sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

85-86

VIÊN THIỆU GIẾT HOẠN QUAN

Sau đòn tiến công của quân khởi nghĩa Hoàng Cân, vương triều Đông Hán đã rất suy yếu. Tới khi Hán Linh Đế chết, hai tập đoàn ngoại thích và hoạn quan lại tranh chấp kịch liệt, càng đẩy nhanh sự suy sụp của nó. Năm 189, hoàng tử Lưu Biện mới 14 tuổi lên nối ngôi, tức là Hán Thiếu Đế. Theo lệ thường, Hà thái hậu lâm triều, ngoại thích là đại tướng quân Hà Tiến nắm quyền. Hoạn quan Kiển Thạc vốn là đầu mục quân cấm vệ, toan mưu sát Hà Tiến, nhưng không thành. Hà Tiến liền bắt và giết Kiển Thạc.

Dưới quyền Hà Tiến có trung quân hiệu úy Viên Thiệu, là con cháu một đại sĩ tộc. Tổ tiên ông cha 4 đời liền đều là đại thần ở bậc tam công (thái úy, tư đồ, tư không), rất nhiều quan lại trong triều và các châu quận đều là môn sinh hoặc thủ hạ cũ của nhà họ Viên. Vì vậy, Viên Thiệu có thế lực rất lớn. Sau khi Kiển Thạc bị giết, Viên Thiệu khuyên Hà Tiến triệt để thanh trừ thế lực hoạn quan trong triều. Ông nói: "Trước kia, Đậu Vũ muốn tiêu diệt hoạn quan, vì tiết lộ mưu cơ nên bị hoạn quan giết. Nay tướng quân giữ binh quyền nên trừ hại cho thiên hạ, chớ bỏ lỡ cơ hội này". Hà Tiến không dám chủ động, liền đem bàn với thái hậu, nhưng Hà thái hậu không nhất định không chịu nghe theo.

Viên Thiệu lại bày kế cho Hà Tiến, khuyên Hà Tiến bí mật triệu tập binh mã các nơi về kinh đô, bức thái hậu phải đồng ý trừ hoạn quan. Hà Tiến cho đó là biện pháp hay, liền triệu tập các nơi về làm áp lực với thái hậu. Chủ bạ của Hà Tiến (chủ bạ, viên quan quản lý văn thư, giải quyết công việc, giải quyết công việc sự vụ hàng ngày) là Trần Lâm nghe thấy thế, vội can ngăn Trần Tiến: "Trong tay tướng quân nắm nhiều binh mã, muốn giết hoạn quan thì dễ như đốt sợ lông trên lò lửa, việc gì phải gọi quân bên ngoài về kinh thành? Gọi quân bên ngoài về có khác gì đưa dao cho người khác, tránh sao xảy ra chuyện nguy biến".

Hà Tiến không nghe theo lời can ngăn đó. Ông ta thấy trong các châu, có Tịnh Châu (nay gồm các vùng thuộc Sơn Tây, Hà Bắc, Nội Mông Cổ) là mạnh nhất, nên cho rằng gọi Tịnh Châu mục là Đổng Trác về giúp mình là tốt nhất. Vì vậy liền sai người cấp tốc mang thư cho Đổng Trác, bảo Đổng Trác đem quân về ngay Lạc Dương. Tin tức đó nhanh chóng đến tai bọn hoạn quan. Chúng bàn nhau: "Nếu không ra tay trước thì chúng ta sẽ đi đời". Vì vậy, chúng mai phục sẵn dũng sĩ trong cung, rồi giả truyền mệnh lệnh thái hậu, gọi Hà Tiến vào cung. Hà Tiến vừa vào khỏi cửa cung, liền bị vũ sĩ vây chặt và giết chết.

Viên Thiệu được tin Hà Tiến bị giết, liền sai em là Viên Thuật đem quân vây đánh hoàng cung. Viên Thuật phóng hỏa đốt luôn cửa hoàng cung rồi dẫn quân xông vào, cứ thấy hoạn quan là giết. Có người không phải là hoạn quan nhưng vì không có râu, nên cũng bị coi là hoạn quan và bị giết luôn. Qua cuộc xung đột đó, cả ngoại thích và hoạn quan đều bị tổn thất. Đúng lúc đó, quân Đổng Trác từ Tịnh Châu tiến vào Lạc Dương. Đổng Trác vốn là một cường hào ở Lương Châu (nay ở khoảng Cam Tức, Ninh Hạ và Thanh Hải, Nội Mông Cổ), kết giao với bọn cường hào Khương, xưng bá một phương. Sau khi khởi nghĩa Khăn vàng, hắn nhờ công lao đàn áp quân khởi nghĩa, được thăng làm Tịnh Châu mục (quan cai trị đứng đầu Tịnh Châu). Vốn có dã tâm xâm chiếm Trung nguyên, nhân cơ hội có thư triệu tập của Hà Tiến. Đổng Trác liền nhanh chóng mang 3000 người ngựa về kinh.

Tới Lạc Dương, Đổng Trác muốn nắm đại quyền, nhưng vì binh mã quá ít, sợ không đè bẹp được lực lượng của quan binh ở Lạc Dương. Hắn liền nghĩ ra một mẹo, cứ đêm tối là cho 3000 binh mã lặng lẽ đi ra khỏi thành, đến ban ngày là trống giong cờ mở rầm rộ kéo vào thành. Cứ như thế liên tục mấy ngày, mọi người ở Lạc Dương cứ tưởng rằng Đổng Trác có rất nhiều quân, một số tướng sĩ trước kia thuộc quyền Hà Tiến thấy thế cũng đua nhau chạy sang phía Đổng Trác. Vì vậy, binh quyền ở Lạc Dương đã rơi toàn bộ vào tay Đổng Trác. Để độc chiếm đại quyền, Đổng Trác quyết định phá bỏ Hán Thiếu Đế, lấy em của Thiếu Đế là Trần Lưu vương Lưu Hiệp lên làm hoàng đế. Hắn biết rằng trong số quan chức ở Lạc Dương, thì thế lực họ Viên là mạnh nhất, liền mời Viên Thiệu tới trao đổi về việc đó.

Đổng Trác nói: "Tôi thấy Trần Lưu vương là người anh minh hơn đương kim hoàng đế, nên có ý định đưa ông ta lên thay, ngài thấy thế nào?". Viên Thiệu trả lời: " Hoàng thượng vừa lên ngôi, tuổi còn trẻ, cũng không nghe nói có lỗi lầm gì. Ngài muốn làm việc phế lập e rằng thiên hạ không phục".

Đổng Trác bị từ chối liền nổi giận nắm chuôi kiếm đe dọa: "Đại quyền nắm trong tay ta. Ta muốn làm thế, ai dám phản đối? Chẳng lẽ ngài cho rằng kiếm trong tay ta không đủ sắc hay sao?"

Viên Thiệu cũng nổi giận đỏ bừng mặt nói: "Hảo hán trong thiên hạ, đâu phải chỉ có một mình Đổng Trác nhà ngươi". Nói xong rút kiếm ra khỏi vỏ bao, hầm hầm bước ra. Ông sợ Đổng Trác không buông tha mình, liền vội vàng về luôn Ký Châu (nay ở khoảng Hà Bắc, tây bắc Sơn Đông và bắc Hà Nam). Em của Viên Thiệu là Viên Thuật nghe tin, cũng vội rời Lạc Dương, chạy về Nam Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Sau khi anh em Viên Thiệu bỏ đi, Đổng Trác liền triệu tập bá quan văn võ, tuyên bố quyết định phế lập. Lưu Hiệp lên làm hoàng đế, tức là Hán Hiến Đế. Đổng Trác tự làm tướng quốc.

Đổng Trác là kẻ cực kỳ tàn bạo. Sau khi làm tướng quốc, hắn dung túng binh sĩ tàn sát dân vô đối. Có lần ở Dương Thành (nay ở đông nam Đăng Phong, Hà Nam) gần Lạc Dương có lễ hội. Dân chúng tụ tập rất đông. Đổng Trác dẫn quân tới, giết hết nam giới, bắt phụ nữ và của cải chở trên xe đem về, buộc đầu người xung quanh xe, diễu võ giương oai trở về Lạc Dương. Dọc đường, còn cho binh sĩ hô "vạn tuế", nói là đánh thắng giặc trở về. Hành động ngang ngược tàn bạo của Đổng Trác khiến kinh thành Lạc Dương hỗn loạn. Những người có kiến thức đều lũ lượt rời bỏ Lạc Dương, trong đó có điển quân hiệu úy thành Lạc Dương là Tào Tháo.

TÀO THÁO KHỞI BINH

Tào Tháo là người huyện Triều đất Bái (nay thuộc huyện Bạc tỉnh An Huy). Cha là Tào Tung, con nuôi của một hoạn quan. Từ nhỏ, Tào Tháo đã thông minh lanh lợi, giỏi làm việc. Đương thời có một danh sĩ tên là Hứa Thiệu, có tài xét người. Khi Tào Tháo trưởng thành, đến xin Hứa Thiệu nhận xét, Hứa Thiệu nói: "Ta thấy anh nếu sống trong thái bình, sẽ là một bày tôi giỏi, nếu trong thời loạn, sẽ là một kẻ gian hùng".

Năm 20 tuổi, Tào Tháo là Bắc bộ úy ở Lạc Dương (chức quan trông coi việc trị an ở phần phía bắc Lạc Dương). Vừa nhận chức, ông sai thợ làm 20 cái gậy ngũ sắc, treo 2 bên nha môn. Ông hạ lệnh, nếu ai phạm tội thì bất kể là hào môn đại tộc, cũng đều bị đánh gậy. Lúc đó, Kiển Thạc (hoạn quan) có một ông chú là ác bá nổi tiếng, dựa vào quyền thế của Kiển Thạc, đã hoành hành ngang ngược khắp Lạc Dương, không ai dám gây chuyện với hắn. Có lần trong đêm, hắn vác dao đi gây sự ầm ĩ, phạm vào lệnh cấm của Tào Tháo. Tào Tháo không đếm xỉa gì đến thế lực của hắn, sai người bắt lại, dùng gậy ngũ sắc đánh cho một trận tơi tả. Tên ác bá đó chịu không nổi, chết tại chỗ. Sự kiện đó làm rung động cả kinh thành Lạc Dương. Mọi người đều ca ngợi Tào Tháo là người không sợ quyền uy, giữ nghiêm pháp luật. Bọn hoạn quan vừa căm tức vừa sợ hãi, liền tìm cách điều Tào Tháo khỏi Lạc Dương làm huyện lệnh ở nơi xa.

Trong thời kỳ khởi nghĩa Khăn vàng, Hán Linh Đế phong Tào Tháo làm kỵ đô úy, cử đến Dĩnh Xuyên (trị sở nay tại huyện Vũ, Hà Nam) trấn áp quân khởi nghĩa. Ông đã đánh bại cánh quân khởi nghĩa do Ba Tài lãnh đạo. Vương triều Đông Hán thấy Tào Tháo có công, phong làm Tế Nam tướng. Mấy năm sau, lại điều về Lạc Dương. Đổng Trác nắm quyền ở Lạc Dương, để thu phục lòng người, đã dùng quan cao bổng hậu để mua chuộc các quan. Nghe nói Tào Tháo có chút ít tiếng tăm, liền thăng Tào Tháo làm kiêu kỵ hiệu úy. Nhưng Tào Tháo thấy Đổng Trác làm nhiều việc càn rỡ, không được lòng người, sớm muộn cũng bị đánh đổ nên không chịu làm thủ hạ của Đổng Trác mà mạo hiểm trốn khỏi Lạc Dương về Trần Lưu (nay là huyện Trần Lưu, Hà Nam) tìm cha.

Cha Tào Tháo có một số tài sản ở Trần Lưu, khi Tào Tháo về, được cha đồng ý, liền bỏ tiền ra chiêu binh mãi mã, chuẩn bị đánh Đổng Trác. Ở địa phương, có một người giàu có là Vệ Từ, cũng bỏ tiền của và lương thực ra giúp đỡ Tào Tháo. Dần dần, Tào Tháo tụ tập được hơn 5000 người ngựa vừa tiến hành luyện tập, vừa nghe ngóng các nơi.

Từ sau khởi nghĩa Khăn vàng, các châu quận đều có binh mã. Rất nhiều thứ sử, thái thú các châu quận vốn có dã tâm cát cứ, nên nhân lúc Lạc Dương có rối loạn, liền mượn cớ thảo phạt Đổng Trác, đua nhau chiêu tập binh mã. Trong số đó, lực lượng mạnh nhất phải kể tới Viên Thiệu. Sau khi xung đột với Đổng Trác ở Lạc Dương, Viên Thiệu chạy về Ký Châu, làm thái thú Bột Hải. Vì Viên Thiệu thuộc dòng họ quan chức lớn, Ký Châu mục Hàn Phức cũng là bộ hạ cũ của nhà họ Viên, nên Viên Thiệu nhanh chóng tổ chức được một đội quân lớn ở Bột Hải. Năm 190, Tào Tháo và các đội quân thảo phạt Đổng Trác gồm mười mấy vạn người, tập hợp ở Toan Tảo (nay ở tây nam Diên Tân, Hà Nam) gần Trần Lưu, tổ chức thành liên quân và cử Viên Thiệu làm minh chủ.

Tin tức về cuộc khởi binh ở các địa phương truyền tới Lạc Dương, khiến Đổng Trác lo sợ. Mặc các đại thần phản đối, Đổng Trác quyết định đưa Hán Hiến Đế và hàng triệu dân Lạc Dương dời vào Trường An, còn tự mình lưu lại vùng phụ cận Lạc Dương để đối phó với liên quân. Khi Hán Hiến Đế bị buộc rời Lạc Dương, Đổng Trác sai đốt hết cung điện, dinh thự và nhà dân trong khoảng 200 dặm xung quanh Lạc Dương. Một kinh thành hoa lệ và một vùng dân cư trù phú đã bị lửa thiêu trụi, trở thành một vùng không còn tiếng gà gáy, chó sủa. Dân chúng bị lùa đi, bị đánh đập, chết đói chết khát, thi thể rải khắp đường.

Nhưng liên quân thảo phạt Đổng Trác tập trung ở vùng Toan Tảo vẫn còn trông nhau, ai cũng án binh bất động không dám ra tay trước. Có lần tướng lĩnh chỉ huy các đội quân thuộc liên quân họp bàn trong đại doanh của Viên Thiệu. Tào Tháo nói với mọi người: " Chúng ta khởi binh là để thảo phạt Đổng Trác. Hiện nay Đổng Trác đã cướp thiên tử đem đi, đốt cháy cung điện và kinh thành, lòng người cả nước đều kinh hoàng căm giận. Đây đúng là thời cơ tốt để trừ nghịch tặc. Tại sao chúng ta cứ do dự, không quyết định hành động?". Dù Tào Tháo nói năng khẳng khái, cảm động nhưng không ai nhiệt tình hưởng ứng. Ngay cả minh chủ Viên Thiệu còn chưa hành động, thì ai còn tình nguyện ra tay trước?

Tào Tháo thấy mọi người chỉ lo bảo toàn lực lượng, không dám đánh Đổng Trác thì tức giận, liền tự mình dẫn 5000 người ngựa, tiến binh về Thành Cao (nay là Trấn Dĩ Thủy, Huỳnh Dương, Hà Nam). Đổng Trác nghe tin Tào Tháo tiến binh về Thành Cao, liền bố trí sẵn thế trận ở Biện Thủy (nay ở tây nam Huỳnh Dương, Hà Nam). Quân Tào Tháo vừa tới Biện Thủy, thì gặp bộ tướng của Đổng Trác là Từ Vinh đánh chặn. Quân Từ Vinh đông, quân Tào Tháo ít, vừa giao chiến quân Tào Tháo đã tan vỡ. Trong khi cưỡi tháo lui, Tào Tháo trúng một mũi tên vào vai, vội thúc ngựa chạy gấp. Một phát tên khác lại trúng vào con ngựa, ngựa giật mình, hất Tào Tháo ngã xuống đất. Quân Từ Vinh từ phía sau đang la hét đuổi tới gần. Trong lúc nguy cấp, Tào Hồng tới kịp, nhường ngựa cho Tào Tháo, ông ta mới chạy thoát.

Chạy về tới Toan Tảo, thấy các cánh quân trong liên minh, không những án binh bất động mà còn rượu chè, ca hát say sưa, không nghĩ gì tới việc đánh Đổng Trác. Tào Tháo giận dữ, chạy tới giữa yến tiệc của Viên Thiệu và các tướng, lớn tiếng trách mắng: "Các ngài lấy danh nghĩa mang quân trừ nghịch tặc, mà cứ chần chừ trông ngóng ở đây khiến dân chúng thất vọng, tôi thật lấy làm hổ thẹn thay cho các ngài".

Không lâu sau, mấy chục vạn quân liên minh ăn hết lương thực, liền rã đám. Qua trận chiến đấu với Đổng Trác, Tào Tháo thấy rõ cộng tác với đám người đó thì chẳng bao giờ làm nổi việc lớn, liền tới Dương Châu (nay ở Hoài Thủy, An Huy và phía nam Trường Giang thuộc Giang Tô) chiêu binh mãi mã để chuẩn bị lại khởi binh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx