sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ dữ dội (Tập 2) - Phần VII - Chương 19 - 20 - 21

19.

Bồng bước vào lán, chưa kịp bỏ tơi nón, đã nói với Mừng và Kim:

- Có thằng Việt gian xớ rớ định mò lên dò la chiến khu, tao lừa dẫn vô trạm gác, trói luôn.

Mừng và Kim đang lúi húi bên bếp nấu cơm chiều, nghe vậy bỏ bếp chạy lên. Mừng với vẻ mặt hớn hở của con nít sắp được nghe kể chuyện đời xưa, tíu ưt hỏi:

Đầu đuôi răng mà anh bắt được, anh kể cho nghe với…

Bồng sôi nổi kể với hai bạn chuyện người đàn ông vác đòn xóc,Mừng miệng há hốc nghe chuyện. Em ngạc nhiên hỏi:

- Nhưng làm răng anh vừa ngó thấy hẳn anh đã biết ngay hắn là Việt gian?

- Tau cần chi ngó, chỉ ngửi mùi tau cũng biết?

- Tài hè… Rứa mùi Việt gian như răng?

- Như mùi cứt!

Mừng tít mắt cười, hỏi:

- Rứa Vệ Quốc Đoàn mình có mùi không?

- Răng lại không có.

- Mùi Vệ Quốc Đoàn thì như răng?

- Mùi áo quần rách rưới cả năm mặc độc một bộ mùi ghẻ, mùi rận, mùi sốt rét, mùi sắn nước ruốc với rau tàu bay… mùi… mùi yêu nước, ghét Tây, ghét Việt gian! Như thằng Quỳnh đó, hắn nằm dưới đất đen, nhưng cứ đi qua mộ hắn là tau ngửi thấy mùi Vệ Quốc Đoàn xông lên, chảy cả nước mắt?

Khi nghe Bồng tả lại dáng dấp, cách ăn mặc, cái đòn còn vác trên vai có treo cuộn dây mây, của người đàn ông bị bắt, Kim giật bắn người. Hắn thầm kêu: "Thôi chết rồi, có lẽ là H.21". Để giấu nỗi hoảng sợ, Kim vờ lúi húi chất thêm củi vào bếp, nghĩ bụng: "Nếu đúng là H.21 thì mình làm răng đây? Chừ làm cách răng để biết được thằng cha ấy có đúng là H.21… Nếu chạy ra coi, thằng Bồng có thể sinh nghi…".

May lúc đó, Mừng hăm hở nói:

- Tui phải chạy ra coi thằng Việt gian nớ mới được. Tui chưa được thấy mặt mũi thằng Việt gian khi mô! Tui phải bắt chước anh ngửi coi mùi Việt gian như răng.

- Mặt mũi Việt gian thì cũng như mi với tau, - Bồng quẳng tơi nón xuống sạp nứa nói. - Khác chi? Có khác là mặt mày tụi chó nớ béo tốt,phương phi, không có ghẻ ruồi, da không vàng bủng, không xanh lét như anh em mình.

- Anh Kim, ta chạy ra coi thằng Việt gian chơi hí? - Mừng quay sang nói với Bồng. - Anh ở nhà nấu cơm giúp nghe. Bữa ni có canh rau tàu bay, môn thục nấu ruốc. Anh phải hấp hết cả rá sắn tụi tui vừa bóc vỏ, mới đủ ăn đó.

- Đội trưởng mô rồi?

- Anh vô Xê-ca Bốn có việc, phải gần tối anh mới về.

Tuy suýt soát tuổi nhau, nhưng Bồng bao giờ cũng đối xử với Mừng như đứa em út. Em thường nói với các bạn về Mừng: "Hắn dại quá đi! Thấy cái chi lạ cũng đòi coi, ai nói chi cũng tin. Người ta nói chơi hắn cũng cứ tưởng nói thật. Lừa hắn còn dễ hơn lừa con nít lên ba?."

Kim giả bộ ngại ngùng:

- Đây ra đó xa bất chết, chạy đi chạy về bở cả hơi tai.

Mừng cứ nằn nì chèo quéo:

- Xa chi, chạy ù cái là đến. Đi, đi coi cho vui đi anh?

Kim tỏ vẻ miễn cưỡng, theo Mừng chạy ra đường.

Hai đứa bước vô trạm gác. Anh lính gác đeo khẩu tiểu liên tuyn, hỏi:

- Hai chú đi mô đó? Chắc lại có lệnh lạc chi của trung đoàn?

- Tụi tui ra coi mặt thằng Việt gian.

- Việt gian coi làm chi cho nhớp mắt? - anh cười - Việt ngay đây! - Anh chỉ vào ngực mình nói - Các chú coi có hơn không?

- Coi Việt ngay thì tui coi tui còn rồi! - Mừng cười, nói - Tề, tề Việt gian ngồi chách bách đó tề!

Mừng giật giật tay Kim, chỉ người đàn ông bị trói đang ngồi tựa lưng vào cột lán.

Mừng bước đến sát trước mặt người đàn ông, mắt ngó hau háu, mũi hít hít, thắc mắc tự hỏi to thành tiếng:

- Răng không ngửi thấy mùi chi cả hè?

Kim vừa ngó thấy người đàn ông, lập tức nhận ra ngay "H.21". Tất cả các ám hiệu đều đúng như quy định. Nó run rẩy vì hoảng sợ và thất vọng. Ý nghĩ đầu tiên ập đến trong óc nó: sáng mai chắc "H.21" sẽ bị công an chiến khu tra hỏi. Hắn sẽ khai ra mọi chuyện, thế là rồi đời? Mình có thể bị xử bắn, ít ra cũng phải vô tù, bị giam giữ chưa biết đến khi mô. Tiền bạc, chuyến đi du học nước ngoài mà quan ba Sô-lê vừa hứa hẹn, phút chốc tan thành mây khói…

Người đàn ông ngồi ở góc lán cũng nhìn Kim chằm chằm, và khẽ nháy mắt ra hiệu. "H.21" cũng đã nhận ra đồng bọn, vì trước khi lên chiến khu, y được Sở mật thám cho xem kỹ ảnh của Kim. Kim lo sợ anh lính giặc nhận ra cái nháy mắt của "H.21", liền vờ quay lại hỏi chuyện anh:

- Răng chưa giải hắn vô trong tê mà còn trói hắn ở đây, anh?

- Trong tê vừa cho liên lạc ra báo là cứ giam tạm anh ta ở đây sáng sớm mai sẽ có người ra hỏi cung.

- Có chắc hắn là Việt gian không anh?

- Cũng không biết nữa. Phải chờ sáng mai mới rõ trắng đen. Anh lính gác chép miệng nói tiếp - Cũng tại số anh ta đen đủi lại nhè đúng cái ông thiên lôi Bồng của đội các chú mà hỏi đường nên mới ra nông nỗi ni. Lỡ không phải "Vê-giê" mà chịu trói ngồi cả đêm rứa, nghĩ cũng cực!

Người đàn ông nghe lỏm chuyện, nói giọng rầu rĩ:

- Oan ức tui quá các em ơi! Các em thả cho tui về với vợ con chớ không thì đêm ni vợ con tui khóc hết nước mắt!

Anh tổ trưởng gác tên là Ngưu, đã đứng tuổi, trước Cách mạng làm nghề kéo xe kéo. Anh từ sau lán bước ra, nói:

- Anh ráng chờ đến sáng mai, họ ra xét hỏi, nếu đúng anh là người ngay thì họ thả cho về thôi. Thời buổi kháng chiến, mỗi người gắng chịu cực một chút.

"H.21" nói giọng lễ phép, khúm núm:

- Dạ bẩm eng, tui cũng biết rứa, có dám oán trách chi mô! Chỉ khổ cái là ở nhà vợ dại con thơ, mỏi mắt ngóng tui về. Lúc đi, tui hẹn là chiều nay răng cũng về…

Mặt trời đã lặn khuất sau phía dãy núi xanh mung lung sương khói. Đất trời chiến khu bàng bạc một màu tím hoa sim bầm.

Mừng nói:

- Ta về thôi anh Kim, sắp tối rồi. Tui cứ ngửi mãi thằng cha nớ mà chẳng thấy mùi chi.

Kim sa sầm nét mặt, nói giọng tức tối:

- Thằng nớ nói trạng cóc rứa mà mi cũng đeo queo mà tin!

Mừng liền bênh:

- Anh mới lên chiến khu nên chưa biết mô. Anh Bồng nói cái chi cũng trúng phắp. Cả trung đoàn trưởng cả chính uỷ cũng còn nghe ý kiến anh ấy chứ anh đừng tưởng!

Kim đang rối ruột gan nên chẳng buồn cãi lại. Người đàn ông bỗng gọi hai đứa:

- Hai chú chi ơi! Tui thèm thuốc quá, mà không làm răng vấn được Nhờ hai chú lấy thuốc trong bọc tui, vấn giúp cho tui điếu thuốc.

Kim hỏi anh lính gác:

- Hắn xin hút thuốc, anh có cho hút không?

- Chú em vấn giúp cho hắn một điếu cũng được.

Kim bước lại gần, xẵng giọng hỏi:

- Thuốc men mô thì đưa đây. Tui phải về không tối.

- Dạ trong bọc tui, có cả thuốc cả máy lửa trong đó.

Kim cúi xuống móc cuộn thuốc lá trong túi áo hắn. Cặp mắt hắn vụt sáng lóe trong bóng tối nhập nhoạng góc lán. Hắn hỏi, giọng thật thà:

- Trên ni có nhiều người bán mây song không chú?

Kim-điệu rùng mình. Đó là câu mật khẩu quy định.

- Không chú ý nên tôi không được rõ lắm. - Kim đáp lại như máy. Nó bứt nhỏ hai lá thuốc, xé một mảnh lá nguyên làm giấy quấn thành điếu thuốc to cỡ ngón tay cái. Nó móc túi áo bên kia lấy cái bật lửa Tàu bò, bật lửa châm thuốc cho hắn.

Hắn rít một hơi khói, nói như gió thoảng:

- Đặt cái bật lửa xuống đất, cạnh chân.

Kim bỏ xấp thuốc vô túi hắn, và thả nhẹ cái bật lửa xuống đất "H.21" đưa bàn chân đè lên. Kim đứng lên, giọng cáu bẳn:

- Thuốc thiếc, làm người ta mất bao nhiêu thì giờ?

Trên đường trở về đội Mừng hỏi:

- Liệu thằng nớ có phải Việt Gian không anh hè?

- Đã chắc chi!

Đi một quãng, Kim làm như vừa chợt nhớ ra, nói với Mừng:

- Chút nữa về, mi đừng kể chuyện tau vấn thuốc giúp hắn với thằng Bồng nghe? Không thằng nớ lại chửi tao là dại, đi vấn thuốc giúp cho Việt gian!

- Ừ! Lỡ không phải "Vê-giê" mà tối ni phải ngồi cho muỗi đốt cả đêm nghĩ cũng thương anh hí?

20.

Đã quá nửa đêm, chiến khu Hoà Mỹ vùi sâu trong bóng đêm. Khói núi dâng lên mỗỉ lúc một thêm dày đặc. Tiếng sông Ô Lâu rì rào, tiếng coọng nước quay kẽo kẹt bất tận, nghe vang, sâu thẳm… tiếng lau lách xạc xào, tiếng những thân tre, lồ ô cọ vào nhau, hoà với tiếng dòng sông nghe như một bè trẩm dìu dặt.

Ở trạm gác tiền tiêu, đống lửa đốt giữa nhà đang lụi dần trong tiếng nổ lép bép, chỉ còn nhấp nháy những đốm than.

Khí núi về đêm càng giá buốt. Anh lính gác ngồi trước cửa lán, khẩu "tuyn" gác ngang đầu gối, ngủ gà ngủ gật.

Tên "H.21" ngồi dựa vào cái cột mà hắn bị trói liền vào đó, đầu gục xuống ngực, vẻ như đang ngủ rất say. Điếu thuốc lá tắt ngấm còn ngậm bên mép. Phía sau bức phên liếp ngăn ngôi lán ra làm hai, anh tổ trưởng và hai chiến si nằm ngủ úp thìa trên sạp nứa trần trụi, đắp hai cái bao tải được khâu liền nhau. Khẩu "mút-cơ-tông" và hai bao đạn anh Ngưu gối trên đầu. Hai phiên đổi gác, các anh đều thấy người đàn ông vẫn ngồi nguyên trong tư thế đầu cúi gằm xuống ngực mà ngủ, nên yên tâm không chú ý đến hắn nữa. Một anh còn thương hại hắn lạnh, ném lên người hắn cái bao tải. Hắn vẫn ngồi im không động đậy.

Lúc này bất ngờ hắn từ từ ngóc đầu dậy. Cặp mắt đảo nhanh nhìn ra phía anh lính gác ngồi cửa, lóe ánh hung hiểm.

Hắn nhấc bàn chân trái lên để lộ cái bật lửa, với một động tác khéo léo không ngờ, hắn dùng hai ngón chân bàn chân trái kẹp dựng cái bật lửa lên, dùng ngón chân bàn chân phải mở nắp, và đánh bánh xe bật lửa. Cái bật lửa trông cũ kỹ mà nhạy không ngờ. Ngọn lửa cháy sáng lung lay, lung lay. Hắn cúi gập người châm lửa vào đầu thuốc lá tắt ngấm. Rít mấy hơi cho đầu thuốc cháy đều, hắn thả bật lửa xuống đất. Ngọn lửa tắt. Hắn cúi đầu xuống ngực trở lại tư thế cũ, vờ như vẫn tiếp tục ngủ say. Hắn thận trọng châm đầu thuốc lá vào sợi dây dừa trói vòng qua ngực.

Ở Huế ngày trước các quán bán thuốc lá Cẩm Lệ, thường treo sợi dây dừa một đầu có lửa để khách hàng châm thuốc hút. Dây dừa có đặc tính nhạy cháy và ngùn lửa như nùn rơm.

Sợi dây dừa trói tên "H.21" khá to, hắn châm khoảng mười hơi thuốc sợi dây mới bén lửa, ngún cháy. Và khoảng ba phút sau, sợi dây dừa đứt. Hắn đã rời khỏi cây cột trói hắn vào đó. Điếu thuốc trên môi hắn lúc này chỉ còn dài khoảng hai đốt ngón tay. Hắn gắng hết sức nghiêng người châm đầu thuốc vào dây trói hai khuỷu tay. Hắn phải rít điếu thuốc cháy sát đến tận môi, sợi dây trói mới bén lửa. Hắn nhả vội điếu thuốc xuống đất, thổi nhè nhẹ vào chỗ lửa ngùn cháy. Năm phút sau hắn đã tự cởi trói hoàn toàn. Người nông dân ngờ nghệch đi mua dây mây, hiện nguyên hình tên biệt kích có hạng.

Trước cửa lán, anh lính gác thức ngủ nhiều đã thấm mệt và quá buồn ngủ. "H.21" vẫn ngồi khẽ cử động xoa bóp hai cánh tay cho bớt tê dại. Hắn hất cái bao tải trên vai xuống đất, đứng bật ngay dậy. Hắn nhảy chồm tới phía anh lính gác nhanh như thú dữ vồ mồi, giật phắt khẩu tiểu liên anh gác ngang trên đùi. Anh lính gác bị tước súng bất thình lình, vụt tỉnh cơn buồn ngủ, chới với, hốt hoảng, chồm dậy để giật khẩu súng lại. Nhưng hắn đã kịp thời nhảy lùi lại, co chân đạp anh ngã nhào xuống đất. Anh chưa kịp kêu, hắn đã bật chốt an toàn khẩu súng, nổ liền hai phát vào giữa ngực anh. Ba anh lính ngủ sau phên liếp nghe súng nổ, bừng tỉnh, nhảy xuống sạp. Nhưng vừa ló mặt ra ngoài phên liếp, cả ba anh đã hứng cả băng đạn tiểu liên quất ngang mặt.

Hạ thủ xong cả tổ gác trạm tiền tiêu, tên "H.21" xách súng lùi vào bóng tối, vượt qua sông Ô Lâu.

Trời vừa rạng sáng, cả chiến khu Hoà Mỹ đã biết tin bốn chiến sĩ tổ gác trạm tiền tiêu phía Nam Xê-ca bị một tên Việt gian giết hại.

Gian lán chật ních những người. Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng trung đoàn cũng có mặt. Các anh xem xét hiện trường, nhìn sợi dây trói còn ngùn lửa, cái bật lửa nằm lăn lóc trên mặt đất, phán đoán diễn biến của sự việc.

Có lẽ người tức giận hơn cả trước cảnh tượng này là Bồng-da-rắn. Em báo cáo với các anh đầu đuôi việc em lừa bắt tên Việt gian đội lốt đi mua mây, cả việc em đã giật phắt điếu thuốc tên này đang hút, vứt đi. Em nhìn xác bốn anh lính gác, đau xót, tức tối nói:

- Tui chắc là một trong bốn anh ni đã thương hắn, vẫn thuốc cho hắn hút, hắn mới đốt được dây trói!

Em cúi nhìn những gương mặt bất động đầy máu của các anh lính gác, vừa khóc vừa nói:

- Tui đã dặn đi dặn lại các anh, hắn đúng là Việt gian, phải gác xách cho cẩn thận, rứa mà các anh không tin tui, các anh cứ vấn thuốc cho hắn hút? - Em bất thần gào to như điên dại - Chớ anh mô đã vấn thuốc cho hắn hút? Răng không anh mô nói đi!

Nhưng cả bốn anh lính gác đều câm lặng, mang theo sự bí ẩn xuống mồ.

Trong số những người có mặt lúc đó, có hai người là Mừng và Kim biết điều bí ẩn này. Nhưng Mừng sợ hãi không dám nói, còn Kim ngoái mặt làm bộ đau xót nhưng trống ngực nó đập rộn lên vì mừng. Thế là nguy cơ đe doạ nó không còn nữa!

Mừng đứng úp mặt vào cây cột lán và khóc. Đôi vai con nít gầy guộc trong tấm áo rách rưới của em cứ rung lên từng hồi.

Kim đến kéo tay em đi ra một góc sân, thì thầm với giọng hăm doạ:

- Mi mà nói lộ chuyện ra thì cả tao cả mi sẽ bị trung đoàn xử bắn. Họ không tha mô. Mi nhớ nghe!

Mừng kéo vạt áo lau nước mắt, buồn bã gật đầu.

Trung đoàn trưởng ra lệnh cho mọi người giải tán, trở về đơn vị. Ông nói với tham mưu trưởng:

Việc này anh cần thông báo gấp cho toàn trung đoàn. Các đơn vị phải tổ chức học tập, liên hệ, rút kinh nghiệm. Đây là một bài học vô cùng sâu sắc và đau đớn: với kẻ thù, nếu mất cảnh giác, chúng ta phải trả bằng giá máu?

21.

Nhưng rồi đơn vị Thiếu niên Trinh sát chưa kịp tổ chức học tập về ý thức cảnh giác cách mạng như thông báo và chỉ thị của Trung đoàn, em Mừng vì đại dột đã phạm tiếp một lỗi lầm khác, nghiêm trọng không kém, mà em phải trả giá bằng chính cả cuộc đời em.

Sáng hôm đó, Bồng được đội trưởng cử về đồng bằng gọi các tổ trinh sát về gấp chiến khu để học tập và chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.

Đội trưởng cùng với Mừng và Kim dọn dẹp, sửa sang, tổng vệ sinh lán trại để đón đội về. Kim-điệu đang nhổ cỏ quét sân thì nhăn nhó kêu đau bụng. Đội trưởng cho vào lán nằm nghỉ.

Nó nằm co người, tay ôm bụng. Chốc chốc nó lại vò giấy chạy vào hố xí. Mỗi lần đi ngoài nó ngồi khá lâu, lúc trở về vào bước chân lảo đảo, nằm vật xuống sạp nứa, thở dốc, vẻ rất mệt nhọc. Đội trưởng tìm miếng gừng, giã nhỏ hoà nước cho nó uống. Anh nói:

- Nếu không khỏi thì sáng mai anh sẽ đưa em vào bệnh viện.

Đội trưởng và Mừng dọn dẹp gần đến trưa mới xong. Cả hai anh em lấm láp từ đầu đến chân. Hai anh em định ra sông tắm giặt. Đội trưởng nói:

- Hai tay em ghẻ lở loét thế kia thì giặt thế nào được. Cởi áo quần, anh giặt cho một thể. Em ở nhà trông nhà. Anh tắm giặt xong, em sẽ ra tắm sau.

Đội trưởng gom gần chục cái bao tải quân trang của các em, ôm cùng với áo quần của Mừng, đi ra sông Ô Lâu. Hôm đó trời nắng to, anh muốn giặt sạch phơi khô để lúc các em ở đồng bằng lên có cái mà đắp.

Đội trưởng đi được một lúc, Kim chống tay ngồi dậy, làm bộ nhăn nhó nói với Mừng:

- Tau đi ngoài nhiều, chừ thấy đói bụng quá. Mi ra quán o Liền mua giúp cho tau mấy chục đồng xôi chè, đem về đây hai đứa ta cùng ăn… Hay mi thích ngồi ăn luôn ngoài quán thì ăn trước đi, rồi mang về cho tau một ít thôi. Nó móc túi quần sau lấy đưa cho Mừng mấy tờ giấy bạc mười đồng.

Mừng ngần ngừ:

- Nhưng đội trưởng dặn phải ở nhà coi nhà. Sợ bỏ đi, anh về anh la… Hay chờ đội trưởng tắm giặt về rồi tôi đi mua cho.

- Thì tau coi cho cũng được chớ răng? Tau đau nằm nhắm mắt rứa chứ có ngủ được mô.

Nghĩ đến xôi chè, Mừng cũng thấy bụng cồn cào, thèm rệu nước miệng. Em cầm hai cái ca để mua chè đậu đen đặc.

Mừng nói:

- Rứa anh coi giúp cho tui với nghe. Có hai đến hỏi việc chi, anh cứ nói họ ngồi đó chờ, rồi đội trưởng lên. Anh nhớ đừng cho họ tự tiện đi vô buồng của đội trưởng nghe. - Em chỉ về phía cuối lán - trong nớ anh để nhiều giấy tờ tài liệu mật…

Cuối lán, đội trưởng đan phên liếp ngăn ra một khoảng rộng chừng ba bốn mét vuông, làm buồng làm việc. Buồng có cánh cửa ken bằng tre lồ ô chẻ nhỏ. Trong buồng có một sạp nứa hẹp, một cái bàn mặt nứa ghép, một cái ghế làm bằng khúc thân cây. Chân bàn, ghế đều đóng sâu xuống đất kiểu thông dụng trong khắp các lán trại ở chiến khu. Cạnh bàn có khuôn cửa sổ, cánh cửa cũng bằng phên liếp mở đóng theo kiểu chống lên, hạ xuống.

Nghe Mừng dặn dò, Kim cau trán gắt:

- Mi không phải dặn. Tau chẳng dại thua mi mô!

Mừng chạy ra khỏi lán. Quán o Liền bán xôi chè là quán xa nhất, ở cuối dãy hàng quán Tiền chiến khu.

Kim đang nằm ôm bụng, lập tức vùng ngay dậy. Nó chạy ra phía hố xí, rẽ lau lách, chui sâu vào bên trong. Đến bụi lau rậm có đánh dấu bằng một khúc cây mục, nó khom người rúc đầu moi dưới đất lên cái túi vải nhựa bên trong đựng khẩu súng lục kiểu Xanh-tê-chiên, đạn và máy ảnh chuyên dùng của điệp viên. Nó giắt súng vào bên trong bụng áo, máy ảnh đút túi, rồi chạy vụt trở vào lán.

Nó đẩy cánh cửa gian buồng của đội trưởng. Chiếc xà cột da sờn cũ mà đội trưởng vẫn dùng từ ngày còn ở mặt trận Huế, treo lủng lẳng trên con sỏ tre. Cái xà cột này là vật bất ly thân của đội trưởng, đi đâu anh cũng mang theo. Lúc nãy vì phải ôm cả một bao tải, áo quần, nên anh phải để xà cột lại buồng, và dặn Mừng trông nhà. Tất cả những sự việc này đều không lọt khỏi mắt Kim, mặc dầu lúc đó nó đang nằm ôm bụng, nhắm mắt.

Nó đứng lên sạp lấy cái xà cột, mở nắp, ghé mắt lục tìm bên trong và rút ra tấm bản đồ bố phòng chiến khu. Mặt sau tấm bản đồ này có bồi vải mỏng để giữ cho bản đồ khỏi rách. Nó trải rộng tấm bản đồ lên mặt bàn nứa, chống hé cái cửa liếp lên để lấy ánh sáng. Nó rút máy ảnh trong túi quần ra và đưa lên chụp tấm bản đồ bố phòng chiến khu từng khuôn một. Nó phải chụp mười khuôn mới hết tấm bản đồ. Vừa chụp xong khuôn cuối cùng, bỗng có tiếng Mừng gọi phía trước cửa lán:

- Anh Kim mô rồi? Chỉ mua được xôi, chưa có chè - chè chưa chín!

Nó không ngờ Mừng quay về sớm đến thế! Nó luống cuống hoảng hốt, đặt cái máy ảnh xuống góc bàn, gấp vội tấm bản đồ định nhét trả vào xà cột. Nhưng Mừng đã xô cửa buồng bước vào, tay vẫn lăm lăm cầm gói xôi. Thấy Kim cầm tấm bản đồ đã gấp làm tám, nhưng chỉ thoáng nhìn Mừng biết ngay đó là tấm bản đồ tối mật. Mừng tái mặt, kêu run, hoảng sợ:

- Ui chao? Răng anh dám tự tiện lục tấm bản đồ đó của đội trưởng ra coi?

- Tao định coi nhờ đường vô Xê-ca Bảy đi lối nào gần hơn, để lỡ chiều ni nó có phải đi bệnh viện thì đi lấy một mình…

Kim ấp úng chống chế và loay hoay nhét tấm bản đồ vào xà cột, Và treo trả lên con sỏ tre.

- Cần đi thì tui dắt anh đi, việc chi phải coi trộm bản đồ? Đội trưởng mà biết thì anh giận lắm! - Mừng nói giọng run rẩy, và hai mắt em nước mắt đã rơm rớm. Mừng chợt thấy cái máy ảnh nhỏ xíu như một thứ đồ chơi, để ở góc bàn, đưa tay ra cầm lấy và hỏi:

- Cái chi ri?

Kim hoảng sợ đưa tay chộp lấy cái máy ảnh, nhét vào túi áo bên trái và cài khuy nắp túi áo lại, miệng luống cuống ừ ào:

- Cái hộp đựng tiền của tao…

Mừng đứng sững, mắt đăm đăm nhìn Kim. Kim bỗng ôm bụng nhăn nhó, tay vò vò tờ giấy loại, nói giọng cuống quýt:

- Tao lại buồn đi ca-bi-nê… Mi cứ ăn xôi trước đi, chút nữa tau vô tau ăn… ăn rồi, mi chạy ra quán coi chè đã chín chưa, mua về cho tau ăn với nghe… Vừa nói Kim vừa ôm bụng lách mình bước ra khỏi buồng và chạy về phía hố xí.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx