sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

63-64

DOANH TẾ LIỄU CỦA CHU Á PHU

Hán Văn Đế lên ngôi, vẫn tiếp tục chính sách hòa thân với Hung Nô, giữa hai bên không còn xảy ra chiến tranh lớn. Nhưng về sau, thiền vu Hung Nô tin theo lời xúi của Hán gian, liền tuyệt giao với triều Hán. Năm 158 TCN, thiền vu Quân Thần của Hung Nô đem 6 vạn quân xâm phạm Thượng quận (trị sở nay ở đông nam Du Lâm, Thiểm Tây) và Vân Trung (trị sở nay ở đông bắc Tuốc Tua, Nội Mông Cổ), giết nhiều dân thường, cướp nhiều tài sản. Các đài đốt lửa ở biên cảnh liên tiếp báo động, ở Trường An cũng nhìn rõ lửa cháy sang. Hán Văn Đế vội cử 3 viên tướng dẫn 3 đạo quân đi chống cự. Ngoài ra, để bảo vệ Trường An, lại cử 3 viên tướng nữa đem quân đóng tại vùng phụ cận Trường An: Lưu Lễ đóng ở Bá Thượng, Từ Lịch đóng ở Cức Môn (nay ở đông bắc Hàm Dương, Thiểm Tây), Chu Á Phu đóng ở Tế Liễu (nay ở tây nam Hàm Dương).

Có lần, Hán Văn Đế thân hành tới các nơi đó để úy lạo quân đội và đồng thời thị sát tình hình. Trước hết ông tới Bá Thượng, Lưu Lễ và các tướng sĩ vừa thấy xa giá hoàng đế, đều phóng ngựa tới đón. Xa giá của Hán Văn Đế xông thẳng vào quân doanh, không ai ngăn cản. Hán Văn Đế úy lạo rồi ra về. Các quân sĩ tíu tít tiễn đưa. Sau đó, ông đến Cức Môn, cũng được đưa đón long trọng như thế. Cuối cùng, Hán Văn Đế đến Tế Liễu, trạm gác trước cửa trại Chu Á Phu thấy xa xa có một đoàn ngựa đi tới, lập tức báo cáo với Chu Á Phu. Các tướng sĩ đều mặc giáp, đội mũ chiến, cung lắp tên, đao rút khỏi vỏ, sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu. Đội đi trước của Hán Văn Đế tới cửa doanh, lính gác lập tức ngăn lại, không cho vào. Viên quan chỉ huy đội đi trước thét lớn uy nghiêm: "Xa giá hoàng thượng tới".

Quân sĩ gác cửa không chút sợ hãi, trả lời: "Trong quân chỉ nghe theo lệnh tướng quân, tướng quân chưa có lệnh, chúng tôi không thể cho ai vào". Hai bên đang đôi co thì xa giá Hán Văn Đế tới, các tướng sĩ gác cổng doanh cũng ngăn lại. Hán Văn Đế phải sai tùy tùng đưa phù tiết của hoàng đế ra và cử người vào báo với Chu Á Phu: "Trẫm cần vào úy lạo quân sĩ". Chu Á Phu hạ lệnh mở cửa doanh, để Hán Văn Đế tiến vào. Người ngựa hộ tống Hán Văn Đế đến cửa doanh, quan quân giữ cửa trịnh trọng nhắc nhở họ: "Trong quân có qui định, trong quân doanh không cho phép xe ngựa đi nhanh". Quan quân tùy tùng đều nổi giận, nhưng Hán Văn Đế liền hạ lệnh buông lỏng dây cương, cho xe ngựa từ từ tiến vào.

Đến giữa trại quân, chỉ thấy Chu Á Phu khôi giáp chỉnh tề, mang binh khí oai phong lẫm liệt, đứng trước Hán Văn Đế, đưa tay vái nói: "Thần mang khôi giáp, không thể quì lạy, xin được triều kiến theo quân lễ". Hán Văn Đế giật mình, vịn vào tay ngang xe, cúi mình đáp lễ, rồi cử người truyền đạt lời thăm hỏi tới toàn thể quân sĩ. Sau khi úy lạo quân sĩ, Hán Văn Đế rời khỏi doanh Tế Liễu. Trên đường về Trường An, quan quân tùy tùng đều xôn xao tỏ ý bất bình cho rằng Chu Á Phu quá vô lễ với hoàng đế. Nhưng Hán Văn Đế lại khen ngợi không ngớt, nói: "Thế mới là một võ tướng chân chính. Quân đội ở Bá Thượng và Cức Môn quân pháp không nghiêm, như trò chơi của trẻ nhỏ. Nếu kẻ địch đến tập kích thì tránh sao khỏi bị bắt làm tù binh hết. Quản lý quân đội như Chu Á Phu thì kẻ địch nào dám xâm phạm".

Một tháng sau, đội tiên phong của quân Hán tới miền bắc, Hung Nô phải lui quân. Ba đội quân phòng vệ Trường An được rút bỏ. Qua lần thị sát đó, Hán Văn Đế cho Chu Á Phu là một nhân tài quân sự, liền thăng ông lên cấp trung úy (chức quan võ đứng đầu đội quân bảo vệ kinh thành). Năm sau, Hán Văn Đế bị bệnh nặng. Trước khi mất, ông gọi thái tử lại dặn dò: "Nếu sau này quốc gia có động loạn, thì để Chu Á Phu thống soái quân đội, con yên tâm".

Sau khi Hán Văn Đế mất, thái tử Lưu Khải nối ngôi, tức là Hán Cảnh Đế.

TRIỆU THÁC CẮT GIẢM ĐẤT PHONG

Hán Cảnh Đế cũng áp dụng chính sách vỗ về dân chúng như Hán Văn Đế, quyết tâm chỉnh đốn nền chính trị trong nước. Khi Cảnh Đế còn là một thái tử, có một quản gia tên là Triệu Thác, rất có tài, được mọi người gọi là "túi khôn". Sau khi Cảnh Đế lên ngôi, liền thăng ông ta làm ngự sử đại phu. Triều Hán thực hành chế độ quận huyện, nhưng đồng thời vẫn có 22 nước chư hầu. Những nước chư hầu đó đều là con cháu của Hán Cao Tổ, tức là các tước vương trong họ Lưu. Đến thời Hán Cảnh Đế, thế lực các nước chư hầu rất lớn, có nhiều đất đai, như nước Tề có hơn có hơn 70 tòa thành, nước Ngô có hơn 50 tòa thành, nước Sở có hơn 40 tòa thành. Một số chư hầu không chịu sự chi phối của triều đình, đặc biệt là Ngô vương Lưu Phì, rất kiêu ngạo ngang ngược. Đất phong của ông sát biển, lại có mỏ đồng, tự mình khai thác muối và đồng, giàu có ngang với hoàng đề. Ông ta không bao giờ tới Trường An triều kiến hoàng đế, tự coi nước Ngô là một vương quốc độc lập.

Triệu Thác thấy nếu cứ để tiếp tục như thế sẽ bất lợi cho việc tập quyền của trung ương, liền tâu với Hán Cảnh Đế: "Ngô vương không bao giờ đến triều kiến, theo lý thì đã phải tội từ lâu. Khi tiên đế (tức Hán Văn Đế) còn sống, đã rất rộng lượng với ông ta, nhưng ông ta càng ngang ngược tự đại. Ông ta tự khai thác đồng để đúc tiền, ngăn biển khai thác muối, chiêu binh mãi mã, chuẩn bị nổi loạn. Chi bằng nên sớm cắt bớt đất phong của ông ta đi".

Hán Cảnh Đế còn do dự: "Làm được thế thì tốt, nhưng lại sợ sẽ thúc đẩy Ngô vương làm loạn".

Triệu Thác nói: "Người muốn làm phản thì nếu cắt đất mà làm phản, không cắt đất sớm muộn cũng sẽ làm phản. Bây giờ làm phản thì mối nguy còn nhỏ, sau này thế lực họ hùng hậu lên rồi mới làm phản thì mối nguy càng lớn".

Hán Cảnh Đế thấy lời Triệu Thác có lý, liền quyết tâm giảm bớt đất phong của các chư hầu. Các chư hầu đại đa số nếu không hoang dâm vô độ, cũng hoành hành phi pháp; nhưng muốn tìm ra tội lỗi của họ để tạo lý do cắt giảm đất cũng không phải chuyện dễ. Một thời gian sau, có chư hầu cắt giảm một quận, có chư hầu bị cắt giảm mấy huyện. Cha của Triệu Thác nghe tin đó, liền từ quê hương Dĩnh Xuyên (nay ở huyện Vũ, Hà Nam) tìm đến kinh sư, nói với Triệu Thác: "Con làm ngự sử đại phu. địa vị đã đủ cao rồi, sao không an phận, mà còn bới việc ra? Con thử nghĩ xem, các vua chư hầu đều là anh em ruột thịt của hoàng thất, con quản làm sao được? Con cắt giảm đất phong của họ, ai ai cũng oán con. Con làm như thế để làm gì?

Triệu Thác nói: "Nếu không làm như vậy thì hoàng thượng không thể phát huy được quyền lực, nước nhà tất sẽ rối loạn".

Người cha thở dài nói: "Con làm như thế thì thiên hạ của họ Lưu được an định, nhưng họ Triệu nhà ta sẽ nguy hiểm. Cha đã già không muốn nhìn thấy tai họa giáng xuống gia đình".

Triệu Thác khuyên nhủ cha, nhưng người cha vẫn không an tâm, trở về quê hương Dĩnh Xuyên, liền uống thuốc độc tự sát. Triệu Thác đang bàn với Cảnh Đế về việc cắt đất phong của Ngô vương Lưu Phì, thì Lưu Phì đã cất quân làm phản. Ông ta lấy lý do "trừng trị gian thần Triệu Thác cứu vãn thiên hạ của họ Lưu" để xúi giục các chư hầu khác cùng làm phản. Năm 154 TCN, 7 chư hầu là Ngô, Sở, Triệu, Giao Tây, Giao Đông, Tri Xuyên, Tề Nam đều nổi dậy, lịch sử gọi đó là "Thất quốc chi loạn" (loạn bảy nước).

Quân nổi loạn có thanh thế rất lớn, Hán Cảnh Đế hơi sợ. Ông nhớ tới lời dặn dò của Hán Văn Đế lúc lâm chung, liền cử danh tướng Chu Á Phu làm thái úy, dẫn đầu 36 tướng khác cùng đi dẹp loạn. Lúc đó trong triều có kẻ đố kỵ Triệu Thác, nói là 7 nước phát binh đều là do Triệu Thác. Y khuyên Cảnh Đế: "Chỉ cần làm theo yêu cầu của 7 nước, giết Triệu Thác đi, và miễn tội khởi binh cho các nước chư hầu, khôi phục lại đất phong cho họ như cũ, thì họ sẽ rút quân về".

Hán Cảnh Đế nghe theo lời đó, nói: "Nếu quả thật họ chịu rút quân, thì ta tiếc gì một Triệu Thác". Tiếp đó một số đại thần dâng sớ vạch tội Triệu Thác, nói ông ta đại nghịch vô đạo, cần xử tội chém ngang lưng. Một hôm, trung úy đến nhà Triệu Thác, truyền đạt mệnh lệnh hoàng đế, gọi ông ta lên triều bàn việc. Triệu Thác vẫn hoàn toàn không hay biết gì, lập tức mặc triều phục, cùng trung úy lên xe vào triều. Xe ngựa đi tới cửa đông Triều An, trung úy bỗng rút chiếu thư, yêu cầu Triệu Thác xuống xe nghe chiếu. Sau khi trung úy tuyên đọc mệnh lệnh của Cảnh Đế, một toán võ sĩ ùa tới, trói Triệu Thác lại. Con người rất mực lo toan giữ gìn cơ đồ nhà Hán như Triệu Thác, phút chốc đã bị xử tội chém ngang lưng.

Hán Cảnh Đế giết xong Triệu Thác liền cử người mang chiếu thư, yêu cầu 7 nước rút quân. Lúc đó Ngô vương Lưu Phì đã đánh thắng mấy trận, chiếm được nhiều đất đai. Khi nghe yêu cầu quì xuống để nghe chiếu thư, liền cười nhạt: "Ta bây giờ cũng là hoàng đế, việc gì phải quì".

Trong trại quân Hán có viên quan tên là Đặng Công về Trường An để báo cáo tình hình quân sự. Cảnh Đế hỏi y: "Ngươi từ quân doanh về, đã biết tin Triệu Thác bị giết chưa? Quân Ngô, Sở có chịu lui quân không?"

Đặng Công nói: "Để khởi loạn, Ngô vương đã chuẩn bị mấy chục năm rồi. Lần này mượn cớ phát binh, đâu phải vì Triệu Thác. Bệ hạ đã giết nhầm Triệu Thác rồi. E rằng sau này sẽ không có ai dám bày mưu giúp triều đình nữa".

Hán Cảnh Đế biết mình sai, nhưng hối hận thì đã muộn. May nhờ có Chu Á Phu rất giỏi dùng binh, trước hết ông không đánh thẳng vào quân Ngô, Sở mà phái kỵ binh đánh bọc phía sau, cắt đứt đường tiếp lương của quân phiến loạn. Hai cánh quân Ngô, Sở không có lương ăn, trước hết tự rối loạn. Chu Á Phu mới phái tinh binh xuất kích đánh cho quân Ngô, Sở thất bại thảm hại. Hai nước Ngô, Sở dẫn đầu làm loạn, nay đã thất bại, năm nước khác cũng nhanh chóng tan vỡ. Không đầy 3 tháng, quân Hán đã dẹp yên loạn 7 nước.

Sau khi Hán Cảnh Đế dẹp xong loạn 7 nước, tuy vẫn cho con cháu đời sau của họ kế thừa vương vị, nhưng từ đó về sau, vua chư hầu chỉ được thu tô thuế trên đất phong, không được can dự công việc chính quyền ở trên địa phương nữa, quyền lực giảm đi rất nhiều. Chính quyền trung ương của triều đình Hán từ đó mới được củng cố vững mạnh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx