đều giành thắng lợi. Sau lại đánh bại cả nước Tề, đến lúc đó, Ngụy Huệ Vương càng tín nhiệm Bàng Quyên. Bàng Quyên tự cho mình là người tài giỏi, nhưng ông biết rằng bạn học của mình là Tôn Tẫn, người nước Tề còn giỏi hơn mình.

Theo truyền thuyết thì Tôn Tẫn là dòng dõi của Tôn Vũ nước Ngô khi trước, chỉ riêng Tẫn nắm được "binh pháp Tôn Tử" do tổ tiên truyền lại. Ngụy Huệ Vương cũng nghe danh tiếng của Tôn Tẫn, nên có lần nói với Bàng Quyên về Tôn Tẫn. Bàng Quyên cử người mời Tôn Tẫn tới cộng sự với mình, cùng phục vụ nước Ngụy. Ngờ đâu Bàng Quyên nuôi ý xấu, ngầm gièm pha với Ngụy Huệ Vương là Tôn Tẫn tư thông với Tề. Ngụy Huệ Vương nổi giận, liền đưa Tôn Tẫn ra xử tội, thích chữ vào mặt và tháo xương bánh chè của Tôn Tẫn. May nhờ có một sứ thần nước Tề sang thăm Ngụy, ngầm cứu được Tôn Tẫn, đem về nước Tề. Đại tướng nước Tề là Điền Kỵ nghe nói Tôn Tẫn là một tướng tài, liền tiến cử với Tề Uy Vương. Tề Uy Vương cũng đang cải cách để làm cho đất nước giàu mạnh. Sau khi đàm luận về binh pháp với Tôn Tẫn, cảm thấy rất hứng thú, lấy làm tiếc là không được gặp ông sớm hơn.

Năm 354 TCN Ngụy Huệ Vương phái Bàng Quyên tiến đánh nước Triệu, bao vây quốc đô Hàm Đan của Triệu. Năm sau, Triệu cầu cứu với Tề, Tề Uy Vương muốn phong Tôn Tẫn làm đại tướng để đem quân cứu Triệu, Tôn Tẫn từ chối: "Tôi là một người đã bị tàn phế vì hình phạt, nếu làm đại tướng chỉ khiến người ta chê cười. Xin Đại vương cử Điền đại phu (tức Điền Kỵ) làm đại tướng". Tề Uy Vương liền cử Điền Kỵ làm đại tướng, Tôn Tẫn làm quân sư, mang quân đi cứu Triệu. Tôn Tẫn ngồi trong một cỗ xe được che kín để bày mưu giúp Điền Kỵ.

Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ: "Hiện nay Ngụy đã mang hết quân tinh nhuệ đi đánh Triệu, trong nước chỉ còn lại binh lính già yếu, hết sức trống rỗng. Tốt nhất là ta đem quân đánh vào đô thành Đại Lương của Ngụy, Bàng Quyên nghe tin, nhất định sẽ bỏ Hàm Đan để về cứu viện. Ta sẽ chờ ở giữa đường đánh một trận thì nhất định sẽ giành thắng lợi."

Điền Kỵ làm theo kế đó. Quân của Bàng Quyên vừa hạ được Hàm Đan, bỗng nghe tin Tề đánh Đại Lương, liền vội vã đem quân về. Vừa đến Quê Lăng (nay ở tây bắc Trường Đản, Hà Nam) thì gặp quân Tề. Hai bên giao chiến, Bàng Quyên đại bại. Quân Tề đắc thắng kéo về, thành Hàm Đan được cứu thoát. Lịch sử gọi mưu mẹo đó của Tôn Tẫn là "vây Ngụy cứu Triệu".

Năm 341 TCN, nước Ngụy lại phái quân đánh nước Hàn, Hàn lại cầu cứu Tề. Lúc đó, Tề Uy Vương đã chết, con là Tề Tuyên Vương phái Điền Kỵ, Tôn Tẫn đem quân cứu Hàn. Tôn Tẫn lại dùng phương pháp cũ, không đi cứu Hàn, mà trực tiếp đánh vào nước Ngụy. Bàng Quyên được tin cáo cấp từ trong nước, đành phải rút quân về, lúc đó quân Tề đã vào đến đất Ngụy. Nước Ngụy dùng một số lớn quân, do thái tử Thân chỉ huy, chống lại quân Tề. Lúc đó, quân Tề bắt đầu rút lui. Bàng Quyên quan sát khu vực doanh trại của quân Tề, thấy rất rộng lớn. Ông sai đếm số bếp của quân Tề, thấy có tới 10 vạn cái thì rất hoảng sợ.

Hôm sau, Bàng Quyên đuổi theo tới vị trí đóng quân thứ hai của quân Tề, sai đếm số bếp thì chỉ còn 5 vạn cái. Ngày thứ ba, Bàng Quyên lại đuổi tới vị trí doanh trại vừa rút bỏ của quân Tề, đếm số bếp thì chỉ thấy còn lại hơn hai vạn cái. Bàng Quyên yên tâm, cười nói: "Ta đã biết quân Tề đều là kẻ nhát gan, mang 10 vạn quân sang Ngụy, mới có ba ngày đã trốn chạy mất hai phần ba". Ông thúc giục quân Ngụy đuổi theo quân Tề suốt ngày đêm. Đuổi tới Mã Lăng (nay ở đông nam huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc) thì trời vừa tối. Đường xá ở Mã Lăng rất chật hẹp, bên đường đều là chướng ngại vật. Bàng Quyên nôn nóng muốn đuổi kịp ngay quân Tề, liền thúc giục quân Ngụy đi gấp trong đêm. Bỗng quân lính phía trên báo về: "Đường xá đều bị cây cối ngăn chặn cả".

Bàng Quyên lên xem, quả thấy cây cối đều bị chặt ngả, chỉ còn lại một cây lớn không bị chặt. Xem xét kĩ thấy vỏ cây đã bị lột bỏ, bên trong lờ mờ thấy một hàng chữ, vì trời tối không đọc rõ. Bàng Quyên bảo binh lính đốt đuốc lên soi, thì thấy hàng chữ đó là: Bàng Quyên sẽ chết dưới gốc cây này. Bàng Quyên hoảng sợ, liền ra lệnh lui quân. Nhưng đã muộn. Xung quanh tên bắn tới như mưa. Quân Ngụy chết ngổn ngang. Bốn phía bỗng vang lên tiếng hô giết, quân Tề ào ạt xông tới. Thì ra Tôn Tẫn lập mưu, cố ý mỗi ngày giảm số bếp nấu cơm để đánh lừa khiến Bàng Quyên tưởng nhầm rằng quân Tề ngày càng giảm, chủ quan dẫn quân đuổi theo. Tôn Tẫn tính toán biết vào thời gian đó, Bàng Quyên sẽ đến Mã Lăng nên mai phục sẵn quân cung nỏ, dặn dò quân sĩ khi thấy có ánh lửa thì cùng bắn xuống. Bàng Quyên hết đường chạy, đành rút kiếm tự sát.

Quân Tề thừa thắng đánh tan quân Ngụy, bắt thái tử Thân của Ngụy làm tù binh. Từ đó về sau, tiếng tăm của Tôn Tẫn truyền ra khắp các nước chư hầu. Tác phẩm "binh pháp Tôn Tẫn" do ông viết ra còn lưu truyền tới ngày nay.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx