sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

67-68

VỆ THANH VÀ HOẮC KHỨ BỆNH

Vệ Thanh xuất thân nghèo hèn, cha ông là người hầu hạ trong nhà Bình Dương Hầu Tào Thọ. Khi lớn lên, Vệ Thanh đi chăn ngựa cho Bình Dương Hầu. Sau đó, chị của Vệ Thanh là Vệ Tử Phu được tuyển làm cung phi, được Hán Vũ Đế sủng ái, nên Vệ Thanh dần dần được hiển quí. Vào năm Lý Quảng bị quân Hung Nô bắt và trốn được về, trong bốn đội quân Hán thì ba đội bị thất bại, chỉ có Vệ Thanh đánh thắng, được phong làm quan nội hầu. Sau đó lại liên tiếp đánh thắng Hung Nô, lập nhiều chiến công.

Năm 124 TCN, Vệ Thanh dẫn 3 vạn kỵ binh, đuổi quân Hung Nô ra ngoài Trường Thành, Hữu Hiền vương của Hung Nô tưởng rằng quân Hán còn rất xa, không phòng bị gì, cứ uống rượu say túy lúy trong lều. Vệ Thanh lợi dụng đêm tối, hành quân gấp sáu bảy trăm dặm, bao vây chặt cánh quân của Hữu Hiền vương. Quân Hán từ 4 mặt đánh vào, làm cho quân Hung Nô hoảng loạn tan vỡ. Hữu Hiền vương hốt hoảng, chỉ kịp dẫn mấy trăm thủ hạ thân tín chạy trốn. Trận đó, quân Vệ Thanh bắt được một vạn năm ngàn tù binh, trong đó có hơn 10 tiểu vương Hung Nô.

Tả, Hữu Hiền vương của Hung Nô chỉ thấp hơn thiền vu một bậc. Lần chiến tranh này, toàn quân của Hữu Hiền vương bị tiêu diệt là một tổn thất lớn đối với thiền vu Hung Nô. Hán Vũ Đế được tin, liền phái sứ giả đem ấn đại tướng quân đến phong cho Vệ Thanh tại quân doanh và phong cho cả ba con trai còn vị thành niên của ông tước hầu. Vệ Thanh từ chối nói: "Thần mấy lần đánh thắng là do công lao của tướng sĩ. Ba đứa con thần còn là trẻ nít, chưa làm được việc gì. Nếu hoàng thượng phong cho chúng tước hầu thì làm sao khuyến khích được tướng sĩ lập công".

Hán Vũ Đế được Vệ Thanh gợi ý, liền phong cho 7 tướng dưới quyền Vệ Thanh tước hầu. Năm sau, Hung Nô lại tiến công. Hán Vũ Đế phái Vệ Thanh cùng 6 tướng khác đem quân đi đánh. Vệ Thanh có người cháu gọi bằng cậu, tên là Hoắc Khứ Bệnh. Năm đó mới 18 tuổi, vô cùng dũng cảm, lại giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, lần này cũng theo Vệ Thanh đi đánh Hung Nô. Quân Hung Nô nghe tin đại quân Hán tiến công liền rút chạy. Vệ Thanh chia quân làm 4 đường truy đuổi. quyết đánh bại chủ lực Hung Nô. Riêng Vệ Thanh thì trấn giữ đại doanh để chờ tin tức.

Đến tối, bốn cánh quân đều trở về, không tìm thấy chủ lực Hung Nô, có cánh quân giết được trăm địch, có cánh quân chỉ về tay không. Hoắc Khứ Bệnh lúc đó chỉ là một hiệu úy trẻ tuổi, lần đầu đi đánh trận. Ông dẫn đầu 800 tráng sĩ, tổ chức thành một đội quân nhỏ, đi lùng tìm quân Hung Nô. Họ tiến mãi lên phía bắc, dọc đường không thấy bóng dáng lính Hung Nô nào, mãi tới mấy trăm dặm mới thấy xa xa có trại quân Hung Nô. Họ lặng lẽ đi vòng ra phía sau, nhằm vào chiếc lều lớn nhất, xung phong mãnh liệt. Hoắc Khứ Bệnh nhanh nhẹn, chém chết ngay một quí tộc Hung Nô, thủ hạ của ông cũng bắt sống được hai quí tộc. Quân Hung Nô mất người đứng đầu, tan chạy ra các ngã, 800 tráng sĩ đuổi theo giết được hơn 2000 quân Hung Nô rồi mới trở về đại doanh.

Vệ Thanh đang nóng lòng chờ đợi thì thấy Hoắc Khứ Bệnh xách một chiếc đầu tiến vào, các binh sĩ phía sau còn giải theo hai tù binh. Qua thẩm vấn, được biết trong hai tù binh, một là chú của thiền vu, một là tướng quốc; còn kẻ bị Hoắc Khứ Bệnh giết là một tước vương vào hàng ông của thiền vu. Lần đầu tham gia chiến đấu mà chàng thanh niên 18 tuổi Hoắc Khứ Bệnh đã lập công lớn. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông được phong là Quán quân hầu.

Năm 121 TCN, Hán Vũ Đế lại phong Hoắc Khứ Bệnh làm phiêu kỵ tướng quân, dẫn một vạn kỵ binh, xuất phát từ Lũng Tây, tiến công Hung Nô. Binh mã của Hoắc Khứ Bệnh giao chiến với quân Hung Nô trong sáu ngày liền. Quân Hung Nô cầm cự không nổi, thua chạy về phía sau. Hoắc Khứ Bệnh dẫn quân vượt qua núi Yên Chi (nay ở phía tây huyện Vĩnh Xương, Cam Túc), truy kích hơn 1000 dặm. Ở đó còn có những thuộc quốc Hung Nô như Hồn Nha (nay ở trong tỉnh Cam Túc), Hưu Đồ (nay ở bắc huyện Vũ Uy, Cam Túc). Quân Hán bắt sống được vương tử và tướng quốc của Hồn Nha vương, chiếm được người vàng (thực chất là tượng đồng) dùng để tế trời của vua Hưu Đồ.

Để khen thưởng cho Hoắc Khứ Bệnh, Hán Vũ Đế muốn xây cho ông một dinh thự. Hoắc Khứ Bệnh khảng khái từ chối nói: "Quân Hung Nô còn chưa bị tiêu diệt, lo tới nhà cửa làm gì?". Để diệt trừ tận gốc sự xâm phạm của Hung Nô, năm 119 TCN, sau khi chuẩn bị đầy đủ, Hán Vũ Đế lại phái Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, mỗi người mang 5 vạn quân tinh nhuệ, chia hai đường hợp kích Hung Nô. Vệ Thanh từ quận Định Tương vượt qua biên giới, đi qua sa mạc Gô-bi, hành quân hơn 1000 dặm. Thiền vu Y Chat Nha thân dẫn tinh binh đối địch. Hai bên triển khai kịch chiến. Lúc trời vừa tối, trên sa mạc bỗng nổi cuồng phong, trời đất mịt mù, đá bay cát chạy. Vệ Thanh chống chọi với gió cát, ra lệnh cho kỵ binh chia làm hai cánh đánh ép lại. Thiền vu Y Chat Nha không chống cự nổi, dẫn mấy trăm kỵ binh phá vây chạy lên phía bắc. Vệ Thanh đuổi tới thành Triệu Tín, núi Điền Nhan (nay ở phía nam cao nguyên Mông Cổ) thì thành đã bỏ trống, còn lại rất nhiều lương thảo. Vệ Thanh cho người ngựa ăn uống no nê, rồi đốt hết số còn lại, sau đó đem quân về. Ở cánh quân kia, Hoắc Khứ Bệnh cũng vượt qua sa mạc, tiến lên hơn 2000 dặm, đánh tan quân mã của Tả Hiền vương, đuổi tới núi Lang Cư Tư (nay thuộc khu tự trị Nội Mông, có thuyết nói là nay thuộc nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ) và dựng một bia đá tại đây để làm kỷ niệm.

Đây là trận truy kích có quy mô lớn nhất, tiến quân sâu nhất của quân Hán. Sau đó, Hung Nô lui tới miền bắc sa mạc, miền nam sa mạc không còn triều đình Hung Nô nữa.

TRƯƠNG KHIÊN MỞ ĐƯỜNG SANG TÂY VỰC

Những năm đầu đời Hán Vũ Đế, có người Hung Nô đầu hàng triều Hán. Qua họ, Hán Vũ Đế biết qua về tình hình Tây Vực (nay là Tân Cương và một số nước vùng Trung Á). Họ cho biết có nước Nguyệt Chi bị Hung Nô đánh bại, chạy về phía tây, định cư ở Tây Vực. Họ căm thù Hung Nô, muốn báo thù, nhưng không được ai giúp đỡ. Hán Vũ Đế nghĩ, Nguyệt Chi ở phía tây Hung Nô, nếu triều Hán liên hợp được với Nguyệt Chi, cắt đứt liên hệ giữa Hung Nô với các nước Tây Vực thì có khác gì chặt đứt cánh tay phải của Hung Nô.

Thế rồi, ông liền hạ chiếu thư, tìm người có khả năng đi liên hệ với Nguyệt Chi. Lúc đó, không ai biết nước Nguyệt Chi ở đâu và cách bao xa. Muốn đảm nhận việc đó, phải là người rất có dũng khí. Có một viên lang trung (một chức quan) tên là Trương Khiên, thấy đây là một việc hay, liền xin nhân nhiệm vụ. Sau đó, hơn 100 tráng sĩ cũng mạnh dạn xin cùng đi. Một người thuộc tộc Hung Nô ở Trường An tên là Đường Ấp Phụ cũng tình nguyện đi cùng Trương Khiên sang nước Nguyệt Chi.

Năm 138 TCN, Hán Vũ Đế phái Trương Khiên dẫn hơn 100 người đi tìm nước Nguyệt Chi. Nhưng muốn đến Nguyệt Chi phải đi qua địa giới của Hung Nô. Bọn Trương Khiên mới đi được mấy ngày đã bị quân Hung Nô vây chặt, bắt làm tù binh. Nguời Hung Nô không giết họ, chỉ phân tán ra để giám sát, chỉ có Đường Ấp Phụ được ở cùng chỗ với Trương Khiên. Họ bị giam giữ suốt hơn 10 trời. Càng về sau, người Hung Nô không còn giám sát họ chặt chẽ nữa. Trương Khiên và Đường Ấp Phụ bàn nhau, nhân lúc họ sơ hở, liền ăn trộm hai con ngựa trốn chạy. Hai người nhằm hướng tây đi mấy chục ngày, chịu mọi gian khổ mới ra khỏi địa giới Hung Nô, không tìm thấy nước Nguyệt Chi nhưng lại đi lạc vào nước Đại Uyển (nay ở vùng Trung Á).

Đại Uyển là nước láng giềng với Hung Nô. Người địa phương hiểu được tiếng Hung Nô nên Trương Khiên và Đường Ấp Phụ giao dịch rất thuận lợi. Họ xin yết kiến vua Đại Uyển. Vua nước Đại Uyển đã nghe nói Hán là một nước rất cường thịnh, lần này lại thấy sứ giả triều Hán thì rất hoan nghênh và phái người đưa họ đến nước Khang Cư (nay ở khoảng giữa hồ Bai Can và Biển mặn), rồi từ Khang Cư đến Nguyệt Chi. Sau khi Nguyệt Chi bị Hung Nô đánh bại thì dời đến vùng phụ cận Đại Hạ (nay là phía bắc Afghanistan) xây dựng nên nước Đại Nguyệt Chi, không còn có ý muốn đánh Hung Nô nữa. Quốc vương Đại Nguyệt Chi nghe Trương Khiên trình bày, không hưởng ứng nhiệt tình lắm, nhưng vì thấy Trương Khiên là sứ giả triều Hán nên vẫn tiếp đãi trọng thể.

Trương Khiên và Đường Ấp Phụ ở Đại Nguyệt Chi hơn một năm, lại đến thăm Đại Hạ một lần, được thấy rất nhiều sự vật mới lạ chưa từng được biết. Nhưng họ không thể thuyết phục được Đại Nguyệt Chi cùng chống Hung Nô nên đành trở về. Khi qua địa giới Hung Nô, lại bị bắt lại một thời gian, may nhờ Hung Nô có nội loạn nên mới trốn về được Trường An. Trương Khiên ở nước ngoài tới 13 năm mới trở về, Hán Vũ Đế cho rằng ông đã lập công lớn, nên phong làm Thái trung đại phu. Trương Khiên báo cáo tỉ mỉ với Hán Vũ Đế tình hình ở các nước Tây Vực. Ông nói: "Thần thấy ở Đại Hạ có một gậy trúc sản xuất ở Cung Sơn (nay là tỉnh Tứ Xuyên) và vải mịn sản xuất ở đất Thục (nay là Thành Đô, Tứ Xuyên). Người địa phương cho biết do thương nhân từ Thiên Trúc (nay là Ấn Độ) mang tới ". Ông cho rằng Thiên Trúc đã có thể mua được hàng hóa của đất Thục thì chắc hẳn phải ở không xa đất Thục.

Hán Vũ Đế liền cử Trương Khiên làm sứ giả, mang theo lễ vật từ đất Thục sang kết giao với Thiên Trúc. Trương Khiên chia người ngựa làm bốn đội, chia đường đi tìm nước Thiên Trúc. Mỗi đội đều đi khoảng 2000 dặm nhưng đều không tới được Thiên Trúc, có đội còn bị nhân dân địa phương đánh đuổi về. Đội đi về phía nam tới được Côn Minh, cũng bị ngăn lại. Sứ giả triều Hán vòng qua Côn Minh, tới được Điền Việt (nay là Vân Nam). Tổ tiên của quốc vương Điền Việt nguyên là người nước Sở, đã sống cách biệt với Trung nguyên mấy đời rồi. Ông vui lòng giúp Trương Khiên tìm đường qua Thiên Trúc, nhưng lại bị Côn Minh ngăn ở giữa đường, không cho đi qua.

Trương Khiên trở về Trường An, Hán Vũ Đế cho rằng tuy ông không tìm thấy nước Thiên Trúc nhưng đã kết giao được với Điền Việt, là nước chưa từng có quan hệ nên cũng hết sức vui lòng. Đến khi Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh tiêu diệt được quân chủ lực Hung Nô. Hung Nô chạy lên phía bắc sa mạc, nhiều nước Tây Vực thấy Hung Nô đã thất thế, đều không chịu tiến cống và nộp thuế cho Hung Nô. Hán Vũ Đế nhân dịp đó lại phái Trương Khiên đi Tây Vực.

Năm 119 TCN, Trương Khiên và mấy trợ thủ đem theo cờ tiết của triều Hán, tổ chức một đoàn 300 dũng sĩ, mỗi người dùng hai con ngựa, đem theo hơn một vạn bò dê và vàng bạc, tiền tệ, lụa là vải vóc làm lễ vật đi kết giao với Tây Vực. Trương Khiên đến Ô Tôn (nay ở Tân Cương) được nhà vua đón tiếp. Trương Khiên dâng lên món lễ hậu, đề nghị hai nước kết làm thân thích, cùng nhau đối phó Hung Nô. Vua Ô Tôn thấy triều Hán cách Ô Tôn rất xa, không biết mạnh yếu thế nào. Ông ta muốn được sự giúp đỡ của triều Hán nhưng lại sợ làm mất lòng Hung Nô. Do đó, vua tôi nước Ô Tôn bàn bạc mấy ngày vẫn không quyết định được việc liên minh đối phó với Hung Nô.

Trương Khiên sợ kéo dài, lỡ mất thời gian liền phái các thủ hạ chia nhau mang lễ vật tới liên lạc với Đại Uyển, Đại Nguyệt Chi, Vu Điền (ở giữa Tân Cương và Điền). Vua Ô Tôn còn phái mấy người phiên dịch đi theo giúp đỡ họ. Những thủ hạ đó đi mãi không thấy trở về. Vua Ô Tôn liền tiến Trương Khiên về Trường An và phái một sứ đoàn mấy chục người theo Trương Khiên về Trường An để xem xét triều Hán, đem theo mấy chục con ngựa cao to tặng triều Hán. Hán Vũ Đế thấy sứ đoàn thì rất phấn khởi, lại thấy những con ngựa cao to lạ lùng lại càng quí, nên đón tiếp sứ giả rất nồng nhiệt.

Một năm sau, Trương Khiên bị bệnh mất, thủ hạ của ông đi các nước cũng lần lượt trở về Trường An. Họ tính tổng cộng đã đi tới 36 nước. Từ đó về sau, hàng năm Hán Vũ Đế đều phái sứ giả đi sang các nước Tây Vực, xây dựng quan hệ qua lại với các nước đó. Sứ giả và thương nhân các nước Tây Vực cũng lũ lượt đến Trung Quốc. Hàng tơ và hàng dệt tơ lụa của Trung Quốc đi qua Tây Vực tới các nước Tây Á rồi đi tiếp sang Châu Âu. Người đời sau gọi con đường đó là "con đường tơ lụa".


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx