9.
Buổi trưa. Đội trưởng Thắng đang tắm giặt dưới sông Ô Lâu. Anh cũng chỉ có độc một bộ áo quần.
Trước khi tắm, anh giặt bộ áo quần phơi lên cành cây. Tắm xong, trần như nhộng, anh trèo lên tảng đá khuất sau bụi lau sậy ngồi co ro chờ áo quần khô. Thân hình gày còm nhom của anh cũng lấm tấm ghẻ ruồi.
Mừng từ trên bờ dốc hộc tốc chạy xuống bến, nhìn quanh quất gọi to:
- Anh Thắng ơi. Anh Thắng?
- Cái chi đó, Mừng?
Nhìn thấy bộ áo quần phơi trên cành cây, Mừng biết là đội trưởng đang "cuổng trời" nên chỉ đứng bên này bụi lau sậy, báo cáo với sang:
- Anh lên ngay, có khách dưới Huế lên tìm anh.
- Khách dưới Huế à? Lạ quá hè? Em có biết là ai không?
- Dạ hai người, một mệ, một o. Mệ thì già, răng đen, còn o thì trẻ chỉ bằng chị Quýt bào chế, nước da trắng bóc, tóc kẹp, đi dép xăng- đan, mặc bộ áo quần đẹp lắm. Hai người xách hai cái bị chi to lắm!
- Chừ họ mô rồi?
- Họ đang trên đường đi đến chỗ đội mình. Một anh ở ngoài trạm gác dắt họ đi. Em chạy trước về báo cho anh biết, cả sợ lúc họ vô anh đang cởi áo bắt rận thì ôốc dôộc(1), lắm?
- Em chạy lên trước đi rồi anh lên ngay.
Mừng chạy về đến lán thì lính gác trạm tiền tiêu Xê-ca đeo khẩu súng mút-cơ-tông, dẫn hai người khách phụ nữ, bước vào san.
- Có anh Thắng ở nhà không em?
- Dạ có… Anh đang… - Mừng định nói tắm dưới sông - nghĩ thế nào em lại nói… ra công tác ngoài mấy trận địa bắn máy bay. Anh sắp về chừ…
- Có hai chị ni ở dưới Huế lên cần gặp đội trưởng của chú - Anh lính gác quay sang nói với hai phụ nữ đứng khép nép sau lưng. - Mời thím và o vô trong nhà đợi. Chút nữa anh ấy sẽ về.
- Thím ạ… Chị ạ… - Mừng lễ phép chào hại người rồi dẫn họ vào lán.
Hai người phụ nữ Huế đứng ngây người nhìn ngôi lán trống trơn với hai dãy sạp nứa bụi mọt rơi trắng xoá, những chiếc bao tải còn đen hơn cả giẻ lau nhà, được gấp cẩn thận, nằm một dãy sát phên mà họ không biết ở đây người ta dùng để làm gì. Rồi họ nhìn Mừng áo quần rách tả tơi, ghẻ lở đến tận cổ, nước da vàng ệch, hai ống chân như hai ống quyển, đứng xa họ cả chục bước vẫn ngửi thấy mùi tanh tanh… Họ chưa bao giờ được nhìn thấy một cảnh sống cực khổ đến như vậy!
- Thím với chị để tạm bị lên sạp cả nặng. - Mừng vẫn đứng cách xa họ, rụt rè nói.
Người đàn bà răng đen hỏi:
- Chớ em cũng là bộ đội Việt Minh à?
- Dạ… Chúng em là Vệ Quốc Đoàn … Mới đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam…
- Rứa em có biết em Thân Trọng Quỳnh, cũng nhỏ nhỏ cỡ bằng em?
- Có phải trước tê Quỳnh ở cái nhà lầu thiệt to dưới Vĩ Dạ không ạ?
- Phải, đúng rồi… Nhà cụ Tuần Vi.
- Rứa thì bạn Quỳnh ở cùng đội với em. Bạn ấy bị sốt rét nặng nên cả tháng nay đang nằm trong bệnh viện.
Vừa lúc đó đội trưởng bước vào, áo quần anh mặc vẫn còn ướt nhưng đầu tóc được chải khá cẩn thận.
- Dạ thưa anh, hai chị em tui là người nhà của em Thân Trọng Quỳnh - Người đàn bà răng đen nói với anh Thắng. - Cụ Tuần Vi là cha em, sai chị em tui lên đây mang thư của cụ gửi cho cấp chỉ huy của bộ đội…
Chị mở kim băng túi áo lấy ra cái phong bì được gấp nhỏ, cầm đưa cho anh Thắng bằng hai tay, rất cung kính.
Có hai bức thư trong phong bì, một bức thư chữ đánh máy và bức thư viết tay. Anh Thắng đọc bức thư đánh máy trước.
"Huế, ngày… tháng… năm 1947.
Kính gửi Ngài Chỉ huy cao cấp Quân đội Việt Minh tỉnh Thừa Thiên.
Tôi là Thân Trọng Vy, nguyên Tuần phủ cũ. Nay tôi lại được chánh phủ Nam Triều triệu ra nhận chức Phó tổng trấn Trung kỳ. Nhưng việc hôm nay tôi muốn đệ trình lên ngài là việc riêng của gia đình tôi. Cháu Thân Trọng Quỳnh là con trai út và độc nhất của vợ chồng chúng tôi. Năm nay cháu vừa tròn mười ba tuổi. Vì sự bồng bột non dạ của tuổi thiếu niên, cháu Quỳnh đã trốn nhà theo bộ đội của các Ngài từ trước ngày Mặt trận Huế. Nay tôi tha thiết đệ trình lên Ngài, vì lòng nhân đạo, xin Ngài cho cháu Quỳnh được trở về với gia đình, để cháu được tiếp tục đi học và chữa bệnh. Kính mong Ngài chấp nhận cho tôi lời đệ trình khẩn thiết của vợ chồng chúng tôi. Hai phụ nữ mang thơ này là người nhà gia đình chúng tôi, nếu lời đệ trình được Ngài chấp nhận, xin Ngài cho cháu cùng về theo.
Gọi là chút lễ mọn tri ân, vợ chồng chúng tôi xin kính biếu Ngài và đồng sự một số thuốc Tây chữa bệnh, thuốc bổ và một số vật dụng cá nhân khác. Kính mong Ngài vui lòng chấp nhận.
Kính cáo Thân Trọng Vy ký tên"
Anh Thắng đọc tiếp bức thư viết tay:
"Quỳnh con ơi!
Từ ngày con bỏ nhà đi, ba mạ, các chị con ngày đêm thương khóc. Mạ gày mòn héo hắt vì thương nhớ con, không biết con còn sông hay chết. Không đêm mô mạ không nằm mê thấy con về ngồi ở đầu giường mạ. Bất ngờ cách đây ít lâu, do tình cờ mà mạ được biết con còn sông và đang ở "trên nớ"(2). Mạ lại được nghe nói con đau ốm bệnh chi nặng lắm, không đi lại được phải nằm một chỗ. Ba mạ nghe tin càng đứt ruột héo gan. Ba con đã viết thơ đệ trình lên Ngài chỉ huy cao cấp của Việt Minh Thừa Thiên xin cho con được trở về với gia đình. Ba con cũng đã đánh thơ cho chú ruột con hiện đang công cán bên nước Thụy Sĩ, nếu con về nhà thì ba sẽ gửi con sang bên đó để con chữa cho lành bệnh và học hành cho đến lúc thành tài.
Chú con cũng đã có thơ phúc đáp, rằng ngày đêm mong chờ con qua để chú cháu được gặp gỡ, đoàn tụ. Biết tánh con thích nhạc, thích đàn, nên chú con đã mua sẵn cho con một cái đàn pi-a-nô nhãn hiệu Ý với giá mấy chục lượng vàng, để sẵn ở đó, chờ con qua, con chơi. Mạ gởi kèm theo đây cho thím Ba và chị Hường mang lên cho con ít đồ ăn, áo, mền, thuốc, con ưng để dùng hoặc con biếu các bạn của con thì tùy ý con.
Ba mạ, các chị con ngày đêm đỏ mắt mong con trở về.
Mạ của con ký tên"
Đọc xong hai bức thơ, đội trưởng ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói với hai người khách:
- Tôi là đội trưởng của em Quỳnh, nhưng việc này phải do cấp trên của chúng tôi giải quyết, đồng thời cũng phải hỏi ý kiến của em Quỳnh có muốn về với gia đình hay không. Vậy thím với chị cứ nghỉ tạm ở đây, để tôi đi gặp cấp trên báo cáo lại. Anh quay sang nói với Mừng:
- Em ở nhà tiếp thím với chị đây. Anh vô Xê-ca Một có việc.
Chú thích:
(1) Xấu hổ.
(2) Trên ấy - Đồng bào vùng giặc tạm chiếm gọi lóng chiến khu.
10.
Xê-ca Bảy, nơi bệnh viện chiến khu đóng, có khoảng chục cái lán tranh. Sáu ngôi lán dài một mái, là chỗ nằm của bệnh nhân. Bốn cái nhà tranh mái lá phòng khám, phòng mổ, phòng điều trị và chỗ ăn ở của bác sĩ, y tá, hộ lý. Tất cả nằm rải rác thành hình vòng cung men theo sườn ngọn núi mà trong bản đồ quân sự được ghi là đỉnh 96, náu kín dưới những tán cây rừng đại thụ. Một con đường mòn nối liền các lán, trại.
Từ mỗi ngôi lán có lối đi đánh thành bậc xuống con suồl khá lớn chảy vòng dưới chân núi, để bệnh nhân xuống suối tắm giặt, rửa ráy. Trước khu nhà hai mái có một khoảng trống rộng chừng bốn chiếc chiếu đôi. Chính giữa khoảng trống có căng một tấm vảì màn trắng, bốn góc buộc vào bốn cái cọc, ở giữa hơi võng xuống, nhìn giống cái vó tay dựng phơi. Dưới đáy vó đặt cái chậu nhôm kê cao trên tảng đá. Cái vó màn này là dụng cụ hứng nước trời thay cho nước cất, để hoà thuốc uống, thuốc tiêm.
Bệnh viện trưởng là bác sĩ Lê Khắc Thiền tốt nghiệp Y khoa ở Pháp, một người thầy thuốc nổi tiếng mê thơ và sành thơ. Ông có bài thơ "Hồn nhiên" in trong tuyển tập thơ kháng chiến của Hội Văn nghệ Việt Nam xuất bản năm 1949.
Hôm các em ở đội Thiếu niên Trinh sát đưa Quỳnh vào bệnh viện, bác sĩ Thiền đang ăn cơm. Ông bỏ dở bữa ăn đi ra đón em và sai đưa em vào phòng khám. Ông ngồi xuống cạnh em, đưa bàn tay có những ngón tay dài và mềm mại đặc biệt của một bác sĩ phẫu thuật. Vuốt mái tóc tơ bù rối của em và ngắm nhìn gương mặt em rất lâu. Ông nâng cằm em lên, nhìn sâu vào đôi mắt to mênh mông của Quỳnh đang âm ỉ lửa sốt, rồi chợt hỏi như chưa thật tin lắm cái điều mình đã được biết:
- Chính chú mình đã viết bài hát "Sông Ô Lâu kháng chiến"?
- Dạ…
- Cả nhạc và cả lời?
- Dạ. Bài hát của em còn cái "pờ- rề- luýt" nữa nhưng em chưa kịp viết vào. - Quỳnh vung tay đánh nhịp và khẽ ngân nga khúc dạo đầu bài.
Ông chăm chú lắng nghe, mỉm cười nói:
- Bài hát của chú mình đã làm cho tôi khóc đó nghe?…
Ông bế em đặt lên giường khám và làm bằng những khúc thân cây để nguyên cả vỏ, và lát bằng tre lồ ô đập dập. Trời! Em nhẹ bỗng đến ngạc nhiên, tưởng chừng như không phải làm bằng xương thịt mà bằng một chất liệu gì đó hết sức mỏng manh, hết sức dễ vỡ. Một nỗi thương xót trào lên, nghẹn cổ ông. Ông cầm bàn chân sưng tấy của em, nâng lên ngắm nghía, trán ông hơi cau lại vì lo lắng. Ông âu yếm nói:
- Chú mình cứ nằm yên nghe, đợi anh mấy phút. Rồi anh sẽ chữa cho chú mình lành bệnh. Rồi chú mình sẽ tha hồ mà viết những bài hát mới…
Ông trở lại lán, ăn nốt chén cơm với nước ruốc. Những tứ thơ mới lên men trong đầu ông: "Cuộc kháng chiến thần thánh của đất nước đã làm nảy sinh biết bao điều kỳ diệu? Nó giống như quặng mỏ kim loại quý với một trữ lượng vô tận, bấy lâu nằm sâu ẩn kín dưới các tầng đất, bỗng được mũi khoan của kháng chiến chạm phải, phát hiện, làm giàu sang cho nòi giống. Biết bao nhiêu thiếu niên đã sống và chết như những bậc anh hùng cái thế và chắc cũng không hiếm những chú bé hoá thành nghệ sĩ cách mạng như chú bé bệnh nhân của tôi?".
Vừa chan nước ruốc đỏ lòm những ớt vào bát cơm gạo mục, ông bác sĩ bệnh viện trưởng chiến khu vừa khẽ ngâm nga một câu trong bài hát của Quỳnh:
"Sông Ô Lâu ngân nga hát vang.
Chảy xuyên qua cuộc kháng chiến trường kỳ…".
Bưng bát cơm lên miệng và, ông vẫn không thôi nắc nỏm:
- Lạ thật! Một chú nhóc mười ba tuổi mà viết nổi một câu hát như thế. Lạ thật!
* * *
Cũng như hồi ở trạm quân y của mặt trận khu C. Quỳnh trở thành con cưng của cả bệnh viện chiến khu. Từ bác sĩ bệnh viện trưởng đến y sĩ, y tá, hộ lý, đến bệnh nhân, đều yêu em và đối xử với em như con đẻ, như em ruột.
Những hôm em dịu cơn sốt, cái chân bớt đau nhức, em tha thẩn đi đến các lán trong khu bệnh viện. Em dạy cho họ hát bài "Sông Ô Lâu kháng chiến" của em và hát cho họ nghe những bài hát mà họ yêu cầu. Em vừa có năng khiếu âm nhạc tuyệt vời lại vừa rất khéo tay. Chỉ cần mày mò một lúc là em đã có thể biến những đồ vật tầm thường, bỏ đi, tìm thấy trong các lán trại thành nhạc cụ. Em xếp những ống nứa những ống tre lồ ô dài ngắn, to nhỏ khác nhau, hoặc những cái chén ăn cơm, những chai lọ không, đổ vào đó những mực nước khác nhau, và dùng chiếc đũa, cái muỗng sắt hoặc con dao cùn mẻ, gõ nhịp nhàng lên những vật đó, thế là tất cả hoá thành âm nhạc. Thế là ngôi lán tràn ngập những giai điệu hùng tráng, du dương, êm dịu… của những bài hát họ quen thuộc. Họ chen chúc, xúm xít quanh em, mắt không chớp, như bị hai bàn tay em thôi miên. Những gương mặt chiến sĩ vàng võ vì bệnh tật, đói khát, phút chốc rạng rỡ lên vì niềm vui của sự ngạc nhiên, thán phục. Cuộc sống gian khổ. Thiếu thốn kinh người của hoàn cảnh bệnh viện chiến khu ngày đó, từ khi có em, bỗng vơi nhẹ bớt. Tiếng rên la, cáu gắt ở các lán bệnh nhân ngày một giảm và thay vào đó là tiếng hát, tiếng cười, ngày một nhiều hơn, bác sĩ Thiền gọi đùa em là "Chính uỷ của bệnh viện".
Có lần bác sĩ Thiền vào thăm lán năm, một lán toàn những bệnh nhân nặng. Ông bắt gặp Quỳnh đang đứng trên sạp nứa bắt nhịp cho các anh chị bệnh nhân, người nằm, người ngồi, người dựa cột, dựa phên tập hát bài "Không quân Việt Nam"(1), đúng vào cái câu: " Ta là đàn chim bay trên cao xanh… ".
Em dạy hát kiên nhẫn không thua gì mấy ông giáo già dạy trẻ con học vỡ lòng. Em bắt các anh các chị dừng lại nhiều lần, em hát làm mẫu rồi bắt họ tập hát lại những câu hát sau. Một lần, hai lần, bốn, năm, sáu lần… Mấy bệnh nhân có tiếng là khó tính, bướng bỉnh nhất lán đều răm rắp nghe em chỉ vẽ, ngoan ngoãn như những chú học trò nhỏ. Em gõ lên bộ đàn chai tự tạo hoà theo giọng hát của họ làm cho tất cả hào hứng say sưa tập.
Bác sĩ Thiền dừng lại trước cừa lán, đắm chìm trong những giai điệu hùng tráng mang ý nghĩa tiên tri, báo hiệu, ngợi ca một quân chủng của quân đội cách mạng tương lai và gợi lên niềm mong ước lớn lao về sức mạnh của Nhân dân - Đất nước, được một em bé lĩnh xướng và điều khiển bắt nhịp. Ông ngắm nhìn những tấm thân gày gò, ghẻ lở, che phủ những bộ quần áo rách như tổ đỉa, những gương mặt võ vàng, xanh lét ủ đầy bệnh của các chiến sĩ bệnh nhân, tràn trề niềm phấn khích cách mạng. Lời hát hừng hực khí phách, tràn đầy chất thơ hào hùng như đang toả sáng trên gương mặt họ, như đang nâng bổng họ bay lên bầu trời mộng tưởng… "Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng… ".
Ông thấy người mình nổi hết gai ốc, và cặp mắt ông nhoà. Về sau này, nhiều năm tháng đã trôi qua, bác sĩ Lê Khắc Thiền râu tóc đã bạc phơ, vẫn còn hay nhắc lại chuyện này. Ông xúc động nói: "Lúc đó tôi vụt thấy núi rừng chiến khu, cuộc sống bi tráng của năm đầu kháng chiến, các chiến thương sắp ngã gục và không bao giờ còn đứng lên được nữa vì thiếu thuốc men và đói khát, em bé nhạc trưởng bắt nhịp hát với hai cánh tay trần mảnh như que diêm, và ca khúc "Không quân Việt Nam" "...cánh bay rợp trời…" đã hoà nhập làm một. Đó là một trong những hình ảnh tráng lệ nhất của TỔ QUỐC lâm trận, mà đời tôi may mắn được chứng kiến".
Hơn một tuần vừa qua, Quỳnh vắng mặt ở các lán. Em bỗng dưng lên cơn sốt liên miên, phải nằm liệt trên sàn. Vết thương cũ dưới gan bàn chân tái phát nặng, sưng tấy, nóng ran. Em không ăn được, mỗi bữa phải gắng lắm em mới nuốt được vài muỗng cháo loãng. Bác sĩ Thiền vô cùng lo ngại. Ông lật nhìn mi mắt em, nhìn lưỡi, bàn chân tấy đỏ, nhìn bát cháo gạo luễnh loãng với mấy con tôm khô kho mặn chát để ở đầu giường mà em chỉ ăn được vài muỗng rồi bỏ dở… Gương mặt ông vụt tối lại như có một mảng bóng râm lướt qua. Ông ứa nước mắt vì thương xót, bất lực. Tâm trạng ông lúc này giống tâm trạng một tráng sĩ dư sức đánh bại một kẻ thù, nhưng có nguy cơ bị kẻ thù hạ thủ chỉ vì trong tay thiếu một lưỡi gươm - dù chỉ là một lưỡi gươm cùn. Mỗi lần di xuống lán thăm bệnh cho em, ông lại lắc lắc đầu, lẩm bẩm: "Giá được cho chú ta mỗi ngày vài ly sữa, một ít thuốc kháng sinh thì đâu đến nỗi…".
Nhưng trong tay ông lúc này chỉ có cháo gạo loãng, mấy con tôm khô kho mặn chát một ít thuốc ký ninh, viên sắt, long não…
Chỗ nằm của Quỳnh trước đây ở giữa lán. Một bệnh nhân nằm cuối lán, sát phên đầu hồi, ra viện. Em xin bác sĩ chuyển chỗ nằm đến đây. Em tẩn mẩn tự tay khoét phên lán thành một khuôn cừa sổ nhỏ bằng bốn bàn tay, ngang tầm với đầu nằm. Em có thể nằm mà ngắm một khoảnh rừng núi qua cái khung cửa sổ tí xíu này. Những lúc dứt cơn sốt rét, em thường nằm nghiêng, úp gương mặt xanh xao vào khuôn cửa sổ mắt mở to ngắm nhìn cái dốc núi thoai thoải, mặt đất phủ đầy lá rụng và dây leo, xanh rợp bóng cây cỏ những đốm nắng màu hổ phách, và một mảnh suối lấp lánh dưới chân dốc… Em nằm bất động, có khi hàng giờ liền, mình đắp cái bao tải thay chăn, làm các chị y tá cứ tưởng em ngủ say. Hình như em chăm chú lắng nghe một âm thanh gì đó, rất xa, rất mơ hồ, mà chỉ một mình em nghe thấy. Thỉnh thoảng em lại chống khuỷu tay nhỏm dậy, nửa nằm nửa ngồi, hý hoáy viết cái gì đó với mẩu bút chì ngắn bằng ngón tay, lên mặt sau tờ giấy đơn thuốc bỏ đi. Em viết hết tờ này đến tờ khác. Những tờ viết rồi, em xếp thành một tập, đút dưới cái bao tải rách gối đầu, thiếu giấy đơn thuốc, em viết lên những chiếc lá cây vả rừng, thứ lá lớn bằng trang giấy vở học trò và lúc rụng ngả màu vàng chanh.
Các anh chị bệnh nhân, y tá, hộ lý tò mò, rón rén đến gần, cúi nhìn trộm xem em viết gì. Em liền úp hai bàn tay lên tờ giấy hoặc ngọn lá, che lại những gì mình đang viết và nói với giọng nũng nịu, hờn dỗi: "Em không cho coi mô…ô". Cả bệnh viện đều đoán em đang viết nhạc. Và ai cũng ngong ngóng chờ đợi em lại cho ra đời một bài hát mới, hay như bài "Sông Ô Lâu kháng chiến". Họ hỏi em: "Sắp xong chưa?". Em lắc lắc đầu, cười: "Chưa mô… Cái này mất công lắm. Mà em bị sốt rét ghê quá " Họ không biết cái này là cái gì, và em cũng không nói rõ. Họ đoán già đoán non cái này chắc là một bài hát… Nhưng với bác sĩ Thiền thì em nói: "Em đang viết một vở nhạc kịch kể câu chuyện bạn em "Đi tìm thuốc cho mẹ". Anh có tin em sẽ thành công không?" - em ngước gương mặt mỗi ngày một võ vàng xanh xao, nhìn bác sĩ Thiền và hỏi - Rồi không đợi bác sĩ trả lời, em khẽ khàng nói thêm: "Mô-da viết vở nhạc kịch "Cây sáo thần", lúc ông ấy còn ít tuổi hơn em…". - Bác sĩ Thiền ghi vào nhật ký: "Hôm nay mình lại biết thêm một chuyện lạ".
Một vở nhạc kịch được viết lên sau những tờ đơn thuốc bỏ đi và lên những lá cây vả rừng. Và chú bé tác giả viết "Cây sáo thần" của mình, ở quãng ngừng giữa hai đợt sốt rét".
Chú thích:
(1) Tác giả là nhạc sĩ Văn Cao.
@by txiuqw4